Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế -- Xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2004
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
THÁNG 8 VÀ 8 THÁNG ĐẦU NĂM 2004
(Tóm tắt Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ ngày 30-31 tháng 8 năm 2004)
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH, XUẤT NHẬP KHẨU VÀ ĐẦU TƯ
1. Về tình hình sản xuất
(1) Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước đạt 32,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng 7 và tăng 16,4% so với tháng 8 năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 240,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15,9%); trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 11,8%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 21,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,9%.
Do có thị trường tiêu thụ, một số sản phẩm công nghiệp trong 8 tháng đầu năm tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với 8 tháng đầu năm trước là: than sạch tăng 31,9%, thủy sản chế biến tăng 18,3%, quần áo dệt kim tăng 26%, quần áo may sẵn tăng 19,9%; giấy bìa các loại tăng 31,4%, gạch lát tăng 17,8%, tivi các loại tăng 32,6%, xe máy các loại tăng 51,9%, xe đạp hoàn chỉnh tăng 127,6%, ắc quy tăng 27,8%, máy công cụ tăng 15%,...
Tuy nhiên, còn nhiều sản phẩm, trong đó có một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng thấp hơn mức tăng chung của ngành như xi măng tăng 6,5%, điện phát ra tăng 12,7%, thép cán tăng 5,4%, sứ vệ sinh tăng 11,1%, xà phòng các loại tăng 14,2%, thuốc trừ sâu tăng 2,9%, thuốc viên các loại tăng 2,3%, bia tăng 8,5%, sữa hộp tăng 9,1%, bột ngọt tăng 11,6%, động cơ điêzen tăng 3,4%, động cơ điện tăng 0,8%; ngoài ra, có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ là quạt điện dân dụng giảm 8,4%, ô tô các loại giảm 2,9%, đường mật các loại giảm 6,1%, thuốc ống giảm 2,3%.
Theo địa bàn sản xuất, công nghiệp 8 tháng đầu năm tại nhiều địa phương vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, nhất là các địa phương có tỷ trọng sản xuất công nghiệp lớn như Hà Nội tăng 16,1%, Quảng Ninh tăng 21,6%, Vĩnh Phúc tăng 21,4%, Hà Tây tăng 16,8%, Thanh Hóa tăng 16,3%, Đà Nẵng tăng 19,4%, Khánh Hòa tăng 20,7%, Bình Dương tăng 32,3%, Đồng Nai tăng 19,2%, Cần Thơ tăng 19,7%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,2%. Một số địa phương có qui mô và tỷ trọng sản xuất công nghiệp lớn trong ngành công nghiệp nhưng có tốc độ tăng trưởng thấp như: Hải Dương tăng 10,8%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,2%.
Trong 8 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh liên tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đã đóng góp quan trọng cho ngành công nghiệp vượt được mức tăng trưởng kế hoạch. Một số tỉnh, thành phố tạo được môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi nên tốc độ tăng của công nghiệp ngoài quốc doanh (không kể đầu tư nước ngoài) vượt xa so với tốc độ tăng của các thành phần kinh tế khác như Vĩnh Phúc tăng 56,4%, Hải Dương 32,5%, Phú Thọ tăng 43,8%, Hà Tây tăng 22,3%, Hải phòng 21,1%, Khánh Hoà tăng 23,7%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 17,4%, Đồng Nai tăng 20,6%; Bình Dương tăng 18,5%, Cần Thơ tăng 71,3%,...
(2) Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do bị ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ những ngày cuối tháng 7 năm 2004, nhiều diện tích lúa và hoa mầu của các địa phương phía Bắc bị ngập, hư hại phải gieo cấy lại. Nhìn chung, toàn bộ số diện tích bị thiệt hại đã được dồn dặm hoặc gieo cấy lại kịp thời vụ, diện tích còn lại được chăm sóc và bảo vệ tốt. Đến ngày 15 tháng 8 năm 2004, các địa phương phía Bắc đã gieo cấy 1.213 nghìn ha lúa mùa, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Lúa sinh trưởng và phát triển khá.
Các địa phương phía Nam tập trung thu hoạch lúa hè thu và gieo cấy lúa vụ mùa. Tiến độ thu hoạch lúa hè thu tương đương cùng kỳ năm trước, đến 15 tháng 8, đã thu hoạch được 1.146,6 nghìn ha, bằng 53,9% diện tích gieo cấy, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1.020 nghìn ha, bằng 54,3% diện tích gieo cấy. Lúa hè thu vùng Duyên hải Nam Trung bộ do ảnh hưởng của bão nên năng suất giảm, riêng tỉnh Bình Định năng suất giảm 1,5 tạ/ha so với vụ hè thu trước. Cùng với việc thu hoạch lúa hè thu, các địa phương tranh thủ gieo cấy lúa mùa, đến ngày 15 tháng 8 đã gieo cấy được 311,1 nghìn ha, nhanh hơn cùng kỳ năm trước14,5%, trong đó vùng Tây Nguyên đạt diện tích cao nhất với 119 nghìn ha, nhanh hơn cùng kỳ 15,1%. Nhìn chung lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Như vậy, đến ngày 15 tháng 8 cả nước đã gieo cấy được 1.524 nghìn ha lúa mùa, tăng gần 2% so với cùng kỳ, (miền Bắc 1.213 nghìn ha; miền Nam 311 nghìn ha); gieo trồng được 1.303 nghìn ha màu lương thực (822 nghìn ha ngô, 162 nghìn ha khoai lang, 297 nghìn ha sắn), tăng 4,6% so với cùng kỳ; trồng được 491 nghìn ha cây công nghiệp ngắn ngày, tăng 10,5% so với cùng kỳ, trong đó đậu tương 157 nghìn ha, tăng 29%, lạc 217 nghìn ha, tăng 105,5%.
Trong khoảng thời gian từ ngày 26 tháng 7 đến 15 tháng 8 năm 2004, dịch cúm gia cầm đã xẩy ra ở 7 cơ sở chăn nuôi hộ gia đình có số lượng từ 69 đến 2.400 con gà, vịt, ngan ở 7 xã phường thuộc 5 huyện của 4 tỉnh, thành phố (Vĩnh Long, thành phố cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang). Các tỉnh có dịch cúm gà đã kịp thời tiêu huỷ số gia cầm bị bệnh, kiểm soát chặt chẽ vùng dịch và các chợ, lập các chốt kiểm tra vận chuyển gia cầm để ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, khả năng tái phát dịch vẫn còn cao do mầm bệnh vẫn tồn tại ngoài môi trường, nhập lậu gia cầm chưa được ngăn chặn triệt để, một số nơi người chăn nuôi chưa thực hiện nghiêm túc quy định thú y về tiêu độc, mua giống.
Về lâm nghiệp: 8 tháng đầu năm 2004 trồng mới được 80 nghìn ha rừng, trong đó rừng phòng hộ đặc dụng 50 nghìn ha, đạt 67% kế hoạch năm; khoanh nuôi tái sinh 560 ha.
Về thuỷ sản: Sản lượng khai thác hải sản tháng 8 ước đạt 125 nghìn tấn, nâng tổng sản lượng khai thác 8 tháng đạt khoảng 1 triệu tấn, bằng 69,6% kế hoạch năm. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển khá, tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 8 ước đạt 150 nghìn tấn, tính chung 8 tháng đạt 795 nghìn tấn, bằng 66,3% kế hoạch năm và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
(3) Theo báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 31,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng 7; tính chung 8 tháng đầu năm đạt khoảng 242 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng của khu vực kinh tế cá thể chiếm 63,8%, khu vực kinh tế Nhà nước và tư nhân có tỷ trọng tương ứng là 15,4% và 17,7%, khu vực kinh tế nước ngoài khoảng 2,2% so với tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ.
Về quản lý thị trường, trong nửa đầu tháng 8 năm 2004, đã xử lý gần 3.600 vụ vi phạm quản lý thị trường với số tiền thu khoảng 7,5 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị hàng tịch thu khoảng 4,6 tỷ đồng, phạt hành chính hơn 2,4 tỷ đồng, truy thu cho Nhà nước gần 500 triệu đồng tiền thuế. Tính chung cả 8 tháng, đã phạt 37.500 vụ vi phạm với mức thu phạt gần 83 tỷ đồng.
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển. Trong tháng 8 đã đón khoảng 240 nghìn lượt khách quốc tế, nâng tổng số khách đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm lên 1,8 triệu lượt người, tăng 26,7% so với cùng kỳ; trong đó số khách tới Việt Nam bằng đường bộ khoảng 510 nghìn lượt người, tăng 14,7%, đường hàng không khoảng 1,1 triệu lượt người, tăng 31,8% và đường biển khoảng 190 nghìn lượt người, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là nhiều thị trường khách có tiềm năng chi trả lớn đã tăng cao: Khách Hoa Kỳ đạt 188 nghìn lượt người, tăng 30%; khách Canada 36 nghìn lượt người, tăng 38,2%; khách Đài Loan 168 nghìn lượt người, tăng 44,8%; đặc biệt do áp dụng chế độ bỏ visa đối với khách du lịch Hàn Quốc nên số lượng khách Hàn Quốc tăng rất cao so với cùng kỳ, đạt 125 nghìn lượt người, tăng gần 69%. Số khách du lịch nội địa 8 tháng đầu năm ước đạt khoảng 9 triệu lượt người, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành du lịch đang tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đi đôi với nâng cao hơn chất lượng phục vụ nhằm thu hút nhiều khách du lịch ở cả trong và ngoài nước, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sản xuất và nhu cầu đi lại của nhân dân với chất lượng ngày càng được nâng cao. Tính chung 8 tháng đầu năm, vận tải hàng hoá đạt 172 triệu tấn và 37,3 tỉ TKm, tăng 5,3% về tấn và 7,7% về tấn km so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách đạt 633,5 triệu lượt hành khách và 29 tỉ HKm, tăng 5,8% về lượt hành khách và 14% về lượt hành khách km. Đáng chú ý là trong 8 tháng đầu năm, khối lượng vận tải hàng hoá và hành khách bằng đường hàng không tăng đáng kể so với cùng kỳ (khối lượng vận tải hàng hoá tăng 14,5%, vận tải hành khách tăng 40,2%), vượt xa so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Đạt được tốc độ tăng cao trên là do yêu cầu về phương tiện vận tải chất lượng cao của nhân dân ngày càng tăng và ngành hàng không đã kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc sống, mở thêm các tuyến bay trong nước và quốc tế, phục vụ nhu cầu vận chuyển và đi lại của nhân dân.
Vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng tại các thành phố lớn có nhiều tiến bộ trong những tháng gần đây với những nỗ lực khuyến khích người dân dùng các phương tiện giao thông công cộng. Riêng thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 8 đã đưa thêm 3 tuyến xe buýt liên tỉnh với giá đồng loạt 2.000/hành khách, khai trương thêm một tuyến xe buýt mới trong nội thành và đưa thêm 16 xe buýt chất lượng cao vào phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển và hoạt động ổn định. Trong tháng 8, phát triển mới 310 điểm phục vụ bưu chính viễn thông, nâng tổng số điểm phục vụ bưu chính viễn thông trên toàn quốc hiện nay lên 13.960 điểm, trong đó có 6.779 điểm bưu điện - văn hoá xã; đồng thời phát triển mới 387 nghìn thuê bao điện thoại, gấp 2,7 lần so với tháng 7; tính chung 8 tháng đầu năm tăng thêm 1,5 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao có trên mạng lên 8,83 triệu máy, đạt mật độ 10,9 máy điện thoại/100 dân. Trong tháng 8 phát triển hơn 169 nghìn thuê bao Internet, trong đó có 1.588 thuê bao Internet băng rộng ADSL; tính chung 8 tháng đầu năm tăng thêm 638 nghìn thuê bao, nâng tổng số thuê bao Internet lên 1.436 nghìn thuê bao, trong đó có 17,1 nghìn thuê bao băng rộng. Số người sử dụng dịch vụ Internet tăng hơn 230 ngàn người, nâng tổng số người sử dụng dịch vụ này lên 5,34 triệu người với mật độ 6,55 người sử dụng/100 dân.
Công ty Viettel đang hoàn tất xây dựng mạng di động GSM trên toàn quốc và bắt đầu đưa vào hoạt động cung cấp thử nghiệm dịch vụ trên một số tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp viễn thông và Internet mới đều có mức phát triển tăng sau khi có quyết định điều chỉnh giảm khung giá cước điện thoại quốc tế, điện thoại di động, thuê kênh riêng đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế và cước kết nối giữa các doanh nghiệp được áp dụng từ ngày 01/5/2004. Đặc biệt trong tháng 8, số thuê bao thông tin di động tăng cao hơn khoảng 90% so với trung bình các tháng trước trong năm do các doanh nghiệp thực hiện giảm giá cước di động từ 01/08/2004.
2. Về xuất nhập khẩu
Theo Bộ Thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu phát triển khá, nhập siêu giảm so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 năm 2004 ước đạt 2,3 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 1,26 tỷ USD, giảm khoảng 0,8% so với tháng trước. Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2004, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,8 tỷ USD, tăng 25,7% (tăng 3,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2003, trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước khoảng 9,06 tỷ USD, tăng 35,8%.
Trong 8 tháng năm 2004, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2003, cả về lượng và kim ngạch do được lợi thế về giá xuất khẩu: dầu thô tăng 14,3% về lượng và 38% về kim ngạch; hàng dệt may ước đạt xấp xỉ 2,99 tỷ USD, tăng 14,9%; hàng giày dép đạt 1,83 tỷ USD, tăng 20,4%; sản phẩm gỗ tiếp tục khẳng định triển vọng phát triển khá, ước đạt 651 triệu USD, tăng 85,5%; hàng điện tử 256 triệu USD, tăng 73,6%; các mặt hàng mới có nhiều tiềm năng như xe đạp và phụ tùng, dây điện và cáp điện, sản phẩm nhựa,... duy trì được mức tăng trưởng cao.
Cơ cấu hàng xuất khẩu đã có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nhóm hàng chế biến. Nhóm hàng chế biến chủ lực như dệt may, giầy dép, hàng điện tử và linh kiện máy tính, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, thực phẩm chế biến, cơ khí điện, đồ chơi,... đạt tỷ trọng trên 43% kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng mới như sản phẩm gỗ, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng xe đạp,... có tốc độ tăng khá nhanh và đang trở thành những mặt hàng đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có sự thay đổi rõ rệt so với cùng kỳ năm 2003. Xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng khoảng 8,5% và chiếm 18,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn tốc độ tăng của năm trước do hạn chế bởi hạn ngạch hàng dệt may và ảnh hưởng của vụ kiện tôm đang diễn ra (thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 24% so với cùng kỳ). Xuất khẩu vào thị trường EU tăng 28% và chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu chủ yếu do tăng mặt hàng dệt may. Xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tăng 9,5% và chiếm tỷ trọng 12,5%. Xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng 80% và chiếm tỷ trọng 11%. Đây là những tín hiệu tốt để giảm rủi ro do quá tập trung vào thị trường Mỹ như năm 2003.
Nhiều địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xuất khẩu hàng hoá, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Tại Đà Nẵng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu giầy da giảm mạnh, dệt may tăng trưởng chậm, thành phố đã kịp thời chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng có nhiều thuận lợi và mặt hàng mới có lợi thế như thuỷ sản, đồ chơi trẻ em, cà phê,... nên kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ 8 tháng đầu năm tăng 21,5% so với cùng kỳ; Lào Cai là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 8 tháng tăng 60% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 năm 2004 ước đạt 2,58 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng 7; trong đó, nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 900 triệu USD, bằng với mức nhập khẩu của tháng 7 năm 2004.
Tính chung cả 8 tháng năm 2004, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 19,7 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2003; trong đó, nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,9 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nhập khẩu tăng chủ yếu ở các mặt hàng thuộc nhóm nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, nhất là hàng xuất khẩu như: xăng dầu nhập khẩu 8 tháng đạt 7,26 triệu tấn, tăng 10,7%; vải tăng 47%; bông tăng 49%; nguyên liệu dệt, may, da tăng 12%; hoá chất tăng 18,3%; chất dẻo nguyên liệu tăng 13,9%,...
Nhập siêu 8 tháng đầu năm 2004 khoảng 2,89 tỷ USD, bằng 17,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (nhập siêu 8 tháng năm 2003 là 3,1 tỷ USD, bằng 22,9% tổng kim ngạch xuất khẩu).
3. Đầu tư phát triển
Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tập trung tháng 8 ước đạt khoảng 4.061,1 tỷ đồng; tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 30.268,3 tỷ đồng, bằng 72,3% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2003 đạt 75,5%). Trong đó Trung ương đạt 11.007,5 tỷ đồng, bằng 76,9% kế hoạch; địa phương đạt 19.260,8 tỷ đồng, bằng 69,8% kế hoạch.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, trong tháng 8 các đơn vị thi công tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình, nhất là các công trình quan trọng. Một số Bộ có tỷ lệ vốn đạt tương đối cao là: Bộ Giao thông Vận tải đạt 84,9%; Bộ Xây dựng đạt 71,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 71,1%; Bộ Thuỷ sản đạt 67,9%; Bộ Văn hoá Thông tin đạt 60,8%,...
Vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch đạt thấp, ước đạt 11.200 tỷ đồng, bằng 37,3% kế hoạch năm, trong đó nguồn vốn trong nước cho vay theo kế hoạch đạt 4.700 tỷ đồng, bằng 34,1% kế hoạch năm, vốn ODA cho vay lại đạt 3.000 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm, vốn cho vay hỗ trợ xuất khẩu đạt 6.730 tỷ đồng bằng 121% kế hoạch năm.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trong 8 tháng đầu năm, tính chung cả vốn của dự án cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 2.407,1 triệu USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,5%); trong đó vốn đầu tư đăng ký mới là 1.185 triệu USD với 435 dự án được cấp giấy phép đầu tư, bằng 96,9% về vốn đăng ký và 90,8% về số dự án so với cùng kỳ năm trước (năm 2003 so với năm 2002 tỷ lệ tương ứng là 107% và 77,2%) vốn tăng thêm là 1.121 triệu USD với 263 lượt dự án tăng vốn, tăng 130% về vốn nhưng giảm 2% về số dự án so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ước đạt 1.850 triệu USD, tăng 5,1% cao hơn so với cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ tăng 3,5%).
Trong 8 tháng đầu năm 2004 cả nước có thêm 23.303 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký đạt trên 47,3 nghìn tỷ đồng, tăng 35,8% về số doanh nghiệp đăng ký mới và 31,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2003.
II. VỀ THU CHI NGÂN SÁCH, HOẠT ĐỘNG TIỀN TỆ,TÍN DỤNG, GIÁ CẢ
1.Về thu, chi ngân sách
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 8 tăng khá so với cùng kỳ các tháng gần đây, đạt 5.442 tỷ đồng; tính chung từ đầu năm đến ngày 15/8/2004, tổng thu ngân sách ước đạt 93.406 tỷ đồng, bằng 62,6% dự toán năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2003 đạt 66,4% dự toán năm); trong đó thu nội địa đạt 53.352 tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán năm (cùng kỳ đạt 63,6%); thu từ dầu thô đạt 19.585 tỷ đồng, bằng 75,9% dự toán năm (cùng kỳ đạt 82,6%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 19.209 tỷ đồng, bằng 49,9% dự toán năm (cùng kỳ đạt 60,8%); thu từ viện trợ không hoàn lại đạt 1.260 tỷ đồng, bằng 63% dự toán năm (cùng kỳ đạt 67,5%).
Đáng chú ý là tiến độ thu từ dầu thô trong nửa đầu tháng 8 tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ tháng trước do giá xuất khẩu dầu thô tiếp tục tăng cao (giá dầu thô thanh toán bình quân trong kỳ đạt xấp xỉ 290 USD/tấn, tăng 102,3 USD/tấn so với giá dự toán). Mặt khác, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng khá (tăng gần 200 tỷ đồng so với cùng kỳ tháng trước) do số hoàn thuế giá trị gia tăng trong kỳ tương đối thấp.
Trong tổng thu nội địa, thu từ khu vực kinh tế Nhà nước đạt 19.380 tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 7.505 tỷ đồng, bằng 61,6% dự toán năm; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 7.862 tỷ đồng, bằng 65,9%; thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 2.382 tỷ đồng, bằng 73,2%; thu về nhà đất đạt 6.473 tỷ đồng, bằng 105,9%.
Chi Ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/8/2004 ước đạt 108.154 tỷ đồng, bằng 57,6% dự toán năm (cùng kỳ năm trước đạt 60,4%); trong đó chi đầu tư phát triển đạt 26.340 tỷ đồng, bằng 49,2% dự toán năm (cùng kỳ đạt 58,5%), riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 24.040 tỷ đồng, bằng 48,6% dự toán năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 58,9%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội đạt 60.251 tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán năm (cùng kỳ đạt 62,4%); chi trả nợ và viện trợ đạt 19.628 tỷ đồng, bằng 66,8% dự toán năm (cùng kỳ đạt 65%).
Bội chi ngân sách Nhà nước đến 15 tháng 8 khoảng 14.748 tỷ đồng, bằng 38,5% dự toán năm.
2. Về hoạt động tiền tệ, tín dụng, giá cả
Trong tháng 8, chính sách tiền tệ tiếp tục được duy trì theo hướng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá. Tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 8 so với 31/12/2003 tăng 9,6%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 12,3%).
Nguồn vốn huy động tháng 8 ước tăng 1,7% so với tháng 7; tính chung 8 tháng đầu năm tăng 11,1%, giảm so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước (13,4%); trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 9,1%, bằng ngoại tệ tăng 16,3%.
Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đến 31/8/2004 tăng khoảng 15,6% so với 31/12/2004 (cùng kỳ năm trước tăng 17,7%); trong đó cho vay bằng VNĐ tăng 13,2%, cho vay bằng ngoại tệ tăng 24,4%. Riêng trong tháng 8/2004, dư nợ cho vay toàn nền kinh tế tăng chỉ tăng 1,1%, thấp hơn nhiều so với trung bình của 7 tháng đầu năm (trung bình 7 tháng đầu năm tăng hơn 1,9%/ tháng), trong đó cho vay bằng VNĐ tăng 1%, bằng ngoại tệ tăng 1,5%.
Nợ xấu trong tháng 8 giảm 0,2% so với tháng trước; đến cuối tháng 8 tăng 13,3% so với 31/12/2003. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 8 ước giảm xuống còn 4,7%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,6% so với tháng trước (tháng 7 tăng 0,5%). Chỉ số giá tăng không đồng đều giữa các vùng. Vùng Tây Bắc có mức tăng cao nhất cả nước (1,1%) do chỉ số giá lương thực của vùng tăng cao (tăng 3,1%) so với chỉ số giá lương thực chung của cả nước (tăng 0,8%); các vùng khác tăng từ 0,3% đến 0,8%; riêng vùng Duyên hải miền Trung chỉ số giá tháng tám vẫn giữ nguyên, không thay đổi.
Tính chung cả 8 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,3%, trong đó nhóm hàng lương thực và thực phẩm (chiếm tỷ trọng 47,7%) tăng cao nhất, ở mức 14,5% (lương thực 12,1%; thực phẩm 16,3%); tiếp đến là dược phẩm, y tế tăng 8,6%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,4%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 4%, đồ dùng và dịch vụ khác tăng 3,4%, chỉ số giá các mặt hàng khác tăng ở mức thấp hơn, đều dưới 3%; riêng chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 2,3%.
Giá vàng trong tháng 8 tăng 0,4% so với tháng trước; tính chung cả 8 tháng, chỉ số giá vàng không thay đổi; giá đô la Mỹ tương đối ổn định, tháng 8 tăng 0,1% so với tháng 7 và trong 8 tháng đầu năm chỉ tăng 0,2%.
III. VỀ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
1. Giáo dục đào tạo
Ngành giáo dục đào tạo đang chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch trong việc tiến hành tuyển sinh vào các truờng đại học và cao đẳng. Nhìn chung các trường đã thực hiện đúng quy chế chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, tất cả các trường đại học đã công bố điểm chuẩn và một số trường đang tiến hành xem xét nhận học sinh nguyện vọng 2 không thấp hơn điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để đảm bảo chất lượng đầu vào cho đào tạo. Tuy nhiên, một số trường đại học dân lập, nhất là các trường phía Nam đang gặp khó khăn trong việc thu hút học sinh do kết quả thi của thí sinh đạt thấp.
Trong tháng 8, ngành giáo dục đã tiến hành chuẩn bị các công việc cho khai giảng năm học 2004-2005, đẩy nhanh tiến độ phát hành sách giáo khoa, nhất là sách lớp 2 và lớp 7 nhằm đảm bảo cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh đúng dịp khai giảng năm học mới. Công tác bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 3 và lớp 8 được tiến hành theo đúng tiến độ.
2. Văn hóa Thông tin, Phát thanh,Truyền hình
Công tác phát thanh truyền hình tháng 8 và 8 tháng qua đã tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, đồng thời tuyên truyền, phổ biến các tấm gương người tốt, việc tốt, các địa phương, các cá nhân làm kinh tế giỏi và vận động các tầng lớp nhân dân noi theo. Bên cạnh đó, đã tăng thời lượng phát thanh, truyền hình quảng bá văn hóa các dân tộc để phát triển giao lưu văn hoá giữa các địa phương, tăng cường sự đồng thuận giữa các dân tộc. Tổ chức giải Sao Mai 2004, góp phần động viên phong trào văn nghệ quần chúng phát triển. Ngoài ra trong tháng 8 ngành văn hoá thông tin phát thanh truyền hình tiến hành chuẩn bị các điều kiện phục vụ Hội nghị cấp cao các nước ASEAN lần thứ V tại Việt Nam vào đầu tháng 10 năm 2004. Bổ sung các phương tiện văn hóa thông tin cho các tỉnh Tây Nguyên nhằm cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hoá ở Tây nguyên.
3. Giải quyết việc làm
Trong tháng 8, giải quyết việc làm cho 15 vạn lao động, đưa tổng số lao động được giải quyết việc làm 8 tháng đầu năm 2004 lên 93 vạn người. Trong đó, Quỹ Hỗ trợ Việc làm cho vay để tạo việc làm cho hơn 16 vạn người với số dư nợ cho vay trên 2.073 tỷ đồng.
Số lao động xuất khẩu trong tháng 8 ước đạt 6.317 người, trong đó lao động đi Đài Loan là 3.052 người, đi Malaixia 1.404 người, đi Hàn Quốc 691 người, đi Nhật Bản 60 người, đi Lào 1.000 người và đi các thị trường khác 110 người. Đặc biệt, trong tháng 8 đã thí điểm đưa 79 lao động sang Vương quốc Anh, là thị trường lao động mới khai thác. Tính chung cả 8 tháng, tổng số lao động xuất khẩu đạt 41.497 người.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang đẩy mạnh việc xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu lao động với Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc đồng ý tiếp nhận tu nghiệp sinh của một số ngành mới như ngành xây dựng 900 lao động, ngành nông nghiệp 200 lao động và một số lao động là trí thức; ngoài ra Hàn Quốc chấp nhận số lao động Việt Nam hết thời hạn đã về nước tiếp tục sang làm việc tại Hàn Quốc (khoảng 2.700 người).
4. Xóa đói giảm nghèo
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ đến ngày 15 tháng 8 năm 2004 đạt 11.327 tỷ đồng, tăng 979 tỷ đồng so với 31/12/2003, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo 9.037 tỷ đồng và vay trả chậm nhà ở 76 tỷ đồng.
Các chương trình mục tiêu về xoá đói giảm nghèo đã được triển khai thực hiện tốt ở hầu hết các địa phương. Chất lượng xây dựng nhiều công trình liên quan đến xoá đói giảm nghèo, hiệu quả sử dụng vốn trong các công trình xoá đói giảm nghèo đã tăng khá.
5. Trật tự an toàn giao thông
Trong tháng 8 các ngành đã phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP và Nghị định 15/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Ngành giao thông kết hợp với Đài truyền hình xây dựng chương trình truyền hình trực tiếp hàng ngày phản ánh tình hình vi phạm giao thông trên một số tuyến đường đô thị nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với việc chấp hành luật lệ giao thông, vì vậy, tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực. ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân được nâng cao, nhất là tại các vùng đô thị. Tình hình tai nạn giao thông trong tháng 7 giảm so với tháng trước, nhất là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong tháng 7 xảy ra 1.305 vụ tai nạn giao thông, làm 874 người chết và 1.184 người bị thương, giảm 12% về số vụ, 16% về số người chết và 12,6% về số người bị thương so với tháng 6 năm 2004. Tính chung cả 7 tháng đã xẩy ra 10.681 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.161 người và bị thương 9.877 người, giảm 19,1% về số vụ, 30% về số người bị thương nhưng tăng 5,7% về số người chết so với cùng kỳ năm 2003.
6. Phòng chống tệ nạn xã hội
Công tác phòng chống các tệ nạn xã hội được các địa phương quan tâm. Nhiều tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng chống tệ nạn, tuyên truyền phát động phong trào xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội, xây dựng Làng Văn hoá góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội, nhất là trong thanh niên. Tuy nhiên hiện tượng ma tuý và mãi dâm vẫn còn nặng nề và ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục phát triển tốt. Sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (15,4%); nông nghiệp ổn định, các lĩnh vực dịch vụ có nhiều tiến bộ; xuất khẩu tăng trưởng mạnh (25,7%), nhập siêu có xu hướng giảm; thu ngân sách Nhà nước bảo đảm tiến độ, đáp ứng yêu cầu chi của Nhà nước; nhiều mặt hoạt động xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, khó khăn trong 4 tháng cuối năm còn rất lớn, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; giải ngân vốn tín dụng, vốn trái phiếu Chính phủ đạt thấp; năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm thấp, một số vấn đề xã hội còn bức xúc,...
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, các Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, đặc biệt trong những tháng gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị trong đó xác định cụ thể các công việc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch năm 2004, các Bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, triệt để các văn bản Chính phủ đã ban hành, đặc biệt tập trung vào các nội dung sau:
Một là, thực hiện triệt để các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường đã được nêu trong Chỉ thị 30/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế thấp nhất tốc độ tăng giá trong những tháng cuối năm. Thực hiện tiết kiệm triệt để trong đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, đặc biệt tiết kiệm trong chi tiêu của Nhà nước. Kiểm soát các yếu tố hình thành giá của những hàng hoá, vật tư quan trọng, thiết yếu mà Nhà nước kiểm soát giá; kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tình hình hiện nay để tăng giá tuỳ tiện, bất hợp lý.
Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp huy động vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.
Thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp, thu hút vốn nhàn rỗi của các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh có lãi hợp pháp.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, tập trung vào những nhóm hàng, mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ và có khả năng tăng thêm. Tiếp tục tìm các biện pháp giảm chi phí sản xuất, đồng thời tìm thêm các đầu ra cho sản phẩm. Chủ động chuẩn bị các giải pháp đối phó trong trường hợp bị nước ngoài kiện bán phá giá các mặt hàng xuất khẩu.
Bốn là, tăng cường khâu kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư; thực hiện nghiêm túc công tác giám sát đầu tư; kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề tồn tại, phát sinh trong đầu tư xây dựng cơ bản. Đình hoãn những công trình, dự án xét thấy không có hiệu quả.
Năm là, tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai, rà soát ngay các phương án bảo vệ đê điều và các công trình ven sông; củng cố đê điều ở những nơi xung yếu. Tăng cường công tác dự báo thời tiết có biện pháp chủ động đối phó.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư