Tình hình kinh tế - xã hội tháng một năm 2011
_________
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng Một tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân và gieo trồng cây vụ đông trên cả nước. Tính đến ngày 15/01/2011, cả nước đã gieo cấy được 1947,6 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 103,5% cùng kỳ năm trước. Tiến độ gieo cấy lúa đông xuân tại các địa phương phía Bắc khá nhanh, đạt 86,6 nghìn ha, bằng 117,2% cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài và thiếu nước canh tác tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của mạ. Để khắc phục khó khăn, các địa phương đang khẩn trương tiến hành nạo vét kênh mương, bảo đảm hệ thống thủy lợi hoạt động hiệu quả khi có nguồn nước xả từ các hồ thủy điện, đồng thời tập trung phòng, chống rét cho cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại.
Các địa phương phía Nam gieo cấy được 1861 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 103% cùng kỳ năm trước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1535,4 nghìn ha, bằng 102,7%. Tuy nhiên, sản xuất lúa đông xuân toàn vùng đang gặp khó khăn do thiếu nước tưới và sâu bệnh xuất hiện trên diện rộng. Một số tỉnh có nhiều diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh là: Đồng Tháp 34,4 nghìn ha; Kiên Giang 22,8 nghìn ha; Bạc Liêu gần 25 nghìn ha; An Giang hơn 15 nghìn ha.
Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 217,3 nghìn ha ngô, bằng 105,4% cùng kỳ năm trước; 69,6 nghìn ha khoai lang, bằng 100,3%; 95,7 nghìn ha đậu tương, bằng 112,3%; 253,6 nghìn ha rau, đậu, bằng 111,9%.
Chăn nuôi trong tháng cũng gặp nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 26/01/2011, số gia súc chết do rét khoảng trên 30 nghìn con, chủ yếu là trâu, bò già và bê, nghé. Một số tỉnh có số gia súc chết nhiều là: Lạng Sơn 6 nghìn con; Cao Bằng 4,8 nghìn con; Lào Cai và Lai Châu cùng có 3,7 nghìn con; Sơn La 2,4 nghìn con; Hà Giang 2,1 nghìn con; Yên Bái 1,2 nghìn con.
Các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét và kiểm dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Tính đến ngày 26/01/2011, dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh trên lợn đã được khống chế; dịch lở mồm long móng trên trâu, bò chưa qua 21 ngày còn xuất hiện ở 12 tỉnh là: Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Kon Tum, Tuyên Quang.
Lâm nghiệp
Do thời tiết rét đậm nên việc triển khai trồng rừng tập trung tại các địa phương đang gặp khó khăn. Hoạt động lâm nghiệp trong tháng chủ yếu tập trung vào chăm sóc cây giống, trồng cây phân tán và khai thác lâm sản. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán trong tháng đạt 558,5 nghìn cây, xấp xỉ cùng kỳ năm 2010. Sản lượng gỗ khai thác ước tính 300 nghìn m3, tăng 7,1%. Sản lượng củi khai thác ước tính 2380 nghìn ste, tăng 1,3%.
Thời tiết khô hạn tại một số địa phương gây nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Do đó các địa phương đang tích cực triển khai công tác tuyên truyền, diễn tập phòng và chữa cháy rừng để chủ động và sẵn sàng đối phó khi có tình huống xảy ra. Trong tháng vẫn xuất hiện hiện tượng chặt, phá rừng trái phép tại một số địa phương, tuy nhiên diện tích bị thiệt hại không lớn, khoảng 26 ha, trong đó Đắk Lắk là 24 ha.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng 01/2011 ước tính đạt 356,4 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 270,4 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 30,9 nghìn tấn, tăng 4,7%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 01/2011 ước tính đạt 161,5 nghìn tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó cá đạt 121 nghìn tấn, tăng 8%; tôm đạt 21,5 nghìn tấn, tăng 7,5%. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tăng khá chủ yếu do tiêu thụ cá tra có nhiều thuận lợi, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu trên thị trường tăng cao. Lượng cá tra nguyên liệu hiện tại đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy chế biến. Tuy nhiên thời gian tới nguồn cá tra nguyên liệu có khả năng bị giảm sút, một mặt do chi phí đầu vào tăng gây tâm lý lo ngại cho người nuôi, mặt khác nguồn vốn vay để đầu tư phát triển nuôi cá tra của các hộ đang gặp một số khó khăn. Sản lượng tôm nuôi tăng chủ yếu từ nguồn thu hoạch trên phần diện tích thả nuôi tỉa thưa và thả bù. Bên cạnh đó, giá tôm đang ở mức cao đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích thả nuôi.
Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 01/2011 ước tính đạt 194,9 nghìn tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 149,4 nghìn tấn, giảm 3,9%; tôm đạt 8,8 nghìn tấn, giảm 1,1%. Sản lượng thủy sản khai thác đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2010 chủ yếu do ảnh hưởng của gió mùa làm biển động mạnh và thời gian cận Tết Nguyên đán nên nhiều tàu, thuyền tạm ngừng bám biển khai thác.
Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng Một theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 73,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 6,7% (Trung ương quản lý tăng 7,8%, địa phương quản lý tăng 1,9%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 18,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,5% (dầu mỏ và khí đốt tăng 3,7%, các ngành khác tăng 20%).
Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung là: Khí hóa lỏng tăng 36,2%; giày thể thao tăng 35,1%; gạch lát ceramic tăng 32,5%; lốp ô tô, máy kéo tăng 26,8%; kính thủy tinh tăng 20,7%; xi măng tăng 18,9%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 17,2%. Một số sản phẩm có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Thép tròn tăng 15,9%; sữa bột tăng 15,4%; điện sản xuất tăng 14,3%; xe máy tăng 13,5%; quần áo người lớn tăng 12,4%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm là: Sơn hóa học tăng 6,7%; nước máy thương phẩm tăng 6%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 3,8%; dầu thô khai thác tăng 3,5%; bia tăng 3,3%; xe chở khách tăng 2%; than sạch tăng 1,9%; thuốc lá điếu tăng 1,2%; giầy, dép, ủng bằng da giả tăng 1%; xà phòng giặt giảm 3,7%; tủ lạnh, tủ đá giảm 5,2%; máy giặt giảm 5,7%; tivi lắp ráp giảm 15,3%; xe tải giảm 41,6%; điều hòa nhiệt độ giảm mạnh ở mức 78,2%.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2010 tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số sản phẩm có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sữa bột tăng 136,9%; sữa tươi tiệt trùng tăng 68%; Điều hòa nhiệt độ tăng 65,5%; thép tấm tăng 55,3%; sơn dùng trong xây dựng tăng 49,4%; xà phòng giặt tăng 36%; giày, dép vải tăng 26,9%; cà phê hỗn hợp hòa tan tăng 23,6%; nước uống có ga tăng 22%; bia lon tăng 14,2%. Cũng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số tồn kho một số sản phẩm tại thời điểm 01/01/2011 giảm so với cùng thời điểm năm 2010 là: Thuốc lá đầu lọc giảm 35%; bia giảm 43,2%; xà phòng tắm giảm 10,7%; cà phê bột giảm 9,3%; giày, dép ủng bằng da giả giảm 8,9%; đường chưa luyện giảm 5,2%.
Theo kết quả điều tra lao động của 4218 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, số lao động tháng 01/2011 của các doanh nghiệp trên tăng 0,7% so với tháng trước. Trong ba ngành công nghiệp cấp I, lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,5%; ngành công nghiệp khai thác tăng 0,2%; ngành công nghiệp điện, nước tăng 4,3%.
Cũng theo kết quả điều tra trên, biến động lao động tháng 01/2011 so với tháng 12/2010 trong các doanh nghiệp của một số tỉnh, thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn như sau: Đà Nẵng tăng 0,1%; Bình Dương tăng 0,3%; Hải Phòng tăng 0,4%; Đồng Nai tăng 0,5%; Vĩnh Phúc tăng 0,6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,8%; Hải Dương tăng 1,2%; Bắc Ninh tăng 3,1%; Hà Nội giảm 0,1%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 11,1%.
Đầu tư
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 01/2011 ước tính đạt 12998,2 tỷ đồng, bằng 7,5% kế hoạch năm, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 3183 tỷ đồng, bằng 7,6% kế hoạch năm, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải 520 tỷ đồng, bằng 7%; Bộ Công thương đạt 260 tỷ đồng, bằng 6,4%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 165 tỷ đồng, bằng 4,5%; Bộ Y tế 72 tỷ đồng, bằng 8%; Bộ Xây dựng 61 tỷ đồng, bằng 6,2%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 58 tỷ đồng, bằng 6,5%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 37 tỷ đồng, bằng 6,6%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 9815,2 tỷ đồng, bằng 7,5% kế hoạch năm. Một số địa phương có vốn đầu tư thực hiện lớn là: Hà Nội đạt 987,8 tỷ đồng, bằng 5,3% kế hoạch năm; Sơn La 638 tỷ đồng, bằng 8,4%; thành phố Hồ Chí Minh 521,9 tỷ đồng, bằng 4,2%; Đà Nẵng 443,3 tỷ đồng, bằng 12,9%; Thanh Hóa 400 tỷ đồng, bằng 8,2%; Quảng Ninh 366,3 tỷ đồng, bằng 7,5%; Hậu Giang 274,6 tỷ đồng, bằng 17%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài tháng 01/2011 ước tính đạt 187,6 triệu USD, bằng 15,7% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký của 40 dự án được cấp phép mới đạt 182,3 triệu USD (bằng 55,6% số dự án và bằng 15,6% số vốn so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung của 5 dự án được cấp phép từ các năm trước với 5,3 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 01/2011 ước tính đạt 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong tháng 01/2011, vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 70 triệu USD, bao gồm 68,4 triệu USD của 15 dự án cấp phép mới và 1,6 triệu USD vốn tăng thêm. Lĩnh vực xây dựng có 9 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 63,6 triệu USD.
Cả nước có 11tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong tháng Một, trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu có số vốn đăng ký lớn nhất với 78,4 triệu USD, chiếm 43% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 43 triệu USD, chiếm 23,6%; Hà Tĩnh 20 triệu USD, chiếm 11%; Hưng Yên 18 triệu USD, chiếm 9,9%; Quảng Nam 8,7 triệu USD, chiếm 4,8%; Đồng Nai 7,8 triệu USD, chiếm 4,3%; Hà Nội 2,4 triệu USD, chiếm 1,3%.
Trong số 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tháng 01/2011, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 56,7 triệu USD, chiếm 31,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 49,9 triệu USD, chiếm 27,4%; Nhật Bản 26,1 triệu USD, chiếm 14,3%; Bru-nây 25 triệu USD, chiếm 13,7%; Ca-na-đa 20,1 triệu USD, chiếm 11%...
Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 01/2011 ước tính bằng 4% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 4,4%; thu từ dầu thô bằng 3,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 3%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 4,8%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 4%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 4,4%; thuế thu nhập cá nhân bằng 3,1%; thu phí xăng dầu bằng 4,3%; thu phí, lệ phí bằng 3,7%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 01/2011 ước tính bằng 3,4% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 2,6%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính bằng 3,9%; chi trả nợ và viện trợ bằng 3,7%.
Thương mại, giá cả, dịch vụ
Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2011 ước tính đạt 149,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,9%. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một năm nay, kinh doanh thương nghiệp đạt 118,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn, nhà hàng 16,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6%; dịch vụ 13,6 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6%; du lịch đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 01/2011 ước tính đạt 6 tỷ USD, giảm 20% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm như: Dệt may giảm 24%; giày dép giảm 28,9%; thủy sản giảm 22,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 24,8%; gạo giảm 25,4%; điện tử máy tính giảm 17,4%. So với cùng kỳ năm 2010, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Một năm nay tăng 18,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 3,2 tỷ USD, tăng 10,9%.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2011 của một số mặt hàng chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng dệt may đạt 900 triệu USD, tăng 10,6%; thủy sản đạt 400 triệu USD, tăng 30%; điện tử, máy tính đạt 300 triệu USD, tăng 28,4%; cao su đạt 337 triệu USD, tăng 145,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 300 triệu USD, tăng 1,8%; cà phê đạt 266 triệu USD, tăng 30,4%. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tháng Một năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do lượng giảm như: Dầu thô đạt 473 triệu USD, giảm 2,4% (lượng giảm 17,2%); gạo đạt 194 triệu USD, giảm 5% (lượng giảm 7,9%); than đá đạt 96 triệu USD, giảm 4,8%, (lượng giảm 40,5%).
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 01/2011 ước tính đạt 7 tỷ USD, giảm 20,4% so với tháng trước, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng trước, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 20,3%; vải giảm 24,5%; chất dẻo giảm 21,9%; sắt thép giảm 16,4%. So với cùng kỳ năm 2010, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng 15,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,9 tỷ USD, tăng 19,2%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng Một của một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm 2010 là: Xăng dầu đạt 700 triệu USD, tăng 58,3% (lượng tăng 23,5%); sắt thép đạt 432 triệu USD, tăng 27,7% (lượng tăng 12,4%); vải đạt 400 triệu USD, tăng 24,2%; chất dẻo đạt 296 triệu USD, tăng 16,4%; hóa chất đạt 160 triệu USD, tăng 8,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 180 triệu USD, tăng 17,6%. Nhập siêu tháng 01/2011 ước tính 1 tỷ USD, giảm 22,7% so với tháng trước và bằng 16,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2011 tăng 1,74% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhưng đã giảm so với hai tháng trước (Tháng 11/2010 tăng 1,86%, tháng 12/2010 tăng 1,98%). Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,89%; tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,47% (lương thực 2,28%, thực phẩm 2,74%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,81%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,67%; nhà ở và vật liệu xây tăng 1,33%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thấp hơn, ở dưới mức dưới 1% là: Giao thông tăng 0,81%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,77%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,58%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,36%. Riêng bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2011 so với cùng kỳ năm 2010 tăng 12,17%.
Vận tải hành khách và hàng hoá
Vận tải hành khách tháng 01/2011 ước tính đạt 212,6 triệu lượt khách, tăng 14,7% và 9,6 tỷ lượt khách.km, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hành khách đường bộ tháng Một năm nay ước tính đạt 194,8 triệu lượt khách, tăng 15,4% và 6,8 tỷ lượt khách.km, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2010; đường sông đạt 15,2 triệu lượt khách, tăng 7,6% và 322 triệu lượt khách.km, tăng 13,8%; đường sắt đạt 878 nghìn lượt khách, bằng cùng kỳ năm trước và 301 triệu lượt khách.km, giảm 4,3%; đường không đạt 1,2 triệu lượt khách, tăng 10,6% và 2,1 tỷ lượt khách.km, tăng 27,2%.
Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 01/2011 ước tính đạt 66 triệu tấn, tăng 11,3% và 16,2 tỷ tấn.km, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 62,2 triệu tấn, tăng 11,5% và 4,7 tỷ tấn.km, tăng 8,3%; vận tải ngoài nước đạt 3,9 triệu tấn, tăng 6% và 11,5 tỷ tấn.km, tăng 10,5%. Vận tải hàng hoá đường bộ tháng Một năm nay ước tính đạt 50,7 triệu tấn, tăng 12,5% và 2,7 tỷ tấn.km, tăng 7,7%; đường sông đạt 10,1 triệu tấn, tăng 5,1% và 1,6 tỷ tấn.km, tăng 1,9%; đường biển đạt 4,5 triệu tấn, tăng 14,2% và 11,5 tỷ tấn.km, tăng 11,9%; đường sắt đạt 636 nghìn tấn, giảm 7,3% và 374 triệu tấn.km, tăng 2,3%.
Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới tháng 01/2011 ước tính đạt 3 triệu thuê bao, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm 10,7 nghìn thuê bao cố định, bằng 3,5% tháng 01/2010và gần 3 triệu thuê bao di động, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến hết tháng 01/2011 ước tính đạt 174,1 triệu thuê bao, tăng 35,3% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 16,5 triệu thuê bao cố định, tăng 3,1% và 157,6 triệu thuê bao di động, tăng 39,9%. Tính đến hết tháng 01/2011, số thuê bao điện thoại của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 91,9 triệu thuê bao, tăng 28,6% so với cùng thời điểm năm 2010, bao gồm 11,7 triệu thuê bao cố định, tăng 1,2% và 80,2 triệu thuê bao di động, tăng 34%.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến hết tháng 01/2011 ước tính đạt 3,8 triệu thuê bao, tăng 24,5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt gần 2,7 triệu thuê bao, tăng 24%. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông tháng 01/2011 ước tính đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, tăng 54,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 7,6 nghìn tỷ đồng, tăng 52%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta tháng 01/2011 ước tính đạt 470 nghìn lượt người, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 270 nghìn lượt người, tăng 4,3%; đến vì công việc đạt 90 nghìn lượt người, tăng 13%; thăm thân nhân đạt 60 nghìn lượt người, tăng 13,4%; khách đến với mục đích khác đạt 50 nghìn lượt người, tăng 25,1%.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta lớn trong tháng Một và tăng so với cùng kỳ năm 2010 là: Trung Quốc đạt 79,8 nghìn lượt người, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2010; Hàn Quốc đạt 45 nghìn lượt người, tăng 4,6%; Hoa Kỳ đạt 43,4 nghìn lượt người, tăng 6,4%; Nhật Bản đạt 38,2 nghìn lượt người, tăng 10,9%; Đài Loan đạt 31,3 nghìn lượt người, tăng 29%; Cam-pu-chia đạt 21,5 nghìn lượt người, tăng 41,2%; Ma-lai-xi-a đạt 15,1 nghìn lượt người, tăng 2,6%.
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính đến 19/01/2011, cả nước có 62,6 nghìn hộ thiếu đói với 250,7 nghìn nhân khẩu bị thiếu đói. So với cùng kỳ năm 2010, số hộ thiếu đói tăng 48,8%, số nhân khẩu thiếu đói tăng 41,2%. Hộ thiếu đói tập trung chủ yếu tại các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên.
Để khắc phục tình trạng thiếu đói, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2011 về việc hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và giáp hạt năm 2011, theo đó Bộ Tài chính xuất cấp (Không thu tiền) 33816 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 11 tỉnh gồm: Bình Định, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Sơn La. Tiếp theo đó, ngày 25 tháng 01 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và giáp hạt năm 2011, theo đó Bộ Tài chính xuất cấp (Không thu tiền) 3730 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 3 tỉnh gồm: Yên Bái, Ninh Bình, Ninh Thuận. Ngoài ra, trong tháng các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ các hộ thiếu đói trên 1 nghìn tấn lương thực.
Tình hình dịch bệnh
Trong tháng 01/2011, cả nước có 2,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; hơn 200 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 21 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu; 12 trường hợp mắc viêm não virút; 7 trường hợp mắc thương hàn và 3 trường hợp mắc cúm A (H1N1). Mặc dù mới tháng đầu năm nhưng trên địa bàn cả nước đã xẩy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ làm hơn 1 nghìn trường hợp bị ngộ độc. Để bảo đảm an toàn cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng các loại thực phẩm.
Cũng trong tháng 01/2011, cả nước đã có 2,6 nghìn trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, nâng tổng số người nhiễm HIV tính đến 16/01/2011 lên 233,7 nghìn người, trong đó 93,5 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 49,5 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tai nạn giao thông
Theo báo cáo sơ bộ, trong tháng 12/2010 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1219 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1006 người và làm bị thương 831 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,9%, số người chết tăng 0,9% và số người bị thương giảm 3,9%. So với cùng kỳ năm 2009, số vụ tai nạn giao thông giảm 12,3%, số người chết giảm 10,7% và số người bị thương giảm 9,9%.
Tính chung năm 2010, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 13,8 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 11,4 nghìn người và làm bị thương 10,1 nghìn người. So với năm 2009, số vụ tai nạn giao thông tăng 13,2%, số người chết giảm 0,1% và số người bị thương tăng 32,2%. Bình quân một ngày trong năm 2010, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 28 người. Để cải thiện hơn tình hình an toàn giao thông, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng trên cả nước đã và đang phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa tai nạn giao thông xảy ra.
Thiệt hại thiên tai
Trong tháng 01/2011, rét đậm, rét hại kéo dài tại các vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số tỉnh vùng Tây Nguyên đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư. Theo báo cáo sơ bộ, thời tiết rét đã làm hơn 4 nghìn ha lúa, 300 ha mạ và 200 tấn thóc bị hư hỏng với trên 30 nghìn con gia súc bị chết.
Công tác phục vụ hàng hóa tiêu dùng Tết Nguyên đán Tân Mão
Thực hiện Chỉ thị 2164/CT-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 và Công điện số 2358/CĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, các Bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương lên kế hoạch và phân công cụ thể cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa thiết yếu, phục vụ cung ứng hàng tại các điểm kinh doanh chính, đồng thời đưa hàng về bán lưu động tại các địa bàn trọng điểm như: Thị trấn, thị xã, khu vực đông dân cư. Ngoài ra các địa bàn miền núi cũng được cung ứng đầy đủ các mặt hàng cần thiết như: Muối iốt, dầu lửa…để phục vụ đối tượng thuộc diện chính sách. Song song với việc tổ chức các điểm bán hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá các sản phẩm may mặc, tiêu dùng cũng được thực hiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên cả nước tham gia bình ổn giá đã triển khai hàng nghìn điểm bán lẻ tại các khu vực thành thị và nông thôn, đáp ứng nhu cầu mua hàng giá rẻ hơn 10% đối với các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt, cá, đường, sữa, mì gói, dầu ăn, bột ngọt, bánh kẹo, trong đó thành phố Hồ Chí Minh mở hơn 2 nghìn điểm bán hàng bình ổn giá và Hà Nội có gần 400 điểm.
Để từng bước đạt được những kết quả tích cực nhằm thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, các ngành, các cấp và địa phương cần thực hiện nghiêm, đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây:
Một là, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các loại hình kinh tế. Tăng cường giám sát chặt chẽ lạm phát, đầu tư và chi tiêu công. Thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân phối và cung ứng điện cũng như tập trung đầu tư, cải tạo và nâng cấp lưới điện. Trong những ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Mão, nhu cầu sử dụng điện của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân rất lớn. Do đó cần thường xuyên củng cố các tổ điều hành cung ứng điện cũng như duy tu, bảo dưỡng lưới điện và trạm điện để bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt trong dịp Tết Nguyên đán.
Ba là, duy trì tỷ giá và kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng ở mức hợp lý. Tuân thủ nghiêm túc các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Thực hiện nghiêm việc niêm yết và mua bán ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong điều hành chính sách tiền tệ cần sử dụng công cụ linh hoạt và phù hợp, đồng thời bảo đảm các chính sách nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bảo đảm tốt tính thanh khoản thường xuyên của các ngân hàng thương mại, đặc biệt trong các thời điểm có nhu cầu thanh toán cao. Xây dựng cơ chế điều hành giá theo thị trường đi đôi với bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Bốn là, tiếp tục thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Theo đó phải rà soát kỹ khả năng về mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Xây dựng đề án xuất khẩu cụ thể đối với từng nhóm mặt hàng và từng thị trường. Tăng cường giám sát hoạt động tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu. Kiểm soát và điều tiết việc cho vay vốn nhập khẩu các loại hàng không thiết yếu, hàng xa xỉ. Xây dựng chương trình cụ thể cho việc phát triển sản xuất các loại sản phẩm, nguyên liệu thay thế hàng nhập khẩu. Khuyến khích việc cho các doanh nghiệp vay để sản xuất các mặt hàng có thị trường xuất khẩu lớn.
Năm là, trước những diễn biến bất lợi về thời tiết, các địa phương cần tập trung nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp chống rét cho gia súc, gia cầm và chống hạn cho vụ đông xuân năm nay. Một mặt chủ động thực hiện hợp lý việc chuyển đổi sang trồng những loại cây không cần nhiều nước cho sự sinh trưởng, mặt khác có kế hoạch nạo vét kênh mương và tu sửa các công trình thủy lợi để bảo đảm việc trữ nguồn nước tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, Ngành Nông nghiệp và Ngành Điện cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các phương án tối ưu nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện cho việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn nước tưới.
Sáu là, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc niêm yết giá và chất lượng sản phẩm trên thị trường trong những ngày giáp và sau Tết Nguyên đán Thực hiện thường xuyên và quyết liệt công tác thanh tra việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Giám sát chặt chẽ việc lưu thông, phân phối các mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như: Thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, rượu, nước giải khát, v.v…, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bảy là, các cấp, các ngành và địa phương dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão. Theo đó cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình cũng như hoạt động thiết thựcđể hỗ trợ và chăm lo tết chu đáo, góp phần giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo và người lao động có thu nhập thấp.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ