1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
a. Sản xuất nông nghiệp: Trọng tâm sản xuất nông nghiệp tháng này là tập trung gieo cấy một số diện tích lúa hè thu muộn và khẩn trương thu hoạch lúa hè thu đại trà tại các tỉnh phía Nam để tránh mưa bão; đồng thời chăm sóc lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc và gieo cấy lúa mùa chính vụ ở các tỉnh phía Nam. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến trung tuần tháng 8 cả nước đã gieo cấy được 2014,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 89,7% cùng kỳ năm trước, trong đó đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy 1619,6 nghìn ha, bằng 87,8%. Lúa mùa cũng đã gieo cấy được 1418,3 nghìn ha, bằng 95,9%, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1149,8 nghìn ha, bằng 96,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy 268,5 nghìn ha, bằng 92,7%.
Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương còn gieo trồng được 906 nghìn ha ngô, bằng 102,4% cùng kỳ năm trước; 140 nghìn ha khoai lang, bằng 90,1%; 375,6 nghìn ha sắn, bằng 99,5%; 218 nghìn ha lạc, bằng 98,3%; 161,6 nghìn ha đậu tương, bằng 94%; 602,5 nghìn ha rau đậu, bằng 95,5%.
Diện tích gieo cấy lúa hè thu và lúa mùa đều thấp hơn cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do các địa phương tiếp tục chuyển một phần diện tích lúa năng suất thấp sang gieo trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu và nuôi trồng thuỷ sản; mặt khác, trong thời vụ vừa qua, vùng trọng điểm lúa đồng bằng sông Cửu Long bị nắng nóng kéo dài, nhiều địa phương thiếu nước gieo cấy; Trung Bộ và Tây Nguyên bị ảnh hưởng của cơn bão số 2, số 3 gây mưa lớn và lũ lụt xảy ra trên diện rộng. Tuy tiến độ gieo cấy chậm nhưng lúa hè thu và lúa mùa đều phát triển tốt, sâu bệnh ít.
Hiện nay nhiều địa phương phía Nam đang thu hoạch lúa hè thu đại trà. Đến 15/8, cả nước đã thu hoạch được 1138 nghìn ha, bằng 98% cùng kỳ năm trước. Trên diện tích lúa hè thu đã thu hoạch, năng suất nhìn chung cao hơn vụ hè thu năm trước 1-3 tạ/ha (Tiền Giang thu hoạch 40 nghìn ha với năng suất bình quân đạt 52,5 tạ/ha, tăng 4,3 tạ/ha so với vụ hè thu 2006; Trà Vinh thu hoạch 23,3 nghìn ha với năng suất bình quân 45,9 tạ/ha, tăng 4,7 tạ/ha; An Giang thu hoạch 188,8 nghìn ha với năng suất 51 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha).
Về chăn nuôi, các ngành và địa phương đang tập trung khống chế và dập các ổ dịch cúm gia cầm, rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn. Tuy nhiên, đến ngày 23/8 cả nước vẫn còn 2 xã thuộc Điện Biên và Cao Bằng dịch cúm gia cầm bùng phát chưa qua 21 ngày. Dịch rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn cũng còn 4 tỉnh là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Bà Rịa-Vũng Tàu.
b. Lâm nghiệp: Trong tháng, nhiều nơi có mưa, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh tiến độ trồng rừng. Do vậy, đến nay một số địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm 2007. Tính chung 8 tháng, cả nước đã trồng được 15,6 nghìn ha rừng tập trung, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước và gần 12,9 triệu cây lâm nghiệp phân tán, tăng 2,8%; khai thác được 359,1 nghìn m3 gỗ, tăng 0,2%.
Công tác bảo vệ rừng tuy đã được tăng cường nhưng tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra. Trong tháng 8/2007, Sơn La đã phát hiện 60 vụ vi phạm lâm luật, trong đó 27 vụ phá rừng làm nương rẫy, 22 vụ khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép; Nghệ An xảy ra 5 vụ cháy rừng; 21 vụ phá rừng làm nương rẫy và 134 vụ khai thác lâm sản trái phép; Thừa Thiên-Huế xảy ra 19 vụ cháy rừng và 474 vụ vi phạm lâm luật. Từ đầu năm đến hết tháng 7, trên địa bàn Lâm Đồng xảy ra 218 vụ phá rừng làm nương rẫy, 349 vụ khai thác gỗ rừng trái phép; Bình Thuận xảy ra 1244 vụ vi phạm lâm luật, trong đó riêng tháng 7 có 187 vụ.
c. Thuỷ sản: Sản lượng thủy sản tháng 8 ước tính đạt 379,7 nghìn tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng 212,6 nghìn tấn, tăng 17,3%; khai thác 167,1 nghìn tấn, giảm 0,1%. Tính chung 8 tháng, sản lượng thuỷ sản đạt trên 2608,7 nghìn tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng 1193,7 nghìn tấn, tăng 18,9%; khai thác 1415 nghìn tấn, tăng 2,4%.
Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 8 năm 2007
2. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 13,2% (Trung ương quản lý tăng 16%; địa phương quản lý tăng 7,5%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 20,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,4% (dầu mỏ và khí đốt tăng 2%; các sản phẩm khác tăng 24,8%).
Tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 10,2% (Trung ương quản lý tăng 13,1%; địa phương quản lý tăng 4,1%); khu vực ngoài Nhà nước tăng 20,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,6% (dầu mỏ và khí đốt giảm 3,9%; các sản phẩm khác tăng 23,2%).
Một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp tương đối lớn trong 8 tháng vẫn duy trì được tốc độ tăng tương đối cao là: Vĩnh Phúc tăng 50,5%; Bình Dương tăng 24,4%; Hà Tây tăng 22,1%; Cần Thơ tăng 20,5%; Hà Nội tăng 20,3%; Hải Phòng tăng 18,7%. Nhưng cũng có một số địa phương khác đạt tốc độ tăng thấp, thậm chí còn giảm sút như thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 12,4%; Đà Nẵng tăng 10,6%; Bà Rịa- Vũng Tàu giảm 0,3%.
Trong số 33 loại sản phẩm công nghiệp chủ yếu thống kê được thì mức sản xuất 8 tháng vừa qua có tới 31 loại tăng cao hơn 8 tháng đầu năm 2006, trong đó: Ô tô lắp ráp 40,5 nghìn chiếc, tăng 65,5%; máy công cụ trên 1,7 nghìn chiếc, tăng 60%; xe máy lắp ráp gần 2 triệu chiếc, tăng 28,1%; giấy bìa 743,4 nghìn tấn, tăng 15,7%; phân hóa học gần 1,6 triệu tấn, tăng 14,3%; than sạch khai thác 26,9 triệu tấn, tăng 14,2%; điện 43,6 tỷ Kwh, tăng 12,4%; vải lụa 381,3 triệu m2, tăng 12,2%; xi măng 21,3 triệu tấn, tăng 10,4%. Bên cạnh đó vẫn có một số sản phẩm mức sản xuất không bằng cùng kỳ năm trước. Trong số những sản phẩm này đáng lưu ý là, khai thác dầu thô 8 tháng chỉ đạt gần 10,4 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, không những ảnh hưởng rất lớn đến tăng kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách Nhà nước mà còn tác động không nhỏ đến đóng góp của ngành công nghiệp vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 8 tháng cũng như cả năm 2007.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 và 8 tháng năm 2007 theo giá so sánh 1994
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp tháng 8 và 8 tháng năm 2007
3. Thương mại, giá cả và dịch vụ
a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 8 tháng ước tính đạt 458,6 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước 49,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7%; kinh tế tập thể 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4%; kinh tế cá thể 262 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9%; kinh tế tư nhân 130,7 nghìn tỷ đồng, tăng 34,4% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 12,2 nghìn tỷ đồng, tăng 24,3%. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nêu trên, ngành thương nghiệp 369,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn nhà hàng 55,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% và tăng 22,9%; du lịch 4,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 18%; dịch vụ 28,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,3% và tăng 37,1%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2007
b. Giá cả: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng trước tuy vẫn còn tăng 0,55% nhưng đã thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 0,8-0,9% của những tháng vừa qua (Tháng 5 tăng 0,77%; tháng 6 tăng 0,85%; tháng 7 tăng 0,94%). Đây là kết quả bước đầu của việc các cấp, các ngành khẩn trương triển khai Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 1/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ thì giá lương thực tháng này so với tháng trước vẫn còn tăng 0,86% và giá thực phẩm tăng 0,92%; tiếp đến là giá dược phẩm và dịch vụ y tế tăng 0,65%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,50%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại chỉ tăng ở mức thấp, thậm chí giá dịch vụ bưu chính, viễn thông còn giảm 0,07%. Nếu trong những tháng tới, các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và có những giải pháp đồng bộ tập trung bình ổn giá lương thực, thực phẩm, dược phẩm thì tốc độ tăng giá sẽ có khả năng thấp hơn.
Tính chung 8 tháng, chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12/2006 đã tăng 6,78%, trong đó giá thực phẩm tăng 10,79%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 9,20%; lương thực tăng 7,05%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại tăng ở mức dưới 5%. Nếu so với tháng 8/2006 thì giá tiêu dùng tháng này tăng 8,57% và tính chung 8 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân 7,37%/tháng, trong đó tăng cao nhất vẫn là nhóm hàng lương thực với tốc độ tăng bình quân 14,74%/tháng; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 10,01%; hàng thực phẩm tăng 7,20%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,74%-6,40%/tháng.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 8 năm 2007
c. Xuất nhập khẩu hàng hóa: Giá trị hàng hóa xuất khẩu 8 tháng ước tính đạt trên 31,2 tỷ USD, tăng 19,3% so với 8 tháng năm 2006, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu gần 13,8 tỷ USD, tăng 25,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô đạt trên 12,3 tỷ USD, tăng 31,8%; dầu thô 5,1 tỷ USD, giảm 11,8%. Đến nay đã có 8 mặt hàng đạt mức xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: Dầu thô 5,1 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước; dệt may gần 5,1 tỷ USD, tăng 29,6%; giày dép trên 2,7 tỷ USD, tăng 14,3%; thủy sản gần 2,4 tỷ USD, tăng 14,1%; sản phẩm gỗ 1,5 tỷ USD, tăng 23,3%; cà phê 1,4 tỷ USD, tăng 90,7%; điện tử, máy tính 1,3 tỷ USD, tăng 24,6%; gạo gần 1,2 tỷ USD, tăng 12,2%.
Giá trị hàng hóa nhập khẩu 8 tháng ước tính đạt 37,6 tỷ USD, tăng 29,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 24,1 tỷ USD, tăng 31%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,5 tỷ USD, tăng 28%. Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao trong 8 tháng là: Máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 6,2 tỷ USD, tăng 51,4%; xăng dầu 4,5 tỷ USD, tăng 6,3%; sắt thép gần 3 tỷ USD, tăng 54,9%; vải 2,6 tỷ USD, tăng 34,3%; điện tử, máy tính và linh kiện 1,8 tỷ USD, tăng 42,6%; chất dẻo 1,5 tỷ USD, tăng 27,9%, nguyên phụ liệu dệt, may, da 1,4 tỷ USD, tăng 7,5%.
Tính chung 8 tháng, tổng mức lưu chuyển ngoại thương đạt trên 68,8 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu 31,2 tỷ USD, tăng 19,3%; nhập khẩu 37,6 tỷ USD, tăng 29,9%. Giá trị hàng hóa nhập siêu 8 tháng 6,4 tỷ USD, bằng 20,5% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu 8 tháng năm 2007 và cao hơn nhiều so với mức nhập siêu 2,8 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2006. Tuy nhiên, nhập siêu chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, trong đó có những mặt hàng nhập khẩu giá trị cao như: Máy bay, đầu xe lửa, tầu chở dầu...
Xuất khẩu hàng hoá tháng 8 và 8 tháng năm 2007
Nhập khẩu hàng hoá tháng 8 và 8 tháng năm 2007
d. Khách quốc tế đến Việt Nam: Ước tính khách quốc tế đến Việt Nam tháng này đạt 356 nghìn lượt người, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, đạt 2,8 triệu lượt người, tăng 16,9% so với 8 tháng đầu năm 2006, trong đó khách đến du lịch, nghỉ ngơi 1,7 triệu lượt người, tăng 27,6%; đến vì mục đích công việc 423,5 nghìn lượt người, tăng 16%; thăm thân nhân 406,7 nghìn lượt người, tăng 0,5%.
Một số nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta trong 8 tháng vừa qua đạt mức cao là: Hàn Quốc 335,4 nghìn lượt người, tăng 22,3%; Hoa Kỳ 290,9 nghìn lượt người, tăng 8,4%; Nhật Bản 269,8 nghìn lượt người, tăng 14,8%; Đài Loan 213,6 nghìn lượt người, tăng 15,6%, Ôx-trây-li-a 149 nghìn lượt người, tăng 34,3%. Tuy nhiên, khách đến từ một số nước láng giềng thời gian gần đây bị giảm sút. Số lượng khách 8 tháng đến từ Lào giảm 15,7%; từ Campuchia giảm 12,9%. Khách đến từ Trung Quốc tuy có dấu hiệu tăng trở lại (Tháng 8 đã tăng 4,1% so với tháng trước), nhưng tính chung 8 tháng vẫn còn giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8 và 8 tháng năm 2007
4. Đầu tư
Ước tính khối lượng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 8 đạt 8,75 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn do trung ương quản lý đạt 3,05 nghìn tỷ đồng; vốn do địa phương quản lý 5,70 nghìn tỷ đồng. Tính chung 8 tháng năm 2007, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện được 59,19 nghìn tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch năm, trong đó trung ương quản lý 21,27 nghìn tỷ đồng, bằng 60,1%; địa phương quản lý 37,92 nghìn tỷ đồng, bằng 63,2%.
Những Bộ và địa phương có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tương đối lớn nhưng tỷ lệ thực hiện kế hoạch 8 tháng đạt thấp là: Bộ Giáo dục và Đào tạo 794,6 tỷ đồng, bằng 64,7%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1,34 nghìn tỷ đồng, bằng 55,4%; Bộ Giao thông Vận tải thực hiện được 2,8 nghìn tỷ đồng, bằng 37% kế hoạch năm; Nghệ An 714, 6 tỷ đồng, bằng 59,7%; Hải Phòng 775,1 tỷ đồng, bằng 56,1%; thành phố Hồ Chí Minh 4,27 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6%.
Khối lượng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện 8 tháng năm 2007 đạt thấp so với kế hoạch năm, trước hết là do công tác giải phóng mặt bằng triển khai không đúng tiến độ; ngoài ra còn do giá cả vật tư biến động lớn và năng lực của một số nhà thầu trong nước hạn chế, nhất là năng lực tài chính và năng lực, kinh nghiệm của một số Ban quản lý dự án địa phương.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài những tháng vừa qua thu được kết quả vượt trội. Tính từ đầu năm đến 22/8/2007 đã có 814 dự án được cấp phép với tổng số vốn đăng ký 7,1 tỷ USD, bình quân vốn đăng ký 1 dự án là 8,7 triệu USD. Ngoài ra, còn có 1,22 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung vào 247 dự án đã được cấp phép các năm trước, nâng tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả vốn cấp mới và bổ sung từ đầu năm đến 22/8/2007 lên đạt 8,32 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài mới được cấp phép 8 tháng tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp và xây dựng với 533 dự án và 3,76 tỷ USD, chiếm 65,5% số dự án và 52,9% tổng vốn đăng ký; khu vực dịch vụ có 241 dự án và 3,22 tỷ USD, chiếm 29,6% số dự án và 45,3% tổng vốn đăng ký; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 40 dự án và 130,2 triệu USD, chiếm 4,9% số dự án và 1,8% tổng vốn đăng ký.
Trong số 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được cấp phép có 10 địa phương có vốn đăng ký trên 200 triệu USD là: Bà Rịa-Vũng Tàu 1066,2 triệu USD, chiếm 15% tổng vốn đăng ký trong cả nước; Hà Nội 859,1 triệu USD, chiếm 12,1%; thành phố Hồ Chí Minh 768 triệu USD, chiếm 10,8%; Hậu Giang 629 triệu USD, chiếm 8,9%; Bình Dương 593,1 triệu USD, chiếm 8,3%; Thừa Thiên-Huế 553,4 triệu USD, chiếm 7,8%; Đồng Nai 285,6 triệu USD, chiếm 4%; Bắc Ninh 259,6 triệu USD, chiếm 3,7%; Hải Dương 212,8 triệu USD, chiếm 3%; Quảng Nam 206,8 triệu USD, chiếm 2,9%.
Có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án mới cấp phép vào nước ta trong 8 tháng vừa qua, trong đó Hàn Quốc 238 dự án với số vốn đăng ký 1736,3 triệu USD, chiếm 29,2% tổng số dự án và 24,4% tổng số vốn đăng ký. Vốn đăng ký của Xin-ga-po là 1330,5 triệu USD, chiếm 18,7% tổng số vốn đăng ký; Quần đảo Virgin thuộc Anh 861,3 triệu USD, chiếm 12,1%; Đài Loan 600,5 triệu USD, chiếm 8,5%; Ấn Độ 527,4 triệu USD, chiếm 7,4%; Nhật Bản 451 triệu USD, chiếm 6,3%; CHND Trung Hoa 230,4 triệu USD, chiếm 3,2%; Hoa Kỳ 198,5 triệu USD, chiếm 2,8%; Thái Lan 171,8 triệu USD, chiếm 2,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 148,9 triệu USD, chiếm 2,1%; Ca-na-da 144,8 triệu USD; Ma-lai-xi-a 140,3 triệu USD; Pháp 135,6 triệu USD; Hà Lan 100,8 triệu USD.
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 8 và 8 tháng năm 2007
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài 01/01 - 22/8/2007
5. Giao thông vận tải
Trong những tháng gần đây tuy thời tiết diễn biến phức tạp, bão lũ và mưa lớn xảy ra trên địa bàn của nhiều địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận tải, nhưng khối lượng vận chuyển và luân chuyển 8 tháng vẫn tăng với tốc độ tương đối cao. Vận chuyển hành khách 8 tháng ước tính đạt 1002,6 triệu lượt người và 44,1 tỷ lượt người.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,4% về lượt người và tăng 8,9% về lượt người.km. Vận tải hàng hoá 8 tháng đạt 244,1 triệu tấn và 60,9 tỷ tấn.km, so với cùng kỳ năm trước khối lượng vận chuyển tăng 7,7%; khối lượng luân chuyển tăng 7%. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động vận tải có một số vấn đề cần tiếp tục xử lý:
Một là, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường, từ ngày 16/8 ngành xăng dầu đã giảm giá bán nhưng giá cước vận tải hầu như chưa có sự điều chỉnh tương ứng.
Hai là, tai nạn giao thông vẫn có chiều hướng gia tăng. Trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 8,9 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 8 nghìn người và làm bị thương 6,9 nghìn người, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,2% về số vụ tai nạn; tăng 8% về số người chết và tăng 3,1% về số người bị thương. Tính ra, trong 7 tháng vừa qua, bình quân 1 ngày có 42 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, làm bị thương 32 người.
Vận tải hành khách và hàng hoá 8 tháng năm 2007
6. Một số vấn đề xã hội
a. Đời sống dân cư: Do sản xuất tiếp tục phát triển nên đời sống dân cư ở cả thành thị và nông thôn nhìn chung đều được cải thiện. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng tương đối cao nhưng tăng tập trung ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm nên có lợi cho nông dân sản xuất hàng hoá. Tuy nhiên, một bộ phận dân cư ở vùng sâu, vùng xa, nhất là dân cư vùng bị thiên tai đã bị thiếu đói giáp hạt. Theo báo cáo của các Cục Thống kê địa phương, tại thời điểm 10/8/2007, Thanh Hoá có 7/27 huyện, thị xã phát sinh hộ thiếu đói với tổng số 2208 hộ và 10019 nhân khẩu, so với tháng trước tăng 0,33% về số hộ thiếu đói và tăng 0,18% về số nhân khẩu thiếu đói; Lai Châu có 2100 hộ với 11474 nhân khẩu thiếu đói, tăng 340 hộ với 2 nghìn nhân khẩu so với diện thiếu đói tháng trước; Nghệ An có 13638 hộ với 63290 nhân khẩu thiếu đói, chiếm 2,85% số hộ và 2,84% số nhân khẩu nông nghiệp toàn tỉnh, so với thời điểm 10/8/2006 tăng 16,42% về số hộ và 10,23% về số nhân khẩu thiếu đói.
Tính chung, đến ngày 22/8 trên địa bàn cả nước đã có gần 21,6 nghìn hộ với 100,8 nghìn nhân khẩu trong diện thiếu đói giáp hạt, chiếm 0,2% cả về số hộ và số nhân khẩu nông nghiệp. So với tháng trước, số hộ thiếu đói tăng 11,5%; số nhân khẩu thiếu đói tăng 9,6%, nhưng so với thời điểm này năm 2006 thì số hộ thiếu đói trên địa bàn cả nước giảm 26,5%; số nhân khẩu thiếu đói giảm 28,2%. Để giúp nhân dân khắc phục tình trạng thiếu đói giáp hạt và hậu quả năng nề của thiên tai, các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân đã trợ giúp hàng nghìn tấn lương thực và hàng chục tỷ đồng.
Quảng Bình và Hà Tĩnh là 2 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão số 2, ngoài 20 tỷ đồng và 1500 tấn gạo do Chính phủ viện trợ khẩn cấp cho mỗi tỉnh thì tại Quảng Bình, Uỷ ban Nhân dân tỉnh còn trợ cấp 1,5 tỷ đồng, 2 tấn mỳ tôm, 1 tấn lương khô; các tổ chức, cá nhân cũng trợ giúp 1,53 tỷ đồng, 76 tấn gạo, 4,5 tấn mỳ tôm và 200 bộ đồ dùng gia đình. Tại Hà Tĩnh, Uỷ ban Nhân dân tỉnh trích ngân sách mua 15 tấn mỳ tôm và trợ giúp 1 tỷ đồng tiền mặt; các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm bước đầu cũng đã trợ giúp được 5,6 tỷ đồng.
b. Tình hình dịch bệnh và an toàn thực phẩm: Trong tháng 8 có 8,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; trên 800 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút và gần 150 trường hợp mắc bệnh viêm não virút. Tính từ đầu năm đến 20/8/2007, cả nước có 34,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét (5 người đã tử vong); 4,4 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút và 738 trường hợp mắc bệnh viêm não virút (12 người đã tử vong). Trong tháng cũng đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) và cả hai trường hợp này đều đã tử vong. Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 100 trường hợp mắc cúm A, trong đó 46 người đã tử vong. Đáng chú ý là, những tháng gần đây bệnh sốt xuất huyết lây lan tương đối nhanh, đến nay đã xuất hiện trên địa bàn 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với số ca mắc tính từ đầu năm đến 20/8 là 48,7 nghìn ca, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 47 người đã chết, tăng 42%.
Trong tháng 8 cũng đã phát hiện thêm 2,3 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước tính đến 16/8/2007 lên 131,4 nghìn người, trong đó 26,2 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và gần 14,7 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tình hình an toàn thực phẩm nhìn chung chưa được cải thiện. Riêng tháng 8, Hà Nội, Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Ninh Thuận xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm 246 người ngộ độc. Tính chung 8 tháng, trên địa bản cả nước đã có gần 4,2 nghìn người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 28 người đã tử vong.
Khái quát lại, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy thời tiết không thuận, nhiều địa phương bị thiên tai nặng, nhưng nhìn chung vẫn đạt được những kết quả khả quan. Sản xuất công nghiệp và các hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Hoạt động kinh tế đối ngoại đạt kết quả vượt trội so với năm trước, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và vốn ODA. Một số lĩnh vực xã hội cũng có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nền kinh tế đang đứng trước 3 tồn tại lớn: Nguồn vốn đầu tư tương đối dồi dào, nhưng giải ngân và triển khai chậm; chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng 12 năm trước đã tăng 6,78%; nhập siêu hàng hoá tương đối lớn. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2007 đã đề ra, trong những tháng còn lại cần có những giải pháp phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục kịp thời những tồn tại nêu trên./.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)