Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2013
___________
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa hè thu. Tính đến 15/8/2013, cả nước đã gieo cấy được 1467,7 nghìn ha lúa mùa, bằng 102,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1179,3 nghìn ha, bằng 102,4%; các địa phương phía Nam gieo cấy 288,4 nghìn ha, bằng 103,2%.
Cùng với việc gieo cấy lúa mùa, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1176,8 nghìn ha lúa hè thu, bằng cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1094,9 nghìn ha, chiếm 64% diện tích gieo cấy và bằng 100,5%. Theo báo cáo sơ bộ, sản lượng lúa hè thu năm nay cả nước ước tính đạt 11,2 triệu tấn, giảm 80 nghìn tấn so với vụ hè thu năm trước, năng suất ước tính đạt 52,2 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha.
Tiến độ gieo trồng các cây hoa màu nhìn chung nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến giữa tháng Tám, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 963,1 nghìn ha ngô, bằng 106,6% cùng kỳ năm 2012; 124,2 nghìn ha khoai lang, bằng 109,6%; 109,4 nghìn ha đậu tương, bằng 111,3%; 196,2 nghìn ha lạc, bằng 101,4%; 826,6 nghìn ha rau, đậu, bằng 105,7%.
Tổng đàn trâu cả nước ước tính giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2012, đàn bò giảm 3%. Riêng đàn bò sữa phát triển tương đối tốt do giá sữa ổn định nên doanh nghiệp mở rộng quy mô. Chăn nuôi lợn chưa ổn định, ước tính tổng số lợn cả nước giảm từ 1-1,5% so với cùng kỳ năm 2012. Chăn nuôi gia cầm gặp nhiều khó khăn do giá bán thấp, dịch bệnh tuy đã được khống chế nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát gây tâm lý lo ngại cho người nuôi, tổng số gia cầm cả nước ước tính giảm khoảng 1,5-2% so với cùng kỳ năm trước.
* Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 8 năm 2013
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng Tám ước tính đạt 10,9 nghìn ha, bằng 78% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 14,2 triệu cây, tăng 3,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 506,3 nghìn m3, tăng 6,3%; sản lượng củi khai thác đạt 2,7 triệu ste, tăng 1,0%. Tính chung tám tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 110 nghìn ha, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2012; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 142 triệu cây, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3312,9 nghìn m3, tăng 6,7%; sản lượng củi khai thác đạt 20 triệu ste, tăng 1,9%.
Trong tám tháng năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại là 1415 ha, giảm 45,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: diện tích rừng bị cháy là 868,8 ha, giảm 54,6%; diện tích rừng bị chặt, phá là 546,2 ha, giảm 0,3%.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng Tám ước tính đạt 506,9 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá 346,2 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 91,8 nghìn tấn, tăng 4,3%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Tám ước tính đạt 294,6 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó cá 187,5 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm 74,7 nghìn tấn, tăng 5,1%. Nuôi tôm phát triển tương đối ổn định do người nuôi được hướng dẫn kỹ thuật thả nuôi, kiểm soát chất lượng con giống và kịp thời xử lý mầm bệnh nên sản lượng đạt khá. Một số địa phương có sản lượng tôm thu hoạch tám tháng đạt khá là: Sóc Trăng 59 nghìn tấn, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2012; Trà Vinh 53 nghìn tấn, tăng 11,6%; Bến Tre 46,4 nghìn tấn, tăng 29,5%. Nuôi cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng, giá bán không ổn định. Một số địa phương có sản lượng thu hoạch cá tra tám tháng giảm là: An Giang đạt 244 nghìn tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước; Bến Tre 152 nghìn tấn, giảm 3,7%; Cần Thơ 87 nghìn tấn, giảm 9%. Tuy nhiên, sản lượng các loại cá nuôi khác như: Cá lóc, cá rô phi, cá diêu hồng... đạt khá nên sản lượng cá nuôi vẫn tăng so với cùng kỳ.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng Tám ước tính đạt 212,3 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 192,1nghìn tấn, tăng 1,9%. Tính chung tám tháng, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 3789,8 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản lượng nuôi trồng đạt 2074,1 nghìn tấn, tăng 0,7%; sản lượng khai thác đạt 1715,7 nghìn tấn, tăng 3,3%.
Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tám năm 2013 ước tính tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng giảm 5,2% (chủ yếu do dầu thô và khí đốt thiên nhiên khai thác giảm dần vào những tháng cuối năm theo kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%.
Tính chung tám tháng năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng (chiếm 21,3% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tăng 0,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 70,9%) tăng 6,5%; sản xuất và phân phối điện (chiếm 6,7%) tăng 8,4%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải (chiếm 1,1%) tăng 9,3%.
Trong mức tăng chung 5,3% của tám tháng năm nay, ngành khai thác đóng góp 0,05 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo đóng góp 4,6 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,55 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Một số ngành có mức tăng cao trong tám tháng so với cùng kỳ là: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 12,9%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 10,7%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 10,4%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 9,9%; sản xuất đồ uống tăng 9,5%. Một số ngành có mức tăng khá là: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 8,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 8,2%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm trong tám tháng là: Sản xuất thiết bị điện tăng 6,9%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,2%; sản xuất thuốc lá tăng 3,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng 1,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học giảm 0,5%; sản xuất kim loại giảm 1,9%; khai thác than cứng và than non giảm 3,4%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 6,2%; khai khoáng khác giảm 6,4%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tám tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,5%; Đồng Nai tăng 7,3%; Bình Dương tăng 8%; Hà Nội tăng 4,3%; Hải Phòng tăng 4,9%; Bắc Ninh tăng 3,7%; Vĩnh Phúc tăng 20,3%; Cần Thơ tăng 7,9%; Hải Dương tăng 9,5%; Đà Nẵng tăng 10,3%; Bà Rịa Vũng Tàu giảm 1,1%; Quảng Ninh giảm 1,1%; Quảng Nam tăng 5,5%; Quảng Ngãi tăng 26,8%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bảy tháng năm 2013 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 33,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 30,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 23,4%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 16,4%; sản xuất đồ uống tăng 11,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 11,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,1%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ bảy tháng tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất thuốc lá tăng 6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,4%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 4,6%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 3,6%; sản xuất kim loại giảm 0,4%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 9,1%.
Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất, tiêu thụ tăng khá cao và theo hướng tích cực là: Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có chỉ số sản xuất tăng sáu tháng đầu năm là 14,7%, bảy tháng là 15,8%, tám tháng là 17,1% và chỉ số tiêu thụ sáu tháng tăng 28,7%, bảy tháng tăng 30,5%; ngành dệt có chỉ số sản xuất tăng lần lượt là 7,3%, 10,3%, 13,2% và chỉ số tiêu thụ sáu tháng tăng 10,6%, bảy tháng tăng 10,8%; sản xuất trang phục có chỉ số sản xuất tăng lần lượt là 8,9%, 9,8%, 11,7% và chỉ số tiêu thụ sáu tháng tăng 8,2% và bảy tháng tăng 9%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/8/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9% so với cùng thời điểm năm 2012. Trong đó những ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng thời điểm năm trước là: Sản xuất đồ uống tăng 59,6%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 30,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 25,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 22%; sản xuất kim loại tăng 15,3%; sản xuất trang phục tăng 13,1%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,2%; dệt tăng 5,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 4,4%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 2,1%; sản xuất thuốc lá giảm 0,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 25%; sản xuất xe có động cơ giảm 27,3%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Bảy là 70%, tỷ lệ tồn kho bình quân 7 tháng là 74,6%. Những ngành có tỷ lệ tồn kho trong 7 tháng cao là: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 112,9%; sản xuất xe có động cơ là 111,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế 101%; sản xuất, chế biến thực phẩm 91,5%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có những tín hiệu tốt với chỉ số tiêu thụ tăng dần từ đầu năm và chỉ số tồn kho giảm dần: Chỉ số tiêu thụ quý I tăng 4%, sáu tháng tăng 8,3%, bảy tháng tăng 9,2%; chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/4/2013 tăng 13,1%, thời điểm 01/7 tăng 8,8% và thời điểm 01/8 tăng 9%.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2013 tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,1%; khu vực có vố đầu tư nước ngoài tăng 5,6%. Chỉ số sử dụng lao động của ngành cấp I như sau: Khai khoáng giảm 1,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3%. Những ngành cấp II có chỉ số lao động tăng cao so với cùng thời điểm năm trước là: Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải tăng 28,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 17,9%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 14%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và các sản phẩm quang học tăng 11,2%; sản xuất trang phục tăng 6,6%; sản xuất kim loại tăng 5,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5%.
* Chỉ số sản xuất công nghiệp
* Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp
* Chỉ số tiêu thụ và tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tám ước tính đạt 19754 tỷ đồng, bao gồm: Vốn Trung ương 3506 tỷ đồng; vốn địa phương 16248 tỷ đồng. Tính chung tám tháng năm 2013, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 126,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% kế hoạch năm và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2012, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 26,4 nghìn tỷ đồng, bằng 65,9% kế hoạch năm và giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 4499 tỷ đồng, bằng 71,7% và giảm 7,6%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2708 tỷ đồng, bằng 61,9% và giảm 7,3%; Bộ Xây dựng 960 tỷ đồng, bằng 54,5% và giảm 12%; Bộ Y tế 478 tỷ đồng, bằng 55,4% và giảm 29,2%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 390 tỷ đồng, bằng 56% và giảm 30,4%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 309 tỷ đồng, bằng 61,7% và giảm 19,7%; Bộ Công Thương 204 tỷ đồng, bằng 75,2% và giảm 25,3%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 100,5 nghìn tỷ đồng, bằng 64,2% kế hoạch năm và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2012. Vốn đầu tư thực hiện của một số địa phương như sau: Hà Nội đạt 14790 tỷ đồng, bằng 53,7% kế hoạch năm và tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2012; thành phố Hồ Chí Minh 10089 tỷ đồng, bằng 58,9% và tăng 2,3%; Đà Nẵng 4406 tỷ đồng, bằng 82,5% và giảm 25,6%; Quảng Ninh 2794 tỷ đồng, bằng 71,7% và tăng 3,2%; Vĩnh Phúc 2690 tỷ đồng, bằng 89,8% và tăng 21,2%; Thanh Hóa 2408 tỷ đồng, bằng 76,8% và giảm 4%; Nghệ An 2380 tỷ đồng, bằng 107,6% và giảm 12,1%; Bà Rịa-Vũng Tàu 2172 tỷ đồng, bằng 49,3% và tăng 4%; Kiên Giang 2054 tỷ đồng, bằng 75,5% và tăng 1,8%; Bình Dương 2010 tỷ đồng, bằng 51,7% và tăng 4,8%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/8/2013 đạt 12627,9 triệu USD, bằng 119,5% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đăng ký của 769 dự án được cấp phép mới đạt 7404,6 triệu USD, bằng 92,2% số dự án và bằng 112,2% số vốn; vốn đăng ký bổ sung của 297 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 5223,3 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tám tháng năm nay ước tính đạt 7,6 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài tám tháng năm 2013, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 10817 triệu USD, chiếm 85,7% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 588,1 triệu USD, chiếm 4,7%; các ngành còn lại đạt 1222,8 triệu USD, chiếm 9,6%.
Cả nước có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong tám tháng năm nay, trong đó Thái Nguyên có số vốn đăng ký lớn nhất với 2141,5 triệu USD, chiếm 28,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Định 1009,5 triệu USD, chiếm 13,6%; thành phố Hồ Chí Minh 673 triệu USD, chiếm 9,1%; Hải Dương 613,3 triệu USD, chiếm 8,3%; Bình Dương 501,2 triệu USD, chiếm 6,8%; Đồng Nai 364,3 triệu USD, chiếm 4,9%; Hải Phòng 335,4 triệu USD, chiếm 4,5%, v.v.
Trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam trong tám tháng, Xin-ga-po tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 2537 triệu USD, chiếm 34,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 1065,5 triệu USD, chiếm 14,4%; Liên bang Nga 1017,9 triệu USD, chiếm 13,7%; Hàn Quốc 680,7 triệu USD, chiếm 9,2%; Đặc khu Hành chính Hồng Kông 581,9 triệu USD, chiếm 7,9%; Thái Lan 310,7 triệu USD, chiếm 4,2%, v.v.
Tiền tệ, tín dụng và thu, chi ngân sách Nhà nước
Tính đến 20/8/2013 tín dụng ước tính tăng 5,4% so với tháng 12/2012; tổng phương tiện thanh toán tăng 8,4%; số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tính tăng 9,5%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/8/2013 ước tính đạt 461 nghìn tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 299,6 nghìn tỷ đồng, bằng 54,9%; thu từ dầu thô 67,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 90,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,2%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 89,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 67,5 nghìn tỷ đồng, bằng 62,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 65,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54%; thu thuế thu nhập cá nhân 32,1 nghìn tỷ đồng, bằng 58,6%; thu thuế bảo vệ môi trường 7,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7%; thu phí, lệ phí 6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/8/2013 ước tính đạt 563 nghìn tỷ đồng, bằng 57,6% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 98,2 nghìn tỷ đồng, bằng 56,1% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 95 nghìn tỷ đồng, bằng 55,9%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) ước tính đạt 400,7 nghìn tỷ đồng, bằng 59,4%; chi trả nợ và viện trợ 64,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1%.
* Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước
* Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 01/01- 20/8/2013
Thương mại, giá cả và du lịch
Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1705,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 5,1%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tám tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 1310,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức và tăng 11,6%; khách sạn nhà hàng đạt 205,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% và tăng 15%; dịch vụ đạt 173,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% và tăng 14,9%; du lịch đạt 16,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 6,7%.
* Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tám ước tính đạt 11,5 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung tám tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 56,1 tỷ USD, tăng cao ở mức 21,6%. Giá cả các mặt hàng nông sản có xu hướng giảm phần nào làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nói chung.
Trong tám tháng năm nay, một số mặt hàng đạt mức kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 76,2% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 17,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng 42,2%; giày dép đạt 5,5 tỷ USD, tăng 16,1%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,3 tỷ USD, tăng 25,7%; sắt thép đạt 1,2 tỷ USD, tăng 13,9%; rau quả đạt 721 triệu USD, tăng 33,8%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,6%; hạt điều tăng 12,1%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 10,9%. Kim ngạch một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Xăng dầu giảm 39,3%; than đá giảm 26,3%; sắn và sản phẩm của sắn giảm 23,7%; cà phê giảm 21,8%; cao su giảm 14,3%; gạo giảm 14,2%; dầu thô giảm 10,7%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tám ước tính đạt 11,8 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung tám tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48,3 tỷ USD, tăng nhanh ở mức 25,1%. Điều này cho thấy sản xuất của khu vực trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vấn là nguyên, nhiên vật liệu và hàng gia công lắp ráp.
Trong tám tháng năm nay, một số mặt hàng đạt mức kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,8 tỷ USD, tăng 9,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,5 tỷ USD, tăng 41,6%; vải đạt 5,5 tỷ USD, tăng 20,2%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,2 tỷ USD, tăng 71,3%; sắt thép đạt 4,5 tỷ USD, tăng 10%; chất dẻo đạt 3,7 tỷ USD, tăng 17%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,5 tỷ USD, tăng 20,4%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 41,5%; kim loại thường khác đạt 1,9 tỷ USD, tăng 16%; sản phẩm hóa chất đạt 1,8 tỷ USD, tăng 11,3%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 20,6%; ô tô đạt 1,4 tỷ USD, tăng 6,1%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 408 triệu USD, tăng 5,7%; tân dược đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,1%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20,5%; phân bón đạt 1,1 tỷ USD, tăng 6,4%; giấy các loại đạt 861 triệu USD, tăng 12,5%; bông đạt 775 triệu USD, tăng 32,1%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Xăng dầu đạt 4,6 tỷ USD, giảm 27,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 908 triệu USD, giảm 4,6%; cao su đạt 456 triệu USD, giảm 16,3%; thủy sản đạt 419 triệu USD, giảm 6,4%; lúa mỳ đạt 360 triệu USD, giảm 35,3%.
Tháng Tám nhập siêu ước tính 300 triệu USD, bằng 2,6% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu tám tháng năm 2013 là 577 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,8 tỷ USD.
* Hàng hóa xuất khẩu
* Hàng hóa nhập khẩu
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2013 tăng 0,83% so với tháng trước. Chỉ số giá tháng này tăng chủ yếu do ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của thành phố Hà Nội, làm chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,23%. Ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng trong tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua làm chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 2,5% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,1%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng chung là: Thuốc và dịch vụ y tế tăng cao với 4,11% (Dịch vụ y tế tăng 5,09%); giao thông tăng 1,11%; giáo dục tăng 0,9% (Dịch vụ giáo dục tăng 0,86%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,54% (Lương thực tăng 0,7%; thực phẩm tăng 0,62%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,44%; hai nhóm đồ uống và thuốc lá và văn hóa, giải trí và du lịch đều tăng 0,27%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2013 tăng 3,53% so với tháng 12/2012 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tám tháng đầu năm nay tăng 6,90% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.
Chỉ số giá vàng tháng 8/2013 tăng 0,32% so với tháng trước; giảm 20,17% so với tháng 12/2012; giảm 13,43% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2013 tăng 0,06% so với tháng trước; tăng 1,59% so với tháng 12/2012; tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2012.
* Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng Tám năm 2013
Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách tám tháng ước tính đạt 1974,1 triệu lượt khách, tăng 4,9% và 83 tỷ lượt khách.km, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 23,5 triệu lượt khách, tăng 3,2% và 19,4 tỷ lượt khách.km, tăng 4,1%; vận tải địa phương đạt 1950,6 triệu lượt khách, tăng 4,9% và 63,6 tỷ lượt khách.km, tăng 4,4%. Vận tải hành khách đường bộ tám tháng ước tính đạt 1853,8 triệu lượt khách, tăng 5,1% và 60,4 tỷ lượt khách.km, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; đường hàng không đạt 11,3 triệu lượt khách, tăng 5,8% và 17,5 tỷ lượt khách.km, tăng 6,3%; đường sắt đạt 8,5 triệu lượt khách, giảm 1,2% và 3,1 tỷ lượt khách.km, giảm 0,5%; đường biển đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 4,5% và 162 triệu lượt khách.km, tăng 4,2%.
Vận tải hàng hóa tám tháng ước tính đạt 657,5 triệu tấn, tăng 3,5% và 130,9 tỷ tấn.km, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 637,2 triệu tấn, tăng 3,9% và 59,7 tỷ tấn.km, tăng 4,2%; vận tải ngoài nước đạt 20,3 triệu tấn, giảm 7,3% và 71,2 tỷ tấn.km, giảm 8,1%. Vận tải hàng hoá địa phương tám tháng đạt 619,2 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước và 59,4 tỷ tấn.km, tăng 3,5%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 496,7 triệu tấn, tăng 4,2% và 29,9 tỷ tấn.km, tăng 5,4%; đường sông đạt 117,2 triệu tấn, tăng 4,7% và 25,3 tỷ tấn.km, tăng 3,8%; đường biển đạt 39 triệu tấn, giảm 6,6% và 72,8 tỷ tấn.km, giảm 7,8%; đường sắt đạt 4,4 triệu tấn, giảm 4,3% và 2,5 tỷ tấn.km, giảm 5,1%.
* Vận tải hành khách và hàng hóa
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta tám tháng năm nay ước tính đạt 4875,4 nghìn lượt người, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2987,6 nghìn lượt người, tăng 10,8%; đến vì công việc 815 nghìn lượt người, tăng 5,8%; đến thăm thân nhân đạt 812,8 nghìn lượt người tăng 5,1%.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta tám tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước là: Nga 189,3 nghìn lượt người, tăng 63,1%; Trung Quốc 1189,3 nghìn lượt người, tăng 33,1%; In-đô-nê-xi-a 48,9 nghìn lượt người, tăng 25,6%; Thái Lan 174,6 nghìn lượt người, tăng 24,2%; Niu-di-lan 20,6 nghìn lượt khách, tăng 21,9%; Ôx-trây-li-a 214,1 nghìn lượt khách, tăng 12,7%; Ma-lai-xi-a 212,2 nghìn lượt người, tăng 11,9%. Một số nước có lượng khách đến nước ta lớn nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Mỹ 299 nghìn lượt người, giảm 3,5%; Pháp 146,3 nghìn lượt người, giảm 7,7%; Canada 71,8 nghìn lượt người, giảm 12,7%; Philippin 64,6 nghìn lượt người, giảm 1,9%; Đức 52 nghìn lượt người, giảm 28,4%.
* Khách quốc tế đến Việt Nam
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng 8/2013, cả nước có 18,9 nghìn hộ thiếu đói, giảm 35,7% so với tháng trước, tương ứng 82 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 34,4%. So với cùng kỳ năm 2012, số hộ thiếu đói tăng 60% và số nhân khẩu thiếu đói tăng 49%. Tính chung trong tám tháng, cả nước có 371,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 1558,1 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 4,3%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 25,4 nghìn tấn lương thực và 13,3 tỷ đồng, riêng tháng Tám đã hỗ trợ 1,6 nghìn tấn lương thực và hơn 500 triệu đồng.
Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong tháng Tám, cả nước có 7,1 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; 10,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 125 trường hợp mắc bệnh viêm não virut; 81 trường hợp mắc bệnh thương hàn và 02 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu. Tính chung tám tháng năm nay, cả nước có 46,2 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (18 trường hợp tử vong); 35,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (23 trường hợp tử vong); 479 trường hợp mắc bệnh viêm não virut (10 trường hợp tử vong); 394 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 18 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (03 trường hợp tử vong) và 2 trường hợp mắc bệnh cúm A (H5N1), trong đó 01 trường hợp tử vong.
Trong tháng đã phát hiện thêm 542 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước tính đến ngày 17/08/2013 là 214,8 nghìn người, trong đó 63 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS cả nước tính đến 17/08/2013 là 63,9 nghìn người.
Cũng trong tháng, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 15 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 496 người bị ngộ độc, trong đó 01 trường hợp tử vong. Tính chung tám tháng, cả nước đã xẩy ra 95 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2,6 nghìn người bị ngộ độc, trong đó 17 trường hợp tử vong.
Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng Tám, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 158 vụ cháy, nổ, làm 6 người chết và 7 người bị thương. Tám tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 1,6 nghìn vụ cháy nổ nghiêm trọng, làm 70 người chết và 138 người bị thương. Thiệt hại do cháy, nổ gây ra ra ước tính 549 tỷ đồng.
Trong tháng Tám, cơ quan chức năng đã phát hiện 490 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường, trong đó 272 vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt là 141,7 tỷ đồng. Trong tám tháng năm nay, trên địa bàn cả nước đã phát hiện 4,7 nghìn vụ vi phạm về bảo vệ môi trường, trong đó 2,4 nghìn vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt là 1,1 nghìn tỷ đồng.
Tai nạn giao thông
Trong tháng Tám, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 878 vụ tai nạn giao thông, làm chết 695 người và làm bị thương 463 người; số vụ va chạm là 1418 vụ, làm 1742 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 2,2%; số người chết giảm 7,9%; số người bị thương giảm 24,3%; số vụ va chạm giảm 16,1%. Tính chung tám tháng năm nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7269 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6330 người và làm bị thương 4408 người; số vụ va chạm là 12189 vụ, làm 14950 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 3,6%; số người chết tăng 3,2%; số người bị thương giảm 13,6%; số vụ va chạm giảm 13%. Bình quân một ngày trong tám tháng năm 2013, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người và làm bị thương 18 người.
Thiệt hại do thiên tai
Thiên tai xảy ra trong tháng Tám làm 21 người chết, mất tích và 19 người bị thương; 137 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; 6 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, tốc mái; 12,9 km đề, kè, 31 km kênh mương và hơn 22 km đường giao thông cơ giới bị sạt lở, cuốn trôi; gần 1,5 nghìn cột điện bị gãy, đổ; hơn 6 nghìn ha lúa và trên 2 nghìn ha hoa màu bị mất trắng; gần 32 nghìn ha lúa và 8,8 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Các địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai gây ra là: Lào Cai 4 người chết và mất tích; Lạng Sơn có 1,2 nghìn ngôi nhà bị sập, sạt lở, tốc mái; Thanh Hóa trên 5 km đê, kè bị sạt lở và 7 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hỏng; Sơn La gần 14 km kênh mương và 7,5 km đường xe cơ giới bị sạt lở, cuốn trôi; Bắc Giang có hơn 4 nghìn ha lúa, hoa màu bị mất trắng và gần 14 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Tính chung trong tám tháng năm 2013, thiên tai làm 115 người chết, mất tích và 199 người bị thương; 1,1 nghìn ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; 68 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, tốc mái; 57 nghìn ha lúa và 38 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Các địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai gây ra là: Quảng Bình 23 người chết và mất tích; Lào Cai 18,7 nghìn ngôi nhà bị sập, sạt lở, tốc mái; Bắc Giang 16,7 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tám tháng ước tính gần 2,7 nghìn tỷ đồng, trong đó các tỉnh bị thiệt hại nặng là: Lào Cai gần 385 tỷ đồng; Thanh Hóa 358 tỷ đồng.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ