Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu trong những tháng cuối năm 2005
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2005
CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
(Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ
ngày 30 tháng 6 năm 2005)
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG THÁNG 6 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2005
1. Đánh giá tổng quát
Trong những tháng đầu năm 2005, hạn hán diễn ra gay gắt trên diện rộng, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và điều kiện sinh hoạt của nhân dân trong vùng; nguy cơ cao về cháy rừng ở diện rộng; dịch cúm gia cầm tái phát trên phạm vi khá lớn và diễn biến phức tạp; giá xăng dầu và một số nguyên liệu quan trọng tăng tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Trước bối cảnh khó khăn trên, Chính phủ đã chỉ đạo, kịp thời đề ra nhiều giải pháp tình huống, đã kiểm soát và hạn chế phần lớn tác động tiêu cực của giá cả tăng cao; thực hiện các biện pháp khống chế và dập tắt dịch cúm gia cầm; chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời các địa phương giảm thiểu tác hại của hạn hán đối với sản xuất và đời sống nhân dân.
Các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu triển khai nhiều giải pháp hạn chế khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, do vậy nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và đạt kết quả khá trên nhiều mặt.
Một là, nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá hơn so với cùng kỳ, GDP quý sau tăng cao hơn quý trước. GDP quý I tăng 7,2%, quý II tăng 7,8% và tính chung cả 6 tháng tốc độ tăng GDP đạt 7,6% (cùng kỳ năm 2003 tăng 6,9%; 2004 tăng 7%), trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 9,5%; nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,2%, dịch vụ tăng 7,5%.
Hai là, trong điều kiện có nhiều yếu tố không thuận tác động đến sản xuất kinh doanh, song giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5% và giá trị gia tăng đạt 4,2% (kế hoạch là 3,8%) là một cố gắng rất lớn.
Ba là, các ngành dịch vụ phát triển khá với chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Thị trường trong nước được mở rộng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2004 (cùng kỳ tăng 17,3%), góp phần tăng trưởng chung của toàn ngành dịch vụ. Giá trị gia tăng của ngành dịch vụ tăng 7,5%, cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,96%).
Bốn là, hoạt động xuất khẩu vẫn cố gắng duy trì được mức tăng trưởng khá. Trong điều kiện cạnh tranh diễn ra gay gắt về thị trường và giá cả, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đạt trên 14,4 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Năm là, đầu tư toàn xã hội tăng khá, 6 tháng tăng 24,7% so với cùng kỳ và chiếm gần 37,9% GDP. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có nhiều tiến bộ.
Sáu là, thu ngân sách tăng khá, đạt 53,8% dự toán năm; chi ngân sách bảo đảm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bảy là, lĩnh vực văn hoá, thông tin phát triển, góp phần định hướng lối sống lành mạnh và giữ gìn bản sắc dân tộc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Hoạt động y tế, chăm sóc sức khoẻ có nhiều tiến bộ. Tiếp tục duy trì có hiệu quả các hoạt động xoá đói giảm nghèo.
Tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2005 như sau:
Các chỉ tiêu chủ yếu
|
6 tháng 2004
|
6 tháng 2005
|
(1). Tốc độ tăng trưởng GDP (%)
|
7,1
|
7,6
|
Trong đó: Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp (%)
|
2,7
|
4,2
|
Khu vực công nghiệp và xây dựng (%)
|
9,7
|
9,5
|
Khu vực dịch vụ (%)
|
6,96
|
7,5
|
(2). Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)
|
15,4
|
15,6
|
(3). Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (%)
|
3,1
|
5,0
|
(4). Kim ngạch xuất khẩu (Tỷ USD)
|
12,3
|
14,4
|
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (%)
|
24,8
|
17,4
|
(5) Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu (%)
|
19,4
|
22, 0
|
(6) Đầu tư xã hội so với GDP (%)
|
36,1
|
37,9
|
(7) Thu Ngân sách Nhà nước (nghìn tỷ đồng)
|
77,2
|
98,5
|
Thu Ngân sách Nhà nước so với dự toán (%)
|
50,0
|
53,8
|
Tăng so cùng kỳ (%)
|
12,5
|
27,6
|
(8) Chi Ngân sách nhà nước (nghìn tỷ đồng)
|
82
|
112
|
(9) Chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ (%)
|
7,2
|
5,2
|
(10) Tạo việc làm mới (nghìn người)
|
650
|
700
|
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tồn tại, đó là:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm tuy đạt 7,6% nhưng còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch là 8,5%.
- Hiệu quả sản xuất của ngành công nghiệp có xu hướng giảm sút. Mặc dù giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp, xây dựng tăng cao, nhưng tốc độ tăng của giá trị gia tăng chỉ đạt 9,5%, thấp hơn kế hoạch đề ra (kế hoạch là 11%), đồng thời thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước (6 tháng đầu năm 2003 tăng 10,2%; 6 tháng đầu năm 2004 tăng 9,7%).
- Xuất khẩu chịu sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm rất yếu. Hàng dệt may xuất khẩu sang EU đã được bỏ hạn ngạch nhưng kim ngạch xuất khẩu vào EU giảm do không cạnh tranh được với hàng hoá của một số nước trong khu vực, đặc biệt là của Trung Quốc. Tốc độ tăng của xuất khẩu có xu hướng giảm dần; nhập siêu có xu hướng gia tăng, 6 tháng bằng 24,6% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ 20%).
- Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng khá cao, ở mức 5,2% và khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
- Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, tình hình tai nạn giao thông chưa được ngăn chặn hữu hiệu là mối lo ngại sâu sắc của dư luận.
2. Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2005 cụ thể như sau:
2.1. Về các hoạt động kinh tế
(1) Sản xuất nông nghiệp phát triển khá, đạt hiệu quả tương đối cao.
Mặc dù hạn hán và dịch cúm gia cầm tác động xấu đến ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp vẫn tăng 5% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2004 tăng 4,5%); trong đó ngành nông nghiệp tăng 4,7% (cùng kỳ 2,8%), ngành lâm nghiệp tăng 0,6% (cùng kỳ 2,5%), ngành thuỷ sản tăng 7,2% (cùng kỳ 10,9%). Đáng chú ý là giá trị gia tăng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 4,2%, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ chỉ tăng 2,68%).
Sản lượng lúa đông xuân năm 2005 đạt gần 17,3 triệu tấn, cao hơn vụ đông xuân năm trước khoảng 218 nghìn tấn (năng suất lúa bình quân ước đạt 58,8 tạ/ha, tăng khoảng 1,5 tạ/ha so với vụ trước). Nếu tính cả sản lượng ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân đạt 19 triệu tấn, cao hơn năm trước 101,6 nghìn tấn.
Tính đến ngày 15/6/2005 các địa phương đã gieo cấy được 1.871 nghìn ha lúa hè thu, đạt 87% kế hoạch năm, bằng 96% so với cùng kỳ, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.505 nghìn ha, bằng 95% so với cùng kỳ. Nguyên nhân diện tích gieo cấy năm nay đạt thấp hơn so với cùng kỳ là do thiếu nước, tình hình xâm mặn ảnh hưởng sâu vào nội đồng. Tuy nhiên, nhiều tỉnh đã chủ động chỉ gieo sạ những nơi có nước. Một số tỉnh vùng ven biển, nơi có nước mặn xâm nhập, đang chờ mưa để gieo sạ. Đến ngày 15/6/2005 các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch 768 nghìn ha lúa Đông xuân, đạt 67% kế hoạch năm và bằng 90% so với cùng kỳ; trong đó, đồng bằng sông Hồng thu hoạch 297 nghìn ha, vùng Bắc Trung bộ thu hoạch 327 nghìn ha. Các tỉnh phía Nam thu hoạch 234 nghìn ha lúa hè thu, bằng 88% so với cùng kỳ.
Các địa phương tiếp tục gieo trồng rau, màu và phát triển cây công nghiệp. Tính đến ngày 15/6/2005 các địa phương đã gieo trồng được 1.116 nghìn ha màu lương thực, tăng 5,7% so với cùng kỳ, trong đó riêng ngô đạt 718 nghìn ha, tăng 7,7% so với cùng kỳ, sắn đạt 252 nghìn ha, tăng 14%; cây công nghiệp ngắn ngày đạt 417 nghìn ha, tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Về thuỷ, hải sản: sản lượng khai thác tháng 6 ước đạt 160 nghìn tấn, nâng sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm 2005 lên 1.005 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2004. Sản lượng nuôi trồng tháng 6 đạt khoảng 155 nghìn tấn, tính chung cả 6 tháng ước đạt gần 517 nghìn tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2004. Tính chung tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác 6 tháng đầu năm đạt 1.522 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay giá cá basa và cá tra đang giảm mạnh, chỉ còn khoảng 9.000 đồng/kg (thời điểm cao nhất đạt 15.000 đồng/kg), để đối phó với tình hình trên, Bộ Thuỷ sản đã thành lập Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra và cá basa nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp đa dạng hoá các loại sản phẩm chế biến từ các loại cá này và mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp nông dân nuôi cá ổn định sản xuất và thu nhập.
Tuy đạt được nhiều kết quả khá, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn gặp một số khó khăn:
- Tuy đã có mưa, tình hình hạn hán đã bớt khốc liệt nhưng đến cuối tháng 6/2005 mực nước các hồ chứa, nhất là các hồ ở vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên vẫn đang ở mức thấp, nhiều hồ ở mức cạn kiệt. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nguồn nước bị xâm nhập mặn sâu vào trong nội đồng, gây khó khăn cho sản xuất và cho sinh hoạt của nhân dân trong vùng.
- Do tình hình khô hạn gay gắt, ý thức bảo vệ rừng của người dân còn thấp và hiệu quả chữa cháy chưa cao nên từ đầu mùa khô năm 2005 (1/10/2004) đến ngày 20/6/2005, cả nước xảy ra trên 910 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại khoảng 6.280 ha, trong đó rừng tự nhiên 930 ha, rừng trồng 5.350 ha (cả năm 2004 chỉ xẩy ra 443 vụ cháy rừng).
- Giá phân bón trên thị trường thế giới tiếp tục tăng kéo theo giá phân bón trong nước tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp.
(2). Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 ước đạt 39,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với tháng 6 năm 2004, trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 9,6% (Trung ương tăng 16,2%; địa phương giảm 4,3%); khu vực kinh tế tư nhân tăng 24,9% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,4%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,4%), trong đó, khu vực kinh tế dân doanh tăng 24,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,9%; khu vực kinh tế nhà nước tăng 9,7% (Trung ương tăng 13,6%, địa phương tăng 1,5%).
Một số sản phẩm quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2005 tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với cùng kỳ năm 2004 là phân hoá học tăng 55,3%, máy công cụ tăng 39,3%, than sạch khai thác tăng 23%, động cơ điện tăng 21%, thép cán tăng 19,5%, thuỷ sản chế biến tăng 18,8%,...
Một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp trên địa bàn lớn, đã phấn đấu để có mức tăng cao hơn mức tăng chung là Hà Nội tăng 19,1%, Bình Dương tăng 34,4%, Đồng Nai tăng 20,8%, Cần Thơ tăng 31,6%, Đà Nẵng tăng 14,9%, Hải Dương tăng 21,9%, Vĩnh Phúc tăng gần 44,6%...
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp còn một số khó khăn:
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tuy đạt 15,6% song vẫn thấp hơn mức kế hoạch (kế hoạch là 16%).
- Một số sản phẩm gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nên tăng ở mức thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước; đáng chú ý là dầu thô khai thác giảm 12,2%, đường mật các loại giảm 13,9%, vải lụa thành phẩm giảm 1,1%, thuốc ống các loại giảm 3,4%, động cơ điêzen giảm 23,5%, máy biến thế giảm 6,7%.
- Một số tỉnh, thành phố có tỷ trọng công nghiệp lớn, còn gặp nhiều khó khăn nên giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung của ngành như thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 12,7%. Đặc biệt là sản xuất công nghiệp do các địa phương quản lý 6 tháng đầu năm 2005 chỉ tăng 1,5%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, (cùng kỳ năm 2003 tăng 11,9%; cùng kỳ 2004 tăng 7%).
- Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,9%, thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,7%) do một số sản phẩm quan trọng của khu vực này giảm như: dầu khí, ô tô, xe đạp,...
(3) Khu vực dịch vụ phát triển khá
Thương mại nội địa tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 6 đạt khoảng 37,1 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 216,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2003 tăng 10,3%; 6 tháng 2004 tăng 17,3%) góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất phát triển.
Ngành du lịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng số lượng khách du lịch. Trong tháng 6, nhu cầu thăm quan di tích văn hoá lịch sử, du lịch hè tăng nhanh. Nhiều chương trình du lịch hè theo suốt chiều dài đất nước từ Sa Pa đến Phú Quốc đang thu hút số lượng lớn khách nội địa và khách quốc tế. Trong tháng 6, số lượng khách quốc tế ước đạt trên 309 nghìn lượt người, tăng 30% so cùng kỳ năm 2004, nâng tổng số khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2005 lên 1.722 nghìn lượt người, tăng 23,7% so với cùng kỳ.
Hiện nay công suất sử dụng phòng khách sạn chất lượng cao đạt mức trên 65%, nhiều khách sạn hạng 4-5 sao tại các trung tâm du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Mũi Né - Bình Thuận... đều đạt công suất trên 90%.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách tiếp tục phát triển khá. Trong 6 tháng đầu năm 2005, vận tải hàng hoá ước đạt 136 triệu tấn hàng hoá vận chuyển và 38,5 tỷ tấn luân chuyển, tăng 5,9% về tấn và 7,9% về tấn luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách đạt 544 triệu lượt hành khách và 23,6 tỷ hành khách luân chuyển, tăng 4,7% về lượt hành khách và 11,2% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.
Ngành giao thông vận tải đang tích cực chuẩn bị các phương tiện vận chuyển, tăng thêm tần suất chuyến, kéo thêm toa tầu... nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu đi lại trong dịp thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2005.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông trong nước và quốc tế tiếp tục phát triển ổn định. Trong tháng 6/2005 đã phát triển mới 373,8 nghìn thuê bao điện thoại, nâng tổng số phát triển mới trong 6 tháng đầu năm lên hơn 1,7 triệu thuê bao. Đến hết tháng 6/2005 tổng số thuê bao trên toàn mạng đạt hơn 12 triệu máy (thuê bao di động chiếm khoảng 49,5%); đạt mật độ thuê bao 14,6 máy/100 dân; có 2,78 triệu thuê bao Internet quy đổi, đạt mật độ 3,37 thuê bao/100 dân. Số người sử dụng dịch vụ Internet đến cuối tháng 6 ước đạt 7,5 triệu, đạt mật độ sử dụng 9,04%. Tỷ lệ số xã có máy điện thoại trong cả nước là 98,3%.
Tuy ngành bưu chính viễn thông đạt được những kết quả khả quan, song vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Tại các vùng trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ việc cung cấp các dịch vụ trọng yếu (máy di động, internet tốc độ cao, điện thoại quốc tế...) chưa đảm bảo. Sản lượng các dịch vụ viễn thông quốc tế, thuê bao internet còn ở mức thấp. Chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ nhiều thời điểm còn kém.
(4) Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước đạt 2,55 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng 5, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 830 triệu USD, bằng khoảng 32,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 3,5% so với tháng trước (nếu tính cả dầu thô thì kim ngạch của khu vực này ước đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước).
Tính chung cả 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 14,4 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ (nếu tính cả dầu thô đạt xấp xỉ 8,2 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đạt 2,4 tỷ USD/tháng, cao hơn so với mức cùng kỳ năm 2004 (cùng kỳ là 2 tỷ USD).
Một số mặt hàng xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng cao là: sản phẩm nhựa ước đạt 160 triệu USD, tăng 49,5%; sản phẩm gỗ đạt 712 triệu USD, tăng 44,6%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 646 triệu USD, tăng 46,5%; rau quả đạt 121 triệu USD, tăng 43,2%; than đá đạt 8,2 triệu tấn, tăng 41,8%; dây điện và dây cáp điện đạt 227 triệu USD, tăng 32,7%; hạt điều đạt 209 triệu USD, tăng 30,5%; lạc nhân đạt 33 nghìn tấn, tăng 30%; hàng thủ công mỹ nghệ đạt 278 triệu USD, tăng 19,6%; gạo đạt 2,6 triệu tấn, tăng 10,6%.
Tuy nhiên, xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại sau:
- Trong những tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm dần: kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2005 tăng 22% so với cùng kỳ, 5 tháng tăng 19,6%, 6 tháng tăng 17,4%.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng thêm chủ yếu do yếu tố giá (đối với 20 mặt hàng tính được, tăng do yếu tố giá là 1.354 triệu USD, chiếm khoảng 70%, tăng do lượng là 553 triệu USD, chiếm gần 30%).
- Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu cao gặp nhiều khó khăn nên đạt tốc độ tăng trưởng thấp: thủy sản đạt 1,07 tỷ USD, tăng 9,3%; giày dép đạt 1,37 tỷ USD, tăng 2,8%; dệt may đạt 2,05 tỷ USD, chỉ tăng 0,1%. Một số mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2004 là cao su giảm 0,4%; hạt tiêu giảm 14%; xe đạp và phụ tùng xe đạp giảm 18,5%; cà phê giảm 20%; chè giảm 31,1%).
- Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng mới đạt 47% kế hoạch. Để đạt được tổng kim ngạch xuất khẩu là 30,7 tỷ USD theo mức kế hoạch, đòi hỏi trong các tháng còn lại, kim ngạch xuất khẩu bình quân phải đạt ít nhất là 2,71 tỷ USD/tháng. Đây là mức rất cao, nếu không có các biện pháp quyết liệt thì khả năng hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2005 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Công tác dự báo giá cả hàng hoá xuất khẩu còn nhiều yếu kém, do vậy hiệu quả xuất khẩu thấp.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm nhập khẩu ước đạt 18 tỷ USD, tăng 22% so cùng kỳ; trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 6,3 tỷ USD, tăng 21% so cùng kỳ.
Các sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu tăng nhiều là: linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 45,8%, linh kiện phụ tùng xe máy tăng 35,2%, máy vi tính và linh kiện tăng 45%, giấy các loại tăng 34%, bông tăng 22,8%, hóa chất các loại tăng 36,4%, vải tăng 13,3%...
Những mặt hàng nhập khẩu giảm so cùng kỳ là phân bón giảm 27%, trong đó phân urê giảm mạnh nhất 50%; phôi thép giảm 4%; nguyên phụ liệu dệt may da giảm 4%, chất dẻo nguyên liệu giảm gần 4%. Những mặt hàng giảm đều là nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất công, nông nghiệp để làm hàng xuất khẩu, trong khi nhập khẩu hàng hóa khác (trong đó có hàng tiêu dùng) tiếp tục tăng.
Nhập siêu: Mức nhập siêu 6 tháng đầu năm ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 24,6% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ nhập siêu chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nhập siêu chưa giảm và có xu hướng tăng dần sau mỗi tháng (3 tháng nhập siêu là 1,13 tỷ USD, chiếm 16,6% kim ngạch xuất khẩu; 4 tháng là 1,78 tỷ USD, chiếm 18,6%; 5 tháng là 2,58 tỷ USD, chiếm 21,6%).
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 6 tháng đầu năm tăng cao là do: (a) nước ta đang trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới nhưng khả năng cạnh tranh của nhiều loại hàng hoá còn thấp kém, các doanh nghiệp chưa nắm rõ luật lệ quốc tế nên lúng túng, bị động khi gặp các rào cản ngoại thương làm hạn chế tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu; (b) nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhu cầu nhập thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu tăng trong khi giá nhập khẩu các mặt hàng này trên thế giới đang có xu hướng tăng cao.
(5) Đầu tư phát triển
Thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2005 ước đạt 143,9 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2004 đạt 46,3%), tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2004, trong đó :
Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước ước đạt 32,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% kế hoạch năm, tăng 23,8% so với cùng kỳ, trong đó vốn ngân sách tập trung đạt 25.282 tỷ đồng, bằng 48,7% kế hoạch năm. Một số Bộ đạt khá là Bộ Giao thông vận tải đạt 76,9%; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 58,4% kế hoạch. Thực hiện nguồn vốn ODA đạt 11,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 740 triệu USD).
Thực hiện vốn tín dụng đầu tư có tiến bộ so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp, ước đạt khoảng 11.500 tỷ đồng, bằng 38,5% kế hoạch năm, tăng 35% so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 26,3%); trong đó nguồn vốn trong nước cho vay trung và dài hạn theo kế hoạch chỉ đạt 3.580 tỷ đồng, bằng 24,8% kế hoạch năm; nguồn vốn ODA cho vay lại đạt 3.770 tỷ đồng, bằng 53,8% kế hoạch năm; cho vay ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu đạt 1.720 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm.
Vốn đầu tư của dân cư tiếp tục tăng khá, ước đạt 42,1 nghìn tỷ đồng tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2004.
Vốn ODA từ đầu năm đến ngày 20/6/2005 được hợp thức hoá thông qua các hiệp định ký kết với các nhà tài trợ đạt tổng giá trị 1.341 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 1.185,5 triệu USD và vốn viện trợ đạt 155,5 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị vốn ODA giải ngân ước đạt 740 triệu USD, đạt khoảng 42% kế hoạch giải ngân của cả năm 2005 (cùng kỳ đạt 41% kế hoạch cả năm), trong đó vốn vay khoảng 610 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 130 triệu USD. Giải ngân phần vốn vay của 3 nhà tài trợ lớn (JBIC, WB, ADB) đạt khoảng 482 triệu USD, chiếm 79% tổng giá trị giải ngân nguồn vốn vay.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng khá. Trong tháng 6, tổng vốn của dự án cấp phép mới và vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đang hoạt động ước đạt 277 triệu USD (vốn cấp phép mới là 181 triệu USD; vốn tăng thêm là 96 triệu USD). Tính chung 6 tháng đầu năm 2005, số vốn cấp phép mới và tăng thêm đạt 2.730 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ; trong đó vốn đầu tư cấp phép mới là 1.867 triệu USD với 323 dự án, tăng 131,5% về vốn và tăng 15,4% về số dự án so với cùng kỳ năm trước; vốn tăng thêm đạt 863 triệu USD với 213 lượt dự án, tăng 4,2% về vốn và tăng 51,1% về số dự án so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong 6 tháng ước đạt 1.537 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
(6) Thu chi ngân sách Nhà nước.
Thu ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước trong tháng 6 đạt 16.958 tỷ đồng; tích luỹ từ đầu năm đến hết tháng 6 đạt 98.501 tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2004 đạt 49% dự toán năm); trong đó thu nội địa đạt 54.875 tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán năm (cùng kỳ đạt 50%); thu từ dầu thô đạt 24.326 tỷ đồng, bằng 64% dự toán năm (cùng kỳ đạt 60%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 18.300 tỷ đồng, bằng 48,5% dự toán năm (cùng kỳ đạt 43,9%); thu từ viện trợ không hoàn lại đạt 1.000 tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm.
Đáng chú ý là nhiều khoản thu trong tổng thu nội địa đã đạt mức khá cao so với dự toán năm như thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 9.453 tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán năm; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 8.250 tỷ đồng, bằng 52,2%; thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 2.250 tỷ đồng, bằng 54,9%; thu về nhà đất đạt 7.488 tỷ đồng, bằng 61,7%; thu từ lệ phí trước bạ đạt 1.300 tỷ đồng, bằng 59,1% dự toán năm. Riêng thu từ các doanh nghiệp nhà nước mới đạt 18.380 tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán.
Chi ngân sách Nhà nước tích luỹ từ đầu năm đến hết tháng 6 đạt bằng 48,8% dự toán năm (cùng kỳ năm trước đạt 44%); trong đó chi đầu tư phát triển bằng 45% dự toán năm (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng 44,5% dự toán); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh bằng 50,7% dự toán năm; chi trả nợ và viện trợ bằng 51,6% dự toán; chi cải cách tiền lương bằng 41,5% dự toán năm.
Bội chi ngân sách Nhà nước tính từ đầu năm đến hết tháng 6 ước bằng 29% dự toán năm.
(7) Hoạt động tiền tệ và giá cả
Tổng phương tiện thanh toán đến tháng 6/2005 ước tăng 1,8% so với cuối tháng 5; tính chung trong 6 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,8%, cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2004 (cùng kỳ năm 2004 tăng 6,3%).
Nguồn vốn huy động đến cuối tháng 6 ước tăng 9,1% so với 31/12/2004, tăng khá so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước (7,5%); trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 9,6%, bằng ngoại tệ tăng 7,8%.
Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đến 30/6 ước tăng 10,6% so với 31/12/2004, thấp hơn so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước (12,3%); trong đó cho vay bằng VNĐ tăng 9,9%, cho vay bằng ngoại tệ tăng 12,9%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2005 tăng 0,4% so với tháng 5/2005, trong đó nhóm hàng giáo dục tăng 0,7%; các nhóm hàng lương thực và thực phẩm, dược phẩm và y tế, văn hoá, thể thao, giải trí tăng 0,5%. Một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng thấp là may mặc, mũ nón, giầy dép, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,3%. Riêng chỉ số giá nhóm hàng đồ uống và thuốc lá giảm 0,2%.
Tháng 6 thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có chỉ số giá hàng hoá tiêu dùng tăng mạnh nhất cả nước với mức tăng 0,9%, Đồng Nai tăng 0,8%. Giá tiêu dùng ở Hà Nội tăng chậm hơn, đạt 0,2%; Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế giá cả không biến động trong khi Thái Nguyên giảm 0,6%. Trong tháng 6, chỉ số giá vàng giảm 1,5%; chỉ số giá đô la Mỹ không tăng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2005 chỉ số giá tăng 5,2%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2004 (cùng kỳ năm 2004 tăng 7,2%) có khả năng vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; trong đó nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng 7,7%; nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tăng 3,1%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 2,8%; dược phẩm và y tế tăng 2,6%; nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,4%; nhóm hàng văn hoá, thể thao, giải trí và nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép đều tăng 2%. Riêng nhóm hàng giáo dục chỉ tăng 1,2%. Giá vàng giảm 4,4%, giá đô la Mỹ tăng 0,3 %.
2.2. Một số vấn đề xã hội
Ngành giáo dục đã tổ chức tốt công tác thi tốt nghiệp phổ thông các cấp năm học 2004-2005. Tuy có một số vụ việc nêu ra nhưng về cơ bản các kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn; đề thi bao quát chương trình, không có câu hỏi quá khó, bảo đảm mọi học sinh chăm chỉ, cố gắng đều có thể tốt nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước; tiến hành rà soát nhu cầu tuyển mới đào tạo so với khả năng thực hiện của các Bộ, ngành và địa phương để điều chỉnh cơ cấu đào tạo, bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển mới.
Để chuẩn bị cho năm học 2005-2006, ngành giáo dục đã tiến hành công tác bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình lớp 4 và lớp 9; phát hành sách giáo khoa đến tất cả các Công ty sách và thiết bị trường học ở 64 tỉnh, thành phố, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa cho học sinh ngay khi vào năm học mới.
Có 3 tỉnh mới được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (tỉnh Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế), nâng tổng số tỉnh thành phố đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở lên 28 tỉnh.
Số người được giải quyết việc làm trong tháng 6 đạt khoảng 13 vạn người, đưa số lao động được giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm đạt 70 vạn người, đạt 43,8% kế hoạch năm 2005. Trong đó các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn thu hút được 29 vạn người; các chương trình đầu tư trong nước thu hút được 20 vạn người; lao động tuyển vào khu vực Nhà nước (thay thế số về hưu và tăng thêm) 2 vạn người; lao động tăng thêm vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài 4 vạn người; Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm đã cho vay các dự án nhỏ giải quyết việc làm cho 12 vạn lượt người; xuất khẩu lao động 3,1 vạn người.
Nhiều hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm đã được triển khai như tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động; xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng; khôi phục và phát triển các làng nghề...tạo ra khả năng giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Dân số-Gia đình và trẻ em: Trong 6 tháng đầu năm, nhiều chiến dịch tuyên truyền hạn chế sinh con thứ ba đã được đẩy mạnh, song chưa ngăn chặn được xu hướng gia tăng do chậm sửa đổi Điều 10, Pháp lệnh dân số. Tại một số địa phương, tỷ lệ sinh con thứ ba tiếp tục tăng, nhiều người sinh con thứ ba là đảng viên, cán bộ nhà nước. Riêng tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm đã có 1.224 trẻ sinh ra là con thứ ba và con số này có thể tăng lên vào cuối năm, đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế tình trạng sinh con thứ ba.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, ngành y tế thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; giám sát các ổ dịch viêm phổi do vi rút liên quan đến cúm gia cầm, do vậy tình hình các bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch 6 tháng đầu năm 2005 đã chuyển biến theo chiều hướng tốt, số người mắc dịch bệnh và bị tử vong thấp hơn năm 2004. Tuy nhiên, tình hình về dịch cúm H5N1 còn diễn biến phức tạp. Riêng trong tháng 6 đã có 7 người bị nhiễm cúm A (H5N1) được phát hiện. Ngành y tế đang tích cực phòng chống lây nhiễm H5N1 và điều trị người bệnh, hạn chế thấp nhất tỷ lệ người bị tử vong.
Trong 6 tháng đầu năm 2005, có 1.144 người nhiễm HIV, nâng số người nhiễm HIV cả nước đến nay lên 96.209 người, trong đó 15.686 người chuyển sang AIDS và 8.988 người chết.
Hoạt động văn hóa - thông tin diễn ra sôi nổi, ngành văn hoá thông tin, phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc về dân ca và tuồng ở các vùng nhằm tôn vinh và bảo tồn văn hoá dân tộc; các phương tiện phát thanh, truyền hình tập trung đưa tin phản ánh các sự kiến kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế, đặc biệt trong tháng 6 đã kịp thời đưa tin, bài, ảnh tuyên truyền, về quan hệ Việt Nam-Hoa kỳ nhân chuyến thăm và làm việc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, Thủ tướng Phan Văn Khải tại Mỹ kể từ khi 2 nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Các Bộ, ngành chức năng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường; tăng cường kiểm tra phát hiện những hiện trường hợp vi phạm để xử lý và đưa lên công luận. Các ngành chức năng tiến hành kiểm tra về thực hiện chính sách hợp tác đầu tư, liên doanh quảng cáo, chính sách tài chính... đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.
Ngành thể dục thể thao tổ chức nhiều hoạt động chuẩn bị cho Seagames 23 năm 2005 tại Philippine và các giải thể thao quốc tế trong năm. Đồng thời, triển khai các hoạt động về xây dựng các văn bản pháp quy về quản lí Nhà nước đối với thể dục thể thao theo hướng tạo điều kiện phát triển thể dục thể thao quần chúng và thể dục thể thao thành tích cao.
Ngành thể dục thể thao đã tổ chức một số giải thể thao toàn quốc và quốc tế (như vật, đá cầu, đua thuyền truyền thống, võ...), đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động dành riêng cho đồng bào dân tộc ít người như ngày hội Văn hóa Thể thao cho đồng bào Khmer tại Trà Vinh; Hội thi thể thao các dân tộc miền núi tại Đắc Lắc với sự tham gia của 500 vận động viên thuộc 44 dân tộc các tỉnh Tây Nguyên và ven biển miền Trung.
Tình hình tai nạn giao thông chưa có tiến bộ: Trong tháng 5/2005 đã xẩy ra 1.244 vụ tai nạn giao thông làm 990 người chết, 1.061 người bị thương; so với tháng 4/2005 tăng 70 vụ, tăng 90 người chết và tăng 98 người bị thương. Tính chung cả 5 tháng, đã xảy ra 6.454 vụ tai nạn giao thông, làm 4.930 người chết và 5.612 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2004 giảm 18,3% số vụ (1.448 vụ), giảm 6% số người chết (317 người) và giảm 26,6% số người bị thương (1.724 người). Bình quân mỗi ngày vẫn có 43 vụ tai nạn, 33 người tử vong và 37 người bị thương.
II. KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO ĐỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2005
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm mới đạt 7,6% còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của kế hoạch là 8,5%. Để đạt kế hoạch đề ra, nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm hết sức nặng nề, phải phấn đấu đạt tăng trưởng GDP trong những quý còn lại khoảng 9,3%. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2005, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp được xác định trong Nghị quyết 01/2005/NQ-CP và Nghị quyết của các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, đặc biệt tập trung vào những vấn đề lớn sau:
Một là, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế.
a) Các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển, đầu tư sản xuất kinh doanh dễ dàng tiếp cận với các chính sách khuyến khích và chương trình hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư và tín dụng, về mặt bằng sản xuất, thông tin thị trường, về tư vấn kỹ thuật, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp để khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ các loại hình kinh tế dân doanh. Từng địa phương cần có chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thực sự coi các doanh nghiệp này là động lực cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội trên địa bàn.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường, trợ giúp xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp.
Thực hiện tốt chính sách khuyến khích đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện và hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp đang có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường tiếp tục đầu tư mở rộng và phát triển nhanh hơn.
Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Điện lực thực hiện các biện pháp bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm và trong những năm tiếp theo. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về tiết kiệm điện.
b) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài
Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 13/2005/CT-TTg ngày 8/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tạo chuyển biến mới trong công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh của các dự án đầu tư nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án có hiệu quả.
c) Tập trung đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ và công nghiệp liên quan, đặc biệt là các loại hình dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh phát triển như vận tải, du lịch, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, tư vấn, xuất khẩu lao động; đồng thời chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế.
Giảm hợp lý một số loại chi phí đầu vào ở các lĩnh vực viễn thông, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không...bằng hoặc thấp hơn các nước trong khu vực để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Cải tiến trình tự thủ tục thu phí và lệ phí nhằm giảm bớt thời gian chờ đợi lãng phí của doanh nghiệp.
Hai là, thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.
Đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và có thị trường xuất khẩu như các mặt hàng dệt may, giày dép, túi xách, cao su, xe đạp, phụ tùng, các mặt hàng đồ gỗ. Đồng thời, có giải pháp đồng bộ để khai thác các nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất hàng hóa, kể cả hàng xuất khẩu, góp phần giảm giá thành sản xuất và giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tích cực triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia năm 2005 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 44/2005/QĐ-TTg ngày 2/3/2005).
Quan tâm giúp đỡ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và văn hóa kinh doanh nhằm tạo dựng và duy trì uy tín đối với khách hàng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hoá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời cung cấp thông tin về giá cả, thị trường trong và ngoài nước đến các doanh nghiệp.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện thuận lợi hóa thương mại, đặc biệt về thủ tục hải quan vì lượng hàng hóa thông quan ngày một tăng nhanh.
Các Bộ ngành, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tăng cường khả năng dự báo giá cả hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản xuất khẩu.
Về dệt may, đẩy mạnh việc liên kết, liên danh giữa các doanh nghiệp để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ và EU. Đồng thời, theo dõi sát sao động thái của Mỹ và EU đối với hàng dệt may Trung Quốc để nắm bắt thời cơ kịp thời, đẩy nhanh hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào hai thị trường này
Bộ Thủy sản phối hợp với các Bộ ngành có giải pháp giúp doanh nghiệp giải quyết việc đóng tiền kỹ quỹ khi xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ; đồng thời tăng thị phần ở thị trường Nhật Bản và EU.
Các Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện công văn số 684/TTg-KTTH ngày 2/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hạn chế nhập siêu.
Ba là, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng đầu tư và vốn của doanh nghiệp nhà nước.
Tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 21/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 nhằm kịp thời phát hiện những tiêu cực, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư; không tuân thủ các quy trình, thiết kế kỹ thuật; việc chấp hành các quy định của các cơ quan quản lý, của chủ đầu tư về sử dụng đất đai, quy hoạch mặt bằng, bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng, tái định cư...
Tăng cường công tác thanh tra kế hoạch đầu tư, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác quản lý đầu tư, xây dựng ở một số công trình quan trọng thuộc nguồn vốn nhà nước, tập trung vào các công trình dự án giao thông, thuỷ lợi quan trọng nhằm rút ra những kết luận về công tác quản lý đầu tư và xây dựng của các Bộ, ngành và địa phương.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng xây dựng, đặc biệt chú trọng quản lý chất lượng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, tư vấn thiết kế, giám sát thi công, nhà thầu khi tham gia xây dựng công trình.
Tiếp tục hợp lý hóa chi tiêu ngân sách nhà nước nhằm củng cố nguồn thu trong xu thế cắt giảm thuế quan theo lộ trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, qua đó giảm thiểu thâm hụt ngân sách nhà nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công và giảm gánh nặng đối với Ngân sách Nhà nước.
Bốn là, kiềm chế tốc độ tăng giá, ổn định các cân đối vĩ mô
Tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc hiện tượng lợi dụng việc biến động giá thế giới để tăng giá các sản phẩm không hợp lý; đồng thời, hạn chế tác động dây chuyền của việc tăng giá xăng dầu.
Tổ chức tốt hệ thống đại lý, gắn đại lý với các nhà sản xuất, các nhà phân phối lớn để bảo đảm kiểm soát được giá. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tiết kiệm, giảm chi phí tiêu hao vật tư, nguyên liệu. Kiểm soát chặt chẽ việc định giá, chi phí giá thành đối với các sản phẩm độc quyền và các ngành sản xuất cung ứng vật tư nguyên liệu quan trọng.
Tăng cường công tác kiểm tra, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, đẩy giá thị trường lên cao.
Phối hợp chặt chẽ các chính sách vĩ mô, trong đó chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là trung tâm, làm cơ sở để giữ vững ổn định các cân đối vĩ mô. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng; tăng cường sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ tốt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Điều hoà ổn định tỷ giá và cân đối ngoại tệ; bảo đảm cung ứng đủ ngoại tệ để nhập khẩu các vật tư nguyên liệu quan trọng, nhất là xăng dầu, sắt thép và một số vật tư, hóa chất chủ yếu khác.
Thực hiện các biện pháp chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế và các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng chi vượt dự toán, ứng trước, vay để chi tiêu nhưng không có nguồn trả, nhất là trong xây dựng cơ bản.
Năm là, giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc và tăng cường xoá đói giảm nghèo
Thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao nhằm đảm bảo công bằng xã hội, chăm lo tốt hơn phúc lợi xã hội cho nhân dân.
Tăng cường đầu tư nâng cấp mạng lưới y tế, đặc biệt là ở tuyến tỉnh và huyện phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Tập trung chỉ đạo bình ổn giá thuốc chữa bệnh, chống độc quyền trong nhập khẩu và phân phối thuốc. Thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc chữa bệnh. Đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc chữa bệnh trong nước.
Đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ở vùng có đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho người nghèo về kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo vươn lên như chính sách về khám chữa bệnh; hỗ trợ giáo dục; hỗ trợ nhà ở; cho vay vốn ưu đãi...
Tăng đầu tư cho các tỉnh nghèo, nhất là về phát triển hệ thống giao thông, y tế, giáo dục nhằm thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện cho người dân tự vươn lên thoát nghèo, giảm dần khoảng cách tụt hậu so với các tỉnh giàu.
Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc tổng rà soát các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, thời gian giải quyết được rút ngắn, công khai quy trình giải quyết các thủ tục. Khẩn trương rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, trước hết về mặt bằng sản xuất, thuế, hải quan, hàng hoá xuất nhập khẩu, phân bổ hạn ngạch và lưu thông hàng hoá trong nước.
Công bố công khai, minh bạch những quy định về các thủ tục và giấy tờ cần thiết đối với từng thủ tục hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi công sở làm căn cứ cho nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Triển khai thực hiện rộng rãi mô hình thủ tục "một cửa" ở tất cả các cấp chính quyền, đảm bảo giải quyết thông suốt các yêu cầu của dân, mở rộng phân cấp cho cấp huyện, cấp xã giải quyết những thủ tục liên quan trực tiếp đến công việc hàng ngày của dân.
Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc vi phạm và đơn thư khiếu kiện của người dân nhằm nâng cao hiệu lực của môi trường pháp lý và ý thức chấp hành các qui định của pháp luật.
Triển khai công tác thanh tra (kiểm tra) trong một số lĩnh vực quản lý: nhà, đất, thuế, hải quan, đầu tư, xây dựng và một số vụ việc cụ thể đã được cử tri, công luận phản ánh. Tăng cường công tác chống tham nhũng. Khẩn trương điều tra và làm rõ các vụ việc tiêu cực đã được phát hiện, truy tố, xét xử đúng pháp luật./.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư