Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2011
___________
Kinh tế-xã hội quý I năm 2011 nước ta diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Giá các hàng hóa chủ yếu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng tăng. Một số nền kinh tế lớn mặc dù vừa phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng đang tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và bất ổn. Ở trong nước, lạm phát tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên cây trồng, vật nuôi. Những yếu tố bất lợi trên tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư.
Trước tình hình đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp, các địa phương tập trung nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, trọng tâm là kiềm chế lạm phát, từng bước tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần cải thiện đời sống dân cư. Kết quả đạt được cụ thể của từng ngành và lĩnh vực quý I/2011 như sau:
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2011 ước tính tăng 5,43% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,47%; khu vực dịch vụ tăng 6,28%. Trong tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,24 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,36 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đóng góp 2,83 điểm phần trăm.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
quý I năm 2010 và 2011
%
|
Tốc độ tăng so với quý I năm trước
|
Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng quý I/2011
|
|
Quý I/2010
|
Quý I/2011
|
Tổng số
|
5,84
|
5,43
|
5,43
|
Nông, lâm nghiệp thuỷ sản
|
3,74
|
2,05
|
0,24
|
Công nghiệp và xây dựng
|
5,60
|
5,47
|
2,36
|
Dịch vụ
|
6,64
|
6,28
|
2,83
|
Tổng sản phẩm trong nước quý I/2011
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2011 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 49,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm nông nghiệp đạt 37,0 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2%; lâm nghiệp đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,0%; thủy sản đạt 11,0 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3%.
a. Nông nghiệp
Tính đến 15/3/2011 cả nước đã gieo cấy được 3073,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1094,8 nghìn ha, bằng 99,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1978,3 nghìn ha, bằng 101,3%.
Tiến độ gieo cấy lúa đông xuân ở các địa phương phía Bắc năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài và thời tiết khô hạn tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cũng đến trung tuần tháng Ba, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1016,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 112,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 991,8 nghìn ha, chiếm 61,7% diện tích gieo cấy và bằng 110,7%. Một số địa phương có tỷ lệ diện tích thu hoạch cao là: Vĩnh Long 95,6%; Tiền Giang 88,2%; Kiên Giang 83,6%; Đồng Tháp 72,5%; An Giang 72,1%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân toàn vùng ước tính đạt 65,6 tạ/ha; sản lượng đạt 10,3 triệu tấn, xấp xỉ vụ đông xuân trước.
Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, tính đến giữa tháng Ba, cả nước đã gieo trồng được 353,7 nghìn ha ngô, bằng 95,8% cùng kỳ năm trước; 83,5 nghìn ha khoai lang, bằng 106,9%; 102,7 nghìn ha đậu tương, bằng 92%; 165,5 nghìn ha lạc, bằng 111,8%; 405,9 nghìn ha rau đậu, bằng 110,7%.
Hiện nay một số loại sâu bệnh đang phát sinh trên trà lúa đông xuân tại một số địa phương phía Nam như: Đạo ôn, sâu cuốn lá, vàng lùn và rầy nâu, làm 140 nghìn ha lúa bị nhiễm bệnh, trong đó Quảng Ngãi 863 ha; Long An hơn 12 nghìn ha; An Giang 86,5 nghìn ha; Lâm Đồng gần 7 nghìn ha.
Chăn nuôi những tháng đầu năm gặp một số khó khăn. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài cùng với dịch lở mồm long móng bùng phát trên diện rộng làm trên 68 nghìn con gia súc bị chết. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng phát triển quy mô đàn. Theo báo cáo sơ bộ, ước tính đàn trâu, bò và đàn lợn ba tháng đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đàn gia cầm do không bị ảnh hưởng nhiều của thời tiết và dịch bệnh nên tăng khoảng hơn 7%. Tính đến ngày 24/3/2011, dịch tai xanh trên lợn đã được khống chế; các dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở các tỉnh là: Dịch cúm gia cầm ở 7 tỉnh: Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Bình Định; dịch lở mồm long móng trên trâu, bò và lợn ở 30 tỉnh: Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An và Vĩnh Long. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp cần chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 365/CT-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhằm hạn chế sự lây lan trên diện rộng.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo giá so sánh 1994
Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 3 năm 2011
b. Lâm nghiệp
Kế hoạch trồng rừng mới đầu năm gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết. Tổng diện tích rừng trồng tập trung quý I cả nước ước tính đạt 23 nghìn ha, bằng 85,8% cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được chăm sóc 135 nghìn ha, tăng 5,5%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 60,3 triệu cây, tăng 1,0%; sản lượng gỗ khai thác đạt 956,5 nghìn m3, tăng 6,4%; sản lượng củi khai thác 7030,5 nghìn ste, tăng 2,5%.
Thời tiết khô hanh kéo dài, lại đang vào mùa đốt nương làm rẫy nên hiện tượng cháy rừng và tình trạng chặt phá rừng vẫn xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá ba tháng đầu năm nay là 96,7 ha, bao gồm 49,9 ha bị cháy và 46,8 ha bị chặt phá.
Theo cảnh báo, tính đến ngày 23/3/2011, cả nước có năm tỉnh có khu vực nguy cơ cháy rừng đang ở cấp V- cấp cực kỳ nguy hiểm là: An Giang, Bà Rịa, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Long An và một tỉnh có khu vực nguy cơ cháy rừng đang ở cấp IV- cấp nguy hiểm là Ninh Thuận. Các địa phương đang tập trung huy động mọi lực lượng triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng nhằm ngăn chặn và hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra cháy rừng.
c. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thuỷ sản quý I/2011 ước tính đạt 1101,1 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 832,4 nghìn tấn, tăng 3,0%; tôm đạt 98,5 nghìn tấn, tăng 6,0%.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ba tháng đầu năm ước tính đạt 486,3 nghìn tấn, tăng 5,1%, trong đó cá 362,1 nghìn tấn, tăng 4,8%; tôm 71,1 nghìn tấn, tăng 7,2%. Nuôi trồng thuỷ sản quí I năm nay tăng khá chủ yếu do giá nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu tăng đã khuyến khích nông dân mở rộng diện tích thả nuôi. Sản lượng cá tra đạt 230 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng cá tra thu hoạch cao là: An Giang 90 nghìn tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2010; Đồng Tháp 62 nghìn tấn, tăng 5,7%; Bến Tre 23 nghìn tấn, tăng 15%.
Nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thâm canh tiếp tục được đầu tư mở rộng tại các địa phương ven biển. Do lịch thả nuôi được kiểm soát chặt chẽ, cùng với chất lượng con giống đảm bảo và dịch bệnh ít phát sinh nên tôm nuôi phát triển khá tốt. Nuôi trồng các loại thủy sản khác tương đối ổn định theo hướng đa canh, đa con kết hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường sinh thái. Song song với mô hình thả nuôi kết hợp, các địa phương còn phát triển nuôi lồng, bè trên biển với nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá mú, cá giò, tu hài...
Sản lượng thuỷ sản khai thác quý I ước tính đạt 614,8 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó khai thác biển đạt 570 nghìn tấn, tăng 1,8%. Giá xăng, dầu tăng gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, thời tiết ngư trường diễn biến tương đối thuận trong hai tháng qua đã khuyến khích ngư dân tích cực bám biển đánh bắt.
3. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3/2011 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 3,6%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,8%. Tính chung quí I năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,5% (Trung ương quản lý tăng 5,8%; địa phương quản lý tăng 4,3%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 16,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,3%.
Trong ba ngành công nghiệp cấp I, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến quý I tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất, phân phối điện, nước tăng 9,2%; ngành công nghiệp khai thác tăng 1,9%.
Sản xuất của một số ngành công nghiệp quý I năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống không cồn tăng 42,9%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 36,5%; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 31,1%; sản xuất sắt, thép tăng 23,5%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 20,5%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 20,1%; sản xuất đường tăng 19,9%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 19%; sản xuất giày, dép tăng 18,2%; sản xuất bia tăng 18%. Một số ngành công nghiệp có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất mô tô, xe máy tăng 9,7%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản 9,4%; sản xuất, tập trung và phân phối điện tăng 9,1%; sản xuất xi măng tăng 9,1%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất thuốc lá 6,9%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 5,9%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 3,6%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 1,6%; khai thác, thu gom than cứng tăng 1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 0,9%; chế biến và bảo quản rau quả giảm 7,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 13,7%.
Trong sản xuất công nghiệp quí I năm nay, nhiều sản phẩm chủ yếu đạt sản lượng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó bình đun nước nóng tăng 81,9%; khí hoá lỏng tăng 38,8%; sữa bột tăng 19,5%; xe chở khách tăng 19,2%; đường kính tăng 18,2%; máy giặt tăng 17,7%; giầy thể thao tăng 17,5%; quần áo người lớn tăng 17,3%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 16,8%; thuỷ hải sản chế biến tăng 14,4%. Một số sản phẩm có sản lượng tăng khá là: Sơn hoá học tăng 12,3%; phân hoá học tăng 11,1%; xe máy tăng 9,8%; bia tăng 9,5%; xi măng tăng 9,4%; điện sản xuất tăng 9,3%; giấy bìa tăng 8,3%. Một số sản phẩm có sản lượng tăng thấp hoặc giảm là: Nước sạch tăng 7,6%; thuốc lá tăng 6,8%; thép tròn tăng 3,9%; lốp ô tô máy kéo tăng 3,8%; giày, dép, ủng bằng da giả tăng 3,8%; kính thủy tinh tăng 2,7%; dầu thô khai thác tăng 2,2%; dầu thực vật tinh luyện tăng 2,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 1,3%; vải dệt từ sợi bông tăng 0,2%; than đá khai thác tăng 0,1%; xà phòng giặt giảm 0,8%; gạch lát ceramic giảm 0,9%; gạch xây bằng đất nung giảm 1,6%; ti vi các loại giảm 7,7%; tủ lạnh, tủ đá giảm 16,9%; ô tô tải giảm 21,9%; điều hoà nhiệt độ giảm 55,3%.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hai tháng đầu năm 2011 tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 59,5%; đồ uống không cồn tăng 52,1%; đồ gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 36,1%; sắt, thép tăng 30,2%; xe có động cơ tăng 30,1%; các sản phẩm bơ, sữa tăng 28,9%. Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng khá là: Xay xát, sản xuất bột thô tăng 16,3%; giày, dép tăng 14,4%; các sản phẩm khác từ plastic tăng 14,1%; phân bón và hợp chất nitơ tăng 12,9%; giấy nhăn và bao bì tăng 12,2%; sợi và dệt vải tăng 11,9%; thức ăn gia súc tăng 11,3%; chế biến, bảo quản thủy sản tăng 11%; xi măng tăng 11%. Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng chậm hoặc giảm là: Bột giấy, giấy và bìa tăng 9,2%; mô tô, xe máy tăng 9%; bia tăng 4,4%; thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 1,7%; chế biến và bảo quản rau quả giảm 11,3%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/3/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp là: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 11,2%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 7,5%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 7,3%; sản xuất gạch ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 7,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 4,7%; sản xuất sắt, thép tăng 2,5%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 0,9%; sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 0,1%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất mô tô, xe máy tăng 359,9%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 246,5%; sản xuất bia tăng 85,1%; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 84,1%; chế biến bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 42,5%.
Sản xuất công nghiệp quí I mặc dù gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung vẫn duy trì mức tăng khá nên số lao động trong ngành tương đối ổn định. Theo kết quả điều tra lao động của 4221 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, số lao động tháng Ba của của các doanh nghiệp trên tăng 1% so với tháng trước, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,1%, khu vực ngoài nhà nước tăng 1% và khu vực FDI tăng 1,6%. Trong ba ngành công nghiệp cấp I, lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,2%; ngành công nghiệp khai thác giảm 0,2%; ngành điện, nước biến động ít.
Cũng theo kết quả điều tra trên, biến động lao động công nghiệp tháng Ba so với tháng trước của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Dương tăng 2,9%; Bắc Ninh tăng 5,3%; Vĩnh Phúc tăng 0,7%; Đồng Nai tăng 1,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 1%; Đà Nẵng tăng 0,5%; Hà Nội giảm 0,2%; Bình Dương tăng 1,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 1,9%; Hải Phòng tăng 1,1%.
Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp
4. Hoạt động dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2011 ước tính đạt 150,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước. Tính chung quý I năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 451,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,7%. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I, kinh doanh thương nghiệp đạt 356,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2010; khách sạn, nhà hàng 50,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24,7%; dịch vụ 39,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5%; du lịch 4,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,2%.
Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
b. Vận tải hành khách và hàng hoá
Vận tải hành khách quý I ước tính đạt 651,8 triệu lượt khách, tăng 13,4% và 28,9 tỷ lượt khách.km, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hành khách đường bộ ước tính đạt 596,9 triệu lượt khách, tăng 14,1% và 20,9 tỷ lượt khách.km, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2010; đường sông đạt 46,9 triệu lượt khách, tăng 5,3% và 999,9 triệu lượt khách.km, tăng 7,8%; đường sắt đạt 2,6 triệu lượt khách, giảm 0,9% và 912,0 triệu lượt khách.km, giảm 3,1%; đường không đạt 3,8 triệu lượt khách, tăng 16,9% và 6,0 tỷ lượt khách.km, tăng 17,7%.
Khối lượng hàng hoá vận chuyển quý I ước tính đạt 189,7 triệu tấn, tăng 9,9% và 42,9 tỷ tấn.km, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vận chuyển trong nước đạt 179,4 triệu tấn, tăng 12,1% và 12,6 tỷ tấn.km, tăng 8,7%; vận chuyển ngoài nước đạt 10,2 triệu tấn, tăng 5,4% và 30,3 tỷ tấn.km, giảm 3,2%. Vận chuyển hàng hoá đường bộ quý I năm nay ước tính đạt 146 triệu tấn, tăng 13,1% và 7,7 tỷ tấn.km, tăng 10,1%; đường sông đạt 30,9 triệu tấn, giảm 0,1% và 4,6 tỷ tấn.km, tăng 1,6%; đường biển đạt 11 triệu tấn, giảm 2,4% và 29,5 tỷ tấn.km, giảm 0,3%; đường sắt đạt 1,8 triệu tấn, giảm 8,2% và 969,3 triệu tấn.km, giảm 1,1%.
Vận tải hành khách và hàng hoá
c. Bưu chính, viễn thông
Tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong quý I đạt 3 triệu thuê bao, bằng 29,4% cùng kỳ năm 2010, bao gồm 23,8 nghìn thuê bao cố định, bằng 3,7% và 2,98 triệu thuê bao di động, bằng 31,2%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 3/2011 ước tính đạt 174,1 triệu thuê bao, tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 16,5 triệu thuê bao cố định, tăng 1,1% và 157,6 triệu thuê bao di động, tăng 31,9%. Số thuê bao điện thoại của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tính đến cuối tháng 3/2011 ước tính đạt 89,4 triệu thuê bao, tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm 2010, bao gồm 11,7 triệu thuê bao cố định, tăng 0,6% và 77,7 triệu thuê bao di động, tăng 28,9%.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối quý I/2011 ước tính đạt 3,8 triệu thuê bao, tăng 19,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 2,7 triệu thuê bao, tăng 21,4%. Số người sử dụng internet tại thời điểm cuối tháng 3/2011 ước tính 29 triệu người, tăng 22,9% so với cùng thời điểm năm 2010. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông quý I ước tính đạt 29,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 18,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%.
d. Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta trong ba tháng đầu năm ước tính đạt 1511,5 nghìn lượt người, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 893,7 nghìn lượt người, tăng 5,5%; đến vì công việc 249,2 nghìn lượt người, giảm 6,2%; thăm thân nhân đạt 271,5 nghìn lượt người, tăng 59,7%. Khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không là 1266,8 nghìn lượt người, tăng 16,5%; đến bằng đường biển 12,7 nghìn lượt người, tăng 5,8%; đến bằng đường bộ 232 nghìn lượt người, giảm 8%.
Trong ba tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến nước ta từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng, trong đó khách đến từ Trung Quốc là 288 nghìn lượt người, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 144 nghìn lượt người, tăng 8,2%; Nhật Bản 136,2 nghìn lượt người, tăng 23%; Hoa Kỳ 133,5 nghìn lượt người, tăng 4,6%; Đài Loan 88,8 nghìn lượt người, tăng 2,2%; Ôx-trây-li-a 86,5 nghìn lượt người, tăng 7,3%; Cam-pu-chia 76,8 nghìn lượt người, tăng 31,5%; Pháp 62,7 nghìn lượt người, tăng 9,3%; Ma-lai-xi-a 53,2 nghìn lượt người, tăng 18,5%; Anh 41,4 nghìn lượt người, tăng 8,6%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
1. Đầu tư phát triển
Công tác kiểm tra, giám sát đầu tư đang được các ngành chức năng triển khai tích cực, đặc biệt đối với đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước và trái phiếu Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu cấp bách là kiềm chế lạm phát. Theo đó, việc cấp, phát vốn được ưu tiên đầu tư cho những dự án, công trình trọng điểm, thiết yếu; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư phát triển, tăng cường thu hút, giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá thực tế thực hiện quý I năm 2011 ước tính đạt 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm vốn khu vực Nhà nước 76,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,5% tổng vốn và tăng 15,2%; khu vực ngoài Nhà nước 45,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,6% và tăng 28,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 49,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,9% và tăng 3,8%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước thực hiện quý I năm nay, vốn từ ngân sách Nhà nước ước tính đạt 38,9 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2% kế hoạch năm và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2010, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 8148 tỷ đồng, bằng 19,5% kế hoạch năm và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông vận tải đạt 1333 tỷ đồng, bằng 18,1% và tăng 13,1%; Bộ Công Thương 675 tỷ đồng, bằng 16,5% và giảm 2,6%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 421 tỷ đồng, bằng 11,5% và giảm 11%; Bộ Y tế 199 tỷ đồng, bằng 22,1% và tăng 2,1%; Bộ Xây dựng 160 tỷ đồng, bằng 16,3% và giảm 8,5%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 149 tỷ đồng, bằng 16,6% và giảm 1,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 101 tỷ đồng, bằng 18% và giảm 0,9%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 30732 tỷ đồng, bằng 21,8% kế hoạch năm và tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2010. Một số địa phương có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn là: Hà Nội đạt 2533 tỷ đồng, bằng 12,6% kế hoạch năm và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 2061 tỷ đồng, bằng 15,2% và tăng 6,9%; Đà Nẵng 1579 tỷ đồng, bằng 46% và tăng 53,1%; Thanh Hóa 1260 tỷ đồng, bằng 25,9% và tăng 54,6%; Thừa Thiên-Huế 968 tỷ đồng, bằng 35,2% và tăng 23%; Bà Rịa-Vũng Tàu 796 tỷ đồng, bằng 24,1% và tăng 12,1%; Hậu Giang 754 tỷ đồng, bằng 36,4% và tăng 50,2%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 22/3/2011 đạt 2371,7 triệu USD, bằng 66,9% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký 2037,6 triệu USD của 173 dự án được cấp phép mới (giảm 35,2% về vốn và giảm 41,4% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 334,1 triệu USD của 37 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I năm 2011 ước tính đạt 2540 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong quý I, cả nước có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về vốn đăng ký với 1073,2 triệu USD, chiếm 52,7% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Ninh Thuận 266 triệu USD, chiếm 13,1%; Đà Nẵng 235,7 triệu USD, chiếm 11,6%; Bình Dương 138,5 triệu USD, chiếm 6,8%; Bà Rịa-Vũng Tàu 121,6 triệu USD, chiếm 6%.
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam quý I năm nay, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 1078,9 triệu USD, chiếm 53% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 326 triệu USD, chiếm 16%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 252,4 triệu USD, chiếm 12,4%; Hàn Quốc 168 triệu USD, chiếm 8,2%; Nhật Bản 96,9 triệu USD, chiếm 4,8%; Bru-nây 25 triệu USD, chiếm 1,2%.
Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước thực hiện
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 01/01- 22/3/2011
2. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/3/2011 ước tính bằng 21,2% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 22,3%; thu từ dầu thô bằng 21,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 18%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 23,2%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 20,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 22,6%; thuế thu nhập cá nhân bằng 21,5%; thu phí xăng dầu bằng 19,2%; thu phí, lệ phí bằng 14,4%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/3/2011 ước tính bằng 18,9% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 21,4%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính bằng 19,8%; chi trả nợ và viện trợ bằng 19,5%.
3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ
a. Xuất khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2011 ước tính đạt 7,1 tỷ USD, tăng 45,4% so với tháng trước và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19,2 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 40,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,4 tỷ USD, tăng 28,7%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I tăng cao một mặt do lượng xuất khẩu tăng, mặt khác do đơn giá xuất khẩu một số mặt hàng tăng. Một số mặt hàng có đơn giá xuất khẩu tăng cao là: Giá cao su tăng 70%; hạt tiêu tăng 60%; cà phê tăng %; hạt điều tăng 37,8%; than đá tăng 56%...Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 17,5 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong hai tháng đầu năm, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là các thị trường: ASEAN 1,7 tỷ USD, tăng 15,6%; Trung Quốc 1,3 tỷ USD, tăng 60,9%; Nhật Bản 1,2 tỷ USD, tăng 17,5%.
Trong quý I năm nay, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD đạt mức tăng cao là: Hàng dệt may đạt 2,8 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; dầu thô 1,6 tỷ USD, tăng 15,7%; giày dép đạt 1,3 tỷ USD, tăng 29,7%; thủy sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 30,5%; cà phê đạt 1 tỷ USD, tăng 115,1%. Một số mặt hàng xuất khẩu khác có kim ngạch tương đối lớn đạt mức tăng khá là: Gạo đạt 849 triệu USD, tăng 7,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 816 triệu USD, tăng 9,2%; điện tử máy tính đạt 791 triệu USD, tăng 13,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 782 triệu USD, tăng 20,1%; cao su 774 triệu USD, tăng 134,1%.
Xuất khẩu hàng hoá
b. Nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3/2011 ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 37,6% so với tháng trước và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2011, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 22,3 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 20,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,5 tỷ USD, tăng 28,4%.
Nhìn chung, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước vẫn tăng cao, trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,4 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước; xăng dầu đạt 2,4 tỷ USD tăng 53,8%; sắt thép đạt 1,3 tỷ USD, tăng 18%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 1,3 tỷ USD, tăng 29,7%; vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 42%; chất dẻo đạt 1,1 tỷ USD, tăng 40,1%; nguyên phụ liệu dệt may giày dép đạt 623 triệu USD, tăng 22,1%. Nhập khẩu ôtô quý I đạt 734 triệu USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ôtô nguyên chiếc đạt 262 triệu USD, tăng 62,2%.
Tương tự như xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I tăng do cả yếu tố lượng tăng và giá nhập khẩu một số mặt hàng trên thị trường thế giới tăng. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu hai tháng đầu năm là 3,1 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; ASEAN 2,7 tỷ USD, tăng 22%; EU 935 triệu USD, tăng 5,3%; Nhật Bản 1,4 tỷ USD, tăng 25%; Hoa Kỳ 605 triệu USD, tăng 30%.
Nhập siêu tháng 3/2011 ước tính 1,15 tỷ USD, bằng 16,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu quý I là 3 tỷ USD, bằng 15,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Nhập khẩu hàng hoá
4. Chỉ số giá
a. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2011 tăng 2,17% so với tháng trước. Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, hai nhóm có chỉ số giá tăng cao hơn nhiều mức tăng chung là: Giao thông tăng 6,69%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,67%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá thấp hơn mức tăng chung nhưng cao hơn 1% là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,98% (Lương thực tăng 2,18%, thực phẩm tăng 1,57%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,06%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá bằng hoặc dưới mức 1% gồm : May mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,0%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,98%; giáo dục tăng 0,9%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,88%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,71%; bưu chính viễn thông tăng 0,02%.
Chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng dần và ở mức cao trong ba tháng đầu năm. Tháng Ba thường là tháng sau Tết Nguyên đán nên thị trường giá cả không tăng so với tháng trước, nhưng chỉ số giá tháng Ba năm nay cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của 5 năm trở lại đây, và gần bằng mức 2,99% của năm 2008, năm lạm phát tăng cao ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng ba tháng đầu năm
|
2005
|
2006
|
2007
|
2008
|
2009
|
2010
|
2011
|
Tháng trước = 100
|
|
|
|
|
|
Tháng 1
|
101,1
|
101,2
|
101,05
|
102,38
|
100,32
|
101,36
|
101,74
|
Tháng 2
|
102,5
|
102,1
|
102,17
|
103,56
|
101,17
|
101,96
|
102,09
|
Tháng 3
|
100,1
|
99,5
|
99,78
|
102,99
|
99,83
|
100,75
|
102,17
|
Tháng 12 năm trước = 100
|
|
|
|
|
|
Tháng 1
|
101,1
|
101,2
|
101,05
|
102,38
|
100,32
|
101,36
|
101,74
|
Tháng 2
|
103,6
|
103,3
|
103,24
|
106,02
|
101,49
|
103,35
|
103,87
|
Tháng 3
|
103,7
|
102,8
|
103,02
|
109,19
|
101,32
|
104,12
|
106,12
|
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2011 tăng 6,12% so với tháng 12/2010; tăng 13,89% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay tăng 12,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 3/2011 tăng 5,0% so với tháng trước; tăng 4,58% so với tháng 12/2010; tăng 41,27% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2011 tăng 3,06% so với tháng trước; tăng 3,70% so với tháng 12/2010; tăng 12,05% so với cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 03 năm 2011
c. Chỉ số giá sản xuất
Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2011 tăng 9,69% so với quý trước và tăng 23,12% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá sản xuất công nghiệp quý I/2011 tăng 5,05% so với quý trước và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I/2011 tăng 5,91% so với quý trước và tăng 15,23% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá xuất khẩu quý I/2011 tăng 4,48% so với quý trước và tăng 9,89% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá nhập khẩu quý I/2011 tăng 3,38% so với quý trước và tăng 7,99% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá cước vận tải quý I/2011 tăng 5,86% so với quý trước và tăng 11,47% so với cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản quý I năm 2011
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp quý I năm 2011
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I năm 2011
Chỉ số giá xuất khẩu quý I năm 2011
Chỉ số giá nhập khẩu quý I năm 2011
Chỉ số giá cước vận tải quý I năm 2011
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Thiếu đói trong nông dân
Thiên tai khắc nghiệt liên tiếp xảy ra, dịch bệnh xuất hiện nhiều trên cây trồng, vật nuôi cùng với giá cả hàng hóa tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống dân cư, đặc biệt là nông dân các vùng miền núi cao, vùng sâu, vùng xa và bộ phận người lao động có thu nhập thấp ở khu vực thành thị. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, trong ba tháng đầu năm, cả nước có 300,9 nghìn lượt hộ thiếu đói với 1230 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói khoảng 13 nghìn tấn lương thực và trên 2,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai các hoạt động tổ chức cứu trợ xã hội cho những hộ nghèo; người khuyết tật; gia đình có hoàn cảnh khó khăn; đồng bào sinh sống tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa với tổng giá trị khoảng 2 nghìn tỷ đồng và 25 nghìn tấn gạo.
2. Giáo dục và đào tạo
a. Giáo dục
Theo báo cáo sơ bộ, tại thời điểm đầu năm học 2010-2011, cả nước có 12678 trường mầm non, tăng 413 trường so với năm học trước; 15242 trường tiểu học, tăng 70 trường; 10132 trường trung học cơ sở, tăng 68 trường và 2289 trường trung học phổ thông, tăng 22 trường. Tổng số giáo viên của ba cấp học là 820,4 nghìn người, tăng 0,2% so với năm học trước, bao gồm 359,7 nghìn giáo viên tiểu học, tăng 1,3%; 313,1 nghìn giáo viên trung học cơ sở, giảm 1,3% và 147,6 nghìn giáo viên trung học phổ thông, tăng 0,9%. Số học sinh không biến động nhiều so với năm học 2009 - 2010, gồm 6,9 triệu học sinh tiểu học; 5 triệu học sinh trung học cơ sở và 2,8 triệu học sinh trung học phổ thông.
Tính đến cuối tháng 3/2011, cả nước có 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
b. Đào tạo
Năm 2010-2011, cả nước có 414 trường đại học, cao đẳng, tăng 2,7% so với năm học 2009-2010. Số giáo viên đại học, cao đẳng là 71,5 nghìn người, tăng 2,7% so với năm học trước, trong đó giáo viên công lập là 61,2 nghìn người. Tổng số sinh viên đại học, cao đẳng ước tính trên 2 triệu sinh viên, tăng 4,4%, trong đó hơn 85% là sinh viên các trường công lập và số sinh viên nữ chiếm gần 50% tổng số học sinh. Số sinh viên tốt nghiệp năm học 2010-2011 ước tính khoảng 290 nghìn sinh viên, tăng 17,5% so với năm học trước, trong đó sinh viên hệ công lập chiếm 87%.
Công tác đào tạo nghề tiếp tục được quan tâm đầu tư tại các địa phương. Kế hoạch tuyển sinh năm 2011 của các trường và trung tâm đào tạo nghề là 1,9 triệu lượt học sinh, bao gồm 420 nghìn học sinh cao đẳng nghề và trung cấp nghề; 1440 nghìn lượt học sinh sơ cấp nghề và học nghề thường xuyên.
3. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Theo báo cáo sơ bộ, trong ba tháng đầu năm, cả nước có 274 trường hợp mắc cúm A (H1N1) (5 trường hợp tử vong); 8,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (6 trường hợp tử vong); 1,5 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 64 trường hợp mắc bệnh thương hàn và chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A (H5N1). Trong tháng 3/2011, đã có 699 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện thêm, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước tính từ ca phát hiện đầu tiên lên 235,1 nghìn người, trong đó 94,2 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 49,8 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề gây nhiều lo lắng cho người dân. Riêng trong tháng Ba đã xảy ra ba vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh Thanh Hóa, Kon Tum và Trà Vinh làm 295 người bị ngộ độc. Trong ba tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1401 người bị ngộ độc, trong đó 4 trường hợp tử vong.
4. Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa thông tin trên cả nước ba tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào tuyên truyền và tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng thành công của Đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và mừng xuân Tân Mão 2011.
Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường ở các cấp và các địa phương. Trong tháng 02/2011, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra 854 cơ sở kinh doanh, qua đó phát hiện 148 cơ sở vi các phạm quy định đối với việc tổ chức và quảng cáo trong hoạt động văn hóa. Hàng chục nghìn băng đĩa và nhiều loại văn hóa phẩm phát hành và tiêu thụ trái phép hoặc có nội dung không lành mạnh đã bị tịch thu, số tiền xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm khoảng trên 200 triệu đồng.
Trong những tháng đầu năm 2011, hoạt động thể dục thao quần chúng và thể thao thành tích cao diễn ra sôi nổi tại các địa phương. Trong thể thao thành tích cao, ngành thể dục thể thao đã triển khai nhiều lớp tập huấn cho các đội tuyển quốc gia để chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự SEA GAMES 26 tại Indonesia; tham dự vòng loại Olympic London 2012 và ASIAD 17 tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nhiều giải thể thao cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công ở trong nước như: Giải việt dã leo núi chinh phục đỉnh cao Bà Rá tại tỉnh Bình Phước; giải cờ vua quốc tế HDBank năm 2011 tại thành phố Hồ Chí Minh; siêu cúp bóng đã quốc gia năm 2011...
5. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo sơ bộ, trong tháng 02/2011, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1218 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1029 người và làm bị thương 1014 người. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ tai nạn giao thông giảm 5,1%; số người chết giảm 5,9%; số người bị thương giảm 3,2%. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 2,5%; số người chết giảm 1,5%; số người bị thương tăng 9,3%. Tính chung hai tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 2467 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2074 người và làm bị thương 1942 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 2,4%; số người chết giảm 0,4%; số người bị thương giảm 2,1%. Bình quân một ngày trong hai tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông, làm chết 35 người và làm bị thương 33 người.
6. Thiệt hại do thiên tai
Thiên tai xảy ra liên tiếp trong ba tháng đầu năm đã làm trên 28 nghìn ha lúa và mạ bị chết rét; 1,4 nghìn tấn thóc giống bị hư hỏng; 1,5 nghìn ha màu bị ngập nặng và hỏng; hơn 68 nghìn con gia súc bị chết. Một số tỉnh có số trâu, bò bị chết nhiều là: Lạng Sơn 10,9 nghìn con; Lào Cai 6,8 nghìn con; Sơn La 6,6 nghìn con; Hà Giang 3,6 nghìn con. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính trên 849 tỷ đồng.
Khái quát lại, kinh tế-xã hội quý I năm 2011 mặc dù đạt được một số kết quả tích cực ở một số ngành, lĩnh vực nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi lạm phát đang ở mức cao. Do đó, để giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau đây:
Một là, tăng cường kiểm soát chặt thị trường giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như: Xi măng, sắt thép, phân bón, điện, than, sữa, thuốc chữa bệnh… Kiểm soát và ngăn cấm tình trạng xuất khẩu lậu một số loại hàng hóa ảnh hưởng mạnh đến biến động chỉ số giá tiêu dùng như: Xăng, dầu, thực phẩm… gây tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường trong nước. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia chương trình bình ổn giá tại các địa phương, đồng thời bổ sung các mặt hàng trong danh mục bình ổn và thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt và phù hợp với diễn biến của thị trường.
Hai là, tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ đã được bố trí vốn năm 2011, qua đó xác định cụ thể những công trình, dự án không cấp thiết để có hướng chỉ đạo ngừng, đình hoãn hoặc giãn tiến độ thực hiện trong năm nay.
Ba là, ngân hàng cần có chính sách lãi suất linh hoạt và phù hợp, vừa bảo đảm lợi ích cho các đối tượng có tiền gửi, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường quản lý ngoại hối và kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng. Xử lý kiên quyết và nghiêm các trường hợp buôn lậu vàng và đô la. Khẩn trương có quy định cụ thể về việc kinh doanh vàng miếng nhằm sớm ổn định thị trường vàng trong nước.
Bốn là, các ngân hàng thương mại cần ưu tiên cho vay ngoại tệ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất mà trong nước chưa có hoặc còn thiếu; hạn chế cho vay ngoại tệ nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng trong nước đã sản xuất được.
Năm là, thực hiện kịp thời và đầy đủ việc trợ giá tiền điện cho các đối tượng được hưởng. Tăng cường huy động các nguồn lực giúp đỡ người nghèo. Đẩy mạnh việc vận động nhân dân cả nước hưởng ứng phong trào tương trợ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Thực thi tốt các chính sách an sinh xã hội, gắn với thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo bền vững. Tạo điều kiện để hộ nghèo và gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, nhất là ở các lĩnh vực cho vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ
|