A. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp
a. Tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng ước tính tăng 8,16% so với 9 tháng năm 2006, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,15%; khu vực dịch vụ tăng 8,54%. Đối chiếu với 9 tháng các năm trước thì khu vực I tăng trưởng không cao do sản xuất lương thực giảm và chăn nuôi của nhiều địa phương bị dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp, nhưng khu vực II và khu vực III tăng tương đối cao nên năm nay là năm có tốc độ tăng GDP 9 tháng cao nhất trong 10 năm gần đây. Đáng chú ý là, trong 9 tháng vừa qua, tốc độ tăng GDP quý sau luôn cao hơn quý trước: Quý I tăng 7,73%; quý II tăng 7,98%; quý III tăng 8,69%. Nếu từ nay đến cuối năm, các cấp, các ngành và các địa phương nỗ lực vượt bậc, quý IV đạt tốc độ tăng 9-9,5% thì tổng sản phẩm trong nước cả năm 2007 sẽ tăng 8,4-8,5%, đạt mức cao trong mục tiêu kế hoạch đề ra đầu năm là tăng 8,2-8,5%.
Tổng sản phẩm trong nước 9 tháng năm 2007
b. Đầu tư
Khối lượng vốn đầu tư thực hiện 9 tháng theo giá thực tế ước tính đạt 334,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước 150,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,9% và tăng 6,9%; vốn khu vực ngoài Nhà nước 131,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,1% và tăng 27,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 53,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% và tăng 20%. Ước tính cả năm 2007, khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện có thể đạt 465 nghìn tỷ đồng, bằng 40,9% tổng sản phẩm trong nước và tăng 16,6% so với năm 2006.
Khối lượng vốn đầu tư thực hiện 9 tháng 2007
|
Nghìn tỷ đồng
|
Cơ cấu (%)
|
So với cùng kỳ năm trước (%)
|
Tổng số
|
334,8
|
100,0
|
116,3
|
Khu vực Nhà nước
|
150,2
|
44,9
|
106,9
|
Khu vực ngoài Nhà nước
|
131,1
|
39,1
|
127,7
|
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
|
53,5
|
16,0
|
120,0
|
Hoạt động đầu tư 9 tháng năm nay có đặc điểm nổi bật là nguồn vốn tương đối dồi dào: Vốn ngân sách Nhà nước tập trung cả năm bố trí 99,45 nghìn tỷ đồng; trái phiếu Chính phủ 21 nghìn tỷ đồng; vốn ODA ký kết trên 3,1 tỷ USD; từ đầu năm đến 22/9/2007 đã cấp phép 1045 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài với tổng vốn đăng ký 8,29 tỷ USD, nếu tính cả 1,32 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung của 274 dự án được cấp phép các năm trước thì tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong 9 tháng lên tới 9,61 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện và giải ngân chậm, nhất là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 9 tháng mới đạt 3023 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch năm; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đăng ký năm 2007 là 12656 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 12,2% kế hoạch nên đến nay xin rút chỉ tiêu đăng ký xuống còn 6291 tỷ đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 1382 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch năm; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện đến hết tháng 8 mới đạt 1240 tỷ đồng, bằng 41,2% kế hoạch và giải ngân được 700 tỷ đồng, bằng 23,3% kế hoạch năm.
Khối lượng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện tháng 9 và 9 tháng năm 2007
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài 01/01 - 22/9/2007
c. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Do kinh tế phát triển và công tác thu có tiến bộ nên tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước tính tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 72,4% dự toán cả năm, trong đó các khoản thu nội địa tăng 28,1% và bằng 74,3%; thu từ hoạt động xuất khẩu tăng 48% và bằng 78,9%; thu viện trợ tăng 27,7% và bằng 93,7%. Một số khoản thu lớn trong thu nội địa đạt khá so với dự toán năm là: Thu thuế công thương nghiệp ngoài Nhà nước đạt 80,1%; thu thuế thu nhập đạt 88,2%; lệ phí trước bạ đạt 94,9%; thu thuế nhà đất đạt 90,9%. Tuy nhiên, có những khoản thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán cả năm như: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước đạt 68,1%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 65,2%; thu phí xăng dầu đạt 67,8%. Đáng chú ý là thu từ dầu thô chiếm 25,4% tổng dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2007 nhưng 9 tháng chỉ đạt 62,6% kế hoạch đề ra và giảm 14,9% so với cùng kỳ năm trước do sản lượng dầu thô khai thác sụt giảm và không đạt kế hoạch đề ra.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 9 tháng ước tính tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2006 và bằng 69,9% dự toán cả năm, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 61,8%; chi thường xuyên bằng 75,4%; chi cải cách tiền lương bằng 66,1%; chi trả nợ và viện trợ bằng 77,7%. Hầu hết các khoản chi lớn trong chi thường xuyên đạt tỷ lệ khá so với dự toán cả năm, trong đó chi giáo dục, đào tạo, dạy nghề đạt 75,1%; chi y tế đạt 74,8%; chi lương hưu và bảo đảm xã hội đạt 75,7%; chi sự nghiệp kinh tế đạt 77,7%; chi quản lý hành chính đạt 75,3%.
Bội chi ngân sách Nhà nước 9 tháng bằng 14,1% tổng số chi 9 tháng và bằng 62,2% mức bội chi trong dự toán cả năm, trong đó 73,9% được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và 26,1% từ nguồn vay nước ngoài.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
a. Sản xuất nông nghiệp
Trọng tâm sản xuất nông nghiệp tháng này là thu hoạch lúa hè thu ở miền Nam và gieo trồng cây vụ đông ở miền Bắc. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến trung tuần tháng 9, cả nước đã thu hoạch được 1595,1 nghìn ha lúa hè thu, bằng 77,6% tổng diện tích gieo cấy. Năng suất lúa hè thu bình quân ước tính đạt 45,3 tạ/ha, tăng 3,4 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước, trong đó Long An 38,1 tạ/ha, tăng 8,9 tạ/ha; Trà Vinh 46,9 tạ/ha, tăng 5,6 tạ/ha; Sóc Trăng 49,8 tạ/ha, tăng 5,8 tạ/ha. Do năng suất thu hoạch tương đối cao nên mặc dù diện tích gieo cấy chỉ đạt 2199,1 nghìn ha, giảm 118,3 nghìn ha nhưng sản lượng lúa hè thu năm nay vẫn đạt 9956 nghìn tấn, tăng 262,1 nghìn tấn so với vụ hè thu năm 2006.
Miền Bắc đã cơ bản kết thúc gieo cấy lúa mùa với diện tích đạt 1199,5 nghìn ha, giảm 5,7 nghìn ha so với vụ mùa trước. Do chưa bị ảnh hưởng lớn của mưa bão và sâu bệnh nên lúa mùa của các địa phương miền Bắc phát triển tốt, có thể đạt năng suất cao hơn vụ mùa năm 2006. Các tỉnh phía Nam cũng đã gieo cấy được 435,1 nghìn ha lúa mùa, bằng 88,3% cùng kỳ năm trước và dự kiến kết thúc gieo cấy có thể đạt 796,6 nghìn ha, bằng 92,2% vụ mùa trước.
Tính chung diện tích gieo cấy lúa cả năm đạt 7183,8 nghìn ha, giảm 141 nghìn ha so với năm 2006, trong đó lúa đông xuân 2988,6 nghìn ha, giảm 6,9 nghìn ha; lúa hè thu 2199,1 nghìn ha, giảm 118,3 nghìn ha; lúa mùa 1996,1 nghìn ha, giảm 15,8 nghìn ha. Diện tích gieo cấy lúa cả 3 vụ giảm (141 nghìn ha) chủ yếu là do các địa phương chuyển một phần diện tích năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản và gieo trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp. Mặc dù diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất thu hoạch bình quân cả 3 vụ ước tính đạt 49,5 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so với năm trước nên sản lượng lúa cả năm ước tính đạt 35,6 triệu tấn, giảm 26 vạn tấn so với năm 2006 (Sản lượng lúa đông xuân giảm 56,8 vạn tấn, lúa hè thu tăng 26,2 vạn tấn và lúa mùa tăng 4,6 vạn tấn).
Chăn nuôi gia súc, gia cầm nhìn chung vẫn phát triển nhưng tốc độ tăng không cao và không đồng đều giữa các địa phương. Theo kết quả điều tra chăn nuôi 1/8/2007 thì đàn trâu cả nước có 3 triệu con, tăng gần 2,6% so với 1/8/2006; đàn bò 6,7 triệu con, tăng 3,3%; đàn lợn 26,6 triệu con, giảm 1,1%; đàn gia cầm 226 triệu con, tăng 5,3% (gà 158 triệu con, tăng 3,9%; thuỷ cầm 68 triệu con, tăng 8,7%).
Ngoài chịu tác động dịch tai xanh, chăn nuôi lợn năm nay còn gặp khó khăn về giá con giống và giá thức ăn tăng cao nên một số địa phương đã giảm 10-20% số đầu lợn như: Hải Phòng giảm 12,2%; Bắc Ninh giảm 12,8%; Hải Dương giảm 29,6%; Đà Nẵng giảm 17,6%; Đồng Nai giảm 10,5%; Bình Thuận giảm 16,7%; Long An giảm 22,2%; Cần Thơ giảm 14,6%; Hậu Giang giảm 17,2%; Sóc Trăng giảm 14,9%.
b. Lâm nghiệp
Trong 9 tháng vừa qua, cả nước đã trồng được 148,2 nghìn ha rừng tập trung, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước và 166,4 triệu cây lâm nghiệp phân tán, giảm 1,3%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh đạt 731,4 nghìn ha, tăng 1,1%; diện tích rừng được chăm sóc 377,8 nghìn ha, giảm 2,8%; khai thác 2333,4 nghìn m3 gỗ, tăng 1,3%. Nhờ đẩy mạnh trồng rừng nên ước tính cả năm 2007 diện tích rừng hiện có đạt gần 12,85 triệu ha, tăng 311 nghìn ha so với năm 2006, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 37,9% năm 2006 lên 38,8% năm 2007, xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 39%.
Công tác bảo vệ rừng tuy đã được tăng cường nhưng tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng vẫn tiếp diễn. Trong 9 tháng, tổng diện tích rừng bị thiệt hại lên tới trên 5460 ha, tăng 18,2% so với 9 tháng năm 2006, trong đó diện tích rừng bị cháy 4250 ha. Một số địa phương có số vụ và diện tích rừng bị cháy nhiều là: Sơn La 103 vụ với diện tích bị cháy 1188 ha; Yên Bái 23 vụ với 765 ha; Lai Châu 60 vụ với 360 ha; Điện Biên 87 vụ với 152 ha; Kon Tum 23 vụ với 250 ha. Những địa phương có số vụ và diện tích rừng bị chặt phá nhiều là: Bình Phước 466 vụ với 380 ha; Đắk Nông 247 vụ với 191 ha; Lâm Đồng 493 vụ với 162 ha.
c. Thủy sản
Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng 9 tháng ước tính đạt 2996 nghìn tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 2215 nghìn tấn, tăng 10,7%; tôm 357 nghìn tấn, tăng 7,8%; thuỷ sản khác 424 nghìn tấn, tăng 4,5%. Sản lượng thuỷ sản 9 tháng đạt tương đối cao, trước hết là do khai thác nói chung và khai thác hải sản nói riêng tiến hành trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, mưa bão ít; ngư trường xuất hiện nhiều cá cơm, cá ngừ và giá bán sản phẩm cao. Ước tính sản lượng khai thác 9 tháng đạt 1573 nghìn tấn, chiếm 52,5% tổng sản lượng thuỷ sản 9 tháng và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 1190 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm 81 nghìn tấn, tăng 3,5%; thuỷ sản khác 302 nghìn tấn, tăng 4,2%.
Giá bán sản phẩm, nhất là giá cá tra, cá ba sa tăng tương đối cao nên nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Riêng diện tích nuôi cá tra và cá ba sa của An Giang hiện nay đạt 1286 ha, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước; Cần Thơ 1179 ha, tăng 42,9%; Vĩnh Long 257 ha, tăng 60,5%. Cùng với mở rộng diện tích nuôi, một số địa phương còn tăng cường đầu tư nuôi thâm canh nên năng suất tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Năng suất nuôi cá hầm tại An Giang bình quân đạt 200 tấn/ha, tăng 23%; nuôi cá tra, cá ba sa công nghiệp tại Bến Tre đạt 335 tấn/ha, tăng 12,2%. Do tăng cả diện tích và năng suất nên ước tính 9 tháng, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 1423 nghìn tấn, chiếm 47,5% tổng sản lượng thuỷ sản 9 tháng và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 1025 nghìn tấn, tăng 23,6%; tôm 276 nghìn tấn, tăng 9,2%; thuỷ sản khác 122 nghìn tấn, tăng 5,0%.
Ước tính chung giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng theo giá so sánh 1994 đạt 136822 tỷ đồng, tăng gần 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp 98448 tỷ đồng, tăng 2,6%; lâm nghiệp 4845 tỷ đồng, tăng 1,1%; thuỷ sản 33529 tỷ đồng, tăng 9,6%. Nếu từ nay đến cuối năm thời tiết diễn biến bình thường, sâu bệnh đối với cây trồng và dịch bệnh đối với vật nuôi không phát sinh đột biến thì giá trị sản xuất cả năm 2007 của khu vực này có thể đạt tốc độ tăng 4,3%, trong đó nông nghiệp tăng 2,8%; lâm nghiệp tăng 1,1% và thủy sản tăng 9,8%. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào tăng, nhất là chi phí chăn nuôi nên giá trị tăng thêm của khu vực này năm 2007 có thể chỉ tăng 3,1-3,2% so với năm 2006, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra đầu năm là tăng 3,5-3,8%.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2007 theo giá so sánh 1994
Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 9 năm 2007
Sản lượng thuỷ sản 9 tháng năm 2007
3. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tính tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 10,3% (Trung ương quản lý tăng 13,2%; địa phương quản lý tăng 3,8%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 20,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,3% (Dầu mỏ và khí đốt giảm 6,1%; các ngành khác tăng 23,4%).
Một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp tương đối lớn trong 9 tháng vừa qua vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng tương đối cao là: Vĩnh Phúc tăng 44,8%; Bình Dương tăng 23,9%; Hà Tây tăng 22,8%; Đồng Nai tăng 22%; Hà Nội tăng 20,8%;Cần Thơ tăng 17,3%. Tuy nhiên cũng có một số địa phương tăng trưởng thấp, thậm chí còn giảm sút như: Hải Dương tăng 12,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,3%; Đà Nẵng tăng 10,7%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 0,8%.
Nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng phục vụ sản xuất và đời sống có mức sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Máy công cụ gấp gần 2,1 lần; điều hoà nhiệt độ tăng 66,2%; ô tô lắp ráp tăng 63,9%; động cơ điện tăng 27,3%; xe máy lắp ráp tăng 27%; quạt điện tăng 24,1%; máy giặt tăng 20,9%; máy biến thế tăng 20,6%; bia tăng 19,7%; sợi vải tăng 16,6%; giấy bìa tăng 14,4%; thủy sản chế biến tăng 14,2%; phân hoá học tăng 13,4%; điện tăng 12,6%; than tăng 12,3%; xi măng tăng 11,8%; vải lụa tăng 10,4%; thép cán tăng 10,3%. Bên cạnh đó có một số sản phẩm sản xuất bị giảm sút so với cùng kỳ năm trước như dầu thô khai thác 9 tháng mới đạt 11373 nghìn tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 66,9% kế hoạch năm; khí hoá lỏng 234,6 nghìn tấn, giảm 10%.
Ước tính cả năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,2% so với năm 2006, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 10,6%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 21%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,5%. Trong ba ngành công nghiệp cấp I, công nghiệp khai thác tăng 0,2%; công nghiệp chế biến tăng 19,1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước tăng 13,6%. Tình hình này cho thấy tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp năm nay sẽ không cao do công nghiệp khai thác có hàm lượng giá trị tăng thêm cao nhưng tốc độ tăng giá trị sản xuất giảm từ mức tăng 1,3% năm 2006 xuống còn 0,2% năm 2007; tỷ trọng chiếm trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp cũng sụt giảm tương ứng, từ 7,9% xuống 6,8%.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 và 9 tháng năm 2007 theo giá so sánh 1994
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp tháng 9 và 9 tháng năm 2007
4. Thương mại, giá cả và du lịch
a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Hoạt động thương mại và dịch vụ 9 tháng tiếp tục sôi động. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế 9 tháng đạt 520,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước đạt 55,6 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1%; kinh tế tập thể 5 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5%; kinh tế cá thể 297,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24%; kinh tế tư nhân 148,7 nghìn tỷ đồng, tăng 34,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 13,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1%. Nếu phân chia theo ngành kinh doanh thì thương nghiệp đạt 418,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,5% và tăng 21,7%; khách sạn, nhà hàng 63,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% và tăng 23,2%; du lịch 5,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 30,5%; dịch vụ 32,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,3% và tăng 35%. Dự báo cả năm 2007, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có thể tăng 23% so với năm 2006.
b. Giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,51% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng của tháng 8 và thấp nhất trong 5 tháng gần đây (Tháng 5 tăng 0,77%; tháng 6 tăng 0,85; tháng 7 tăng 0,94%; tháng 8 tăng 0,55%). Đây là kết quả bước đầu của việc khẩn trương thực hiện Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 1/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường.
Trong tháng 9, ngoài giá lương thực tiếp tục tăng cao, còn có hai nhóm hàng hóa và dịch vụ khác là: Thực phẩm tăng 1,26%, cao hơn tốc độ tăng 0,92% của tháng trước (Một số địa phương có chỉ số giá thực phẩm tăng cao trong tháng này là: Vĩnh Long tăng 2,31%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,67%; Phú Thọ tăng 1,61%; Kiên Giang tăng 1,44%); nhóm hàng dược phẩm và dịch vụ y tế tăng 0,91% so với tốc độ tăng 0,65% của tháng trước và là tháng có tốc độ tăng giá cao nhất trong 9 tháng vừa qua. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại tăng phổ biến 0,3-0,4%, trong đó nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43%; giáo dục tăng 0,39%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,25%. Trong tháng này đã có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá, đó là phương tiện đi lại, bưu điện giảm 0,84%; văn hóa, thể thao giải trí giảm 0,89%. Riêng nhóm hàng may mặc, giày dép, mũ nón tuy chỉ tăng 0,31%, nhưng đáng lưu ý là giá mũ bảo hiểm tháng này tăng tới 6,43%, trong đó một số địa phương tăng khá cao như: Hà Nội tăng 7,6%; Yên Bái tăng 13%; Thái Nguyên tăng 16,2%; Gia Lai tăng 18,5%; Phú Yên tăng 32%; Ninh Bình tăng 32,3%.
Tính chung 9 tháng, chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12/2006 tăng 7,32%, trong đó giá thực phẩm tăng 12,18%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 9,66%; lương thực tăng 7,96%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại chỉ tăng dưới 6%.
Nếu so với bình quân 9 tháng năm 2006 thì chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm nay tăng 7,53%, trong đó tăng cao nhất vẫn là nhóm hàng lương thực với tốc độ tăng bình quân 14,9%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 9,95%; hàng thực phẩm tăng 7,86%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,44-6,37%.
Để thực hiện nghiêm chỉnh và có kết quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường, các cấp, các ngành, các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ tập trung bình ổn giá lương thực, thực phẩm, dược phẩm là những nhóm hàng hoá, dịch vụ đang và có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá cao trong những tháng tới; đồng thời phải tiến hành kiểm tra việc thực hiện cam kết giảm giá của các cơ sở sản xuất và cung ứng dịch vụ, nhất là những cơ sở đã được hưởng lợi trực tiếp từ giảm giá xăng dầu và giảm thuế nhập khẩu trong thời gian vừa qua.
c. Xuất nhập khẩu hàng hóa
Giá trị hàng hóa xuất khẩu 9 tháng ước tính đạt 35,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với 9 tháng năm 2006, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 15,4 tỷ USD, tăng 24,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt trên 14 tỷ USD, tăng 31,7%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong 9 tháng đều có tốc độ tăng cao, một nửa trong tổng số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đã đạt giá trị trên 500 triệu USD. Trong 9 tháng có 8 mặt hàng đạt mức xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: Dệt, may 5,8 tỷ USD, tăng 31,6%; dầu thô gần 5,8 tỷ USD, giảm 11,3%; giày, dép gần 3 tỷ USD, tăng 13,1%; thủy sản 2,7 tỷ USD, tăng 13,4%; sản phẩm gỗ 1,7 tỷ USD, tăng 24,9%; hàng điện tử, máy tính 1,5 tỷ USD, tăng 23,6%; cà phê 1,5 tỷ USD, tăng 85,9%; gạo 1,3 tỷ USD, tăng 14,9%.
Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, giá trị xuất khẩu sang thị trường này 9 tháng đạt trên 7 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng, tăng 19,5% so cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là xuất khẩu sang thị trường EU đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng và tăng 29%. Thị trường châu Á, ngoài xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng và tăng 26% so với 9 tháng 2006 còn có những thị trường lớn khác như Nhật Bản 4 tỷ USD, chiếm 11,4% và tăng 3,7%; Trung Quốc 2,3 tỷ USD, chiếm 6,5% và tăng 3,3%.
Giá trị hàng hóa nhập khẩu 9 tháng ước tính đạt 42,9 tỷ USD, tăng 30,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước 27,5 tỷ USD, chiếm 64,1% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu 9 tháng và tăng 31,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 15,4 tỷ USD, chiếm 35,9% và tăng 28,6%. Giá trị hàng hóa nhập siêu 9 tháng là 7,6 tỷ USD, bằng 21,7% giá trị xuất khẩu hàng hóa 9 tháng và gấp trên 2,2 lần mức nhập siêu 9 tháng 2006. Số liệu cân đối xuất nhập khẩu 8 tháng cho thấy, nhập siêu 8 tháng từ thị trường Trung Quốc là 5,25 tỷ USD; Đài Loan 3,37 tỷ USD; Xin-ga-po 3,36 tỷ USD; Hàn Quốc 2,46 tỷ USD; Thái Lan 1,5 tỷ USD.
Giá trị nhập khẩu tăng cao và nhập siêu lớn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Trong 9 tháng đã nhập một số thiết bị, máy móc có giá trị lớn như: Thiết bị điện lực 442 triệu USD; máy bay 376 triệu USD; thiết bị dầu khí 350 triệu USD; tàu chở dầu 262 triệu USD; đầu xe lửa 177 triệu USD. Ngoài ra còn do giá nhiều mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của nước ta trong 9 tháng vừa qua trên thị trường thế giới đều tăng và đứng ở mức cao. Chỉ tính riêng tăng giá của 6 mặt hàng nhập khẩu là sắt thép, chất dẻo, lúa mỳ, xăng dầu, phân bón và sợi đã làm cho giá trị nhập khẩu 9 tháng tăng trên 1 tỷ USD (Thép 611 triệu USD, chất dẻo 168 triệu USD, lúa mỳ 72 triệu USD, xăng dầu 63 triệu USD, phân bón 55 triệu USD, sợi dệt 46 triệu USD). Tuy nhiên, nhập khẩu tăng với tốc độ cao và nhập siêu lớn, vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra đầu năm cũng cho thấy những hạn chế về dự báo thị trường, dự báo yêu cầu của nền kinh tế nói chung và dự báo tác động hai chiều của việc gia nhập WTO đối với hoạt động ngoại thương nói riêng.
d. Khách quốc tế đến Việt Nam
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng ước tính đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 18,5% so với 9 tháng năm 2006, trong đó khách đến du lịch, nghỉ ngơi gần 2 triệu lượt người, tăng 28,9%; đến vì công việc 481,4 nghìn lượt người, tăng 14,2%; thăm thân nhân 455,7 nghìn lượt người, tăng 4,5%.
Sau một thời gian giảm sút, đến nay khách đến từ Trung Quốc đã tăng trở lại, tính chung 9 tháng đạt 423 nghìn lượt người, chiếm 13,3% tổng lượng khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước và vẫn là nước dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam. Tiếp theo là Hàn Quốc 372,7 nghìn lượt người, chiếm 11,8% và tăng 21,7%; Hoa Kỳ 323,7 nghìn lượt người, chiếm 10,2% và tăng 11%; Nhật Bản 304,6 nghìn lượt người, chiếm 9,6% và tăng 10%; Pháp 141,2 nghìn lượt người, chiếm 4,5% và tăng 47,4%; Thái Lan 120,9 nghìn lượt người, chiếm 3,8% và tăng 37,3%. Một số nước có lượng khách đến nước ta tuy không lớn, nhưng có mức chi tiêu cao, trong 9 tháng đã tăng 30-57% như Anh tăng 30,1%; Đức tăng 30,7%; Bỉ tăng 40%; Niu-di-lân tăng 42,5%; Hà Lan tăng 47,9%; I-ta-li-a tăng 51,7%; Liên bang Nga tăng 57%. Việt Nam đang được du khách quốc tế xem là điểm đến mới. Do vậy, lượng khách đến nước ta sẽ còn tăng cao vào dịp cuối năm và dự báo cả năm có khả năng sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra đầu năm là đón 4,0 - 4,4 triệu lượt du khách quốc tế.
5. Giao thông vận tải và Bưu chính, viễn thông
a. Giao thông vận tải
Mặc dù giá nhiên liệu luôn biến động và đứng ở mức cao nhưng hoạt động của ngành vận tải vẫn đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống. Vận tải hành khách 9 tháng ước tính đạt 1130 triệu lượt người và 49,7 tỷ lượt người.km; so với cùng kỳ năm trước tăng 8,5% về lượt người và tăng 8,9% về lượt người.km, trong đó vận tải địa phương đạt 1108,3 triệu lượt người, tăng 8,6% và 34,8 tỷ lượt người.km, tăng 7,9%; các đơn vị vận tải do trung ương quản lý vận chuyển 21,7 triệu lượt người, tăng 4,2% và 14,9 tỷ lượt người.km, tăng 11,3%. Vận chuyển hàng hoá 9 tháng ước tính đạt 275,7 triệu tấn và 68,9 tỷ tấn.km, tăng 7,9% về số tấn và tăng 7,2% về số tấn.km so với cùng kỳ năm 2006.
Vấn đề nổi cộm trong hoạt động vận tải là tai nạn giao thông đang được các cấp, các ngành và các địa phương quyết tâm khắc phục theo tinh thần Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ. Nghị quyết này tuy mới được triển khai nhưng bước đầu đã đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, trong tháng 8, trên phạm vi cả nước tuy vẫn xảy ra 1079 vụ tai nạn giao thông, làm chết 987 người và làm bị thương 746 người, nhưng so với tháng 7 đã giảm 9,56% về số vụ; giảm 6,09% về số người chết và giảm 20,81% số người bị thương. Nếu so với tháng 8 năm 2006 thì số vụ giảm 13,75%; số người chết giảm 7,06% và số người bị thương giảm 26,65%.
Tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông vẫn rất nghiêm trọng. Tính chung 8 tháng đã xảy ra 9941 vụ, tăng 0,20% so với 8 tháng năm 2006; làm chết 8948 người, tăng 6,07% và làm bị thương 7607 người, giảm 0,85%. Bình quân mỗi ngày trong 8 tháng vừa qua đã xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, làm chết 37 người và làm bị thương 31 người. Trong 8 tháng, bình quân 1 vạn phương tiện cơ giới giao thông đường bộ gây ra 4,38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3,99 người và làm bị thương 3,40 người; so với 8 tháng năm 2006 số vụ giảm 17,8%, số người chết giảm 11% và số người bị thương giảm 20,6%.
Kết quả nghiên cứu 112,4 nghìn vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ thời gian vừa qua cho thấy môtô xe máy gây ra 75,8% số vụ; ôtô gây ra 16,9% số vụ; 7,3% số vụ còn lại là do người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông khác gây ra. Trong số các vụ tai nạn giao thông đường bộ, 36% số vụ là do chạy quá tốc độ; 21,3% số vụ là do tránh, vượt sai quy tắc; 16% số vụ là do người tham gia giao thông không chú ý quan sát; 5,9% số vụ là do say rượu bia. Ngoài các nguyên nhân do người tham gia giao thông gây ra, còn có nguyên nhân quan trọng khác là số phương tiện giao thông cơ giới tăng nhanh trong khi kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng. Chỉ tính riêng 8 tháng vừa qua, các địa phương đã cấp đăng ký mới cho gần 74,9 nghìn ôtô và trên 2 triệu môtô xe máy, nâng tổng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hiện có của cả nước lên 21,7 triệu chiếc, trong đó 1,05 triệu ô tô và 20,65 triệu mô tô xe máy.
Tai nạn giao thông tuy có giảm, song đây vẫn là vấn đề bức xúc và nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự tiếp tục chỉ đạo ráo riết, tập trung của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông thì tai nạn mới giảm thiểu đáng kể được.
b. Bưu chính, viễn thông
Hoạt động bưu chính, viễn thông trong nước và quốc tế tiếp tục phát triển với tốc độ cao và ổn định. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, 9 tháng vừa qua đã phát triển thêm 1 nghìn điểm bưu chính, nâng tổng số điểm bưu chính của cả nước lên 19218 điểm. Trong tổng số điểm bưu chính nêu trên, có 8021 điểm được tổ chức dưới hình thức bưu điện văn hoá xã. Do mạng lưới bưu chính phát triển tương đối sâu rộng nên 92,7% số xã trên địa bàn cả nước đã có báo đến trong ngày.
Trong tháng 9, phát triển được 800 nghìn thuê bao điện thoại mới, tăng 60% so với tháng 8, nâng tổng số thuê bao điện thoại mới 9 tháng lên 12,1 triệu thuê bao. Đến nay, toàn mạng điện thoại đã có 39,6 triệu thuê bao, bao gồm 10,1 triệu thuê bao cố định và 29,5 triệu thuê bao di động. Mật độ điện thoại đã đạt 46,5 máy/100 dân. Cũng trong 9 tháng vừa qua còn phát triển mới được 750 nghìn thuê bao internet, đưa tổng số thuê bao internet quy đổi toàn mạng lên 4,82 triệu thuê bao với mật độ 5,6 thuê bao/100 dân. Đến nay có trên 17,2 triệu người, chiếm 20,2% dân số cả nước đã sử dụng internet.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2007 theo giá thực tế
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 9 năm 2007
Xuất khẩu hàng hoá tháng 9 và 9 tháng năm 2007
Nhập khẩu hàng hoá tháng 9 và 9 tháng năm 2007
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2007
Vận tải hành khách và hàng hoá 9 tháng năm 2007
B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư
Do sản xuất tiếp tục phát triển nên đời sống dân cư ở cả thành thị và nông thôn nhìn chung đều được cải thiện. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng tương đối cao nhưng tăng tập trung ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm nên có lợi cho nông dân sản xuất hàng hoá, góp phần thu hẹp giá cánh kéo giữa nông sản hàng hóa và hàng công nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm từ 15,47% năm 2006 xuống còn 14,75% năm 2007. So với năm 2006, tỷ lệ nghèo của tất cả các vùng đều giảm, nhưng một số vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người số hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ trọng cao: Tỷ lệ hộ nghèo của vùng Tây Bắc hiện nay là 37,45%; Bắc Trung Bộ là 25,51%; Tây Nguyên là 22,95% và vùng Đông Bắc là 21,13%.
Do số hộ nghèo vẫn còn tương đối lớn và trong 9 tháng vừa qua, một số vùng lại bị thiên tai nên tình trạng thiếu đói vẫn xảy ra. Tuy nhiên, mức độ đã giảm đáng kể so với 9 tháng năm 2006. Trong 9 tháng vừa qua, trên địa bàn cả nước có 53,7 vạn lượt hộ với gần 2,25 triệu lượt nhân khẩu bị thiếu đói; so với cùng kỳ năm trước giảm 24,1% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 28,6% về số lượt nhân khẩu thiếu đói.
Để hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế và thoát nghèo, Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án như Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, gọi tắt là Chương trình 143; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa, gọi tắt là Chương trình 135.
Chương trình 135 đang bước vào giai đoạn II. Trong giai đoạn này đã rà soát và bổ sung thêm 155 xã với 3278 thôn bản vào diện hỗ trợ. Ngoài số vốn của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và đóng góp của dân cư, còn kêu gọi được 7 nhà tài trợ quốc tế cam kết hỗ trợ 300 triệu USD. Tổng kinh phí dành cho Chương trình này năm 2007 là 1665 tỷ đồng, đầu tư vào 4 nghìn công trình của 1799 xã. Đến nay đã phân bổ được 1366 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm; giải ngân được 415,7 tỷ đồng, bằng 30,4% số vốn đã phân bổ và bằng 24,9% kế hoạch năm. Nếu việc triển khai giai đoạn II của Chương trình 135 khẩn trương hơn nữa thì chắc chắn sẽ góp phần giảm nhanh số hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc ít người.
2. Giáo dục và đào tạo
a. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học năm 2006-2007
Thi trung học phổ thông năm nay tiến hành theo 2 đợt, đợt I có trên 906,3 nghìn học sinh tham dự với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 66,77%; đợt II có gần 289,2 nghìn học sinh tham dự với tỷ lệ tốt nghiệp 42,78%. Tính chung cả hai đợt đã có 728,8 nghìn học sinh tốt nghiệp, chiếm 80,42% tổng số học sinh dự thi.
Những địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông tính chung 2 đợt đạt trên 90% là: Thành phố Hồ Chí Minh 97,49%; Nam Định 95,82%; Thái Bình 95,23%; Hà Nội 94,80%; Hải Dương 94,47%; Hải Phòng 92,61%; Vĩnh Phúc 92,59%; Điện Biên 91,99%; Hà Nam 91,39%; Khánh Hòa 90,97%; Bắc Ninh 90,86%; Tiền Giang 90,31%; Long An 90,30%. Mặc dù vậy, qua hai đợt vẫn còn 5 tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông dưới 50% là Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Yên Bái và Sơn La.
Thi tốt nghiệp bổ túc trung học cũng tiến hành 2 đợt, trong đó đợt I có 159,5 nghìn học viên tham dự và tỷ lệ tốt nghiệp đạt 26,29%; đợt II có 101,1 nghìn học viên tham dự và tỷ lệ tốt nghiệp đạt 28,76%. Tính chung hai đợt có 71 nghìn học viên tốt nghiệp, đạt 44,51% tổng số học viên dự thi. Trong tổng số 64 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có 7 địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cả hai đợt đạt trên 70% là Hải Phòng 88,54%; Thái Bình 85,79%; Quảng Trị 79,70%; Hải Dương 78,19%; thành phố Hồ Chí Minh 72,51%; Nam Định 71,59% và Hà Nội 71,09%.
Một số địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc trung học cả 2 đợt rất thấp là: Tuyên Quang chỉ có 9 người tốt nghiệp trong tổng số 918 người dự thi, tỷ lệ tốt nghiệp 0,98%; Hậu Giang 168/2040 học viên tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 8,24%; Gia Lai có 78/830 học viên tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 9,40%; Nghệ An 796/8060 học viên tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 9,88%.
b. Khai giảng năm học 2007-2008
Kết quả khai giảng năm học 2007-2008, cả nước có 587 nghìn trẻ em đi nhà trẻ, chiếm 12,6% tổng số trẻ em 0-2 tuổi; 2647 nghìn trẻ em đi học mẫu giáo, chiếm 63% tổng số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo; cấp tiểu học có 6091,9 nghìn học sinh, giảm 13,4% so với năm học 2006-2007; cấp trung học cơ sở có 6036 nghìn học sinh, giảm 2,82%; cấp trung học phổ thông 3171,2 nghìn học sinh, tăng 3,1%. Số học sinh tiểu học và trung học cơ sở giảm chủ yếu là do những năm vừa qua các địa phương thực hiện Chương trình phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, số trẻ em đi học muộn so với độ tuổi ở các cấp học này ngày càng giảm.
Để nâng cao chất lượng dạy và học, trong thời gian vừa qua ngành Giáo dục đã không ngừng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nên trước khi bước vào khai giảng năm học 2007-2008 tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn của nhà trẻ chiếm 74,3% tổng số giáo viên nhà trẻ; của mẫu giáo chiếm 90,3%; của tiểu học chiếm 97%; của trung học cơ sở chiếm 96,8% và của trung học phổ thông chiếm 97,6%.
Cơ sở vật chất của trường lớp cũng đã được tăng cường. Thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường lớp theo Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 4 năm qua đã huy động 9,3 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng trường lớp. Số vốn đầu tư này đã xây dựng thêm được 83280 phòng học. Số phòng học cấp tiểu học tăng 2,1%; cấp trung học cơ sở tăng 8,7%; cấp trung học phổ thông tăng 10%. Đến nay về cơ bản đã xoá được phòng học 3 ca ở cấp trung học phổ thông. Cùng với việc đầu tư nâng cấp và xây dựng trường lớp, ngành Giáo dục còn tập trung chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tính đến tháng 6/2007 cả nước đã có 1106 trường mầm non đạt chuẩn, chiếm 9,6% tổng số trường mầm non hiện có; 4023 trường tiểu học, chiếm 27,1%; 678 trường trung học cơ sở, chiếm 7% và 115 trường trung học phổ thông, chiếm 5,6%.
Ngành Giáo dục đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 61/CT-TW ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 41/2000/QH10 ngày 9 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội khoá 10 về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở. Đến cuối tháng 9/2007 cả nước đã có 39/64 địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 37/64 địa phương đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đến cuối năm sẽ hoàn thành kế hoạch 40/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở như kế hoạch đã đề ra đầu năm.
Tuy nhiên, giáo dục phổ thông hiện nay vẫn đang đứng trước những khó khăn về giáo viên và cơ sở trường lớp. So với định mức biên chế giáo viên theo Thông tư liên tịch số 35/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23 tháng 8 năm 2006 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ thì năm học 2007-2008 số giáo viên tiểu học hiện có 347 nghìn người, thừa 15 nghìn người; giáo viên trung học cơ sở 319,8 nghìn người, thừa 5,6 nghìn người; giáo viên trung học phổ thông trên 129,5 nghìn người, thiếu 18 nghìn người. Tuy nhiên, vẫn có 5 tỉnh thiếu giáo viên tiểu học là: Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận và Kiên Giang; 14 tỉnh thiếu giáo viên trung học cơ sở là: Bắc Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và Kiên Giang. Cơ sở trường lớp tuy đã được tăng cường nhưng cấp tiểu học và phổ thông cơ sở ở một số địa phương vẫn còn lớp học ca 3 và phòng học chưa được xây dựng kiên cố. Đáng chú ý là, Đắk Lắk hiện đang còn 11 xã chưa có trường trung học cơ sở và 17 xã chưa có trường mẫu giáo.
c. Đào tạo và dạy nghề
Kỳ thi đại học vừa qua đã có 1054 nghìn thí sinh tham dự, tăng 7,5% so với kỳ thi năm trước. Ngoài ra, 126 trường cao đẳng còn tổ chức 490 điểm thi cho 357,6 nghìn thí sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học và cao đẳng năm nay tăng cao hơn năm 2006, nhất là các trường ngoài công lập. Chỉ tính riêng 88 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, số tuyển mới vào hệ chính quy đã lên tới 111280 sinh viên, tăng 8% so với năm 2006, trong đó 96020 sinh viên hệ đại học, 15260 sinh viên hệ cao đẳng và 12880 sinh viên hệ trung cấp chuyên nghiệp.
Mạng lưới các cơ sở, các trường dạy nghề đã được quy hoạch, bổ sung theo Quyết định số 07/2006/QĐ-LĐTBXH ngày 2/10/2006 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên đến nay cả nước đã có 929 cơ sở dạy nghề, bao gồm 55 trường cao đẳng; 242 trường trung cấp nghề và trường dạy nghề; 632 trung tâm dạy nghề. Ngoài ra còn có 1123 cơ sở khác có dạy nghề. Trong 8 tháng đầu năm các cơ sở dạy nghề này đã tuyển mới 845 nghìn học sinh, trong đó 160 nghìn học sinh hệ dài hạn và 685 nghìn học sinh hệ sơ cấp. Ước tính cả năm 2007 các cơ sở dạy nghề có thể tuyển mới được 1436,5 nghìn học sinh, tăng 2,2% so với kế hoạch dạy nghề năm và tăng 7,2% so với năm 2006.
Số học sinh học nghề được tuyển mới năm 2007
|
Kế hoạch năm (Nghìn học sinh)
|
Thực hiện (Nghìn học sinh)
|
Ước tính năm 2007 so với
năm 2006 (%)
|
|
8 tháng
|
Ước tính
năm
|
Tổng số
|
1405
|
845
|
1436,5
|
107,2
|
Dài hạn
|
305
|
160
|
279,7
|
107,6
|
Sơ cấp
|
1100
|
685
|
1156,8
|
107,1
|
Để hỗ trợ sinh viên các trường đại học, cao đẳng và học sinh học nghề, ngoài việc tăng ngân sách Nhà nước chi cho các trường đại học và cao đẳng từ 150 tỷ đồng năm 2006 lên 297 tỷ đồng năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị cho mỗi sinh viên học đại học, cao đẳng và học nghề được vay ưu đãi 800 nghìn đồng/tháng với lãi suất cho vay 0,5% mỗi tháng và lãi suất nợ quá hạn không quá 130% lãi suất cho vay. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ thị từ 01/01/2008 sẽ áp dụng mức học bổng mới 360 nghìn đồng/tháng đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách và mức học bổng này sẽ được điều chỉnh theo lương tối thiểu trong hệ thống thang bậc lương của Nhà nước.
Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2006-2007
Kết quả thi tốt nghiệp bổ túc trung học năm học 2006-2007
3. Y tế và chăm sóc sức khoẻ dân cư
Trong 9 tháng vừa qua trên phạm vi cả nước không xảy ra dịch bệnh lớn nhưng có một số bệnh xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương: Viêm phổi do vi rút cúm A H5N1 vẫn có 7 trường hợp, trong đó 4 người bị tử vong; sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với gần 62 nghìn trường hợp bị mắc, trong đó 55 người bị tử vong; viêm màng não do não mô cầu xảy ra trên phạm vi 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 444 trường hợp bị mắc; viêm gan vi rút xảy ra tại 48 địa phương với 5434 trường hợp bị mắc; sốt rét xảy ra tại 47 địa phương với 37,3 nghìn trường hợp bị mắc.
Riêng nhiễm HIV/AIDS vẫn tiếp tục gia tăng. Trong tháng 9 đã phát hiện thêm 2079 trường hợp nhiễm HIV, 966 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 568 người bị tử vong do AIDS; nâng tổng số người nhiễm HIV tính từ ca phát hiện đầu tiên đến nay lên 133,5 nghìn trường hợp, trong đó 27,1 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 15,3 nghìn người đã chết do AIDS. Theo số liệu thống kê, 10 địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất trong cả nước là: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, An Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu và Sơn La. Các địa phương này chiếm trên 1/2 tổng số trường hợp bị nhiễm HIV của cả nước. Nếu tính số người nhiễm HIV trên 10 vạn dân thì Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Hà Nội và Bắc Kạn là những địa phương có tỷ lệ cao nhất.
4. Văn hoá thông tin
Trong 9 tháng vừa qua, ngành Văn hoá Thông tin đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tiếp tục xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, tuyên truyền bầu cử Quốc hội khoá XII, kỷ niệm 117 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm Quốc khánh 2/9, Giỗ Tổ Hùng Vương và kỷ niệm các ngày lễ lớn khác. Toàn ngành đang tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2007 về văn hoá với số vốn đầu tư được bố trí là 430 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển 270 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 160 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra văn hoá được tiến hành thường xuyên hơn. Trong 9 tháng đã kiểm tra 14677 cơ sở kinh doanh và hoạt động dịch vụ văn hoá, phát hiện 4952 cơ sở vi phạm, phạt cảnh cáo 267 cơ sở, đình chỉ hoạt động của 123 cơ sở, tịch thu 803 nghìn băng đĩa có nội dung không phù hợp và 18 tấn sách in lậu, xử phạt hành chính 15 tỷ đồng.
Khái quát lại, tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2007 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực. Hầu hết các ngành, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đã đạt được kết quả vượt trội so với 9 tháng năm 2006. Tổng sản phẩm trong nước tăng 8,16%, là năm có tốc độ tăng 9 tháng cao nhất kể từ năm 1998 đến nay; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,1%; tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tăng 16,3%; thu ngân sách tăng 18,4%; hoạt động kinh tế đối ngoại đạt được những thành tựu mới, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm từ 15,47% năm 2006 xuống 14,75%; nhiều chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực xã hội tiếp tục được triển khai có kết quả. Các lĩnh vực xã hội khác như giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá thông tin cũng có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang đứng trước những tồn tại lớn, đó là vốn đầu tư tương đối dồi dào nhưng giải ngân và triển khai chậm; giá tiêu dùng tiếp tục tăng, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống, nhất là đời sống bộ phận dân cư có thu nhập thấp; cán cân thương mại mất cân đối lớn, nhập siêu cao. Nếu từ nay đến cuối năm, các ngành, các địa phương tiếp tục chủ động đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy kết quả đạt được và kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên thì nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007 có khả năng sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra đầu năm./.