Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 5 năm 2004 và 5 tháng đầu năm 2004
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2004.
(Tóm tắt Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2004)
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH, XUẤT NHẬP KHẨU VÀ ĐẦU TƯ
1. Về tình hình sản xuất, kinh doanh
(1) Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2004, ước đạt 30.758 nghìn tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ. Tính chung cả 5 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 144,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,6%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12,4%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 21,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14%.
Các sản phẩm công nghiệp có giá trị tăng cao là: than sạch tăng 30,4%, thủy sản chế biến tăng 18,4%, quần áo dệt kim tăng 20,1%, quần áo may sẵn tăng 18,7%; giấy bìa các loại tăng 26,6%, gạch lát tăng 20,6%, tivi các loại tăng 25,3%, xe máy các loại tăng 40,9%, xe đạp hoàn chỉnh tăng 130%, ắc quy tăng 20,5%, phân hóa học tăng 15,4%...
Tuy nhiên, một số sản phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhưng do gặp khó khăn về điều kiện sản xuất hoặc thị trường tiêu thụ nên có mức tăng thấp hơn hoặc giảm so với mức tăng bình quân chung của toàn ngành là: xi măng tăng 7,8%, điện phát ra tăng 12,9% (cùng kỳ tăng 14,6%); ô tô các loại tăng 2,1%; thép cán giảm 0,8%; quạt điện dân dụng giảm 4,7%; động cơ diezen giảm 23,8%; động cơ điện giảm 7,1%.
Công nghiệp tháng 5 trên địa bàn của một số tỉnh, thành phố cả nước tăng không đồng đều. Các tỉnh, thành phố có mức tăng cao hơn mức tăng chung là: Hải Phòng tăng 16%, Hà Tây tăng 18,2%, Vĩnh Phúc tăng 20,3%, Thanh Hóa tăng 16,2%, Đà Nẵng tăng 18%, Khánh Hòa tăng 22,3%, Bình Dương tăng 32,5%, Đồng Nai tăng 18,5%, Cần Thơ tăng 22,8%. Các tỉnh thành phố có giá trị sản lượng chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp nhưng tăng thấp hơn tốc độ tăng chung là: Hà Nội tăng 14,2%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,5%, riêng thành phố Hồ Chí Minh tuy tốc độ còn thấp hơn mức chung của cả nước (tăng 14,6%), nhưng so với các tháng trước đó đã đạt được mức tăng trưởng cao hơn (tháng 3 tăng 11,2%; tháng 4 tăng 13,3%, tháng 5 tăng 14,6%).
(2) Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình sản xuất nông nghiệp tiến triển tương đối thuận lợi.
Về trồng trọt : Vụ đông xuân năm nay ở miền Bắc gặp một số khó khăn như đầu vụ thời tiết khô hạn, ít mưa, giá vật tư nông nghiệp cao..., nhưng do điều tiết nước hồ thủy điện Hoà Bình và tăng cường công tác trữ nước chống hạn nên đã đáp ứng cơ bản nhu cầu nước cho gieo cấy và tưới lúa. Sau khi gieo cấy, thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Trong tháng 5, các địa phương tập trung chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho lúa và rau màu, giữ đủ nước cho lúa trỗ, đồng thời tiếp tục gieo trồng các cây đang còn thời vụ. Diện tích gieo cấy lúa đông xuân đạt 1.160 ngàn ha, giảm 20 ngàn ha so với vụ đông xuân năm trước, do đầu vụ khô hạn nên một số diện tích các địa phương chuyển đổi sang trồng màu. Đến nay lúa đông xuân cơ bản trỗ xong, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ bắt đầu thu hoạch, cá biệt có địa phương ở Đồng bằng sông Hồng thu hoạch lúa đông xuân sớm. Nếu từ nay đến khi thu hoạch xong không có những diễn biến đột xuất về thiên tai, sâu bệnh thì vụ đông xuân năm nay được mùa.
Các địa phương phía Nam cơ bản kết thúc thu hoạch lúa đông xuân. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích gieo cấy vụ đông xuân giảm 33 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước (khoảng 1,5 triệu ha), nhưng do năng suất đạt cao hơn 1,8 tạ/ha nên sản lượng ước đạt khoảng 8,5 triệu tấn, tăng hơn 70 nghìn tấn so với cùng kỳ.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ do nắng hạn đầu vụ, đến thời kỳ lúa trỗ gặp thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến năng suất, do đó năng suất bình quân toàn vùng giảm khoảng 1 tạ/ha và diện tích đạt 98,9% so với năm trước nên sản lượng chỉ đạt 97%. Vùng Tây Nguyên do nắng hạn kéo dài nên một số diện tích lúa và cây trồng khác bị hạn, riêng diện tích lúa toàn vùng có 6.200 ha bị hạn, trong đó có 1.600 ha bị mất trắng, năng suất bình quân toàn vùng giảm 2,5 tạ/ha, nhưng do diện tích tăng hơn vụ trước 4% nên sản lượng tăng 0,8%. Vùng Đông Nam Bộ năng suất tương đương năm trước, diện tích tăng 2,5% nên sản lượng vẫn cao hơn. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long diện tích giảm 30 ngàn ha, nhưng năng suất tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng tăng hơn 10 ngàn tấn (tăng khoảng 0,8%).
Các địa phương tiếp tục gieo cấy vụ hè thu, đến 15/5/2004 diện tích gieo cấy đạt 1.169 ngàn ha, đạt 55,7% kế hoạch, chậm hơn cùng kì năm trước 3,7%, do một số địa phương thiếu nước tưới. Hiện nay, thời tiết có mưa đều khắp trên các vùng, giải quyết tình hình thiếu nước gieo cấy, các địa phương đang khẩn trương làm đất gieo cấy đảm bảo thời vụ, dự kiến đến cuối tháng 5/2004 đạt khoảng 1.320 ngàn ha lúa hè thu.
Về chăn nuôi : Sau khi công bố hết dịch cúm gia cầm, nhiều địa phương (Thanh Hoá, Hà Tây...) đang cố gắng phục hồi nhanh đàn gia cầm. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ, do thiếu vốn sản xuất nên đàn gia cầm phục hồi chậm. Đáng chú ý là trong tháng 5, tại Đồng Tháp đã xuất hiện một ổ dịch cúm gia cầm, tuy nhiên cơ quan thú y đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm, tiến hành tiêu độc, kịp thời dập tắt ổ dịch.
Khai thác thủy sản: Sản lượng khai thác tháng 5 ước đạt 135 nghìn tấn, nâng sản lượng khai thác 5 tháng đạt 612 nghìn tấn, bằng 42,2% so với kế hoạch năm và tăng 1,4% so với cùng kỳ.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản và khai thác nội địa tháng 5 năm 2004 ước đạt 100 nghìn tấn, tính chung 5 tháng sản lượng nuôi trồng đạt 403 nghìn tấn, bằng 33,6% kế hoạch năm và tăng 3,21% so với cùng kỳ.
Công tác tu bổ đê điều: Các địa phương đang tích cực triển khai công tác tu bổ đê điều. Hiện nay, 17/18 tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra có kế hoạch đắp đê đã triển khai công tác đắp đê với khối lượng thực hiện đạt 78% so với kế hoạch; có 5/6 tỉnh, thành phố có kế hoạch làm kè triển khai thực hiện với khối lượng đạt 65% kế hoạch năm. Các địa phương đang phấn đấu hoàn thành công tác tu bổ đê điều trước mùa mưa lũ.
Về lâm nghiệp: Trong 5 tháng đầu năm đã trồng được 92,6 nghìn ha rừng tập trung, đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Diện tích chăm sóc rừng trồng đạt 96,5 nghìn ha, khoanh nuôi tái sinh đạt 316,5 nghìn ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ. Công tác phòng chống cháy rừng tiếp tục được triển khai đồng bộ và toàn diện, đặc biệt là địa bàn các huyện có cơ nguy cháy rừng ở cấp nguy hiểm nên đã hạn chế được số vụ cháy rừng.
(3) Về các hoạt động dịch vụ:
Trong tháng 5, các hoạt động trên thị trường trong nước tiếp tục diễn ra sôi động với nguồn hàng hoá khá phong phú, đa dạng, chất lượng mẫu mã ngày càng cải thiện.
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ tháng 5 ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng 4. Tính chung cả 5 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hoá đạt 147,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2003.
Công tác quản lý thị trường được đẩy mạnh. Mặc dù trong thời gian qua, công tác quản lý thị trường đã đạt được những kết quả nhất định, song những điểm nóng, đặc biệt tại những địa bàn đường biên, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển và buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu tiếp tục hoành hành với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong nửa đầu tháng 5, các cơ quan quản lý thị trường đã xử lý 3.021 vụ vi phạm với tổng số tiền thu phạt khoảng 7,37 tỷ đồng, tăng 9,5% về số vụ vi phạm và 10,7% về giá trị thu phạt. Tính chung cả 5 tháng, số vụ vi phạm lên tới gần 22.400 vụ với số tiền phạt gần 50 tỷ đồng.
Ngành vận tải đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh và đi lại của nhân dân: Ước 5 tháng đầu năm khối lượng vận tải hàng hóa đạt 106,9 triệu tấn và 22,8 tỷ tấn-km, tăng 5% về tấn và 7,6% về tấn-km so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hành khách 5 tháng ước đạt 390 triệu lượt người và 17,3 tỉ hành khách km, tăng 3,8% về lượng hành khách và 10,8% về hành khách km, hàng thông qua cảng biển đạt 52,3 triệu tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 40,5% kế hoạch năm.
Bộ Giao thông Vận tải đã chọn tuyến đường bộ Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức tuyến xe điểm với yêu cầu cao về chạy xe và dịch vụ trên tuyến, bàn giao 246 biển báo dừng đỗ đón trả khách trên tuyến quốc lộ 1A cho các địa phương quản lý và đưa ra các biện pháp thu phí đường bộ, đồng thời với việc hạn chế thấp nhất tiêu cực ở các trạm thu phí. Ngành vận tải đường sắt áp dụng các biện pháp để nâng cao vận tải các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai và khu đầu mối Hà Nội. Tăng tần suất một số tuyến du lịch.
Bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển mạnh: Trong tháng 5, phát triển mới 217 điểm phục vụ bưu chính viễn thông, nâng tổng số điểm phục vụ bưu chính viễn thông hiện nay lên 13.317 điểm phục vụ trên toàn quốc, trong đó có 6.644 điểm bưu điện - văn hoá xã. Trong tháng 5, đã phát triển mới 219 nghìn thuê bao điện thoại (5 tháng đầu năm tăng thêm 906 ngàn thuê bao), tăng 56% so với tháng 4, nâng tổng số có trên mạng là 8,3 triệu máy, đạt mật độ 10,2 máy điện thoại/100 dân. Phát triển hơn 25 ngàn thuê bao Internet, trong đó có 1.289 thuê bao Internet băng rộng ADSL; nâng tổng số 1,25 triệu thuê bao Internet trong đó có 12.469 thuê bao băng rộng. Tổng số người sử dụng dịch vụ Internet là 4,4 triệu (tăng hơn 400 ngàn), đạt mật độ 5,42 thuê bao/100 dân.
Từ ngày 1 tháng 5, ngành Bưu chính viễn thông đã thực hiện giảm giá cước điện thoại di động và đổi mới cách tính cước, được nhân dân hoan nghênh. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, mạng di động Mobifone và Vinaphone có nhiều hiện tượng nghẽn mạch. Bộ Bưu chính Viễn thông đã có văn bản chỉ đạo Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông.
Ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhiều địa phương đã tổ chức lễ khai trương mùa du lịch, chuẩn bị tốt các điều kiện để đón khách du lịch trong mùa hè năm 2005. Trong tháng 5 số khách du lịch quốc tế ước đạt 220 nghìn lượt người. Tính chung cả 5 tháng, số khách quốc tế ước đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ năm 2003, do ảnh hưởng của dịch bệnh SARS nên số khách du lịch quốc tế chỉ đạt 967,5 nghìn lượt người, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2002). Khách du lịch nội địa ước đạt 6,5 triệu lượt người, tăng 19%.
(4) Xuất nhập khẩu tiếp tục đạt kết quả khá.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 1,98 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 660 triệu USD.
Tính chung cả 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,5 tỉ USD, tăng khoảng 17,3% so với cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ năm 2003 đạt 7,9 tỷ USD, tăng 31,3% so với năm 2002), trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước xấp xỉ 3,2 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước.
Một số các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng khá là: sản phẩm gỗ đạt 415 triệu USD, tăng 82% (cùng kỳ đạt 228 triệu USD, chỉ tăng 61% so với cùng kỳ năm 2002); xe đạp và phụ tùng xe đạp tăng 76,7%; hàng điện tử tăng 67,5%; than đá tăng 48,7%; dây điện và cáp điện 32,2%; giày dép tăng 10,8%; cà phê tăng 42,1%; hạt điều tăng 25%.
Các mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là hàng nông sản, cụ thể là lạc nhân giảm 29%, rau quả giảm gần 13%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp đã bị động khi Trung Quốc mở cửa thị trường cho hàng rau quả của Thái Lan.
Riêng đối với mặt hàng gạo xuất khẩu: Từ đầu năm đến nay, hợp đồng xuất khẩu đã ký đạt khoảng 2,6 triệu tấn (kể cả 100 nghìn tấn trúng thầu bán cho Philippin vừa qua). Sau khi đạt mức xuất khẩu khá cao trong tháng 3 và tháng 4 năm 2004 (gần 600 nghìn tấn/tháng), lượng gạo xuất khẩu tháng 5 giảm, ước được từ 300-330 nghìn tấn (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước). Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao, hiện được chào bán với mức 235-2376 USD/tấn (5% tấm) và 224-225 USD/tấn (loại 25% tấm), cao hơn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Trong những tháng qua, ngoài thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, đã mở rộng sang các thị trường mới như Áo và một số nước châu Phi.
Nhiều địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xuất khẩu hàng hoá, đóng góp vào tốc độ tăng xuất khẩu chung của cả nước. Thành phố Đà Nẵng, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 130 triệu USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Mặc dù xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ gặp khó khăn do vụ kiện bán phá giá nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã chủ động chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản; đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng cá sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng của thành phố Hải Phòng ước đạt 282,7 triệu USD, tăng 25,1%. Tỉnh Tây Ninh, xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 73,25 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ; Yên Bái là tỉnh miền núi nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,8 triệu USD, tăng 42% so cùng kỳ...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 2,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 880 triệu USD. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 4 tỷ USD tăng 13,8% so với cùng kỳ, chiếm 34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng là ô tô nguyên chiếc, tăng 6,6%; xăng dầu các loại tăng 6,4%, hoá chất các loại tăng 23%; chất dẻo nguyên liệu tăng 20,5%; vải tăng 36,6%. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như phân bón các loại giảm gần 2%, thép các loại giảm hơn 7%, máy móc thiết bị phụ tùng giảm 15%; linh kiện điện tử giảm 11%.
Nhập siêu 5 tháng đầu năm 2004 ước khoảng 1,9 tỷ USD, chiếm 19,9% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm so với cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ nhập siêu bằng 25% kim ngạch xuất khẩu).
2. Về tình hình đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tập trung tháng 5 khá hơn so với tháng 4, ước đạt khoảng 3.553 tỷ đồng, bằng 9,6% kế hoạch năm (tháng 4 bằng 7,8%); tính chung 5 tháng đầu năm ước đạt 14.719 tỷ đồng, bằng 39,7% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2003 đạt 40,5%). Một số Bộ, ngành địa phương có tiến độ thực hiện khá là Bộ Xây dựng, Bộ Thủy sản, Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hải Phòng, các tỉnh: Hưng Yên, Phú Thọ, Tiền Giang, Trà Vinh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bạc Liêu.
Qua triển khai kế hoạch đầu tư phát triển của các Bộ, ngành, địa phương, một số đơn vị còn bố trí dàn trải, chưa đảm bảo các thủ tục đầu tư theo quy định. Trong tháng 5 năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ về biện pháp xử lý theo hướng phải rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại dự án đầu tư trong kế hoạch năm 2004 theo nguyên tắc sau: (1) Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA; (2) Các dự án chưa có quyết định đầu tư đề nghị chuyển vốn cho các dự án cấp bách khác; (3) Các dự án có quyết định đầu tư sau ngày 31/10/2003 hoặc chưa có thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được duyệt chỉ bố trí vốn để làm công tác chuẩn bị thực hiện dự án; (4) Đối với các dự án nhóm C bố trí vượt quá 2 năm, nhóm B vượt quá 4 năm thì không bố trí khởi công mới những dự án thuộc ngành đó; (5) Soát xét để đình hoãn hoặc giãn tiến độ các dự án chưa thật cấp bách, không hiệu quả; tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách để tăng thêm số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2004.
Về triển khai vốn phát hành trái phiếu đạt thấp, kế hoạch năm 2004 dự kiến huy động là 7.500 tỷ đồng, theo Bộ Tài chính, khối lượng thực hiện đến nay ước đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, trong đó giải ngân đạt 300 tỷ đồng.
Giải ngân vốn ODA trong 5 tháng đầu năm ước đạt khoảng 690 triệu USD (vốn vay khoảng 600 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 90 triệu USD), đạt 38% so với kế hoạch năm 2004, trong đó vốn vay ODA của 3 nhà tài trợ lớn (JBIC, WB, ADB) khoảng 480 triệu USD, chiếm 80% tổng giá trị giải ngân vốn vay ODA 5 tháng đầu năm 2004.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trong tháng 5 có thêm 16 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 73 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 189 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 621,6 triệu USD, giảm 34% về số dự án và giảm hơn 13% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 5, có 9 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 175,2 triệu USD; tính chung 5 tháng, có 80 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 666,4 triệu USD, giảm 56% về số dự án nhưng tăng gần 93% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong 5 tháng, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 1.288 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2003.
Vốn đầu tư thực hiện trong tháng 5 ước đạt 300 triệu USD, nâng mức vốn thực hiện trong 5 tháng đạt 1.100 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ.
Trong 5 tháng đầu năm 2004, Đài Loan có số vốn đầu tư đăng ký lớn nhất, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp theo là Canada (chiếm 24,1%); Hàn Quốc (chiếm 15,8%); Nhật Bản (chiếm 7,5%).
Vốn đầu tư đăng ký trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, đạt 56% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực dịch vụ chiếm 19%; riêng lĩnh vực nông-lâm-nghiệp do trong 5 tháng đầu năm có 2 dự án lớn được cấp phép trong lĩnh vực chế biến gỗ nên tỷ trọng đầu tư vào nông nghiệp đã tăng lên đáng kể, chiếm 25% tổng số vốn đầu tư đăng ký.
Về cơ cấu vùng, trong 5 tháng đầu năm, Thái Nguyên vẫn là tỉnh dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài (chiếm 23,7%), tiếp đó là Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ tương ứng là 16,1% và 12% tổng vốn đăng ký.
Vấn đề nổi lên trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay là:
(1) Số dự án cấp phép mới và vốn đăng ký của các dự án mới đều giảm so với cùng kỳ năm trước (số dự án cấp phép mới giảm 33,7%; số vốn của các dự án cấp mới giảm 13,4% so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của chính sách mới về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là đối với các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất tại các trung tâm đô thị lớn. Một số dự án có quy mô khá lớn đã được xây dựng vào cuối năm 2003, dự kiến trình hồ sơ xin cấp phép vào những tháng đầu năm 2004, nhưng do thay đổi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nên đã hoãn lại, hoặc chuyển sang đầu tư ở nước khác, trong đó có dự án 100 triệu USD của Tập đoàn Hoya (Nhật Bản) đầu tư sản xuất đĩa quang học cho bộ nhớ của máy tính xách tay.
(2) Một số dự án lớn khác dự kiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ có gắn với kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng gặp vướng mắc về chủ trương cho phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.
Đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài: Trong 5 tháng đầu năm 2004, cả nước có 5 dự án được cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2 triệu USD, đưa tổng số dự án đầu tư ra nước ngoài là 107 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 220 triệu USD.
3. Một số kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương.
Trong báo cáo tại cuộc họp giao ban, các Bộ, ngành, địa phương đã xác định các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2004 của Bộ, ngành, địa phương mình. Bên cạnh đó, để khắc phục một số khó khăn nẩy sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương đã nêu một số kiến nghị với Chính phủ và các Bộ chức năng. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ghi nhận, tổ chức nghiên cứu và sẽ trả lời cho các Bộ, ngành, địa phương có kiến nghị vào cuộc họp giao ban tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các kiến nghị của các Bộ, địa phương với Chính phủ thành 3 nhóm sau:
(1) Về cơ chế chính sách
- Nhiều Bộ, ngành, địa phương đề nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành các Luật Đất đai, Luật Xây dựng để triển khai thực hiện từ 01/07/2004, chỉ đạo các Bộ liên quan có thông tư hướng dẫn đồng bộ với các nghị định ban hành; đồng thời sửa đổi điều chỉnh quy chế quản lý đầu tư, quy chế đấu thầu cho phù hợp với nội dung Luật Xây dựng.
- Thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách mang tính đặc thù với những ưu đãi vượt trội nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một số thành phố trực thuộc Trung ương.
- Tỉnh Tây Ninh đề nghị Chính phủ phê duyệt, nâng cửa khẩu Xa Mát thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh lên cửa khẩu quốc tế; Cho phép Tây Ninh được tổ chức đưa đón khách du lịch từ tỉnh bạn Campuchia vào các tỉnh phía Nam nước ta và ngược lại qua cửa khẩu Mộc Bài với thủ tục xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành.
- Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ phân cấp mạnh hơn về thẩm quyền xem xét, phê duyệt, thẩm định các hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và kế hoạch đấu thầu các hạng mục công trình của các tiểu dự án độc lập thuộc các dự án lớn mà trước đó đã được Thủ tướng phê duyệt nghiên cứu báo cáo khả thi và đã ủy quyền cho Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần; Tiếp tục sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý, điều hành thực hiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp. Đồng thời, ổn định chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài và tiếp tục cải tiến thủ tục cấp giấy phép đầu tư.
(2). Về đầu tư xây dựng cơ bản.
- Nhiều Bộ, địa phương đề nghị Chính phủ có kế hoạch xử lý dứt điểm vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản, xem xét nguyên nhân cụ thể.
- Tỉnh Tiền Giang đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương cho Tiền Giang đầu tư 2 tuyến giao thông gắn với xây dựng khu dân cư là đường Hùng Vương và đường Nguyễn Trãi trên địa bàn thành phố Mỹ Tho theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
- Tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ xem xét nâng định mức đầu tư phòng học từ 150-160 triệu đồng/phòng đối với những tỉnh thường xuyên bị ngập lũ sâu. Tỉnh Yên Bái đề nghị tăng từ 65 triệu đồng lên 120 triệu đồng/phòng học để hết năm 2004 cơ bản xoá phòng học tạm.
(3). Về tín dụng, ngân hàng
- Tỉnh Tây Ninh đề nghị Chính phủ cho chủ trương về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình, nhà xưởng cho các doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các chủ trang trại đủ điều kiện giúp các doanh nghiệp dân doanh, trang trại và hợp tác xã tiếp cận vốn vay ngân hàng tốt hơn; đề nghị Chính phủ ký kết hiệp định hợp tác thanh toán với Vương quốc Campuchia, thành lập ngân hàng để phục vụ cho việc thanh toán tiền của hàng hoá xuất khẩu qua biên giới được thuận lợi.
- Tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ nâng định mức cho vay các hộ nghèo lên 10 triệu đồng/hộ (hiện là 7 triệu đồng/hộ) và duy trì khoảng thời gian nhất định (2 năm) cho các hộ thoát nghèo được hưởng chính sách xã hội như các hộ nghèo khác.
- Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Ngân hàng đáp ứng đủ vốn đối với các dự án mà Chính phủ quyết định đầu tư và cho phép các ngân hàng được cho vay vượt 15% vốn điều lệ, đồng thời xem xét lại việc quy định doanh nghiệp phải đảm bảo 30% vốn đối ứng khi vay tín dụng thương mại.
II. VỀ THU CHI NGÂN SÁCH, HOẠT ĐỘNG TIỀN TỆ, TÍN DỤNG VÀ GIÁ CẢ
1. Về thu, chi ngân sách
(1) Thu ngân sách nhà nước: Trong 5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 40,8% dự toán năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2003 đạt 42,8% dự toán năm); trong đó thu nội địa đạt 41,3% dự toán năm (cùng kỳ đạt 42,3%); thu từ dầu thô đạt 49,5% dự toán năm (cùng kỳ đạt 48,8%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 36% dự toán năm (cùng kỳ đạt 40,9%).
Nguyên nhân của tiến độ thu đạt thấp là do thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ do Chính phủ đã giảm nhiều loại thuế suất trước việc giá nhập khẩu tăng cao, nhất là tăng giá nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu và máy móc thiết bị. Trong tổng thu nội địa, thu từ khu vực kinh tế nhà nước đạt 37,2% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 42,7% dự toán năm; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 43,7%; thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 45,2%; thu về nhà đất đạt 52,4%.
(2) Chi ngân sách nhà nước trong 5 tháng đầu năm ước đạt 36,1% dự toán năm (cùng kỳ năm trước đạt 38,2%); trong đó chi đầu tư phát triển đạt 30,5% dự toán năm (cùng kỳ đạt 36%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội đạt 43,3% dự toán năm (cùng kỳ đạt 41%); chi trả nợ và viện trợ đạt 34,2% dự toán năm (cùng kỳ đạt 31,6%).
Trong 5 tháng đầu năm, Ngân sách Trung ương đã sử dụng một phần kinh phí dự phòng để xử lý nhiều vấn đề phát sinh như phòng chống dịch cúm gia cầm và hỗ trợ phát triển gia cầm sau dịch, bổ sung kinh phí xây dựng các công trình bảo vệ đê kè và bãi bồi, bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình phục vụ hội nghị ASEM 5, bổ sung vốn để tổ chức tốt lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ...
(3) Bội chi ngân sách nhà nước 5 tháng ước khoảng 19,2% dự toán năm.
2. Về hoạt động tiền tệ, tín dụng và giá cả
(1) Hoạt động tiền tệ: Tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 5/2004 tăng 1,6% so với cuối tháng 4; tính chung 5 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ tăng 6,9%).
Nguồn vốn huy động đến cuối tháng 5 ước tăng 6,6% so với cuối năm 2003, bằng tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước; trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 5,3%, bằng ngoại tệ tăng 9,8%. Riêng trong tháng 5, nguồn vốn huy động ước tăng 2,1%, trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 2,2%; tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 2,1%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động trong tháng 5 đã tăng khá so với trung bình của 4 tháng đầu năm (trung bình 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1,05%/tháng).
(2) Về hoạt động tín dụng: Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế ước đến 31/5 tăng 10,3% so với 31/12/2003, thấp hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước (12,8%); trong đó cho vay bằng VNĐ tăng 8,5%, cho vay bằng ngoại tệ tăng 17%. Riêng trong tháng 5, dư nợ cho vay tăng 1,8%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (tháng 5 năm 2003 tăng 2,1%), trong đó cho vay bằng VNĐ tăng 1,3%, bằng ngoại tệ tăng 3,7%.
Nợ xấu trong tháng 5 giảm 0,8% so với tháng 4 trong khi 4 tháng đầu năm tăng 8,1%. Đến cuối tháng 5, nợ xấu chiếm gần 4,7% tổng dư nợ tín dụng, giảm 0,1% so với 31/12/2003.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2004, tốc độ tăng trưởng của các chỉ tiêu tiền tệ chính đều thấp so với cùng kỳ năm trước, phản ánh chính sách tiền tệ được thận trọng hơn, phù hợp với diễn biến tỷ lệ tăng giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng nguồn vốn tín dụng và tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động còn khá lớn, làm cho tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế ngày càng cao hơn nguồn vốn huy động, ảnh hưởng bất lợi tới thực hiện mục tiêu ổn định tiền tệ cả năm 2004.
(3) Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tiếp tục tăng so với tháng trước, tháng 5 tăng 0,9% so với tháng 4. Đáng chú ý là chỉ số giá tăng ở hầu hết các mặt hàng, trong đó nhóm hàng lương thực - thực phẩm tăng ở mức cao nhất, tăng 1,8% (lương thực tăng 2,3%, thực phẩm tăng 1,8%); nhóm hàng dược phẩm, y tế tăng 1%; các nhóm hàng khác tăng ở các mức độ khác nhau và dưới 1%. Các tỉnh, thành phố có chỉ số giá tháng 5 tăng cao nhất là thành phố Hải Phòng tăng 1,9%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,8%, Đồng Nai tăng 0,8%, Cần Thơ tăng 0,6%, Hà Nội tăng 0,6%, Đà Nẵng tăng 0,5%.
Tính chung 5 tháng, chỉ số giá tăng 6,3%. Giá lương thực, thực phẩm vẫn đứng ở mức cao, tăng 11,5%, trong đó giá lương thực tăng 10,9%, giá thực phẩm tăng 12,6%; giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5%; giá dược phẩm y tế tăng 6,7%. Giá dầu thô tiếp tục biến động không ổn định. Chỉ số giá vàng tăng 0,5% và chỉ số giá đô la tăng 0,2%.
III. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
1. Giáo dục và đào tạo.
Trong tháng 5, ngành Giáo dục Đào tạo khẩn trương chuẩn bị cho các cấp phổ thông thi tốt nghiệp và tổng kết năm học 2003-2004; tổ chức các lớp tập huấn công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho cán bộ của các Sở Giáo dục Đào tạo; tổ chức hội thảo về phương pháp ra đề thi để bảo đảm đề thi tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu đề ra là chính xác, vừa sức, phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh.
Hiện nay có trên 1,5 triệu thí sinh đăng ký dự thi đại học và cao đẳng. Do thay đổi cơ chế, mỗi thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng nên số hồ sơ dự thi “ảo” giảm khoảng 30%. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn sử dụng máy tính phục vụ tính kết quả thi, ra các văn bản hướng dẫn có liên quan đến kỳ thi đại học và cao đẳng năm 2004.
Trong tháng 5, ngành Giáo dục đã tổ chức thành công cuộc thi Olympic châu Á lần thứ 5. Đoàn Việt Nam đạt 1 huy chương bạc, 4 huy chương đồng và nhiều giấy khen, đứng thứ 3 sau đoàn Trung Quốc và Đài Loan.
Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học đang được triển khai. Đến nay đã có khoảng 31.298 phòng học được xây dựng, với số vốn đã giải ngân là 1.100 tỷ đồng.
2. Khoa học công nghệ.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ năm 2004, thúc đẩy các hoạt động liên quan đến triển khai thực hiện chủ trương về đẩy mạnh công tác công nghệ sinh học.
Ngành khoa học công nghệ đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 như: đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến hình thành thị trường khoa học và công nghệ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các đề án liên quan đến đổi mới quản lý khoa học và công nghệ.
Tổ chức các hội nghị khoa học công nghệ các vùng nhằm giúp đỡ, hướng dẫn địa phương đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
3. Việc làm và xuất khẩu lao động.
Trong tháng 5, giải quyết việc làm cho khoảng 13 vạn người, trong đó có 3 vạn người có việc làm do được vay vốn hỗ trợ việc làm. Trong 5 tháng đầu năm 2004, giải quyết việc làm cho khoảng 48 vạn người. Các địa phương đang tổ chức hội thi tay nghề, tuyển chọn đội tuyển quốc gia cho Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ V, sắp tổ chức tại Việt Nam.
Xuất khẩu lao động và đi chuyên gia nước ngoài, trong tháng 5 xuất khẩu lao động ước đạt 6.730 người, trong đó đi Đài Loan 4.419 người; Malaixia 1.315 người; Hàn Quốc 106 người; Nhật Bản 135 người; Lào 700 người và các nước khác 550 người. Tính chung cả 5 tháng, xuất khẩu lao động ước đạt gần 2,24 vạn người, đạt 37,3% kế hoạch.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động sang Malaixia, giải quyết dứt điểm tình trạng lao động mất việc làm (đưa toàn bộ số lao động bị mất việc về nước và hỗ trợ thêm cho người lao động); nghiên cứu phương án cung ứng lao động sang Hàn Quốc theo cơ chế mới của bạn; chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung đào tạo, giáo dục định hướng, nâng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các thị trường; đồng thời, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu, xử lý vi phạm. Đã thu hồi giấy phép xuất khẩu lao động của 10 công ty do hoạt động kém hiệu quả.
4. Y tế và chăm sóc sức khỏe.
Ngành Y tế tích cực chỉ đạo các địa phương phòng chống tả, sốt xuất huyết, đồng thời giám sát chặt chẽ các dịch bệnh SARS, viêm đường hô hấp do virus H5N1 và các dịch bệnh khác. Chỉ đạo các Viện vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur Trung ương triển khai chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy tại các khu vực trọng điểm, vì vậy các dịch bệnh (như tả, dịch hạch,...) hầu như không xảy ra.
Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết: tại 14 tỉnh, thành phố có 1695 ca mắc, 2 ca tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, có 11.864 ca mắc, trong đó có 19 ca tử vong, tăng 57,8% về số ca mắc và tăng 26,7% về số ca tử vong so với cùng kỳ 2003.
Tình hình ngộ độc thực phẩm: trong tháng 5, đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm tại Quảng Ngãi, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, thành phố Hồ Chí Minh, với 64 ca mắc, 6 ca tử vong (trong đó 2 vụ do vi sinh vật, 3 vụ thực phẩm độc). Tính chung cả 5 tháng, có 405 người ngộ độc thực phẩm, 27 ca tử vong.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: trong tháng 5, số nhiễm HIV mới phát hiện là 977 người, tính từ đầu năm đến 20/5/2004 số nhiễm HIV là 80.923 người, trong đó có 12.596 người chuyển sang AIDS.
So với tháng 4 năm 2004, số người nhiễm HIV giảm 34,7%, bệnh nhân AIDS giảm 72,9% và số tử vong giảm 53%. So với cùng kỳ năm 2003, số người nhiễm HIV giảm 45,3%, số bệnh nhân AIDS tăng 30,1% và số tử vong giảm 4%.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo công tác bình ổn giá thuốc chữa bệnh, hoàn chỉnh quy trình nhập khẩu thuốc, xây dựng đề án sản xuất thuốc theo hợp đồng và quy chế nhập khẩu thuốc, đồng thời xây dựng Pháp lệnh xử phạt vi phạm quản lý giá thuốc chữa bệnh cho người.
5. Văn hóa thông tin, Phát thanh Truyền hình.
Ngành Văn hoá Thông tin, Phát thanh Truyền hình tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú và 114 năm ngày sinh Bác Hồ. Tổ chức thành công cuộc đua xe đạp về Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngành thể dục thể thao đã cố gắng nâng cao điều kiện sinh hoạt và vật chất cho vận động viên tập huấn tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (nâng mức ăn từ 45 nghìn đồng lên 60 nghìn đồng/ngày).
6. Về công tác tôn giáo.
Các cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục thực hiện tốt quản lý Nhà nước về tôn giáo và tuyên truyền chính sách tôn giáo của Nhà nước. Đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động về tôn giáo với phương châm "Tốt đời, đẹp đạo" như: tạo điều kiện để Tòa Tổng giám mục Huế phối hợp với Ủy ban Giáo dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức hội nghị tọa đàm về "Sống đạo theo cung cách Việt Nam" với 600 người tham dự; tổ chức ngày lễ Phục sinh theo tinh thần "Kính Chúa, Yêu nước"; tổ chức việc công nhận các chi hội thuộc Hội thánh Tin lành Tổng Liên Hội... góp phần giảm số tín đồ tham gia gây rối tại Tây Nguyên vừa qua.
Tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức công tác đón tiếp đoàn Vatican theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Hội nghị Hợp tác về công tác tôn giáo Việt - Lào.
7. Vấn đề an ninh, phòng chống tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông.
Tội phạm ma tuý diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động của đối tượng tinh vi hơn, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. Các địa phương phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng quá tải của các trung tâm cai nghiện ở các tỉnh, thành phố (tại Hà Nội, các trung tâm đều quá tải 20-30%; trung tâm Phú Văn, thành phố Hồ Chí Minh đến cuối tháng 3 quá tải đến 43,6%; trung tâm Bình Triệu quá tải 24%). Riêng tại Hà Nội, trong tháng 5 có trung tâm đã phải tạm dừng tiếp nhận đối tượng vào cai nghiện.
Tội phạm kinh tế, đặc biệt là tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ, tham nhũng,... xảy ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước. Tiền giả xuất hiện nhiều và có chiều hướng gia tăng.
Công tác kiềm chế tai nạn giao thông đã có tiến bộ. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông, các ngành chức năng đã sử dụng máy đo tốc độ để kiểm tra xử lý các loại xe chạy quá tốc độ trên 20 tuyến đường nội ngoại thành Hà Nội. Trong tháng 4, đã xảy ra 6.464 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 1.323 vụ; đường sắt 32 vụ; đường thuỷ nội địa 22 vụ) với 895 người chết và 1.193 người bị thương, so với tháng trước giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương.
Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm duy trì được tốc độ tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao, xuất nhập khẩu đạt khá, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất; thu chi ngân sách bảo đảm tiến độ; các hoạt động xã hội được duy trì tốt.
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU TRONG 5 THÁNG NĂM 2004 NHƯ SAU:
Chỉ tiêu
|
5 tháng năm 2003
|
5 tháng năm 2004
|
- Nhịp tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)
|
15,6
|
15,3
|
- Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD)
|
7.897
|
9.545
|
- Nhịp tăng xuất khẩu (%)
|
31,3
|
17,3
|
- Kim ngạch nhập khẩu (triệu USD)
|
10.004
|
11.506
|
- Nhịp tăng nhập khẩu (%)
|
38,8
|
13,0
|
- Thực hiện vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước tập trung (tỷ đồng)
|
8.994
|
14.719
|
- Thực hiện vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước tập trung so với kế hoạch năm (%)
|
40,5
|
39,7
|
- Thu ngân sách nhà nước (tỷ đồng)
|
52.985
|
61.697
|
- Thu NSNN/dự toán (%)
|
42,8
|
41,3
|
- Chi ngân sách nhà nước (tỷ đồng)
|
60.400
|
67.663
|
- Chi NSNN/dự toán (%)
|
38,2
|
36,1
|
- Chỉ số giá tiêu dùng (%)
|
2,4
|
6,3
|
Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng gần đây tiếp tục xu hướng phát triển tích cực, nhưng tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong 3 tháng gần đây có xu hướng chậm lại; giá dầu thô trên thế giới tăng cao trong thời gian dài có thể gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng xấu đến đời sống của nhân dân; chỉ số giá tiêu dùng vượt xa so với mức kế hoạch; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả thấp; trật tự an ninh và an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; số vụ tai nạn giao thông vẫn còn lớn, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng còn xảy ra nhiều gây bức xúc trong nhân dân,.… Trong bối cảnh trên, các Bộ, ngành cần chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để thực hiện các giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết Trung ương 9, Nghị quyết 01/CP và Nghị quyết của các phiên họp của Chính phủ để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế kế hoạch năm 2004 đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt tập trung vào những vấn đề sau:
Một là, ngăn chặn đà sụt giảm về tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may tìm đầu ra cho sản phẩm do hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ và EU trong những tháng cuối năm còn rất thấp. Chỉ đạo các doanh nghiệp đa dạng hoá các mặt hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời triển khai mạnh mẽ các biện pháp giảm chi phí sản xuất và kinh doanh để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hai là, kịp thời nắm bắt những biến động của tình hình giá cả, đặc biệt là giá dầu trên thế giới; dự báo những tác động dây chuyền để chủ động có giải pháp, chính sách thích hợp nhằm bảo đảm cho nền kinh tế hoạt động ổn định khi giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng đột biến. Tăng cường theo dõi diễn biến cung cầu các mặt hàng chiến lược, các mặt hàng có ảnh hưởng lớn tới giá cả, trước hết là lương thực và các loại thực phẩm chính, xăng dầu, sắt thép, dược phẩm.
Thực hiện điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, nâng cao vai trò điều tiết, kiểm soát tiền tệ của Ngân hàng nhà nước nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định sức mua của đồng tiền, ổn định lãi suất và kiểm soát lạm phát.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là ở các dự án trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục, các công trình lớn về giao thông, thủy điện, thủy lợi. Chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị 29/CT của Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời sắp xếp lại các dự án, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết nhằm tăng thêm số lượng các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2004. Tăng cường công tác giám sát đầu tư để hạn chế lãng phí và tiêu cực trong đầu tư.
Bốn là, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước lớn; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp quy để mở rộng diện các doanh nghiệp nhà nước lớn cần cổ phần hoá, bao gồm cả một số tổng công ty và doanh nghiệp lớn trong các ngành điện lực, luyện kim, cơ khí, hoá chất, phân bón, xi măng, xây dựng, vận tải đường bộ, đường sông, hàng không, hàng hải, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm.
Năm là, nhanh chóng sửa đổi Nghị định 164 về thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định 158 về thuế giá trị gia tăng theo hướng đảm bảo nguyên tắc không giảm ưu đãi so với trước để đạt được mục tiêu đã đề ra về thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2004. Đồng thời, cần tập trung vận động đầu tư đối với các dự án lớn mà nhà đầu tư đang hoãn tiến độ hình thành dự án. Tiếp tục đẩy nhanh công tác thẩm định đối với các dự án đã nộp hồ sơ nhưng đang gặp vướng mắc.
Sáu là, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai; rà soát ngay các phương án bảo vệ đê điều và các công trình ven sông; củng cố đê điều ở những nơi xung yếu. Tránh tâm lý chủ quan coi nhẹ tác động của thời tiết.
Bảy là, quan tâm thích đáng tới các hoạt động văn hoá, xã hội. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông. Sửa chữa ngay những cung đường nguy hiểm thường xảy ra tai nạn, tăng cường các biển báo tại các đoạn đường nguy hiểm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng các phương tiện giao thông, kể cả phương tiện giao thông đường thuỷ. Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư