Tình hình kinh tế, xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2007
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp
Trọng tâm của sản xuất nông nghiệp tháng này là thu hoạch lúa mùa trên phạm vi cả nước; gieo trồng cây vụ đông ở các địa phương phía Bắc và gieo cấy lúa đông xuân ở các địa phương phía Nam. Tính đến trung tuần tháng 11, kết quả đạt được như sau:
Diện tích lúa mùa đã thu hoạch là 1395,7 nghìn ha, bằng 95% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc thu hoạch 1119,8 nghìn ha, bằng 96,1%; các địa phương phía Nam thu hoạch 275,9 nghìn ha, bằng 90,8%. Trên diện tích đã thu hoạch, năng suất bình quân đạt 43,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ mùa năm trước. Sơ bộ ước tính, sản lượng lúa vụ mùa năm nay có thể đạt 8,7 triệu tấn, tăng trên 16 vạn tấn so với vụ mùa 2006.
Cùng với thu hoạch lúa mùa, các địa phương phía Bắc còn gieo trồng được 469,9 nghìn ha cây vụ đông, bằng 99,1% cùng kỳ năm trước, trong đó ngô 183,1 nghìn ha, bằng 97,7%; khoai lang 65,2 nghìn ha, bằng 86,6%; đậu tương 69,3 nghìn ha, bằng 105,8%; lạc 9,8 nghìn ha, bằng 108,9%; rau đậu 141,2 nghìn ha, bằng 100,9%. Các địa phương phía Nam sau khi thu hoạch lúa hè thu và thu đông đã gieo sạ được 193,2 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 78,4% cùng kỳ các năm trước.
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tháng này ước tính đạt 16,6 nghìn ha, bằng 100,6% cùng kỳ năm trước; trồng cây phân tán 8,5 triệu cây, giảm 5,9%. Tính chung 11 tháng, diện tích rừng trồng mới đạt 179,9 nghìn ha, bằng 100,2% cùng kỳ năm trước; trồng cây lâm nghiệp phân tán 181 triệu cây, bằng 97,1%; sản lượng gỗ khai thác 2952,3 nghìn m3, bằng 101,6%. Việc bảo vệ rừng tuy đã được tăng cường nhưng diện tích rừng bị thiệt hại 11 tháng vẫn lên tới 5,6 nghìn ha, trong đó 4,3 nghìn ha bị cháy và 1,3 nghìn ha bị chặt phá.
Thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 11 ước tính đạt 389,9 nghìn tấn, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng 228,5 nghìn tấn, tăng 35% và khai thác 161,4 nghìn tấn, giảm 0,6%. Tính chung 11 tháng, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 3772,9 nghìn tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng 1879,1 nghìn tấn tăng 20,3%; khai thác 1893,8 nghìn tấn, tăng 1,8%.
Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 11 năm 2007
Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 11 tháng tăng 17,0%, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 10,4% (Trung ương quản lý tăng 13,4%; địa phương quản lý tăng 3,5%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 20,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18% (Dầu mỏ và khí đốt giảm 7,3%, các ngành khác tăng 23,1%).
Trong 11 tháng có nhiều sản phẩm công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như: máy công cụ tăng 74,5%; ô tô các loại tăng 62,7%; điều hoà nhiệt độ tăng 56,9%; xe máy các loại tăng 26,8%; động cơ điện tăng 26,2%;..., riêng sản lượng dầu thô khai thác 11 tháng chỉ đạt 14,2 triệu tấn, giảm 8,5%. Hầu hết các địa phương có qui mô sản xuất công nghiệp lớn đều đạt tốc độ tăng trưởng 11 tháng cao hơn tốc độ tăng chung.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 và 11 tháng năm 2007 theo giá so sánh 1994
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp tháng 11 và 11 tháng năm 2007
Đầu tư
Khối lượng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 11 ước tính đạt 9,85 nghìn tỷ đồng, bằng 10,3% kế hoạch cả năm, trong đó vốn do Trung ương quản lý 2,16 nghìn tỷ đồng, bằng 6,1%; địa phương quản lý 7,69 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8%. Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước tính thực hiện 86,76 nghìn tỷ đồng, bằng 90,9% kế hoạch năm, trong đó trung ương quản lý 29,58 nghìn tỷ đồng, bằng 83,6%; địa phương quản lý 57,18 nghìn tỷ đồng, bằng 95,2%.
Kết quả thực hiện và giải ngân các công trình, dự án đầu tư thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đạt thấp, tính đến cuối tháng 9/2007 mới giải ngân được 26,8% so với kế hoạch năm.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục thu được những kết quả vượt trội. Tính từ đầu năm đến 22/11/2007 có 1283 dự án được cấp phép với tổng số vốn đăng ký 13,4 tỷ USD, bình quân vốn đăng ký 1 dự án đạt 10,4 triệu USD. Nếu tính cả 1,64 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung của 314 dự án đã cấp phép trong các năm trước thì tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký từ đầu năm đến nay đạt trên 15 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước và đã vượt kế hoạch năm là 15,7%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng năm 2007 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 95,3% kế hoạch cả năm.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép trong 11 tháng tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp và xây dựng. Trong tổng số 1283 dự án được cấp phép 11 tháng thì khu vực này có 798 dự án với 7,56 tỷ USD, chiếm 62,2% số dự án và 56,4% tổng vốn đăng ký; khu vực dịch vụ có 422 dự án với 5,66 tỷ USD, chiếm 32,9% số dự án và 42,2% tổng vốn đăng ký; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có 63 dự án với 184,6 triệu USD, chỉ chiếm 4,9% số dự án và 1,4% tổng vốn đăng ký.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 và 11 tháng năm 2007 theo giá so sánh 1994
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài 01/01 - 22/11/2007
Thương mại, giá cả và dịch vụ
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế 11 tháng ước tính đạt 654,9 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước gần 71 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4%; kinh tế tập thể 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7%; kinh tế cá thể 370,3 nghìn tỷ đồng, tăng 26,3%; kinh tế tư nhân 187,5 nghìn tỷ đồng, tăng 29,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 19,7 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2%. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nêu trên, thương nghiệp chiếm 80,6% tổng mức và tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn, nhà hàng chiếm 12% và tăng 23%; du lịch chiếm 1,1% và tăng 33,5%; dịch vụ chiếm 6,3% và tăng 34,7%.
Giá tiêu dùng
Trong tháng 11 giá của nhóm hàng lương thực và thực phẩm; nhà ở và vật liệu xây dựng (bao gồm giá thuê nhà ở, điện, chất đốt và vật liệu xây dựng) tiếp tục tăng cao, là nhân tố chủ yếu đưa giá tiêu dùng tháng 11 tăng 1,23% so với tháng trước, trong đó giá lương thực tăng 2,66%; thực phẩm tăng 1,95% (giá thịt gia súc tăng 3,17%, gia cầm tăng 1,41%); giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,87%.
Giá tiêu dùng tháng 11 so với tháng 12 năm trước tăng 9,45%. Tuy nhiên, cần đặc biệt quan tâm là giá tiêu dùng bình quân 11 tháng chỉ tăng 7,92% so với bình quân 11 tháng năm 2006, trong đó giá bình quân 11 tháng của nhóm hàng lương thực tăng 14,98%; thực phẩm tăng 9,17%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 10,48%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác chỉ tăng 3-6%; riêng dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 2,74%.
Giá vàng tháng 11 tăng 8,9% so với tháng trước, tăng 24,7% so với tháng 12 năm 2006 và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ giảm 0,3% so với tháng trước do nguồn cung trong nước dồi dào, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào tiếp tục tăng.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 4,5 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu 11 tháng năm nay của hầu hết các mặt hàng đều tăng cao. Trong 11 tháng, ngoài dầu thô còn có một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: Dệt may 7,1 tỷ USD, tăng 32%; giày dép 3,5 tỷ USD, tăng 9,5%; thủy sản 3,4 tỷ USD, tăng 11,9%; sản phẩm gỗ 2,1 tỷ USD, tăng 23,7%; ...
Nhập khẩu hàng hoá tháng 11 ước tính đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 47,7% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 11 tháng, giá trị hàng hóa nhập khẩu đạt 54,1 tỷ USD, tăng 33,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước 34,6 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu và tăng 34,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 19,5 tỷ USD, chiếm 33,5% và tăng 30,1%. Giá trị nhập khẩu hàng hóa so với 11 tháng năm trước tăng cao ở tất cả các mặt hàng, trong đó máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng vẫn là mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất với trên 9,2 tỷ USD, tăng 56,3%; tiếp đến là xăng dầu 6,5 tỷ USD, tăng 20%; sắt thép 4,3 tỷ USD, tăng 61,5%; vải 3,6 tỷ USD, tăng 50,4%...
Nhập siêu hàng hóa 11 tháng gần 10,5 tỷ USD, bằng 24% giá trị hàng hóa xuất khẩu và gấp hơn 2 lần so với tỷ lệ 11,9% của 11 tháng năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Lượng khách quốc tế đến nước ta 11 tháng ước tính đạt 3,82 triệu lượt người, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến du lịch nghỉ ngơi 2,35 triệu lượt người, chiếm 61,5% và tăng 25,4%; đến vì công việc 592,2 nghìn lượt người, chiếm 15,5% và tăng 13,7%; thăm thân nhân 553 nghìn lượt người, chiếm 14,5% và tăng 7,3%; riêng khách đến với mục đích khác giảm 7,4%.
Giao thông vận tải
Vận tải hành khách 11 tháng ước tính đạt 1400,8 triệu lượt người và 61,4 tỷ lượt người.km, tăng 8,5% về lượt người và tăng 9% về lượt người.km so với cùng kỳ năm trước, trong đó các đơn vị vận tải do Trung ương quản lý đạt 26,2 triệu lượt người, tăng 4,3% và 18,1 tỷ lượt người.km, tăng 11,1%; các đơn vị vận tải địa phương vận chuyển 1374,6 triệu lượt người, tăng 8,6% và 43,3 tỷ lượt người.km, tăng 8%.
Vận tải hàng hoá 11 tháng ước tính đạt 344,1 triệu tấn và 86,3 tỷ tấn.km, tăng 8% về số tấn và tăng 7,2% về số tấn.km so với cùng kỳ năm 2006, trong đó các đơn vị vận tải do Trung ương quản lý vận chuyển 47,4 triệu tấn, tăng 6,8% và 56,2 tỷ tấn.km, tăng 6,9%; địa phương quản lý 296,7 triệu tấn, tăng 8,2% và 30,1 tỷ tấn.km, tăng 7,9%.
Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, trong tháng 10, trên phạm vi cả nước xảy ra 1095 vụ tai nạn giao thông, làm chết 973 người và làm bị thương 733 người. Nếu so với tháng 10/2006 giảm 9,13% về số vụ; giảm 9,07% về số người chết và giảm 22,92% số người bị thương, nhưng nếu so với tháng trước, số vụ tai nạn lại tăng 0,18% và số người chết tăng 0,21%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2007
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 11 năm 2007
Xuất khẩu hàng hoá tháng 11 và 11 tháng năm 2007
Nhập khẩu hàng hoá tháng 11 và 11 tháng năm 2007
Vận tải hành khách và hàng hoá 11 tháng năm 2007
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2007
Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/11/2007 ước tính bằng 86,7% dự toán cả năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 88,2%; thu từ dầu thô bằng 76,6; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 94,3%; thu viện trợ không hoàn lại bằng 108,3%. Trong thu nội địa, thu từ kinh tế Nhà nước bằng 79,4% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 76,7%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 92,5%; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bằng 100,8%; thu phí xăng dầu bằng 81,2%; thu phí lệ phí bằng 99,6%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/11/2007 ước tính bằng 83,2% dự toán cả năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 74,2% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 73,3%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (gồm cả chi cải cách tiền lương, chi xử lý chính sách đối với lao động dôi dư) bằng 87,1%; chi trả nợ và viện trợ bằng 93%.
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 5 và các đợt lũ lụt liên tiếp xảy ra trong tháng 10 và tháng 11 ở các tỉnh miền Trung nên số hộ và số nhân khẩu thiếu đói tăng cao so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của các địa phương, trong tháng 11 đã có 88,6 nghìn hộ với 340,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói, chiếm 0,76% về số hộ và 0,67% số nhân khẩu nông nghiệp của cả nước. So với tháng 10/2007, số hộ thiếu đói gấp 2,3 lần và số nhân khẩu thiếu đói gấp 1,9 lần; so với cùng kỳ năm trước số hộ thiếu đói gấp 4,4 lần và số nhân khẩu thiếp đói gấp 3,6 lần.
Tình hình dịch bệnh và an toàn thực phẩm
Trong tháng 11, có 2,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 13 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; hơn 600 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 54 trường hợp mắc bệnh viêm não virút và 345 trường hợp mắc bệnh thương hàn. Tính chung 11 tháng năm 2007, cả nước có 41,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 90,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 6,9 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 930 trường hợp mắc bệnh viêm não virút và 1,2 nghìn trường hợp mắc bệnh thương hàn.
Đáng chú ý là, trong tháng 11 có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bùng phát dịch tiêu chảy cấp, trong đó 257 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã có xu hướng giảm, một số địa phương trong nhiều ngày qua không phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới.
Thiệt hại do lụt bão
Từ 20/10 đến 20/11/2007 đã xảy ra triều cường, lốc xoáy, mưa lũ lớn và kéo dài, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Đình, Phú Yên.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiên tai đã làm 117 người chết, 9 người mất tích và 88 người bị thương; làm ngập và hư hại nhiều diện tích lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản; làm sạt lở và cuốn trôi 217,6 nghìn m3 đất đê; 105,4 km kênh mương và 298 km đường xe cơ giới; 682 nhà ở bị sập và cuốn trôi; 361,2 nghìn ngôi nhà bị ngập nước và hư hỏng, làm 4 nghìn người lâm vào tình trạng không có nhà ở. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 3,4 nghìn tỷ đồng.
Công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả đã được Đảng và Chính phủ chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt, ngoài kinh phí Thường trực, Chính phủ quyết định trích từ ngân sách dự phòng, nhân dân vùng bị mưa lũ còn được cứu trợ 23 tỷ đồng và 5,3 nghìn tấn lương thực cùng khối lượng lớn nhu yếu phẩm khác như dầu ăn, nước uống, chăn màn, quần áo, xăng, dầu hỏa từ ngân sách đại phương và ủng hộ của cộng đồng. Nhờ vậy, sản xuất và đời sống dân cư vùng bị thiên tai đang được khôi phục.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
|