Tình hình kinh tẾ-xã hỘi tháng 2 và 2 tháng đẦu năm 2006
1. Sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp: Tính đến 15/2, cả nước gieo cấy được 2658,9 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 107,4% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 844,3 nghìn ha, tăng 20,3%; các địa phương phía Nam 1814,6 nghìn ha, bằng 102,4%.
Tiến độ gieo trồng cây màu vụ xuân nhanh hơn cùng kỳ năm trước, cả nước gieo trồng được 275,3 nghìn ha ngô, bằng 103,3%; 97,1 nghìn ha khoai lang, bằng 99,5%; 41,8 nghìn ha sắn, bằng 117,7%; 125,2 nghìn ha lạc, bằng 106,7%; 64,7 nghìn ha đậu tương, bằng 122,3%; 25,3 nghìn ha mía trồng mới, bằng 125% và 271 nghìn ha rau đậu, bằng 106,6%.
Lâm nghiệp: Tính chung 2 tháng đầu năm 2006, diện tích rừng trồng tập trung đạt 24,4 nghìn ha, bằng 99,7% cùng kỳ năm trước; trồng cây phân tán 40,4 triệu cây, bằng 100,2%; sản lượng gỗ khai thác 369 nghìn m3, bằng mức cùng kỳ.
Thuỷ sản: 2 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 568,9 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng 181,8 nghìn tấn, tăng 13,6%; khai thác 387,1 nghìn tấn, tăng 3,1%.
2. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2006 theo giá cố định tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 21,7% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,3%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn duy trì mức độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Than sạch khai thác tăng 21,8%; thủy sản chế biến tăng 14,8%; vải lụa các loại tăng 23,2%; quần áo dệt kim tăng 24,4%; quần áo may sẵn tăng 39,3%; xi măng tăng 15,5%; máy công cụ tăng 27,8%; động cơ điện tăng 62,6%... Một số sản phẩm tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: giấy bìa các loại tăng 8,2%; ti vi lắp ráp tăng 1,1%; xe máy lắp ráp tăng 6,4%; điện tăng 9,1%.
Công nghiệp trên địa bàn một số tỉnh, thành phố lớn đều có mức tăng trưởng khá cao trong hai tháng đầu năm nay: Hà Nội tăng 21,3%; Hải Phòng tăng 20%; Hà Tây tăng 16,3%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Bình Dương tăng 20,8%; Đồng Nai tăng 17,9%; Cần Thơ tăng 19,1%; riêng thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,1% và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5,6%.
3. Đầu tư
Thực hiện kế hoạch vốn đầu tư XDCB phần vốn ngân sách Nhà nước
2 tháng đầu năm 2006, ước tính đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8% kế hoạch cả năm, trong đó các đơn vị Trung ương 2,55 nghìn tỷ đồng, bằng 14,6% và các đơn vị địa phương 4,65 nghìn tỷ đồng, bằng 12%.
Tình hình đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ đầu năm đến 15/2/2006 đã có 113 dự án đầu tư được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 1319,1 triệu USD, bình quân vốn đăng ký 1 dự án là 11,7 triệu USD. Ngoài ra, có 12 dự án được tăng vốn với số vốn tăng thêm 61,3 triệu USD. Dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép từ đầu năm đến 15/2/2006 chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp và xây dựng với 89 dự án và 981,1 triệu USD, chiếm 78,8% số dự án và 74,4% tổng vốn đăng ký; lĩnh vực nông, lâm nghiệp có 2 dự án với số vốn 1,9 triệu USD; các lĩnh vực khác 22 dự án và 336,1 triệu USD.
Trong các địa phương, thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước cả về số dự án và vốn đăng ký với 40 dự án (chiếm 35,4%) và 645,4 triệu USD (chiếm 48,9%); Hà Nội 9 dự án và vốn đăng ký 415 triệu USD; Đồng Nai 21 dự án và 98,9 triệu USD.
4. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2006 theo giá thực tế ước tính đạt 90,12 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thị trường trong nước hai tháng đầu năm nay sôi động, giống như thời gian hai tháng năm trước. Các khu vực kinh doanh thương mại, khách sạn nhà hàng, du lịch và dịch vụ đều có tổng mức tăng khá so với hai tháng đầu năm 2005, trong đó khu vực kinh tế cá thể chiếm 63,5% tổng mức, tăng 20% và khu vực kinh tế tư nhân chiếm 20,8% tăng 24,4%.
Giá tiêu dùng tháng 2/2006 tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 3,3% so với tháng 12/2005, đây là mức tăng giá bình thường nếu quan sát giá tiêu dùng tháng hai của một số năm gần đây.
So với tháng 1/2006, giá tiêu dùng tháng 2 của tất cả các nhóm hàng chính đều tăng (không kể phân nhóm giá bưu chính, viễn thông), trong đó giá nhóm lương thực, thực phẩm và ăn uống tăng 3,2% (lương thực tăng 1,7% và thực phẩm tăng 3,7%, chủ yếu do tăng cầu các nhóm thực phẩm tiêu dùng truyền thống sử dụng trong ngày Tết); đồ uống và thuốc lá tăng 1,5%; dịch vụ văn hoá, thể thao, giải trí tăng 1,9%;... So với tháng 12/2005, giá tiêu dùng tháng 2/2006 tăng 3,3% với giá của tất cả các nhóm hàng hoá và dịch vụ đều tăng; tăng cao vẫn là các nhóm: giá lương thực, thực phẩm tăng 5% (lương thực tăng 3,8%; thực phẩm tăng 5,2%); đồ uống và thuốc lá tăng 2,7%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 2,1%...
Giá vàng tiếp tục tăng 5,4% so với tháng trước, tuy vẫn thấp hơn mức tăng kỷ lục 7,5% của tháng 12/2005, nhưng nếu so sánh với tháng 2/2005, giá vàng đã tăng tới 27%. Ngược lại với xu hướng giá vàng, giá đô la Mỹ tháng 2/2006 chỉ nhích lên 0,1% so với tháng trước và tăng cùng tỷ lệ 0,1% so với tháng 12 năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm nay đạt 5,57 tỷ USD, tăng 28,3% so với 2 tháng đầu năm 2005. Xuất khẩu 2 tháng đầu năm có sự khởi sắc là do kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2006 thực hiện trên 3 tỷ USD và tăng với mức cao so với những năm gần đây. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước 2 tháng đạt 2,37 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ, đóng góp 10,1 điểm phần trăm vào tăng kim ngạch chung; xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt kim ngạch 1,86 tỷ USD, tăng 33,2%, đóng góp 10,6 điểm phần trăm và dầu thô 1,34 tỷ USD, tăng 32,2%, đóng góp 7,6 điểm phần trăm.
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng so với hai tháng đầu năm trước. Ngoài dầu thô, 2 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch trên 500 triệu USD là dệt may 867 triệu USD, tăng 45,4% và giày dép 582 triệu USD, tăng 30,9%. Các mặt hàng chủ lực khác đều có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD như: thuỷ sản 329 triệu USD, tăng 3,3%; sản phẩm gỗ 290 triệu USD, tăng 31,1%; cà phê 165 triệu USD, tăng 1,8%; cao su 157 triệu USD, tăng 83,5%; than đá 110 triệu USD, tăng 40% và gạo 158 triệu USD, tăng 3,8%.
Nhập khẩu 2 tháng năm 2006 ước tính đạt 5,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 14,7% kế hoạch năm 2006, trong đó nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 3,36 tỷ USD, giảm 3% so cùng kỳ và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 2,04 tỷ USD, tăng 18,9%. Kim ngạch nhập khẩu tăng không cao, chủ yếu do kim ngạch giảm ở một số mặt hàng chính như máy móc, thiết bị, sắt thép, ô tô, xe máy.
Vận tải: Vận chuyển hành khách 2 tháng đầu năm ước đạt 217,3 triệu lượt hành khách và 8,9 tỷ hành khách.km; so với cùng kỳ năm trước tăng 8% về lượt hành khách và tăng 8,2% về lượt hành khách.km. Vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 4,3% về lượt hành khách và giảm 4,9% về lượt hành khách. km, đường hàng không tăng 10% về số lượt khách và tăng 11,3% về lượt khách.km; đường bộ tăng 9% và tăng 9,4%; đường biển tăng 6,7% và tăng 9,2%; đường sông tăng 2,9% và tăng 3,3%.
Vận chuyển hàng hoá 2 tháng đầu năm ước tính đạt 55,3 triệu tấn và 14 tỷ tấn.km; so với cùng kỳ năm trước tăng 7,8% về tấn và tăng 7,1% về tấn.km. Trong các ngành vận tải, vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ đạt mức tăng cao nhất cả về tấn và tấn.km: tăng 9% về tấn và tăng 9,3% về tấn.km; đường sông tăng 6,2% và tăng 6,4%; đường biển tăng 6% và tăng 6,6%; vận tải hàng hoá bằng đường sắt giảm 3% về khối lượng vận chuyển, nhưng tăng 11,5% về khối lượng luân chuyển, chủ yếu tăng vận chuyển hàng hoá trên các tuyến vận tải đường dài.
Du lịch: Khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm nay, ước tính đạt 673 nghìn lượt người tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến vì công việc 86,9 nghìn lượt người, tăng 38,6%; khách đến du lịch 396,1 nghìn lượt người, tăng 13,2%; thăm thân nhân 116,8 nghìn lượt người, tăng 11,4%. Việt Nam ngày càng thu hút khách du lịch đến từ châu Âu và châu Mỹ, phần lớn khách đến từ các nước này đều tăng so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ Hàn Quốc, Thái Lan và Campuchia vẫn tăng mạnh so với hai tháng đầu năm trước. Đáng chú ý là khách đến từ Trung Quốc giảm 31,9% và từ Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) giảm 28%, do trong dịp Tết Nguyên đán người dân cả hai nơi này có xu hướng đi du lịch trong nước nhiều hơn.
5. Một số vấn đề xã hội
Tình hình dịch bệnh: Tính chung 2 tháng đầu năm, có 6,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 3,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và trên 230 trường hợp mắc bệnh viêm gan vi rút. Trong 2 tháng qua, cũng đã có gần 1 nghìn trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 11 người đã tử vong.
Về tình hình bệnh cúm A-H5N1, trong tháng không có trường hợp nào nghi nhiễm bệnh. Như vậy, tính từ 14/11/2005 đến nay, đã hơn 3 tháng không có trường hợp mới nào mắc bệnh.
Về tình hình nhiễm HIV/AIDS, trong tháng 2/2006 đã phát hiện thêm 352 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số trường hợp nhiễm HIV trong cả nước đến 20/2/2006 lên 104,7 nghìn người, trong đó có trên 17,4 nghìn bệnh nhân AIDS và 10,2 nghìn người đã chết do AIDS.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 1 (Từ 21/12/2005-21/1/2006), trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1489 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1261 người và làm bị thương 1264 người. So với tháng 12/2005, số vụ tai nạn tăng 26,2%; số người chết tăng 28,4% và số người bị thương tăng 45,8%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 10,6%; số người chết tăng 24,6% và bị thương tăng 6%. Như vậy, trong tháng 1 năm nay, tai nạn giao thông đã tăng đột biến cả số vụ, số người chết và bị thương so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 ngày, trên địa bàn cả nước xảy ra 48 vụ tai nạn, làm chết 41 người và bị thương 41 người.