Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2006
Cỡ chữ
Độ tương phản
 

TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI THÁNG 4 VÀ 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2006

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Nông nghiệp: Tính đến ngày 15/4, các địa phương phía Bắc đã gieo cấy được 1138,9 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,4% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng 557,1 nghìn ha, bằng 98,6%. Các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1624,4 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 88,5% diện tích gieo cấy và bằng 100,4%, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản thu hoạch xong. 

Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 657,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 86,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long 637,5 nghìn ha, bằng 86,8%. Cũng đến trung tuần tháng 4, cả nước đã gieo trồng được 472,5 nghìn ha ngô, bằng 101,3% cùng kỳ năm 2005; 112,8 nghìn ha khoai lang, bằng 95%; 129,7 nghìn ha sắn, bằng 125,7%; 187,5 nghìn ha lạc, bằng 108,1%...

Lâm nghiệp: Thời tiết đang vào thời điểm khô hạn, nên các địa phương cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng chống cháy rừng. Trong tháng xảy ra 32 vụ cháy làm thiệt hại 22 ha, chủ yếu ở các tỉnh: Kon Tum, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Tây Ninh.

Thuỷ sản: Tính chung 4 tháng đầu năm nay, sản lượng thuỷ sản đạt 1126,3 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 390,4 nghìn tấn, tăng 12%; khai thác đạt 735,9 nghìn tấn, tăng 3.1 %.

2. Sản xuất công nghiệp

Do tháng 4 tăng khá hơn nên tính chung 4 tháng đầu năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước và như vậy đã tăng lên gần 1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của công nghiệp quí I. Trong các loại hình kinh tế, khu vực kinh tế Nhà nước 4 tháng tăng 8,3% (trung ương quản lý tăng 11,8%; địa phương quản lý giảm 0,2 %); kinh tế ngoài Nhà nước tăng 20,2% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18% (dầu mỏ khí đốt giảm 2,5%; các ngành khác của khu vực này tăng 23,5%).

3. Đầu tư

4 tháng đầu năm, vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách Nhà nước ước tính thực hiện 16,54 nghìn tỷ đồng, đạt 29,5% kế hoạch cả năm. Vốn đầu tư do trung ương quản lý ước tính đạt 5,24 nghìn tỷ đồng, bằng 30,1% kế hoạch năm. Vốn đầu tư do địa phương quản lý 11,3 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2% kế hoạch năm. 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài

từ đầu năm đến 20/4/2006 có 199 dự án được cấp giấy phép với số vốn đăng ký 1,91 tỷ USD, tăng 12,4% về số dự án và tăng 31,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2005. Ngoài ra, trong 4 tháng qua còn có 117 lượt dự án được tăng vốn với số vốn tăng thêm 359 triệu USD, nâng tổng số vốn được cấp mới và tăng thêm lên 2,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2005. Từ đầu năm đến nay đã có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp phép đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hồng Công (Trung Quốc) là đối tác dẫn đầu về vốn đăng ký với 613 triệu USD, chiếm 32% tổng số vốn; Hàn Quốc 417 triệu USD, chiếm 21,8%; Nhật Bản 310 triệu USD, chiếm 16,2%.

4. Thương mại, giá cả và dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế 4 tháng đầu năm 2006 ước tính đạt 175,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng trên 11%). Trong tổng mức, kinh tế Nhà nước đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế tập thể 1,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4%; kinh tế tư nhân 37 nghìn tỷ đồng, tăng 24,6% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21,8%.

Giá tiêu dùng tháng 4/2006 so với tháng trước tăng 0,2%, trong đó giá của hầu hết các nhóm đều tăng từ 0,1% đến 0,4%: nhóm lương thực, thực phẩm tăng 0,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình có mức tăng cao nhất 0,4%. Giá lương thực tháng 4/2006 tăng 0,3% và tăng ở hầu hết các vùng trong cả nước với mức giao động từ 0,1% đến 0,8%; giá thực phẩm tăng 0,2%, chủ yếu do giá thực phẩm ở các thành phố lớn tăng. Nhóm hàng có mức giá giảm so với tháng trước là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,3%; văn hoá, thể thao, giải trí giảm 0,2%.

So với tháng 12 năm 2005 giá tiêu dùng tháng 4/2006 tăng 3%, trong đó giá của tất cả các nhóm hàng hoá và dịch vụ đều tăng, riêng giá lương thực thực phẩm tăng 4,2%. Giá tiêu dùng so với tháng 4 năm trước tăng 7,3%.

Giá vàng tăng mạnh, giá vàng tháng 4/2006 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 16,9% so với tháng 12 năm trước, do giá vàng thế giới liên tục tăng cao do  tăng nhu cầu mua vàng trang sức và tăng dự trữ quốc gia của nhiều nước; đồng thời có một phần bị tác động do tâm lý tiêu dùng mua vàng tích trữ của dân cư trên thị trường trong nước. Giá đô la Mỹ tăng nhẹ so với tháng trước cũng như so với tháng 12 năm trước, cả hai chỉ số đều tăng ở mức (+0,1%).

Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2006 tăng khá, ước tính đạt 12,11 tỷ USD, bằng 32,1% so kế hoạch năm và tăng 25,1% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô 9,48 tỷ USD, tăng 28,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,19 tỷ USD, tăng 22,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,29 tỷ USD, tăng 35,9%.

Kim ngạch xuất khẩu của 20 mặt hàng, nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu dầu thô đứng đầu về kim ngạch, ước đạt 2,63 tỷ USD, tăng 15,6% so cùng kỳ năm trước; Xuất khẩu than đá vẫn ở mức cao, lượng xuất khẩu 4 tháng đã đạt 62,1% kế hoạch cả năm và tăng 70,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với kim ngạch 280 triệu USD, tăng 47,8% so cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng khá cao. Xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm nay đạt 1,74 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ; Xuất khẩu giày dép tháng 4 bắt đầu có sự giảm sút do xuất khẩu sang thị trường EU đã bị áp dụng thuế từ ngày 7/4/2006 nên tính chung 4 tháng kim ngạch đạt 1,07 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ, thấp hơn tốc độ tăng của quý I. Hàng điện tử tăng khá, đạt 540 triệu USD, tăng 18,1%. Hàng thuỷ sản đứng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu đạt, 845 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 27,3% kế hoạch năm 2006. Xuất khẩu hàng nông sản diễn biến theo các chiều hướng khác nhau: xuất khẩu gạo giảm cả về lượng và kim ngạch, lượng giảm 7,5% và kim ngạch giảm 9%; cao su có sức tăng cao nhất trong các mặt hàng nông sản chủ yếu, kim ngạch tăng 116% và lượng xuất khẩu tăng 52,3%; hạt điều giảm 5,9% về kim ngạch, trong khi lượng tăng 18,9%; xuất khẩu lạc chỉ bằng 28,1% lượng xuất cùng kỳ và kim ngạch bằng 31,7%.

Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng/2006 ước tính đạt 12,33 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 29% kế hoạch năm 2006, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 7,55 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng kim ngạch, tăng 0,3%, tương đối thấp so với mức tăng kim ngạch chung và thấp xa so với mức tăng 19,3% của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nhập khẩu của khu vực trong nước tăng chậm là vấn đề cần quan tâm, vì sản xuất trong nước thường phải nhập khẩu nhiều vật tư, nguyên liệu, máy móc thiết bị. Trong khi tăng nhập khẩu ở mức thấp, trong đó đã hàm chứa yếu tố tăng giá thì lượng nhập một số vật tư nguyên liệu không đạt mức của cùng kỳ năm trước, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất những tháng tiếp theo. 

Khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm 2006 ước tính đạt 1286,8 nghìn lượt khách, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích công việc tăng 34,3%; du lịch nghỉ ngơi tăng 16,5%; thăm thân nhân tăng 14,6%; riêng khách đến với mục đích khác giảm 5,6%. Số khách đến từ các nước có trên 100 nghìn lượt khách đến nước ta trong 4 tháng qua vẫn tiếp tục tăng mạnh: Khách đến từ Hàn Quốc đạt 154,9 nghìn lượt người, tăng 53,3%; từ Nhật 118,6 nghìn lượt người, tăng 34%; từ Mỹ 136,9 nghìn lượt người, tăng 26,5%.

Bưu chính, viễn thông: Số thuê bao điện thoại mới trong tháng 4/2006 ước tính đạt 600 nghìn thuê bao, nâng tổng số thuê bao trong 4 tháng đầu năm nay lên 2,3 triệu thuê bao và số thuê bao trên cả nước tính đến cuối tháng 4/2006 khoảng 17,7 triệu thuê bao trong đó Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông 14,8 triệu thuê bao, chiếm 83,8% tổng số thuê bao của toàn ngành. Thị trường Internet liên tục phát triển cả về số thuê bao và loại hình dịch vụ mới. Số thuê bao Internet của toàn mạng ước tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2006 có thêm hơn 659 nghìn thuê bao, nâng tổng số thuê bao Internet của toàn mạng lên 3,6 triệu thuê bao.

Tổng doanh thu bưu chính viễn thông 4 tháng đầu năm 2006 ước tính đạt 10,9 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu viễn thông 9,9 nghìn tỷ đồng ; doanh thu bưu chính 440 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông khác và thu khác 493 tỷ đồng.

5. Một số vấn đề xã hội

Thiếu đói trong nông dân: Trong tháng có 127,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 561,3 nghìn nhân khẩu, chiếm 1% tổng số hộ và số nhân khẩu nông nghiệp của cả nước. Mặc dù số hộ thiếu đói trong tháng tăng 6,1% so với tháng trước và số nhân khẩu thiếu đói tăng 7,1%, nhưng so với thời điểm cuối tháng 4/2005, số hộ thiếu đói đã giảm 27,7% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 31,8%. Để hỗ trợ các hộ thiếu đói khắc phục khó khăn, từ đầu năm đến nay các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân đã trợ giúp 4,2 nghìn tấn lương thực và khoảng 4 tỷ đồng.

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng 4/2006 có 3,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 1,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và 3,5 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan vi rút. Như vậy, từ đầu năm đến nay đã có 15,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét và 8,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 6 người đã tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số người mắc bệnh sốt rét giảm 11,9%; trong khi số người mắc bệnh sốt xuất huyết lại tăng 46,5%. Số mắc bệnh viêm gan vi rút là 1,9 nghìn trường hợp.

Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng 4/2006, tại Yên Bái, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Phú Yên, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tây, Hà Giang, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Nông, Đắk Lắk đã xảy ra 15 vụ ngộ độc thực phẩm với 697 trường hợp bị ngộ độc, nâng tổng số trường hợp bị ngộ độc thực phẩm tính từ đầu năm đến nay lên 1,9 nghìn trường hợp, trong đó 22 người tử vong.

Tai nạn giao thông: Tính chung 3 tháng đầu năm 2006, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 3,9 nghìn vụ tai nạn, làm chết 3,3 nghìn người và bị thương 3,1 nghìn người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 3,2% và số người bị thương giảm 14,3%; riêng số người chết tăng 10,2%. Bình quân một ngày trong 3 tháng đầu năm nay xảy ra  43 vụ tai nạn giao thông, làm chết 37 người và làm bị thương 34 người.

(Nguồn TCTK)

 

Tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội

Xem thêm
EMC Đã kết nối EMC