TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI THÁNG 01 NĂM 2006
1. Sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp: Tính đến ngày 15/1, cả nước đã gieo cấy được 2471,5 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,9% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 689,6 nghìn ha, bằng 98,3%; các địa phương phía Nam gieo sạ 1781,9 nghìn ha, bằng 100,5%, riêng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1484,8 nghìn ha, bằng 100,9%.
Cùng thời gian này, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 275,2 nghìn ha lúa mùa, đạt trên 60% diện tích xuống giống và bằng 71,6% cùng kỳ năm trước, năng suất trên diện tích thu hoạch tăng từ 0,5 đến 1,0 tạ/ha. Các địa phương phía Bắc đã thu hoạch trên 60% diện tích gieo trồng cây vụ đông, trong đó ngô 75%, đậu tương 90%, khoai tây 80%.
Tiến độ gieo trồng cây vụ xuân nhìn chung nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước. Cả nước gieo trồng được 278,2 nghìn ha ngô, bằng 104,4%; 88 nghìn ha khoai lang, bằng 96,1%; 115,7 nghìn ha lạc, bằng 98,6%; 97,7 nghìn ha đỗ tương, bằng 184,7% và 258,3 nghìn ha rau, đậu các loại, bằng 101,3%.
Thuỷ sản: Sản lượng thuỷ sản tháng 1 ước tính đạt 292,1 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó cá tăng 7,7%; tôm tăng 9,7%; thuỷ sản khác tăng 1,4%.
2. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 năm nay giảm so với tháng 12 năm trước và tăng thấp so với cùng kỳ, chủ yếu do yếu tố mùa vụ.
Về sản phẩm, nhìn chung những mặt hàng phục vụ Tết và hàng hoá tiêu dùng của dân cư tăng mạnh so với tháng Một năm trước như: thuỷ sản chế biến tăng 26,3%, sữa hộp tăng 17,2%; bia tăng 20,6%; quần áo dệt kim tăng 21,1%, quần áo may sẵn tăng 17,3%. Sản phẩm phục vụ cho sản xuất tăng ở mức độ cao như than sạch khai thác tăng 15,2%; ; thuốc trừ sâu tăng 29,9%; sứ vệ sinh tăng 40,2%; máy công cụ tăng 56,9%. Bên cạnh đó các sản phẩm như xi măng, giấy, điện và các sản phẩm lắp ráp chỉ tăng ở mức độ vừa phải hoặc tăng thấp.
3. Đầu tư
Thực hiện kế hoạch vốn đầu tư XDCB phần vốn ngân sách Nhà nước tháng 1/2006 ước tính đạt 3627,6 tỷ đồng, bằng 6,5% kế hoạch cả năm; trong đó các đơn vị trung ương 1150,8 tỷ đồng, bằng 6,6%; các đơn vị địa phương 2476,8 tỷ đồng, bằng 6,4%.
Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ 01/01/2006 đến 20/01/2006 đã có 58 dự án mới được cấp phép, với vốn đăng ký 419 triệu USD; có 11 lượt dự án được tăng vốn, với vốn tăng thêm 25 triệu USD; thực hiện vốn đầu tư là 242 triệu USD.
4. Thương mại, giá cả, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá tiêu dùng và doanh thu dịch vụ tháng 1/2006 ước tính đạt 46316 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng 12 năm trước và tăng 24,8% so với tháng 1/2005, trong đó kinh tế Nhà nước chiếm 12,3% tổng mức và tăng 10,6%; kinh tế cá thể chiếm 61,6% và tăng 27,3%, kinh tế tư nhân chiếm 22,6% và tăng 26,9%.
Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã chỉ đạo và điều hành thị trường hàng hoá và dịch vụ phục vụ Tết khá sớm và đồng bộ, nhằm ổn định giá. Giá tiêu dùng tháng 01 năm 2006 tăng 1,2% so với tháng 12 năm 2005, tương đương với mức tăng giá tiêu dùng 1,1% trong tháng 1/2005. Giá tháng 1 năm nay của tất cả các nhóm hàng đều tăng, nhưng với mức độ khác nhau, tăng mạnh hơn ở các nhóm hàng hoá tiêu dùng trong dịp Tết: giá nhóm lương thực, thực phẩm tăng 1,7% (lương thực tăng 2,1%, thực phẩm tăng 1,4%); giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,2%; các nhóm hàng khác đều tăng nhưng ở mức dưới 1% như may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,9%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,8%; dược phẩm, y tế tăng 0,5%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,8%...
Giá vàng tiếp tục tăng 4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với tháng 1/2005; nhưng đã thấp hơn mức tăng kỷ lục 7,5% của tháng 12/2005; trong khi đó giá đô la Mỹ giữ ở mức giá tháng trước và chỉ tăng 0,9% so với tháng 01/2005.
Trị giá xuất khẩu hàng hoá: tháng 1/2006 ước tính đạt 2,8 tỷ USD, tăng 16% so với tháng 1/2005, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 1200 triệu USD, tăng 15,7%, đóng góp 6,7 điểm phần trăm vào tăng xuất khẩu; xuất khẩu dầu thô 640 triệu USD, tăng 13,7%, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô 960 triệu USD, tăng 18%, đóng góp 6,1 điểm phần trăm.
Ngoài dầu thô, trong tháng 1 năm nay các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đạt kim ngạch 100 triệu USD trở lên và tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng với mức độ tăng khác nhau: dệt may 370 triệu USD, tăng 3,4%; giày dép 300 triệu USD, tăng 7,4%; thuỷ sản 220 triệu USD, tăng 16,4%; điện tử máy tính 130 triệu USD, tăng 16,8%; sản phẩm gỗ 120 triệu USD, tăng 22%; cà phê 110 triệu USD, tăng 37,6%...
Nhập khẩu tháng 1/2006 ước tính đạt 3,15 tỷ USD, tăng 10,8% so với tháng 1/2005 và bằng 7,4% kế hoạch năm 2006, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 2020 triệu USD, tăng 6,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1130 triệu USD, tăng 18,7%. Như vậy, ngay từ tháng Một năm nay, tốc độ nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã gia tăng đáng kể so với mức tăng của khu vực kinh tế trong nước, cao hơn gần 12 điểm phần trăm. Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng, cả máy móc, thiết bị và nguyên, nhiên, vật liệu đều đều tăng so với tháng 1/2005.
Vận chuyển hàng hoá tháng 1/2006 ước tính đạt 27,6 triệu tấn và 7488,8 triệu tấn.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,8% vế tấn và tăng 7,2% về tấn.km.
Vận chuyển hành khách tháng 1/2006 ước tính đạt 110,2 triệu lượt hành khách và 4585,3 triệu lượt hành khách.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,8% về số lượt khách và tăng 9,8% về lượt khách.km.
Tuy nhiên, do nhu cầu hành khách đi lại tăng quá cao (nhất là chiều từ thành phố Hồ Chí Minh ra Bắc) nên trong những ngày nhà ga bắt đầu bán vé tàu tết, lượng hành khách chờ đợi tại Ga Sài Gòn vẫn rất đông (mỗi ngày có tới hơn 1000 lượt người) và vì thế nạn phe vé chợ đen cũng vẫn còn, gây bức xúc cho hành khách đi tàu cũng như cho công luận xã hội.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2006 ước tính đạt 349 nghìn lượt người, tăng 15,9% so với tháng 1/2005, trong đó khách đến du lịch, nghỉ ngơi chiếm gần 60%, tăng 12,5%; khách đến vì công việc tuy chỉ chiếm 14,3% tổng số khách nhưng đã đạt mức tăng kỷ lục 60,7%; khách vào thăm người thân và bạn bè tăng 13,8%; riêng khách đến ngoài các mục đích trên giảm 2,9%.