Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2005
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 8 VÀ 8 THÁNG NĂM 2005
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
a. Nông nghiệp
Lúa mùa: Tính đến ngày 15/8/2005 cả nước đã gieo cấy được 1472 nghìn ha lúa mùa, bằng 96,6% cùng kỳ năm 2004, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1196,2 nghìn ha, bằng 98,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 275,8 nghìn ha, bằng 88,7%.
Lúa hè thu: Đến trung tuần tháng 8, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1074,1 nghìn ha lúa hè thu, bằng 93,7% cùng kỳ năm trước và chiếm 51,4% diện tích gieo cấy.
Các cây trồng khác: Tiến độ gieo trồng và chăm sóc các loại cây hè thu khác nhìn chung nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến trung tuần tháng 8/2005, cả nước gieo trồng được 882,9 nghìn ha ngô, bằng 107,4%; 351,5 nghìn ha sắn, bằng 118,4%; 182,3 nghìn ha đỗ tương, bằng 116,3%; 231,8 nghìn ha lạc, bằng 106,6%; 618,3 nghìn ha rau đậu, bằng 99,1%.
b. Lâm nghiệp
Thời tiết mưa nhiều trong tháng tạo thuận lợi cho công tác trồng rừng. Diện tích rừng trồng mới tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây trồng phân tán tăng 3%; riêng sản lượng gỗ khai thác giảm 0,2%. Tính chung 8 tháng năm 2005, diện tích rừng trồng tập trung đạt xấp xỉ mức cùng kỳ năm trước, số cây trồng phân tán tăng 0,5% và sản lượng gỗ khai thác tăng 0,1%.
c. Thuỷ sản
Tính chung 8tháng năm nay, sản lượng thuỷ sản đạt 2146,5 nghìn tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng 784,8 nghìn tấn, tăng 14%; khai thác 1361,7 nghìn tấn, tăng 2,8%.
2. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 18,1%, trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 9%; khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,4.
Tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 9,6%; khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 23,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,7% (trong đó dầu mỏ và khí đốt giảm 9,3%, các ngành khác tăng 25,8%).
Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng cho nền kinh tế và xuất khẩu duy trì tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung, đã góp phần chính trong tăng công nghiệp 8 tháng như: Than sạch khai thác tăng 23,9%; thuỷ sản chế biến tăng 17,6%; phân hoá học tăng 48,7%; thép cán tăng 16,5%; máy công cụ tăng 27,4%; động cơ điện tăng 18%; ô tô lắp ráp tăng 42,9%... Bên cạnh đó, do giá nhập khẩu một số vật tư, nguyên liệu đầu vào như sắt thép, xăng dầu, nhựa, giấy... tăng cao và biến động phức tạp, cũng như khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ... nên một số sản phẩm công nghiệp tăng thấp hoặc chưa đạt mức sản xuất của cùng kỳ năm trước như: Khí đốt thiên nhiên tăng 10%; quần áo may sẵn tăng 10,5%, giấy bìa tăng 9,7%, xi măng tăng 13,7%; đặc biệt lưu ý trong 8 tháng năm nay, dầu thô khai thác chỉ bằng 89% mức sản xuất của 8 tháng 2004; đường mật các loại chỉ bằng 76,6%; vải lụa bằng 97,3%; động cơ diezen bằng 78,5%...
3. Đầu tư
Vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung 8 tháng đầu năm 2005 ước thực hiện 36542,7 tỷ đồng, đạt 70,4% kế hoạch năm. Vốn đầu tư do trung ương quản lý thực hiện 14352,8 tỷ đồng, đạt 72,1% kế hoạch năm, vốn do địa phương quản lý 22189,9 tỷ đồng, đạt 69,3%.
Trong vốn trung ương quản lý, Bộ Giao thông Vận tải có tỷ trọng vốn lớn, chiếm 30,3% vốn thực hiện 8 tháng, đạt 75,6% kế hoạch năm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chiếm 9,6% và đạt 75,2%; Bộ Xây dựng chiếm 6,7% và đạt 82,2%. Các Bộ đạt tỷ lệ thực hiện kế hoạch vốn 2005 tương đối thấp là Bộ Giáo dục Đào tạo đạt 54,1% và Bộ Y tế 48,7%.
Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, từ đầu năm đến 22/8/2005 đã có 490 dự án mới được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 2237,4 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,9% về số dự án và tăng 79,6% về số vốn đăng ký. Qui mô bình quân một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới trong 8 tháng năm nay là 4,57 triệu USD, trong đó bình quân một dự án khu vực ngành công nghiệp và xây dựng 3,26 triệu USD, dịch vụ 10,5 triệu USD và nông lâm nghiêp, thuỷ sản 1,79 triệu USD.
4. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội theo giá thực tế 8 tháng đầu năm 2005 ước tính đạt 302,63 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước đạt 40 nghìn tỷ đồng, bằng cùng kỳ năm trước; kinh tế tập thể đạt 3,02 nghìn tỷ đồng, tăng 22%; kinh tế cá thể 185,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 61,3% tổng mức) tăng 18,6%; khu vực kinh tế tư nhân đạt 61,7 nghìn tỷ đồng, tăng 34,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 12,2 nghìn tỷ đồng tăng 32,1%.
Giá tiêu dùngtháng 8/2005 so với tháng trước tăng 0,4 %, trong đó cả 10 nhóm hàng hoá và dịch vụ đều tăng với các mức độ khác nhau. Giá nhóm phương tiện đi lại, bưu điện có mức tăng cao nhất 0,9% (Đặc biệt trong nhóm này bưu chính viễn thông giảm 0,7%) so với tháng trước; giá nhóm lương thực, thực phẩm tăng 0,3%; các nhóm hàng tiêu dùng và dịch vụ khác tăng phổ biến ở mức 0,4-0,6% (trừ văn hoá, thể thao, giải trí tăng 0,1% và dược phẩm, y tế tăng 0,2%).
So với tháng 12/2004, giá tiêu dùng tháng 8/2005 tăng 6%, trong đó giá của tất cả các nhóm hàng hoá và dịch vụ đều tăng. Một số nhóm giá tăng cao, đóng góp chính vào tăng giá tiêu dùng so với tháng 12/2004 như giá lương thực, thực phẩm tăng 8%; nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tăng 5,8%...
Giá trị xuất khẩuướcthực hiện 8 tháng năm nay 20,35 tỷ USD, tăng 18,7% so với 8 tháng năm trước, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước 8,9 tỷ USD, tăng 12,4%; xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 6,87 tỷ USD, tăng 20,6% và xuất khẩu dầu thô 4,58 tỷ USD, tăng 29,6%. Thị trường hàng xuất khẩu của Việt Nam 7 tháng vẫn ổn định và tăng so với cùng kỳ, nhất là các thị trường lớn và xuất hiện nhiều thị trường mới ở khu vực Châu Phi. Thị trường Hoa kỳ 3,16 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18% tổng trị giá xuất khẩu, tăng 16%, dẫn đầu 7 trong số 18 mặt hàng chủ yếu của Việt Nam có giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD. Thị trường Nhật Bản 2,464 tỷ đôla, tăng 33%, trong đó thuỷ sản tăng 9,2%, dầu thô tăng 206%, dệt may 16,8%... Thị trường Ôxtrâylia 1,4 tỷ USD, tăng 477 triệu USD so với 7 tháng năm trước, trong đó dầu thô tăng 58%, hải sản tăng 33%... Thị trường EU khoảng 3 tỷ USD, tăng nhẹ (+1,2%). Đáng lưu ý là một số thị trường lớn và tiềm năng thuộc khu vực này trong 7 tháng lại giảm như Đức, Anh, Hà Lan... Thị trường EU giảm mạnh ở các mặt hàng như giầy dép (đạt 1,02 tỷ đôla, giảm 87 triệu đôla), cà phê đạt 203 triệu đôla, giảm 81 triệu đôla...
Giá trị nhập khẩu 8 tháng năm 2005 đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20% so với 8 tháng năm 2004, bằng 66,3% so kế hoạch cả năm. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 15,6 tỷ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 8,64 tỷ USD, tăng 22,8%. Tính đến nay, bình quân mỗi tháng nhập khẩu 3,024 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu do giá nhập khẩu một số mặt hàng có giá trị lớn vẫn tăng hoặc đứng ở mức cao.
Khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng năm 2005 ước tính đạt 2,32 triệu khách, tăng 22,7% so với 8 tháng năm 2004, trong đó khách đến với mục đích du lịch tăng 34,6%; thăm thân nhân tăng 13,9%; đến với mục đích khác tăng 27,9%; riêng khách đến vì công việc giảm 8,6%.
5. Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng 8 có 40,6 nghìn hộ với 19,6 vạn nhân khẩu bị thiếu đói, chiếm khoảng 0,3% tổng số hộ và nhân khẩu nông nghiệp. Tình hình thiếu đói trong tháng đã giảm đáng kể so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Để trợ giúp các hộ thiếu đói khắc phục khó khăn, từ đầu năm đến nay các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ các hộ thiếu đói khoảng 19,5 nghìn tấn lương thực và trên 11 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh
Tính từ đầu năm đến ngày 19/8, có 49,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 20,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó tử vong 18 người; 2,6 nghìn trường hợp mắc bệnh thương hàn, trong đó tử vong 20 người và 3,3 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan vi rút, trong đó tử vong 5 người. So với cùng kỳ năm trước, số người mắc bệnh sốt rét giảm 29%; sốt xuất huyết giảm 50,7%; riêng số trường hợp mắc bệnh thương hàn tăng 20,3%.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Trong tháng phát hiện thêm khoảng 1 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước đến 19/8/2005 lên 98,3 nghìn người, trong đó có 16 nghìn bệnh nhân AIDS và trên 9,1 nghìn người đã chết do AIDS.
Tai nạn giao thông
Tính chung 7 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 8,8 nghìn vụ tai nạn, làm chết 6,8 nghìn người và làm bị thương 7,5 nghìn người. Bình quân 1 ngày trong 7 tháng đã xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông, làm chết 32 người và làm bị thương 35 người. So với cùng kỳ năm 2004, số vụ tai nạn xảy ra 7 tháng qua giảm 18,4%; số người chết giảm 5,5% và số người bị thương giảm 24,1%.
Thiệt hại do bão, lũ, lụt
Từ giữa tháng 7 đến 15/8 đã xảy ra bão, mưa to, gió lốc tại 24 tỉnh, thành phố trong cả nước gây thiệt hại về người và tài sản, trong đó bão số 2 và số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân cư các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá và Nghệ An. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm 26 người chết và khoảng 20 người bị thương, trong đó riêng ở Nghệ An 15 người bị chết. Mưa, bão cũng đã làm trên 3 nghìn mét đê bị vỡ, cuốn trôi; 18,7 nghìn m3 đất đê bị sạt lở; 61,2 nghìn ha lúa bị ngập, hư hại; gần 1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và nhiều công trình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 425 tỷ đồng.