Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2005
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 10 VÀ 10 THÁNG NĂM 2005
1. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
a. Nông nghiệp
Trồng trọt: Tính đến ngày 15/10 các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch được 810,4 nghìn ha lúa mùa, bằng 131,5% cùng kỳ năm trước và chiếm 67,1% diện tích gieo cấy, trong đó các tỉnh Bắc Trung Bộ thu hoạch 171 nghìn ha, bằng 132,6% và chiếm 90%. Cũng đến thời điểm này, các tỉnh cũng đang khẩn trương kết thúc thu hoạch lúa hè thu muộn và vụ 3, đạt 2167,6 nghìn ha, bằng 97,5% cùng kỳ năm trước và chiếm 93,7% diện tích gieo sạ, trong đó đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1797,6 nghìn ha, bằng 98,8% và chiếm 92%.
Cùng với việc thu hoạch lúa hè thu, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gieo sạ được 293,8 nghìn ha lúa mùa niên vụ 2005-2006, bằng 87,6% cùng kỳ năm trước. Các tỉnh phía Bắc tranh thủ thời tiết thuận lợi gieo trồng được 162,8 nghìn ha ngô, bằng 101,6% cùng kỳ năm 2004; 48,5 nghìn ha khoai lang, bằng 106,6%; 50,9 nghìn ha đậu tương, bằng 139,1.
Chăn nuôi: Trong tháng 10, các địa phương tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm trên diện rộng. Nhìn chung, công tác tiêm phòng diễn ra chậm do thiếu thuốc; công tác kiểm dịch đàn gia cầm vận chuyển ở một số địa phương thực hiện chưa tốt.
b. Lâm nghiệp
10 tháng năm nay, tổng diện tích rừng trồng mới đạt 161,8 nghìn ha, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, số cây trồng phân tán 187,1 triệu cây, tăng 0,3%; sản lượng gỗ khai thác tăng 0,2%.
c. Thuỷ sản
Tính chung 10 tháng năm 2005, sản lượng thuỷ sản đạt 2793 nghìn tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thuỷ sản nuôi trồng 1093,5 nghìn tấn, tăng 15,3%; thuỷ sản khai thác 1699,7 nghìn tấn, tăng 3,5%.
2. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng năm nay đạt 351,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2004, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 9,1%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 24,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,4% (dầu mỏ và khí đốt giảm 7,3%; các ngành khác tăng 27,8%). Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn duy trì được tốc độ tăng cao so với cùng kỳ như than sạch khai thác tăng 20%, thuỷ sản chế biến tăng 15%; sữa hộp tăng 16,5%; phân hoá học tăng 35,6%; gạch lát tăng 17,1%; thép cán tăng 21,1%; máy công cụ tăng 41,9%; ô tô lắp ráp tăng 43,3%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của nền kinh tế còn tăng chậm so với cùng kỳ năm trước như: xi măng tăng 10,4%; động cơ điện tăng 13,4%; quần áo dệt kim tăng 8,2%; vải chỉ tăng 0,4%... Đáng lưu ý là trong 10 tháng, một số sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ như: Dầu thô khai thác giảm 8,4%; đường giảm 23,4%; động cơ diezen giảm 21,3%; máy biến thế giảm 7,4%; tivi lắp ráp giảm 8,1%; xe đạp giảm 10,5%...
3. Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2005, thực hiện 46766,4 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch cả năm; trong đó các đơn vị trung ương quản lý 17468,1 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch năm; các đơn vị địa phương quản lý 29298,3 tỷ đồng, đạt 91,5%. Trong tổng vốn đầu tư thực hiện 10 tháng của các đơn vị trung ương quản lý, Bộ Giao thông Vận tải chiếm 30,6% và đạt 92,9% kế hoạch năm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chiếm 10,6% và đạt 100,8%.... Một số Bộ có tỷ trọng vốn nhỏ nhưng tỷ lệ thực hiện còn thấp so với kế hoạch là Thuỷ sản 59,5%, Giáo dục Đào tạo 61,3% và Y tế 63,4%...
Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, Từ đầu năm đến ngày 21/10/2005, trên phạm vi cả nước đã có 659 dự án mới được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,98 tỷ USD, bình quân vốn 1 dự án mới được cấp phép là 4,5 triệu USD. Theo ngành kinh tế, công nghiệp và xây dựng có 433 dự án (chiếm 65,7% số dự án) với tổng vốn đăng ký 1350 triệu USD (chiếm 45,2% tổng vốn đăng ký). Tính từ đầu năm đến nay đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp phép đầu tư tại Việt Nam. Có 403 lượt dự án được tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm là 1603 triệu USD. Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm 10 tháng đạt 4585 triệu USD. Vốn thực hiện 10 tháng khoảng 2784 triệu USD.
4. Thương mại, giá cả và dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 10 tháng ước tính đạt 384,55 nghìn tỷ đồng (tính theo giá thực tế), tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 1,7%; kinh tế tập thể chiếm 1% tổng mức, tăng 19,5%; kinh tế cá thể chiếm 62,5%, tăng 21,2%; kinh tế tư nhân chiếm 19,7%, tăng 29,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 29%.
Giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 7,2% so với tháng 12 năm trước, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng 12 năm trước, giá tiêu dùng tháng 10 tăng lên 7,2%, tiếp tục nhích lên so với mức tăng 6,8% của tháng 9, trong đó tăng mạnh là các nhóm: lương thực, thực phẩm tăng 8,8% (lương thực tăng 5,3% và thực phẩm tăng 10%); giá phương tiện đi lại, bưu điện tăng 10,1%; giá nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 8,4%; các nhóm còn lại tăng phổ biến ở mức trên, dưới 4%; riêng nhóm văn hoá thể thao giải trí tăng 2,2%.
Giá vàng tháng 10 tăng 4,1% so với tháng trước, tăng 2,6% so với tháng 12 năm trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la mỹ ổn định và có xu hướng tăng nhẹ cả ở 3 chỉ số: So với tháng trước tăng 0,1%, so với tháng 12 năm trước tăng 0,7% và tăng 0,8% so với tháng 10 năm trước.
Giá trị xuất khẩu 10 tháng năm nay đạt 26,45 tỷ USD, tăng 21,9% so với 10 tháng năm 2004, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước 11,25 tỷ USD, tăng 14,1%; xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 8,97 tỷ USD, tăng 25,1% và xuất khẩu dầu thô 6,23 tỷ USD, tăng 33,5%. Trong tổng số, xuất khẩu của 7 mặt hàng có kim ngạch lớn là dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ sản, điện tử máy tính, gạo và sản phẩm gỗ đạt 15 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ và đóng góp 15,6 điểm phần trăm trong 21,9 điểm phần trăm tăng trưởng xuất khẩu, riêng dầu thô đóng góp 7,2 điểm phần trăm.
Thị trường hàng xuất khẩu của Việt Nam 9 tháng năm nay vẫn ổn định, hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ, nhất là các thị trường lớn: thị trường Hoa kỳ tăng 16,7%, Nhật Bản tăng 28,7%, Singapore tăng 28%, Trung Quốc tăng 7,1%.
Tổng giá trị nhập khẩu 10 tháng năm 2005 đạt 30,52 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2004, bằng 83,6% kế hoạch cả năm. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 19,34 tỷ USD, tăng 14,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 11,18 tỷ USD, tăng 24,8%. Tính đến nay, bình quân mỗi tháng nhập khẩu khoảng 3,05 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu do giá nhập khẩu một số mặt hàng có giá trị lớn vẫn tăng hoặc đứng ở mức cao.
Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng năm 2005 ước tính đạt 2,85 triệu khách, tăng 20,3% so với 10 tháng năm 2004, trong đó số khách đến với mục đích du lịch, nghỉ ngơi 1,67 triệu khách, chiếm 58,6% tổng số khách đến, tăng 32,3%; thăm thân nhân chiếm 15% và tăng 10,6%; đến với mục đích khác chiếm 12,4% và tăng 20,7%; riêng khách đến vì công việc giảm 6,4%.
5. Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân: Trong tháng 10 (tính đến 21/10) có 80,2 nghìn lượt hộ với 342,6 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói, chiếm 0,7% tổng số hộ và 0,6% số nhân khẩu nông nghiệp cả nước. So với tháng trước, số hộ thiếu đói tăng 66,6%; so với thời điểm cuối tháng 10/2004 số hộ thiếu đói gấp 3 lần. Nguyên nhân chủ yếu của việc thiếu đói tăng cao trong tháng là do một số địa phương bị ảnh hưởng của hạn hán và bão số 6, số 7. Để hỗ trợ các hộ thiếu đói khắc phục khó khăn, từ đầu năm đến nay các cấp, các ngành, các tổ chức đã trợ giúp cho các hộ thiếu đói 20,9 nghìn tấn lương thực và 11,5 tỷ đồng.
Tai nạn giao thông: Tính chung 9 tháng năm nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 11 nghìn vụ tai nạn, làm chết 8,6 nghìn người và làm bị thương 9,4 nghìn người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 17,7%; số người chết giảm 5,52% và số người bị thương giảm 22,7%. Bình quân 1 ngày trong 9 tháng qua xảy ra 40 vụ tai nạn, làm chết 32 người và làm bị thương 34 người.
Thiệt hại do lụt bão: Từ cuối tháng 9 đến trung tuần tháng 10 đã xảy ra bão, lũ, lụt tại một số địa phương trong cả nước gây thiệt hại lớn về người và tài sản như bão số 7 đã ảnh hưởng tới hầu hết các tỉnh phía Bắc; lũ quét xảy ra tại Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ và tình trạng lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm 132 người chết, trong đó Yên Bái chết 51 người; An Giang 27 người; Quảng Bình 11 người; Long An 11 người; Nghệ An 6 người và Phú Thọ chết 6 người. Tổng số nhà ở bị sập, bị cuốn trôi do lụt, bão gây ra trong tháng là trên 5,8 nghìn nhà; số nhà bị tốc mái và hư hại khoảng 11 vạn nhà. Chiều dài các đoạn đê bị vỡ, bị cuốn trôi là 2,6 nghìn mét, trong đó riêng Nam Định khoảng 1,4 nghìn mét và Thanh Hóa 860 mét. Thiên tai cũng đã làm trên 50 vạn mét đê bị sạt lở; 306 nghìn ha lúa bị ngập, trong đó mất trắng 29 nghìn ha; 25 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và nhiều công trình kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng; tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng.