Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011
__________
Kinh tế - xã hội nước ta sáu tháng đầu năm 2011 diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Giá các hàng hóa chủ yếu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng tăng. Một số nền kinh tế lớn mặc dù vừa phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng đang tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và bất ổn. Ở trong nước, lạm phát tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh vẫn xảy ra trên cây trồng, vật nuôi. Những yếu tố bất lợi trên đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư.
Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp, các tập đoàn kinh tế và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Trong đó trọng tâm là Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, sự nỗ lực khắc phục khó khăn và chủ động trong điều hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh sáu tháng đầu năm của các ngành và lĩnh vực cụ thể như sau:
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2011 ước tính tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó quý I tăng 5,43%; quý II tăng 5,67%. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế sáu tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,49%, đóng góp 2,64 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 2,57 điểm phần trăm. Trong tổng sản phẩm trong nước sáu tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,9%; khu vực dịch vụ chiếm 37,33%.
Bảng 1: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm
so với cùng kỳ năm trước
Đơn vị tính: %
|
6 tháng đầu năm 2010
|
6 tháng đầu năm 2011
|
Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2011
|
Tổng số
|
6,18
|
5,57
|
5,57
|
Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
|
3,46
|
2,08
|
0,36
|
Công nghiệp và xây dựng
|
6,49
|
6,49
|
2,64
|
Dịch vụ
|
7,05
|
6,12
|
2,57
|
Tổng sản phẩm trong nước sáu tháng đầu năm 2011
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sáu tháng đầu năm 2011 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 107,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm nông nghiệp đạt 77,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3%; lâm nghiệp đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% và thuỷ sản đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1%.
a. Nông nghiệp
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân năm 2011 cả nước đạt 3096,2 nghìn ha, tăng 10,3 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2010, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1151,2 nghìn ha, tăng 4 nghìn ha; các địa phương phía Nam đạt 1945 nghìn ha, tăng 6,3 nghìn ha.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năng suất lúa đông xuân năm nay ước tính đạt 62,9 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng đạt 19,5 triệu tấn, tăng 25,8 vạn tấn. Nét mới trong sản xuất lúa đông xuân năm nay ở các địa phương phía Bắc là mở rộng diện tích gieo sạ hàng. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian sinh trưởng của lúa ngắn và cho năng suất cao hơn phương pháp gieo cấy truyền thống. Năng suất lúa đông xuân của các địa phương phía Bắc ước tính đạt 60,3 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với vụ đông xuân trước và sản lượng đạt 6,9 triệu tấn, tăng 9,8 vạn tấn. Một số tỉnh có năng suất đạt khá như: Thái Bình 71,3 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; Bắc Ninh 66,6 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha; Hưng Yên 65,0 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha.
Sản lượng lúa đông xuân của các địa phương phía Nam ước tính đạt 12,5 triệu tấn, tăng 16 vạn tấn so với vụ đông xuân trước, chủ yếu do năng suất tăng 0,6 tạ/ha. Riêng vùng trọng điểm lúa đồng bằng sông Cửu Long do diện tích tăng 2,9 nghìn ha và năng suất đạt 66,9 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha nên sản lượng lúa toàn vùng đạt gần 10,5 triệu tấn, tăng 21,8 vạn tấn. Một số tỉnh có năng suất lúa đông xuân đạt khá so với vụ đông xuân trước là: Kiên Giang đạt 69,5 tạ/ha, tăng 2,8 tạ/ha; Hậu Giang đạt 67 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha; Tiền Giang đạt 66,7 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; Sóc Trăng đạt 63,9 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha; Long An đạt 58,5 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha. Riêng vùng duyên hải Nam Trung Bộ, do thời tiết không thuận lợi nên năng suất lúa các tỉnh trong vùng giảm 1,9 tạ/ha; các tỉnh Tây Nguyên do thiếu nước, khô hạn, năng suất giảm 6,4 tạ/ha, làm cho sản lượng lúa 2 vùng này giảm 60,7 nghìn tấn.
Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng Sáu, các địa phương trong cả nước đã xuống giống được 1940,4 nghìn ha lúa hè thu, bằng 95,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Nam xuống giống 1789,6 nghìn ha, bằng 99,5%.
Thời điểm cuối tháng Sáu cơ bản đã thu hoạch xong các cây trồng vụ đông xuân khác, trong đó sản lượng ngô đạt 2,3 triệu tấn, tăng 0,5%; khoai lang đạt 816,6 nghìn tấn, giảm 1%; đậu tương đạt 155,6 nghìn tấn, giảm 4,4%; lạc đạt 346,8 nghìn tấn, giảm 7,6%; sản lượng rau đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,3%.
Trong sáu tháng đầu năm, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm khá hơn so với cùng kỳ năm trước do diện tích cho sản phẩm tăng, trong đó sản lượng chè đạt 380 nghìn tấn, tăng 6,4%; cao su đạt 251 nghìn tấn, tăng 1,8%; điều đạt 306 nghìn tấn, tăng 4,2%; vải, chôm chôm đạt 395 nghìn tấn, tăng 7,6%.
Theo kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm 01/4/2011, đàn trâu cả nước có 2,8 triệu con, giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 5,7 triệu con, giảm 5,2%; đàn lợn có 26,3 triệu con, giảm 3,7%; đàn gia cầm có 293,7 triệu con, tăng 5,9%. Đàn trâu, bò giảm so với cùng thời điểm năm trước do diện tích chăn thả bị thu hẹp và người dân chuyển sang nuôi với mục đích lấy thịt là chủ yếu. Đàn lợn có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng bùng phát từ cuối năm trước và tiếp tục xảy ra trong những tháng đầu năm nay, làm trên 60 nghìn con bị chết và tiêu hủy. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá thịt hơi tăng thấp nên người nuôi chuyển sang nuôi các loại vật nuôi khác. Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh do dịch cúm gia cầm đã được khống chế, đồng thời giá thịt hơi và trứng gia cầm đang ở mức cao đã khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng quy mô đàn. Một số sản phẩm chăn nuôi sáu tháng đầu năm 2011 ước tính tăng khá so với cùng kỳ năm trước, trong đó thịt gia cầm hơi đạt 386,3 nghìn tấn, tăng 16,8%; trứng gia cầm 3,9 triệu quả, tăng 19%. Tính đến ngày 25/6/2011, dịch bệnh trên gia súc chưa qua 21 ngày còn ở các tỉnh: Dịch tai xanh trên lợn ở Bình Dương; dịch lở mồm long móng trên trâu, bò ở Đắk Lắk.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sáu tháng đầu năm 2011 theo giá so sánh 1994
Sản xuất vụ đông xuân năm 2011
b. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp những tháng đầu năm gặp khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và tình trạng khô hạn tại nhiều địa phương nên đã ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng, đặc biệt đối với rừng phòng hộ, đặc dụng. Tổng diện tích rừng trồng tập trung sáu tháng đầu năm 2011 ước tính chỉ đạt 51,5 nghìn ha, bằng 67,6% cùng kỳ năm 2010; số cây trồng lâm nghiệp phân tán đạt 108 triệu cây, bằng 100,4%; diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 393,7 nghìn ha, tăng 2,8%; diện tích rừng tự nhiên được khoanh nuôi tái sinh 1046,2 nghìn ha, tăng 4,6%; sản lượng củi khai thác 14,2 triệu ste, tăng 3,6%. Sản lượng gỗ khai thác sáu tháng đầu năm tăng khá, ước tính đạt 2007 nghìn m3, tăng 13,1%, trong đó một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao so cùng kỳ năm trước là: Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Đồng Nai. Sản lượng gỗ khai thác sáu tháng đầu năm tăng khá một mặt do nhiều diện tích rừng sản xuất đã đến kỳ khai thác, mặt khác thị trường tiêu thụ khá ổn định và giá sản phẩm gỗ tương đối cao.
Mặc dù thời tiết nắng nóng và khô hạn tại nhiều địa phương gây nguy cơ gây cháy rừng cao, nhưng do công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nên tình trạng cháy và chặt phá rừng đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước là 1534 ha, bằng 20,9% cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 676 ha, bằng 10,7%; diện tích bị chặt phá là 858 ha, bằng 85,3%. Một số địa phương diện tích rừng bị chặt phá nhiều là: Lâm Đồng 153 ha; Bình Phước 124 ha; Kon Tum 73,4 ha; Sơn La 66,9 ha; Đắk Nông 62 ha; Lai Châu 41 ha.
c. Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản sáu tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 2510,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 1924,8 nghìn tấn, tăng 2,6%; tôm 214,7 nghìn tấn, tăng 5,3%.
Diện tích nuôi trồng thủy sản sáu tháng đầu năm đạt 970 nghìn ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá 305 nghìn ha, giảm 0,5%; diện tích nuôi tôm 616 nghìn ha, tăng 7,5%. Do diện tích thả nuôi tăng nên sản lượng thuỷ sản nuôi trồng sáu tháng đầu năm tăng khá, ước tính đạt 1259,5 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước (cá đạt 1010,7 nghìn tấn, tăng 4,8%; tôm 153 nghìn tấn, tăng 6,6%). Sản xuất cá tra tại các địa phương phát triển theo hướng nuôi quy mô lớn, hộ chăn nuôi gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp nên sản lượng sáu tháng đầu năm ước tính đạt 517 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2010. Năng suất thu hoạch cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 114 tấn/ha, tăng 8 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó An Giang đạt 163 tấn/ha, tăng 6 tấn/ha; Đồng Tháp 103 tấn/ha, tăng 6 tấn/ha; Vĩnh Long 128 tấn/ha, tăng 16 tấn/ha. Nuôi tôm phát triển khá do giá tôm nguyên liệu ổn định. Tuy trong kỳ xuất hiện loại bệnh nhiễm vi bào tử trùng ở một số địa phương (trong đó Bạc Liêu thiệt hại 12,9 nghìn ha), nhưng do kiểm soát được dịch bệnh nên diện tích nuôi tôm các loại ước tính đạt 616 nghìn ha, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thời tiết biển tương đối thuận lợi, các loại hải sản như cá cơm, cá nục, cá trác, cá hố, cá động, cá ngừ… xuất hiện nhiều trên ngư trường. Tuy nhiên do giá xăng dầu tăng nên hoạt động đánh bắt xa bờ không hiệu quả. Sản lượng thuỷ sản khai thác sáu tháng đầu năm ước tính đạt 1251,3 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 1170 nghìn tấn, tăng 1,4%. Khai thác thủy sản đang phát triển theo hướng tăng năng lực hoạt động, đánh bắt có chọn lọc theo hướng chất lượng cao nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác và bảo tồn nguồn lợi tự nhiên. Trong sáu tháng đầu năm, sản lượng cá ngừ đại dương ước tính đạt 9 nghìn tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng mực, bạch tuộc đạt 107 nghìn tấn, tăng 5%.
Sản lượng thuỷ sản sáu tháng đầu năm 2011
3. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp[1] tháng 6/2011 tăng 4,6% so với tháng 5/2011 và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 9,7% (cao hơn mức tăng 8% của sáu tháng đầu năm 2010), bao gồm: Công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,8%; công nghiệp chế biến tăng 12,7%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 10,3%[2].
Chỉ số sản xuất của một số ngành sản phẩm công nghiệp đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất đường tăng 43,5%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 38,1%; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 35,3%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 35%; sản xuất gạch, ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 24,2%; sản xuất bột thô tăng 23,8%; sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 18,3%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 17%; sản xuất sắt, thép tăng 16,4%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 16,1%; sản xuất bia tăng 15,7%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 15,1%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 15%; sản xuất xi măng tăng 14,7%. Một số ngành có tốc độ tăng khá là: Sản xuất thức ăn gia súc tăng 14,2%; sản xuất giày dép tăng 13,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 12,2%; sản xuất các sản phẩm khác từ plastic tăng 11,9%; sản xuất, tập trung và phân phối điện tăng 10,7%. Trong khi đó, một số ngành tăng thấp hoặc giảm như: Khai thác, lọc và phân phối nước tăng 5,4%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 0,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 7,2%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 19,8%.
Trong sáu tháng đầu năm 2011 nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Bình đun nước nóng tăng 59,2%; máy giặt tăng 45%; đường kính tăng 43,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 26,4%; sơn hoá học tăng 24,2%; thép thanh, thép góc tăng 19,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 17,3%; giầy thể thao tăng 16,5%; sữa bột tăng 15,5%; xi măng tăng 14,7%. Một số sản phẩm có tốc độ tăng khá là: Xe máy tăng 11,6%; giấy, bìa các loại tăng 11,2%; gạch lát ceramic tăng 11%; điện sản xuất tăng 10,4%. Các sản phẩm có tốc độ tăng thấp hoặc giảm là: Nước máy thương phẩm tăng 5,8%; than đá khai thác tăng 4,6%; ti vi các loại tăng 4,4%; dầu thực vật tinh luyện tăng 4,1%; phân hoá học tăng 1%; dầu mỏ thô khai thác tăng 0,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 1,9%; lốp ô tô, máy kéo giảm 4,7%; điều hòa nhiệt độ giảm 4,7%; xà phòng giặt giảm 13,8%; tủ lạnh, tủ đá giảm 15,4%; ô tô tải giảm 29%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm tháng đầu năm 2011 tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2010. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 80,4%; sản xuất đường tăng 49,8%; sản xuất gạch, ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 45,6%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 29,9%; sản xuất đồ gốm sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ xây dựng) tăng 27,2%; sản xuất sơn, véc ni và các chất tương tự tăng 24%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 20%; xay xát, sản xuất bột thô tăng 18,6%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ năm tháng đầu năm tăng chậm hoặc giảm là: Sản xuất sợi và dệt vải tăng 10,3%; sản xuất sắt, thép tăng 9,8%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 8,8%; sản xuất bia tăng 6,2%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 4,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 0,6%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 6,5%; chế biến và bảo quản rau quả giảm 9,5%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 12,4%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/6/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng thời điểm năm trước tăng 15,9%. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất bia tăng 94,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 71,7%; sản xuất giày dép tăng 59,4%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 39,9%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 37,6%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 35,4%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 34,1%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 30%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 27,9%; sản xuất các sản phẩm khác từ plastic tăng 27%; sản xuất đồ gốm sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 22,7%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 18%; chế biến, bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tăng 17,2%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Sáu và sáu tháng đầu năm 2011
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng Sáu và sáu tháng đầu năm 2011 theo giá so sánh 1994
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp tháng Sáu và sáu tháng đầu năm 2011
4. Hoạt động dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 911,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 5,7%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 723,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,3% tổng mức và tăng 23,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 97,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,7% và tăng 19,6%; dịch vụ đạt 81,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 9% và tăng 22,3%; du lịch đạt 9,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 19,1%.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu và sáu tháng đầu năm 2011
b. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách sáu tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 1351,5 triệu lượt khách, tăng 12,8% và 58,2 tỷ lượt khách.km, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 20,9 triệu lượt khách, tăng 8,9% và 13,6 tỷ lượt khách.km, tăng 11,2%; vận tải địa phương đạt 1330,6 triệu lượt khách, tăng 13,2% và 44,6 tỷ lượt khách.km, tăng 12%. Vận tải hành khách đường bộ sáu tháng ước tính đạt 1239,8 triệu lượt khách, tăng 13,2% và 43,5 tỷ lượt khách.km, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 94,9 triệu lượt khách, tăng 8,1% và 2 tỷ lượt khách.km, tăng 12,3%; đường hàng không đạt 7,6 triệu lượt khách, tăng 15,6% và 10,3 tỷ lượt khách.km, tăng 11,8%; đường biển đạt 3,3 triệu lượt khách, tăng 4,7% và 203,4 triệu lượt khách.km, tăng 5,6%; đường sắt đạt 5,9 triệu lượt khách, tăng 1,1% và 2,2 tỷ lượt khách.km, tăng 2%.
Vận tải hàng hóa sáu tháng đầu năm ước tính đạt 390,8 triệu tấn, tăng 11,1% và 109,6 tỷ tấn.km, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 368,2 triệu tấn, tăng 12,4% và 35,1 tỷ tấn.km, tăng 9,5%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 297,7 triệu tấn, tăng 12,8% và 15,9 tỷ tấn.km, tăng 10,9%; đường sông đạt 62 triệu tấn, tăng 7,4% và 8,6 tỷ tấn.km, tăng 7,7%; đường biển đạt 27,3 triệu tấn, tăng 3% và 82,8 tỷ tấn.km, tăng 4%; đường sắt đạt 3,8 triệu tấn, giảm 4,9% và 2,1 tỷ tấn.km, tăng 6,8%.
Vận tải hành khách và hàng hoá sáu tháng đầu năm 2011
c. Bưu chính, viễn thông
Tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong sáu tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 4,7 triệu thuê bao, bằng 59,5% cùng kỳ năm trước, bao gồm 33,4 nghìn thuê bao cố định, bằng 26,3% và trên 4,6 triệu thuê bao di động, bằng 60%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 6/2011 ước tính đạt 128,1 triệu thuê bao, tăng 4,6% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 15,5 triệu thuê bao cố định, tăng 0,7% và 112,6 triệu thuê bao di động, tăng 5,2%[3].
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối tháng 6/2011 ước tính đạt 3,9 triệu thuê bao, tăng 16,8% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng internet tại thời điểm cuối tháng 6/2011 ước tính 30,1 triệu người, tăng 22,1% so với cùng thời điểm năm 2010. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm ước tính đạt 67,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
d. Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta sáu tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 2965,8 nghìn lượt người, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 1773,4 nghìn lượt người, tăng 11,2%; đến vì công việc 493,3 nghìn lượt người, giảm 1,7%; thăm thân nhân đạt 512,9 nghìn lượt người, tăng 77,6%. Chia theo loại phương tiện, khách đến bằng đường hàng không là chủ yếu với 2494,3 nghìn lượt người, tăng 23,8%; đến bằng đường biển 19,5 nghìn lượt người, giảm 15,2%, đến bằng đường bộ 452 nghìn lượt người, giảm 4,5%.
Trong sáu tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng so với cùng kỳ năm 2010, trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt 662,7 nghìn lượt người, tăng 51,5%; Hàn Quốc 261,8 nghìn lượt người, tăng 3,7%; Hoa Kỳ 238,7 nghìn lượt người, tăng 3,4%; Nhật Bản 235,4 nghìn lượt người, tăng 11,7%; Cam-pu-chia 207,4 nghìn lượt người, tăng 77,4%; Đài Loan 179,8 nghìn lượt người, tăng 8%; Ôx-trây-li-a 152,3 nghìn lượt người, tăng 6,2%; Ma-lai-xi-a 115,8 nghìn lượt người, tăng 16,7%; Pháp 110,1 nghìn lượt người, tăng 8,5%; Xin-ga-po 86 nghìn lượt người, tăng 7,8%.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Sáu và sáu tháng đầu năm 2011
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
1. Đầu tư phát triển
Công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư được các ngành chức năng triển khai tích cực, đặc biệt là vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian qua các Bộ, ngành và địa phương đã và đang triển khai khẩn trương việc rà soát, cắt giảm và điều chuyển vốn đầu tư theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sáu tháng đầu năm 2011 theo giá thực tế ước tính đạt 409,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước[4] và bằng 38,3% GDP, bao gồm vốn khu vực nhà nước 141,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,4% tổng vốn và giảm 3%; khu vực ngoài nhà nước 163 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,8% và tăng 14,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 105,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,8% và tăng 3,1%.
Bảng 2: Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sáu tháng đầu năm 2011
|
Nghìn tỷ đồng
|
Cơ cấu (%)
|
So với cùng kỳ năm trước (%)
|
TỔNG SỐ
|
409,7
|
100,0
|
105,0
|
Khu vực nhà nước
|
141,1
|
34,4
|
97,0
|
Khu vực ngoài nhà nước
|
163,0
|
39,8
|
114,6
|
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
|
105,6
|
25,8
|
103,1
|
Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện sáu tháng đầu năm ước tính đạt 73,7 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2010, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4% kế hoạch năm và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Công Thương là 1612 tỷ đồng, bằng 39,5% và tăng 6,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1912 tỷ đồng, bằng 52,1% và tăng 22,7%; Bộ Y tế 432 tỷ đồng, bằng 48,1% và tăng 3,9%; Bộ Xây dựng 242 tỷ đồng, bằng 24,7% và giảm 29,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 381 tỷ đồng, bằng 42,4% và tăng 2,7%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 260 tỷ đồng, bằng 46,6% và giảm 1,5%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 56 nghìn tỷ đồng, bằng 37,7% kế hoạch năm và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2010. Một số địa phương có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn là: Hà Nội đạt 7444 tỷ đồng, bằng 37,1% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2010; Thành phố Hồ Chí Minh 6211 tỷ đồng, bằng 44% và tăng 12,5%; Đà Nẵng 3785 tỷ đồng, bằng 66% và tăng 3,6%; Thanh Hóa 2277 tỷ đồng, bằng 46,9% và tăng 11,9%; Quảng Ninh 2035 tỷ đồng, bằng 51,8% và tăng 6,4%; Cần Thơ 1596 tỷ đồng, bằng 57,1% và tăng 11,4%; Hậu Giang 1537 tỷ đồng, bằng 71,6% và tăng 10,9%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 22/6/2011 đạt 5666,7 triệu USD, bằng 56,7% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký 4399,2 triệu USD của 455 dự án được cấp phép mới (giảm 49,9% về vốn và giảm 30,1% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 1267,5 triệu USD của 132 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện sáu tháng đầu năm ước tính đạt 5300 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong số các ngành kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sáu tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký dẫn đầu với 3333,2 triệu USD, bao gồm 2666,7 triệu USD vốn đăng ký mới và 666,5 triệu USD vốn tăng thêm; ngành xây dựng đạt 474,8 triệu USD, bao gồm 333,2 triệu USD vốn đăng ký mới và 141,6 triệu USD vốn tăng thêm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 322,7 triệu USD.
Sáu tháng đầu năm cả nước có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về vốn đăng ký với 1422,7 triệu USD, chiếm 32,3% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu 468,1 triệu USD, chiếm 10,6%; Hà Nội 427,1 triệu USD, chiếm 9,7%; Ninh Thuận 266 triệu USD, chiếm 6%; Bắc Giang 254,5 triệu USD, chiếm 5,8%; Đà Nẵng 239,6 triệu USD, chiếm 5,4%.
Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam sáu tháng đầu năm, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 1236,2 triệu USD, chiếm 28,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu HC Hồng Công (TQ) 533,8 triệu USD, chiếm 12,1%; Hàn Quốc 376,7 triệu USD, chiếm 8,6%; Ma-lai-xi-a 346,6 triệu USD, chiếm 7,9%; Vương quốc Anh 329,8 triệu USD, chiếm 7,5%; Nhật Bản 303,2 triệu USD, chiếm 6,9%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 261,8 triệu USD, chiếm 6%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Sáu và sáu tháng đầu năm 2011
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 01/01- 22/6/2011
2. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/6/2011 ước tính đạt 301,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa 189,2 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5%; thu từ dầu thô 42 nghìn tỷ đồng, bằng 60,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 67,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48,7%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước bằng 47,1% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 45%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước bằng 48,8%; thuế thu nhập cá nhân bằng 60,2%; thu phí xăng dầu bằng 43,9%; thu phí, lệ phí bằng 38,3%.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/6/2011 ước tính đạt 331,5 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 74,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,8% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 71 nghìn tỷ đồng, bằng 48,9%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, đảng, đoàn thể 213,9 nghìn tỷ đồng, bằng 48,4%; chi trả nợ và viện trợ 43,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50,6%.
3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu ước tính đạt 7,8 tỷ USD, tăng 7,8% so với tháng trước và tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung sáu tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 29,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,9 tỷ USD, tăng 31,1%. Nếu không kể tái xuất vàng thì kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2010.
Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu sáu tháng đầu năm tăng cao, một mặt do lượng xuất khẩu một số mặt hàng tăng như: Cà phê tăng 29,1%; gạo tăng 15,9%; sắn và sản phẩm sắn tăng 40,4%; cao su tăng 17,7%; xăng dầu tăng 13,5%; mặt khác do giá trên thị trường thế giới một số mặt hàng tăng cao như: Giá hạt tiêu tăng 72,2%; cao su tăng 62%; cà phê tăng 57,3%; hạt điều tăng 42,3%; dầu thô tăng 41%; xăng dầu tăng 38%; sắn và sản phẩm sắn tăng 33%; sắt thép tăng 19%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm tăng 14,7%.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng dệt may đạt 6,1 tỷ USD, tăng 28,4%; dầu thô đạt 3,4 tỷ USD, tăng 26,2%; giày dép đạt 3 tỷ USD, tăng 31%; hàng thủy sản đạt 2,6 tỷ USD, tăng 28%; gạo đạt 2 tỷ USD, tăng 13,4%; cà phê đạt 1,9 tỷ USD, tăng 103%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,8 tỷ USD, tăng 15,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 18,8%; cao su đạt 1,3 tỷ USD, tăng 90,4%.
Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm nay có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó thay đổi lớn là tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm sản tăng từ 16% lên 21,1%, chủ yếu do tăng đơn giá sản phẩm; nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản giảm từ 30,2% xuống 29,5%; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp giảm từ 43,5% xuống 41,3%; vàng và các sản phẩm vàng giảm từ 4,1% xuống còn 2%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 7,6 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU với 7,4 tỷ USD, chiếm 17,5% và tăng 49,1%; thị trường ASEAN đạt 6,1 tỷ USD, chiếm 14,4% và tăng 16,6%; Nhật Bản đạt 4,6 tỷ USD, chiếm 10,9% và tăng 32,4%; Trung Quốc đạt 4,5 tỷ USD, chiếm 10,6% và tăng 56,6%.
Hàng hoá xuất khẩu tháng Sáu và sáu tháng đầu năm 2011
b. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước tính đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 49 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 22,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,4 tỷ USD, tăng 29,7%.
Tương tự xuất khẩu, giá nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao là một trong những nguyên nhân đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng, trong đó giá bông tăng 106,8%, giá xăng dầu tăng 43,8%, giá sợi dệt tăng 38,5%, giá lúa mỳ tăng 40,6%, giá khí đốt tăng 21,6%, giá chất dẻo tăng 18,8%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu sáu tháng đầu năm tăng 15,1%
Trong sáu tháng đầu năm 2011, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,9%; xăng dầu đạt 5,5 tỷ USD, tăng 67,6%; vải đạt 3,4 tỷ USD, tăng 38,1%; sắt thép đạt 3 tỷ USD, tăng 7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,7 tỷ USD, tăng 23,2%; chất dẻo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,5 tỷ USD, tăng 20,8%; hóa chất đạt 1,3 tỷ USD, tăng 34,8%; ôtô đạt 1,5 tỷ USD, tăng 16% (trong đó ôtô nguyên chiếc đạt 593 triệu USD, tăng 45,9%).
Cơ cấu hàng nhập khẩu sáu tháng đầu năm cũng có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ trọng nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng tăng từ 7,2% trong sáu tháng đầu năm 2010 lên 8,2% trong sáu tháng đầu năm 2011; nhóm hàng tư liệu sản xuất giảm từ 92,2% xuống 91,3% (nhóm nguyên, nhiên vật liệu giảm từ 65,2% xuống 64,3%); vàng và các sản phẩm vàng giảm không đáng kể, từ 0,6% xuống 0,5%.
Về thị trường, hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch sáu tháng ước tính 11 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2010. Thị trường ASEAN đạt 10,3 tỷ USD, tăng 36,1%; thị trường Hàn Quốc đạt 5,9 tỷ USD, tăng 41%; thị trường Nhật Bản đạt 4,5 tỷ USD, tăng 10,8%.
Nhập siêu tháng Sáu ước tính đạt 400 triệu USD, bằng 5,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, giảm nhiều so với các tháng trước chủ yếu do tái xuất vàng. Nếu không kể vàng, nhập siêu tháng Sáu ước tính khoảng 1 tỷ USD. Nhập siêu sáu tháng đầu năm 2011 ước tính 6,65 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nếu loại trừ vàng, nhập siêu sáu tháng ước tính 7,5 tỷ USD, tương đương 18,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Hàng hoá nhập khẩu tháng Sáu và sáu tháng đầu năm 2011
4. Chỉ số giá
a. Chỉ số giá tiêu dùng
Giá tiêu dùng tháng Sáu mặc dù vẫn tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại và là mức tăng thấp nhất trong sáu tháng đầu năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2011 tăng 1,09% so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,79% (lương thực tăng 0,33%; thực phẩm tăng 2,47%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,16%); các nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại có mức tăng dưới 0,9% gồm: Văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,77%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,76%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,72%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,56%; giáo dục tăng 0,47%; giao thông tăng 0,39%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; riêng chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2011 tăng 13,29% so với tháng 12/2010 và tăng 20,82% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân sáu tháng đầu năm 2011 tăng 16,03% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá vàng tháng 6/2011 tăng 0,36% so với tháng trước; tăng 5,18% so với tháng 12/2010 và tăng 36,33% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2011 giảm 0,78% so với tháng trước; tăng 0,24% so với tháng 12/2010 và tăng 9,49% so với cùng kỳ năm 2010.
b. Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản sáu tháng đầu năm nay tăng 27,57% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II/2011 tăng 9,51% so với quý trước và tăng 32,03% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp sáu tháng đầu năm 2011 tăng 16,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II/2011 tăng 7,37% so với quý trước và tăng 18,53% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất sáu tháng đầu năm 2011 tăng 18,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II/2011 tăng 7,76% so với quý trước và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá cước vận tải sáu tháng đầu năm 2011 tăng 15,85% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II/2011 tăng 9,7% so với quý trước và tăng 22,25% so với cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá sáu tháng đầu năm 2011 tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II/2011 tăng 3,16% so với quý trước và tăng 13,99% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá sáu tháng đầu năm 2011 tăng 9,28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý II/2011 tăng 2,26% so với quý trước và tăng 10,52% so với cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng Sáu năm 2011
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II và sáu tháng đầu
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp quý II và sáu tháng đầu năm 2011
Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất quý II và sáu tháng đầu năm 2011
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý II và sáu tháng đầu năm 2011
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý II và sáu tháng đầu năm 2011
Chỉ số giá cước vận tải quý II và sáu tháng đầu năm 2011
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước sáu tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 50,4 triệu người, tăng 33,2 nghìn người so với lực lượng lao động trung bình năm 2010, trong đó nam là gần 26 triệu người, tăng 72,4 nghìn người; nữ là 24,5 triệu người, giảm 39,2 nghìn người. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước sáu tháng đầu năm là 46,4 triệu người, giảm 7,2 nghìn người so với số bình quân năm trước, chủ yếu do một bộ phận lao động đã tự giãn việc trước và sau kỳ nghỉ Tết Tân Mão 2011, trong đó, lao động nam là 24,6 triệu người, tăng 42,6 nghìn người; lao động nữ là 21,8 triệu người, giảm 49,8 nghìn người.
Lao động đang làm việc của cả nước trong sáu tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 49,2 triệu người, tăng 171 nghìn người so với bình quân năm 2010, trong đó 48,6% làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; 21,2% làm việc trong khu vực công nghiệp, xây dựng và 30,2% làm việc trong khu vực dịch vụ.
Theo kết quả điều tra lao động của 4237 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, lao động tháng 6/2011 của số doanh nghiệp trên ước tính tăng 1% so với tháng Năm, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,3%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,3% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 1,3%. Trong ba ngành công nghiệp cấp I, lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,1%; lao động ngành khai thác tăng 0,3%; lao động ngành điện, nước giữ ổn định.
Biến động lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng Sáu so với tháng Năm của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 4,5%; Hải Dương tăng 2,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 2,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,1%; Vĩnh Phúc tăng 0,7%; Bình Dương tăng 0,7%; Đồng Nai tăng 0,6%; Cần Thơ tăng 0,5%; Hải Phòng tăng 0,5%; Đà Nẵng giảm 0,4%.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi sáu tháng đầu năm ước tính là 2,58%, trong đó khu vực thành thị 3,96%; khu vực nông thôn 2,02%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính 3,9%, trong đó khu vực thành thị 2,15% và khu vực nông thôn 4,6%.
2. Đời sống dân cư, bảo đảm an sinh xã hội
Trong những tháng đầu năm, giá cả hàng hóa tăng cao cùng với thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của dân cư, đặc biệt là nông dân các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa và người lao động có thu nhập thấp ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Chính phủ cùng với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương nên nhìn chung đời sống đại bộ phận dân cư tương đối ổn định.
Các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo như: Hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay và hỗ trợ làm nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo trên toàn quốc. Các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động để góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Từ đầu năm, nhiều hoạt động cứu trợ xã hội cho các hộ nghèo, người khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào sinh sống tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa được triển khai kịp thời với tổng giá trị cứu trợ là 1,3 nghìn tỷ đồng và 25 nghìn tấn gạo.
Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu tăng từ 730 nghìn đồng/tháng lên 830 nghìn đồng/tháng từ 01/5/2011 và việc thực hiện trợ cấp khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công và hộ nghèo theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng phần nào cải thiện đời sống cho các đối tượng trên. Tình trạng thiếu đói giáp hạt còn xảy ra nhưng đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong sáu tháng đầu năm, cả nước có 522 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 13,0% và 2164 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 16,5 nghìn tấn lương thực và 9,2 tỷ đồng, riêng trong tháng Sáu hỗ trợ 2,5 nghìn tấn lương thực và 5,4 tỷ đồng.
3. Giáo dục
Trong các ngày 2, 3 và 4 tháng 6/2011 đã diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2010-2011 với 6 môn thi (Toán, Văn, Vật lý, Sinh học, Địa lý và Ngoại ngữ), trong đó 3 môn thi với hình thức trắc nghiệm và 3 môn với hình thức tự luận. Công tác chấm thi vẫn được tổ chức chấm chéo như các năm trước, 5% số bài thi chấm xong sẽ được chấm lại để kiểm tra tính khách quan, độ chính xác của việc chấm thi.
Chương trình phổ cập giáo dục tiếp tục được triển khai mạnh tại các địa phương. Tính đến tháng 6/2011, cả nước đã có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Các tỉnh chưa được công nhận đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi là: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Gia Lai, Ninh Thuận và Bình Phước.
4. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Trong sáu tháng đầu năm 2011, cả nước có 17,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 14 trường hợp tử vong; 381 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, có 8 trường hợp tử vong; 498 trường hợp mắc cúm A H1N1, trong đó 13 trường hợp tử vong và 164 trường hợp mắc thương hàn. Trong tháng Sáu đã phát hiện thêm hơn 2 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước tính đến giữa tháng 6/2011 lên 239,8 nghìn người, trong đó 96,6 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 50,4 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, riêng trong tháng Sáu đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm làm 786 người bị ngộ độc. Tính từ đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 45 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2,4 nghìn người bị ngộ độc, trong đó 7 trường hợp tử vong.
5. Văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa thông tin sáu tháng đầu năm tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, mừng Đảng, mừng Xuân Tân Mão, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Đặc biệt trong sáu tháng đầu năm, các địa phương đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 .
Công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa được tăng cường. Trong sáu tháng đầu năm, ngành văn hóa đã tiến hành kiểm tra 2,6 nghìn cơ sở kinh doanh, qua đó phát hiện 349 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính gần 700 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 14 cơ sở.
Hoạt động thể dục thể thao quần chúng sáu tháng đầu năm diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thu hút hàng nghìn người tham gia. Ngành thể dục thể thao đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao các cấp và nhiều giải thể thao quần chúng khác như: Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ VII khu vực I năm 2011, giải Vô địch Vật Dân tộc toàn quốc lần thứ 15, giải trẻ Võ thuật cổ truyền toàn quốc, giải trẻ Vovinam toàn quốc, giải Mô tô nước toàn quốc năm 2011...
Trong thể thao thành tích cao, ngành thể dục thể thao đã triệu tập 62 đội tuyển, dự tuyển quốc gia và 45 đội tuyển trẻ với trên 1500 vận động viên và hơn 250 huấn luyện viên cùng 30 chuyên gia tập huấn tại 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh nhằm chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 26 và vòng loại Olympic 2012. Trong sáu tháng đầu năm, nhiều đoàn vận động viên được cử đi tham gia các giải thể thao quốc tế, đạt kết quả cao với 29 huy chương vàng, 45 huy chương bạc và 47 huy chương đồng.
6. Tai nạn giao thông
Trong tháng 5/2011 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1124 vụ tai nạn giao thông, làm chết 929 người và làm bị thương 870 người. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ tai nạn giao thông tăng 1,4%, số người chết tăng 0,3% và số người bị thương tăng 13,1%. Tính chung năm tháng đầu năm 2011, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 5705 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4787 người và làm bị thương 4399 người. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ tai nạn giao thông giảm 0,3%, số người chết tăng 1,1%, số người bị thương tăng 5,8%. Bình quân 1 ngày trong năm tháng đầu năm, cả nước có 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 32 người và làm bị thương 29 người.
7. Thiệt hại do thiên tai gây ra
Trong sáu tháng đầu năm, thiên tai xảy ra liên tiếp tại nhiều tỉnh, thành phố gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm 66 người chết và mất tích; hơn 10 nghìn ngôi nhà bị sập và hư hại; trên 67 nghìn ha lúa, mạ và hoa màu bị ngập, hỏng; gần 60 nghìn con gia súc bị chết. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong sáu tháng ước tính khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng. Công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai đã được triển khai khẩn trương, kịp thời tại các địa phương nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống dân cư. Theo báo cáo sơ bộ, tổng số tiền mặt cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai trong sáu tháng đầu năm 2011 là hơn 110 tỷ đồng.
Khái quát lại, kinh tế - xã hội nước ta sáu tháng đầu năm 2011 đạt được một số kết quả tích cực. Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý với mức tăng quý II cao hơn quý I. Chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối quý II tăng chậm lại và có xu hướng giảm dần. Sản xuất một số ngành, lĩnh vực đạt khá. An sinh xã hội có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn gặp khó khăn thách thức như: Lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn do lãi suất vay tín dụng cao và ảnh hưởng bởi sự tăng giá nguyên liệu đầu vào; nhập siêu vẫn ở mức cao; thu hút đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm. Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các tập đoàn kinh tế và các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ lãi suất, tỷ giá, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán phù hợp với diễn biến thị trường. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại nhằm bảo đảm tính thanh khoản và lành mạnh trong kinh doanh tiền tệ.
Hai là, tăng cường quản lý thị trường giá cả, trong đó cần kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Chủ động ứng phó trước những biến động của thị trường thế giới và trong nước. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu qua biên giới.
Ba là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp tục tìm kiếm để mở rộng thị trường xuất khẩu. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, không thiết yếu, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của hàng nội địa về giá cả, mẫu mã, tính năng nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng nội địa ra thị trường thế giới, nhờ đó giảm nhập siêu.
Bốn là, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ theo đúng Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Kiên quyết cắt giảm nguồn đầu tư vào những công trình, dự án không hiệu quả, chưa thật cần thiết, đồng thời ưu tiên và tập trung vốn cho các các công trình đã đầu tư sắp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011.
Năm là, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống dân cư. Tích cực hỗ trợ để duy trì việc làm cho người nghèo, các đối tượng chính sách và người làm công ăn lương, đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho các hộ nghèo, người có thu nhập thấp để khuyến khích, động viên, giúp người lao động ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất./.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ
_______________________
[1] Theo Thông tư số 07/2011/TT-BKHĐT ngày 17/5/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ tháng 6/2011 áp dụng chỉ tiêu thống kê "Chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng" thay thế chỉ tiêu "Chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994 hàng tháng".
[2] Nếu tính theo giá cố định 1994, giá trị sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2011 tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,6%; công nghiệp chế biến tăng 15,2%; sản xuất và phân phối điện, ga, nước tăng 10,2%.
[3] Từ tháng 5/2011, tổng số thuê bao di động được thống kê theo tiêu chí mới, theo đó chỉ tính số thuê bao di dộng có phát sinh ít nhất 01 giao dịch trong tháng trước tháng báo cáo, không tính các thuê bao tuy chưa bị cắt liên lạc nhưng không phát sinh giao dịch.
[4] Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sáu tháng đầu năm 2011 chỉ bằng 92,1% cùng kỳ năm 2010.