Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế -- Xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2004
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 10 VÀ 10 THÁNG ĐẦU NĂM 2004
(Tóm tắt Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ ngày 01-02 tháng 11 năm 2004)
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH, XUẤT NHẬP KHẨU VÀ ĐẦU TƯ
1. Về sản xuất, kinh doanh
(1) Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 ước đạt 30,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng 9 và tăng 15% so với tháng 10 năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 11%, khu vực ngoài Nhà nước tăng 22,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,8%.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 của nhiều địa phương tăng cao so với tháng 10 năm 2003, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh: Hà Nội tăng 17,6%, trong đó ngoài quốc doanh tăng 20,8%; Hải phòng tăng 19,5%, trong đó ngoài quốc doanh tăng 29,2%; Hà Tây tăng 15%, trong đó ngoài quốc doanh tăng 20,8%; Phú Thọ tăng 35,2%, trong đó ngoài quốc doanh tăng 26,9%; Khánh Hoà tăng 20,9%, trong đó ngoài quốc doanh tăng 59,1%; Đồng Nai tăng 17,9%, trong đó ngoài quốc doanh tăng 29,3%; Cần Thơ tăng 35,7%, trong đó ngoài quốc doanh tăng 71,2%...
Trong tháng này mức sản xuất của nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng phục vụ sản xuất cũng như phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tăng tương đối cao so với cùng kỳ năm trước: than sạch tăng 20,5%; khí đốt thiên nhiên tăng 131,4%; thủy sản chế biến tăng 18,1%, đường mật các loại tăng 26,5%; quần áo may sẵn tăng 27%; giấy bìa các loại tăng 30,9%; phân hoá học tăng 52,6%; thuốc viên các loại tăng 29,9%; xà phòng các loại tăng 20%; gạch lát tăng 30,9%, quạt điện dân dụng tăng 24,4%; xe đạp hoàn chỉnh tăng 37,2%...
Tuy nhiên, còn nhiều sản phẩm, trong đó có một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như dầu thô khai thác tăng 8,6%; sữa hộp tăng 12,8%; bia tăng 3,9%; bột ngọt tăng 9,6%; vải lụa thành phẩm tăng 5,2%; thuốc trừ sâu tăng 11,2%; sứ vệ sinh tăng 2,1%; gạch xây tăng 6,2%; ắc quy tăng 1,4%; ti vi các loại tăng 6,1%; xe máy các loại tăng 12,1%; điện phát ra tăng 12,7%; quần áo dệt kim giảm 30,3%; xi măng giảm 2,5%; thép cán giảm 8,2%; máy công cụ giảm 86,5%; động cơ điêzen giảm 13%; máy biến thế giảm 6,1%; ô tô các loại giảm 5,1%.
Tính chung 10 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 293,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16%); trong đó khu vực ngoài quốc doanh đạt mức tăng trưởng cao nhất (21,7%), tiếp đó là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,7%) và cuối cùng là khu vực doanh nghiệp Nhà nước (tăng 12,2%).
(2) Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến ngày 15 tháng 10 năm 2004, các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch được 616,4 nghìn ha lúa mùa, đạt 50% diện tích gieo cấy, chậm hơn tiến độ thu hoạch của năm trước do đầu vụ một số diện tích gieo cấy lúa bị ngập sâu phải cấy lại nên thu hoạch muộn hơn; riêng các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thu hoạch 265 ngàn ha, chiếm 45% diện tích gieo cấy, các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc thu hoạch 222,6 ngàn ha, đạt 49,8%, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ thu hoạch đạt 66% diện tích gieo cấy.
Do thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sâu bệnh giảm nhiều so với vụ mùa năm trước, chăm sóc đúng kỹ thuật và kịp thời do đó năng suất của các địa phương phần lớn cao hơn năm trước. Năng suất lúa bình quân toàn miền Bắc đạt trên 45 tạ/ha, cao hơn vụ mùa năm trước khoảng 2,5 tạ/ha.
Cùng với việc thu hoạch lúa mùa, các địa phương gieo trồng 317,8 ngàn ha cây vụ đông, đạt 53,9% kế hoạch và nhanh hơn cùng kỳ năm trước 2,1%, tăng chủ yếu là cây ngô và đậu tương. Theo báo cáo của các địa phương, một số địa phương có chính sách hỗ trợ một phần giống cây vụ đông để khuyến khích nông dân phát triển, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông có hiệu quả cao.
Đến ngày 15/10/2004 các địa phương phía Nam cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu, đạt 2.063,7 ngàn ha, chiếm 95,9% diện tích gieo cấy, trong đó các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.819,6 ngàn ha; đồng thời các địa phương đã xuống giống 807,6 nghìn ha lúa mùa, nhanh hơn cùng kỳ năm trước 6,1%, lúa sinh trưởng và phát triển khá. Các địa phương đang khẩn trương phấn đấu hoàn thành kế hoạch gieo cây vụ mùa đúng thời vụ. Một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy được 160,7 nghìn ha lúa Đông xuân sớm.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng lương thực cả năm có thể đạt 38,6-38,9 triệu tấn, tăng từ 1,1 đến 1,4 triệu tấn so với năm 2003.
Về thuỷ sản: Các tỉnh đang tập trung chỉ đạo khai thác hải sản, phổ biến rộng rãi những dự báo về ngư trường, thông tin về dự báo thời tiết nhằm giúp ngư dân chủ động sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra. Sản lượng khai thác hải sản tháng 10 ước đạt 122 nghìn tấn, nâng sản lượng khai thác hải sản 10 tháng lên gần 1,26 triệu tấn, bằng 87% kế hoạch và tăng 0,25% so với cùng kỳ.
Nuôi trồng thuỷ sản: Năm nay tôm nuôi vụ 2 phát triển tương đối tốt, do các hộ nuôi tôm thực hiện nghiêm túc các quy trình, kỹ thuật nuôi. Nghề nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt có xu hướng phát triển mạnh, nhất là nuôi lồng bè ở các hồ chứa với các đối tượng nuôi có giá trị, tạo ra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Sản lượng nuôi và khai thác nội địa 10 tháng ước đạt 138 nghìn tấn, tính chung 10 tháng đạt gần 1,1 triệu tấn, bằng 90% kế hoạch năm, tăng 22,9% so với cùng kỳ.
Tính chung tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản 10 tháng đạt 2,33 triệu tấn, đạt 88,1% kế hoạch và tăng 6,58% so với cùng kỳ.
Về lâm nghiệp: Trong 10 tháng đầu năm 2004 đã trồng được gần 99,6 nghìn ha rừng, trong đó 56 nghìn ha rừng phòng hộ đặc dụng, đạt 72,43% kế hoạch. Việc khoán quản lý bảo vệ rừng được chuyển tiếp từ năm 2003 sang nên tổng diện tích đạt khoảng 2,4 triệu ha, đạt 130,25% kế hoạch. Khoanh nuôi tái sinh khoảng hơn 577 nghìn ha. Tuy nhiên, trong 10 tháng đã xẩy ra 835 vụ cháy rừng, với diện tích rừng bị cháy ước khoảng 3,9 nghìn ha, trong đó có 288 ha rừng trồng và gần 3,7 nghìn ha rừng tự nhiên.
Về tình hình dịch bệnh: Từ đầu tháng 10 đến nay dịch cúm gia cầm lại tái phát tại 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Đến ngày 16 tháng 10 năm 2004 có thêm 4 đàn gia cầm bị mắc bệnh ở 4 xã thuộc 4 huyện của 4 tỉnh trên với 5,5 nghìn con gà, vịt và chim cút mắc bệnh. Toàn bộ số gia cầm trong đàn phát bệnh đã được tiêu huỷ, đồng thời các địa phương đã áp dụng các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Đến nay, dịch cúm gia cầm cơ bản đã được khống chế trên phạm vi toàn quốc, số điểm phát dịch, số gia cầm bị mắc bệnh ngày càng giảm. Tuy nhiên bệnh dịch vẫn phát rải rác ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mầm bệnh còn tiềm ẩn và có khả năng tái phát cao ở những vùng có dịch cũ do vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại chưa tốt trước khi nuôi trở lại, hơn nữa công tác kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới và trong nước chưa được chặt chẽ, triệt để. Nhiệm vụ thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nội dung của chương trình tháng hành động phòng chống dịch cúm gia cầm, trong đó chú trọng các tỉnh ĐBSCL, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh thú y, chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, bao vây xử lý khi xảy ra dịch bệnh, thực hiện báo cáo dịch khẩn cấp theo quy định.
2. Về dịch vụ, xuất nhập khẩu
(1) Theo báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước đạt 32,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với tháng 9; tính chung 10 tháng đầu năm đạt khoảng 306,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về quản lý thị trường, theo Bộ Thương mại, trong nửa đầu tháng 10 năm 2004, đã xử lý gần 3.230 vụ vi phạm quản lý thị trường với số tiền thu khoảng 6,5 tỷ đồng. Tính chung cả 10 tháng, đã xử lý 45 nghìn vụ vi phạm với mức thu phạt gần 100 tỷ đồng. Trong số các địa phương có nhiều vụ vi phạm, điển hình là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với số vụ vi phạm chiếm gần 43% tổng số vụ vi phạm bị phát hiện.
Ngành du lịch tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về du lịch, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch ở cả trong nước và quốc tế.
Hưởng ứng ngày du lịch Thế giới 27/9/2004 với chủ đề "Thể thao và du lịch: động lực quan trọng thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, văn hoá và phát triển xã hội", ngành du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút khách quốc tế và nội địa, đặc biệt đã phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức một số sự kiện quảng bá xúc tiến du lịch nhân dịp Việt Nam tổ chức hội nghị cấp cao hợp tác Á - Âu (ASEM 5). Các sự kiện này đã thu hút được sự tham gia của nhiều nước trên thế giới và khu vực như Pháp, Canada, Nga, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Myanmar.
Ngành du lịch đang tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 849/2004/QĐ-BCA về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng giấy phép xuất nhập cảnh do Trung Quốc cấp vào Việt nam tham quan du lịch, đồng thời triển khai thực hiện quy chế tạm thời của Bộ Ngoại giao về miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Nhật Bản, Hàn Quốc; đàm phán thoả thuận với phía Thái Lan về phương tiện vận chuyển khách du lịch hai nước... Những hoạt động trên đã mở ra khả năng phát triển mới của ngành du lịch.
Trong tháng 10, khách quốc tế đến Việt Nam ước khoảng 250 nghìn lượt người, tăng 10,6% so với tháng 10 năm 2003. Tính chung cả 10 tháng, số khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 2,38 triệu lượt người, tăng 28,2% so với cùng kỳ; trong đó số khách tới Việt Nam theo mục đích du lịch khoảng 1,27 triệu lượt người, chiếm hơn 53% tổng số khách quốc tế, tăng 45% so với cùng kỳ. Số khách du lịch nội địa 10 tháng đầu năm đạt khoảng gần 11,5 triệu lượt người, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sản xuất và nhu cầu đi lại của nhân dân với chất lượng ngày càng được nâng cao. Tính chung 10 tháng đầu năm, vận tải hàng hoá đạt 219,6 triệu tấn và 49,15 tỉ tấn - km, tăng 6,2% về tấn và 7,6% về tấn - km so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách đạt 804,4 triệu lượt hành khách và 38,1 tỉ HKm, tăng 3,8% về lượt hành khách và 10,8% về lượt hành khách - km.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục được mở rộng và hoạt động ổn định. Trong tháng 10 năm 2004, mạng di động S-Fone của công ty SPT đã phát triển thuê bao di động thứ 100 nghìn sau hơn một năm hoạt động. Công ty Viettel đã chính thức khai trương dịch vụ điện thoại di động Viettel Mobile 098 trên toàn quốc cùng với việc điều chỉnh giá cước di động từ tháng 8/2004 đã góp phần làm tăng số thuê bao di động. Trong tháng 10 đã phát triển mới 134 điểm phục vụ bưu chính viễn thông trên toàn quốc; phát triển mới 280 nghìn thuê bao điện thoại, nâng tổng số có trên mạng là 9.445 nghìn máy, đạt mật độ 11,66 máy điện thoại/100 dân; phát triển mới 75 nghìn thuê bao Internet nâng tổng số thuê bao lên 1.547 nghìn thuê bao; tăng 54 nghìn người sử dụng dịch vụ Internet trong tháng, nâng tổng số người sử dụng hiện nay lên gần 5,5 triệu người, đạt 6,67% dân số.
(2). Hoạt động xuất nhập khẩu phát triển khá, nhập siêu giảm so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 bằng mức tháng trước, ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 35,8% so với tháng 10 năm 2003, trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 1,27 tỷ USD.
Trong tháng 10, nhiều địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 của thành phố Hồ Chí Minh tăng 34,1% so cùng kỳ năm trước, (cùng kỳ năm 2003 chỉ tăng 1,1%); trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 37,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,7%; nếu không tính dầu thô, xuất khẩu tăng 17,8%; kim ngạch xuất khẩu tháng 10 của tỉnh Hưng Yên ước đạt 15 triệu USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ; trong đó kinh tế Nhà nước 7,2 triệu USD, tăng 44%, kinh tế ngoài Nhà nước 1,7 triệu USD, tăng 33%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 6,1 triệu USD, tăng 63%...
Tính chung cả 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 21.331 triệu USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ tăng 22,7%), trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11.726 tỷ USD, tăng gần 41% so với cùng kỳ.
Về các mặt hàng chủ yếu, trong 10 tháng đầu năm, chỉ trừ 3 mặt hàng gạo, cao su và lạc nhân, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2003 cả về lượng và kim ngạch: dầu thô tăng 14,5% về lượng và 48,6% về kim ngạch; hàng dệt may ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 19,6%; hàng giày dép đạt 2,15 tỷ USD, tăng 17,6%; sản phẩm gỗ tiếp tục khẳng định triển vọng phát triển khá, ước đạt 836 triệu USD, tăng 84,5%; hàng điện tử và linh kiện đạt 866 triệu USD, tăng 54%; mặt hàng thuỷ sản gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu và thị trường Mỹ nên xuất khẩu 10 tháng ước đạt 1,9 tỷ USD, chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2003. Cao su xuất khẩu 10 tháng tuy giảm 14,6% về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 17% so với cùng kỳ do giá xuất khẩu tăng 37%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 năm 2004 ước đạt 2,55 tỷ USD, giảm 5,6% so với tháng 9; trong đó, nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 920 triệu USD, bằng với mức nhập khẩu của tháng 9 năm 2004.
Tính chung cả 10 tháng năm 2004, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,1 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ tăng 29,5%), trong đó nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,8 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong 10 tháng là: xăng dầu ước đạt 9 triệu tấn, tăng 8,2%; nhóm các mặt hàng là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng (như vải tăng 42%, bông tăng 47%, hoá chất tăng 29%, chất dẻo tăng 10% ...); các mặt hàng nhập khẩu thấp hơn cùng kỳ là phân bón các loại, máy móc thiết bị phụ tùng, linh kiện điện tử.
Nhập siêu 10 tháng đầu năm 2004 khoảng 3,78 tỷ USD, bằng 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ là 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu).
3. Đầu tư phát triển
Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tập trung tháng 10 ước đạt khoảng 4.371 tỷ đồng; tính chung 10 tháng đầu năm ước đạt 35 nghìn tỷ đồng, bằng 94,5% kế hoạch năm (cùng kỳ đạt 92,6%), trong đó Trung ương đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, bằng 94,6% kế hoạch; địa phương đạt 22,7 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% kế hoạch.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, trong tháng 10 các đơn vị thi công tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình, nhất là các công trình quan trọng. Một số Bộ có tỷ lệ vốn đạt tương đối cao là: Bộ Giao thông vận tải đạt 103,9%; Bộ Xây dựng đạt 111,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 95,5%; Bộ Thuỷ sản đạt 106,4%; Bộ Văn hoá Thông tin đạt 88%...
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, ước đạt khoảng 57% kế hoạch.
Vốn tín dụng đầu tư 10 tháng ước đạt 25 nghìn tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm, trong đó nguồn vốn trong nước cho vay theo kế hoạch thực hiện thấp, chỉ đạt 7,7 nghìn tỷ đồng, bằng 55,7% kế hoạch năm; vốn ODA cho vay lại đạt 5 nghìn tỷ đồng, bằng 83,5% kế hoạch năm, doanh số cho vay hỗ trợ xuất khẩu đạt 8,5 nghìn tỷ đồng, bằng 170% kế hoạch năm.
Thu hút vốn ODA đạt khá, từ đầu năm đến 20 tháng 10 năm 2004, nguồn vốn ODA được hợp thức hoá bằng việc ký kết các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt trị giá 2,13 tỷ USD, trong đó vốn vay hơn 1,9 tỷ USD, vốn viện trợ không hoàn lại hơn 211 triệu USD. Trong 10 tháng đầu năm, giải ngân ODA ước đạt khoảng 1,29 tỷ USD, bằng 70% kế hoạch, trong đó vốn vay khoảng 1,1 tỷ USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 190 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá so với cùng kỳ, trong tháng 10, vốn của dự án cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 127,2 triệu USD, tăng 2,2 triệu USD so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng vốn của dự án cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 3.234,3 triệu USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3,8%); trong đó vốn đầu tư đăng ký mới là 1.740,1 triệu USD với 579 dự án được cấp giấy phép đầu tư, tăng 17,2% về vốn đăng ký và giảm 2% về số dự án so với cùng kỳ năm trước (năm 2003 so với năm 2002 giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 20% về dự án cấp phép), vốn tăng thêm là 1.494,2 triệu USD với 384 lượt dự án tăng vốn, tăng 66,6% về vốn và tăng 13,9% về số dự án so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ước đạt 2.370 triệu USD, tăng 5,3% cao hơn so với cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ tăng 4,7%).
Vốn đầu tư của khu vực dân cư tiếp tục tăng. Trong 10 tháng đầu năm 2004 cả nước có thêm khoảng 26.772 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký đạt trên 53,16 nghìn tỷ đồng, tăng 23,7% về số doanh nghiệp đăng ký mới và 20% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2003.
II. VỀ THU CHI NGÂN SÁCH, HOẠT ĐỘNG TIỀN TỆ, TÍN DỤNG, GIÁ CẢ
1. Về thu, chi ngân sách
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước tính chung từ đầu năm đến hết tháng 10 năm 2004, ước đạt 131.488 tỷ đồng, bằng 88,1% dự toán năm; trong đó thu nội địa đạt 72.280 tỷ đồng, bằng 87,1% dự toán năm. Đến hết tháng 10, có một số khoản thu và nhóm khoản thu nội địa đạt trên 78% dự toán, trong đó đạt tiến độ cao nhất là các khoản thu từ nhà và đất (156,4% dự toán), lệ phí trước bạ (106,8% dự toán), thuế thu nhập đối với người thu nhập cao (89,6% dự toán), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (89,8% dự toán). Trong khi đó, thu từ khu vực kinh tế Quốc doanh, nguồn thu chính chiếm tỷ trọng lớn trong thu nội địa lại có tiến độ thu chậm, chỉ đạt 75,4% dự toán. Thu từ dầu thô đạt 28.823 tỷ đồng, bằng 116,6% dự toán năm. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 28.535 tỷ đồng, bằng 74,1% dự toán năm.
Chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến hết tháng 10, ước đạt 149.975 tỷ đồng, bằng 79,9% dự toán năm; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 37.465 tỷ đồng, bằng 70% dự toán năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 77,5%), riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 34.250 tỷ đồng, bằng 69,2% dự toán; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội đạt 83.022 tỷ đồng, bằng 89,7% dự toán năm; chi trả nợ và viện trợ đạt 25.497 tỷ đồng, bằng 88,8% dự toán năm.
Bội chi ngân sách Nhà nước đến hết tháng 10 khoảng 18.487 tỷ đồng, bằng 53,2% dự toán năm.
2. Về hoạt động tiền tệ, tín dụng, giá cả
Hoạt động tiền tệ: Trong tháng 10, chính sách tiền tệ tiếp tục được duy trì theo hướng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá. Tổng phương tiện thanh toán trong tháng 10 tăng 0,99% so với cuối tháng 9. Đến cuối tháng 10 so với 31/12/2003, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,1%.
Nguồn vốn huy động đến cuối tháng 10 ước tăng 1,21% so với cuối tháng 9; tính chung 10 tháng đầu năm tăng 14,4% so với cuối năm 2003; trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 13,24%, bằng ngoại tệ tăng 17,6%.
Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đến cuối tháng 10 ước tăng 1,91% so với cuối tháng 9; tính chung 10 tháng đầu năm tăng gần 21%; trong đó dư nợ cho vay bằng VNĐ tăng 18,6%, cho vay bằng ngoại tệ tăng 29,4%.
Tổng nợ xấu đến cuối tháng 10 giảm 0,96% so với tháng trước; đến cuối tháng 10 nợ xấu tăng 8,98% so với 31/12/2003. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 10 giảm xuống còn 4,32%.
Chỉ số giá tiêu dùng: lần đầu tiên sau nhiều tháng chỉ số giá tăng cao, tháng 10 chỉ số giá đã chững lại và không tăng hơn so với tháng 9, trong đó chỉ số giá nhóm hàng lương thực thực phẩm giảm 0,2%, nhóm hàng phương tiện đi lại và bưu điện tăng 0,1%, nhóm hàng may mặc, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng từ 0,2 đến 0,5%, nhóm hàng văn hoá thể thao giải trí giảm 0,4%. Đáng chú ý là chỉ số giá vàng tăng 1,7% nhưng chỉ số giá đô la Mỹ không tăng.
Tính chung 10 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,6% so với tháng 12/2003, trong đó chỉ số giá nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng 14,8%, giá dược phẩm, y tế tăng 8,9%, giá phương tiện đi lại và bưu điện tăng 4,2%, giá các nhóm hàng đồ uống và thuốc lá, may mặc, giầy dép và nhà ở, vật liệu xây dựng chỉ tăng từ 3,4 đến 6,4%. Riêng giá nhóm hàng phục vụ giáo dục giảm 1,6%. Trong 10 tháng đầu năm giá vàng tăng 3,2%; giá đô la Mỹ chỉ tăng 0,3%.
Diễn biến giá cả trên thị trường trong tháng 10 nhìn chung ổn định, duy chỉ có mặt hàng xăng dầu và phân bón có những biến động mạnh do ảnh hưởng của việc tăng giá dầu và sự mất cân bằng cung cầu phân bón trên một số thị trường lớn; cần có các biện pháp bình ổn giá xăng dầu, phân bón đồng thời khẩn trương hoàn thiện quy chế điều hành kinh doanh một số mặt hàng trọng yếu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
III. VỀ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
1. Giáo dục đào tạo
Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đã hoàn thành công tác tuyển sinh năm học 2004 - 2005 và bước vào năm học mới. Đến nay chỉ còn 6 trường dân lập Duy Tân, Hồng Bàng, Hùng Vương, Bình Dương, Lạc Hồng, Kỹ nghệ thành phố Hồ Chí Minh chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Trong tháng 10 năm 2004, các Ban Soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Báo cáo Chính phủ về tình hình giáo dục trình Quốc hội đã tập trung hoàn thiện các dự thảo và báo cáo chuyên đề, tổ chức lấy ý kiến của Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Hội đồng Chính sách Khoa học công nghệ quốc gia, các nhà giáo, các nhà khoa học, hoạt động xã hội và cán bộ quản lý giáo dục ở các miền, đồng thời lấy ý kiến các trường đại học, cao đẳng và các tỉnh, thành phố. Các văn bản trên đã được báo cáo với ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội thẩm định để hoàn thiện trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2004.
Các Bộ đã phối hợp xây dựng kế hoạch và ngân sách năm 2005 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như kế hoạch tuyển mới đào tạo, kế hoạch ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, để báo cáo Chính phủ, Quốc hội chuẩn bị cho kế hoạch năm 2005.
Việc thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường học đang được đẩy mạnh. Các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đã phối hợp tổ chức kiểm tra để xác định đơn giá xây dựng, đề xuất đơn giá trung bình phù hợp với tình hình thực tế làm căn cứ xác định nhu cầu vốn, mức hỗ trợ các địa phương thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường lớp học. Đến nay, 52 tỉnh đã được phân bổ 2.274.600 triệu đồng, giải ngân được 64,4% kế hoạch Nhà nước giao (kể cả khối lượng đã tạm ứng); trên 35% tổng số phòng học cần xây dựng đã được đưa vào sử dụng.
2. Lao động việc làm
Trong tháng 10, giải quyết việc làm cho khoảng 20 vạn lao động, đưa số lao động được giải quyết việc làm 10 tháng năm 2004 lên 1,2 triệu người, trong đó phát triển doanh nghiệp (theo Luật DN) giải quyết việc làm cho 29 vạn người; phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất giải quyết việc làm cho khoảng 4,5 vạn người; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải quyết việc làm cho khoảng 4,5 vạn người; khu vực Nhà nước giải quyết việc làm mới và lao động thay thế trên 10 vạn người.
Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm trong tháng 10 đã cho vay trên 85 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 4 vạn người, đưa tổng dư nợ từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm lên 3.124 tỷ đồng, số lao động được giải quyết việc làm 10 tháng lên 24 vạn người.
Xuất khẩu lao động: Trong tháng 10, trên 8.000 người đã đi xuất khẩu lao động đưa tổng số lao động xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2004 lên gần 5,6 vạn người; trong đó, Đài Loan 31.883 người; Malaisia gần 1.862 người; Hàn Quốc khoảng 7.882 người; Nhật Bản 1.867 người; Lào 5.800 người; Anh là 280 người, còn lại là các thị trường khác.
Tuy nhiên gần đây tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra làm ngoài tại Đài Loan đã xảy ra với số lượng tương đối lớn. Đến hết tháng 9/2004, tổng số lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan là 11.100 người, chúng ta mới chỉ đưa về nước được khoảng 3.900 người, số còn lại hiện vẫn rất cao. Nếu không tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến lao động bỏ trốn, sẽ có nguy cơ mất thị trường tiềm năng này.
3. Văn hóa Thông tin
Trong tháng 10 đã tổ chức thành công Hội nghị ASEM 5, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Ngành văn hoá thông tin đã tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, phục vụ Hội nghị ASEM 5, kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thủ đô và một số nhiệm vụ chính trị khác như xây dựng trung tâm báo chí tại khu thể thao quân đội, phát hành tranh cổ động và xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ Hội nghị ASEM 5; tổ chức nhiều cuộc triển lãm, trưng bày thông tin cổ động, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức nhiều hoạt động văn hoá thông tin sôi nổi với nhiều hình thức phong phú như: biểu diễn ca nhạc ngoài trời, hội chợ, triển lãm, chiếu phim... phục vụ đông đảo nhân dân. Đặc biệt, ngày hội văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc đã được tổ chức tại Cao Bằng nhằm góp phần giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, khuyến khích sự tham gia sáng tạo các tác phẩm văn hoá nghệ thuật, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân.
4. Công tác phòng chống dịch bệnh
Do sự nỗ lực của ngành y tế, dịch sốt xuất huyết đã được khống chế và giảm nhiều, đồng thời, ngành y tế đang thực hiện 3 biện pháp khẩn cấp trong phòng chống dịch “Viêm đường hô hấp cấp do vi rút" nên đã khống chế có hiệu quả virus H5N1 từ gia cầm lây lan sang người. Trong tháng 10 có 7415 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tử vong 9 ca. Tính chung từ đầu năm đến ngày 20 tháng 10 có 58.856 ca mắc, tử vong 87 ca, tăng 83% về số người mắc, 64% về số người tử vong so cùng kỳ năm 2003. Các bệnh khác như bệnh tả, thương hàn, viêm não vi rút,... nhìn chung được khống chế tốt nên không xảy ra dịch bệnh lớn. Riêng bệnh sốt rét trong tháng 10 có 11.015 người bị sốt rét, tử vong 3 ca, đưa số người mắc bệnh từ đầu năm đến 20 tháng 10 lên 93.684 người, tử vong 16 người. So với cùng kỳ 2003, số mắc giảm 22,4%, số chết giảm 46,7%. Tuy nhiên, tại 5 huyện của Quảng Trị (Hướng Hóa, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng) sốt rét đang gia tăng.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn ở mức cao, riêng trong tháng 10, phát hiện 1.093 người bị nhiễm HIV, 203 người chuyển sang AIDS, 157 người chết, tăng 12,8% về số người bị nhiễm, 15,3% về người chuyển sang AIDS và 5% về số người chết so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2003, số nhiễm HIV giảm 197 ca (giảm 15,27%) nhưng số bệnh nhân mắc AIDS tăng 43 ca (26,8%) và tử vong tăng 37 ca (31%). Tính đến nay đã có 86.018 người nhiễm HIV; trong đó 13.612 người chuyển sang AIDS; tử vong 7.834 người.
Bộ Y tế đang tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS và quản lí vaccine, sinh phẩm y tế; chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, thanh tra về an toàn thực phẩm; kiểm dịch y tế biên giới; thực hiện phong trào “Làng văn hóa-sức khỏe”; tiếp tục kiểm tra, thanh tra việc chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng thuốc trong bệnh viện và có các hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với các vi phạm Chỉ thị 05/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế, nên tình hình có nhiều chuyển biến tích cực.
5. Tình hình thiên tai
Trong tháng 10, tại một số tỉnh như Đồng Tháp, Long An, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long lũ lụt sạt lở đất, lốc xảy ra làm thiệt hại người và tài sản. Thiên tai đã làm chết 36 người; hư hỏng 39 đập, 95 cầu cống; trên 21 nghìn nhà dân bị ngập nước; 279 nhà bị sập đổ; hơn 100 phòng học bị đổ, tốc mái, lũ cuốn, hàng chục nghìn ha lúa, cây ăn quả, màu bị hư hại. Tính thiệt hại bằng tiền trong tháng 10 là trên 39,7 tỷ đồng.
Tính chung cả nước trong 10 tháng đầu năm, thiên tai đã gây thiệt hại trên 443,82 tỷ đồng, có 132 người chết, 55 người bị mất tích; hàng trăm người bị thương. Tuy nhiên, thiệt hại về vật chất do thiên tai gây ra thấp hơn so với cùng kỳ năm 2003 (443,82 tỷ đồng so với 1.395,92 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước).
6. Trật tự an toàn giao thông
Trong tháng 9 các ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP và Nghị định 15/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Ngành giao thông kết hợp với Đài truyền hình xây dựng chương trình truyền hình trực tiếp hàng ngày phản ánh tình hình vi phạm giao thông trên một số tuyến đường đô thị nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với việc chấp hành luật lệ giao thông. Vì vậy, tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc nhìn chung có chuyển biến tích cực. Tình hình tai nạn giao thông trong tháng 9 giảm so với tháng trước. Trong tháng 9 xẩy ra 1.227 vụ tai nạn giao thông, làm 919 người chết và 981 người bị thương, giảm 173 vụ (12%), 244 người bị thương (19,9%), và giảm 87 người chết (8,6%) so với tháng 8 năm 2004. Tính chung cả 9 tháng đã xẩy ra 13.308 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.086 người và bị thương 12.083 người, giảm 19% về số vụ, 30,4% về số người bị thương nhưng tăng 5,7% về số người chết so với cùng kỳ năm 2003. Tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên tuyến đường bộ (chiếm 96,5% số vụ; 95,9% số người chết, 98,5% số người bị thương), nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông chạy quá tốc độ quy định, thiếu quan sát, đi sai phần đường...
Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm tiếp tục phát triển tốt. Sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (15,5%); nông nghiệp phát triển, đặc biệt là lương thực, các lĩnh vực dịch vụ có nhiều tiến bộ; xuất khẩu tăng trưởng mạnh (28%), nhập siêu có xu hướng giảm; thu ngân sách Nhà nước bảo đảm tiến độ, đáp ứng yêu cầu chi của Nhà nước; nhiều mặt hoạt động xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực. Nền kinh tế nếu không có biến động lớn, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2004 có thể vượt mức đề ra.
Tuy nhiên, trong những tháng tới nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt giá dầu thế giới đang tăng cao sẽ tác động mạnh đến sản xuất và đời sống nhân dân; giá nguyên liệu sản xuất của nhiều sản phẩm (như phân bón, nhựa...) tăng làm giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp tăng cao nhưng hiệu quả kinh doanh giảm sút và làm giảm năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm; giải ngân vốn đầu tư (kể cả vốn tín dụng, vốn trái phiếu Chính phủ) đạt thấp; còn tiềm ẩn nguy cơ bão lụt ở các tỉnh miền Trung...
Để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch năm 2004, các Bộ, ngành, địa phương cần bám sát các diễn biến của tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, triệt để các giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 01, các Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trong những tháng gần đây, đặc biệt thực hiện triệt để các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường đã được nêu trong Chỉ thị 30/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 5566/VPCP-KTTH ngày 12 tháng 10 năm 2004 về thực hiện các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng giá nhằm hạn chế thấp nhất tốc độ tăng giá trong những tháng cuối năm. Ngoài ra các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển; chủ động đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; tăng cường khâu kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư; thực hiện nghiêm túc công tác giám sát đầu tư; kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề tồn tại, phát sinh trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư