TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2006
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp
Ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2006 tính theo giá so sánh 1994 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quí II tăng 7,5%, cao hơn mức tăng 7,2% của quí I (cả 3 khu vực đều tăng cao hơn mức tăng trong quí I). Giá trị tăng thêm của tất cả 20 ngành kinh tế cấp I đều cao hơn cùng kỳ năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3%; công nghiệp, xây dựng tăng 9,3%; dịch vụ tăng 7,7%. Đóng góp vào tăng trưởng 6 tháng của các khu vực lần lượt là công nghiệp, xây dựng 3,7 điểm phần trăm; dịch vụ 3,1 điểm phần trăm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 0,6 điểm phần trăm.
Khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng thấp hơn mức tăng 4,4% của 6 tháng đầu năm trước, do giá trị tăng thêm của nông nghiệp tăng 2,5%, thấp hơn mức tăng 4% của 6 tháng đầu năm trước (chủ yếu do sản lượng lúa dự kiến chỉ tăng 1,5%); thuỷ sản tăng 7% (6 tháng đầu năm trước tăng 8%).
Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay chỉ cao hơn mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm trước 0,1 điểm phần trăm, chủ yếu do tăng trưởng của công nghiệp khai khoáng giảm 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2006 chỉ ngang mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm trước. Trong khi phần lớn các ngành dịch vụ kinh doanh duy trì mức tăng trưởng cao như: thương nghiệp tăng 7,9%; khách sạn, nhà hàng tăng 11%; vận tải, bưu điện, du lịch tăng 9,9%; tài chính ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,3%, thì các ngành dịch vụ công cộng tăng ở mức thấp hơn, phổ biến tăng từ 6,8% đến 7,5%; riêng ngành kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn chỉ tăng 3,4%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2006 ước tính tăng 14,6% so với 6 tháng đầu năm 2005 và đạt 48,8% dự toán cả năm, trong đó thu nội địa đạt 48,5%; thu từ dầu thô 50,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 46,9%. Trong thu nội địa, thu từ kinh tế quốc doanh đạt 49,4%; thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 52,1%; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao 52%; riêng các khoản thu về nhà đất đạt 47,7%, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 40,9%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 6 tháng ước tính tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 45,6% dự toán cả năm, trong đó chi đầu tư phát triển 42,7% (chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 42,8%); chi trả nợ và viện trợ đạt 44,6%; chi thường xuyên đạt 50,2%. Bội chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước tính bằng 37,6% mức bội chi dự kiến cả năm, trong đó được bù đắp bằng nguồn vay trong nước là 66,8% và vay nước ngoài 33,2%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2006 ước tính đạt 85,6 nghìn tỷ đồng (theo giá so sánh 1994), tăng 3,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp tăng 3%, lâm nghiệp tăng 0,8% và thuỷ sản tăng 7,3%.
Nông nghiệp:
Sản lượng lúa đông xuân năm nay ước tính đạt 17,6 triệu tấn, tăng 1,5% (+26,6 vạn tấn) so với vụ đông xuân năm trước. Miền Bắc sản lượng 6,82 triệu tấn, tăng 92,8 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do năng suất tăng 1 tạ/ha. Miền Nam đã thu hoạch xong lúa đông xuân, sản lượng 10,77 triệu tấn, tăng 1,6% , chủ yếu do tăng diện tích 3,2%, trong khi năng suất giảm 0,9 tạ/ha so cùng kỳ, giảm chủ yếu ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vì bị nhiễm mặn, sâu bệnh nặng. Sản lượng ngô đông xuân ước đạt 1,8 triệu tấn, tăng 3% so cùng kỳ năm trước do tăng cả diện tích và năng suất; đỗ tương tăng 6,5%; rau tăng 5,9%; riêng sản lượng khoai lang chỉ bằng 97,5%; lạc bằng 95,6%, vừng bằng 81%.
Lúa hè thu: Tính đến trung tuần tháng 6, các địa phương đã gieo cấy được 2 triệu ha lúa hè thu, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 1,55 triệu ha, tăng 3%.
Chăn nuôi: Theo kết quả điều tra chăn nuôi 1/4/2006, tổng đàn lợn cả nước hiện có 27,39 triệu con, xấp xỉ đàn lợn thời điểm 1/8/2005 và tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tăng số hộ nuôi qui mô lớn. Trong tổng số, đàn lợn thịt tăng 5,3%, đàn lợn nái tăng 5,2%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Đàn bò ở hầu hết các tỉnh tăng cao so cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm tăng 6,5%, do đã được khôi phục và bắt đầu phát triển ở hộ có quy mô nuôi nhỏ. Trong tháng 6, dịch lở mồm long móng ở gia súc cơ bản đã được khống chế, công tác tiêm phòng cho gia súc đang được đẩy mạnh. Các địa phương đã kết thúc công tác tiêm phòng đợt đầu năm cho đàn gia cầm.
Lâm nghiệp
Diện tích trồng rừng tập trung 6 tháng đầu năm 2005 ước tính đạt 97,5 nghìn ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là trồng mới theo dự án 5 triệu ha rừng; Số cây trồng phân tán tăng 0,9%; Sản lượng gỗ khai thác 1348 nghìn m3, tăng 1,5%, do thời tiết khá thuận cộng với nhiều diện tích rừng đến chu kỳ khai thác (trong đó 76% khai thác từ rừng trồng).
Về công tác bảo vệ rừng, diện tích rừng bị thiệt hại do bị cháy và chặt phá trên phạm vi cả nước 6 tháng đầu năm nay là 2783 ha, bằng 61,2% cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy 1328 ha, bằng 33,2% cùng kỳ, Diện tích rừng bị phá 1455 ha, gấp gần 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2005, do một bộ phận dân cư đốt, phá rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ trái phép (Bình Phước 725 ha, chiếm gần 50% diện tích rừng bị phá của cả nước; Gia Lai 170 ha, Đắk Nông 165 ha, Lâm Đồng 161 ha).
Thủy sản
Tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 1697,3 nghìn tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng và đánh bắt đều tăng. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước tính đạt 647,9 nghìn tấn, tăng 18,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó cá tăng 26%, tôm tăng 5,3%. Sản lượng cá tăng do diện tích tăng 5,1% và do nhu cầu tiêu thụ tăng nên giá cá tra, cá ba sa tăng từ cuối năm 2005 và liên tục tăng cao trong những tháng đầu năm nay đã khuyến khích các hộ nuôi cá trước đây bị thua lỗ nuôi trở lại, chuyển diện tích nuôi tôm có hiệu quả thấp sang và phát triển nuôi cá bè. Sản lượng tôm tăng thấp do diện tích nuôi tôm giảm 1% và phần lớn diện tích nuôi tôm sú chính vụ chưa được thu hoạch đại trà.
Sản lượng thuỷ sản khai thác ước tính đạt 1049,4 nghìn tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước; trong đó, khai thác biển 961 nghìn tấn, tăng 3,1% (Vụ cá Nam sản lượng khá, do các loại cá xuất hiện dày và kéo dài ở vùng biển nam Trung bộ; trong khi cá ngừ đại dương xuất hiện ít hơn so với năm trước; mặt khác, khai thác thuỷ sản còn chịu ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu và cơn bão số 1).
3. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, là tốc độ tương đối cao so với cùng kỳ những năm gần đây, trong đó khu vực Nhà nước tăng 9,5% (Trung ương quản lý tăng 12,6%; địa phương quản lý tăng 1,6%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 20,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,5% (trong khi tốc độ tăng 6 tháng của khu vực này năm 2004 đạt 14,7%; năm 2005 chỉ đạt 13,9%).
Trong ba ngành công nghiệp cấp I, công nghiệp chế biến chiếm 86,5% giá trị sản xuất toàn ngành, đồng thời cũng là ngành tăng cao nhất (+ 17,6% so với cùng kỳ 2005); công nghiệp khai thác mỏ tỷ trọng 8,1%, chỉ tăng 4,3%; sản xuất và phân phối điện, ga, nước chiếm tỷ trọng 5,4%, tăng 12,5%.
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp quan trọng có tốc độ tăng cao trong 6 tháng như: than, thuỷ sản chế biến, vải lụa thành phẩm, quần áo dệt kim, quần áo may sẵn, thuốc trừ sâu, xi măng, thép cán, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, đặc biệt là tàu vận tải chuyên dụng, dây và cáp điện, đồ gỗ, đồ nhựa gia dụng... Bên cạnh các sản phẩm tăng cao, một số sản phẩm trong 6 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước như: dầu thô, đường mật, phân hoá học, máy công cụ, máy biến thế, ô tô lắp ráp, xe đạp...
Một số địa phương có quy mô công nghiệp trên địa bàn lớn, có tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn mức tăng chung của cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ,… Riêng thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 22,5% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, chỉ tăng 13,4%; công nghiệp trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chỉ tăng 9,9%.
4. Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2006 theo giá thực tế ước tính đạt 173,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch năm và tăng 24,3% so với 6 tháng đầu năm 2005, trong đó vốn Nhà nước thực hiện chiếm 48,4% tổng số vốn, tăng 14,1%; vốn ngoài Nhà nước chiếm 34,5% và tăng 44%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 17,1% và tăng 21,8%. Thực hiện vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2006 ước tính bằng 47,6% kế hoạch cả năm, trong đó vốn do trung ương quản lý bằng 49,5% và vốn địa phương quản lý bằng 46,7%.
Tình hình đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ đầu năm đến 20/6/2006 có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp giấy phép đầu tư vào Việt Nam với 339 dự án và 2,26 tỷ USD vốn đăng ký , tăng 5% về số dự án và tăng 21% tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2005. Bình quân vốn đăng ký 1 dự án cấp mới xấp xỉ 6,7 triệu USD, cao hơn bình quân 5,8 triệu USD/dự án của cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, 6 tháng qua cũng đã có 182 lượt dự án được tăng vốn với số vốn tăng thêm 585,3 triệu USD. Tính chung cả vốn cấp mới và tăng vốn 6 tháng đầu năm nay là 2,85 tỷ USD.
5. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2006 theo giá thực tế ước tính đạt 263,6 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, tăng trên 11%), trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8%; kinh tế tập tăng 20,2%; kinh tế cá thể chiếm 62,9%, tăng 20,5%; kinh tế tư nhân tăng 24,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,9%. Theo ngành kinh doanh, thương nghiệp chiếm tỷ trọng 81,7% tổng mức 6 tháng, tăng 18,9% so với cùng kỳ; khách sạn, nhà hàng chiếm 12%, tăng 21%; dịch vụ chiếm 5,6%, tăng 28,2% và doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành chỉ chiếm 0,7% tổng mức, nhưng có tốc độ tăng tới 31,2%;
Giá tiêu dùng tháng 6/2006 tăng 0,4% so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,4%; nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 1%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,7%; dược phẩm, y tế tăng 0,5%; riêng nhóm giáo dục và đồ dùng, dịch vụ khác giảm từ 0,2% đến 0,3%. So với tháng 12/2005 giá tiêu dùng tháng 6/2006 tăng 4% và tăng ở tất cả mười nhóm hàng hoá và dịch vụ, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,9%; 2 nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng; phương tiện đi lại, bưu điện đều tăng 3,4%, do ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất trong nước; hầu hết các nhóm còn lại tăng phổ biến từ 2,1% đến 3,2%. So với tháng 6 năm 2005 giá tiêu dùng tháng 6/2006 tăng 7,6%, trong đó ba nhóm tăng cao và đóng góp chính vào tăng giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng và phương tiện đi lại và bưu điện; giá tiêu dùng các nhóm có xu hướng chênh lệch theo chiều khác nhau giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Giá vàng tháng 6/2006 tiếp tục diễn biến phức tạp và lên xuống thất thường, sau khi trong tháng 5/2006 đã tăng ở mức kỷ lục 17,6% so với tháng trước. Giá vàng tháng 6/2006 đã giảm 5,6%, đây là tháng giảm giá đầu tiên sau khi liên tục tăng từ tháng 7/2005. Giá vàng tháng 6/2006 vẫn ở mức cao, tăng 29,9% so với tháng 12/2005 và tăng 51,1% so với tháng 6 năm trước.
Giá đô la Mỹ ổn định trong quí I/2006, tăng cao trong tháng 5, chủ yếu do ảnh hưởng của tăng giá dầu, giá vàng trên thị trường thế giới và tâm lý của một bộ phận dân cư và giá USD cũng chỉ dao động mạnh trên thị trường tự do. Giá USD tháng 6 đã giảm 0,3% so với tháng trước nhưng tăng 0,6% so với tháng 12/2005 và tăng 1,1% so với tháng 6/2005.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 39,44 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 25,7% và nhập khẩu tăng 14,1%. Do xuất khẩu trong các tháng đều tăng cao hơn so với tốc độ tăng nhập khẩu nên khoảng cách xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay đã được thu hẹp đáng kể so với năm trước. Nhập siêu 6 tháng đầu năm nay xấp xỉ 2 tỷ USD và chỉ bằng 10,6% trị giá xuất khẩu, giảm đáng kể so với tỷ lệ 21,8% của 6 tháng đầu năm 2005.
Xuất khẩu hàng hoá tháng 6/2006 ước tính đạt 3,4 tỷ USD, ngang mức đã thực hiện được trong tháng 5/2006, tính chung 6 tháng đạt 18,7 tỷ USD, tăng 25,7% so cùng kỳ năm trước và đã đạt 49,6% kế hoạch năm; bình quân mỗi tháng qua xuất khẩu 3,1 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 2,4 tỷ USD của 6 tháng năm trước. Kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô đạt 14,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 23,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,6 tỷ USD, tăng 29,8%.
Các thị trường xuất khẩu chính đều tăng khá, trong đó thị trường khối các nước ASEAN chiếm 15% kim ngạch 6 tháng, tăng 18,1% so với cùng kỳ; EU 18%, tăng 30,2%; thị trường Mỹ tăng 46,5%; Nhật Bản tăng 25,1%, Trung Quốc tăng 10,3%, Ôx-trây-lia tăng 7,5%.
Xuất khẩu 21/25 mặt hàng tăng so với 6 tháng cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng lớn tăng cao so với cùng kỳ. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản (trừ hạt điều và lạc) đều tăng, trong đó tăng mạnh là cao su, cà phê và giá nhiều nông sản xuất khẩu có lợi hơn.
Nhập khẩu hàng hoá có tốc độ tăng cao dần qua các tháng, tính chung 6 tháng đầu năm nay đã tăng ở mức 14,1% so với cùng kỳ năm trước (trong khi quí I chỉ tăng 1,9%) với nhiều vật tư, nguyên liệu tăng cao về khối lượng nên đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất, tiêu dùng trong nước. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước tính đạt 20,7 tỷ USD, đạt 48,7% kế hoạch năm. Khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 13,2 tỷ USD, tăng 12,9% và đóng góp 58,9% vào tăng nhập khẩu chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, tăng 16,2%, đóng góp 41,1%.
Nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường nguồn có kim ngạch lớn tăng khá trong 6 tháng đầu năm nay là: thị trường các nước ASEAN chiếm gần 28% kim ngạch 6 tháng đầu năm, tăng 33%; Trung Quốc tăng 19,9%; Nhật Bản tăng 11%; Đài Loan tăng 15,1%; Hồng Công tăng 25,9%; Hoa Kỳ tăng 10%...; riêng thị trường Hàn Quốc giảm 3,6%.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất trong nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2005. Các mặt hàng phân bón, chất dẻo, giấy, sợi dệt và bông có tốc độ tăng cao cả về kim ngạch và lượng nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu xăng dầu kim ngạch tăng 23,8%, do giá tăng trên 33% trong khi lượng nhập giảm 7,1%. Kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 16%; hoá chất tăng 9,5%; sản phẩm hoá chất tăng 21,3%; vải tăng 34,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 7,8%... Bên cạnh đó, trị giá nhập khẩu của một số mặt hàng giảm như: nguyên phụ liệu dệt, may, da; lúa mỳ; sữa và sản phẩm sữa; ô tô; xe máy.
Xuất nhập khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước tính đạt 5,41 tỷ USD, tăng 20,8% so với 6 tháng đầu năm trước, trong đó xuất khẩu 2,53 tỷ USD, tăng 20,9% và nhập khẩu 2,88 tỷ USD, tăng 20,7%.
Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2006 ước tính đạt 645 triệu lượt hành khách và đạt 27,1 tỷ lượt hành khách.km, tăng 8% về lượt hành khách và tăng 8,9% về lượt hành khách.km so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hành khách do các đơn vị trung ương quản lý 12,3 triệu lượt khách tăng 0,2% và 8,6 tỷ hành khách.km, tăng 10,1%; vận chuyển hành khách do các đơn vị vận tải địa phương quản lý tăng 8,2% về số khách và tăng 8,3% về lượt khách.km. Vận chuyển khách của các ngành vận tải đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trừ ngành đường sắt giảm 9,5% về số khách và giảm 6,4% về số khách luân chuyển.
Vận chuyển hàng hoá 6 tháng đầu năm ước tính đạt 168,3 triệu tấn và 42,7 tỷ tấn.km, tăng 8% về tấn và 8,3% về tấn.km so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận chuyển hàng hoá ở hầu hết các ngành vận tải đều tăng so với 6 tháng đầu năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1,85 triệu lượt khách, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu tăng cao ở nhóm khách vào vì công việc với 278,1 nghìn lượt người, tăng 26,3%; khách đến du lịch, nghỉ ngơi 1,1 triệu lượt người, tăng 4,1%; thăm thân nhân 281,6 nghìn lượt người, tăng 6,6%; khách đến với các mục đích khác 217,2 nghìn, tăng 3%. Theo phương tiện vận chuyển, số khách đến bằng đường hàng không chiếm tới 70,4%, tăng 19,7%; đường biển tăng 6,4%, trong khi số khách đến bằng đường bộ giảm 18,8% (chủ yếu do khách đến từ Trung Quốc giảm)
B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI