1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp:
Gieo cấy lúa mùa: Tính đến ngày 15/7/2007, cả nước gieo cấy 1098,1 nghìn ha, bằng 94,4% cùng kỳ năm 2006, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1010,8 nghìn ha, bằng 98,9% (riêng các tỉnh Đồng bằng sông Hồng gieo cấy được 519,9 nghìn ha, bằng 103%); các địa phương phía Nam gieo sạ 87,3 nghìn ha, bằng 62,1 %.
Lúa hè thu: Tính đến trung tuần tháng 7, các địa phương phía Nam đã gieo sạ 1831,3 nghìn ha, bằng 90,6% cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 1547,7 nghìn ha, bằng 88,2%. Nhìn chung, lúa hè thu năm nay phát triển tốt, do thời tiết khá thuận lợi, phần lớn diện tích đang ở giai đoạn làm đòng, trổ bông. Tuy vậy, các loại bệnh đạo ôn, vàng lùn- lùn xoắn lá, rầy nâu, cháy lá, đốm vằn đã xuất hiện ở một số tỉnh như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, nhưng mức độ gây hại nhẹ. Tính đến thời điểm này, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 97,3 nghìn ha, ước tính năng suất bình quân trên diện tích đã thu hoạch tăng từ 1-3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.
Cây trồng khác: Cũng đến trung tuần tháng 7, cả nước đã gieo trồng 825,3 nghìn ha ngô, bằng 102,2% cùng kỳ năm trước; 131,7 nghìn ha khoai lang, bằng 93,2%; 364,5 nghìn ha sắn, bằng 109,6%; 212,1 nghìn ha lạc, bằng 99,7%; 140,7 nghìn ha đậu tương, bằng 98%; 18,1 nghìn ha thuốc lá, bằng 66%; 75,5 nghìn ha mía trồng mới, bằng 107,4% và 546,1 nghìn ha rau, đậu, bằng 97,3%.
Chăn nuôi và dịch bệnh gia súc, gia cầm: Trong tháng, đàn bò tăng, chủ yếu tăng đàn bò ngoại, bò lai, bò sữa; đàn trâu giảm nhẹ; giá thịt lợn tăng cao nhưng bệnh lợn tai xanh diễn biến phức tạp. Đến ngày 22/7/2007, điểm nóng tập trung ở một số địa bàn thuộc các tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, trong đó riêng 3 địa phương là Quãng Ngãi, thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam có số lợn bị mắc bệnh là 27,3 nghìn con, trên 1,4 nghìn con đã chết và tiêu hủy 467 con. Các địa phương đang cố gắng dập tắt các ổ dịch bệnh, tránh dịch bệnh lây lan và bùng phát; ngăn chặn việc vận chuyển lợn mắc bệnh đi tiêu thụ ngoài địa phương có dịch, đồng thời tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt việc giết mổ gia súc, gia cầm. Cùng thời điểm này, cả nước còn 5 tỉnh với 14 xã có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày là: Thái Bình (1 xã), Cà Mau (1 xã), Ninh Bình (3 xã), Điện Biên (7 xã) và Đồng Tháp (2 xã). Hiện nay, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã và đang triển khai công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2007; tổng số gia cầm tiêm được là 157,9 triệu con; trong đó 86 triệu con gà, 68,3 triệu con vịt và 3,6 triệu con ngan. Dịch lở mồm long móng xuất hiện chưa qua 21 ngày ở 17 xã của 5 huyện thuộc tỉnh Quảng Trị, với tổng số gia súc đã giết huỷ là 839 con (662 bò, 129 trâu, 15 lợn và 33 dê).
Lâm nghiệp
Tháng 7 năm 2007, có mưa và chưa có bão lớn nên thuận lợi cho sản xuất lâm nghiệp. Diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 19,4 nghìn ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 15,6 triệu cây, tăng 1,9%; sản lượng gỗ khai thác 278,3 nghìn m3, tăng 1,2%.
Tính chung 7 tháng, diện tích rừng trồng tập trung đạt 117,2 nghìn ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2006; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 126 triệu cây, tăng 0,9%; sản lượng gỗ khai thác 1665,8 nghìn m3, tăng 1,4%; diện tích rừng bị thiệt hại là 4508,3 ha, trong đó diện tích bị cháy là 3812,4 ha (Sơn La 1036 ha, Yên Bái 765,5 ha).
Thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 7/2007 ước tính đạt 368,4 nghìn tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng 208,5 nghìn tấn, tăng 19,1% và khai thác 159,9 nghìn tấn, tăng 3,4% (khai thác biển 141,4 nghìn tấn, tăng 4%). Nuôi trồng thuỷ sản tăng chủ yếu do diện tích nuôi cá tra và cá ba sa ở đồng bằng sông Cửu Long được mở rộng từ đầu năm; đến nay, cả cá da trơn và tôm sú đang vào mùa thu hoạch.
Khai thác thủy sản tăng do đang vào vụ cá nam, là vụ đánh bắt chính trong năm và chưa bị ảnh hưởng nhiều của mưa bão. Tính chung 7 tháng, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2218 nghìn tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nuôi trồng 981,1 nghìn tấn tăng 19,2%, khai thác 1236,9 nghìn tấn, tăng 2,7%.
Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 7 năm 2007
2. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7/2007 theo giá so sánh ước tính tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 14,8% (trung ương quản lý tăng 15,5%, địa phương quản lý tăng 13,5%), khu vực ngoài Nhà nước tăng 20,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,4% (dầu mỏ và khí đốt giảm 5,1%, các sản phẩm khác tăng 24%). Trong các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, một số sản phẩm có tốc độ tăng cao hơn mức bình quân chung là: than sạch tăng 26,9%; đường tinh luyện tăng 20,5%; giấy bìa tăng 22,3%; phân hóa học tăng 51,1%; quạt điện tăng 62,3%; ô tô lắp ráp tăng 65,5%; xe máy lắp ráp tăng 25,5%.
Tính chung 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh ước tính tăng 17% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 9,7% (trung ương quản lý tăng 12,3%, địa phương quản lý tăng 4,4%), khu vực ngoài Nhà nước tăng 20,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,9% (dầu mỏ và khí đốt giảm 4,1%, các sản phẩm khác tăng 23,7%).
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng cao như bia tăng 19,6%; gạch lát tăng 23,2%; máy công cụ tăng 48,7%; động cơ điện tăng 29,7%; máy biến thế tăng 21,5%; điều hoà nhiệt độ tăng 56,9%; tủ lạnh, tủ đá tăng 23,8%; quạt điện các loại tăng 25,5%; ô tô lắp ráp các loại tăng 67,2%; xe máy lắp ráp tăng 29,2%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm quan trọng đối với nền kinh tế cũng như liên quan đến xuất khẩu lại tăng ở mức thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm sút so với cùng kỳ như: thuỷ sản chế biến tăng 12,7%; vải lụa tăng 11,1%; quần áo may sẵn tăng 14,1%; giấy, bìa các loại tăng 15,9%; xi măng tăng 9,9%; thép các loại tăng 11,8%; điện sản xuất tăng 12,2%... Riêng dầu thô khai thác 7 tháng giảm 8,6% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 và 7 tháng năm 2007 (Giá so sánh 1994)
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp
3. Đầu tư
Ước thực hiện kế hoạch vốn đầu tư theo dự án, chương trình mục tiêu phần vốn ngân sách nhà nước tháng 7/2007 đạt 8646,7 tỷ đồng, bằng 9,1% kế hoạch năm, trong đó các đơn vị trung ương là 3116,5 tỷ đồng, bằng 8,8%; các đơn vị địa phương là 5530,2 tỷ đồng, bằng 9,2%.
Ước thực hiện kế hoạch vốn đầu tư theo dự án, chương trình mục tiêu phần vốn ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2007 đạt 50445,1 tỷ đồng, bằng 52,9% kế hoạch năm, trong đó các đơn vị trung ương là 18230,8 tỷ đồng, bằng 51,5%; các đơn vị địa phương là 32214,3 tỷ đồng, bằng 53,7%.
Tổng số vốn đầu tư thực hiện và tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước của một số Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố có khối lượng thực hiện đạt trên 50% kế hoạch năm như sau: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1,09 nghìn tỷ đồng, bằng 50,3%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 698,8 tỷ đồng, bằng 56,9%; Bộ Y tế 588,9 tỷ đồng, bằng 55,3%; Bộ Văn hoá Thông tin 191,3 tỷ đồng, bằng 56,9%; Bộ Thuỷ sản 129,6 tỷ đồng, bằng 52,6%; Bộ Công nghiệp 124 tỷ đồng, bằng 64,9%; Bộ Xây dựng 75,8 tỷ đồng, bằng 50,2%; Hà Nội 3,23 nghìn tỷ đồng, bằng 55,9%; Đà Nẵng 1,3 nghìn tỷ đồng, bằng 62,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu 1,22 nghìn tỷ đồng, bằng 62,6%; Bình Dương 621,1 tỷ đồng, bằng 64,5%; Lâm Đồng 582,6 tỷ đồng, bằng 61,7%; Thừa Thiên - Huế 527 tỷ đồng, bằng 60,6%; riêng thành phố Hồ Chí Minh 3,46 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% kế hoạch năm; Hải Phòng 661,3 tỷ đồng, bằng 47,9%; Nghệ An 587,5 tỷ đồng, bằng 49,1%.
Tình hình đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ đầu năm đến 22/7/2007 có 717 dự án được cấp phép, với tổng số vốn đăng ký 6,37 tỷ USD. Ngoài ra, từ đầu năm đến thời điểm trên còn có khoảng 1,2 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung vào các dự án đã được cấp phép các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng năm 2007 ước tính đạt 2,7 tỷ USD.
Số dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài mới được cấp phép 7 tháng năm 2007 tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp với 460 dự án và 3,43 tỷ USD, chiếm 64,1% số dự án và 53,9% tổng vốn đăng ký; khu vực dịch vụ 220 dự án và 2,82 tỷ USD, chiếm 30,7% số dự án và 44,2% tổng vốn đăng ký; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 37 dự án và 121,9 triệu USD, chiếm 5,2% số dự án và 1,9% tổng vốn đăng ký.
Trong các địa phương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được cấp phép thì Bà Rịa-Vũng Tàu có vốn đăng ký đứng đầu cả nước với 1,07 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Hà Nội 858,8 triệu USD, chiếm 13,5%; Hậu Giang 629 triệu USD, chiếm 9,9%; Bình Dương 610,8 triệu USD, chiếm 9,6%; thành phố Hồ Chí Minh 581 triệu USD, chiếm 9,1%; Thừa Thiên-Huế 553,4 triệu USD, chiếm 8,7%; Hải Dương 185,1 triệu USD; Đồng Nai 184,3 triệu USD, Bắc Ninh 171,8 triệu USD, Hưng Yên 150,2 triệu USD, Lâm Đồng 128 triệu USD, Ninh Thuận 109,1 triệu USD, Long An 101,7 triệu USD, Thái Nguyên 100 triệu USD.
Có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án mới cấp phép vào nước ta trong 7 tháng qua, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án và vốn đăng ký với 214 dự án và 1,43 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng số dự án và 22,5% tổng vốn đăng ký; Xin-ga-po có số vốn đăng ký lớn thứ hai với 1,32 tỷ USD, chiếm 20,7% tổng vốn đăng ký; Quần đảo Virgin thuộc Anh 859,4 triệu USD, chiếm 13,5%; Ấn Độ 527,4 triệu USD, chiếm 8,3%; Đài Loan 488,2 triệu USD, chiếm 7,7%; Nhật Bản 427,4 triệu USD, chiếm 6,7%; Thái Lan 247,9 triệu USD, CHND Trung Hoa 209,6 triệu USD, Hoa Kỳ 157,3 triệu USD.
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (Vốn dự án và chương trình mục tiêu) thực hiện tháng 7 và 7 tháng
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài 01/01 - 22/7/2007
4. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 7 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 394,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế nhà nước chiếm 10,7% tổng mức, giảm 7,8%; kinh tế cá thể chiếm 57,2%, tăng 27,2%; kinh tế tư nhân chiếm 28,4%, tăng 30,5% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,7%, tăng 28,5%. Trong tổng mức, ngành thương nghiệp chiếm gần 82%, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn, nhà hàng chiếm 11,9%, tăng 21,5%; du lịch chiếm 1,2%, tăng 44,7%; dịch vụ chiếm 5%, tăng 35,7%.
Giá tiêu dùng tháng 7/2007 tăng 0,94% so với tháng trước, do giá tiếp tục tăng cao ở tất cả các nhóm hàng hoá và dịch vụ, trong đó giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong tiêu dùng của dân cư tăng mạnh, đặc biệt là thực phẩm: Giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn tăng 1,6%, riêng lương thực tăng 0,5% (tăng nhẹ so với mức tăng 0,4% của tháng 6), thực phẩm tăng 2,3% (tăng hơn gần 1 điểm phần trăm so với mức tăng 1,4% trong tháng 6); nhà ở, vật liệu xây dựng và dược phẩm, y tế đều tăng ở mức 0,7%; thiết bị, đồ dùng gia đình và may mặc, giày dép, mũ nón đều tăng 0,5%; phương tiện đi lại, bưu điện chỉ tăng 0,2% (riêng phân nhóm bưu chính, viễn thông tiếp tục giảm 0,1%).
So với tháng 12/2006, giá tiêu dùng tháng 7 tăng 6,2%, cao hơn mức tăng của tháng 6 là 1 điểm phần trăm, trong đó tất cả các nhóm hàng đều có xu hướng tăng cao hơn tháng 6, tăng cao nhất là nhà ở và vật liệu xây dựng (+9%), tiếp đến là các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,5%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,9%; may mặc giày dép mũ nón tăng 4%, phương tiện đi lại, bưu điện tăng 3,4%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,7%; dược phẩm, y tế tăng 3,6%.
Giá vàng tháng 7/2007 giảm 0,6% so với tháng 6/2007 nhưng đã tăng 4,4% so với tháng 12/2006 và tăng 5,5% so với tháng 7/2006. Giá đô la Mỹ tháng 7/2007 tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 0,3% so với tháng 12 năm trước và tăng gần 1% so với tháng 7 năm trước.
Tổng trị giá hàng hoá xuất, nhập khẩu 7 tháng năm 2007 ước tính đạt 59 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,6% và nhập khẩu tăng 29,8%. Nhập siêu hàng hoá 7 tháng là 5,45 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi mức nhập siêu 2,44 tỷ USD trong 7 tháng năm trước và bằng 20,4 % trị giá hàng hoá xuất khẩu.
Giá trị hàng hoá xuất khẩu tháng 7/2007 ước tính đạt 4,25 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ, trong đó nhiều mặt hàng chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng 6 tháng như: hàng dệt, may tháng 7 tăng 31% so với tháng 7 năm trước; giày, dép tăng 25,2%; điện tử, máy tính tăng 35,1%; gạo tăng 10,3%; hạt điều tăng 26,1%; sản phẩm gỗ tăng 37,1%. Bên cạnh đó, thuỷ sản xuất khẩu tháng 7 tăng thấp hơn so với mức tăng của 6 tháng và đặc biệt là dầu thô giảm tới 17,3%, làm giảm đáng kể trị giá xuất khẩu, kéo theo tốc độ tăng của xuất khẩu tháng 7 thấp hơn so với mức tăng 19,7% của 6 tháng.
Tính chung 7 tháng, giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 26,79 tỷ USD, tăng 4,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước 11,72 tỷ USD, tăng 24,7% ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô 10,64 tỷ USD, tăng 32,8%. Có 7 mặt hàng trị giá xuất khẩu đạt từ một tỷ USD trở lên, trong đó dầu thô 4,43 tỷ USD, giảm 11,3% (làm giảm gần 13% giá trị xuất khẩu 7 tháng); dệt may 4,24 tỷ USD, tăng 28,6%; giày, dép 2,37 tỷ USD, tăng 14,4%; hàng điện tử, máy tính 1,1 tỷ USD, tăng 24,6%; cà phê 1,33 tỷ USD, tăng 102,1% (lượng xuất khẩu tăng 56,6%); sản phẩm gỗ 1,33 tỷ USD, tăng 25,3% và thuỷ sản 1,98 tỷ USD tăng 14,6%. Xuất khẩu gạo 7 tháng mới đạt 2,9 triệu tấn, tương ứng với hơn 900 triệu USD, lượng xuất giảm 14,4% so với cùng kỳ và giá trị giảm 0,9%; xuất khẩu cao su lượng giảm 3,2%, giá trị giảm 0,3%; xuất khẩu hạt tiêu lượng giảm 42,3%, do được giá nên giá trị tăng 17,6%.
Giá trị nhập khẩu hàng hoá tháng 7/2007 ước tính đạt 5,05 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng tháng năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước 3,3 tỷ USD, tăng 30,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,4%. Tốc độ tăng nhập khẩu tháng 7 thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng, do một số mặt hàng chủ yếu tăng thấp hơn như: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 18,7%; xăng, dầu tăng 11,4%; sắt, thép tăng 38,4%, trong đó phôi thép chỉ tăng 2,6%; phân bón tăng 12,5%, trong đó urê giảm tới 62,5%; chất dẻo tăng 29%; bông tăng 14,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 41,8%.
Tính chung 7 tháng, giá trị nhập khẩu ước tính đạt 32,24 tỷ USD, tăng 29,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 20,82 tỷ USD, tăng 31,4% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 26,9%. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và nhiều vật tư, nguyên, nhiên liệu quan trọng cho sản xuất trong nước (trừ phân urê giảm cả về giá trị và lượng nhập khẩu) đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều mặt hàng tăng khá cả về lượng nhập khẩu. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 5,04 tỷ USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước; xăng dầu 4,06 tỷ USD, tăng 11,9%, trong đó lượng nhập khẩu tăng 12%, lên mức 7,55 triệu tấn; sắt thép 2,45 tỷ USD, tăng 52,4%, trong đó lượng nhập khẩu tăng 24,3%, lên 4,1 triệu tấn; phân bón hoá học 520 triệu, tăng 25,1%, lượng nhập tăng 14%, lên 2,16 triệu tấn (đáng chú ý là giá trị nhập khẩu phân urê gần 100 triệu USD, giảm 13,7% và lượng giảm 18,9%); chất dẻo 1,31 tỷ USD, tăng 31,8%, lượng tăng 17,6%; vải 2,26 tỷ USD, tăng 32,1%...
Vận chuyển hành khách 7 tháng năm 2007 ước tính đạt 876 triệu lượt khách và 38,4 tỷ lượt khách.km, tăng 8,3% về lượt khách và tăng 8,8% về lượt khách.km so với cùng kỳ năm 2006. Theo cấp quản lý, các đơn vị vận tải trung ương vận chuyển 17 triệu lượt khách, tăng 3,8% và 11,4 tỷ lượt khách.km, tăng 12,9%; các đơn vị vận tải địa phương vận chuyển 859 triệu lượt khách, tăng 8,4% và 27 tỷ lượt khách.km, tăng 7,2%. Vận chuyển hành khách của các ngành vận tải vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ năm trước (trừ ngành đường sắt giảm về số lượt khách nhưng tăng cao về số lượt khách.km), trong đó đường bộ tăng 9,3% về lượt khách và tăng 9,1% về lượt khách.km; tương tự, đường hàng không tăng 16,7% và tăng 9,2%; đường biển tăng 5,8% và tăng 5,7%; đường sông tăng 2% và tăng 2,2%.
Vận chuyển hàng hoá 7 tháng năm 2007 ước tính đạt 212,6 triệu tấn và 52,9 tỷ tấn.km, tăng 7,6% về số tấn và tăng 6,9% về số tấn.km so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này, các công trình giao thông đang ở giai đoạn thi công cao điểm để tránh mùa bão lụt sắp tới, ngoài ra, nguồn hàng vận chuyển Bắc – Nam khá dồi dào, một số địa phương vẫn tiếp tục tiến hành xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội tỉnh, do đó các đơn vị vận tải ở hầu hết các ngành đều đáp ứng nhu cầu vận chuyển. Vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ tăng cao hơn tốc độ tăng chung, tăng 8,9% về số tấn và tăng 9,2% về số tấn.km; đường biển tăng 5,5% và tăng 6,4%; đường sông tăng 5,6% và tăng 5,8%; đường sắt tiếp tục đảm nhận vận chuyển hàng hoá ở những tuyến đường dài, giảm 3,2% về số tấn nhưng tăng 11,1% về số tấn.km; riêng đường hàng không giảm cả về khối lượng vận chuyển và luân chuyển.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2007 ước tính đạt 343 nghìn lượt người, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2006. Tính chung 7 tháng năm 2007, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 2,46 triệu lượt người, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng năm 2006 chỉ tăng 7%). Khách đến Việt Nam 7 tháng đầu năm nay chủ yếu là khách đến du lịch, nghỉ ngơi với 1,54 triệu lượt người, chiếm 62,6% tổng số khách đến, tăng 27,5%; vì công việc 357,7 nghìn lượt người, tăng 11,5%; thăm thân nhân 358,7 nghìn lượt người, tăng 2,2%; riêng khách đến với các mục đích khác 203,2 nghìn lượt người, giảm 14,3%. Khách quốc tế đến nước ta trong 7 tháng năm nay chủ yếu bằng đường hàng không, với 1,91 triệu lượt người, chiếm 78% tổng số, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2006, trong khi đó số khách đến bằng đường biển và đường bộ đều giảm so với cùng kỳ.
Khách đến từ CHND Trung Hoa đã tăng dần trở lại, số khách đến trong tháng 7/2007 đã tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước và như vậy tính chung 7 tháng năm 2007 chỉ còn giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2006. Khách đến từ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ôx-trây-li-a, Ca-na-da với số lượng lớn vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Việt Nam đang là điểm đến thu hút du khách quốc tế, đáng chú ý là khách đến từ Ma-lai-xi-a tăng 61,8%; từ I-ta-li-a tăng 65,4%; từ Liên bang Nga tăng 64,9%; từ Niu-li-lân tăng 40,2%. Riêng khách đến từ Lào và Cam-pu-chia giảm so với cùng kỳ.
Bưu chính, viễn thông: Hoạt động bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển mạnh, hoàn thành mục tiêu 35 máy điện thoại/100 dân được đề ra trong kế hoạch 5 năm. Trong thời gian này, các đơn vị viễn thông vẫn tiếp tục đưa ra hàng loạt các hình thức khuyến mại cho cả hai loại hình thuê bao cố định và di động; bên cạnh đó xuất hiện thêm một số công ty mới đi vào kinh doanh như H-T mobile và EVN với giá cước rẻ, tặng máy điện thoại và simcard nên đã thu hút nhiều khách hàng. Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng 7 tiếp tục tăng cao, ước tính có 3,5 triệu thuê bao phát triển mới, nâng tổng số thuê bao của toàn ngành tính đến hết tháng 7/2007 lên trên 14 triệu. Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông 7 tháng ước tính đạt 38,8 nghìn tỷ đồng, tăng 85,2% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông là 26,2 nghìn tỷ đồng.
5. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/7/2007 ước tính bằng 50,2% dự toán cả năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 53,6% (thu từ kinh tế Nhà nước bằng 49,9%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không kể dầu thô bằng 47,9%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 57,8%; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bằng 68,7%; thu phí xăng dầu bằng 51,7%; thu phí lệ phí bằng 59,4%). Thu từ dầu thô bằng 41,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 51,7%; thu viện trợ bằng 54,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/7/2007 ước tính bằng 49,6% dự toán cả năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 45,8% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 45,3%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (gồm cả chi cải cách tiền lương, chi xử lý chính sách đối với lao động dôi dư) bằng 53,2%; chi trả nợ và viện trợ bằng 52,1%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2007
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 7 năm 2007
Xuất khẩu tháng 7 và 7 tháng năm 2007
Nhập khẩu tháng 7 và 7 tháng năm 2007
Trị giá xuất khẩu hàng hoá phân theo nước và vùng lãnh thổ chủ yếu và phân theo mặt hàng 6 tháng đầu năm 2007
Trị giá nhập khẩu hàng hoá phân theo nước và vùng lãnh thổ chủ yếu và phân theo mặt hàng 6 tháng đầu năm 2007
Trị giá xuất, nhập khẩu hàng hoá phân theo nước và vùng lãnh thổ chủ yếu 6 tháng đầu năm 2007
Vận tải hành khách và hàng hoá 7 tháng năm 2007
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 và 7 tháng năm 2007
B. XÃ HỘI
Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng 7/2007 có 19,4 nghìn hộ tương ứng với 91,9 nghìn nhân khẩu bị thiếu đói, chiếm 0,17% tổng số hộ và 0,18% tổng số nhân khẩu nông nghiệp của cả nước. Tháng 7 là tháng có số hộ và số nhân khẩu thiếu đói thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. So với tháng trước, số hộ thiếu đói giảm 49,5%; số nhân khẩu thiếu đói giảm 50,4%. So với thời điểm cuối tháng 7/2006, số hộ thiếu đói giảm 28,8% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 30,2%. Trong tháng, thiếu đói chỉ xảy ở 9 tỉnh thuộc các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Để hỗ trợ các hộ thiếu đói khắc phục khó khăn, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân đã trợ giúp hơn 4 nghìn tấn lương thực và hàng tỷ đồng.
Giáo dục và đào tạo
Tuyển sinh đại học:
Trong 2 ngày 4/7/2007 và 5/7/2007, trên phạm vi cả nước đã diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học đợt 1 cho khối A, V của 92 đại học, học viện và trường đại học. Kỳ thi tuyển sinh đợt 2 diễn ra vào 2 ngày 9/7/2007 và 10/7/2007 với 84 đại học, học viện, trường đại học dành cho các khối B, C, D và năng khiếu. Tính chung cả 2 đợt thi có 176 cơ sở tổ chức thi, không kể một số trường năng khiếu ra đề thi riêng. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1496,9 nghìn thí sinh, trong đó có 1054,1 nghìn thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 70,4%. Trong hai đợt thi năm nay, có 392 thí sinh bị kỷ luật, chỉ bằng 33,6% so với 2 đợt thi năm 2006, trong đó 61 thí sinh bị khiển trách, 16 cảnh cáo và 315 bị đình chỉ thi; 64 cán bộ coi thi bị xử lý kỷ luật, trong đó có 16 bị đình chỉ công tác coi thi.
Tuyển sinh cao đẳng:
Trong 2 ngày 15/7/2007 và 16/7/2007 có 126 trường cao đẳng tổ chức tuyển sinh cho 4 khối thi A, B, C, D với 490 điểm thi và hơn 13,8 nghìn phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 538,9 nghìn thí sinh, trong đó có 357,6 nghìn thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 66,4%. Trong đợt thi năm nay, có tổng số 80 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 14 trường hợp, cảnh cáo 2 trường hợp và đình chỉ 64 trường hợp.
Tình hình dịch bệnh
Trong tháng 7/2007 có 2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 13,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; hơn 1,1 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút và 343 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cả nước có 26,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước; 32,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 40,5%; 3,6 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút, tăng 3,7% và 589 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước), trong đó 11 trường hợp đã tử vong.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Trong tháng 7/2007 đã phát hiện thêm gần 1,5 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước lên 129,1 nghìn người, trong đó 25,5 nghìn bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 14,2 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng đã xảy ra 14 vụ với 358 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Như vậy, trong 7 tháng năm 2007 đã có gần 3,2 nghìn trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 25 người đã tử vong.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 6/2007, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1189 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1044 người và bị thương 936 người. So với tháng trước, tai nạn giao thông giảm 1 vụ; số bị chết giảm 76 người và số bị thương tăng 53 người. So với cùng kỳ năm 2006, số vụ tai nạn giao thông tăng 6%; số người chết tăng 11,8% và số người bị thương 15,4%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn cả nước xảy ra 7,7 nghìn vụ tai nạn, làm chết 6,9 nghìn người và làm bị thương 5,9 nghìn người. So với 6 tháng đầu năm 2006, số vụ tai nạn giao thông tăng 1,2%; số người chết tăng 7,2% và số người bị thương tăng 0,7%. Bình quân một ngày trong 6 tháng đầu năm nay xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người và làm bị thương 33 người.
Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng 7/2007 đã xảy ra hiện tượng lốc xoáy, mưa to, lũ, sạt lở đất và sét đánh tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lai Châu, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm 12 người chết và mất tích; hơn 500 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại; 131 ngôi nhà bị sập đổ, 633 nhà bị sạt lở, tốc mái và ngập nước. Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 25 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã tiến hành công tác khắc phục hậu quả, thu dọn hiện trường và tổ chức cứu trợ, giúp đỡ các gia đình gặp nạn ổn định sản xuất và đời sống./.