Tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2006
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Lúa mùa: Tính đến 15/11/2006, các tỉnh miền Bắc đã thu hoạch được 1165 nghìn ha, chiếm trên 97% diện tích gieo cấy và bằng 96,5% cùng kỳ năm trước; miền Nam thu hoạch được 303,7 nghìn ha, chiếm 40% diện tích gieo cấy, bằng 114% cùng kỳ. Theo đánh giá sơ bộ, năng suất và sản lượng lúa mùa miền Bắc đều tăng so với vụ mùa năm trước: năng suất lúa mùa miền Bắc đạt 46,6 tạ/ha, sản lượng đạt 5,6 triệu tấn, tăng 10,7% so với vụ mùa năm 2005, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Hồng năng suất tăng 7,1 tạ/ha (+15,7%); sản lượng tăng 369 nghìn tấn (+14,2%), Bắc Trung bộ năng suất tăng 7,6 tạ/ha (+21,5%), sản lượng tăng 134,7 nghìn tấn (+20%); miền núi năng suất tăng 0,9 tạ/ha (+2,4%), sản lượng tăng 35 nghìn tấn (+1,9%). Một số tỉnh có mức tăng khá như Nam Định tăng 79,7%; Thái Bình tăng 26,6%; Thanh Hoá tăng 25,9%; Ninh Bình tăng 47,5%. Năng suất lúa mùa ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đều tăng nhẹ do nguồn nước được đảm bảo, trong đó Bình Định tăng 5,6 tạ/ha; Quảng Ngãi tăng 1,2 tạ/ha; Gia Lai tăng 2,8 tạ/ha; Đắk Lắk tăng 4,8 tạ/ha. Riêng các tỉnh Đông Nam bộ do ảnh hưởng của sâu bệnh nên năng suất giảm 0,9 tạ/ha và sản lượng giảm 53,2 nghìn tấn.
Lúa hè thu: Đến trung tuần tháng 11, các tỉnh miền Nam đã cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1,9 triệu ha, chiếm 97,3% diện tích gieo cấy. Theo ước tính sơ bộ, sản lượng lúa hè thu vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 7,8 triệu tấn, giảm 990 nghìn tấn so với vụ hè thu 2005, trong đó một số tỉnh có mức giảm nhiều như An Giang giảm 279 nghìn tấn, Kiên Giang giảm 207 nghìn tấn, Đồng Tháp giảm 180,6 nghìn tấn.
Tình hình sản xuất lúa thu đông/vụ ba ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khá phức tạp do dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại mức độ nặng trên diện rộng với diện tích lúa bị gây hại trên 57 nghìn ha.
Gieo cấy lúa đông xuân miền Nam: Đến thời điểm này, các tỉnh miền Nam đã xuống giống được 247,6 nghìn ha, bằng 77,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt 246,5 nghìn ha. Để phòng chống sâu bệnh gây hại, người nông dân đã được khuyến cáo hạn chế tối đa việc sử dụng các giống lúa nhiễm rầy hoặc thoái hoá và sau khi thu hoạch lúa thu đông một tháng mới được xuống giống nhằm tránh nguồn lây lan dịch bệnh.
Gieo trồng cây vụ đông: Đến trung tuần tháng 11 năm 2006, cả nước đã gieo trồng được 474,3 nghìn ha cây vụ đông, trong đó diện tích ngô đạt 187,5 nghìn ha, bằng 105% cùng kỳ năm trước, khoai lang 75,3 nghìn ha bằng 100,8%; đậu tương 65,5 nghìn ha, bằng 117%; lạc 9 nghìn ha, bằng 132,4%; rau đậu các loại 136,6 nghìn ha, bằng 107%.
Chăn nuôi: Giá thịt hơi tăng và dịch lở mồm long móng được khống chế nên đàn gia súc đang dần ổn định và tăng nhẹ, trong đó tăng đáng kể là đàn bò thịt; đàn lợn ước tính tăng 3-5% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 20/11/2006, có 27 xã, 15 huyện thuộc 6 tỉnh là Hà Tĩnh, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng và Phú Yên có 1536 con trâu bò, 94 con lợn mắc bệnh chưa qua 21 ngày. Đến nay, toàn quốc không phát sinh thêm ổ dịch mới. Đã có 63/64 tỉnh, thành phố triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 2 năm 2006 với tổng số gia cầm được tiêm là 136,4 triệu con, trong đó có 89,8 triệu con gà, 46,6 triệu con vịt.
Lâm nghiệp: Trong tháng 11, thời tiết thuận lợi cho việc trồng rừng nên các địa phương tập trung hoàn thành kế hoạch năm 2006. Diện tích rừng trồng mới trong tháng ước tính đạt 16,5 nghìn ha, tăng 5,5% so với tháng 11/2005; trồng cây phân tán đạt khoảng 11,9 triệu cây, bằng 99,9%; sản lượng gỗ khai thác tăng 0,4%.
Tính chung 11 tháng năm 2006, tổng diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước đạt 179,8 nghìn ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ; trồng cây phân tán đạt 190,4 triệu cây, bằng 99,2%; sản lượng gỗ khai thác tăng 0,1% .
Thuỷ sản: Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 11 ước tính đạt 334,7 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tăng 5,3%, tôm tăng 3%.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng 11 ước tính đạt 184,3 nghìn tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong đó cá tăng 9,8%; tôm tăng 4,5%. Hiện nay tôm sú nuôi theo phương thức thâm canh và bán thâm canh vụ chính đã kết thúc; nuôi tôm vụ 2 đang trong giai đoạn xuống giống, chăm sóc; nuôi tôm theo phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm - lúa đang vào vụ thu hoạch chính; nuôi tôm càng xanh trong vùng nước ngọt cũng đang được nhân rộng.
Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 11 ước tính đạt 150,4 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 132,2 nghìn tấn, tăng 1%. Tuy tháng này khai thác biển đang vào mùa vụ đánh bắt, cá về nhiều trên các ngư trường, nhưng do giá nhiên liệu vẫn còn ở mức cao và thời tiết biển không thuận do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới nên sản lượng khai thác biển tăng không cao.
Tính chung 11 tháng năm 2006, sản lượng thủy sản ước tính đạt 3380,4 nghìn tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ; trong đó nuôi trồng 1527,4 nghìn tấn, tăng 18%; khai thác 1853,0 nghìn tấn, tăng 0,8%.
2. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 46,77 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7%, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 6% (Trung ương quản lý tăng 9,2%, địa phương quản lý giảm 2,1%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 23,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,8% (Dầu mỏ và khí đốt giảm 9,3%; các ngành khác tăng 27%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng cao so với mức tăng chung như đường, mật các loại tăng 50,9%; phân hoá học tăng 19,4%; thuốc ống các loại tăng 21,4%; máy công cụ tăng 23,7%; động cơ diezen tăng 22,2%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế có tốc độ tăng trên 10% như: than sạch khai thác tăng 15,3%; thuỷ sản chế biến tăng 12,9%; vải lụa thành phẩm tăng 10,6%; xi măng tăng 10,9%; gạch lát tăng 14,1%; thép cán tăng gần 10%; xe máy các loại tăng 12% và điện phát ra tăng 13,5%.
Tính chung 11 tháng năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 443,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 9,4% (Trung ương quản lý tăng 12,2%; địa phương quản lý tăng 2%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 23%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19% (Dầu mỏ và khí đốt giảm 5,3%, các ngành khác tăng 25,5%).
Nhiều ngành công nghiệp chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp giữ được tốc độ tăng cao ổn định đã quyết định tốc độ tăng cao của toàn ngành công nghiệp 11 tháng so với cùng kỳ năm 2005 như: khai thác than, tỷ trọng 1,5%, tăng 21% (trong đó xuất khẩu than 11 tháng ước đạt 26,7 triệu tấn, bằng 76% sản lượng than khai thác, tăng 67,9% về lượng và tăng 39,9% về giá trị xuất khẩu); sản xuất thực phẩm và đồ uống, tỷ trọng 21,5%, tăng 17,2% (trong đó giá trị xuất khẩu thủy sản chế biến 11 tháng tăng 24,6%); sản xuất các sản phẩm từ da, giả da, tỷ trọng 4,7%, tăng 18,4%; sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tỷ trọng 2%, tăng 23,1% (trong đó trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng tăng 24,6% so với cùng kỳ); sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tỷ trọng 5,2%, tăng 26,8% (trong đó trị giá xuất khẩu sản phẩm nhựa 11 tháng tăng 38%), sản xuất các sản phẩm từ kim loại, tỷ trọng 4,1%, tăng 24% (trong đó, trị giá xuất khẩu dây điện và cáp điện xuất khẩu 11 tháng tăng 39%); sản xuất thiết bị điện, tỷ trọng 3,1%, tăng 28%; sản xuất radio và thiết bị truyền thông, tỷ trọng 2,3%, tăng trên 18%; sản xuất các phương tiện vận tải khác (chủ yếu là đóng và sửa chữa tàu thuyền), tỷ trọng 4,3%, tăng 22,8%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giữ được tốc độ tăng cao so với mức tăng chung của toàn ngành như: Than sạch khai thác tăng 21%; quần áo may sẵn tăng 16%; thuốc ống các loại tăng 19,9%; sứ vệ sinh tăng 16,7%... Một số sản phẩm có mức tăng trên 10% như: Thủy sản chế biến tăng 12,3%; vải lụa thành phẩm tăng 11,1%; giấy, bìa các loại tăng 10,5%; xà phòng các loại tăng 14,3%; xe máy lắp ráp các loại tăng 14,5%; điện phát ra tăng 12,7%. Tuy nhiên, có một số sản phẩm vẫn chưa đạt mức sản xuất của 11 tháng năm trước như: Dầu thô khai thác bằng 91,3%; sữa hộp bằng 93,5%; đường mật các loại bằng 99,4%; thuốc lá bằng 93%; phân hóa học bằng 99,6%; thuốc viên các loại bằng 90,7%; máy công cụ bằng 74,2%; máy biến thế bằng 54,7%; quạt điện dân dụng bằng 82,1%; tivi lắp ráp các loại bằng 98,6%; ôtô lắp ráp các loại bằng 71,5%; xe đạp bằng 50,3%...
Một số tỉnh, thành phố có qui mô sản xuất công nghiệp lớn có tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng cao so với mức tăng chung như: Hải Phòng tăng 17,1%; Vĩnh Phúc tăng 23,5%; Hà Tây tăng 22,7%; Hải Dương tăng 23%; Hưng Yên tăng 28,2%; Quảng Ninh tăng 18,3%; Bình Dương tăng 23,4%; Đồng Nai tăng 21,2%; Cần Thơ tăng 22,2%. Trong khi đó một số tỉnh, thành phố có qui mô lớn nhưng lại có tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng thấp hơn mức tăng chung của cả nước như: Thành phố Hà Nội tăng 15,8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,6%; Đà Nẵng tăng 6,9%; Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ tăng 3,8% (chủ yếu do khai thác dầu thô giảm).
3. Đầu tư
Vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 11/2006 ước tính thực hiện 6,71 nghìn tỷ đồng, bằng 12% kế hoạch năm, trong đó các đơn vị trung ương quản lý thực hiện 1,64 nghìn tỷ đồng, bằng 9,4%; các đơn vị địa phương quản lý 5,07 nghìn tỷ đồng, bằng 13,1%.
Tính chung 11 tháng năm 2006, vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước tính thực hiện 56,6 nghìn tỷ đồng, bằng 100,9% kế hoạch cả năm, trong đó vốn đầu tư do trung ương quản lý đạt 16,7 nghìn tỷ đồng, bằng 95,9% kế hoạch năm, vốn do địa phương quản lý đạt 39,9 nghìn tỷ đồng, bằng 103,2%. Trong các đơn vị trung ương quản lý, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện 6 nghìn tỷ đồng, bằng 90,2%; Bộ Xây dựng 2,41 nghìn tỷ đồng, bằng 116,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1,95 nghìn tỷ đồng, bằng 97,9%; Bộ Y tế 862 tỷ đồng, bằng 96%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 846 tỷ đồng, bằng 95,5%; Bộ Văn hoá Thông tin 412 tỷ đồng, bằng 96,3%; Bộ Công nghiệp 132 tỷ đồng, bằng 91,1%; riêng Bộ Thuỷ sản thực hiện 102 tỷ đồng, mới bằng 52,8% kế hoạch cả năm. Trong các đơn vị địa phương quản lý, một số địa phương có khối lượng vốn thực hiện đạt khá so với kế hoạch năm như: Bình Dương đạt 123,1%; Lâm Đồng đạt 114%; Thanh Hoá đạt 110,2%; Đồng Tháp đạt 109,4%; Tiền Giang đạt 108,3%; Đà Nẵng đạt 105,3%; Đồng Nai đạt 104,3%; Nghệ An đạt 103%... Thành phố Hồ Chí Minh 11 tháng năm nay thực hiện trên 6,8 nghìn tỷ đồng, bằng 85,5% kế hoạch năm; Hà Nội 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng 76%; Bà Rịa - Vũng Tàu 1,89 nghìn tỷ đồng, bằng 91,9%.
Tình hình đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ đầu năm đến 20/11/2006 cả nước có 734 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 6,15 tỷ USD, bình quân vốn đăng ký 1 dự án đạt 8,4 triệu USD. Trong 11 tháng năm nay cũng đã có 439 lượt dự án được tăng vốn với số vốn tăng thêm 2,12 tỷ USD, nâng tổng số vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm) trong 11 tháng năm 2006 lên 8,3 tỷ USD.
Đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép trong 11 tháng qua tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp và xây dựng với 493 dự án và 4,44 tỷ USD, chiếm 67,2% số dự án và 72,2% tổng vốn đăng ký. Khu vực dịch vụ có 193 dự án và 1,61 tỷ USD, chiếm 26,3% số dự án và 26,1% tổng vốn đăng ký; khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản 48 dự án và 106,1 triệu USD, chiếm 6,5% số dự án và 1,7% tổng vốn đăng ký.
Trong 11 tháng năm nay, thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút 193 dự án và 1,16 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng số dự án và 18,8% vốn đăng ký; Bình Dương 153 dự án và 666,3 triệu USD, chiếm 20,8% số dự án và 10,8% vốn đăng ký; Hà Nội 100 dự án và 534,1 triệu USD, chiếm 13,6% số dự án và 8,7% số vốn đăng ký; Đồng Nai 67 dự án và 275,3 triệu USD... Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có 10 dự án nhưng số vốn đăng ký lại lớn nhất cả nước với 1,64 tỷ USD, chiếm 26,6% tổng số vốn đăng ký trong cả nước; Quảng Ngãi 1 dự án với vốn đăng ký 556 triệu USD.
Theo đối tác, Hàn Quốc dẫn đầu với 188 dự án và 1,93 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng số dự án và 31,4% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 837 triệu USD, chiếm 13,6% tổng vốn đăng ký; Hoa Kỳ 635,6 triệu USD, chiếm 10,3%; Nhật Bản 588,2 triệu USD, chiếm 9,6%; Quần đảo Cay-men 576 triệu USD, chiếm 9,4%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 319,8 triệu USD, chiếm 5,1%; Trung Quốc 261,8 triệu USD, chiếm 4,3%; Xin-ga-po 225,2 triệu USD, chiếm 3,7%...
4. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 11 tháng năm 2006 ước tính đạt 523,4 nghìn tỷ đồng (tính theo giá thực tế) tăng 20,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế nhà nước 65,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%; kinh tế tập thể 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6%; kinh tế cá thể 326,9 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1%; kinh tế tư nhân 112,2 nghìn tỷ đồng, tăng 24,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 13,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8%. Phân tích theo ngành kinh tế, thương nghiệp 426,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức (81,5%), tăng 19,8%; khách sạn, nhà hàng 63,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,1%, tăng 21,8%; dịch vụ gần 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,7%, tăng 31,5% và du lịch lữ hành 3,8 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ nhất (0,7%) nhưng có mức tăng khá cao, tới 30,2%.
Giá tiêu dùng tháng 11/2006 tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức tăng giá 0,2% trong tháng 10, chủ yếu do tăng giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt trong nhóm này, giá lương thực tăng tới 3,8% so với tháng trước, mặc dù giá gạo đã giảm sau khi Chính phủ chỉ đạo tạm ngừng xuất khẩu gạo từ 12/11/2006 để đảm bảo cân đối cầu tiêu dùng trong nước, tránh tăng giá gạo đột biến. Trong các nhóm hàng hoá và dịch vụ, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,2%, chủ yếu do giá lương thực, trong khi thực phẩm chỉ tăng 0,5%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,7%. Đáng chú ý là trong tháng 11/2006 giá nhà ở, vật liệu xây dựng và giá phương tiện đi lại giảm, chưa bằng mức giá trong tháng 10.
So với cuối năm 2005 giá tiêu dùng tháng 11/2006 tăng 6% và tăng ở tất cả mười nhóm hàng hoá và dịch vụ, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất (+7,2%); các nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc và mũ nón, giày dép tăng trên 5%; các nhóm còn lại tăng phổ biến từ 3,4% đến 4,1%.
So với tháng 11 năm trước giá tiêu dùng tăng 6,9% và xu hướng các nhóm cũng tương tự như so với giá cuối năm trước, trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,7%; các nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc, mũ nón, giày dép và đồ uống, thuốc lá tăng từ 5,7% đến 6,1%; các nhóm còn lại tăng ở mức từ 2,7% đến 4,5%; riêng đồ dùng và dịch vụ khác tăng 6,5%. Bình quân 11 tháng năm 2006 giá tiêu dùng tăng 7,5%.
Giá vàng tháng 11/2006 đã tăng so với tháng trước 1,7% (sau khi giảm ở tháng 9 và tháng 10); so với cuối năm trước giá vàng tăng 23,2% và so với tháng 11 năm trước tăng 32,4%, bình quân 11 tháng tăng 37,4%. Giá đô la Mỹ tăng 0,2% so với tháng 10/2006 và như vậy tăng 1% so với cuối năm trước và tăng 1,1% so với tháng 11 năm trước. Bình quân 11 tháng qua, giá đô la Mỹ tăng 0,9%.
Tổng mức lưu chuyển ngoại thương 11 tháng 2006 ước tính đạt 77,04 tỷ USD, tăng 22,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 23,7% và nhập khẩu tăng 21,4%. Nhập khẩu những tháng cuối năm có xu hướng tăng mạnh hơn (nhập khẩu tháng 11 tăng tới 34% so với tháng 11/2005) và xuất khẩu thường chậm lại do vậy tốc độ tăng nhập khẩu 11 tháng chỉ còn chậm hơn 2,3 điểm phần trăm so với tốc độ tăng xuất khẩu; nhập siêu 11 tháng 4,49 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức nhập siêu 4,26 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ so với xuất khẩu được cải thiện hơn, chỉ bằng 12,4% kim ngạch xuất khẩu (tỷ lệ này cùng kỳ năm trước là 14,5%).
Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tăng mạnh cả ở khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (trừ dầu thô), ước tính đạt 3,46 tỷ USD, cao hơn mức thực hiện 3,36 tỷ USD của tháng 10, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất kh u 1,46 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 1,35 tỷ USD, tăng 30%; riêng dầu thô xuất khẩu đạt 650 triệu USD, tăng 4%. Các mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trên 20% là than đá tăng 20,7%; dệt may tăng 20,1%; hàng điện tử, máy tính tăng 42,9%; dây điện và cáp điện tăng 35,3%; sản phẩm nhựa tăng 56,2%; cà phê tăng 58,8%; thuỷ sản tăng 33,6% và gỗ, sản phẩm gỗ tăng 21%.
Tính chung 11 tháng, trị giá xuất khẩu đạt 36,28 tỷ USD, bằng 96,1 % so kế hoạch năm 2006, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,25 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 13,28 tỷ USD, tăng 32,3%; dầu thô 7,75 tỷ USD, tăng 14,5% (Tuy nhiên, lượng xuất khẩu dầu thô 11 tháng mới đạt 15,2 triệu tấn, giảm 7,7% so với cùng kỳ; để đạt kế hoạch xuất khẩu cả năm là 18 triệu tấn, thì tháng 12 phải xuất được 2,8 triệu tấn, gấp 2 lần lượng xuất khẩu trong tháng 11 và quá cao so với mức đã xuất khẩu bình quân 1,38 triệu tấn trong 11 tháng qua). Dệt may là mặt hàng có kim ngạch cao thứ 2 trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ước tính 11 tháng đạt 5,41 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ và đóng góp 15,6% vào mức tăng chung. Các thị trường lớn là Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn là những thị trường chủ yếu nhập khẩu hàng dệt may Việt nam. Xuất khẩu giày dép ước tính đạt 3,2 tỷ USD, tăng 19,3% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của tháng 11/2006 đạt 300 triệu USD, cao hơn tháng trước 24 triệu USD, do mùa Nô-en đang đến gần nên nhu cầu mua sắm giày dép tăng cao; thị trường xuất khẩu sang EU và Mỹ tăng cao và chiếm tỷ trọng tới 77%. Xuất khẩu thuỷ sản ước tính đạt 3,1 tỷ USD, tăng 24,6% và đã vượt kế hoạch cả năm 0,1%; các thị trường xuất khẩu có mức tăng cao nhất là EU, tiếp đến là Nhật Bản và Mỹ, trong đó tổng giá trị xuất khẩu sang các thị trường này đạt 1,8 tỷ USD. Hàng điện tử, máy tính 1,6 tỷ USD, tăng 22,7%. Ngoài ra, một số mặt hàng khác có mức tăng khá về kim ngạch như than đá tăng 39,9%; dây điện và cáp điện tăng 39%; cà phê tăng 38,1%; sản phẩm nhựa tăng 38%; đồ chơi trẻ em tăng 51,3%.
Tuy nhiên, 11 tháng còn có những mặt hàng lớn kim ngạch giảm sút so với cùng kỳ năm trước như: kim ngạch xuất khẩu gạo 11 tháng 1,3 tỷ USD, giảm 7,1%; hạt điều 466 triệu USD, giảm 17,2%; xe đạp và phụ tùng xe đạp 107 triệu USD, giảm 18,1%.
Kim ngạch nhập khẩu 11 tháng năm 2006 ước tính đạt 40,76 tỷ USD, tăng 21,4% so cùng kỳ năm trước và đạt 95,9% kế hoạch năm 2006 (trong đó riêng tháng 11 nhập khẩu 4,1 tỷ USD, tăng 34,4% so với tháng 11/2005). Trong tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,8 tỷ USD, tăng 21,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,9 tỷ USD, tăng 20,4%.
Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và hầu hết nguyên, phụ liệu chủ yếu phục vụ sản xuất trong nước vẫn tăng cao. Mặt hàng có giá trị nhập khẩu đứng đầu vẫn là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 5,9 tỷ USD, tăng 24,2%, là mức tăng khá cao do nhu cầu tăng đồng thời đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực máy móc, thiết bị cũng ngày càng gia tăng. Nhập khẩu xăng, dầu 5,4 tỷ USD, tăng 18,2% so với 11 tháng năm trước, chủ yếu do giá nhập khẩu bình quân 11 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ (trong khi lượng nhập giảm 3,7%); vải 2,7 tỷ USD, tăng 23,2%; sắt thép tuy đạt 2,6 tỷ USD, nhưng giảm 3,7% so với cùng kỳ; nguyên, phụ liệu dệt, may, da 1,8 tỷ USD, giảm mạnh (-) 14,7%; điện tử, máy tính và linh kiện 1,8 tỷ USD, tăng 20,1%; chất dẻo 1,7 tỷ USD, tăng 26,7%; hoá chất 943 triệu USD, tăng 19,9%; sản phẩm hoá chất 915 triệu USD, tăng 20,5% và phân bón 629 triệu USD, tăng 9,7%.
Xét về lượng nhập khẩu, một số mặt hàng tăng khá so với 11 tháng năm 2005 như: sợi dệt tăng 61,8%; giấy tăng 28%; bông tăng 20,5%; lúa mỳ tăng 3,2%; xe máy nguyên chiếc tăng 36,9%. Tuy nhiên, có một số mặt hàng lượng giảm so với cùng kỳ như xăng dầu, phôi thép, phân urê và ô tô nguyên chiếc.
Vận chuyển hành khách 11 tháng năm 2006 ước tính đạt 1270 triệu lượt khách và 53,7 tỷ lượt khách.km, tăng 9,2% về lượt khách và tăng 10,1% về lượt khách.km so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các đơn vị trung ương đạt 18,2 triệu lượt khách và 15,6 tỷ lượt hành khách.km, tăng 1% về lượt khách và 11,7% về lượt khách.km (chủ yếu do đảm nhận vận chuyển trên những tuyến đường dài); các đơn vị do địa phương quản lý đạt 1251,8 triệu lượt khách và 38,1 tỷ lượt khách.km, tăng 9,3% và tăng 9,5%. Mặc dù, giá xăng dầu liên tục biến động trong những tháng qua đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải, nhưng vận chuyển hành khách ở hầu hết các địa phương vẫn đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân với chất lượng ngày càng cao. Phương thức vận chuyển bằng xe buýt và taxi đang phát triển không ngừng ở các thành phố lớn đã góp phần tăng trưởng ổn định của vận chuyển hành khách bằng đường bộ với mức tăng 10,2% về số khách và tăng 10,1% vế số khách.km; tương tự, vận chuyển hành khách bằng đường sông tăng 4,3% và tăng 4,3%; đường hàng không tăng 15,6% và tăng 18,1%; đường biển tăng 11,1% và tăng 9,2%; riêng đường sắt giảm 10% và giảm 4,4%.
Vận chuyển hàng hoá: Trong tháng 11 thời tiết ở các tỉnh phía Bắc nhìn chung khô và ít mưa thuận lợi cho hoạt động vận tải; riêng một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của mưa bão, đường ngập lụt gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng tới việc vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, mạng lưới giao thông tỉnh lộ được đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa, nâng cấp nên hoạt động vận chuyển hàng hoá vẫn được đảm bảo. Vận chuyển hàng hoá 11 tháng năm 2006 ước tính đạt 319 triệu tấn và 80,6 tỷ tấn.km, tăng 7,6% về số tấn và tăng 9,1% về số tấn.km so với cùng kỳ năm 2005, trong đó tăng cả về khối lượng vận chuyển (tấn) và khối lượng luân chuyển (tấn.km) ở tất cả các ngành đường: Đường bộ tăng 8,1% và tăng 8,7%; đường biển tăng 8,2% và tăng 9%; đường sông tăng 6,2% và tăng 6%; đường sắt tăng 5,8% và tăng 18,2%; đường hàng không tăng 15,7% và tăng 18,4%.
Khách quốc tế đến Việt Nam: Tính đến 15/11/2006 lượng khách Quốc tế đến Việt Nam đạt 3,26 triệu lượt khách, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến với mục đích du lịch, nghỉ ngơi đạt 1,87 triệu lượt người chiếm tỷ trọng cao nhất (57,4%) chỉ tăng 0,4%; đến vì công việc 521 nghìn lượt người, tăng 16,1%; thăm thân nhân 515,5 nghìn lượt người, tăng 11%; khách đến vì các mục đích khác 351,3 nghìn lượt người, giảm 12,6%.
Đáng chú ý là khách đến từ Trung Quốc giảm mạnh, giảm 27,8% so với cùng kỳ, nguyên nhân do hiện nay công dân Trung Quốc không được sử dụng giấy phép xuất nhập cảnh để đi du lịch sang các nước có chung đường biên giới, trong khi đó các doanh nghiệp lữ hành nước ta chưa thu hút được khách bằng đường biển và khách hộ chiếu Trung Quốc. Một số nước và vùng lãnh thổ có nhiều khách đến nước ta nhưng biến động theo chiều hướng khác nhau, lần lượt theo số khách vào với thứ tự giảm dần: Hàn Quốc 378,3 nghìn lượt người, tăng 29,3%; Hoa Kỳ 351,3 nghìn lượt người, tăng 15,7%; Nhật Bản 347,8 nghìn lượt người, tăng 14,3%; Đài Loan 250,4 nghìn lượt người, giảm 2,7%; Ôx-trây-lia 152,3 nghìn lượt người, tăng 13,9%; Campuchia 146,5 nghìn lượt người, giảm 15,6%; Thái Lan 108,4 nghìn lượt người, tăng 38,4%.
Bưu chính, Viễn thông: Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng 11/2006 ước tính đạt 1,8 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao điện thoại mới trong 11 tháng năm 2006 lên 9,9 triệu thuê bao, trong đó Tập đoàn Bưu chính Viễn thông 3,7 triệu thuê bao. Tính đến hết tháng 11/2006 trên cả nước đã có 25,7 triệu thuê bao điện thoại, trong đó thị phần của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông chiếm 65,3% với 16,8 triệu thuê bao (7,5 triệu thuê bao cố định, cityphone và 9,3 triệu thuê bao di động).
Số thuê bao internet mới trong tháng 11 ước tính đạt 75 nghìn thuê bao, nâng số thuê bao internet 11 tháng năm nay lên gần 1,1 triệu thuê bao. Đến cuối tháng 11 năm nay, trên phạm vi cả nước có gần 4 triệu thuê bao internet, tăng 49,1% so với cùng thời điểm năm 2005, trong đó 1,66 triệu thuê bao thuộc về Tập đoàn Bưu chính Viễn thông.
Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông 11 tháng 2006 ước tính đạt 33,6 nghìn tỷ đồng (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông 31,3 nghìn tỷ đồng, trong đó viễn thông 28,6 nghìn tỷ đồng; bưu chính 1,3 nghìn tỷ đồng; dịch vụ bưu chính, viễn thông khác 0,5 nghìn tỷ đồng).