Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 1 năm 2004 và triển khai giao kê hoạch năm 2004
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 1 NĂM 2004 VÀ TRIỂN KHAI GIAO KẾ HOẠCH NĂM 2004
(Tóm tắt báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 01 năm 2004)
1. Về các hoạt động kinh tế và xã hội tháng 1 năm 2004:
(1) Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%, tuy nhiên còn thấp hơn nhiều tháng trước đó và cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 27,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2003 (tháng 1/2003 tăng 14,9%), thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của nhiều tháng trước đó (tháng 11 và 12/2003 tăng 16%), trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 6,6% (trung ương tăng 7,1%, địa phương tăng 5,9%), khu vực ngoài quốc doanh tăng 16,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9%.
Mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 1/2004 thấp chủ yếu do Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trong tháng 1 nên số ngày sản xuất trong tháng giảm. Hơn nữa, một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp như dệt, may, da, giày đạt mức tăng trưởng trong tháng thấp một phần do chưa triển khai được nhiều hợp đồng xuất khẩu hoặc phải chờ hợp đồng và hạn ngạch xuất khẩu năm 2004.
Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực vẫn giữ được mức tăng cao so với mức tăng chung của toàn ngành như than tăng 18,5% so với tháng 1 năm 2003, thủy sản chế biến tăng 22,9%, bột ngọt tăng 16,2%, sứ vệ sinh tăng 65,7%; máy công cụ tăng 19,2%, ô tô lắp ráp tăng 16,9%, xe máy lắp ráp tăng 19,1%; điện tăng 14,4%. Một số mặt hàng chủ yếu khác như xi măng, giấy, vải có mức tăng trưởng thấp hơn.
Một số mặt hàng có mức sản xuất giảm so với cùng kỳ là thép cán giảm 20,5%; đường mật giảm 9,9%; phân hoá học giảm 9,2%, quạt điện dân dụng giảm 10,3%. Các mặt hàng giảm so với mức sản xuất cùng kỳ do giá nguyên liệu cao nên khó cạnh tranh với hàng nhập ngoại, nhu cầu đã bão hoà...
Theo địa bàn sản xuất, công nghiệp của 13/15 tỉnh thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn đều tăng so với cùng kỳ với các mức khác nhau như TP. Hồ Chí Minh tăng 9,9%, Đồng Nai 13,9%, Hải Phòng 12,3%, Vĩnh Phúc 13,8%, Khánh Hoà 18,8%, trong khi đó Hà Nội giảm 7,6%, Phú Thọ giảm 14,7%, Một số địa phương chỉ bằng hoặc tăng không đáng kể so với mức sản xuất cùng kỳ là Hải Dương tăng 0,2%, Hà Tây tăng 3,6%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,3%, Đà Nẵng tăng 5%, Bình Dương tăng 6,1%.
(2) Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, tuy nhiên đang gặp khó khăn do hạn hán ở các tỉnh phía Bắc và dịch cúm gà đang lan rộng ra nhiều địa phương gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành.
Đến ngày 20/01/2004, cả nước đã cấy được 1.835 ngàn ha lúa đông xuân, bằng 99,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh phía Nam đã gieo cấy được 1.734 nghìn ha, vượt khoảng 2% so với cùng kỳ.
Các tỉnh phía Bắc tập trung thu hoạch cây vụ đông, tranh thủ làm đất, gieo mạ để cấy lúa đông xuân. Vụ lúa đông xuân năm 2003-2004 các địa phương chuyển mạnh sang làm lúa đông xuân muộn nên tiến độ gieo cấy lúa đông xuân ở miền Bắc năm nay có chậm hơn so với các năm trước, hiện mới gieo cấy được khoảng hơn 100 ngàn ha, xấp xỉ 70% so với cùng kỳ năm trước. Lúa đông xuân nhìn chung sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thời tiết thuận lợi.
Các tỉnh phía Nam đang khẩn trương hoàn thành thu hoạch lúa mùa và tranh thủ thu hoạch lúa đông xuân sớm. Đến ngày 15/01/2004, đã thu hoạch 745 ngàn ha lúa mùa, đạt 86,3% diện tích gieo cấy, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 260 ngàn ha, đạt 70% diện tích gieo cấy. Một số địa phương như Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng đã thu hoạch 152,3 ngàn ha lúa đông xuân sớm.
Tiến độ gieo trồng các loại cây vụ đông khác nhìn chung nhanh hơn cùng kỳ năm trước. Tính đến trung tuần tháng giêng, diện tích gieo trồng ngô đạt 216 nghìn ha, tăng 18% so với cùng kỳ; đậu tương đạt 33,3 nghìn ha, tăng 15,6%; lạc đạt 30,1 nghìn ha, tăng 5,2%; rau đậu đạt 215 nghìn ha, tăng 0,3%; riêng khoai lang đạt 114,1 nghìn ha, giảm 4,1%.
Trong tháng 1/2004 nổi lên hai vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sức khỏe nhân dân.
Một là, dịch cúm gà lan rộng ra nhiều địa phương và tiếp tục phát triển theo chiều hướng xấu. Tính đến ngày 1/2/2004, đã có 187 huyện, 797 xã của 47 tỉnh có dịch, trong đó có 24 tỉnh phía Bắc, 23 tỉnh phía nam với tổng số 6,8 triệu gia cầm mắc bệnh. Dịch hiện lây lan tại 13/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 6/9 tỉnh miền Đông Nam bộ, 20/26 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Các Bộ, ngành liên quan và các địa phương có dịch cúm gà triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 71/CP/NN của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm Quốc gia nhằm tập trung kiểm tra, phát hiện dịch bệnh, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế xác định các giải pháp ngăn chặn dịch cúm gà. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang chỉ đạo các địa phương kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý số gia cầm bị chết và nghi mắc bệnh, tiêu hủy gà trong vòng bán kính 3 km, phong tỏa dịch bệnh trong bán kính 10 km, tổ chức tiêu độc tại vùng có dịch bệnh. Các tỉnh có dịch cúm gà đang kiểm soát chặt chẽ vùng dịch và các chợ, kịp thời tiêu hủy gia cầm vùng bị dịch.
Hai là, hạn hán và thiếu nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân ở các tỉnh vùng Đồng bằng trung du Bắc bộ. Đây là đợt hạn nặng nề nhất trong 40 năm qua.
Từ đầu tháng 1/2004, vùng đồng bằng Bắc bộ hầu như không có mưa, mực nước các sông xuống thấp hơn nhiều so với mức trung bình nhiều năm từ 20-39%. Lưu lượng nước vào các cống và trạm bơm đầu mối chỉ đạt 50-60% mức thiết kế, nhiều trạm bơm không sử dụng được hết số máy, số giờ bơm do nước ít. Với tình hình trên dự kiến diện tích thiếu nguồn nước tưới khoảng 2,2 vạn ha; diện tích gặp khó khăn về nguồn nước tưới khoảng 30 vạn ha (khoảng 45% diện tích dự kiến gieo cấy vụ đông xuân của vùng). Vì vậy, diện tích gieo cấy của các địa phương đến cuối tháng 1/2004 còn thấp, mới đạt 32,3%, có vùng chỉ đạt 15-20%.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03/2004/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất vụ đông xuân và hè thu năm 2004. Các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện chỉ thị của Chính phủ, tổ chức và thực hiện nhiều biện pháp tích cực, thiết thực phòng chống hạn, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân và hè thu đúng tiến độ, đồng thời một số địa phương đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng đề phòng hạn hán kéo dài.
(3) Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, các hoạt động phục vụ Tết sôi động:
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1 năm 2004 ước tính tăng 15,6% so với tháng 1 năm 2003, trong đó kinh tế nhà nước tăng 17,3%; kinh tế tập thể tăng 18,6%; kinh tế cá thể tăng 9,5%; kinh tế tư nhân tăng 40,3% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,7% so với cùng kỳ.
Vận tải nhìn chung đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong dịp Tết. Trong tháng 1 năm 2004, ước vận chuyển hàng hoá đạt hơn 21 triệu tấn và gần 4,5 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 4,5% về tấn vận chuyển, 3,4% về tấn.km luân chuyển so cùng kỳ năm 2003; vận chuyển được gần 76 triệu lượt hành khách, hơn 3,5 tỷ hành khách.km luân chuyển, tăng 4,% về hành khách vận chuyển và 6,2% về hành khách luân chuyển.
Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, trong tháng 1 số lượt khách du lịch quốc tế ước đạt 288,5 nghìn lượt người, tăng 17,3% so với cùng kỳ; trong đó các nước có số lượng khách tăng khá là Nga tăng 31,5%; Trung Quốc tăng 35%; Hàn Quốc tăng 46,5%; Thái Lan tăng 30%...Tuy nhiên, do lo ngại ảnh hưởng của dịch cúm gà, hiện nay đã có một số khách du lịch từ Nhật Bản, Pháp... hủy bỏ chuyến đến Việt Nam. Số lượng khách nội địa tăng khá do đầu năm có nhiều lễ hội và số ngày nghỉ Tết dài, nhiều tuyến du lịch truyền thống như Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết đều trong tình trạng quá tải do lượng khách quá đông, mặc dù các công ty lữ lành đều tăng giá với các mức độ khác nhau. Khách nội địa ước đạt hơn một triệu lượt người, tăng khoảng 4%.
(4) Hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh ngay từ đầu năm.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt 1.650 triệu USD, tăng 2,2% so với tháng 1 năm 2003, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 882 triệu USD, tăng 10%.
Các mặt hàng có tốc độ xuất khẩu tăng so cùng kỳ năm 2003 là: dầu thô tăng 6,2%, dây điện và dây cáp điện tăng 33,1%, hàng điện tử điện máy tăng 27,9%, xe đạp và phụ tùng xe đạp tăng 19,9%; cao su tăng 34,2%, hạt tiêu tăng 25%, hạt điều tăng 15%, lạc tăng 26%.
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.820 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ, (cùng kỳ năm trước tăng 36%), trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 610 triệu USD, tăng 21,4%. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu và thiết bị phụ tùng phục vụ cho sản xuất.
Nhập siêu trong tháng 1 khoảng 170 triệu USD, chiếm 10% so với kim ngạch xuất khẩu, giảm hơn so với mức nhập siêu cùng kỳ năm trước (cùng kỳ nhập siêu chiếm 19%).
Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang chuẩn bị các điều kiện để đối phó với vụ kiện tôm tại Mỹ.
(5) Đầu tư phát triển:
Khối lượng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản phần vốn ngân sách nhà nước tháng 1 năm 2004 đạt thấp, ước đạt 2.265,4 tỷ đồng, bằng 6,1% kế hoạch năm (cùng kỳ đạt 8,6% kế hoạch), trong đó các đơn vị trung ương đạt 941,2 tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch năm, các đơn vị địa phương ước đạt 1.324,2 tỷ đồng, bằng 5,5% kế hoạch năm. Nguyên nhân chủ yếu của việc đạt khối lượng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp là do tháng 1 trùng với nghỉ Tết Nguyên đán và nhiều Bộ, ngành, địa phương triển khai giao kế hoạch chậm nên hầu hết các đơn vị cơ sở chỉ chủ yếu tập trung thực hiện các công trình chuyển tiếp.
(6) Thị trường chứng khoán:
Tổng giá trị giao dịch trong tháng 1/2004 đạt 740 tỷ đồng, trong đó giao dịch trái phiếu chiếm 86% tổng giá trị giao dịch (636 tỷ đồng). Do khối lượng giao dịch và giá các cổ phiếu nhìn chung đều tăng nên chỉ số giá cổ phiếu VN-Index đã tăng từ 166,94 điểm (ngày 30/12/2003) lên 214,32 điểm (ngày 30/1/2004), tăng 28% và là mức tăng giá cổ phiếu lớn nhất của một tháng trong vòng một năm qua. Xu hướng tăng giá cổ phiếu chủ yếu do tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định đã tạo thêm lòng tin cho các nhà đầu tư trên thị trường. Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty có cổ phiếu niêm yết nói chung đều tốt, tỷ lệ cổ tức cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng đã hấp dẫn thêm các nhà đầu tư.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,1% so với tháng 12 năm 2003, cao hơn so với cùng kỳ nhưng thấp hơn tháng Tết năm trước (tháng 1 năm 2003 tăng 0,9%, tháng 2 là 2,2%), trong đó lương thực tăng 2,1%, thực phẩm tăng 1,6%, các mặt hàng phục vụ Tết như đồ uống và thuốc lá, hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng từ 1,2% đến 2,9%, các mặt hàng còn lại khác đều tăng nhẹ. Chỉ số giá vàng tăng 3,1%, thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,5%), chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,3%.
So với tháng 1 năm 2003, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 3,2%, trong đó lương thực, thực phẩm tăng 3,1% (lương thực tăng 3,4%, thực phẩm tăng 3,1%), nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,4%, đồ uống và thuốc lá tăng 5,6%, nhóm hàng giáo dục tăng 4,9%, riêng phương tiện đi lại, bưu điện giảm 2,3%, nhóm hàng văn hóa, thể thao, giải trí giảm 1,2%. Chỉ số giá vàng tăng 23,8%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,7%.
(7) Ngành văn hóa, thông tin; phát thanh, truyền hình tập trung tuyên truyền phục vụ nhân dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cổ truyền.
Ngành văn hoá đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt các lễ hội văn hoá, các hoạt đông vui chơi giải trí trong dịp Tết, hướng dẫn mọi người thực hiện tốt chủ trương ăn Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm, đồng thời có biện pháp chủ động ngăn ngừa các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, phá rối trật tự công cộng.
Các Đài phát thanh-truyền hình tăng giờ phát sóng với nội dung phong phú, kịp thời đưa các thông tin đến với nhân dân, nhất là cho đồng bào các dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Tổ chức thành công Cầu Truyền hình trong Tết dương lịch để cổ vũ những tấm lòng vàng đối với người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, và Chương trình Cầu Truyền hình trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thân tại 15 điểm cầu, từ Mũi Cà Mau đến Cầu Hiền Lương, Huế, Quảng Nam, An Giang, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Nội, Điện Biên,...Thông qua Cầu Truyền hình, nhân dân đã thấy được không khí đón mừng năm mới trên mọi miền đất nước, các cuộc gặp gỡ cảm động, bức tranh đổi mới, tầm vóc lớn mạnh của Tổ quốc được nhân dân đánh giá cao.
(8) Y tế, chăm sóc sức khỏe:
Bệnh cúm gà đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Đến ngày 30/1 đã có 66 người mắc bệnh cúm gà, trong đó đã có 21 người chết. Các tỉnh có nhiều người mắc bệnh và chết là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tây ...
Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng như Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur, các Sở Y tế tổ chức giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh; hướng dẫn khử trùng triệt để; giám sát chặt chẽ các cơ sở điều trị, khu vực bệnh nhân cư trú để sớm phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; phối hợp với các ngành liên quan xử lý môi trường tại các khu vực có gà chết hàng loạt, không để lây sang người; tuyên truyền, giới thiệu về cách phòng chống bệnh cúm trong mùa đông xuân.
Các bệnh khác như bệnh tả, thương hàn, viêm não vi rút, sốt rét, sốt xuất huyết...nhìn chung được khống chế nên không có dịch bệnh xảy ra.
(9) Về cứu trợ xã hội và chăm sóc các đối tượng có công:
Nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các Bộ ngành đi chúc Tết, tặng quà các cơ sở nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách. Các địa phương, ngoài phần quà tặng của Chủ tịch nước, đã dành một phần kinh phí và huy động các nguồn khác để tặng cho đối tượng chính sách nhân dịp Tết. Mặc dù nguồn kinh phí còn khó khăn, các địa phương đã chi trả trợ cấp cho các đối tượng 2 tháng để ăn Tết; đảm bảo đủ nguồn kinh phí và thực hiện chi trả trợ cấp đầy đủ cho đối tượng ở các tỉnh mới chia tách.
Trong dịp Tết Nguyên đán, ước có 60 nghìn hộ nghèo và khoảng 40 nghìn đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp và tặng quà Tết bình quân 50.000 đồng/hộ. Tổng số tiền trợ giúp, tặng quà trong dịp Tết khoảng 26 tỷ đồng.
2. Về tình hình chuẩn bị và đón Tết Giáp Thân 2004:
Để phục vụ cho nhân dân vui đón Tết, các doanh nghiệp thương mại đã chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, đặc biệt là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa; cung cấp đầy đủ hàng hóa chống rét cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao; tập kết sớm hàng trợ giá, trợ cước cho các đối tượng chính sách.
Hàng Tết năm nay phong phú về chủng loại, thị trường khá sôi động, các mặt hàng chủ yếu phục vụ trong dịp Tết đều được đáp ứng tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch cúm gà lan rộng tại nhiều địa phương trong cả nước nên giá cả các loại thực phẩm khác như thịt bò, thịt lợn, đồ hải sản...tăng cao.
Bánh kẹo là mặt hàng có nhu cầu khá lớn trong dịp Tết, để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, các công ty tăng cường công suất, bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường, nhờ vậy giá cả của mặt hàng này tương đối ổn định. Bánh kẹo nội có nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng khá và hợp túi tiền nên tiêu thụ tốt. Nhiều công ty bánh kẹo như Hải Châu, Hải Hà sản xuất không kịp so với đơn đặt hàng của các đại lý. Tại các siêu thị, bánh kẹo ngoại cũng phong phú với xuất xứ đa dạng từ Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Anh, Pháp, Đức,... tuy nhiên giá của các loại bánh kẹo này rất cao, dao động từ 30 nghìn đồng/sản phẩm đến 200 nghìn đồng/sản phẩm.
Giá các mặt hàng đồ uống như rượu, bia, nước giải khát trong dịp Tết có xu hướng tăng lên nên có một vài hiện tượng găm hàng tăng giá. Giá mặt hàng đồ uống đóng lon tăng trung bình 2-3%, một phần do chủ hàng điều chỉnh dần theo sự tăng thuế sẽ áp dụng sau dịp Tết. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ vẫn duy trì ở mức cao, tăng 10% so với tháng 12 năm 2003. Giá hàng rượu ngoại tăng khoảng 10%.
Giá hoa quả, đặc biệt là bưởi, cam, quýt đắt hơn Tết năm 2003 do tình trạng cung không đủ cầu.
Công tác quản lý thị trường được tăng cường. Theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 127/TW, nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm và cương quyết xử lý các loại thực phẩm kém chất lượng, vi phạm quy chuẩn an toàn; ngăn chặn các hiện tượng nhập lậu, vận chuyển hàng cấm, đặc biệt là những "mặt hàng nóng" trong dịp Tết như đồ chơi trẻ em, pháo, rượu,... tại địa phương
Tình hình thị trường ở một số thành phố lớn diễn biến thuận lợi. Hà Nội đã chuẩn bị nguồn hàng Tết với trị giá 300 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm trước gồm các mặt hàng thiết yếu như: 300 tấn thịt lợn, 50 tấn giò, 150 tấn thực phẩm chế biến, 300 nghìn lít nước mắm, 70 tấn mì chính, 200 tấn đường kính, 300 tấn bánh kẹo, 29 nghìn chiếc bánh chưng, 4 triệu chai rượu bia nước ngọt, 2,5 triệu bao thuốc lá, 350 tấn quả tươi, 200 nghìn bộ quần áo, 100 nghìn m vải, 3 triệu lít xăng dầu. Các đơn vị thương nghiệp quốc doanh Hà Nội tổ chức các hình thức bán buôn, bán lẻ đưa hàng về các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần ổn định giá cả trên thị trường. Các điểm kinh doanh tăng giờ bán hàng, riêng ngày 30 Tết không đóng cửa trước 20 giờ, phong cách phục vụ văn minh, lịch sự. Lực lượng quản lý thị trường kết hợp với chi cục thú y xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường.
Thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai lo nguồn hàng phục vụ Tết với tổng trị giá hàng hóa là 343 tỷ đồng với 2.300 tấn thịt lợn, thịt trâu bò tăng 86% so với năm trước; các loại thực phẩm chế biến tăng 1.700 tấn (18%).
Giao thông trong dịp Tết được bảo đảm tốt, các biện pháp kiên quyết phòng chống tai nạn giao thông được thực hiện triệt để nên tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán đã tiến bộ rõ rệt. Trong dịp Tết Giáp Thân xẩy ra 615 vụ tai nạn giao thông, giảm 252 vụ (29%) so với Tết năm 2003, làm chết 274 người, giảm 2 người, bị thương 778 người, giảm 515 người (39,8%). Tại các thành phố lớn không xẩy ra tình trạng đua xe trái phép, số người phải vào bệnh viện do tai nạn giao thông giảm so với Tết năm 2003. Bộ mặt đô thị được cải thiện, đường phố khang trang, sạch đẹp.
3. Tình hình triển khai kế hoạch đầu tư phát triển năm 2004 của các Bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực triển khai giao kế hoạch năm 2004. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra nhất là theo tiến độ quy định vẫn còn chậm, cụ thể là:
Đối với các Bộ, ngành trung ương:
Tính đến 30/1/2004 mới có 36/84 Bộ, ngành, đơn vị trung ương (gần 43%) gửi đăng ký triển khai kế hoạch đầu tư phát triển năm 2004. Một số Bộ, ngành có khối lượng vốn đầu tư xây dựng lớn chưa đăng ký triển khai kế hoạch phân bổ vốn là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam.
Phần lớn các Bộ, ngành, đơn vị trung ương đã giao kế hoạch phân bổ vốn đầu tư cho các đơn vị chấp hành đúng nội dung Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, bố trí vốn tập trung hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, một số Bộ, ngành bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, nhiều dự án nhóm B kéo dài quá 4 năm, dự án nhóm C quá 2 năm vẫn khởi công nhiều dự án mới, một số dự án khởi công mới chưa bảo đảm đầy đủ thủ tục theo quy định, chưa chấp hành đầy đủ cơ cấu vốn đã được giao, cụ thể là:
Bộ Giao thông Vận tải: 2 dự án nhóm B bố trí vốn đầu tư kéo dài quá 4 năm, 2 dự án nhóm C kéo dài quá 2 năm, 1 dự án bố trí không đúng cơ cấu nguồn vốn trong khi đó khởi công mới 2 dự án (1 dự án nhóm A và 1 dự án nhóm B); Bộ Xây dựng: 10 dự án nhóm B kéo dài trên 4 năm, 1 dự án nhóm C kéo dài trên 2 năm, nhưng khởi công mới 3 dự án;
Bộ Giáo dục Đào tạo: 8 dự án nhóm B kéo dài trên 4 năm nhưng vẫn khởi công mới 14 dự án (có quyết định đầu tư nhưng một số dự án chưa có quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, trong đó có 2 dự án nhóm A là Trung tâm đào tạo của Đại học Kinh tế Quốc dân và Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn);
Bộ Tài nguyên Môi trường: 2 dự án nhóm B kéo dài trên 4 năm, 2 dự án nhóm C kéo dài trên 2 năm nhưng có tới 31 dự án khởi công mới, trong đó có 7 dự án chưa có thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, trong đó có 2 dự án nhóm B;
Đối với các tỉnh, thành phố: Đến ngày 28/1/2004, có 31 tỉnh, thành phố gửi đăng ký kế hoạch đầu tư năm 2004, trong đó có 17 tỉnh, thành phố triển khai phân bổ xong kế hoạch đầu tư phát triển 2004. Tổng số vốn đầu tư của 17 tỉnh trên là 5.201 tỷ đồng cho 2002 dự án, trong đó 24 dự án nhóm A với số vốn là 1.725,6 tỷ đồng, bình quân 71,9 tỷ đồng/dự án; 414 dự án nhóm B với số vốn 1.295,19 tỷ đồng (trong đó chuyển tiếp 704 dự án, hoàn thành 415 dự án); 1.564 dự án nhóm C với số vốn 2.180,6 tỷ đồng, bình quân 1,39 tỷ đồng/dự án (trong đó chuyển tiếp 704 dự án, hoàn thành 415 dự án).
Một số tỉnh bố trí vốn còn thiếu tập trung hoặc không chấp hành đúng Quyết định 242 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch như tỉnh Quảng Ninh có 162 dự án, trong đó có tới 133 dự án nhóm C, vốn bình quân một dự án nhóm C là 100 triệu đồng; phân bổ vốn cho dự án nhóm A thấp hơn nhiều so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao (Thủ tướng Chính phủ giao dự án nhóm A là 25 tỷ, tỉnh chỉ bố trí 4 tỷ). Tỉnh Sơn La chỉ bố trí 15% tổng mức đầu tư do tỉnh quản lý cho 31 dự án trọng điểm. Tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên Huế bố trí vốn cho các dự án nhóm A thấp hơn mức của Nhà nước giao.
Về phân bổ vốn hỗ trợ có mục tiêu, nhìn chung các tỉnh đều bố trí đúng theo các Quyết định của Nhà nước giao, tuy nhiên một số tỉnh bố trí vốn hỗ trợ có mục tiêu thấp hơn mức được Nhà nước giao như Lào Cai (vốn hỗ trợ kè biên giới là 20/27 tỷ đồng), Thái Bình (bố trí 5/15 tỷ đồng), Long An (được Trung ương giao 10 tỷ đồng cho Dự án cầu Cái Môn nhưng tỉnh không bố trí vốn cho dự án này)...
4. Một số vấn đề cần tập trung xử lý trong các tháng tới:
Qua 1 tháng tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2004, tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung tiếp tục duy trì được đà phát triển của những tháng cuối năm 2003. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức sắp tới là không nhỏ:
(1) Thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân; đặc biệt hiện nay các tỉnh Bắc bộ đang bị hạn nặng; thời tiết khô hanh, hạn hán tạo ra nguy cơ cháy rừng lớn...
(2) Dịch cúm gà diễn biến rất phức tạp, còn nhiều điều chưa biết về loại vi-rút cúm mới, và có xu hướng lan rộng, tác động xấu không chỉ đối với ngành nông nghiệp mà cho cả các ngành khác như du lịch, dịch vụ; tác động xấu đến sức khỏe của nhân dân và thu nhập của người chăn nuôi.
(3) Hàng hoá xuất khẩu phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, trước mắt là đối phó với vụ kiện tôm của Mỹ. Việt Nam tiếp tục áp dụng việc giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình tham gia AFTA; theo đó, hàng loạt mặt hàng có sức cạnh tranh cao của các nước ASEAN sẽ nhập khẩu vào Việt Nam gây bất lợi đối với tăng trưởng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trong nước.
(4) Nhiều vấn đề xã hội như tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc ... vẫn còn tồn tại và bức xúc.
Nhiệm vụ đề ra cho năm 2004 khá nặng nề, để bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2004 ngay từ đầu năm, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, tổng công ty 91 cần sớm hoàn thành việc giao kế hoạch cho các đơn vị cơ sở. Các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các Bộ lớn có nhiều đầu việc nhanh chóng xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP ngày 12 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2004, đồng thời khẩn trương xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương IX. Trước hết, quán triệt tinh thần Nghị quyết, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng nhanh sản xuất, tạo sự chuyển biến mới trên tất cả các lĩnh vực; cụ thể hoá Nghị quyết thành các nhiệm vụ cụ thể và có tiến độ chỉ đạo thực hiện. Chấp hành nghiêm túc Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước; đồng thời, cần kịp thời khắc phục những khó khăn trong thời gian tới và tập trung triển khai một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:
Một là, tập trung chỉ đạo tốt sản xuất kinh doanh:
Các địa phương vùng bị hạn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống hạn, bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân hết diện tích; bảo đảm đúng tiến độ xả nước hồ Hoà Bình và hồ Thác Bà để chống hạn; các địa phương có kế hoạch sử dụng nước tưới hợp lý, tiết kiệm, đồng thời chuyển một phần đất không có khả năng cung cấp đủ nước tưới sang trồng các loại rau màu khác.
Do thời tiết biến đổi thất thường, nhất là các tháng đầu mùa hè, mùa hạn hán, đặc biệt hiện nay việc xả nước của hồ Hoà Bình và hồ Thác Bà để chống hạn cho sản xuất nông nghiệp có thể làm giảm công suất phát điện của các nhà máy thủy điện, ngành điện cần dự phòng các phương án sản xuất thay thế, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu điện cho các ngành sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong những tháng tới.
Tập trung các điều kiện đẩy mạnh phát triển công nghiệp để bảo đảm tốc độ tăng trưởng trong từng tháng của ngành công nghiệp ít nhất không thấp hơn mức kế hoạch cả năm của cả nước, đặc biệt là các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn, các địa phương có tỷ trọng công nghiệp lớn.
Triển khai các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu. Khẩn trương phân giao hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may cho các đơn vị sản xuất, tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu. Tập trung tăng khối lượng xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế để tăng kim ngạch xuất khẩu. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đối phó với vụ kiện tôm.
Hai là, triển khai nhanh kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản:
Các Bộ, ngành và địa phương, các Tổng công ty 91 nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư và xây dựng; huy động tất cả các nguồn vốn và tổ chức chỉ đạo triển khai ngay từ đầu năm. Đối với các dự án từ ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vượt thu năm 2003 cho một số nhu cầu cấp bách chưa được xử lý trong bố trí kế hoạch năm 2004 như bố trí bổ sung cho các công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi; đồng thời dành một phần vốn vượt thu để trả nợ xây dựng cơ bản.
Quỹ Hỗ trợ phát triển triển khai ngay việc ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư về kế hoạch nguồn vốn tín dụng đầu tư của nhà nước năm 2004.
Ba là, thực hiện hiệu quả các biện pháp ngăn chặn dịch cúm gà và phòng chống lây nhiễm cúm gà cho người. Tổ chức tốt điều kiện cứu chữa người bị nhiễm bệnh.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động chống dịch. Kịp thời phát hiện các ổ dịch bệnh mới phát sinh. Huy động thêm lực lượng để tham gia dập dịch kể cả quân đội, sinh viên. Chính phủ hỗ trợ đủ kinh phí và thuốc diệt trùng để tiêu hủy gia cầm bị dịch đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương có dịch thực hiện các biện pháp kiên quyết để dịch bệnh không lây rộng ra các vùng chưa bị dịch. Các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân vùng bị dịch bệnh không ăn thịt gà, không nuôi gà và không vận chuyển gà bị bệnh sang vùng khác.
Các ngân hàng thương mại nghiên cứu gia hạn nợ và cho vay mới đối với các hộ nuôi gà bị dịch để tiếp tục tái sản xuất sau khi dịch bệnh bị dập tắt.
Ngành Y tế nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức khu vực cách ly để tiếp nhận những trường hợp nghi nhiễm cúm. Tổ chức các đội y tế dự phòng tăng cường thực hiện các biện pháp giám sát tiêu hủy gia cầm, khử trùng nước sinh hoạt, vận động nhân dân phòng chống lây nhiễm cúm gà. Có biện pháp bảo vệ sức khỏe các cán bộ nhân viên ngành thú y, môi trường, cán bộ y tế tham gia chống dịch, có tiếp xúc nguồn lây, tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Bộ Y tế cần thường xuyên xem xét, điều chỉnh phù hợp phác đồ điều trị bệnh cúm gà nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong của người bị mắc bệnh.
Bốn là, tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển giáo dục, văn hoá, y tế. Phát động rộng rãi phong trào toàn dân xây dựng nếp sống văn hoá mới, ngăn ngừa tệ nạn xã hội. Kịp thời trấn áp các tội phạm nguy hiểm.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư