Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế -- Xã hội tháng 12 và cả năm 2004
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2004
A. Tình hình kinh tế
1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp
Tổng sản phẩm trong nước năm 2004 ước tính đạt 362,1 nghìn tỷ đồng tính theo giá năm 1994, tăng 7,7% so với năm 2003 (tương đương với tăng thêm 25,85 nghìn tỷ đồng), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,5 %; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,2%; khu vực dịch vụ tăng 7,5%. Trong 7,7% tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,8 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 3,9 điểm % và khu vực dịch vụ đóng góp 3 điểm %.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm nay tăng 3,5%, giảm nhẹ so với mức tăng 3,6% của năm 2003. Ngành nông nghiệp tăng 2,9% (thấp hơn mức tăng 3,2% của năm 2003, do ảnh hưởng của thời tiết không thuận đầu vụ đông xuân và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm); Lâm nghiệp chỉ tăng nhẹ, ngang mức 0,8% của 2003; Thuỷ sản đạt mức tăng 8,5% so với năm 2003, vượt trội so với mức tăng 7,7% của năm trước, do sản xuất tăng và mở rộng được tiêu thụ trên thị trường nội địa.
Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng 10,2%, tuy thấp hơn mức tăng 10,5% của 2003, nhưng nhìn chung không biến động nhiều so với mức tăng bình quân 10,1% của khu vực này trong ba năm 2001-2003; trong đó chỉ có ngành công nghiệp khai thác tăng mạnh, đạt 11,3% (cao hơn hẳn mức tăng 6,3% của năm 2003), các ngành công nghiệp chế biến tăng thấp hơn năm trước do giá nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào của một số mặt hàng tăng cao đã làm chi phí tăng nhanh hơn và hạn chế mức tăng trưởng nói chung; Công nghiệp điện, khí đốt và nước cũng chỉ tăng ngang mức của năm trước. Riêng ngành xây dựng, do giá thép xây dựng tăng cao và không ổn định, công tác giải phóng mặt bằng chậm… nên mức tăng trưởng năm nay chỉ đạt 9% (Năm trước là 10,6%).
Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng năm nay đạt 7,5%, cao hơn hẳn mức tăng trưởng bình quân 6,4% của 3 năm 2001-2003. Đáng chú ý là các ngành có tỷ trọng lớn như thương nghiệp và vận tải, bưu điện, du lịch có mức tăng cao so với mức tăng của năm trước: Mức tăng trưởng của ngành thương nghiệp là 8,4% (Năm trước 6,8%); ngành vận tải, bưu điện, du lịch tăng 8,1% (Năm trước tăng 5,5%).
Do khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức tăng chung và tăng nhanh hơn các khu vực khác nên cơ cấu kinh tế ngành tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tăng lên ở khu vực công nghiệp, xây dựng và giảm ở khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2004 ước tính tăng 14,5% so với dự toán cả năm, trong đó các khoản thu nội địa tăng 12%, thu từ dầu thô tăng 59,8%. Các khoản thu chủ yếu trong thu nội địa đều đạt tương đối cao như: Thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể thu từ dầu thô) đạt 115,4% dự toán năm; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 109,8%; thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 111,6%; các khoản thu về nhà đất đạt 208,1%; thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 172,1%; riêng thu từ các doanh nghiệp Nhà nước mới đạt 96%. Thu từ dầu thô đạt tỷ lệ tăng cao so với dự toán thu cả năm, nhờ giá dầu thô tăng cao, trong khi thu cân đối ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu mới đạt 90% kế hoạch năm (thuế xuất, nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu chỉ đạt 81,4%).
Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2004 ước tính đạt 112% dự toán cả năm, trong đó chi thường xuyên đạt 107,9%; chi cho đầu tư phát triển đạt 113,6% (chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 114,7%); chi trả nợ và viện trợ đạt kế hoạch năm. Những khoản chi lớn và quan trọng trong chi thường xuyên nhìn chung đều đạt tỷ lệ khá so với dự toán cả năm: Chi cho giáo dục và đào tạo đạt 102,5% dự toán cả năm; chi lương hưu và bảo đảm xã hội đạt 103,4%; chi quản lý hành chính, Đảng, Đoàn thể đạt 116,5%; chi sự nghiệp kinh tế đạt 127,8%; chi cho y tế đạt 108,3%; chi cho văn hoá thông tin đạt 107,1%. Bội chi ngân sách ở mức dưới 5% so với GDP và bằng mức bội chi cả năm Quốc hội cho phép, trong đó được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và vay nước ngoài theo dự toán.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2004 diễn ra trong điều kiện không thuận lợi: Hạn hán trên diện rộng trong những tháng đầu năm; rét đậm tại các tỉnh phía Bắc; dịch cúm gia cầm bùng phát trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong quý I; nắng, nóng kéo dài và mưa lớn đầu tháng 7 làm ngập úng và mất trắng nhiều diện tích lúa mùa mới cấy vùng đồng bằng sông Hồng; giá cả các loại vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất đều tăng. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành; thời tiết diễn biến thuận lợi hơn trong những tháng tiếp theo nên sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm nay vẫn đạt mức tăng cao so với năm 2003. Tình hình sản xuất từng ngành như sau:
a. Nông nghiệp
Sản lượng lúa cả năm ước tính đạt 35,9 triệu tấn, tăng 3,8% (tương đương với thêm 1,3 triệu tấn) so với năm 2003, chủ yếu do tăng năng suất lúa và tăng lúa hàng hoá cho xuất khẩu. Năng suất lúa cả năm ước tính đạt 48,2 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha so với năm trước. Diện tích gieo trồng lúa cả năm giảm nhẹ, ước tính đạt 7443,8 nghìn ha, giảm 0,1% so với năm 2003. Nếu tính thêm 3,4 triệu tấn ngô và các loại cây lương thực có hạt khác thì sản lượng lương thực có hạt năm nay đạt 39,3 triệu tấn, tăng 4,3% so với năm 2003.
Nhờ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được mở rộng nên năm nay sản xuất rau đậu và một số cây công nghiệp hàng năm nhìn chung tăng khá so với năm trước. Chương trình phát triển cây công nghiệp lâu năm có giá trị cao đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Diện tích gieo trồng các loại cây công nghiệp lâu năm đều tăng so với năm 2003.
Chăn nuôi cả năm 2004 tăng khá so với năm 2003 theo xu hướng nuôi trâu, bò thịt, bò lai sind ở hầu hết các địa phương, đặc biệt phát triển mạnh tại các tỉnh miền núi do có nguồn thức ăn dồi dào; bò sữa được nuôi nhiều ở vùng thấp là nơi có thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa. Riêng đàn gia cầm vẫn chậm được khôi phục sau dịch cúm, nhìn chung các hộ chỉ nuôi với quy mô nhỏ vì lo sợ dịch bệnh tái phát. Tính đến thời điểm 01/8/2004, đàn trâu cả nước có 2,9 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2003; đàn bò 4,9 triệu con, tăng 11,7%; đàn lợn 26,1 triệu con, tăng 5,1%; đàn gia cầm có 218,2 triệu con, giảm 36,4 triệu con (-14,3%), trong đó đàn gà giảm 25,9 triệu con (-15%); sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt 2505,7 nghìn tấn, tăng 7,6%, trong đó thịt gia súc tăng 11%, thịt gia cầm giảm 15,1%.
b. Lâm nghiệp
Thời tiết những tháng cuối năm thuận lợi cho công tác trồng rừng, diện tích rừng trồng tập trung năm 2004 của cả nước đạt 184,2 nghìn ha, tăng 1,6% so với năm 2003; số cây trồng phân tán 216,6 triệu cây, tăng 4,4%. Sản lượng gỗ năm nay ước tính đạt 2443,1 nghìn m3, tăng 0,3% so với năm trước, chủ yếu khai thác gỗ từ rừng trồng.
Diện tích rừng bị thiệt hại năm nay tuy giảm so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao, cả nước có 5526,8 ha, bằng 73,2% năm 2003, trong đó diện tích rừng bị cháy 4133 ha, bằng 75%; diện tích rừng bị phá 1393,8 ha, bằng 68,3%.
c. Thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản năm 2004 ước tính đạt 3073,6 nghìn tấn, tăng 7,7% so với năm 2003, trong đó sản lượng nuôi trồng tăng 15,2% và sản lượng khai thác tăng 3,6%. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng cả năm ước tính đạt 1150,1 nghìn tấn, trong đó cá 691,3 nghìn tấn và tôm 290 nghìn tấn. Nuôi trồng thuỷ sản năm 2004 nhìn chung gặp nhiều khó khăn như thời tiết khô hạn, con giống không sạch bệnh, môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng của vụ kiện bán phá giá tôm… Tuy nhiên, nhiều địa phương tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển một phần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi cá, tôm sú; mô hình nuôi tôm trên cát khu vực miền Trung được nhân rộng; phong trào nuôi cá lồng bè ở các tỉnh phía Nam phát triển mạnh, do vậy diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 902,9 nghìn ha, tăng 4,3% so với năm 2003.
Sản lượng thuỷ sản khai thác năm 2004 ước tính đạt 1923,5 nghìn tấn, tăng 3,6% so với năm 2003, trong đó khai thác biển 1724,2 nghìn tấn, tăng 4,7%; khai thác nội địa 199,3 nghìn tấn, giảm 4,7%. Hoạt động khai thác thuỷ sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi hơn, cá nổi xuất hiện nhiều, chủng loại cá đánh bắt phong phú, trong đó nhiều loại cá có giá trị cao như: Cá ngừ đại dương, cá thu, cá chim…Riêng đánh bắt cá xa bờ vẫn còn một số tồn tại chưa có giải pháp khắc phục: Nhiều tàu nằm chờ đấu giá để bán thu hồi vốn vay; giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến khai thác; quy mô tàu cá nhỏ; ngư dân chưa nắm chắc kỹ thuật khai thác...
3. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp năm 2004 tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao hơn mức kế hoạch đề ra và tăng cao so với năm 2003. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2004 tính theo giá cố định 1994, ước tính đạt 354 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó khu vực Nhà nước đạt 131,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% (Doanh nghiệp Nhà nước do trung ương quản lý đạt 92,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% và doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý đạt 38,9 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 6%), khu vực ngoài quốc doanh đạt 96,2 nghìn tỷ, tăng 22,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 126,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7% (dầu mỏ, khí đốt đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% và các ngành khác tăng 14,9%).
Trong các khu vực kinh tế, khu vực ngoài quốc doanh có tốc độ tăng cao nhất. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng thấp hơn tốc độ tăng của năm 2003, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước địa phương quản lý, do thực hiện đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng cổ phần hoá và giải thể, sát nhập… các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả.
Công nghiệp khai thác ước tính đạt 38,3 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh (+16,9%) so với mức tăng 8% của 2003, do sản xuất dầu thô và than sạch đều tăng cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu tăng cả lượng và giá.
Công nghiệp sản xuất điện, ga và nước ước đạt 22,1 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,2% và tăng 13,8% so với năm 2003. Tuy mức tăng không cao so với mức tăng chung nhưng đáp ứng được nhu cầu tăng lên của nền kinh tế và dân cư.
Công nghiệp chế biến ước tính đạt 293,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2003; mức tăng này không biến động nhiều so với mức tăng của các năm trước, nhưng trong công nghiệp chế biến có nhiều loại sản phẩm dựa vào nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu, nên các biến động về giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, làm chi phí tăng nhanh hơn và phần nào đã giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước. Tuy vậy, do cầu trên thị trường trong nước và xuất khẩu tăng nên sản lượng một số mặt hàng công nghiệp chế biến vẫn ổn định tăng ở mức cao và năm 2004 đạt mức tăng trên 16% so với năm 2003. Bên cạnh đó, giá của nhiên liệu và một số nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu tăng cao như giá phôi thép, chất dẻo, bông, lúa mỳ, sợi dệt… đã ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp.
Sản xuất công nghiệp năm 2004 vẫn giữ được mức tăng trưởng ở mức cao là do: (1) Nhu cầu sản phẩm công nghiệp trên thị trường trong nước tăng lên, do nâng cao được chất lượng và phù hợp hơn với người tiêu dùng trong nước; xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tăng mạnh, đóng góp tới khoảng 80% vào mức tăng trưởng xuất khẩu; (2) Các doanh nghiệp tiếp tục tăng đầu tư cho sản xuất nhằm đổi mới thiết bị công nghệ, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu để từng bước hội nhập tốt hơn vào kinh tế khu vực và kinh tế quốc tế; (3) Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cổ phần hoá và giảm bớt số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có qui mô vừa và nhỏ. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chỉ đạo sát sao để khắc phục tình trạng giá cả của một số nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và quản lý tốt hơn khâu lưu thông sản phẩm.
4. Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư phát triển năm 2004 theo giá thực tế ước tính đạt 258,7 nghìn tỷ đồng, bằng 103,8% kế hoạch năm và tăng 17,7% so với năm trước. Trong tổng số, vốn Nhà nước chiếm 56%, vốn ngoài quốc doanh chiếm 26,9%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 17,1%. Tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm và so với năm 2003 cụ thể như sau:
Vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung năm 2004 ước tính thực hiện 44,83 nghìn tỷ đồng, đạt 120,9% kế hoạch năm. Vốn đầu tư do trung ương quản lý ước tính thực hiện 17,09 nghìn tỷ đồng, đạt 131,3% kế hoạch năm. Vốn địa phương quản lý ước tính thực hiện 22,74 nghìn tỷ đồng, đạt 115,2% kế hoạch năm.
Trong năm 2004, nhiều công trình lớn đã hoàn thành: Bàn giao 962 km đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, đoạn Hà Tĩnh-Kon Tum; đưa vào sử dụng cầu cảng các bến số 5, 6, 7 cảng Cái Lân; khánh thành cầu Đà Rằng (Phú Yên), cầu Tuyên Sơn (Quảng Nam)... Thông xe cầu Yên Lệnh (Hà Nam), cầu Giát (Nghệ An) cầu Hoà Mạc trên quốc lộ 38, cầu Kênh Tiên và cầu Hà Nha (Quảng Nam), hầm Đèo Ngang, 5 cầu trên Quốc lộ I (Cầu Lâu, cầu Trà Khúc, cầu Cây Dứa, cầu Thạch Bàn)... Đưa vào khai thác cảng hàng không Cam Ranh (Khánh Hoà), nhà ga sân bay Phú Bài (Thừa Thiên- Huế), nhà ga cảng hàng không Phù Cát (Bình Định), cảng hàng không Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), nhà ga và đài kiểm soát không lưu cảng hàng không Điện Biên Phủ, nâng cấp cảng hàng không Vinh (Nghệ An) và đưa vào sử dụng 2 đường băng tiêu chuẩn quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, đã khởi công một số công trình lớn: Cầu Cần Thơ, cải tạo và nâng cấp cảng hàng không Chu Lai, nhà ga quốc tế cảng hàng không Tân Sơn Nhất, sân bay Đồng Hới, mở rộng bến công-ten-nơ cảng Hải Phòng, đường cao tốc Liên Khương- Prem (Lâm Đồng), đường Hồ Chí Minh đoạn vườn quốc gia Cúc Phương, các cầu giao thông nông thôn: cầu Thạch Định (Thanh Hoá), cầu Đình Bảng (Nghệ An), cầu Lạc Thiên (Quảng Bình), cầu Pa Nho (Quảng Trị), cầu Khe Dương (Thừa Thiên-Huế)...
Tuy nhiên, tình hình thực hiện đầu tư và xây dựng còn có nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tốc độ tăng tích lũy tài sản cố định và giá trị sản xuất ngành xây dựng mà nguyên nhân chủ yếu là do giá sắt thép, xăng dầu cao; giải phóng mặt bằng của một số công trình còn chậm; công tác quản lý đầu tư, quản lý xây dựng cũng còn những bất cập...
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ đầu năm đến 20/12/2004 đã có 679 dự án đầu tư được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 2,08 tỷ USD, vốn bình quân 1 dự án là 3,1 triệu USD (cùng kỳ năm trước mỗi dự án có vốn bình quân trên 2,5 triệu USD).
Các tỉnh, thành phố phía Nam có 479 dự án với 1337,2 triệu USD, chiếm 70,5% về số dự án và 64,2% về số vốn đăng ký. Các tỉnh, thành phố phía Bắc có 200 dự án với số vốn đăng ký 747,2 triệu USD, chiếm 29,5% về số dự án và 35,8% về số vốn đăng ký.
5. Vận tải và bưu chính viễn thông
Vận chuyển hành khách năm 2004 ước tính thực hiện đạt 958,7 triệu lượt hành khách và 46,9 tỷ lượt hành khách.km, so với năm 2003 tăng 7,2% về lượt hành khách và tăng 12,5% về lượt hành khách.km.
Vận chuyển hàng hoá năm 2004 ước tính đạt 265,8 triệu tấn và 61,4 tỷ tấn.km, tăng 7,1% về tấn và 10% về tấn.km so với năm 2003. Vận tải hàng hoá nội địa tăng 6,9% về tấn và 7,5% về tấn km so với năm trước; vận tải hàng hoá ngoài nước cả tấn và tấn. km đều tăng trên 10%, do năm nay khối lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng.
Về bưu chính viễn thông, doanh thu năm 2004 ước tính đạt 24,8 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước, trong đó doanh thu từ viễn thông chiếm tới 91%. Tổng số máy điện thoại của cả nước có đến cuối năm 2004 là trên 10 triệu chiếc, tăng 40% so với năm 2003 (đạt mật độ 12,2 máy/100 người), trong đó điện thoại cố định 5,6 triệu chiếc, điện thoại di động 4,4 triệu chiếc. Số thuê bao internet đến cuối năm là 692,2 nghìn thuê bao, tăng 55% so với năm 2003.
6. Thương mại, giá cả và du lịch
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2004 ước tính đạt gần 372,48 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm trước. Trong các ngành, thương nghiệp chiếm 81% tổng mức và tăng 19,7%; khách sạn, nhà hàng tăng 14,4%; dịch vụ tăng 10,5%; du lịch tăng 24,6% so với năm 2003.
Giá tiêu dùng trong năm 2004 tăng cao hơn so với mức tăng giá tiêu dùng của các năm 2001,2002 và 2003. Giá tiêu dùng so với tháng trước của tất cả các tháng trong năm (trừ tháng 10) đều tăng, do vậy giá tiêu dùng so với tháng 12 liên tục tăng qua các tháng, giá tiêu dùng tháng 12 so với cùng kỳ đã tăng lên 9,5% và giá bình quân năm 2004 tăng 7,7% so với năm 2003, là mức tăng cao nhất so với mức tăng giá bình quân các năm gần đây (năm 2001 giảm 0,3%, năm 2002 tăng 3,9% và năm 2003 tăng 3,2%).
Giá vàng các tháng so với tháng trước biến động theo các chiều hướng khác nhau, nhưng có xu hướng tăng liên tục từ tháng Tám và tăng cao vào các tháng cuối năm. Giá vàng các tháng trong năm 2004 so với cùng kỳ đều tăng từ 12% trở lên, bình quân giá vàng 2004 tăng 16,5% so với năm 2003, chủ yếu do giá vàng trên thế giới tăng cao đã ảnh hưởng tới thị trường vàng trong nước. Giá đô la Mỹ trong các tháng trong năm biến động không đáng kể so với các tháng trước và chỉ tăng nhẹ so với tháng 12 năm 2003, do vậy bình quân năm 2004 giá đô la Mỹ chỉ tăng 1,6% so với năm 2003. Tuy nhiên, trong năm 2004 giá đô la Mỹ giảm so với một số đồng tiền khác và giảm mạnh so với đồng Euro.
Hoạt động xuất nhập khẩu:
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2004 tăng khá so với năm 2003, tổng trị giá xuất, nhập khẩu cả năm ước tính đạt 57,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 28,9% và nhập khẩu tăng 25%. Do xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu nên đã giảm được khoảng chênh lệch xuất khẩu và nhập khẩu. Nhập siêu cả năm 2004 là 5,52 tỷ USD, bằng 21,2% kim ngạch xuất khẩu (tỷ lệ này năm 2003 là 25%).
Kim ngạch xuất khẩu năm 2004 ước tính đạt 26 tỷ USD, tăng 28,9% so với năm 2003 và là mức cao nhất trong những năm gần đây (năm 2000 tăng 25,5%; 2001: +3,8%; 2002: +11,2%; 2003: +20,8%). Kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô đạt 20,34 tỷ USD, tăng 24,3% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 11,74 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,6 tỷ USD, tăng 35,7%.
Năm 2004, ngoài 4 mặt hàng là dầu thô, dệt may, giày dép và thuỷ sản có kim ngạch trên 2 tỷ USD còn có thêm 2 mặt hàng mới là hàng điện tử, máy tính và sản phẩm gỗ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và các mặt hàng nông sản truyền thống có kim ngạch xuất khẩu khá như gạo, cà phê, cao su và hạt điều là những mặt hàng đóng góp quyết định cho tăng trưởng xuất khẩu.
Xuất khẩu dầu thô, ước tính cả năm đạt 19,6 triệu tấn với trị giá 5,67 tỷ USD, tăng 14,1% về lượng nhưng tăng 48,3% về trị giá so với năm 2003. Hàng dệt may đạt 4,32 tỷ USD, tăng 17,2%; riêng xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt khoảng 2,4 tỷ USD (chiếm 56% tổng kim ngạch hàng dệt may), tăng 22%; xuất khẩu sang thị trường EU (cũ) đạt khoảng 663 triệu đôla, tăng 32%. Sản phẩm gỗ là mặt hàng mới nổi và có tốc độ tăng cao, ước tính cả năm đạt kim ngạch 1,05 tỷ USD, tăng 85,9%, trong đó xuất khẩu vào một số thị trường tăng cao như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Đài Loan, Pháp.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2004 tăng cao do: (1) Kinh tế thế giới phục hồi và sự tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đã tăng cầu nhập khẩu của các nước về lượng và kéo theo tăng giá có lợi cho các nước xuất khẩu. Tính chung kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng thống kê được về lượng năm 2004 tăng 2,7 tỷ USD thì tăng do giá khoảng 1,7 tỷ USD (riêng dầu thô tăng 1,3 tỷ USD do giá); (2) Sản xuất các mặt hàng công nghiệp và nông sản xuất khẩu tăng cao so với năm trước; (3) Kết quả tích cực của các hoạt động mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ và các cơ quan liên quan, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại..
Kim ngạch nhập khẩu năm 2004 ước tính đạt 31,52 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 20,55 tỷ USD, tăng 25,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 10,97 tỷ USD, tăng 24,4%. Nhìn chung, nhập khẩu hàng hoá có cơ cấu tích cực, nhập chủ yếu để phục vụ sản xuất trong nước: Trong tổng kim ngạch nhập khẩu, hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 29,8 tỷ USD, (chiếm tỷ trọng 94,6%), tăng 26,3% so với 2003; riêng nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu ước tính đạt 21,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 68%, tăng tới 38,8%; nhập khẩu hàng tiêu dùng chiếm tỷ lệ nhỏ và chỉ tăng 5,3%.
Khách quốc tế đến Việt Namm năm 2004 ước tính đạt gần 2927,9 nghìn lượt người, tăng 20,5% so với năm 2003, trong đó khách đến với mục đích du lịch 1584 nghìn lượt người, tăng 27,9%; vì công việc 521,7 nghìn lượt người, tăng 11,4%; thăm thân nhân 467,4 nghìn lượt người, tăng 19,2%; vì các mục đích khác 354,8 nghìn lượt người, tăng 7,4%.
B. Một số vấn đề xã hội
1. Đời sống dân cư
Đời sống dân cư năm nay chịu tác động của nhiều yếu tố như giá tiêu dùng tăng, dịch cúm gia cầm bùng phát trong những tháng đầu năm và ảnh hưởng của thiên tai ở môt số vùng, nhưng nhìn chung vẫn ổn định. Đời sống cán bộ viên chức và người hưởng lương không có biến động lớn, do chưa được hưởng lương thay đổi từ 1/10 theo quyết định tăng lương của Chính phủ. Ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp được mùa, đồng thời giá nông sản, thực phẩm tăng, công tác giải quyết việc làm, cho vay vốn sản xuất và chương trình xoá đói giảm nghèo được thực hiện tích cực hơn nên đời sống ổn định. Nhiều địa phương không còn hộ đói về lương thực; tỷ lệ hộ nghèo giảm. Thiếu đói trong nông dân giảm đáng kể so với năm 2003: Tính chung cả năm 2004, số hộ và số nhân khẩu thiếu đói đều giảm 32,4%. Để trợ giúp các hộ thiếu đói khắc phục khó khăn, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành và các địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói khoảng 4,8 nghìn tấn lương thực và 11,6 tỷ đồng.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi tặng quà và trợ giúp các đối tượng chính sách và đối tượng xã hội được thực hiện thường xuyên. Việc vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương được hưởng ứng và thực hiện tích cực, góp phần cải thiện đời sống cho người có công, đối tượng chính sách và hộ nghèo. Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2004, đã có hàng vạn nhà tình nghĩa, nhà tình thương được xây dựng và bàn giao; cả nước đã đóng góp khoảng 150 tỷ đồng cho quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây tặng mới 5 nghìn nhà cho các gia đình thương binh liệt sĩ và người có công . Cũng trong 2004, đã công nhận mới 1000 xã, phường đạt tiêu chuẩn thực hiện tốt chính sách thương binh liệt sĩ và người có công, nâng tổng số xã phường được công nhận đến nay lên 8900 xã phường.
Trong năm 2004, số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ cấp là 276,3 nghìn người, tăng 2% so với năm 2003 và chiếm khoảng 45% số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ, trong đó 27,3 nghìn người được hỗ trợ nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ; số còn lại được hỗ trợ tại cộng đồng.
2. Văn hoá thông tin, thể dục thể thao
Hoạt động văn hoá thông tin năm 2004 tập trung thực hiện tốt công tác truyên truyền các nhiệm vụ chính trị, xã hội và tổ chức tốt các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước thông qua nhiều hoạt động thiết thực, sôi động và nhiều chương trình văn hoá, văn nghệ đặc sắc.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh và nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Hiện nay cả nước có khoảng 12,7 triệu gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động văn hoá tiếp tục được đẩy mạnh. Đã tiến hành kiểm tra gần 1,3 nghìn đợt với 30,5 nghìn lượt cơ sở kinh doanh hoạt động dịch vụ văn hoá, phát hiện 5,9 nghìn lượt cơ sở vi phạm, rút giấy phép và đình chỉ hoạt động trên 100 cơ sở; thu giữ 463 nghìn băng, đĩa các loại, 249 đầu máy, ti vi; 9 máy đánh bạc, 31 đầu giải mã TVRO, 96,8 nghìn cuốn sách và nhiều loại xuất bản phẩm khác, đồng thời phạt hành chính 4,5 tỷ đồng. Năm 2004 sơ bộ đã xuất bản được 17,2 nghìn cuốn và 248,3 triệu bản sách, so với năm 2003 tăng 22,5% số đầu sách và tăng 11,4% số bản sách. Trong năm 2004, Luật Xuất bản cũng đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2005.
Hoạt động thể dục thể thaoo được tổ chức tốt và gắn với những ngày lễ lớn, những hoạt động kỷ niệm trọng đại của đất nước. Ngành thể dục thể thao tiếp tục chỉ đạo, triển khai đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Về thể thao thành tích cao, trong năm 2004 đã triệu tập và tập huấn 63 đội tuyển với 1,5 nghìn vận động viên, trong đó có 27 đội tuyển trẻ với 627 vận động viên. Đến hết tháng 10/2004 đã có 133/180 giải thi đấu thể thao trong kế hoạch năm được tổ chức thành công; 25 giải quốc tế được Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức. Tính đến 15/11/2004, thể thao Việt Nam đã tham dự 108 giải thi đấu quốc tế lớn, đạt 417 huy chương các loại, trong đó 12 huy chương thế giới, 47 huy chương Châu á, 276 huy chương Đông Nam á và 80 huy chương các giải quốc tế mở rộng.
3. Giáo dục và đào tạo
Tổng kết năm học 2003-2004:Năm học 2003-2004 cả nước có 1782 nghìn học sinh phổ thông tốt nghiệp tiểu học, đạt tỷ lệ tốt nghiệp 99,82%; 1343,5 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, đạt 96,10% và 682,3 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, đạt 91,57%. Trong các kỳ thi học sinh giỏi, đã có 2250 học sinh đoạt giải quốc gia lớp 12 ở 11 môn thi, trong đó có 1438 học sinh đã được tuyển thẳng vào đại học; bốn đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic quốc tế các môn toán, vật lý, hoá học và tiếng Nga đã giành được 10 huy chương vàng, 9 huy chương bạc và 3 huy chương đồng. Công tác giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề tiếp tục được quan tâm, trong năm học qua có gần 1,9 triệu học sinh phổ thông được học nghề, tăng 16,9% so với năm học trước.
Khai giảng năm học 2004-2005:Năm học 2004-2005 cả nước có 504 nghìn trẻ em đi nhà trẻ, tăng 21,8% so với năm học trước và đạt 13% tổng số trẻ em từ 0-2 tuổi; 2308 nghìn học sinh mẫu giáo, tăng 6,2% và đạt 51,5% số trẻ em từ 3-5 tuổi. Số học sinh tiểu học là 7771 nghìn em, giảm 6,9% so với năm học trước và đạt 103,3% dân số từ 6-10 tuổi; số học sinh tiểu học tiếp tục học lên trung học cơ sở đạt 97,4%. Số học sinh trung học cơ sở là 6682 nghìn em, tăng 1,1% và đạt 95,2% dân số từ 11-14 tuổi; số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên trung học phổ thông đạt 77,5%. Số học sinh trung học phổ thông là 2811 nghìn em, tăng 7,4% và so với dân số độ tuổi 15-17 đạt tỷ lệ 49,3%.
Số giáo viên tiểu học là 361 nghìn giáo viên, đạt tỷ lệ 1,25 giáo viên/lớp; cấp trung học cơ sở 295,3 nghìn giáo viên, đạt tỷ lệ 1,73 giáo viên/lớp và cấp trung học phổ thông 106,6 nghìn giáo viên, đạt 1,76 giáo viên/lớp. So với định mức, số giáo viên cấp trung học cơ sở thiếu khoảng 21 nghìn giáo viên và cấp trung học phổ thông thiếu khoảng 20,2 nghìn giáo viên.
Cả nước có 231,5 nghìn phòng học cấp tiểu học, tăng 1,9% so với năm học trước, trong đó khoảng 91 nghìn phòng học kiên cố, tăng 10,6%; số phòng học trung học cơ sở là 125,3 nghìn phòng, tăng 8,5%, trong đó 76,1 nghìn phòng học kiên cố, tăng 16,8%; cấp trung học phổ thông có 47 nghìn phòng học, tăng 16,3%, trong đó phòng học kiên cố là 37,9 nghìn phòng, tăng 17,7%
Giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề
Năm 2004, có 136 trường đại học, học viện, khoa trực thuộc và 126 trường cao đẳng tổ chức tuyển sinh và đã có 139,8 nghìn sinh viên được tuyển mới vào đại học, đạt 105% kế hoạch; 73 nghìn sinh viên cao đẳng, đạt 101% kế hoạch. Về công tác đào tạo nghề: Hiện nay cả nước có 231 trường dạy nghề, trong đó có 101 trường thuộc các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương; 130 trường thuộc địa phương. Năm 2004 có 16 trường dạy nghề mới được thành lập, trong đó 2 trường thuộc Tổng công ty và 14 trường thuộc địa phương. Số học sinh tuyển mới dài hạn và số lượt học sinh được đào tạo nghề ngắn hạn năm 2004 là 1153 nghìn người, đạt 100,3% chỉ tiêu kế hoạch và tăng 7,3% so với năm 2003, trong đó dạy nghề dài hạn ước tính tuyển mới 202,7 nghìn người, đạt 100,2% và tăng 14,9%; dạy nghề ngắn hạn 950,3 nghìn lượt người, đạt 100,3% và tăng 5,9%. Trong năm cũng đã tổ chức Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ V và Việt Nam đã xếp thứ nhất với 13 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 3 huy chương đồng và 6 giải khuyến khích.
4. Y tế
Tình hình suy dinh dưỡng của trẻ em: Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng theo tuổi) năm 2004 ước tính là 26,5%. So với năm 2003, tỷ lệ suy dinh dưỡng chung giảm 1,9%.
Tình hình dịch bệnh: Trong năm 2004, cả nước có116,2 nghìn trường hợp bị bệnh sốt rét, trong đó 21 người đã tử vong; 73,3 nghìn trường hợp bị sốt xuất huyết, trong đó 101 người đã tử vong; 6,5 nghìn người mắc bệnh viêm gan do vi rút, trong đó 8 người đã tử vong. Số người bị nhiễm HIV trong cả nước đến nay lên 89,3 nghìn người, trong đó 14,1 nghìn bệnh nhân AIDS và gần 8,2 nghìn nguời đã chết do AIDS.
5. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội:
Tính đến cuối tháng 11/2004, cả nước có 131,1 nghìn đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý, chưa kể số đối tượng nghiện ma tuý trong các trại giam, các cơ sở giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, tính đến cuối tháng 11/2004 cả nước đã tiếp nhận cai nghiện mới cho 24,1 nghìn người; nếu tính cả 38,5 nghìn người từ năm trước chuyển sang thì có 62,6 nghìn người được cai nghiện ma tuý trong năm nay. Công tác cai nghiện được quan tâm không chỉ ở các trung tâm mà còn được triển khai cả ở các cộng đồng; trong năm 2004 số người được tiếp nhận cai nghiện, phục hồi tại các trung tâm là 17,1 nghìn người và trên 7 nghìn người được cai nghiện tại cộng đồng. Tính đến tháng 9/2004, có 13,4 nghìn đối tượng gái mại dâm có hồ sơ quản lý, trong đó 4,4 nghìn người được chữa trị (gần 80% chữa trị tại các trung tâm); ước tính cả năm 2004 có khoảng 5,5 nghìn đối tượng gái mại dâm được chữa trị.
6. Tai nạn giao thông
Trong tháng 11/2004 trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1392 vụ tai nạn giao thông, làm chết 980 người và làm bị thương 1233 người. So với tháng 10/2004, số vụ tai nạn tăng 4,8%, số người chết tăng 2% và số người bị thương tăng 13,6%; so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 14,7%, số người chết giảm 4,8% và số người bị thương giảm 20,1%. Tính chung 11 tháng năm 2004, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 16,1 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 11,1 nghìn người và làm bị thương 14,4 nghìn người. So với cùng kỳ năm 2003, số vụ tai nạn giao thông giảm 15,4%; số người bị thương giảm 24,7%; riêng số người chết tăng 3,2%. Bình quân mỗi ngày trong 11 tháng năm nay xảy ra 48 vụ tai nạn, làm chết 33 người và làm bị thương 43 người. Tai nạn xảy ra chủ yếu trên đường bộ với 96,4% số vụ; 96,1% số người chết và 98,4% số người bị thương.
7. Thiệt hại do thiên tai
Năm 2004 đã xảy ra lụt, bão, lốc, lũ ống, lũ quét, mưa to, mưa đá, sạt lở đá, sạt lở đất tại nhiều địa phương trong cả nước, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.Thiên tai đã làm 178 người chết; 201 người bị thương; 9,6 nghìn mét đê bị sạt lở; 150 km kênh mương bị hư hỏng; trên 20 vạn ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại, trong đó mất trắng 30 nghìn ha lúa; khoảng 8 nghìn ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng; 3,6 nghìn ngôi nhà bị sập đổ; 145 nghìn nhà bị tốc mái, hư hại và nhiều công trình kinh tế, văn hoá, xã hội khác bị ảnh hưởng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1 nghìn tỷ đồng.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ