Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế -- Xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm và giải pháp chủ yếu trong những tháng cuối năm 2004
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2004, CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
(Tóm tắt Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ ngày 29-30 tháng 9 năm 2004)
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2004
Đánh giá tổng quát:
Nhìn chung, nền kinh tế nước ta trong những tháng của quý III vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao, nhiều mặt hoạt động xã hội có tiến bộ. Nổi bật trên một số mặt sau:
Một là, mặc dù nền kinh tế liên tiếp phải đối mặt với nhiều khó khăn phát sinh trong những tháng đầu năm, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế với xu thế quý sau tăng cao hơn quý trước, nhất là trong quý III tăng cao (quý I tăng 6,98%; quý II tăng 7,1% và quý III tăng 8%). Tính chung cả 9 tháng năm 2004, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt gần 7,4%, cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,1%) và xấp xỉ bằng mức kế hoạch đề ra. Các địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 27% tổng GDP của cả nước) đều có mức tăng trưởng khá. Đây là thành tựu đáng khích lệ trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Hai là, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 15,5%, cao hơn so với kế hoạch năm (kế hoạch 15%) với sự đóng góp tích cực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân; chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm công nghiệp được nâng cao rõ rệt, bước đầu chiếm lĩnh thị trường trong nước và góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2004.
Ba là, tiềm năng của các ngành dịch vụ, đặc biệt là các ngành dịch vụ có giá trị cao (ngân hàng, hàng không, bưu chính viễn thông, du lịch,...) được khai thác và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Thị trường trong nước được mở rộng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 18,3%, góp phần vào tăng trưởng chung của toàn ngành dịch vụ. Giá trị các ngành dịch vụ 9 tháng tăng 7,9%, đạt xấp xỉ kế hoạch.
Bốn là, kim ngạch xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về thị trường và giá cả. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 27,2% so với cùng kỳ, vượt xa mức kế hoạch đề ra (kế hoạch là 12%).
Năm là, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tăng cường. Nhiều dịch bệnh đã được ngăn chặn kịp thời, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu của các loại dịch bệnh. Công tác xoá đói giảm nghèo tiếp tục có nhiều tiến bộ.
Tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong 9 tháng năm 2004 như sau:
Các chỉ tiêu chủ yếu
|
9 tháng 2003
|
9 tháng 2004
|
( 1)Tốc độ tăng trưởng GDP (%)
|
7,1
|
7,4
|
Trong đó:Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp (%)
|
3,0
|
2,9
|
Khu vực công nghiệp và xây dựng (%)
|
10,2
|
10,1
|
Khu vực dịch vụ (%)
|
6,5
|
7,1
|
(2)Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)
|
15,9
|
15,5
|
(3)Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp (%)
|
4,7
|
4,3
|
(4)Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu(%)
|
25
|
27,2
|
(5)Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu(%)
|
29,9
|
21,3
|
(6)Đầu tư xã hội so với GDP(%)
|
36,5
|
36,4
|
(7)Thu ngân sách Nhà nước (nghìn tỷ đồng)
|
91,9
|
117,8
|
Thu ngân sách Nhà nước so với dự toán (%)
|
74,3
|
78,9
|
(8)Thu ngân sách Nhà nước (nghìn tỷ đồng)
|
109,2
|
133,3
|
(9)Chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ (%)
|
1,8
|
8,6
|
(10)Tạo việc làm mới (nghìn người)
|
1.050
|
1.000
|
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, còn nhiều khó khăn, tồn tại, đó là:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 9 tháng còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 9 là trên 8%.
- Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng vẫn đang ở mức cao (8,6%) đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
- Tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục chậm.
- Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, tai nạn giao thông vẫn còn cao, chưa được ngăn chặn hữu hiệu.
Tình hình cụ thể về thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của các ngành, lĩnh vực trong 9 tháng năm 2004 như sau:
1. Về sản xuất
(1) Theo Bộ Công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó công nghiệp của khu vực ngoài quốc doanh đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung của toàn ngành.
Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước đạt 246,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 12,2% (Trung ương 14,6%; địa phương 7,4%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 21,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,8%. Tuy tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2003 tăng 15,9%) nhưng trong điều kiện nền kinh tế bị tác động bởi giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tăng cao thì việc duy trì được tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 15,5% là một cố gắng lớn.
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có giá trị sản xuất lớn, tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu đều đạt tốc độ tăng cao so với 9 tháng năm 2003 là yếu tố quyết định cho tăng trưởng công nghiệp của 9 tháng năm 2004 như than sạch khai thác tăng 34,1%, khí đốt tăng 51,4%, thuỷ sản chế biến tăng 17,1%, vải lụa thành phẩm tăng 17,8%, quần áo dệt kim tăng 21,9%, quần áo may sẵn tăng 21,9%, phân hoá học tăng 24,6%, gạch lát tăng 17,8%, ắc quy tăng 26,6%, giấy bìa các loại tăng 34%, ti vi các loại tăng 33,1%, xe máy các loại tăng 46,8%, xe đạp hoàn chỉnh tăng 121,2%.
Bên cạnh một số sản phẩm quan trọng có mức tăng trưởng cao nêu trên, một số sản phẩm quan trọng khác trong 9 tháng tăng ở mức thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như động cơ diezen tăng 4,6%, thép cán tăng 7,5%, máy biến thế tăng 8,2%, động cơ điện tăng 0,9%, đường mật các loại giảm 2,8%, quạt điện dân dụng giảm 8%, ô tô các loại giảm 5,3%. Đặc biệt, trong khi giá thuốc chữa bệnh trong nước liên tục tăng, sản lượng thuốc sản xuất trong nước vẫn tiếp tục giảm hoặc tăng không đáng kể (thuốc ống giảm 1,7%, thuốc viên tăng 2,9%).
Các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp trên địa bàn lớn có mức độ tăng cao hơn mức tăng chung là Hà Nội tăng 17,3%, Bình Dương tăng 30,9%, Khánh Hoà tăng gần 20%, Vĩnh Phúc tăng 16,6%, Hà Tây tăng 17,1%, Phú Thọ tăng 17,6%, Quảng Ninh tăng 23,5%, Hải Phòng tăng 16,5%, Đà Nẵng tăng 19,8%, Đồng Nai tăng 19,6%, Cần Thơ tăng 17,7%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,2%. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp là Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 7,6%, Hải Dương tăng 10,2%.
(2) Sản xuất nông lâm ngư nghiệp tiếp tục phục hồi và đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp 9 tháng năm 2004 tăng 4,3% so với cùng kỳ (trong đó nông nghiệp tăng 3,4%; lâm nghiệp 0,6%; thuỷ sản tăng 8,4%), tuy chưa đạt mức kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,7%), nhưng với những thiệt hại của ngành chăn nuôi do nạn cúm gia cầm trong những tháng đầu năm, thì đạt được tốc độ tăng trưởng như trên là một cố gắng rất lớn của ngành nông nghiệp (tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của quý I tăng 0,8%; 6 tháng tăng 3,1% và 9 tháng tăng 4,3%).
Việc thu hoạch lúa hè thu và gieo cấy lúa mùa bảo đảm tiến độ. Tính đến ngày 15/9, nhìn chung cả nước đã thu hoạch lúa hè thu với diện tích 1.883 nghìn ha, bằng 80,4% diện tích gieo cấy; trong đó các tỉnh phía Bắc thu hoạch được 138 nghìn ha, gần bằng 90% diện tích gieo cấy; các tỉnh phía Nam thu hoạch được 1.717 nghìn ha, riêng Đồng bằng sông Cửu Long gần 1.496 nghìn ha cùng đạt trên 79% diện tích gieo cấy.
Đến ngày 15/9, cả nước đã gieo cấy được gần 1.743 nghìn ha lúa mùa, trong đó miền Bắc gieo cấy được 1.231 nghìn ha, xấp xỉ tiến độ gieo cấy cùng kỳ năm trước, miền Nam gieo cấy được gần 512 nghìn ha, nhanh hơn cùng kỳ năm trước 12,9%.
Do giá lúa ổn định ở mức cao nên diện tích lúa thu đông ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng so với năm trước (tăng 1,3%). Theo đánh giá sơ bộ, năng suất bình quân của nhiều địa phương cao hơn năm trước, bình quân năng suất toàn vùng ước đạt 42,1 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha so với vụ trước, nên sản lượng ước đạt trên 9,2 triệu tấn, tăng 5,4% (tương đương 47 vạn tấn) so với vụ trước.
Ngoài ra, cả nước gieo trồng được 1401 nghìn ha màu lương thực, tăng hơn 7% so với cùng kỳ; trong đó ngô đạt 894 nghìn ha, tăng 13%, sắn đạt 317 nghìn ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Sản lượng thuỷ sản tháng 9 ước đạt 268 nghìn tấn; tính chung từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt 2.074 nghìn tấn, bằng 78,3% kế hoạch năm và tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2003. Nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng với 2 sản phẩm có sản lượng hàng hoá lớn là tôm sú và cá ba sa. Ước sản lượng nuôi trồng và khai thác nội địa đạt 940 nghìn tấn, bằng 78,3% kế hoạch năm và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2003; khai thác đạt 1.134 nghìn tấn, bằng 78,2% kế hoạch.
Trong 9 tháng đầu năm, trồng được khoảng 93,6 nghìn ha rừng, trong đó rừng phòng hộ gần 51,4 nghìn ha, đạt 67% kế hoạch; khoán quản lý bảo vệ rừng đạt 2,3 triệu ha; khoanh nuôi tái sinh 575,6 nghìn ha, đạt 118,67% kế hoạch năm.
Về thiên tai: trong tháng 9, mưa lớn đã gây ra lũ quét cục bộ và sạt lở ở Sơn La, Lào Cai (huyện Bát Sát), gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các địa phương đã tích cực và kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ gia đình các nạn nhân về lương thực, thuốc men; giúp đỡ khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
2. Về dịch vụ
(1) Các hoạt động dịch vụ phát triển khá, thị trường trong nước dần ổn định.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 9 ước đạt 32.4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 274,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất từ nhiều năm nay, góp phần vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ.
Về quản lý thị trường: Trong 15 ngày đầu tháng 9, đã bắt giữ và xử lý 3.500 vụ vi phạm thương mại với tổng số tiền phạt hơn 7,1 tỷ đồng. Tính cả 9 tháng đầu năm, có 41 nghìn vụ vi phạm, thu phạt hơn 90 tỷ đồng về cho Nhà nước.
Bên cạnh việc phát hiện và xử lý đối với những mặt hàng nóng như điện tử và đồ gia dụng, vải ngoại, thuốc lá ngoại nhập lậu trên các địa bàn trọng điểm, hiện nay việc quản lý nhập khẩu thuốc tân dược cũng như đảm bảo giá thuốc hợp lý, tránh hiện tượng độc quyền đang là vấn đề được quan tâm. Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Thương mại và các Bộ, ngành có liên quan nhanh chóng có những chỉ đạo sát sao nhằm tăng cường hơn nữa công tác lưu thông, phân phối thuốc, bảo đảm thị trường thuốc tân dược không bị biến động lớn.
Thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước: hiện nay, các địa phương thuộc địa bàn chính sách đang tiếp tục thực hiện kế hoạch trợ giá, trợ cước theo đúng tiến độ. Theo đánh giá của Uỷ ban Dân tộc, đến đầu tháng 9/2004, tổng khối lượng thực hiện tại các địa phương đạt khoảng 77,6% kế hoạch. Trong đó: Muối iốt cấp cho các địa phương ước đạt 78.700 tấn, bằng 75% kế hoạch; trợ cước tiêu thụ sản phẩm đạt 77% kế hoạch được giao trong tổng kinh phí ngân sách phân bổ 15 tỷ đồng.
Sau 9 tháng thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một số vấn đề cần nhanh chóng giải quyết như phân bổ không đúng quy định, khâu phân phối hàng, bán hàng không đảm bảo tiến độ,... gây khó khăn cho đồng bào, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước. Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại các địa phương nhanh chóng kiểm tra và ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Các hoạt động vận tải tiếp tục phát triển ở cả Trung ương, địa phương và các hình thức vận tải. Một số tỉnh đã mở thêm tuyến, tăng thêm chuyến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân. Nhìn chung các địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 01/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lập lại kỷ cương trong vận tải hành khách liên tỉnh, xoá bỏ dần các điểm đón trả khách trái phép, tình trạng xe chạy vòng vo đón trả khách ngoài bến, tranh giành khách, chở khách quá tải, sang khách cho xe khác,...
Vận tải hàng hoá 9 tháng ước đạt 194,5 triệu tấn và 42,9 tỷ tấn.km, tăng 5,6% về vận chuyển và 9,1% về luân chuyển so với cùng kỳ. Vận tải hành khách ước đạt 714,1 triệu lượt người và xấp xỉ 33,3 tỷ hành khách km, tăng 6,1% so với cùng kỳ về hành khách vận chuyển và tăng 14,4% về hành khách luân chuyển.
Do quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ nên số hành khách sử dụng phương tiện đường sắt ngày càng tăng, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành đường sắt đối với vận tải hành khách (tăng 11,7% về số khành khách vận chuyển và 9,3% về hành khách luân chuyển), đứng thứ hai sau ngành hàng không với tốc độ tăng tương ứng là 37,1% và 58%.
Các hoạt động du lịch tiếp tục phát triển. Hiệp hội du lịch đã xây dựng nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường thế giới, quảng bá du lịch Việt Nam như xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho các doanh nghiệp du lịch; cung cấp các kiến thức và tư vấn về quản trị kinh doanh, chính sách chế độ,... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi hội nhập kinh tế.
Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các biện pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch tại địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình "Điểm du lịch đạt chuẩn". Chương trình sẽ lựa chọn và hướng dẫn các cơ sở dịch vụ du lịch phát huy thế mạnh, thực hiện văn minh thương nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giới thiệu với du khách các điểm, nhà cung cấp dịch vụ, hàng hoá chất lượng cao,...để khách yên tâm mua sắm, từ đó góp phần làm tăng thời gian lưu trú nhằm tăng mức chi tiêu của khách quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ từ du lịch.
Trong tháng 9 ước đón khoảng 230 nghìn lượt khách quốc tế, nâng tổng số khách đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm lên hơn 2,1 triệu lượt người, tăng 30% so với cùng kỳ; trong đó số khách tới Việt Nam theo mục đích du lịch khoảng 1,1 triệu lượt người, chiếm gần 53% tổng số khách quốc tế, tăng 41% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là số khách du lịch từ các nước có khả năng chi trả cao tăng nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Áo, Thụy Điển,...) và một số nước châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada. Số khách du lịch nội địa 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng hơn 10 triệu lượt người, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ bưu chính, viễn thông và thông tin liên lạc tiếp tục tăng trưởng nhanh. Mạng lưới dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet trong nước, quốc tế phát triển và hoạt động ổn định. Trong tháng 9 năm 2004, phát triển mới 131 điểm phục vụ bưu chính viễn thông, nâng tổng số điểm phục vụ trên toàn quốc hiện nay lên 14.091 điểm; phát triển mới 334.000 thuê bao điện thoại, nâng tổng số thuê bao trên mạng là 9.165.000 máy, đạt mật độ 11,31 máy điện thoại/100 dân; phát triển mới 36.000 thuê bao Internet, nâng tổng số 1.472.000 thuê bao Internet. Tổng số người sử dụng dịch vụ Internet là 5.437.nghìn người (tăng 96 nghìn người).
3. Về xuất, nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 năm 2004 ước đạt 2,2 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt trên 750 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm 2004, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 19 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ (đạt 87,3% kế hoạch năm) trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt trên 6,37 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ. Như vậy, trong năm 2004 kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng qua các thời kỳ (quý I/2004 tăng 15,1%; 6 tháng tăng 19,8%, 9 tháng tăng 27,2%) và đạt bình quân 2,12 tỷ USD/tháng (cùng kỳ 2003 là 1,66 tỷ), là mức cao nhất trong nhiều năm.
Đa số các mặt hàng xuất khẩu trong 9 tháng đều có mức độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: than đá tăng 53,7%, hàng điện tử tăng 66%, máy vi tính và linh kiện tăng 42,1%, dây điện và cáp điện tăng 32,5%, sản phẩm nhựa tăng 34,8%, xe đạp và phụ tùng xe đạp tăng 60,2%, sản phẩm gỗ tăng 86,4%, cà phê tăng 49,2%, hạt điều tăng 44,6%, hạt tiêu tăng 42,2%, chè các loại tăng 70,1%,… Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác tăng ở mức thấp hơn, như hàng dệt may tăng 17,6%, hàng dầy dép tăng 19%, hàng thủy sản tăng 1,8%, rau quả tăng 4,3%.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt mức tăng trưởng cao do các doanh nghiệp chuẩn bị tốt về thị trường. Thị trường Hoa Kỳ đã chiếm trên 18% kim ngạch xuất khẩu và trở thành thị trường lớn nhất, các thị trường EU, Nhật Bản đã có sự tăng trưởng nhanh đối với hàng dệt may, thị trường Trung Quốc, Xingapo, Inđônêxia, Hàn Quốc,... vẫn đóng vai trò quan trọng; bên cạnh đó, chất lượng hàng hoá được nâng cao, uy tín nhiều mặt hàng (như thủy sản, dây điện, cáp điện, dệt may, giầy dép,...) tăng cao trên thị trường thế giới. Ngoài ra, yếu tố tăng giá của một số mặt hàng xuất khẩu cũng góp phần làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng cao.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 2,65 tỷ USD, cao hơn mức nhập khẩu trong các tháng trước; trong đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập 920 triệu USD là mức tăng cao so cùng kỳ. Tính chung cả 9 tháng, nhập khẩu ước đạt 22,47 tỷ USD, tăng 21,3% so cùng kỳ 2003; trong đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 7,89 tỷ USD, tăng 22,6%, chiếm 35,12% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Các mặt hàng nhập khẩu tăng nhiều là các sản phẩm nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu như xăng dầu tăng 12,1%, linh kiện xe máy tăng 44,2%, các mặt hàng máy vi tính và linh kiện tăng 93%, vải tăng 44,3%, nguyên liệu dệt may da tăng 10,%, bông các loại tăng trên 60%; hoá chất tăng 23,2%, tân dược tăng 11,1%,…
Một số mặt hàng nhập khẩu giảm so cùng kỳ là linh kiện ôtô giảm 11,5%, ô tô nguyên chiếc giảm 8,5%, phân urê giảm 18,9%, máy móc thiết bị phụ tùng giảm 7,9%, sợi các loại giảm 1,3%,...
Mức nhập siêu 9 tháng là 3,39 tỷ USD, chiếm 17,76% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ là 20,4%). Nhập siêu tuy giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao do chỉ số tăng giá nhập khẩu cao hơn chỉ số tăng giá xuất khẩu (trong 8 tháng đầu năm, chỉ số tương ứng là 18,3% và 11%). Để giảm nhập siêu, cần kiên quyết cắt giảm nhập khẩu các sản phẩm trong nước có thể sản xuất được như clinke, xi măng, giấy, sản phẩm cơ khí, công cụ điện, hàng tiêu dùng không thiết yếu,... đồng thời từng bước nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
4. Đầu tư phát triển
Thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng năm 2004 ước đạt 179,3 nghìn tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch năm, gần bằng mức thực hiện của 9 tháng năm 2003 (73,1%), và bằng 36,4%GDP, trong đó:
Khối lượng thực hiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 44 nghìn tỷ đồng, bằng 82,2% kế hoạch, tăng 31,3% so với cùng kỳ.
Mức giải ngân nguồn vốn huy động từ công trái, trái phiếu Chính phủ đạt thấp. Theo Bộ Tài chính, tốc độ thực hiện các công trình từ nguồn trái phiếu Chính phủ mới được 20% kế hoạch do thiếu thủ tục đầu tư; nguồn công trái giáo dục đạt khoảng 56% (1400 tỷ/2500 tỷ), cá biệt có những tỉnh đạt rất thấp như tỉnh Cao Bằng chỉ giải ngân được vài trăm triệu trên kế hoạch là 100 tỷ đồng.
Vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch đạt thấp, ước đạt 13 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm, trong đó nguồn vốn trong nước cho vay theo kế hoạch đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch năm, vốn ODA cho vay lại đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch năm, doanh số cho vay hỗ trợ xuất khẩu đạt 8 nghìn tỷ đồng, bằng 160% kế hoạch.
Vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước đạt 36,1 nghìn tỷ đồng bằng 78,4% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2003.
Thu hút vốn ODA đạt khá, từ đầu năm tới ngày 21 tháng 9 nguồn ODA được hợp thức hoá bằng việc ký kết các hiệp định với các nhà tài trợ đạt trị giá hơn 1.940,38 triệu USD, cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2003 là 1.626 triệu USD), trong đó vốn vay là 1.766 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại 174,38 triệu USD. Khoản vay có giá trị lớn đã ký kết là dự án "Hỗ trợ thuỷ lợi Việt nam" trị giá 157 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ và khoản viện trợ không hoàn lại cho dự án "Giáo dục vệ sinh và dinh dưỡng học đường tại Việt Nam" trị giá 6,74 triệu USD do Mỹ tài trợ.
Mức giải ngân ODA 9 tháng đạt thấp, ước khoảng 1.130 triệu USD, (trong đó vốn vay khoảng 959 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 171 triệu USD), đạt khoảng 61% so với kế hoạch. Để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ODA, phấn đấu đạt mức bình quân của khu vực, ngày 3 tháng 9 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 955/QĐ-TTg thành lập tổ công tác liên ngành giúp Chính phủ xác định và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA. Tổ công tác có thể làm việc trực tiếp với cơ quan chủ quản hoặc Ban quản lý chương trình, dự án để xem xét và giải quyết tại chỗ các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách chung.
Vốn đầu tư của khu vực dân cư tiếp tục tăng, đạt gần 52,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2003.
Trong 9 tháng năm 2004, cả nước có thêm 25.525 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 51.473 tỷ đồng, tăng 29,4% về số doanh nghiệp đăng ký mới và tăng 24,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2003.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tiến bộ, trong 9 tháng, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 2.975,3 triệu USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2003. Trong đó có 518 dự án được cấp giấy phép đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký là 1.603,2 triệu USD, giảm 3,2% về số dự án nhưng tăng gần 20% về vốn đăng ký; có 342 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 1.372,1 triệu USD, tăng 18,3% về số dự án và 77,8% về vốn so với cùng kỳ năm trước.
Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 57,6% tổng vốn đầu tư đăng ký và 67% tổng số dự án. Lĩnh vực dịch vụ chiếm 35,04% tổng vốn đầu tư đăng ký và 19,3% tổng số dự án. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm 7,36% tổng vốn đầu tư đăng ký và 13,7% tổng số dự án.
Thực hiện vốn đầu tư 9 tháng ước đạt 2.150 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
5. Tài chính tiền tệ
Thu ngân sách Nhà nước tháng 9/2004 đạt 14.825 tỷ đồng; tính chung từ đầu năm đến tháng 9/2004, tổng thu ngân sách ước đạt 117.841 tỷ đồng, bằng 78,9% dự toán năm, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2003; trong đó thu nội địa đạt 65.518 tỷ đồng, bằng 78,9% dự toán năm (cùng kỳ đạt 71,9%); thu từ dầu thô đạt 25.253 tỷ đồng, bằng 97,8% dự toán năm (cùng kỳ đạt 89%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 25.470 tỷ đồng, bằng 66,2% dự toán năm (cùng kỳ đạt 68,8%); thu từ viện trợ không hoàn lại đạt 1.600 tỷ đồng, bằng 80% dự toán năm (cùng kỳ đạt 77%).
Tính chung từ đầu năm đến tháng 9 năm 2004, trong tổng thu nội địa, thu từ khu vực kinh tế Nhà nước đạt 23.150 tỷ đồng, bằng 68,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 9.960 tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán năm; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 9.292 tỷ đồng, bằng 77,9%; thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 2.711 tỷ đồng, bằng 83,3%; thu về nhà đất đạt 8.525 tỷ đồng, bằng 139,5%.
Chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày tháng 9 năm 2004 ước đạt 133.384 tỷ đồng, bằng71,1% dự toán năm (cùng kỳ năm trước đạt 69,1%); trong đó chi đầu tư phát triển đạt 34.034 tỷ đồng, bằng 63,6% dự toán năm (cùng kỳ đạt 67,5%), riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 31.100 tỷ đồng, bằng 62,8% dự toán năm (cùng kỳ đạt 68,1%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội đạt 73.234 tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán năm (cùng kỳ đạt 71,3%); chi trả nợ và viện trợ đạt 22.560 tỷ đồng, bằng 76,8% dự toán năm (cùng kỳ đạt 73,6%).
Bội chi ngân sách Nhà nước đến tháng 9 năm 2004 khoảng 15.543 tỷ đồng, bằng 44,7% dự toán năm.
Hoạt động tiền tệ, trong tháng 9, chính sách tiền tệ tiếp tục được duy trì theo hướng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá. Tổng phương tiện thanh toán trong tháng 9 ước tăng 1,8% so với cuối tháng 8, bằng tốc độ tăng trong tháng 8 nhưng thấp đáng kể so với tốc độ tăng trong các tháng đầu năm và so với các tháng 9 của các năm gần đây (tháng 9 năm 2003 tăng 2,6%). Đến cuối tháng 9 so với 31/12/2003, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,7%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15,3%).
Nguồn vốn huy động đến cuối tháng 9 ước tăng 2,3% so với cuối tháng 8; tính chung 9 tháng đầu năm tăng 14,2%, giảm so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước (17,1%); trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 12,6%, bằng ngoại tệ tăng 18,3%.
Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đến cuối tháng 9 ước tăng 1,4% so với cuối tháng 8; tính chung 9 tháng đầu năm tăng 17,4%, giảm so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước (20,1%); trong đó dư nợ cho vay bằng VNĐ tăng 15,5%, cho vay bằng ngoại tệ tăng 24,4%.
Nợ xấu trong tháng 9 không thay đổi so với tháng 8; đến cuối tháng 9 nợ xấu tăng 11,5% so với 31/12/2003. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 9 giảm xuống còn 4,6%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,3% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong năm (tháng 8 tăng 0,6%). Chỉ số giá lương thực và thực phẩm không còn là mức tăng cao nhất như các tháng trước.
Tính chung cả 9 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,6%, trong đó nhóm hàng lương thực và thực phẩm tăng 15% (lương thực 12,5%; thực phẩm 16,8%); tiếp đến là dược phẩm, y tế tăng 8,7%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,9%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 4,1%, đồ dùng và dịch vụ khác tăng 3,7%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,3%; may mặc, mũ món, giầy dép tăng 3,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,8%; văn hoá thể thao giải trí tăng 2,5%; riêng chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 1,9% .
Giá vàng trong tháng 9 tăng 1,5% so với tháng trước và là mức tăng của cả 9 tháng; giá đô la Mỹ tương đối ổn định, tháng 9 tăng 0,1% so với tháng 8 và trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 0,3%.
6. Giáo dục đào tạo
Trong tháng 9, ngành giáo dục đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức tốt khai giảng năm học 2004-2005 cho học sinh toàn quốc. Về cơ bản các địa phương đã cung cấp đầy đủ sách giáo khoa cho các trường trước ngày khai giảng. Nhìn chung công tác chuẩn bị cho năm học mới tiến hành tốt do các cấp uỷ, chính quyền và các ngành hữu quan quan tâm hơn tới công tác giáo dục.
Công tác tuyển sinh đại học, trung học chuyên nghiệp và cao đẳng tiếp tục được thực hiện đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra. Các trường đã hoàn thành việc gửi giấy triệu tập cho thí sinh trúng tuyển, một số trường có nhu cầu xét tuyển bổ sung sau khi đưa ra điểm sàn cho các khối đã tiếp tục xét tuyển nguyện vọng 2,3 bảo đảm chất lượng đầu vào cho đào tạo.
Các địa phương tiếp tục triển khai đề án xoá phòng học tạm, xoá ca ba. Riêng đối với các tỉnh có tiến độ triển khai chậm, Chính phủ đã có sự chỉ đạo tập trung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
7. Giải quyết việc làm
Các địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tạo thêm việc làm mới cho người lao động. Trong tháng 9, đã giải quyết việc làm cho khoảng 20 vạn lao động, đưa số lao động được giải quyết việc làm 9 tháng đầu năm 2004 lên khoảng 1 triệu người, trong đó các doanh nghiệp mới thành lập giải quyết việc làm cho 26 vạn người; phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất giải quyết việc làm cho khoảng 4 vạn người; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải quyết việc làm cho khoảng 4 vạn người; Quỹ Hỗ trợ việc làm cho vay giải quyết việc làm cho khoảng 20 vạn người; khu vực Nhà nước giải quyết việc làm mới và thay thế 10 vạn người.
Phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế hộ và dịch vụ nông nghiệp, nông thôn cũng góp phần tạo việc làm cho hàng chục vạn người.
Xuất khẩu lao động: trong tháng 9 đã đưa được 6500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tích luỹ từ đầu năm đến hết tháng 9 đã đưa được khoảng 50 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá lao động và chuyên gia Việt Nam được tăng cường, góp phần ổn định và mở rộng thị trường cũ và phát triển thêm một số thị trường mới.
8. Công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục được đẩy mạnh
Trong tháng 9 ngành Y tế tiếp tục triển khai rộng rãi các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch sốt xuất huyết và kế hoạch khẩn cấp phòng chống dịch sốt xuất huyết; triển khai công điện hỏa tốc số 1130/CP-NN ngày 12/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về dịch cúm gia cầm và công điện của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Viêm đường hô hấp cấp do vi rút.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 9, cả nước có 27 ca mắc bệnh viêm phổi cấp do virut, trong đó có 20 ca tử vong. Số trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút là 1.320 ca, với 109 ca tử vong, giảm 15,8% về số người mắc so với cùng kỳ năm 2003. Số người viêm não do mô cầu là 793 người, trong đó có 9 ca tử vong, tăng 70% về số người mắc nhưng giảm 4 ca so cùng kỳ năm 2003. Số người mắc sốt rét là 71.933 người mắc, tử vong 13 người, giảm 39,3% về số nguời mắc so với cùng kỳ 2003.
Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc và chết đều tăng so với cùng kỳ năm 2003. Số ca mắc lên tới hơn 49,4 nghìn người, tử vong 74 người, tăng 94,6% về số người mắc bệnh và 60,9% về số người tử vong so cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ 2003 là 25.406 người mắc, 46 người tử vong).
Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn ở mức cao nhưng có tiến bộ so với cùng kỳ. So với tháng 8/2004, số nhiễm HIV phát hiện 969 người, giảm 32 ca (3,2%); bệnh nhân chuyển sang AIDS 176 người, giảm 18 ca (9,28%) và số tử vong do AIDS 150 người, tăng 27 ca (22%). Tính đến giữa tháng 9 năm 2004, có 84.925 người nhiễm HIV; trong đó bệnh nhân chuyển sang AIDS là 13.409 người; đã tử vong 7.677 người. So với cùng kỳ năm 2003, số nhiễm HIV giảm 33,2%; số bệnh nhân AIDS giảm 17,4% và số tử vong giảm 23%.
Bộ Y tế đã tổ chức một số hoạt động đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ nhân dân như tổ chức Hội nghị “Đại biểu dân cử về chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và chính sách dinh dưỡng” tại 2 miền Bắc và Nam; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra về an toàn thực phẩm; kiểm dịch y tế biên giới; chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố về thực hiện phong trào “Làng văn hóa-sức khỏe”; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng thuốc trong bệnh viện,...
9. Hoạt động văn hóa - thông tin diễn ra sôi nổi
Trong tháng 9 ngành văn hoá thông tin, phát thanh, truyền hình đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú tuyên truyền truyền thống cách mạng của dân tộc nhân dịp kỷ niệm ngày 19/8 và 2/9; tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình phổ biến luật lệ giao thông nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân khi tham gia giao thông.
Đồng thời, ngành văn hoá tiếp tục kiểm tra, xử lý những sai phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn.
Thể dục thể thao: trong tháng 9, Việt Nam đã cử đoàn vận động viên đi tham gia Giải thể dục trẻ Đông nam Á tại Malaisia và đã đạt kết quả tốt. Đoàn Việt Nam đứng thứ 2 sau nước chủ nhà với 4 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 4 huy chương đồng.
10. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Các Bộ, ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông. Các địa phương đã quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có việc không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên trong tháng 8 đã xẩy ra 1.400 vụ tai nạn giao thông làm 1.006 người chết, 1.225 người bị thương, tăng 7,3% về số vụ, 15,1% số người chết và 3,5% số người bị thương so với tháng trước. Trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm 95,6% số vụ, 93,7% về số người chết và 97,3% số người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do người tham gia giao thông chạy quá tốc độ; tránh, vượt sai quy định, thiếu quan sát khi điều khiển phương tiện và đi sai phần đường.
Trong tháng 8, nhiều vụ tai nạn giao thông đường thuỷ đặc biệt nghiêm trọng xẩy ra. Chỉ riêng tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa là 30 vụ làm chết 54 người, bị thương 5 người. Nguyên nhân chủ yếu là do không kiểm soát nổi đò ngang, phương tiện thuỷ gia dụng đang là nối bất cập lớn nhất; chính quyền nhiều địa phương thiếu trách nhiệm và thiếu kiên quyết trong việc giải quyết tình trạng trên.
II. KIẾN NGHỊ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN TRONG 3 THÁNG CUỐI NĂM
Dự báo từ nay đến cuối năm, nếu tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp trong quý IV, phát huy những kết quả đã đạt được trong 9 tháng qua, giải quyết các khó khăn tồn tại, đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ bản thì khả năng tăng trưởng GDP trong quý IV sẽ đạt trên 8% và phấn đấu cả năm đạt cao hơn 7,5%.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch năm 2004, đòi hỏi trong những tháng cuối năm phải thực hiện quyết liệt các giải pháp trong Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP của Chính phủ, các Chỉ thị mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp đề ra trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Trong 3 tháng còn lại, cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là nông nghiệp và dịch vụ.
Đẩy mạnh sản xuất nông lâm ngư nghiệp, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành cao hơn quý III/2004.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp khôi phục đàn gia cầm, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc về các điều kiện chăn nuôi như cung cấp con giống, thức ăn gia súc và công tác thú y, bảo đảm cho đàn gia cầm phát triển tốt.
Đẩy mạnh công tác nuôi trồng thuỷ sản, tạo mọi điều kiện để phát triển hệ thống thuỷ lợi cho các vùng nuôi trồng thuỷ sản công nghiệp. Phòng chống và ngăn chặn kịp thời không để lay lan các loại dịch bệnh đối với thuỷ sản nuôi trồng, đặc biệt đối với các vùng nuôi tôm công nghiệp.
Thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, lũ lụt ở các tỉnh phía nam; rà soát ngay các phương án phòng chống lũ lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại của lũ lụt tới sản xuất và đời sống nhân dân; tránh tâm lý chủ quan coi nhẹ tác động của thời tiết.
Khai thác tối đa tiềm năng của các ngành dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ có giá trị cao. Phát triển mạnh du lịch, bưu chính viễn thông, các ngành vận tải, đặc biệt là vận tải đường hàng không.
Trong công nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong quý IV: các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, vật liệu xây dựng.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục, vốn tín dụng đầu tư để bảo đảm kế hoạch đề ra.
Đối với các dự án thuộc trái phiếu Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các dự án cụ thể, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư của các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sát với tiến độ thực hiện dự án và các chủ đầu tư đăng ký lại kế hoạch sử dụng nguồn vốn này trong năm 2004. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán đối với những dự án đã triển khai thi công nhưng chưa có thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán được duyệt và phê duyệt khối lượng phát sinh của các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để kho bạc Nhà nước có căn cứ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư cho các dự án nói trên. Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư, đảm bảo tiến độ hoàn thành.
Khẩn trương nghiên cứu và ban hành mới định mức đầu tư phòng học phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi và Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đẩy nhanh chương trình kiên cố hoá trường, lớp học. Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học các địa phương phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng công trình; đồng thời chủ động trong việc huy động thêm các nguồn lực, huy động sự đóng góp công sức của cộng đồng với chính quyền các cấp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Các Bộ, ngành và địa phương rà soát lại tình hình thực hiện các dự án đầu tư, điều hoà vốn đầu tư của các dự án không có khả năng thực hiện, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, các dự án có thể hoàn thành trong năm 2004.
Tăng cường công tác giám sát và đánh giá đầu tư, công tác thanh tra đầu tư ở tất cả các cấp, các ngành.
Ba là, tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá trong những tháng tới, bảo đảm việc tăng giá trong tầm kiểm soát của Nhà nước, phấn đấu kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ dưới 10%, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 30/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hạn chế tốc độ tăng giá.
Kiểm soát chặt chẽ việc định giá, chi phí giá thành đối với các sản phẩm độc quyền và các ngành sản xuất cung ứng vật tư nguyên liệu quan trọng;
Tăng cường công tác quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ tích trữ bất hợp pháp và trục lợi bất chính gây hiện tượng khan hiếm giả trên thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giá; tổ chức hệ thống đại lý tốt, có khả năng kiểm soát đối với một số sản phẩm quan trọng như sắt thép, một số loại thuốc tân dược,...
Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, sử dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ: xem xét lại tốc độ phát hành, dư nợ tín dụng, nghiên cứu điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, nâng tỷ lệ dự trữ của Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàng thương mại, sử dụng các công cụ lãi suất và công cụ thị trường mở để giảm bớt cung về tiền tệ trên thị trường. Nghiên cứu các phương án để có lãi suất huy động hợp lý, thu hút có hiệu quả lượng tiền còn nhàn rỗi trong dân cư.
Kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu ngân sách Nhà nước, khắc phục tình trạng chi vượt dự toán, ứng trước, vay để chi tiêu nhưng không có nguồn trả, nhất là trong xây dựng cơ bản hiện nay.
Bốn là, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là phòng chống dịch sốt xuất huyết. Tăng cường hoạt động giám sát để phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh và xử lý triệt để ổ dịch. Ngành Y tế dự phòng đủ hoá chất, cơ số thuốc và các trang thiết bị khác nhằm phục vụ công tác chữa trị.
Năm là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông. Đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng các phương tiện giao thông, kể cả phương tiện giao thông đường thuỷ. Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Tăng cường công tác an ninh phục vụ hội nghị ASEM 5, xây dựng các phương án phòng chống ách tắc giao thông trong thời gian tổ chức hội nghị; bảo đảm an toàn cho khách dự hội nghị đi thăm quan các vùng lân cận.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư