Tình hình kinh tẾ - xã hỘi tháng 02 năm 2007
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp: Tính đến 15/02/2007, cả nước đã gieo cấy 2722,2 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 102,4% cùng kỳ năm trước; trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 936,5 nghìn ha, bằng 110,9%, các địa phương phía Nam gieo sạ 1785,7 nghìn ha, bằng 98,4%.
Tiến độ gieo trồng một số cây màu vụ xuân chậm hơn so với cùng kỳ do thiếu nước: diện tích gieo trồng ngô đạt 256,1 nghìn ha, bằng 93%; khoai lang 93,8 nghìn ha, bằng 96,6%; sắn 38,4 nghìn ha, bằng 91,9%; lạc 110 nghìn ha, bằng 87,9%; riêng đỗ tương 70,6 nghìn ha, bằng 109,1%; rau, đậu các loại 288,4 nghìn ha, bằng 106,4%.
Lâm nghiệp: Tính chung 2 tháng đầu năm 2007, diện tích rừng trồng tập trung đạt 24,6 nghìn ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ; trồng cây phân tán 40,5 triệu cây, tăng 0,3%; sản lượng gỗ khai thác 371,6 nghìn m3, tăng 0,7%; diện tích rừng bị thiệt hại là 240 ha, trong đó bị cháy là 230 ha.
Thuỷ sản: Tính chung 2 tháng đầu năm tổng sản lượng thủy sản đạt 575,2 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ; trong đó nuôi trồng 196,1 nghìn tấn, tăng 7,9%, khai thác 379,1 nghìn tấn, giảm 2,1%.
2. Sản xuất công nghiệp
Tính chung hai tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh ước tính tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,8%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 19,8% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,0%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng đầu năm 2007 có tốc độ tăng cao so với mức tăng chung của toàn ngành như: Than sạch khai thác tăng 24,9%; thủy sản chế biến tăng 18,4%; giấy bìa tăng 26,3%; thuốc trừ sâu tăng 27,6%; thuốc ống các loại tăng 22,2%; xi măng tăng 23,6%; gạch lát tăng 36,8%; sứ vệ sinh tăng 27,9%; động cơ Diezen tăng 35%; ôtô lắp ráp tăng 36,8%; xe máy lắp ráp tăng 25,8%... Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: dầu thô khai thác giảm 1,9%; ga hóa lỏng giảm 7,9%; quần áo dệt kim giảm 10,7%; phân hóa học giảm 9,2%; thuốc viên giảm 8,5%; máy công cụ giảm 13,1%; động cơ điện giảm 23%; xe đạp các loại giảm 59,3%;...
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn một số tỉnh, thành phố lớn có tốc độ tăng cao trong hai tháng đầu năm như: Hải Phòng tăng 18,1%; Vĩnh Phúc tăng 58,2%; Hà Tây tăng 20,3%; Hải Dương tăng 37,7%; Bình Dương tăng 23,2%; Đồng Nai tăng 27,4%; Cần Thơ tăng 18,8%;... Riêng thành phố Hà Nội tăng 16,3%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 16,4% (thấp hơn mức tăng chung của công nghiệp cả nước) và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ tăng 2,1%.
3. Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản 2 tháng đầu năm 2007 có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước tính thực hiện khoảng 11,9 nghìn tỷ đồng, bằng 12,4% kế hoạch cả năm; vốn đầu tư do trung ương quản lý thực hiện 4,6 nghìn tỷ đồng, bằng 13% kế hoạch năm; vốn do địa phương quản lý 2 tháng đầu năm đạt 7,26 nghìn tỷ đồng, bằng 12,1% kế hoạch năm.
Tình hình đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ đầu năm đến 22/02/2007, cả nước có 43 dự án được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 621,8 triệu USD, bình quân vốn đăng ký 1 dự án đạt 14,5 triệu USD. Ngoài ra, 2 tháng đầu năm nay còn có 9 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm 120,4 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả vốn của dự án cấp mới và vốn bổ sung) 2 tháng đầu năm 2007 lên 742,2 triệu USD.
Trong 2 tháng đầu năm, có 25 dự án được cấp giấy phép đầu tư vào khu vực công nghiệp, xây dựng với số vốn đăng ký 306,8 triệu USD, chiếm 58,1% số dự án và 49,3% tổng vốn đăng ký. Khu vực dịch vụ có 14 dự án và gần 281,6 triệu USD, chiếm 32,6% số dự án và 45,3% tổng vốn đăng ký; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 4 dự án và 33,4 triệu USD, chiếm 9,3% số dự án và 5,4% tổng vốn đăng ký.
Trong 20 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép 2 tháng đầu năm nay, Hà Nội có 17 dự án với số vốn đăng ký 53 triệu USD; Bà Rịa - Vũng Tàu 2 dự án và 167,2 triệu USD; Hải Dương 2 dự án và 31,6 triệu USD…
4. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm 2007 theo giá thực tế ước tính đạt 112 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước chiếm 11,1% tổng mức, giảm 0,5%; kinh tế cá thể chiếm 56,4%, tăng 26,9%; kinh tế tư nhân chiếm 28,7%, tăng 30,5% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,8%, tăng 30,8%.
Giá tiêu dùng tháng 02/2007 tăng so với tháng trước và nhìn chung xu hướng tăng giá của 2 tháng đầu năm không có biến động bất thường so với xu hướng tăng giá của 2 tháng đầu các năm 2005 và 2006.
So với tháng 01/2007 tăng 2,2%, trong đó nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,5% (lương thực tăng 2,8% và thực phẩm tăng 3,8%); thứ đến là đồ uống và thuốc lá tăng 2,5%; văn hoá thể thao giải trí tăng 2,1%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,9%; may mặc, giày, dép, mũ, nón tăng 1,3% ; riêng phương tiện đi lại, bưu điện chỉ tăng 0,1%, trong đó phân nhóm bưu chính viễn thông giá ở mức gần như không thay đổi so với giá tháng trước. So với cuối năm 2006, giá tiêu dùng tháng 02/2007 tăng 3,2%, trong đó nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 5%; hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 4,6%; đồ uống, thuốc lá tăng 4,2%; may mặc giày dép mũ nón tăng 2,3%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 2,2%...
Giá vàng tháng 02/2007 tăng 2,1% so với tháng trước và chỉ tăng 0,9% so với cuối năm trước, do giá tháng 01 giảm; tuy nhiên so với tháng 02/2006, giá vàng tháng này vẫn tăng tới 17,1%. Giá đô la Mỹ tiếp tục giảm 0,2% so với tháng trước và giảm 0,3% so với tháng 12/2006, nhưng so với cùng kỳ năm trước giá đô la Mỹ vẫn tăng nhẹ (+0,6%).
Tổng mức lưu chuyển ngoại thương 2 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 14,59 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó xuất khẩu tăng 23,5% và nhập khẩu tăng 45,8%. Do tốc độ tăng nhập khẩu vượt trội so với xuất khẩu, nên nhập siêu 2 tháng đã lên 1,07 tỷ USD, bằng 15,9% tổng trị giá xuất khẩu (cùng kỳ năm trước xuất siêu bằng 1,9% trị giá xuất khẩu vì tốc độ tăng nhập khẩu đạt thấp).
Xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 6,76 tỷ USD. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng, khu vực kinh tế trong nước gần 3 tỷ USD, tăng 32,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt 2,7 tỷ USD, tăng 41,4%. Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ yếu (trừ dầu thô và gạo) 2 tháng đầu năm 2007 đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dầu thô đạt gần 1,1 tỷ USD, là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng xuất khẩu, nhưng giảm 17,6% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch hàng dệt may 1,02 tỷ USD; giày, dép 660 triệu USD, tăng 23,6%; hàng điện tử máy tính, tăng 21,7%; sản phẩm nhựa, tăng 56,2%; sản phẩm gỗ, tăng 42,1% ; hàng thuỷ sản 431 triệu USD, tăng 25,7%... Một số mặt hàng nông sản khác có kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao là rau quả tăng 28,7%; chè tăng 24,6%; hạt điều tăng 24,1%; hạt tiêu tăng 22,8%; riêng cao su tăng 4% và gạo giảm 39,9%.
Nhập khẩu 2 tháng đầu năm ước tính đạt 7,83 tỷ USD, tăng 45,8%, trong đó, khu vực kinh tế trong nước 5 tỷ USD, tăng 51% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 2,82 tỷ USD, tăng 37,5%.
Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất trong nước đều tăng, nhưng với các mức độ khác nhau: Nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 1,4 tỷ USD, tăng 80,5%; xăng dầu 879 triệu USD, tăng 12,8%. Sắt thép là mặt hàng có mức tăng khá cao cả về lượng và kim ngạch (lượng nhập khẩu 937 nghìn tấn, tăng 45,5%; kim ngạch 518 triệu USD, tăng 69,3%)…
Vận tải
Vận chuyển hành khách 2 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 239,1 triệu lượt hành khách và 10,1 tỷ lượt hành khách.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,2% về lượt khách và tăng 8,8% về lượt khách.km. Vận tải hành khách ở hầu hết các ngành đều tăng so với cùng kỳ, riêng vận tải hành khách bằng đường sắt khối lượng vận chuyển giảm 7,5% nhưng khối lượng luân chuyển tăng 4,1% do tăng vận chuyển trên các tuyến đường dài. Vận tải hành khách bằng đường bộ đạt 206,9 triệu lượt khách (chiếm 86,5%) và 6,5 tỷ lượt hành khách.km, tăng 9,4% về lượt khách và tăng 9,3% về lượt khách.km, các con số tương ứng của đường hàng không là 6,1% và 10,2%; đường biển là 5,8% và 5,7%; đường sông là 1,9% và 2,2%.
Vận chuyển hàng hoá 2 tháng đầu năm ước đạt 66,4 triệu tấn và 16,2 tỷ tấn.km, tăng 8,1% về tấn và 7,5% về tấn.km so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các đơn vị vận tải do trung ương quản lý vận chuyển 8,4 triệu tấn và 12,4 tỷ tấn.km, tăng 7,2% về tấn và 7,4% về tấn.km; các đơn vị vận tải do địa phương quản lý vận chuyển 58 triệu tấn và 3,8 tỷ tấn.km, tăng 8,2% về tấn và tăng 7,9% về tấn.km. Vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt theo tấn và tấn.km đều tăng cao hơn mức tăng chung, tăng 11,3% về tấn và tăng 19% về số tấn.km, các con số tương ứng của đường bộ là 8,9% và 9,1%; đường biển là 5,6% và 7%; đường sông là 6% và 6,1%; riêng đường hàng không giảm 3,5% về tấn và giảm 8,4% về tấn.km.
Khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng năm 2007 ước tính đạt 749 nghìn lượt người, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó chủ yếu là tăng do khách đến bằng đường hàng không, tăng 25,1%; khách đến bằng đường biển đạt mức xấp xỉ cùng kỳ, khách đến bằng đường bộ giảm 29,9%. Khách đến với mục đích du lịch nghỉ ngơi tăng 14,9%; đi công việc tăng 16,3%, thăm thân nhân tăng 8,7%; các mục đích khác giảm 10,4%.
Bưu chính, Viễn thông: Ước tính đến hết tháng Hai, cả nước có trên 30 triệu thuê bao điện thoại, đạt tỷ lệ bình quân 36 máy/100 dân; số thuê bao internet đạt 4,2 triệu thuê bao quy đổi.
Doanh thu bưu chính, viễn thông 2 tháng đầu năm ước tính đạt 8,2 nghìn tỷ đồng.
5. Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/02/2007 ước tính bằng 10,4% dự toán cả năm. Các khoản thu nội địa bằng 10,9%, trong đó thu từ kinh tế Nhà nước bằng 10,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 13,0%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 9,3%; thu từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bằng 10,2%; thu phí xăng dầu bằng 12,8%; thu phí, lệ phí bằng 16,1%. Thu từ dầu thô từ ước tính bằng 9,6% dự toán cả năm; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 10,2%; thu viện trợ bằng 10,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/02/2007 ước tính bằng 11,0% dự toán cả năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 9,9% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 10,2%); chi trả nợ và viện trợ bằng 13,8%; chi thường xuyên bằng 11,4% và chi cải cách tiền lương bằng 11,8%.
6. Một số vấn đề xã hội
Tình hình dịch bệnh
Tính chung 2 tháng đầu năm 2007, cả nước có 9,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 5,2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và gần 1,3 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút. Cũng trong tháng đã có 50 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, nâng tổng số trường hợp bị ngộ độc tính từ đầu năm đến ngày 17/02/2007 lên gần 600 trường hợp.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Trong tháng Hai đã phát hiện thêm 1,6 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước tính đến 20/02/2007 lên 119,3 nghìn người, trong đó 20,9 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và gần 12,5 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 01/2007 (từ 22/12/2006 đến 21/01/2007) trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1420 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1238 người và bị thương 1003 người. Tai nạn giao thông trong tháng đã giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại về người: So với tháng 12/2006, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,7%; số người chết giảm 2,4% và số người bị thương giảm 6,7%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 5,2%; số người chết giảm 2,2% và số người bị thương giảm 19,8%. Bình quân 1 ngày, trên địa bàn cả nước xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông, làm chết 40 người và làm bị thương 32 người.
Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2
và 2 tháng năm 2007- Tổng cục Thống kê
|