Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2005
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 11 VÀ 11 THÁNG NĂM 2005
1. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Thu hoạch lúa mùa: Tính đến 15/11 cả nước thu hoạch được 1424 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc thu hoạch 1180,3 nghìn ha, chiếm trên 97% diện tích gieo cấy và bằng 103,5%; các địa phương phía Nam thu hoạch 243,7 nghìn ha, chiếm 30% diện tích gieo cấy và bằng 85,1%. Theo đánh giá sơ bộ, năng suất lúa mùa cả nước đạt 39,6 tạ/ha, giảm 1,5 tạ/ha so với vụ mùa 2004; sản lượng đạt 8,06 triệu tấn, giảm 579 nghìn tấn (-6,7%).
Cùng thời gian này, cả nước đã gieo trồng được 456 nghìn ha cây vụ đông, trong đó, diện tích ngô đạt 178,6 nghìn ha, bằng 98,1% cùng kỳ năm trước; khoai lang 74,7 nghìn ha, bằng 97,5%; đậu tương 56 nghìn ha, bằng 121,2%; lạc 6,8 nghìn ha, bằng 70,8%; rau đậu 127,7 nghìn ha, bằng 101,2%.
Dịch cúm gia cầm: Tính đến ngày 18/11, cả nước có 17 tỉnh xảy ra dịch cúm gia cầm với tổng số 62 quận, huyện và thị xã; 114 xã, phường. Số gia cầm bị tiêu huỷ khoảng 900 nghìn con. Chăn nuôi gia súc phát triển mạnh, đặc biệt nuôi bò sinh sản và bò thịt. Mô hình nuôi lợn trong các trang trại tăng nhanh ở các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Thanh Hoá, Tuyên Quang.
Lâm nghiệp: Tính chung 11 tháng năm 2005, tổng diện tích rừng trồng tập trung đạt 177,4 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; số cây trồng cây phân tán 195,4 triệu cây, tăng 3,9%; sản lượng gỗ khai thác tăng 0,1%.
Thuỷ sản: 11 tháng năm nay, sản lượng thuỷ sản đạt 3098 nghìn tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tăng 8,6%; tôm tăng 10,8%; thuỷ sản khai thác tăng 3,3%.
2. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2005 tăng 17% so với 11 tháng năm 2004, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 8,9%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 24,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,8.
Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng vẫn duy trì ở mức tăng cao so với 11 tháng năm 2004 như: Than sạch khai thác tăng 21,9%; thủy sản chế biến tăng 15,2%; xút (NaOH) tăng 21,7%; phân hoá học tăng 31,5%; gạch lát tăng 19,3%; thép cán tăng 21,6%; máy công cụ tăng 37,5%; ô tô lắp ráp tăng 28,9. Bên cạnh các sản phẩm tăng cao, do khó khăn về sản xuất và thị trường tiêu thụ nên một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng phổ biến ở mức trên dưới 10% so với cùng kỳ năm trước như quần áo may sẵn tăng 13,4%, giấy tăng 13,9%, xi măng tăng 10,4%, quạt điện tăng 11%. Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp 11 tháng còn chưa đạt mức sản xuất của 11 tháng năm trước: dầu thô khai thác bằng 92,2%; ga hoá lỏng bằng 91,8%; động cơ diezel bằng 78,6%, xe đạp hoàn chỉnh bằng 85%...
3. Đầu tư
11 tháng 2005, Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 52249,9 tỷ đồng, đã vượt trước kế hoạch vốn cả năm 2005 là 0,6%, trong đó các đơn vị trung ương quản lý 19397,3 tỷ đồng, đạt 97,5% kế hoạch năm; các đơn vị địa phương quản lý 32852,6 tỷ đồng, vượt trước 2,6% kế hoạch năm. Trong tổng vốn đầu tư thực hiện 11 tháng của các đơn vị trung ương quản lý, Bộ Giao thông Vận tải đạt 100,1% kế hoạch năm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đạt 112,9%; Bộ Xây dựng đạt 85,1%; Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế đều mới đạt 84%...
Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, Từ đầu năm đến ngày 16/11/2005, trên phạm vi cả nước đã có 702 dự án mới được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,61 tỷ USD, bình quân vốn 1 dự án mới được cấp phép là 5,14 triệu USD.
4. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 11 tháng ước tính đạt 426,9 nghìn tỷ đồng (tính theo giá thực tế), tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 2,7%; kinh tế tập thể tăng 18,3%; kinh tế cá thể (chiếm 62,2%) tăng 25,9%; kinh tế tư nhân (chiếm 20,1%) tăng 18%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,2%.
Giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 7,6% so với tháng 12 năm trước, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, giá tiêu dùng tháng 11 tiếp tục tăng ở tất cả 10 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, tăng từ 0,1 đến 1,1%. Giá lương thực, thực phẩm tháng 11 đã tăng cao trở lại, và tăng hơn mức tăng giá tiêu dùng chung.
So với tháng 12 năm trước, giá tiêu dùng tháng 11 tăng 7,6%, trong đó tăng mạnh là các nhóm: lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng 9,3%; giá phương tiện đi lại, bưu điện tăng 10,3% (trong đó tăng nhanh là giá phương tiện đi lại, trong khi giá bưu điện chỉ bằng 90,8% giá tháng 12); giá nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 9,2%; các nhóm còn lại tăng phổ biến ở mức trên, dưới 4%; riêng nhóm văn hoá thể thao giải trí tăng 2,5%.
Giá vàng tháng 11 tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 3,5% so với tháng 12 năm trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ ổn định và có xu hướng tăng nhẹ cả ở 3 chỉ số: So với tháng trước tăng 0,1%, so với tháng 12 năm trước tăng 0,8% và tăng 0,9% so với tháng 11 năm trước.
Tổng giá trị xuất khẩu 11tháng đạt 29,12 tỷ USD, bình quân mỗi tháng đạt 2,65 tỷ USD.So với 11 tháng năm trước, kim ngạch xuất khẩu tăng 21,5%, tương đương với tăng thêm 5,15 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 12,35 tỷ USD, tăng 13,9%, đóng góp 6,3 điểm phần trăm vào tăng kim ngạch 11 tháng; xuất khẩu dầu thô đạt 6,77 tỷ USD, tăng 30,3%, đóng góp 6,6 điểm phần trăm; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô 9,99 tỷ USD, tăng 26,1%, đóng góp 8,6 điểm phần trăm.
Trong tổng số, xuất khẩu của 7 mặt hàng có kim ngạch lớn là dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ sản, điện tử máy tính, gạo và sản phẩm gỗ đạt 20,22 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ và đóng góp 15,2 điểm phần trăm trong 21,5 điểm phần trăm tăng trưởng chung.
Tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng năm 2005 ước tính đạt 33,55 tỷ USD, tăng 16,6% so với 11 tháng năm 2004, trong đó, khu vực kinh tế trong nước 21,14 tỷ USD, tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 12,4 tỷ USD, tăng 24%. Bình quân mỗi tháng trong 11 tháng qua duy trì nhập khẩu ở mức khoảng 3,05 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu do giá nhập khẩu một số mặt hàng có giá trị lớn vẫn tăng hoặc đứng ở mức cao. Kim ngạch nhập khẩu xăng dầu ước tính đạt 4,59 tỷ USD, tăng 43,4%, lượng nhập chỉ tăng 5,1%; sắt thép 2,76 tỷ USD, tăng 21,7%, lượng nhập tăng 12,3%; hàng điện tử, máy tính và linh kiện 1,54 tỷ USD, tăng 29,7%... Bên cạnh đó, một số mặt hàng, nhóm hàng tăng thấp hoặc giảm so với 11 tháng năm trước: kim ngạch nhập khẩu hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 4,78 tỷ USD, chỉ tăng 1,1%; nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chỉ bằng 90,3% kim ngạch cùng kỳ và số lượng nhập khẩu bằng 80,5%; nhập khẩu bông giảm 15,8%, chủ yếu do giá nhập khẩu giảm… Nhập siêu 11 tháng 4,43 tỷ USD, bằng 15,2% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức nhập siêu 4,81 tỷ USD của 11 tháng năm trước và là tỷ lệ tích cực hơn hẳn tỷ lệ nhập siêu 20,1% của cùng kỳ.
Vận chuyển hành khách 11 tháng năm 2005 ước tính đạt 1162,9 triệu lượt hành khách và 48,77 tỷ lượt hành khách.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,7% về số lượt khách và tăng 11,4% về số lượt hành khách.km. Vận chuyển hàng hoá 11 tháng năm 2005 ước tính đạt 287,4 triệu tấn và 72,15 tỷ tấn.km, tăng 6,8% về tấn và tăng 6,5% về tấn.km.
Khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2005 đạt 3,14 triệu khách, tăng 18,8% so với 11 tháng năm 2004, trong đó số khách đến với mục đích du lịch, nghỉ ngơi 1,84 triệu khách, chiếm 58,6% tổng số khách đến, tăng 28,9%; thăm thân nhân chiếm 14,8% và tăng 10,4%; đến với mục đích khác chiếm 12,4% và tăng 20,4%; riêng khách đến vì công việc giảm 5,6%.
5. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng 2005 ước tính tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước và vượt trước kế hoạch thu ngân sách Nhà nước cả năm 3,1%, trong đó thu nội địa bằng 95,6%, thu dầu thô 135,3%, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 91,8% và thu viện trợ đã đạt 100% kế hoạch cả năm.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 11 tháng ước tính đạt 95,3% dự toán cả năm, tuy đã đảm bảo được 96,5% kế hoạch chi thường xuyên cả năm, nhưng chi cho đầu tư phát triển mới đạt 88%. Bội chi ngân sách Nhà nước 11 tháng bằng 74,3% mức bội chi dự kiến cả năm, trong đó bù đắp bằng nguồn vay trong nước chiếm 75,2% và vay nước ngoài chiếm 24,8%.
6. Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Số hộ thiếu đói trong tháng 11 giảm 38,5% so với tháng trước, nhưng lại gấp khoảng 2 lần cùng kỳ năm 2004, do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài và bão lũ thời gian qua, nhất là ảnh hưởng của bão số 6 và bão số 7. Để hỗ trợ các hộ thiếu đói khắc phục khó khăn, từ đầu năm đến nay các cấp, các ngành, các tổ chức đã trợ giúp cho các hộ thiếu đói gần 22 nghìn tấn lương thực và 12,9 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: tổng số người nhiễm HIV trong cả nước đến 19/11/2005 lên 103,1 nghìn người, trong đó có 17,1 nghìn bệnh nhân AIDS và trên 9,9 nghìn người đã chết do AIDS.
Về tình hình cúm A-H5N1: từ đầu năm đến nay đã có 65 trường hợp mắc bệnh tại 25 tỉnh, thành phố, trong đó có 22 trường hợp tử vong.
Thiệt hại do lụt bão
Từ ngày 21 tháng 10 đến ngày 20 tháng 11 đã xảy ra bão, mưa lớn, áp thấp nhiệt đới tại các tỉnh duyên hải miền Trung và lũ tại đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm 81 người chết, số người bị thương trên 120 người và thiệt hại nhiều tài sản và công trình... Tổng giá trị thiệt hại ước tính 432 tỷ đồng, trong đó Thừa Thiên-Huế 98 tỷ đồng; Quảng Ngãi 88 tỷ đồng.