TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2006
1. Nông lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp: Lúa đông xuân: Trong tháng 5, các địa phương phía Nam tập trung thu hoạch lúa đông xuân, năng suất ước tính đạt 58,1 tạ/ha, giảm 1,2 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong, năng suất ước tính 60 tạ/ha, giảm 1,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng nặng của sâu bệnh và nguồn nước bị nhiễm mặn; sản lượng đạt 9 triệu tấn, giảm 77 nghìn tấn. Nhờ chủ động nguồn nước, thời tiết tương đối thuận lợi nên diện tích, năng suất và sản lượng các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đều cao hơn so với năm trước. Các địa phương phía Bắc gieo cấy được 1147 nghìn ha lúa đông xuân, giảm 5,6 nghìn ha so với năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng giảm 7,7 nghìn ha do đầu vụ gặp hạn thiếu nước tưới nên một số địa phương chuyển một phần diện tích sang trồng màu và nuôi trồng thuỷ sản.
Lúa hè thu: Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, tính đến 15/5, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 1236,2 nghìn ha lúa hè thu, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2005. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long gieo được 1147,9 nghìn ha, tăng 17,1%, một số tỉnh có tiến độ xuống giống nhanh là: Long An tăng 48%, Kiên Giang tăng 24,7%.
Cây trồng khác: Cũng đến trung tuần tháng 5, cả nước gieo trồng được 608,2 nghìn ha ngô, tăng 8,5%; 191,7 nghìn ha sắn, tăng 26,4%; 122,1 nghìn ha khoai lang, giảm 2,4%; 206,9 nghìn ha lạc, tăng 12,7%; 106,2 nghìn ha đậu tương, giảm 3,5%; 25,3 nghìn ha thuốc lá, tăng 7,2%; 61,3 nghìn ha mía trồng mới, tăng 46%; 428,5 nghìn ha rau, đậu, tăng 0,4%.
Chăn nuôi: Tính đến thời điểm ngày 1/4/2006, tổng đàn lợn cả nước có 27,39 triệu con, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và xấp xỉ số đầu con tại thời điểm 1/8/2005, trong đó đàn lợn thịt tăng 5,3%; đàn lợn nái tăng 5,2%, do số hộ nuôi quy mô lớn tăng lên. Đàn bò có tốc độ tăng cao ở hầu hết các tỉnh nhờ thực hiện chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để mua bò giống. Đàn gia cầm đã được khôi phục và bước đầu phát triển ở những hộ nuôi quy mô nhỏ.
Điểm đang được quan tâm nhất trong chăn nuôi tháng này là dịch lở mồm, long móng ở đàn gia súc đang xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Tính đến 22/5/2006, cả nước có 383 xã của 126 huyện thuộc 33 tỉnh có dịch với gần 35 nghìn con gia súc mắc bệnh. Các ngành chức năng đã thành lập 6 đoàn công tác, tập trung chỉ đạo chống dịch và xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin nhằm bao vây ổ dịch, không để lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm vẫn được tiếp tục; các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, giết mổ gia cầm tại các địa phương vẫn được duy trì.
Lâm nghiệp: Trong tháng, thời tiết có mưa ở một số tỉnh phía Bắc tạo thuận lợi cho việc trồng rừng: Diện tích rừng tập trung tháng 5 ước tính đạt 15,7 nghìn ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây trồng phân tán đạt 21,3 triệu cây, tăng 0,5%. Sản lượng gỗ khai thác đạt 116,4 nghìn m3, tăng 0,1% so với tháng 5/2005.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, diện tích rừng trồng tập trung đạt 67,9 nghìn ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2005; số cây trồng phân tán đạt 105,3 triệu cây, tăng 0,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 594,1 nghìn m3, bằng mức cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại 328,4 ha.
Thuỷ sản: Sản lượng thuỷ sản tháng 5 ước tính đạt 273,1 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 189,3 nghìn tấn, tăng 4%; tôm 34,9 nghìn tấn, tăng 9,4%. Nuôi trồng thuỷ sản tăng khá do giá thuỷ sản nguyên liệu liên tục tăng đã khuyến khích nuôi trồng phát triển: Sản lượng nuôi trồng đạt 92,3 nghìn tấn, tăng 17,6%; trong đó cá tăng 19,1%; tôm tăng 13,3%. Hoạt động khai thác thuỷ sản tuy bị ảnh hưởng của giá dầu tăng cao và cơn bão số 1 gây thiệt hại nặng về người và tài sản, nhưng hiện nay đang vào mùa cá nam, giá thuỷ sản tăng cao nên ngư dân vẫn tranh thủ thời tiết thuận lợi để ra khơi. Sản lượng khai thác ước đạt 180,8 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 167,8 nghìn tấn, tăng 0,2%.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 1399,4 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó nuôi trồng 482,7 nghìn tấn, tăng 13%; khai thác 916,7 nghìn tấn, tăng 2,6%.
2. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng 5/2006 có xu hướng tăng cao hơn so với tốc độ tăng công nghiệp tháng Tư và 4 tháng đầu năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 10,7% (trung ương quản lý tăng 13% và địa phương quản lý tăng 4,5%); kinh tế ngoài Nhà nước tăng 20,3% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,6%
Tính chung 5 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,9%, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,9% (trung ương quản lý tăng 12,5%, địa phương quản lý giảm 0,2%); kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,5% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,1% (dầu mỏ và khí đốt giảm 3%, các ngành khác tăng 23,7%).
Trong các sản phẩm chủ yếu của ngành khai thác mỏ, dầu thô khai thác giảm 3,7%; khí đốt thiên nhiên giảm 0,2%; than sạch khai thác tăng 23,7%, do than được tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu .
3. Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 5/2006 ước tính đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch cả năm, trong đó các đơn vị trung ương quản lý 1,65 nghìn tỷ đồng, bằng 9,5%; các đơn vị địa phương quản lý 3,41 nghìn tỷ đồng, bằng 8,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước tính thực hiện 20,8 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1% kế hoạch cả năm. Vốn đầu tư do trung ương quản lý đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, bằng 37,5% kế hoạch năm, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt gần 3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% kế hoạch năm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 888 tỷ đồng, đạt 44,5%; Bộ Xây dựng 502 tỷ đồng, bằng 30,3%; Bộ Y tế 268 tỷ đồng, bằng 29,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 258 tỷ đồng, bằng 29,1%; Bộ Văn hoá Thông tin 148 tỷ đồng, bằng 34,5%. Vốn đầu tư do địa phương quản lý thực hiện 14,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9% kế hoạch năm, trong đó Hà Nội 1,8 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6%; Hải Phòng 436 tỷ đồng, bằng 32,6%; Đồng Nai 491 tỷ đồng, bằng 38%; Bà Rịa-Vũng Tàu 733 tỷ đồng, bằng 35,7%; Riêng thành phố Hồ Chí Minh, tuy 5 tháng đầu năm nay đã thực hiện trên 2 nghìn tỷ đồng nhưng mới đạt tỷ lệ tương đối thấp so với kế hoạch vốn cả năm (bằng 25,5% kế hoạch).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Tính từ đầu năm đến 20/5, cả nước có 281 dự án được cấp giấy phép với số vốn đăng ký 2,02 tỷ USD, tăng 8,5% về số dự án và tăng 19,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2005. Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm còn có 144 lượt dự án được tăng vốn với số vốn tăng thêm là 394 triệu USD, nâng tổng số vốn cấp mới và vốn tăng thêm lên trên 2,4 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 1,49 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2005.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới trong 5 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp và xây dựng với 209 dự án và 1332 triệu USD, chiếm 74,4% số dự án và 66,1% tổng vốn đăng ký; khu vực dịch vụ 59 dự án và 672 triệu USD, chiếm 21% số dự án và 33,4% tổng vốn đăng ký; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 13 dự án và 11 triệu USD, chiếm 4,6% số dự án và 0,5% tổng vốn đăng ký.
Từ đầu năm đến nay đã có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp mới giấy phép đầu tư vào Việt Nam, trong đó Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) có 4 dự án với 615 triệu USD, là đối tác có số vốn đầu tư lớn nhất trong 5 tháng qua. Hàn Quốc có 73 dự án và 435 triệu USD; Hoa Kỳ 17 dự án và 318 triệu USD; Nhật Bản 50 dự án và 310 triệu USD.
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế 5 tháng đầu năm 2006 ước tính đạt 217,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước đạt 26,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%; kinh tế tập thể đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6%; kinh tế cá thể đạt 137,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4%; kinh tế tư nhân đạt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22%. Trong tổng mức, ngành thương nghiệp chiếm tỷ trọng 81,9% và tăng 18,8%; khách sạn, nhà hàng chiếm 11,8% và tăng 20,7%; du lịch chiếm 0,7% và tăng 30,8%; dịch vụ chiếm 5,6% và tăng 28,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội 5 tháng đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,1% tổng mức và tăng 22,6%; thành phố Hồ Chí Minh 50,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,1% và tăng 19,6% so cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2006 tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 3,6% so với tháng 12 năm trước và tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước. Giá của 10 nhóm hàng đều tăng so với tháng trước, nhưng với mức độ khác nhau, trong đó nhóm hàng phương tiện đi lại, bưu điện tăng cao nhất (+2,9%), ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu; 2 nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và văn hoá, thể thao, giải trí đều tăng 0,9%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,2% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,3%, thực phẩm tăng 0,1%; đáng chú ý là mặt hàng thực phẩm của vùng Duyên hải miền Trung tăng cao nhất so với các vùng, miền trong cả nước (+0,8%), riêng thành phố Đà Nẵng tăng 1,5%; một số vùng, miền giảm từ 0,3% đến 0,6% như: đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ và Tây Nguyên.
So với tháng 12/2005, giá tiêu dùng tháng 5/2006 tăng 3,6%, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,5%, đóng góp chính vào tăng giá; nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tăng 3,3%, giá các nhóm hàng hoá và dịch vụ khác đều tăng.
Giá vàng tháng 5/2006 tăng cao ở cả 3 chỉ số: tăng 17,6% so với tháng trước, tăng 37,6% so với tháng 12/2005 và tăng 57,7% so cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ tháng 5/2006 tăng 0,8% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất trong 5 tháng đầu năm dẫn tới mức tăng so với tháng 12/2005 là 0,9% và tăng so cùng kỳ năm trước là 1,4%. Giá đô la Mỹ sau thời gian ổn định đã tăng đột biến trên thị trường tự do trong thời gian ngắn (tuần đầu tháng 5), chủ yếu do tăng giá vàng và giá xăng dầu trên thị trường quốc tế nên một bộ phận dân cư đã chuyển sang mua vàng và đô la Mỹ tích trữ. Tuy vậy do có sự chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động ngoại hối của các ngân hàng thương mại và tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng tương đối ổn định, nguồn cung ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại đã đảm bảo được nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu, thanh toán quốc tế và ổn định thị trường ngoại tệ.
Tổng mức lưu chuyển ngoại thương 5 tháng ước tính đạt 31,1 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu 15,08 tỷ USD, tăng 24,2%; nhập khẩu 16,01 tỷ USD, tăng 7,3%. Nhập siêu 5 tháng 930 triệu USD, bằng 6,2% trị giá xuất khẩu (con số tương ứng của cùng kỳ năm trước là 22,9%). Đây là tỷ lệ nhập siêu tương đối thấp và do kim ngạch xuất khẩu nhiều tháng liên tục tăng cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu.
Xuất khẩu 5 tháng mới đạt 40% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi tháng là 3,02 tỷ USD, thấp hơn mức bình quân mỗi tháng 3,15 tỷ USD của kế hoạch 2006 và như vậy để đạt mục tiêu kế hoạch năm 2006 xuất khẩu bình quân mỗi tháng trong những tháng tiếp theo cần đạt khoảng 3,23 tỷ USD. Trong tổng kim ngạch, xuất khẩu dầu thô đạt 3,37 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu không kể dầu thô 11,71 tỷ USD, tăng 25,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước 6,31 tỷ USD, tăng 18,2%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 5,4 tỷ USD, tăng 34,9%. Nhìn chung nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu 5 tháng đầu năm nay tăng khá so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch từ 100 triệu USD và tăng với mức 20% trở lên như: dầu thô, than đá, dệt may, giày dép, sản phẩm gốm sứ, dây điện và cáp điện, sản phẩm nhựa, cà phê, sản phẩm gỗ, thủy sản.
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng nhưng không nhiều, riêng từng mặt hàng biến động theo chiều hướng khác nhau: các mặt hàng có lượng và kim ngạch tăng: cao su lượng tăng 40,5% và kim ngạch tăng 101,3%; hạt tiêu lượng tăng 46,1%, kim ngạch tăng 50,8%. Một số mặt hàng giảm cả về lượng và kim ngạch như: gạo lượng giảm 4,2%, kim ngạch giảm 6,1%; lạc lượng giảm 67,1%, kim ngạch giảm 65,3%. Xuất khẩu cà phê lượng giảm 17,3% nhưng kim ngạch tăng 25,7%; hạt điều lượng tăng 11,5% và kim ngạch giảm 7,9%; rau quả kim ngạch tăng 3,4%...
Nhập khẩu tháng 5/2006 ước tính đạt 3,6 tỷ USD nâng mức nhập khẩu 5 tháng đầu năm nay lên 16 tỷ USD, tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước và đạt 37,7% kế hoạch năm 2006. Khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch nhập khẩu đạt 9,9 tỷ USD, chiếm 68% trị giá nhập khẩu nhưng tăng thấp (+1,8%) so với cùng kỳ nên chỉ đóng góp 16,4% vào tăng nhập khẩu chung trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 6,1 tỷ USD, chiếm 38%, tăng 17,6% nên đã đóng góp 83,6% vào mức tăng chung.
Kim ngạch nhập khẩu xăng dầu 5 tháng năm 2006 ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 17,8%, chủ yếu do giá trên thị trường quốc tế tăng cao trong khi lượng nhập giảm 10,6%. Nhập khẩu sắt thép giảm 6,4% về lượng và giảm 17,8% về kim ngạch, trong đó nhập khẩu phôi thép cũng giảm ở cả hai chỉ số (lượng giảm 10% và kim ngạch giảm 18%). Nhập khẩu của một số mặt hàng vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước khác đều tăng khá so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu đạt thấp so với 5 tháng đầu năm trước như: phân urê chỉ bằng 57,2% cùng kỳ năm trước; nguyên phụ liệu dệt, may, da bằng 96,2%; thức ăn gia súc bằng 93,8%; sữa và sản phẩm sữa bằng 97,4%. Nhập khẩu ô tô giảm đáng kể, chủ yếu do tác động của việc Chính phủ cho phép nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng. Trị giá nhập khẩu xe máy giảm 11,4%, chủ yếu do giảm linh kiện, trong khi nhập khẩu xe máy nguyên chiếc tăng 33,7% về lượng và tăng 23,3% về kim ngạch.
Vận tải
Vận chuyển hành khách tháng 5 tăng, do đầu tháng có hai ngày nghỉ lễ, nhu cầu đi lại, tham quan, du lịch trong ngày nghỉ của dân cư tăng thêm. Tính chung 5 tháng đầu năm, ước tính đạt 537,8 triệu hành khách và 22,45 tỷ hành khách.km, tăng 8% về số khách và tăng 8,7% về số khách.km so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận chuyển hành khách do các đơn vị trung ương quản lý gần 10 triệu lượt khách và 7 tỷ hành khách.km, giảm 0,7% về số khách, nhưng tăng tới 9,6% về số hành khách.km, chủ yếu do tăng vận chuyển trên các tuyến đường dài; vận chuyển hành khách do các đơn vị địa phương quản lý tăng 8,2% về số khách và tăng 8,4% về số hành khách.km.
Vận chuyển hàng hoá 5 tháng đầu năm ước tính đạt 140,1 triệu tấn và 34,3 tỷ tấn.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,9% về tấn và 8,1% về tấn.km. Vận chuyển hàng hoá theo cấp quản lý, theo phạm vi vận tải và theo các loại đường vận chuyển đều tăng so với cùng kỳ năm trước (trừ khối lượng vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt mới đạt xấp xỉ mức vận chuyển của 5 tháng đầu năm 2005). Trong các ngành vận tải, vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ chiếm 68,5% số tấn và 14,5% số tấn.km, tăng 9% về số tấn và 8,9% về số tấn.km; vận chuyển bằng đường biển chiếm 8,9% về tấn và 74,2% về tấn.km, tăng 6,1% và tăng 7,4%; vận chuyển hàng hoá bằng đường không tăng mạnh, nhưng với tỷ trọng nhỏ ít ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của vận chuyển và luân chuyển hàng hoá.
Tuy giá cả xăng dầu tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm và có ảnh hưởng đến tăng cước phí trong các ngành vận tải với mức độ khác nhau, nhưng do các công ty vận tải đã sửa chữa, nâng cấp, mua sắm phương tiện, đặc biệt chủ các phương tiện vận tải ngoài quốc doanh đã tích cực, năng động trong việc khai thác nguồn hàng, nhanh chóng nắm bắt nhu cầu vận chuyển nên đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển cho sản xuất cũng như nhu cầu đi lại của nhân dân.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 ước tính đạt 282,5 nghìn khách, giảm so với số khách đến trong tháng trước và giảm 6,8% so với cùng tháng năm trước, trong đó giảm mạnh là số khách đến bằng đường bộ và khách từ Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia và In-đô-nê-xi-a.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, số khách đến Việt Nam ước tính đạt 1,58 triệu khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến du lịch 927,3 nghìn khách, tăng 9,2%; khách đến vì công việc 229,7 nghìn, tăng 29,1%; thăm thân nhân 230,6 nghìn, tăng 9,5%.
Một số nước, vùng lãnh thổ có số khách đến Việt Nam trong 5 tháng đạt con số trên 50 nghìn (5 vạn) người như: Khách đến từ Hàn Quốc 182,1 nghìn người, tăng 45,3%; từ Mỹ 162,8 nghìn người, tăng 23,5%; từ Nhật Bản 146,1 nghìn người, tăng 28,5%; từ Đài Loan 115,7 nghìn người, chỉ tăng 2,1%; từ Cam-pu-chia 95,4 nghìn người, tăng 26,5%; từ Ôx-trây-li-a 71,5 nghìn người, tăng 20,2% và từ Pháp 56,3 nghìn người, tăng 1,6%; từ Thái Lan 51,4 nghìn người, tăng 65,6%; riêng khách đến từ Trung Quốc 264,9 nghìn người, vẫn tiếp tục giảm 20,7%.
Khách đến từ một số nước tuy không đạt mức trên, song tốc độ tăng cao như khách đến từ Xin-ga-po 39,7 nghìn người, tăng 41,3%; từ Nga 14,1 nghìn người, tăng 36%; từ Đan Mạch 8,7 nghìn người, tăng 37,9%; từ Na Uy 5,4 nghìn người, tăng 50,3%...
5. Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2006 ước tính đạt 40% dự toán cả năm và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2005. Các khoản thu nội địa đạt 39,7% dự toán cả năm, trong đó một số khoản đạt khá như: Thu từ kinh tế quốc doanh đạt 41%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 43,6%; thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 49%; thu xổ số kiến thiết đạt 47,7%. Tuy nhiên, còn một số khoản thu lớn trong thu nội địa đạt thấp so với dự toán như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) mới đạt 34,3%; các khoản thu về nhà đất đạt 35,3%... Thu từ dầu thô đạt 41,8% dự toán cả năm; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 37,9%, trong đó thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu đạt 42,9%; thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu đạt 37,1%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 5 tháng ước tính đạt 37,5% dự toán cả năm và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 35,2% (chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 35,1%); chi trả nợ và viện trợ đạt 36,4%; chi thường xuyên đạt 41,8%; chi cải cách tiền luơng đạt 39,1%. Một số khoản chi lớn và quan trọng trong chi thường xuyên đạt khá như: Chi quản lý hành chính đạt 43%; chi sự nghiệp kinh tế đạt 42,5%; chi lương hưu và bảo đảm xã hội đạt 42,4%; chi giáo dục, đào tạo, dạy nghề đạt 40,2%; chi y tế đạt 44%... Bội chi ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm ước tính bằng 31,6% mức bội chi dự kiến cả năm, trong đó được bù đắp bằng nguồn vay trong nước là 64,5% và vay nước ngoài 35,5%.
6. Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng 5/2006 có 107,1 nghìn hộ với 483,2 nghìn nhân khẩu bị thiếu đói, chiếm 0,9% tổng số hộ và số nhân khẩu nông nghiệp của cả nước. Tình hình thiếu đói trong tháng đã giảm rõ rệt: So với tháng trước, số hộ thiếu đói đã giảm 16% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 13,9%; so với thời điểm cuối tháng 5/2005, số hộ thiếu đói giảm 53% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 54,8%. Để hỗ trợ các hộ thiếu đói khắc phục khó khăn, từ đầu năm đến nay các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân đã trợ giúp 4,6 nghìn tấn lương thực và khoảng 4 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh
Trong tháng 5/2006 có 6,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 2,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và trên 260 trường hợp mắc bệnh viêm gan vi rút.
Tính chung 5 tháng đầu năm đã có 22,2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 11,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 2,9 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan vi rút; 296 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút và 304 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu. Mặc dù số người mắc bệnh do viêm não vi rút và viêm não do mô cầu không lớn nhưng số nguời tử vong do 2 bệnh này lại tương đối cao: 36 trường hợp tử vong do bệnh viêm não vi rút và 8 trường hợp tử vong do bệnh viêm màng não mô cầu.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Trong tháng 5/2006 đã phát hiện thêm 1249 trường hợp nhiễm HIV nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước đến 21/5/2006 là 108 nghìn người, trong đó gần 18,3 nghìn bệnh nhân AIDS và 10,6 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng 5, tại Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và An Giang đã có trên 400 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 11 người đã tử vong. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay cả nước đã có 2,5 nghìn trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 37 người đã tử vong.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 4/2006 (từ 22/3 đến 21/4) trong cả nước đã xảy ra 1202 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1056 người và bị thương 926 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 2,5%; số người chết tăng 7,1% và số người bị thương tăng 12,1%. So với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông tăng 28 vụ; số bị chết tăng 156 người; số bị thương giảm 37 người.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2006, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 5,1 nghìn vụ tai nạn, làm chết 4,4 nghìn người và bị thương 4 nghìn người. So với 4 tháng đầu năm 2005, số vụ tai nạn giảm 2%; số bị thương giảm 12,2%; riêng số người chết tăng 11,7%. Bình quân một ngày trong 4 tháng đầu năm nay xảy ra 43 vụ tai nạn, làm chết 37 người và làm bị thương 33 người. Tai nạn giao thông trong 4 tháng qua vẫn chủ yếu xảy ra trên đường bộ, chiếm tới 96,7% số vụ; 97,6% số người chết và 98,7% số người bị thương.
Thiệt hại do lụt bão
Từ cuối tháng 4 đến nay đã xảy ra hiện tượng gió lốc, mưa lớn tại một số địa phương trên cả nước như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Gia Lai,... Theo báo cáo sơ bộ, có 7 người chết; 26 người bị thương; 2,6 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại; 140 ngôi nhà ở bị sập đổ, cuốn trôi và hàng nghìn nhà bị tốc mái. Giá trị thiệt hại ước tính khoảng 18 tỷ đồng.
Riêng cơn bão số 1 vừa qua, tuy không đổ bộ trực tiếp vào nước ta nhưng với cường độ mạnh cấp 12 và diễn biến rất phức tạp, đã đột ngột chuyển hướng gây ra tổn thất nặng nề về người và tài sản của ngư dân ở một số tỉnh ven biển miền Trung đang đánh bắt hải sản ngoài khơi. Theo thông tin sơ bộ, đến 24/5 đã có 27 người bị chết, hàng trăm người và nhiều tàu thuyền còn mất tích. Hiện nay, công tác tìm kiếm, cứu nạn, trợ giúp ngư dân và gia đình gặp nạn đang được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai. Đến nay các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tiếp cận được với các tàu bị nạn và đã có những tàu đầu tiên về tới đất liền.