A. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp
Ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2007 tính theo giá so sánh tăng 7,87%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ 2005, 2006, trong đó quí I tăng 7,69% và quí II tăng 8%. Tăng trưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 2,67%; công nghiệp, xây dựng 9,88% và dịch vụ tăng 8,41%. Mức đóng góp của các khu vực vào 7,87% tăng trưởng chung lần lượt là: khu vực công nghiệp, xây dựng 3,94 điểm phần trăm; dịch vụ 3,4 điểm phần trăm; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 0,53 điểm phần trăm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm nay tăng thấp, chủ yếu do sản lượng lúa đông xuân giảm 3% so với vụ đông xuân năm trước. Lúa đông xuân có tỷ trọng cao trong giá trị tăng thêm nông nghiệp 6 tháng, nên đã làm giảm 1 điểm phần trăm tăng trưởng của ngành này so với cùng kỳ, kéo theo cả khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng trưởng thấp hơn, cho dù thuỷ sản đã tăng tới 9,31%. Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng cao hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do công nghiệp chế biến tăng cao; sản xuất, phân phối điện, ga và nước giữ được mức tăng ổn định. Tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn hẳn mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây, trong đó hầu hết các ngành dịch vụ kinh doanh đều duy trì được mức tăng trưởng cao và hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước.
Tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2007
2. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2007 ước tính tăng 14,5% so với 6 tháng đầu năm 2006 và bằng 46,1% dự toán cả năm, trong đó các khoản thu nội địa tăng 24,9% và đạt 48,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất khẩu tăng 27,1% và đạt 48,7%; thu viện trợ tăng 16,2% và đạt 50,3%; thu từ dầu thô 6 tháng đầu năm giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 38,6% dự toán cả năm, chủ yếu do khai thác và xuất khẩu dầu thô giảm.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2007 ước tính tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 45,8% dự toán cả năm, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 19,6% và bằng 42,5%; chi thường xuyên tăng 9,4% và bằng 50,2%; chi trả nợ và viện trợ bằng 47,1%. Bội chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2007 ước tính bằng 46,8% mức dự toán cả năm, trong đó 71,7% được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và 28,3% từ nguồn vay nước ngoài.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2007 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp tăng 2%, lâm nghiệp tăng 1,2% và thuỷ sản tăng 9,7%.
Sản lượng vụ đông xuân năm nay ước tính đạt 17,1 triệu tấn, giảm 531,3 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc 6,2 triệu tấn, giảm 597,5 nghìn tấn, do diện tích giảm 0,6% và năng suất lúa giảm 8,2%; các địa phương phía Nam đạt 10,9 triệu tấn, tăng 66,2 nghìn tấn, chủ yếu do năng suất tăng 0,4 tạ/ha. Sản lượng hầu hết các cây trồng vụ đông xuân khác đều tăng so với cùng vụ năm trước.
Chăn nuôi: Theo kết quả điều tra chăn nuôi ngày 1/4/2007, tổng đàn lợn cả nước bằng 98,6% cùng thời điểm năm trước, giảm 384 nghìn con, chủ yếu do đàn lợn thịt giảm 1,6%; đàn trâu giảm gần 2%, chủ yếu giảm đàn trâu cày kéo; đàn bò tăng trên 5%, chủ yếu tăng ở các tỉnh miền núi, duyên hải Nam Trung bộ do có nguồn thức ăn dồi dào cho chăn thả. Đàn gia cầm được khôi phục nhưng tốc độ tăng chậm lại, ước tính chỉ tăng dưới 4%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại tăng trên 4%, trong đó thịt bò hơi tăng khoảng 6%; thịt lợn hơi tăng 4%.
Dịch bệnh: Tính đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 67 xã của 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và còn 8 xã thuộc 2 huyện của tỉnh Quảng Trị có các ổ dịch lở mồm, long móng xảy ra chưa qua 21 ngày. Đến ngày 21/6/2007, có 63 tỉnh/thành phố đã và đang triển khai công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2007, trong đó có 44 tỉnh đã cơ bản hoàn thành tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm lần 1 đợt 1 năm 2007. Tổng số gia cầm được tiêm là 146,6 triệu con.
Lâm nghiệp: 6 tháng đầu năm 2007 đạt khá so với cùng kỳ năm trước do thời tiết tương đối thuận. Diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 97,8 nghìn ha, tăng 0,3%; trồng cây phân tán 110,4 triệu cây, tăng 0,2%; sản lượng gỗ khai thác 1387,5 nghìn m3, tăng 2,9%. Do thời tiết khô hanh kéo dài ở các tỉnh phía Bắc, nên mặc dù công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được tăng cường nhưng số vụ cháy và diện tích rừng bị thiệt hại tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước: Diện tích rừng bị thiệt hại ước tính 4310,1 ha, tăng 54,9% so với cùng kỳ; trong đó diện tích rừng bị cháy là 3704,4 ha.
Thuỷ sản: Sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1849,5 nghìn tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng tăng 19,2%; khai thác tăng 2,6%. Nuôi trồng thuỷ sản tăng khá, do giá cá tra, cá basa tăng cao, nuôi cá bằng lồng bè phát triển khá. Khai thác thuỷ sản đạt 1076,9 nghìn tấn, trong đó khai thác biển đạt 989,4 nghìn tấn, tăng 3%. Khai thác thuỷ sản tăng do thời tiết thuận lợi, các loại cá xuất hiện nhiều và dài ngày ở vùng biển miền Trung và phía Nam, tàu và thuyền được cải hoán nâng cao công suất đảm bảo hoạt động trên nhiều tuyến, ra khơi thường xuyên.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2007 (Theo giá so sánh 1994)
Kết quả sản xuất vụ đông xuân năm 2007
Sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2007
4. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2007 theo giá so sánh ước tính tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,5%, khu vực ngoài Nhà nước tăng 20,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,3% (dầu mỏ và khí đốt giảm 4%, các sản phẩm khác tăng 24,3%).
Trong ba ngành công nghiệp cấp I, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn, tăng 18,8%, góp phần quan trọng làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp; khai thác mỏ chỉ tăng 1,5%, do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,4% và sản lượng than sạch khai thác tăng ở mức 12,4%; sản xuất và phân phối điện, ga, nước tăng 11,5% (trong đó sản lượng điện sản xuất tăng 11,6%).
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của ngành chế biến có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung như thép cán, bia, thuốc trừ sâu, gạch lát, máy công cụ, động cơ điện, máy biến thế, ô tô lắp ráp, xe máy lắp ráp. Bên cạnh đó một số sản phẩm quan trọng đối với nền kinh tế cũng như liên quan đến xuất khẩu lại tăng ở mức thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm sút so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2007 (Giá so sánh 1994)
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2007
5. Đầu tư
Tổng vốn đầu tư thực hiện 6 tháng đầu năm 2007 theo giá thực tế ước tính đạt 196,8 nghìn tỷ đồng, bằng 43,5% kế hoạch cả năm, trong đó vốn Nhà nước 92,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4%; vốn ngoài Nhà nước 69,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 35,2 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2%.
Trong vốn nhà nước, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước tính thực hiện 41,8 nghìn tỷ đồng, bằng 43,8% kế hoạch cả năm, trong đó vốn do trung ương quản lý 15,1 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm, vốn do địa phương quản lý 26,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,4% kế hoạch năm.
Từ đầu năm đến 22/6/2007 có 484 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được cấp phép với số vốn đăng ký 3,93 tỷ USD. Nếu tính cả 869,9 triệu USD vốn đăng ký bổ sung vào 199 dự án đã được cấp phép các năm trước thì tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài là 4,8 tỷ USD, đây là mức khá cao so với cùng kỳ các năm trước. Trong các dự án mới được cấp phép, dự án công nghiệp và xây dựng chiếm 57% tổng vốn đăng ký; dịch vụ chiếm 40,9% và nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 2,1% tổng vốn đăng ký.
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (Vốn dự án và chương trình mục tiêu) thực hiện tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2007
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài 01/01 - 22/6/2007
6. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 335,6 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các khu vực kinh tế đều tăng trên 25%, riêng khu vực kinh tế nhà nước giảm 7,7%. Xét theo ngành kinh doanh, thương nghiệp chiếm gần 82%, tăng 22,6%; khách sạn, nhà hàng chiếm 11,8%, tăng 21,7%; du lịch chiếm 1,2%, tăng 38,6%; dịch vụ chiếm 5,1%, tăng 28,4%.
Giá tiêu dùng tháng 6/2007 tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 5,2% so với tháng 12/2006 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu dùng tăng do giá của tất cả các nhóm hàng hóa đều tăng với các mức độ khác nhau. So với 6 tháng đầu năm trước, giá tiêu dùng bình quân tăng 7%, thấp hơn mức tăng bình quân 8,6% trong 6 tháng đầu năm 2005 và 7,9% trong 6 tháng đầu 2006 và thấp hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, với xu hướng tăng giá như 6 tháng đầu năm và các biến động khó lường về giá trên thị trường quốc tế để việc kiềm chế tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng, cần có các giải pháp hữu hiệu và sự quan tâm thường xuyên của các cơ quan hữu quan.
Giá vàng 6 tháng biến động thất thường, bình quân 6 tháng tăng 11,9% so với 6 tháng đầu năm trước, trong đó giá vàng tháng 6/2007 giảm 2% so với tháng trước nhưng tăng 5% so với tháng 12/2006 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ 6 tháng có xu hướng tăng nhẹ từ tháng 4/2007 và hầu hết các tháng đều tăng so với cùng tháng năm trước, bình quân mỗi tháng tăng 0,5%. Giá đô la Mỹ tháng 6/2007 tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 0,1% so với tháng 12/2006 và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất, nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 49,69 tỷ USD, tăng 25,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,4% và nhập khẩu tăng 30,4%. Do nhập khẩu tăng mạnh so với tốc độ tăng xuất khẩu nên nhập siêu hàng hoá 6 tháng đầu năm nay đã ở mức 4,78 tỷ USD, cao hơn mức nhập siêu 1,98 tỷ USD của 6 tháng đầu năm trước là 2,8 tỷ USD và bằng 21,3% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn gấp đôi tỷ lệ 10,6% của 6 tháng đầu năm 2006.
Giá trị xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 22,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước 9,8 tỷ USD, tăng 24,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt 8,9 tỷ USD, tăng 31,4%. Thị trường xuất khẩu chính 5 tháng đầu năm 2007 phát triển không đồng đều, trong đó thị trường ASEAN tăng 29,8%, EU tăng 28,4%, Mỹ tăng 23%, Trung Quốc tăng dưới 5%, riêng thị trường Nhật Bản giảm 0,4%; Ôx-trây-li-a giảm 11%.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu 6 tháng đầu năm nay nhìn chung đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều mặt hàng lớn (giá trị xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD trở lên) giữ được tốc độ tăng cao. Giá trị xuất khẩu dầu thô giảm, do lượng xuất khẩu giảm 6,7%, giá giảm 3,6% và mới đạt 43,9% kế hoạch cả năm 2007; xuất khẩu gạo 731 triệu USD, giảm 5,6%, chủ yếu do lượng xuất khẩu giảm 18,9%, mới đạt 2,3 triệu tấn; cao su 527 triệu USD, tăng 1,6% (lượng giảm 3,5%); hạt điều 255 triệu USD, tăng 16,3% (lượng tăng 14,3%).
Giá trị nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 27,2 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước 17,3 tỷ USD, tăng 30,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 9,9 tỷ USD, tăng 30,7%. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và nhiều vật tư, nguyên, nhiên liệu quan trọng cho sản xuất trong nước tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Xuất, nhập khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 6,2 tỷ USD, tăng 20,8% trong đó xuất khẩu dịch vụ gần 3 tỷ USD, tăng 17,2% và nhập khẩu dịch vụ đạt 3,2 tỷ USD, tăng 24,4%. Nhìn chung, giá trị xuất khẩu các loại dịch vụ 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu dịch vụ có mức tăng cao hơn xuất khẩu dịch vụ do phí vận tải và bảo hiểm hàng hoá nhập khẩu tăng 31,6%, dịch vụ tài chính tăng 23,1%, dịch vụ bảo hiểm tăng 16,9%.
Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2007 ước tính đạt 749,9 triệu lượt khách và 32,6 tỷ lượt khách.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,3% về lượt khách và tăng 10,1% về lượt khách.km. Vận chuyển hành khách ở hầu hết các ngành đều tăng khối lượng luân chuyển, trong đó vận tải đường bộ, đường sắt và đường không có mức tăng cao hơn mức tăng chung.
Vận chuyển hàng hoá 6 tháng ước tính đạt 181,6 triệu tấn và 45,2 tỷ tấn.km; tăng 7,6% về tấn và 7% về tấn.km. Vận chuyển hàng hoá của hầu hết các ngành đều tăng khá cả về khối lượng vận chuyển và luân chuyển, riêng vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt giảm 2,4% về khối lượng vận chuyển và đường hàng không giảm cả về khối lượng vận chuyển và luân chuyển.
Khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm ước tính đạt 2,11 triệu lượt người, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu tăng cao ở nhóm khách đến với mục đích du lịch, nghỉ ngơi với 1,33 triệu lượt người, tăng 24%, vì công việc 307,7 nghìn lượt người, tăng 10,6%; thăm thân nhân 308,8 nghìn lượt người, tăng 9,7%; khách đến với mục đích khác giảm 19,4%.
Bưu chính, viễn thông trong nước và quốc tế tiếp tục phát triển ổn định. Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong 6 tháng ước tính đạt 8,9 triệu, nâng tổng số thuê bao trên cả nước tính đến hết tháng 6 đạt 36,4 triệu. Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ phát triển viễn thông cao so với các nước trong khu vực.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2007
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 6 năm 2007
Xuất khẩu tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2007
B. XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư
Đời sống dân cư trong 6 tháng đầu năm 2007 nhìn chung ổn định. Mặc dù chịu tác động bởi giá tiêu dùng tăng và các khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng các ngành và địa phương đã có nhiều biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Thu nhập bình quân một tháng của lao động trong khu vực Nhà nước ước tính đạt trên 1,9 triệu đồng, trong đó của lao động Nhà nước do trung ương quản lý 2,4 triệu đồng và của lao động Nhà nước do địa phương quản lý 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên, mức thu nhập này không đồng đều giữa các ngành và các địa phương. Đời sống nông dân ổn định. Số lượt hộ thiếu đói giảm 25,4% và số lượt nhân khẩu thiếu đói giảm 30,6% so với cùng kỳ.
Lao động và thu nhập bình quân trong khu vực Nhà nước 6 tháng đầu năm 2007
2. Giáo dục và đào tạo
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và THPT bổ túc
Năm học 2006-2007, cả nước có 907 nghìn học sinh dự thi tốt nghiệp THPT và 158,3 nghìn học sinh dự thi tốt nghiệp THPT bổ túc; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 66,7% và tỷ lệ tốt nghiệp THPT bổ túc đạt 26,6%. Cả hai tỷ lệ đều giảm mạnh so với các tỷ lệ tương ứng của năm học trước. Kỳ thi tốt nghiệp năm học này là kỳ thi đầu tiên thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Những số liệu trên đây là điều cảnh báo về chất lượng giáo dục và cần được xem xét một cách nghiêm túc ở cả hai phía dạy và học.
Tình hình tuyển sinh đại học, cao đẳng:
Chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của 88 trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo năm học 2007-2008 là 111,3 nghìn chỉ tiêu, tăng 8% so với năm học trước; trong đó 96 nghìn chỉ tiêu hệ đại học, 15,3 nghìn chỉ tiêu hệ cao đẳng và 12,9 nghìn chỉ tiêu hệ trung cấp chuyên nghiệp. Trong tổng số, chỉ tiêu đào tạo đại học ngoài công lập tăng 18% so với năm học trước. Tổng số hồ sơ chính thức đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm học 2007-2008 là 1,9 triệu hồ sơ, trong đó 71% hồ sơ đăng ký dự thi đại học và 29% đăng ký dự thi cao đẳng.
Kết quả sơ bộ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phân theo địa phương
3. Tình hình dịch bệnh
Trong 6 tháng đầu năm 2007, cả nước có 24,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước; 19,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 25%; 246 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, giảm 40,4% và gần 500 trường hợp mắc bệnh thương hàn, giảm 22%. Đặc biệt, dịch cúm A (H5N1) trên người sau 17 tháng (kể từ tháng 11/2005) được khống chế đã tái phát trở lại. Trong tháng 6, đã có thêm 5 trường hợp nhiễm bệnh, nâng tổng số trường hợp bị mắc tính từ trường hợp đầu tiên (26/12/2003) đến nay lên 98 trường hợp, trong đó 43 người đã tử vong.
Số người nhiễm HIV trong cả nước tính đến 16/6/2007 là 127,6 nghìn người, trong đó 25,1 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và gần 14 nghìn người đã tử vong do AIDS. Trong 6 tháng đầu năm nay, có hơn 2,5 nghìn trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 24 người đã tử vong.
4. Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa, thông tin 6 tháng đầu năm tập trung thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là bầu cử Quốc hội khóa XII và kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh. Đã tiến hành kiểm tra hành chính hơn 2,7 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, phát hiện và xử lý gần 1 nghìn vụ vi phạm, thu giữ nhiều tang vật và phạt hành chính 2,7 tỷ đồng.
Thể dục, thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi. Trong 6 tháng đầu năm 2007, đã tổ chức thành công nhiều giải thể thao quần chúng. Đã tổ chức thành công hơn 60 giải thi đấu thể thao thành tích cao trong nước và 6 giải thể thao quốc tế tại Việt Nam. Ngoài ra, các vận động viên Việt Nam đã tham gia nhiều giải thi đấu quốc tế tại nước ngoài, giành được 11 Huy chương vàng cấp thế giới, 2 Huy chương vàng cấp châu lục và 14 Huy chương vàng các giải quốc tế và mở rộng khác.
5. Tai nạn giao thông
Tính chung 5 tháng đầu năm 2007, đã xảy ra 6,5 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 5,9 nghìn người và bị thương 5 nghìn người. So với cùng kỳ năm 2006, số vụ tai nạn tăng 0,4%; số người chết tăng 6,7%; số người bị thương giảm 1,8%. Bình quân một ngày trong 5 tháng đầu năm nay xảy ra tới 43 vụ tai nạn, làm chết 39 người và làm bị thương 33 người. Tai nạn giao thông xảy ra trong 5 tháng qua chủ yếu trên đường bộ, chiếm trên 96% số vụ; 96,7% số người chết và 96,6% số người bị thương.
6. Thiệt hại do thiên tai
Trong 6 tháng đầu năm 2007 có 32 tỉnh, thành phố ở các vùng, miền khác nhau trong cả nước bị ảnh hưởng của thời tiết bất thường như mưa đá, gió lốc, triều cường, sạt lở đất,... Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai làm 22 người chết, mất tích và 119 người bị thương; khoảng 4,4 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại; 2000m kênh mương bị sạt lở; khoảng 1100 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và ngập nước; hơn 10 nghìn nhà ở bị sạt lở, tốc mái. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 95,1 tỷ đồng.
Khái quát lại, kinh tế-xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2007 tiếp tục phát triển và ổn định. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao, quí II cao hơn quí I; các khu vực kinh tế và các ngành kinh tế đều có tăng trưởng. Xuất khẩu tăng; thu ngân sách tăng so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo được kế hoạch chi thường xuyên và chi đầu tư tăng hơn năm trước; giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm trước và tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng. Tình hình xã hội ổn định, văn hoá, y tế, thể thao phát triển .
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề vì phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: sản xuất nông nghiệp tăng thấp, một số chỉ tiêu như thu, chi ngân sách, vốn đầu tư thực hiện đạt thấp so với kế hoạch cả năm; nhập siêu quá cao do xuất khẩu tăng thấp hơn mức tăng cùng kỳ, hạn chế bởi năng lực sản xuất và sức cạnh tranh nên chưa tận dụng được cơ hội từ gia nhập WTO, trong khi nhập khẩu lại tăng quá mạnh; giá cả vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây tăng giá trong những tháng cuối năm. Về mặt xã hội, cần có giải pháp cấp bách để khắc phục những tồn tại trong giáo dục và phát triển giáo dục một cách vững chắc, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhằm từng bước cải thiện chất lượng nguồn lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế cũng như công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)