Tình hình kinh tẾ -xã hỘi năm 2006
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp
Tổng sản phẩm trong nước năm 2006 theo giá so sánh ước tính tăng 8,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,37%; khu vực dịch vụ tăng 8,29%. Trong 8,17% tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,67 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 4,16 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ đóng góp 3,34 điểm phần trăm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,4%, thấp hơn mức tăng 4% của năm 2005, chủ yếu do tốc độ tăng của ngành nông nghiệp và thuỷ sản chậm lại vì ảnh hưởng của thời tiết bất thường và dịch bệnh. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng thấp hơn mức tăng của năm ngoái do sản xuất công nghiệp giảm (dầu thô khai thác đạt 17 triệu tấn, thấp hơn mức 18,5 triệu tấn của năm 2005; công nghiệp chế biến và điện, nước, ga cũng giảm so với mức tăng trưởng năm trước. Khu vực dịch vụ tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong đó một số ngành có tỷ trọng lớn duy trì được mức độ tăng cao như thương nghiệp; vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch; khách sạn, nhà hàng; tài chính ngân hàng, bảo hiểm.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng từ 40,97% năm 2005 lên 41,52% trong năm nay; khu vực dịch vụ tăng từ 38,01% lên 38,08%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm từ 21,02% xuống còn 20,40%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2006 ước tính bằng 110,2% dự toán cả năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 103%; thu từ dầu thô bằng 126%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 106,3%; thu viện trợ bằng 148%. Chi ngân sách Nhà nước năm 2006 bằng 108,4% dự toán cả năm, bảo đảm được các kế hoạch chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Bội chi ngân sách Nhà nước cả năm bằng mức dự toán cả năm, trong đó 74,2% được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và 25,8% từ nguồn vay nước ngoài.
2. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2006 (theo giá cố định) ước tính tăng 4,4% so với năm 2005, trong đó nông nghiệp tăng 3,6%; lâm nghiệp tăng 1,2%; thuỷ sản tăng 7,7%.
Sản lượng lương thực có hạt năm 2006 ước tính đạt 39,65 triệu tấn, chỉ tăng tăng 0,1% so với năm trước, tương đương với tăng thêm 26,4 nghìn tấn, trong đó lúa 35,83 triệu tấn, giảm 0,1% và ngô 3,82 triệu tấn, tăng 0,9%. Sản lượng lúa giảm nhẹ so với năm trước do diện tích giảm 4,8 nghìn ha và năng suất chỉ tương đương năm trước. Lúa đông xuân 17,53 triệu tấn, tăng thêm 199,1 nghìn tấn, chủ yếu do diện tích tăng 1,6%. Lúa hè thu 9,71 triệu tấn, giảm 6,9% (tương đương giảm 721,7 nghìn tấn), do giảm cả diện tích và năng suất (diện tích giảm 26 nghìn ha và năng suất giảm 2,6 tạ/ha). Lúa mùa 8,58 triệu tấn, tăng 6,4% tương đương với tăng thêm 516,5 nghìn tấn, chủ yếu do năng suất tăng thêm (trong đó miền Bắc tăng thêm 4,8 tạ/ha, miền Nam tăng thêm 0,5 tạ/ha).
Sản lượng một số cây hàng năm so với năm trước tăng, giảm với mức độ khác nhau: khoai lang tăng 0,8%; sắn tăng 14,9%; đỗ tương giảm 11,8%; lạc giảm 5%; rau các loại tăng 6,4%; mía tăng 4,9%... Do thời tiết thuận và giá thu mua một số nông sản cho xuất khẩu như cao su, cà phê, chè, hồ tiêu tăng cao đã kích thích người dân mở rộng sản xuất, tăng sản lượng: trong đó sản lượng cao su tăng 13,4%, cà phê tăng 13,5%, hồ tiêu tăng 2,9%, chè tăng 7,4%; riêng cây điều tuy diện tích tăng 14,4 nghìn ha (+4,1%) nhưng sản lượng giảm 2%. Diện tích cây ăn quả tăng 7 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi:
Theo kết quả điều tra, tính đến 1/8/2006, đàn trâu cả nước đạt 2,92 triệu con, đàn bò 6,51 triệu con (trong đó đàn bò sữa 113,2 nghìn con); đàn lợn 26,86 triệu con; đàn gia cầm 214,6 triệu con (trong đó đàn gà 152 triệu con). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3,1 triệu tấn, tăng 9,3% so với năm 2005, trong đó thịt trâu tăng 7,5%; thịt bò tăng 12,2%; thịt lợn tăng 9,5%; gia cầm tăng 7%. Sản lượng sữa bò đạt 215,9 nghìn tấn, tăng 9,2%. Sản lượng trứng gia cầm các loại 4 triệu quả, tăng 0,5%.
Sau gần 12 tháng không phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm mới (trung tuần tháng 12/2006 đã phát sinh cúm gia cầm ở 3 xã, phường của 2 huyện thuộc tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nhưng cũng chỉ có trên 8 nghìn con gia cầm bị chết và tiêu huỷ). Dịch lở mồm long móng ở gia súc đã được khống chế và cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Đến nay, chỉ còn 26 xã của 16 huyện thuộc 7 tỉnh dịch chưa qua 21 ngày, với 496 con trâu bò và 338 con lợn bị dịch.
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 184 nghìn ha, bằng 103,7% năm trước; trồng cây phân tán 202,5 triệu cây, bằng 99,2%; diện tích rừng trồng được chăm sóc 486,7 nghìn ha, tăng 0,9%; diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh 911,4 nghìn ha, tăng 0,4%; sản lượng gỗ khai thác 3011,2 nghìn m3, tăng 0,5% (chủ yếu là gỗ rừng trồng). Diện tích rừng bị thiệt hại năm 2006 chỉ bằng 45,8% năm trước, do thời tiết không nắng, nóng nhiều và công tác bảo vệ rừng được quan tâm hơn (trong đó bị cháy 2,1 nghìn ha, bị chặt phá 2,5 nghìn ha).
Thuỷ sản
Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2006 ước tính đạt 3695,9 nghìn tấn, tăng 6,6% so với năm trước, trong đó nuôi trồng tăng 14,6% và khai thác tăng 0,7% (khai thác biển tăng 0,9%). Trong tổng sản lượng thuỷ sản, cá 2633,1 nghìn tấn, tăng 6,6% ; tôm 459,3 nghìn tấn, tăng 5,6%.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 1694,2 nghìn tấn, trong đó cá 1148 nghìn tấn, tăng 18,2%; tôm 354,6 nghìn tấn, tăng 8,4%. Mặc dù bị ảnh huởng của bão, lũ lớn, nhiều diện tích nuôi trồng thuỷ sản ven biển bị mất trắng hoặc giảm năng suất, nhưng nuôi trồng thuỷ sản tăng khá do diện tích nuôi tăng 3,3%; các địa phương tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi theo hướng đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững, không những phục vụ cho xuất khẩu mà còn tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước. Sản lượng thuỷ sản khai thác 2 triệu tấn, tăng 0,7% so với 2005, trong đó khai thác biển 1,81 triệu tấn, tăng 0,9%.
3. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 490,82 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 9,1% (Trung ương quản lý tăng 11,9%; địa phương quản lý tăng 2%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 23,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8% (Dầu mỏ và khí đốt giảm 6,5%, các ngành khác tăng 25,4%). Nguyên nhân khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng thấp hơn, chủ yếu do giảm số doanh nghiệp, giảm nhiều nhất là doanh nghiệp Nhà nước địa phương quản lý do tiếp tục thực hiện triệt để hơn chủ trương của Nhà nước về đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước.
Trong ba ngành công nghiệp cấp I, giá trị sản xuất công nghiệp khai thác chiếm 7,8% giá trị sản xuất công nghiệp, chỉ tăng 1,1% so với năm trước (chủ yếu do dầu thô khai thác giảm 8,2% trong khi than sạch khai thác tăng 18,7%); sản xuất, phân phối điện, ga và nước chiếm 5,7%, tăng 13% (trong đó sản lượng điện tăng 13,4%); công nghiệp chế biến chiếm 86,4%, tăng 18,9% và đóng góp chính vào tăng giá trị sản xuất công nghiệp 2006.
Trong công nghiệp chế biến, một số ngành chủ yếu giữ được tốc độ tăng cao ổn định đã quyết định tốc độ tăng cao của toàn ngành công nghiệp so với năm 2005 như: sản xuất thực phẩm và đồ uống tăng trên 17%; sản xuất các sản phẩm từ da, giả da tăng 18,5%; sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tăng trên 23%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại tăng 24%; sản xuất thiết bị điện tăng trên 28%; sản xuất radio và thiết bị truyền thông tăng trên 18%; sản xuất các phương tiện vận tải khác (chủ yếu là đóng và sửa chữa tàu thuyền) tăng 23%. Một số sản phẩm chủ yếu giữ được tốc độ tăng cao như: thuỷ sản chế biến, thuốc ống các loại, xà phòng các loại, sứ vệ sinh, xe máy lắp ráp... Tuy nhiên, một số sản phẩm quan trọng khác của công nghiệp chế biến tăng thấp hơn, ở mức trên, dưới 10% như quần áo may sẵn, xi măng, giấy bìa các, thép cán, vải lụa thành phẩm, thuốc trừ sâu; riêng phân hoá học chỉ tăng 1,2%... Bên cạnh đó, một số sản phẩm của cơ khí chế tạo; ti vi lắp ráp; ô tô lắp ráp đều thấp hơn mức sản xuất của năm trước; riêng dầu thô khai thác giảm 8,2%; khí đốt giảm 0,3%; ga hóa lỏng giảm 0,7%.
4. Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư năm 2006 theo giá thực tế ước tính đạt 398,9 nghìn tỷ đồng, bằng 105,9% kế hoạch năm, trong đó vốn Nhà nước chiếm tỷ trọng 50,1%, bằng 103,2%; vốn ngoài Nhà nước chiếm 33,6%, bằng 105,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 16,3%, bằng 116,1%.
Vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2006 ước tính thực hiện 64,1 nghìn tỷ đồng, bằng 114,1% kế hoạch cả năm, trong đó vốn đầu tư do trung ương quản lý xấp xỉ 18 nghìn tỷ đồng, bằng 103,3%; vốn do địa phương quản lý 46,1 nghìn tỷ đồng, bằng 119%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài năm 2006 tiếp tục phát triển. Tính từ đầu năm đến 18/12/2006, cả nước có 797 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 7,57 tỷ USD, bình quân 1 dự án đạt 9,5 triệu USD. Cũng đến thời điểm trên, còn có 486 lượt dự án được tăng vốn với số vốn tăng thêm 2,36 tỷ USD; tính chung cả cấp mới và tăng vốn đến 18/12/2006 đạt 9,9 tỷ USD và như vậy cả năm 2006 sẽ đạt trên 10 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là một trong những sự kiện kinh tế nổi bật nhất trong năm 2006. Trong tổng vốn đăng ký thuộc các dự án ĐTNN được cấp phép năm nay, công nghiệp và xây dựng chiếm 68,4%; dịch vụ chiếm 30%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 1,6%. Có 43 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư nước ngoài mới cấp phép trong năm 2006, trong đó có 12 tỉnh, thành phố có số vốn đăng ký từ 100 triệu USD trở lên. Có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp giấy phép đầu tư vào Việt Nam trong năm 2006.
5. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2006 ước tính đạt 580,7 nghìn tỷ đồng (tính theo giá thực tế) tăng 20,9% so với năm trước và tăng trên 13%, nếu loại trừ yếu tố giá, đây là mức tăng tương đối cao so với mức tăng trưởng, chứng tỏ sức mua tăng và tiêu dùng của dân cư tăng lên. Trong tổng mức, kinh tế nhà nước tăng 8,2%; kinh tế tập thể tăng 20,8%; kinh tế cá thể tăng 22,4%; kinh tế tư nhân tăng 25%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,5%. Phân tích theo ngành kinh tế, thương nghiệp tăng 19,9%; khách sạn, nhà hàng tăng 22,3%; dịch vụ tăng 31,6% và du lịch lữ hành, chiếm 0,7% tổng mức nhưng tăng 30,5%.
Giá tiêu dùng tháng 12/2006 tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,6% so với tháng 12/2005, thấp hơn mức tăng trưởng và đạt mục tiêu về lạm phát mà Quốc hội đã đề ra. Giá của tất cả các nhóm hàng hoá và dịch vụ trong tháng 12 đều tăng so với cuối năm trước, trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,9%, là nhân tố chính đóng góp vào tăng giá tiêu dùng; các nhóm còn lại tăng phổ biến từ 3,5% đến 6,5%; riêng giá phân nhóm bưu chính, viễn thông giảm 2,9%. Giá bình quân năm 2006 tăng 7,5% so với năm trước, thấp hơn mức tăng của 2 năm liền trước (giá bình quân năm 2005 tăng 8,3%, năm 2004 tăng 7,7%).
Giá vàng tháng 12/2006 đã tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 27,2% so với cuối năm trước. Bình quân giá vàng năm 2006 tăng 36,6% so với năm 2005, trong đó tăng mạnh ở các quí II và III với các mức tăng tương ứng là 47,6% và 44,5%. Giá đô la Mỹ tháng 12/2006 không tăng so với giá tháng 11, nhưng tăng 1% so với cuối năm 2005. Bình quân giá đô la Mỹ năm nay tăng 0,9% so với năm ngoái và không chênh lệch nhiều giữa các quí, mức giao động chỉ từ 0,9% tới 1,1%. Như vậy, nếu quan sát từ năm 2003 đến nay, giá đô la Mỹ tăng thấp đáng kể so với giá vàng và tăng thấp so với mức tăng giá tiêu dùng.
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu năm 2006 ước tính đạt 84 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 22,1%; nhập khẩu tăng 20,1%; nhập siêu là 4,8 tỷ USD, bằng 12,1% kim ngạch xuất khẩu (các con số tương ứng của năm trước là 4,54 tỷ USD và 14%).
Xuất khẩu hàng hoá năm 2006 ước tính đạt 39,6 tỷ USD và đã vượt 4,9% so với kế hoạch cả năm, trong đó khu vực kinh tế trong 16,7 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm trước, đóng góp 39,8% vào mức tăng chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô 14,5 tỷ USD, tăng 30,1%, đóng góp 46,9% và dầu thô 8,3 tỷ USD, tăng 12,9%, đóng góp 13,3%. Năm nay, có thêm cao su và cà phê đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD nâng tổng số các mặt hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là 9, trong đó 4 mặt hàng lớn truyền thống là dầu thô, dệt may, giày dép và thuỷ sản kim ngạch mỗi mặt hàng đạt trên 3,3 tỷ USD. Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản năm nay tăng mạnh, do phát triển nông nghiệp đúng hướng, đồng thời giá thế giới tăng cao, trong đó kim ngạch cao su tăng cao nhất (+58,3%); cà phê tăng tới 49,9% (hoàn toàn do được lợi về giá); riêng gạo giảm cả kim ngạch và lượng, chủ yếu do nguồn cung không tăng.
Nhập khẩu hàng hoá năm 2006 ước tính đạt 44,41 tỷ USD, vượt 4,5% so với kế hoạch năm 2006 và tăng 20,1% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27,99 tỷ USD, tăng 19,9% và đóng góp 62,6% vào mức tăng chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 16,42 tỷ USD, tăng 20,4%, đóng góp 37,4%.
Nhập khẩu máy móc, thiết bị và hầu hết các vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước đều tăng so với năm trước, đặc biệt là nhiều loại vật tư chủ yếu (trừ xăng dầu, phôi thép và phân u rê) có lượng nhập khẩu tăng khá. Nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng 24,1%; xăng dầu 5,8 tỷ USD, tăng 16,4% (nhưng lượng nhập giảm 3,8%); phân bón tăng 5,1%; chất dẻo tăng 26,8%; hoá chất 18,6%; giấy các loại tăng 30,5%; vải tăng 23,1%; riêng nguyên phụ liệu dệt, may, da giảm 14,1%, và đang có xu hướng giảm do tăng sản xuất thay thế ở trong nước; sắt, thép 2,9 tỷ USD, giảm 0,9%, nhưng lượng tăng 1,8% nhờ giá giảm.
Xuất khẩu dịch vụ năm 2006 ước tính đạt 5,1 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2005, trong đó một số dịch vụ có tỷ trọng cao đạt mức tăng trên 20% như: du lịch, tăng 23,9%; vận tải hàng không tăng 35,5%; dịch vụ hàng hải tăng 27,5%; dịch vụ tài chính tăng 22,7%. Nhập khẩu dịch vụ năm 2006 ước tính đạt 5,12 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước, trong đó du lịch tăng 16,7% và cước phí vận tải, bảo hiểm (cif) chiếm 33,7%, tăng 20,1%. Nhập siêu dịch vụ năm 2006 chỉ còn khoảng 22 triệu USD (năm trước 220 triệu USD).
Vận chuyển hành khách năm 2006 ước tính đạt 1386,6 triệu lượt khách và 58,7 tỷ lượt khách.km, tăng 9,1% về lượt khách và tăng 10,2% về lượt khách.km so với năm 2005, trong đó vận chuyển hành khách bằng đường bộ chiếm 85,7% số lượt hành khách vận chuyển, tăng 10,1%; đường sông tăng 4,3%; hàng không tăng 15,5%; đường biển tăng 11,1%. Khối lượng hành khách luân chuyển tăng chủ yếu do tăng luân chuyển bằng đường bộ và đường hàng không. Riêng vận chuyển hành khách bằng đường sắt giảm cả về số lượt khách và lượt khách.km.
Vận chuyển hàng hoá năm 2006 ước tính đạt 350,4 triệu tấn và 88,6 tỷ tấn.km, tăng 8,1% về tấn và tăng 9,3% về tấn.km so với năm trước. Trong đó, vận tải cả trung ương, địa phương cũng như vận chuyển trên cả tuyến đường trong nước, quốc tế và các ngành đường đều tăng cả về tấn hàng hoá và tấn.km.
Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2006 ước tính đạt 3,6 triệu lượt người, tăng 3% so với năm 2005, chưa đạt được mức tăng trưởng như mong đợi và là mức tăng tương đối thấp so với tốc độ tăng 18,8% của 2005, chủ yếu do khách đến từ Trung Quốc giảm tới 28%. Ngoài ra, khách đến từ một số nước như Cam-pu-chia, Lào, Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a…đều giảm từ 7,7% đến 22%. Theo mục đích đến, khách du lịch nghỉ ngơi chiếm 57,7% nhưng chỉ tăng 1,5% so với năm 2005; đi công việc tăng 16,2%; thăm thân nhân tăng 10,4%; riêng khách đến với các mục đích khác giảm 13,1%. Các nước có lượng khách đến nước ta đạt trên 100 nghìn lượt người vẫn giữ mức tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ôx-trây-lia, Thái Lan và Xin-ga-po.
Bưu chính, Viễn thông 2006 tiếp tục là năm sôi động. Trên thị trường thông tin di động, có thêm mạng điện thoại di động EVN từ tháng 3/2006, thử nghiệm dịch vụ điện thoại di động CDMA của Viễn thông Hà Nội từ tháng 11/2006; các nhà cung cấp không ngừng đưa ra các loại hình dịch vụ mới và đa dạng để thu hút khách hàng; kết cấu hạ tầng viễn thông ngày càng hoàn thiện. Mạng lưới bưu chính được củng cố. Ước tính đến hết tháng 12/2006, trên cả nước đã có 25,4 triệu thuê bao điện thoại, tăng 60,5% so với cùng thời điểm năm 2005, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông chiếm tới 67,4% thị phần với 17,1 triệu thuê bao (7,6 triệu thuê bao cố định và 9,5 triệu thuê bao di động). Số thuê bao internet phát triển năm 2006 của toàn mạng ước tính đạt 1,19 triệu thuê bao, bằng 95,9% so với năm 2005, do khách hàng chuyển sang sử dụng thuê bao băng rộng (ADSL). Ước tính đến cuối năm 2006, cả nước có 4,1 triệu thuê bao internet (với 1,77 triệu thuê bao thuộc Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông). Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông năm 2006 ước tính đạt 37,4 nghìn tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Bưu chính Viễn thông 34,8 nghìn tỷ đồng.
B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Quy mô dân số cả nước năm 2006 ước tính 84,11 triệu người, tăng 1,21% so với dân số năm 2005 (năm 2005 tăng 1,31%), trong đó dân số nam 41,33 triệu, nữ 42,78 triệu. Dân số thành thị 22,82 triệu người, tăng nhanh do tốc độ đô thị hoá những năm gần đây và chiếm 27,1% số dân năm 2006; dân số nông thôn 61,29 triệu người.
Theo điều tra biến động dân số, kế hoạch hoá gia đình 1/4/2006, mức sinh đã giảm mạnh trong vòng một năm trước thời điểm điều tra (tính từ 1/4/2005 đến 31/3/2006) và đã đạt mức bình quân một phụ nữ sinh 2,1 con. Tỷ suất sinh thô chỉ còn 17,4%0 là mức thấp nhất từ trước đến nay. Tỷ suất chết thô là 5,3 phần nghìn, có giao động trong các vùng địa lý kinh tế và theo cơ cấu dân số theo độ tuổi.
2. Lao động, việc làm
Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế tại thời điểm 1/7/2006 ước tính là 43,44 triệu người, tăng 2,1% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ trọng lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục giảm từ 57,2% trong năm 2005 xuống 55,7% trong năm 2006 để chuyển dịch sang các khu vực có năng suất lao động cao hơn, phù hợp với chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tương ứng, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng tiếp tục tăng từ 18,3% lên 19,1% và khu vực dịch vụ từ 24,5% lên 25,2%. Trong các thành phần kinh tế, lao động thuộc khu vực nhà nước vẫn tăng nhẹ so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị tiếp tục giảm, đạt 4,4%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của nam là 4,8%, của nữ là 3,9%.
3. Đời sống dân cư
Đời sống dân cư nhìn chung ổn định. Đời sống của cán bộ, viên chức và người hưởng lương đã được cải thiện đáng kể nhờ tăng lương theo các Nghị định của Chính phủ. Ở nông thôn, đời sống đại đa số nông dân ổn định và từng bước được cải thiện do sản xuất phát triển và giá nhiều loại nông sản, thực phẩm tăng. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và nhiều địa phương tiếp tục giảm, tình trạng thiếu đói giáp hạt giảm đáng kể so với năm 2005. Tuy nhiên, thu nhập của người lao động giữa các ngành, các địa phương không đồng đều, cùng với giá cả một số mặt hàng tiêu dùng tăng đã ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người lao động có thu nhập thấp và người dân ở các vùng bị thiên tai, dịch bệnh cây trồng vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công và các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, trong năm 2006 đã có 5 vạn ngôi nhà xây mới và hơn 3 vạn ngôi nhà tình thương, tình nghĩa được sửa chữa với tổng giá trị trên 440 tỷ đồng.
4. Văn hóa thông tin, thể dục thể thao
Trong năm 2006, đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước và tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước và kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Công tác thanh tra, kiểm tra văn hoá được tăng cường. Trong năm 2006, đã tiến hành kiểm tra hành chính trên 30 nghìn lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, phát hiện và xử lý trên 5 nghìn vụ vi phạm, thu giữ nhiều tang vật và phạt hành chính 9,3 tỷ đồng. Cũng trong năm nay, đã xuất bản được gần 20,5 nghìn đầu sách với 211,6 triệu bản sách; phát hành gần 300 triệu bản sách, 75,1 triệu bản văn hóa phẩm và 2,5 triệu băng đĩa các loại.
Thể dục, thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi. Năm 2006, đã tổ chức 16 giải thể thao quần chúng, 9 giải thể thao dân tộc; tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao Sinh viên Đông Nam Á lần thứ 13; Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất; Hội thi thể thao dân tộc Chăm toàn quốc lần thứ II...
Hoạt động thể thao thành tích cao: Trong năm đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ V và 142 giải thi đấu thể thao, trong đó có 19 giải quốc tế tại Việt Nam; tham dự Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) tại Dohah, Quata và đã giành được 3 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 7 huy chương đồng và xếp thứ 19/49 đoàn tham dự. Ngoài ra, các đội tuyển thể thao Việt Nam cũng đã tham dự 138 giải thi đấu quốc tế và giành 428 huy chương các loại.
5. Giáo dục và đào tạo
Tổng kết năm học 2005-2006, cả nước có 10,9 nghìn trường mầm non, mẫu giáo; 14,7 nghìn trường tiểu học; 10,3 nghìn trường THCS và 2,3 nghìn trường THPT. So với năm học 2004-2005, số trường ở tất cả các cấp học đều tăng. Cả nước có 238,9 nghìn phòng tiểu học, 140,1 nghìn phòng THCS và 52,8 nghìn phòng học THPT. Đã có 879,4 nghìn học sinh thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ thi đỗ là 93,7%, cao hơn 3 điểm phần trăm so với năm học trước. Tính đến cuối năm 2006, trong cả nước đã có 36/64 tỉnh, thành phố đạt phổ cập tiểu học đúng tuổi và 32/64 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục THCS.
Khai giảng năm học 2006-2007, cả nước có 476,4 nghìn trẻ em đi nhà trẻ, tăng 5,4% so với năm học trước và bằng 10,2% tổng số trẻ em từ 0-2 tuổi; số học sinh mẫu giáo là 2,4 triệu em, giảm 0,7% và bằng 57,5% tổng số trẻ em từ 3-5 tuổi; số học sinh tiểu học là 7 triệu học sinh, giảm 3,6%; số học sinh THCS 6,2 triệu, giảm 2,3% và số học sinh THPT 3,1 triệu, tăng 4,5%.
Cả nước có 349,4 nghìn giáo viên tiểu học, 305,7 nghìn giáo viên THCS và 123,4 nghìn giáo viên THPT. So với định mức số giáo viên trên một lớp thì cấp tiểu học và THCS đã đảm bảo đủ yêu cầu; riêng cấp THPT còn thiếu khoảng 17,5 nghìn giáo viên.
6. Tình hình dịch bệnh
Trong năm 2006, cả nước có 74,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét (31 người tử vong); 66 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (59 người tử vong) và 7,3 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút (4 người tử vong). So với năm trước, số trường hợp mắc bệnh sốt rét giảm 16,3%; số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 33,6%. Trong năm 2006 cũng đã có khoảng 8,9 nghìn trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 69 người đã tử vong.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Trong tháng 12/2006 đã phát hiện thêm 843 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước đến nay lên 115,8 nghìn người, trong đó 20 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 11,7 nghìn người đã tử vong do AIDS.
7. Tai nạn giao thông
Trong 11 tháng năm 2006, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 13,3 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 11,5 nghìn người và bị thương 10,2 nghìn người. So với cùng kỳ năm 2005, số vụ tai nạn giảm 1,9%; số người bị thương giảm 8,4%; riêng số người chết tăng 9%. Bình quân một ngày trong 11 tháng năm nay đã xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, làm chết 34 người và làm bị thương 31 người. Tai nạn giao thông trong 11 tháng qua chủ yếu xảy ra trên đường bộ với số vụ tai nạn chiếm 96,1%; số người chết chiếm 96,8% và số người bị thương chiếm 98,4%.
8. Thiệt hại do thiên tai
Trong năm 2006 đã xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa đá, lũ quét, lụt, lốc tại nhiều địa phương trong cả nước gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong 10 cơn bão tràn qua nước ta năm 2006 có 3 cơn bão đặc biệt ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của dân cư, đó là các cơn bão số 1, bão số 6 và số 9 diễn ra tại các tỉnh, thành phố thuộc miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm hơn 500 người chết, mất tích và 2,9 nghìn người bị thương; khoảng 9 nghìn mét đê bị vỡ, bị cuốn trôi; 3,3 nghìn tàu thuyền bị phá hủy, bị chìm; trên 13 vạn ha lúa, gần 10 vạn ha hoa màu và hơn 2 vạn ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại; 86,5 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 74,2 nghìn nhà ở bị sạt lở, tốc mái; hàng nghìn phòng học bị sập đổ, hàng trăm nghìn nhà ở bị ngập nước và nhiều công trình kinh tế-xã hội bị hư hại. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 18,7 nghìn tỷ đồng, trong đó một số địa phương bị thiệt hại nặng như Đà Nẵng 5,2 nghìn tỷ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu 3,3 nghìn tỷ đồng, Bến Tre 3,1 nghìn tỷ đồng...
Nguồn TCTK