Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2005
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 7 VÀ 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2005
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
a. Nông nghiệp:
Tính đến ngày 15/7/2005, cả nước gieo cấy được 1012,4 nghìn ha lỳa mựa, bằng 99% cùng kỳ. Các địa phương phía Bắc gieo cấy 881,7 nghìn ha, đạt xấp xỉ cùng kỳ; Các địa phương phía Nam gieo cấy được 130,7 nghìn ha, bằng 88,8% cùng kỳ. Các địa phương phía Nam gieo cấy 2040 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98% cùng kỳ; các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ không đạt kế hoạch và tiến độ chậm hơn cùng kỳ do hạn hán xảy ra trên diện rộng.
Đến nay, có khoảng 736 nghìn ha lúa hè thu chính vụ đã được thu hoạch, chiếm 40% diện tích. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năng suất lúa trên diện tích đã thu hoạch ước tính tăng hơn so với cùng kỳ năm trước từ 1-3 tạ/ha, do hầu hết các tỉnh đều sử dụng giống chất lượng cao trên 80% diện tích gieo cấy.
Các loại cây trồng khác:Tính đến ngày 15/7/2005, cả nước gieo cấy được 817,1 nghìn ha ngô, bằng 106,4% cùng kỳ năm trước, khoai lang 141,4 nghìn ha, bằng 90,5%, sắn 312,6 nghìn ha, bằng 110,1%, lạc 271,1 nghìn ha, bằng 134,2%, đậu tương 149,4 nghìn ha, bằng 112,8%, mía trồng mới 43,6 nghìn ha, bằng 107,4%...
b. Lâm nghiệp
Thời tiết có mưa nhiều trong tháng 7 đã góp phần đẩy nhanh tiến độ trồng rừng ở các tỉnh phía Bắc. Diện tích rừng trồng mới trong tháng ước tính đạt 20 nghìn ha, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác tăng 0,6%, trong đó gỗ rừng trồng tăng khoảng 0,7%, chủ yếu do tăng sản lượng khai thác gỗ ở các tỉnh phía Nam (riêng khai thác gỗ ở Gia Lai tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu tiêu thụ của nhà máy MDF và của các tỉnh khác).
Trong tháng có 1022 ha rừng bị thiệt hại, trong đó diện tích rừng bị cháy 861 ha (Bình Phước 121 ha, Hoà Bình 140 ha, Sơn La 135 ha, Hà Giang 93 ha); các tỉnh có diện tích rừng bị phá nhiều là Lâm Đồng 50ha, Hà Giang 30ha, Gia Lai 21ha.
c. Thuỷ sản
Tính chung 7 tháng, sản lượng thuỷ sản ước đạt 1841,3 nghìn tấn tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nuôi trồng 654,3 nghìn tấn tăng 17,5%, khai thác 1187 nghìn tấn tăng 3%.
2. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng 7 tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tính tăng 17,4%.
Tháng 7/2005 các nhà máy điện vận hành tương đối ổn định, cung cấp đủ điện cho nền kinh tế. Mực nước cho sản xuất thủy điện ở Hoà Bình, miền Nam và miền Trung đã khá hơn so với các tháng trước, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Sản lượng điện phát tháng 7 ước tính đạt 4743 triệu kwh, bình quân đạt 153 triệu kwh/ngày.
Tính chung 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 10% (doanh nghiệp Nhà nước trung ương quản lý tăng 14,3%; doanh nghiệp Nhà nước địa phương quản lý tăng 0,9%); khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 23,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,9% (trong đó dầu mỏ và khí đốt giảm 10,3%, các ngành khác tăng 25,2%).
Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng cho nền kinh tế và xuất khẩu duy trì tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung, đã góp phần chính trong tăng công nghiệp 7 tháng như: than sạch khai thác tăng 24%; thuỷ sản chế biến tăng 17,5%; phân hoá học tăng 51,9%; thuốc trừ sâu, thép cán đều tăng 16,6%; máy công cụ tăng 39,8%; động cơ điện tăng 19%; ô tô lắp ráp tăng 45,5%; xe máy lắp ráp tăng 16,5%...
3. Đầu tư
Vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung 7 tháng đầu năm 2005 ước thực hiện 31686,8 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm. Vốn đầu tư do trung ương quản lý thực hiện 12859,1 tỷ đồng, đạt 64,6% kế hoạch năm, trong đó Bộ Giao thông Vận tải 3928,3 tỷ đồng, đạt 68,2% kế hoạch năm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1246,2 tỷ đồng, đạt 68,2%...
Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, từ đầu năm đến 20/7/2005 có 419 dự án mới được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 2099,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 16,7% về số dự án và tăng 118,2 % về vốn đăng ký (7 tháng đầu năm 2004 có 359 dự án với vốn đăng ký 962,5 triệu USD). Qui mô bình quân một dự án được cấp phép đạt 5 triệu USD, tăng 185,2% so với mức bình quân của một dự án cùng kỳ năm trước.
4. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Giá tiêu dùng tháng 7/2005 so với tháng trước tăng 0,4%. Trong 10 phân nhóm hàng hoá và dịch vụ, giá nhóm lương thực thực phẩm và nhóm văn hoá, thể thao giải trí không tăng so với tháng trước, 8 nhóm còn lại đều tăng giá với mức độ khác nhau, trong đó giá nhóm phương tiện đi lại, bưu điện có mức tăng cao nhất (+2%) (tuy trong nhóm này giá bưu chính viễn thông giảm 0,3%) và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 1,7%. Giá nhóm lương thực, thực phẩm không tăng so với tháng trước, do giá lương thực giảm trong khi giá thực phẩm tăng; giá nhóm giáo dục tăng 0,6%; dược phẩm y tế tăng 0,4%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình và nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép đều tăng 0,3%.
So với tháng 12/2004, giá tiêu dùng tháng 7 năm 2005 tăng 5,6%, trong đó giá của tất cả các nhóm hàng hoá và dịch vụ đều tăng: một số nhóm giá tăng cao, đóng góp chính vào tăng giá tiêu dùng so với tháng 12/2004 như nhóm lương thực, thực phẩm tăng 7,7%, nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tăng 4,9%, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 4,8%...
Giá vàng tháng 7/2005 tăng 1,2% so với tháng trước, giảm 3,3% so với tháng 12/2004 và tăng 8,7% so với tháng 7/2004, trong khi giá đô la Mỹ tương đốiổn định, giá tháng 7 tăng nhẹ cả ở 3 loại chỉ số tương ứng là tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 0,5% so với tháng 12/2004 và tăng 0,8% so với tháng 7/2004.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2005 tăng khá so với các tháng trước, ước tính đạt 2,75 tỷ USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2005 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,38 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi tháng trong 7 tháng năm nay mới đạt khoảng 2,48 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu dầu thô 7 tháng ước tính đạt 4,02 tỷ USD, tăng 34,4%, đóng góp 38,6% vào tăng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 13,36 tỷ USD, tăng 13,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,44 tỷ USD, tăng 9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,92 tỷ USD, tăng 20,9%.
Trong 6 tháng đầu năm, một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tăng khá: Thị trường Hoa Kỳ tăng 15% so với 6 tháng đầu năm 2004, với kim ngạch trên 2,5 tỷ USD, chủ yếu do giầy dép tăng 43,6%, sản phẩm gỗ tăng 125,6% đã bù lại hàng dệt may giảm 4,5% và hải sản giảm 16%. Thị trường Nhật Bản tăng 35,6% với kim ngạch khoảng 2 tỷ USD, hầu hết các mặt hàng đều tăng: thuỷ sản tăng 18,3%, dệt may tăng 15,2%, dầu thô tăng 150%... Thị trường Ôx-trây-lia tăng 56,2%, trong đó dầu thô tăng 60,6% và hải sản tăng 39,5%.
Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2005 ước tính đạt 21,11 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 13,57 tỷ USD, tăng 19,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 7,54 tỷ USD, tăng 23,2%. Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và hầu hết các vật tư, nguyên, nhiên liệu cho sản xuất trong nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu của Việt Nam từ các châu lục trong 6 tháng đầu năm đều tăng, trong đó nhập khẩu từ châu Á tăng 2,5 tỷ USD, từ châu Âu tăng 377 triệu USD, từ châu Mỹ tăng 240 triệu USD. Trong các nước cung cấp châu á, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 39%, tương ứng với tăng 760 triệu USD, trong đó chủ yếu là sắt thép, xăng dầu, nguyên phụ liệu dệt may và vải; nhập khẩu từ Xing-ga-po tăng 406 triệu USD, từ Nhật Bản tăng 336 triệu USD, từ Đài Loan tăng 353 triệu USD, từ Hàn Quốc tăng 260 triệu USD...
Khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng năm 2005 ước tính đạt 2048,2 nghìn lượt người, tăng 23,8% so với 7 tháng năm 2004, trong đó khách đến với mục đích du lịch 1213,8 nghìn lượt người tăng 38,4%; vì công việc 264 nghìn lượt người, giảm 9,3%; thăm thân nhân 324,8 nghìn lượt người, tăng 13,7%; đến với mục đích khác 245,6 nghìn lượt người, tăng 21,3%.
5. Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng 7 (tính đến 22/7), có 53,4 nghìn hộ với 252,6 nghìn nhân khẩu bị thiếu đói (chiếm 0,4% tổng số hộ và số nhân khẩu nông nghiệp). Để trợ giúp các đối tượng thiếu đói khắc phục khó khăn, từ đầu năm đến nay các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 19,5 nghìn tấn lương thực và 11 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh
Trong tháng (tính đến 19/7) có trên 5,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 4,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và trên 750 trường hợp mắc bệnh thương hàn. Tính từ đầu năm đến nay, có 40,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét, trong đó 1 người tử vong; 15,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 17 người đã tử vong và 2 nghìn trường hợp mắc bệnh thương hàn nhưng không có trường hợp nào tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số người mắc bệnh sốt rét giảm 31,3%; số người mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 45,1%; riêng số người mắc bệnh thương hàn tăng 5%.
Tai nạn giao thông
Tính chung 6 tháng đầu năm 2005, trên địa bàn cả nước đã xảy ra gần 7,7 nghìn vụ tai nạn, làm chết 5,9 nghìn người và làm bị thương 6,6 nghìn người. So với 6 tháng đầu năm 2004, số vụ tai nạn giảm 19,2% (giảm 1,8 nghìn vụ); số người chết giảm 6,5% (giảm 0,4 nghìn người) và số người bị thương giảm 24,8% (giảm 2,2 nghìn người). Bình quân mỗi ngày trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 10 vụ, giảm 2 người chết và giảm 12 người bị thương so với cùng kỳ năm 2004.
Thiệt hại do bão, lũ, lụt
Từ cuối tháng 6 đến nay đã xảy ra mưa to, lũ, lốc, sạt lở đất, sét đánh tại một số địa phương gây thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm 11 người chết, 16 người bị thương, trong đó Yên Bái có 5 người bị chết, Vĩnh Phúc 2 người, Hà Giang 2 người. Thiên tai cũng đã làm hàng trăm mét đê bị vỡ, cuốn trôi; trên 1 nghìn ha lúa bị ngập, hư hại; gần 70 ngôi nhà bị sập đổ và nhiều công trình kinh tế - xã hội khác bị ảnh hưởng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 9 tỷ đồng.