Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 6 năm 2004 và 6 tháng đầu năm và giải pháp chủ yếu trong những tháng cuối năm 2004
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 6 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM.
(Tóm tắt Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2004)
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 6 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2004.
Đánh giá tổng quát:
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức liên tiếp phát sinh như dịch cúm gia cầm; rét đậm kéo dài và hạn hán nặng nề; giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu trên thế giới, đặc biệt là giá xăng dầu liên tục tăng... ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Để hạn chế thấp nhất những tác động xấu do những yếu tố không thuận gây ra, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và các hoạt động xã hội phát triển.
Nhìn chung, nền kinh tế nước ta trong những tháng đầu năm vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, tình hình kinh tế đã có những nét tiến bộ trên một số lĩnh vực như sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá; đầu tư phát triển, thu ngân sách đạt cao, dịch vụ tăng khá, nhất là thu nhập của nông dân được cải thiện rõ rệt, góp phần kích cầu trong nước... Nổi bật là:
Một là, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng tiếp tục tăng 15,4%, cao hơn so với kế hoạch năm (kế hoạch 15%). Giá trị gia tăng công nghiệp 6 tháng đầu năm 2004 tăng 10,6%, cao hơn 6 tháng đầu năm 2003 (6 tháng đầu năm 2003 tăng 9,9%). Điểm nổi bật là chất lượng nhiều sản phẩm công nghiệp của các thành phần kinh tế được nâng cao, bước đầu đã có sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước. Các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng sản phẩm, nhờ đó không chỉ bảo đảm cho thị trường trong nước mà còn góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2004.
Hai là, các ngành dịch vụ phát triển khá với chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Thị trường trong nước được mở rộng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 17,3%, góp phần tăng trưởng chung của toàn ngành dịch vụ.
Ba là, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều tiến bộ. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về thị trường và giá cả nhưng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng gần 20% so với cùng kỳ, vượt xa mức kế hoạch đề ra (kế hoạch là 12%).
Bốn là, lĩnh vực văn hoá, thông tin phát triển, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần định hướng lối sống lành mạnh và giữ gìn bản sắc dân tộc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Công tác xoá đói giảm nghèo có nhiều tiến bộ, tiếp tục phát huy các kết quả về xoá đói giảm nghèo đã đạt được.
Năm là, chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong 6 tháng năm 2004 như sau:
Các chỉ tiêu chủ yếu
|
6 tháng 2003
|
6 tháng 2004
|
(1). Tốc độ tăng trưởng GDP (%)
|
6,9
|
7,03
|
Trong đó: Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp (%)
|
2,49
|
2,0
|
Khu vực công nghiệp và xây dựng (%)
|
10,21
|
10,0
|
Khu vực dịch vụ (%)
|
6,38
|
7,0
|
GDP theo giá thực tế (nghìn tỷ đồng)
|
279,7
|
319,2
|
(2) Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)
|
15,7
|
15,4
|
(3) Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp (%)
|
3,5
|
3,1
|
(4) Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (%)
|
32,6
|
19,8
|
(5) Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu (%)
|
38,5
|
14,7
|
(6) Đầu tư xã hội so với GDP (%)
|
36,6
|
36,1
|
(7) Thu Ngân sách Nhà nước (nghìn tỷ đồng)
|
55,7
|
77,2
|
Thu NSNN so với dự toán (%)
|
53
|
50
|
Tăng so cùng kỳ (%)
|
9,4
|
12,5
|
(8) Chi Ngân sách nhà nước (nghìn tỷ đồng)
|
62,7
|
82
|
(9) Chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ (%)
|
2,1
|
7,2
|
Lạm phát GDP (%)
|
5,7
|
6,6
|
(10) Tạo việc làm mới (nghìn người)
|
680
|
650
|
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, còn nhiều khó khăn, tồn tại, đó là:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm mới đạt trên 7% (quý I năm 2004 đạt 7,0%, quý II đạt gần 7,1%) còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của kế hoạch là 7,5-8% và so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 9 là trên 8%.
- Mặc dù giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp, xây dựng tăng cao, nhưng mức tăng giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp, xây dựng lại đạt thấp so với 6 tháng đầu năm 2003 (6 tháng đầu năm 2003 công nghiệp, xây dựng tăng 10,21% trong khi 6 tháng đầu năm 2004 chỉ tăng 10,0%).
- Giá trị sản xuất của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp quý II tuy đã cao hơn nhiều so với quý I, nhưng 6 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 3,1%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (mục tiêu là 4,6%). Tốc độ tăng của giá trị gia tăng của khu vực này thấp hơn 6 tháng đầu năm 2003 (6 tháng đầu năm 2004 chỉ đạt 2% trong khi 6 tháng đầu năm 2003 đạt 2,49%).
- Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất tăng liên tục từ đầu năm và đứng ở mức cao đang làm chi phí sản xuất và dịch vụ tăng lên đáng kể, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng cao hơn nhiều so với mức kế hoạch và còn có khả năng tiếp tục tăng trong những tháng tới, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
- Tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư chậm, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục.
- Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, tình hình tai nạn giao thông chưa được ngăn chặn hữu hiệu là mối lo ngại sâu sắc của dư luận.
Tình hình cụ thể về thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 2004 như sau:
1. Về các hoạt động kinh tế:
(1) Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao đặc biệt khu vực ngoài quốc doanh đã đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành.
Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp có những nét nổi trội là:
Một là, mặc dù bị áp lực nặng nề do giá một số nguyên, nhiên liệu nhập khẩu như sắt thép, xăng dầu, nguyên liệu nhựa... tăng mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhưng giá trị sản xuất toàn ngành 6 tháng tiếp tục tăng cao, khoảng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 0,4% so với kế hoạch cả năm.
Hai là, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh tiếp tục tăng khá mạnh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, 6 tháng đầu năm 2004 khu vực này tăng 21,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 18,2%).
Ba là, một số sản phẩm quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2004 tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với cùng kỳ năm 2003 là than sạch khai thác tăng 32,4%, thuỷ sản chế biến tăng 16,2%, quần áo may sẵn tăng 17,8%, quần áo dệt kim tăng 17,3%, giấy bìa các loại tăng 29,7%; xà phòng các loại tăng 17,6%; gạch lát tăng 20,8%, máy công cụ tăng 18,3%, ắc quy tăng 27,6%, tivi các loại tăng 34,6%, xe máy các loại tăng 46,8% và đặc biệt là xe đạp hoàn chỉnh tăng 105,4%.
Một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp trên địa bàn lớn, đã phấn đấu để có mức tăng cao hơn mức tăng chung, là Hà Nội tăng gần 16%, Bình Dương tăng 33%, Vĩnh Phúc tăng gần 25%, Khánh Hoà hơn 21%, Hải Phòng tăng 16%, Quảng Ninh tăng hơn 23%, Đồng Nai tăng hơn 19%, Cần Thơ tăng 24%.…
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm còn một số khó khăn như:
Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt thấp hơn mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,7%) và chưa thật vững chắc, đang có xu hướng giảm dần: quý I năm 2004 tăng 15,6%, quý II tăng 15,2%.
Một số sản phẩm gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nên tăng ở mức thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước; đáng chú ý là đường mật các loại giảm 3%, thuốc ống các loại giảm 4,6%, thép cán giảm 0,5%, động cơ điêzen giảm 11,5%, quạt điện dân dụng giảm 9%, ô tô các loại giảm 2%.
Một số tỉnh, thành phố lớn có tỷ trọng công nghiệp lớn, còn gặp nhiều khó khăn nên chưa đóng góp được cho tốc độ tăng trưởng chung của ngành như thành phố Hồ Chí Minh liên tục trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn mức tăng chung của toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2004 chỉ bằng 1/2 cùng kỳ năm 2003. Điểm đáng chú ý là sản xuất công nghiệp do các địa phương quản lý có tốc độ tăng chậm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm 2004 chỉ tăng 7% (cùng kỳ tăng 11,9%).
Công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,7%, thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 18,1%). Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng thấp do một số sản phẩm quan trọng của khu vực này giảm như: ô tô, thép,...
(2) Sản xuất nông nghiệp vượt qua những khó khăn đầu năm, đang dần phục hồi và phát triển. Sản lượng lúa đông xuân năm 2004 ước đạt 16,9 triệu tấn, cao hơn vụ đông xuân năm trước khoảng 100 nghìn tấn (năng suất lúa bình quân ước đạt 56,9 tạ/ha, tăng khoảng 2,2% so với vụ trước). Nếu tính cả sản lượng ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân đạt 18,6 triệu tấn.
Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong quý II/2004 tăng cao hơn quý I, nên giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2004 tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong đó ngành trồng trọt tăng 2,6%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,4%), ngành chăn nuôi giảm 2,2% so với cùng kỳ, ngành lâm nghiệp tăng 0,3% (cùng kỳ tăng 0,1%); ngành thuỷ sản tăng 5,7% (cùng kỳ tăng 8,5%).
Sản lượng thuỷ sản tháng 6 ước đạt 235 nghìn tấn; tính chung cả 6 tháng đạt hơn 1.262 nghìn tấn, bằng 48% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2003, trong đó nuôi trồng thuỷ sản ước đạt hơn 512 nghìn tấn, bằng 43% kế hoạch năm và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2003; khai thác đạt hơn 750 nghìn tấn, bằng 52% kế hoạch năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2004, đã trồng mới 55 nghìn ha rừng, trong đó rừng phòng hộ đặc dụng 30 nghìn ha, đạt 40,7% kế hoạch; quản lý bảo vệ rừng được 2,3 triệu ha; khoanh nuôi tái sinh 560 nghìn ha.
Khó khăn nhất của ngành nông nghiệp là:
Hậu quả của dịch cúm gia cầm trong những tháng đầu năm còn nặng nề. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm đã gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp về gia cầm bị chết, tiêu huỷ là 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó tình hình khôi phục chăn nuôi gia cầm tiến triển chậm, chủ yếu do tâm lý của người chăn nuôi e ngại dịch tái bùng phát, giá thức ăn chăn nuôi cao, các hộ nuôi quy mô lớn lại thiếu vốn.
Thời tiết khô hạn, ít mưa, giá vật tư nông nghiệp cao... tác động tiêu cực tới sự phát triển của ngành trồng trọt.
Do hạn hán, cháy rừng đã xảy ra ở nhiều nơi, sơ bộ ước tính từ đầu năm đến 31 tháng 5 năm 2004 xảy ra 527 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy khoảng 2.900 ha, bằng 50% cả năm 2003, trong đó 2.780 ha rừng trồng và 152 ha rừng tự nhiên, chủ yếu ở Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và một số vụ ở Kiên Giang.
(3) Các hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển, thị trường trong nước phát triển khá; thu nhập của nông dân được cải thiện rõ rệt.
Trong 6 tháng đầu năm hoạt động của ngành dịch vụ có những nét nổi bật là:
Thị trường trong nước 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng xã hội trong tháng 6 tăng 2,2% so với tháng 5. Tính chung cả 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng xã hội ước đạt 178,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ (6 tháng năm 2003 là 10,3%). Nhờ được giá về lương thực và thực phẩm, thu nhập của nông dân tăng lên đáng kể. Đây là nhân tố thúc đẩy thị trường phát triển, khích thích tiêu dùng góp phần tăng trưởng kinh tế.
Các hoạt động vận tải về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và nhu cầu đi lại của dân cư với chất lượng cao hơn. Vận tải hàng hoá 6 tháng ước đạt 129,3 triệu tấn và 27,8 tỷ tấn.km, tăng 5% về vận chuyển và 7,6% về luân chuyển so với cùng kỳ. Vận tải hành khách ước đạt 473 triệu lượt người và 21 tỷ hành khách km, tăng 3,8% so với cùng kỳ về hành khách vận chuyển và tăng 10,8% về hành khách luân chuyển.
Ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng số lượng khách du lịch. Với chương trình du lịch "Con đường di sản miền Trung", Festival Huế đã thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Khách du lịch quốc tế trong tháng 6 ước đạt 230 nghìn lượt người và tính chung cả 6 tháng, ước đón được gần 1,43 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ trên 1,1 triệu lượt người, bằng khoảng 86%), trong đó khách từ Mỹ tăng 8,9%, khách Nhật tăng 57,7%, khách Pháp tăng 83%, khách ASEAN tăng 53,9%...; khách du lịch nội địa ước đạt khoảng 7 triệu lượt người, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Bưu chính Viễn thông tiếp tục phát triển khá: Trong 6 tháng đầu năm tăng thêm 1,11 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao có trên mạng lên 8,44 triệu máy, đạt mật độ 10,4 máy điện thoại/100 dân; tăng thêm 367 ngàn thuê bao Internet, nâng tổng số người sử dụng dịch vụ Internet là 4,7 triệu, đạt mật độ 5,42 người sử dụng/100 dân. Ngành Bưu chính Viễn thông đã triển khai các biện pháp hạn chế hiện tượng nghẽn mạch điện thoại di động của mạng Vinaphone và Mobiphone; điều chỉnh khung giá cước điện thoại quốc tế, điện thoại di động.
Tuy nhiên, tình hình quản lý thị trường 6 tháng đầu năm có nhiều phức tạp. Thị trường đang nóng lên do sự tăng giá mạnh của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống,... Đồng thời, nhiều hàng hoá quan trọng đều có những biến động mạnh về giá như sắt thép, xăng dầu, thuốc tân dược,... dẫn tới công tác quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn. Các vụ buôn lậu qua biên giới, hàng nhái, hàng quá thời hạn sử dụng, kinh doanh không đăng ký,... gia tăng. Trong tháng 6, đã xử lý 5.200 vụ vi phạm với số tiền phạt khoảng 13 tỷ đồng; tính chung 6 tháng, tổng số vụ vi phạm lên tới gần 30 nghìn vụ với tổng số tiền phạt gần 65 tỷ đồng.
Tình hình giá xăng dầu tăng đang gây khó khăn trong việc giữ ổn định giá cước vận tải hàng hóa và hành khách. Các doanh nghiệp taxi đã dự định tăng giá. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vận tải đang chủ động giảm lợi nhuận để giữ khách hàng. Đối với vận chuyển hàng xuất khẩu đi các nước bằng tàu biển, giá cước vận tải biển có thể tăng lên từ ngày 1 tháng 7 tới theo mức chung của Hiệp hội Vận tải Đông Nam Á: Hàng từ Việt Nam đi các cảng thuộc Đông Nam Á, cước vận chuyển sẽ tăng 50USD/1 container 20 feet và 100USD/1 container 40 feet. Với các cảng ngoài Đông Nam Á, tăng lên là 150USD/1 container 20 feet và 300 USD/1 container 40 feet. Mức tăng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
(4) Kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng khá, nhất là những mặt hàng chủ lực và thị trường quan trọng.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước đạt 2,05 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng khoảng 19,3% so với tháng 6 năm 2003. Đây là tháng đầu tiên vượt ngưỡng 2 tỷ USD kể từ trước đến nay.
Tính chung cả 6 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt xấp xỉ 11,8 tỷ USD, tăng 19,8% so với 6 tháng năm 2003 (bình quân đạt 1,97 tỷ USD/tháng, cao hơn so với cùng kỳ là 1,64 tỷ USD/tháng). Kim ngạch xuất khẩu tăng thêm bao gồm cả yếu tố tăng giá và tăng lượng hàng xuất khẩu, trong đó tăng thêm do tăng số lượng hàng xuất khẩu chiếm hơn 70%. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không kể dầu thô ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Nếu kể cả dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này ước đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2003.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong 6 tháng đầu năm đều tăng cả về số lượng và kim ngạch, bao gồm: dầu thô ước đạt 9,7 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ (do tăng 12,6% về lượng và 13% về giá); hàng dệt may ước đạt 2 tỷ USD, tăng 7,8%; hàng giày dép đạt 1,3 tỷ USD, tăng 12,9%; cà phê tăng 52,4%; hạt điều tăng 30,3%,... Một số mặt hàng xuất khẩu mới có nhiều tiềm năng như xe đạp và phụ tùng; dây điện và cáp điện; hàng điện tử; máy tính và linh kiện,... tuy kim ngạch xuất khẩu chưa chiếm tỷ trọng lớn nhưng liên tục đạt mức tăng trưởng cao: sản phẩm đồ gỗ đạt 492 triệu USD, tăng 88,5% (cùng kỳ đạt 261 triệu USD), xe đạp và phụ tùng xe đạp tăng 67,1%; dây điện và cáp điện tăng 26,9%; hàng điện tử tăng 43,4%... Một số mặt hàng nông sản khác như lạc nhân, hàng rau quả, cao su, gạo,... nhờ yếu tố giá tăng đã làm kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng này tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có sự thay đổi rõ rệt so với cùng kỳ năm 2003. Thị trường Mỹ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng khoảng 8,5%, vào thị trường Nhật Bản tăng 12,6%, vào thị trường EU tăng gần 13%, chủ yếu là do tăng xuất khẩu của hàng dệt may và sản phẩm gỗ,...
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt được mức tăng trưởng khá là do:
(1) Tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp đã nhận thức được áp lực cạnh tranh khi tham gia thị trường thế giới, đã có những thay đổi tích cực trong cách thức tiếp cận thị trường, chủ động sản xuất kinh doanh,.…
(2) Nhiều chính sách mới liên quan đến xuất khẩu như: chính sách về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá dài hạn đã ổn định; chính sách ưu đãi đầu tư; tín dụng cho các ngành hàng xuất khẩu; chính sách thưởng kim ngạch xuất khẩu đối với những mặt hàng cần khuyến khích xuất khẩu; chương tình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia,... đã và đang đi vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy xuất khẩu;
(3) Kinh tế trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng khá làm tiền đề quyết định nguồn lượng hàng hoá xuất khẩu cả về quy mô và chất lượng;
(4) Nền kinh tế thế giới đầu năm 2004 phục hồi mạnh và có mức tăng trưởng khá cao so với năm 2003 tạo ra sức mua của các thị trường lớn tăng cao. Đồng thời do giá xuất khẩu tăng, nhất là giá dầu thô, đã làm tăng thêm kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 năm 2004 ước đạt 2,53 tỷ USD, xấp xỉ bằng tháng trước và tăng khoảng 16,7% so với tháng 6 năm 2003. Tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 14,1 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước (năm 2003 là 40,8%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,07 tỷ USD, tăng khoảng 18,2% so với cùng kỳ, chiếm 35,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ, nhất là các mặt hàng nguyên, phụ liệu để phục vụ sản xuất và xuất khẩu như: vải đạt 1,1 tỷ USD, tăng 43,5%; bông các loại đạt 67 nghìn tấn, tăng 45%; nguyên phụ liệu dệt, may, da đạt 1,2 tỷ USD, tăng 11,4%; hoá chất các loại đạt 287 triệu USD, tăng 17,3%; chất dẻo nguyên liệu đạt 534 triệu USD, tăng 14,4%,... Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu thấp hơn cùng kỳ là: phân bón các loại, thép các loại, giấy, máy móc, thiết bị phụ tùng, linh kiện điện tử,...
Tuy nhiên, lĩnh vực xuất, nhập khẩu của Việt Nam có một số tồn tại như:
- Mặc dầu, nhập siêu 6 tháng đầu năm ở mức 2,36 tỷ USD, thấp hơn so với mức nhập siêu của 6 tháng cùng kỳ (6 tháng năm 2003, nhập siêu là 2,5 tỷ USD) nhưng mức nhập siêu vẫn còn ở mức cao (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng liên tục từ đầu năm, nhất là giá xăng dầu và các sản phẩm có nguồn gốc từ hoá dầu. Mặt khác, nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, do đó khi thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu đồng nghĩa với việc tăng kim ngạch nhập khẩu.
- Điều hành để thực hiện hạn ngạch dệt may chưa tốt, nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh,...) chưa thực hiện tốt việc phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thời gian giao hàng mà doanh nghiệp cam kết; nhiều doanh nghiệp bị động trong việc xuất khẩu hàng dệt may, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.
- Xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn, đạt thấp so với kế hoạch (6 tháng đầu năm đạt 983 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ và bằng 38% kế hoạch năm). Ngành chế biến gỗ tuy đang là mặt hàng dẫn đầu về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng đang đối mặt với vấn đề giá nguyên liệu gỗ tăng cao.
- Thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hải quan, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Thời gian hoàn thành thủ tục hải quan còn chậm. Các mặt hàng xuất khẩu còn chịu nhiều loại phí khi xuất hàng và chi phí vận chuyển còn cao đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
(5) Đầu tư phát triển
Thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2004 ước đạt 115,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,3% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2003 đạt 47,9%), tăng 12% so với cùng kỳ năm 2003 và bằng 36,1% GDP, trong đó:
Nguồn vốn ngân sách nhà nước ước đạt 26,4 nghìn tỷ đồng, bằng 49,3% kế hoạch, tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó nguồn vốn ngân sách tập trung đạt 18,4 nghìn tỷ đồng bằng 49,6% kế hoạch, đạt thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước (6 tháng đầu năm 2003 bằng 51,8% kế hoạch); các cơ quan Trung ương đạt 7.063 tỷ đồng, bằng 54,3% kế hoạch; địa phương đạt 11.330 tỷ đồng, bằng 47,1% kế hoạch.
Bộ Giao thông Vận tải đạt 60,6% kế hoạch năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 47,8%, Bộ Xây dựng đạt 48,3%, Bộ Công nghiệp đạt 44,7%, Bộ Thủy sản đạt 47,7%, Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 40%, Bộ Văn hoá Thông tin đạt 45%, Bộ Y tế đạt 39,4%.
Vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đạt 22,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,1% kế hoạch, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2003.
Tình hình thu hút và giải ngân vốn vốn ODA đạt khá so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến ngày 17 tháng 6 năm 2004, nguồn vốn ODA được hợp thức hoá bằng các hiệp định ký kết với các nhà tài trợ đạt trị giá gần 1,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2003, trong đó vốn vay đạt 1,2 tỷ USD và viện trợ không hoàn lại đạt gần 100 triệu USD. Giá trị ODA ký kết tập trung vào 3 nhà tài trợ chủ yếu là Nhật Bản, Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) với tổng trị giá đạt trên 1,17 tỷ USD, chiếm khoảng 94,7% tổng giá trị hiệp định đã ký kết từ đầu năm.
Việc giải ngân các dự án ODA đã được cải thiện nhiều. Mức giải ngân ODA trong 6 tháng ước đạt khoảng 750 triệu USD, tăng hơn 27% so với mức giải ngân của cùng kỳ năm trước và bằng 41% kế hoạch giải ngân cả năm (cùng kỳ năm 2003, mức giải ngân ODA đạt 610 triệu USD, bằng 35% kế hoạch). Riêng mức giải ngân vốn vay của 3 nhà tài trợ lớn là JBIC, WB và ADB đạt khoảng 580 triệu USD, chiếm 78% tổng trị giá giải ngân của 6 tháng đầu năm.
Vốn đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân tiếp tục tăng, đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2003.
Trong 6 tháng đầu năm 2004, cả nước có thêm 17.300 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký khoảng 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 30% về số doanh nghiệp đăng ký mới và tăng 15% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2003.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 1.634,8 triệu USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2003. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong 6 tháng ước đạt 1.450 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ.
Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 56% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm 25% và lĩnh vực dịch vụ chiếm 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, với 2 dự án lớn được cấp phép trong lĩnh vực chế biến gỗ, tỷ trọng đầu tư vào nông nghiệp đã tăng lên đáng kể.
Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài: trong 6 tháng đầu năm 2004, cả nước đã có 9 dự án được cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5 triệu USD đưa tổng số dự án đầu tư ra nước ngoài là 110 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 221 triệu USD.
Tuy nhiên, trong đầu tư phát triển nổi lên một số vấn đề sau:
- Vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch đạt thấp, ước đạt 7,9 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2003 đạt 32,8%), trong đó nguồn vốn trong nước cho vay theo kế hoạch đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, bằng 16,8% kế hoạch, vốn ODA cho vay lại đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% kế hoạch.
- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2003 cả về số dự án và số vốn đăng ký mới. Tính chung 6 tháng, cả nước có 280 dự án được cấp giấy phép đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký là 806,6 triệu USD, giảm hơn 20% về số dự án và giảm 10% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2003.
- Giải ngân vốn đầu tư các dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ đạt thấp, trong 6 tháng đầu năm 2004, ước giải ngân khoảng 1.700 tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch, hầu hết các công trình trọng điểm sử dụng trái phiếu Chính phủ triển khai rất chậm; công trái giáo dục đạt 895 tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch, trong đó các tỉnh có nhiều khó khăn, đạt kế hoạch thấp là Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc cạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Tây,....
Nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân chậm là do phần lớn các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2004 đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thủ tục đầu tư xây dựng (thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, đấu thầu,...); công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn; năng lực của các đơn vị thi công yếu, thiếu lực lượng.
(6) Về thu ngân sách Nhà nước
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng bằng 50% dự toán năm (cùng kỳ năm trước đạt 53% dự toán), tăng 12,5% so với 6 tháng năm 2003 và bằng 24,2% GDP.
Chi Ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2004 ước bằng 43,7% dự toán năm (cùng kỳ năm 2003 là 46,9%), tăng 14,8% so với cùng kỳ. Bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng bằng 14% dự toán năm và bằng 1,5% GDP.
(7) Hoạt động tiền tệ
Tổng phương tiện thanh toán đến 30 tháng 6 năm 2004 tăng 7,3% so với cuối năm 2003 (cùng kỳ tăng 9,4%), trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng ước tăng 4%.
Huy động vốn đến 30/6/2004 tăng 8,3% so với cuối năm 2003 (cùng kỳ tăng 10,4%).
Tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đến 30/6/2004 tăng 11,8% so với tháng 12/2003 (cùng kỳ tăng 14,2%).
Tổng số nợ xấu đến cuối tháng 6/2004 tăng 8,9% so với cuối năm 2003, giảm 9,18% so với cùng kỳ năm 2003. Ước số nợ xấu bằng 4,67% so với tổng dư nợ.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,8% so với tháng trước (tháng 5 tăng 0,9%). Một số địa phương có chỉ số giá thấp hơn tháng trước như thành phố Hồ Chí Minh tháng 5 tăng 1,8%, tháng 6 giảm xuống còn 0,9%; thành phố Hà Nội tháng 5 tăng 0,6%, tháng 6 chỉ tăng 0,4%.
Tính chung cả 6 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,2%, trong đó nhóm hàng lương thực và thực phẩm (chiếm tỷ trọng 47,7%) tăng cao nhất, ở mức 13,2% (lương thực 11,5%; thực phẩm 14,6%); tiếp đến là dược phẩm, y tế tăng 6,6%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,8%; chỉ số giá các mặt hàng khác tăng ở mức thấp hơn, đều dưới 3%. Giá vàng trong tháng 6 giảm 1,4% so với tháng trước; tính chung cả 6 tháng, giá vàng giảm 0,9%; giá đô la Mỹ tương đối ổn định, tháng 6 không thay đổi so với tháng 5 và trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,2%.
2. Một số vấn đề xã hội.
Ngành giáo dục đã tổ chức tốt công tác thi tốt nghiệp phổ thông các cấp năm học 2003-2004 và đang chuẩn bị cho việc thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp năm 2004. Theo Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi năm 2004 tăng so với năm 2003 từ 10-15%. Các trường sư phạm, đặc biệt là ngành nhạc, hoạ, thể dục có số thí sinh dự thi tăng cao do nhu cầu giáo viên nhạc, hoạ, thể dục lớn. Số đăng ký dự thi vào các trường trung học chuyên nghiệp Trung ương và các tỉnh phía Nam giảm so với năm 2003, trong khi các trường địa phương khác có số đăng ký dự thi cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng các địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình Xoá phòng học 3 ca, kiên cố hoá trường, lớp học. Hiện nay đã xây dựng được gần 30 nghìn phòng học, đưa vào sử dụng 11,3 nghìn phòng, đạt 16,7% kế hoạch.
Số người được giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm 2004 đạt khoảng 650 nghìn người, bằng 41% kế hoạch cả năm, trong đó Quỹ Quốc gia Hỗ trợ việc làm cho vay giải quyết việc làm cho khoảng 120 nghìn người; các khu công nghiệp, khu chế xuất thu hút 25 nghìn lao động; các doanh nghiệp mới thành lập theo Luật Doanh nghiệp thu hút khoảng 140 nghìn lao động; các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút khoảng khoảng 30 nghìn lao động; xuất khẩu lao động và chuyên gia nước ngoài 30,4 nghìn người.
Số lao động giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm 2004 có xu hướng chậm lại so với cùng kỳ năm trước; thất nghiệp khu vực thành thị có khả năng sẽ gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng trưởng của một số tỉnh, thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng chậm lại; số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm; tình hình xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại thị trường trọng điểm Malaixia; nhiều địa phương còn lúng túng với cơ chế vận hành mới khi Quỹ Quốc gia Giải quyết việc làm được chuyển giao từ hệ thống kho bạc Nhà nước sang hệ thống các Ngân hàng chính sách xã hội.
Công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục được đẩy mạnh. Ngành Y tế đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch phức tạp xảy ra theo mùa như bệnh đường hô hấp, bệnh cúm, tiêu chảy cấp, sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh viêm não virus. Duy trì việc giám sát chặt chẽ dịch bệnh SARS, viêm đường hô hấp do virus H5N1 và các dịch bệnh khác.
Mặc dù đã dự báo trước và nhiều biện pháp phòng chống dịch đã được triển khai, nhưng dịch bệnh vẫn xuất hiện ở một số địa phương, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết ở khu vực các tỉnh phía Nam. Tính đến ngày 17/6, cả nước có trên 17.745 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó 33 người tử vong. Số người mắc tăng 80%, số chết tăng 11 trường hợp so với cùng kỳ năm trước; các tỉnh phía Nam chiếm hơn 90% số ca mắc và tử vong, đặc biệt là tại các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Bạc Liêu. Các dịch bệnh khác như sốt rét, tiêu chẩy,... giảm so với cùng kỳ cả về số người mắc bệnh và số người bị tử vong.
Số người nhiễm HIV đến ngày 17/6/2004 là 81.676 người, trong đó, 12.776 người chuyển sang AIDS và 7.245 người tử vong.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch mùa hè, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức tự giác phòng chống bệnh của nhân dân, tăng cường các hoạt động dựa vào cộng đồng để phòng chống dịch bệnh mùa hè, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Nhiều địa phương đã phát động và tổ chức các chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết như vệ sinh môi trường sống, diệt bọ gậy, muỗi; tăng cường giám sát, đặc biệt là ở các vùng ổ dịch cũ, các vùng trọng điểm, vùng núi, vùng sâu, vùng xa; tập huấn cho các bác sỹ điều trị tại các bệnh viện các tuyến để chủ động phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong đặc biệt là ở trẻ em; tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hoạt động văn hóa - thông tin diễn ra sôi nổi, ngành văn hoá thông tin, phát thanh, truyền hình đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú tuyên truyền kỉ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú, 114 năm ngày sinh nhật Bác; tổ chức những hoạt động văn hoá kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; tổ chức Festival Huế, tuyên truyền ngày bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp và kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XI,...
Thực hiện chính sách ưu đãi với người có công: 6 tháng đầu năm đã cấp được 1.968 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện chế độ ưu đãi thường xuyên với người có công, bằng 49% so với kế hoạch. Trong đó, kinh phí để chi trả 1 lần cho các đối tượng là người có công với cách mạng mới chỉ thực hiện được 150 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 20% kế hoạch (900 tỷ đồng), nguyên nhân là do việc xác nhận, làm thủ tục ở địa phương tiến hành chậm. Đã chi 71 tỷ đồng trong nguồn vượt thu ngân sách năm 2003 để đầu tư dự án nhà ở cho cán bộ lão thành cách mạng.
Bảo trợ xã hội: tính đến ngày 20/5, có 157.400 hộ với khoảng 700 nghìn nhân khẩu thiếu đói, chiếm 1,4% số hộ và 1,3% số nhân khẩu nông nghiệp (so với cùng kỳ năm 2003 số hộ và số nhân khẩu thiếu đói giảm khoảng 20%). Các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói khoảng 3.600 tấn lương thực và 6,4 tỷ đồng (riêng tháng 5 hỗ trợ 1.000 tấn và trên 600 triệu đồng). Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất 1.800 tấn gạo cứu trợ cho đồng bào các tỉnh Tây Nguyên.
Phòng chống tệ nạn xã hội: Tính đến tháng 6 năm 2004, cả nước có 127.209 người nghiện ma tuý (chưa kể số đối tượng nghiện trong các cơ sở do ngành Công an quản lý), tăng khoảng 3,95% (4.835 người) so với cùng kỳ năm 2003. Các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống ma tuý và cai nghiện ở các tỉnh, thành phố có số lượng người nghiện cao. Công tác tổ chức cai nghiện có những bước tiến tích cực. Trong 6 tháng, đã tổ chức cai nghiện cho 48.134 người, trong đó số tiếp nhận mới vào cai nghiện là 9.484 người. Các địa phương có thành tích tốt trong tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma tuý là thành phố Hà Nội (2.547 người), thành phố Hồ Chí Minh (2.272 người), thành phố Hải Phòng (653 người), Long An (594 người)... Tuy nhiên, tình hình nghiện ma tuý còn khá phức tạp, gần 70% số người nghiện ma tuý trong độ tuổi dưới 30; khoảng 70% số người nghiện sử dụng hêrôin với hình thức tiêm, chích; tại các trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội có khoảng 50-60% người nghiện ma tuý đã bị nhiễm HIV/AIDS.
Trong 6 tháng đầu năm 2004, đã tổ chức giáo dục tập trung và chữa trị cho 3.914 gái mại dâm, trong đó 3.126 người tại các trung tâm. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và phát hiện 2.241 cơ sở tổ chức hoạt động mại dâm; trong đó, đã dùng các biện pháp xử lý như cảnh cáo 806 cơ sở, đình chỉ kinh doanh 10 cơ sở, thu hồi giấy phép hoạt động 9 cơ sở,... thu phạt hơn 1 tỷ đồng; triệt phá 209 vụ tổ chức hoạt động mại dâm, trong đó bắt giữ và đưa đi giáo dục 1.099 gái mại dâm, 226 chủ chứa và 142 đối tượng môi giới. Các địa phương đã tích cực triển khai Pháp lệnh phòng, chống mại dâm bằng các hoạt động cụ thể như tuyên truyền, giáo dục, tổ chức thi tìm hiểu Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; phát động tháng hành động phòng, chống mại dâm; phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em,...Tuy nhiên, hoạt động mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp, biến tướng ngày càng tinh vi, đặc biệt là trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ gây khó khăn cho việc phát hiện và triệt phá. Tình hình buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới vẫn chưa giảm.
Tình hình tai nạn giao thông có xu hướng tăng cao: trong tháng 5/2004, xẩy ra 1.522 vụ tai nạn giao thông (tăng 145 vụ so với tháng 4/2004), 1.090 người chết (tăng 195 người), 1.409 người bị thương (tăng 216 người). Tính chung cả 5 tháng, đã xảy ra 7.733 vụ tai nạn giao thông, giảm 22,3% so với cùng kỳ; 5.149 người chết, tăng 5% và 7.275 người bị thương, giảm 32,2%. Bình quân mỗi ngày có 51 vụ tai nạn, 34 người tử vong và 48 người bị thương.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do: (1) lưu lượng giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tăng, đặc biệt là số phương tiện vận tải hạng nặng, siêu trường, siêu trọng; (2) ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người điều khiển phương tiện yếu kém; (3) quản lý nhà nước về vận tải còn chồng chéo, kém hiệu lực (vừa cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông,...); (4) Việc bố trí lực lượng tuần tra của cảnh sát giao thông ở một số địa phương quá mỏng, không quán xuyến được địa bàn nhất là trong khoảng thời gian từ 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
3. Về chỉ đạo điều hành của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2004
Năm 2004, Chính phủ đã triển khai giao nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách cho các Bộ, ngành và địa phương sớm hơn mọi năm. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 254/2003/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2004 và Quyết định số 242/2003/QĐ-TTG về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2004, đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng tổ chức phổ biến Nghị quyết của Quốc hội và giao chỉ tiêu hướng dẫn kế hoạch và ngân sách, bàn các giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2004. Chính phủ đã đổi mới cách tổ chức hội nghị với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngay từ cuối tháng 12 năm 2003. Do vậy, việc triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2004 nhanh hơn, kịp thời hơn, tạo mọi điều kiện cho các địa phương chủ động hơn trong quá trình thực hiện. Trọng tâm điều hành của Chính phủ năm 2004 tập trung vào 6 nội dung lớn là: cải tiến mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả đầu tư; điều hành chính sách tài chính - tiền tệ; đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế; giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc và tập trung giải quyết cơ bản một số vấn đề cấp bách trong chương trình cải cách hành chính.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP đề ra trên 120 giải pháp và nhóm giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2004.
Chính phủ đã quán triệt và xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa IX, đưa ra 7 nhóm vấn đề để tập trung thực hiện nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm trong 2 năm còn lại 2004-2005, trong đó đưa ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu: đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty và doanh nghiệp lớn; chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, phát triển đồng bộ các loại thị trường (hoàn thiện và mở rộng hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản, phát triển mạnh thị trường lao động, phát triển thị trường khoa học công nghệ); đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế thất thoát và lãng phí trong đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế; hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết, lộ trình hội nhập, chuẩn bị các điều kiện trong nước để sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); tiếp tục thực hiện mạnh mẽ xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực phòng, chống tham nhũng, đây là trọng tâm của năm 2004.
Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề để chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, quản lý đầu tư, giải ngân ODA, thu hút FDI, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình quốc gia.
Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận các vấn đề thuộc chính sách vĩ mô, ổn định kinh tế, xây dựng thể chế, thảo luận tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, công tác xử lý khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo, tai nạn giao thông và các vấn đề nổi cộm khác nhằm tìm ra các giải pháp sát thực, kịp thời để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo đối với những khu vực nhạy cảm như ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tháo gỡ và giải quyết những vấn đề nổi cộm ở từng địa phương và cấp cơ sở.
Tuy nhiên, một số Bộ và chính quyền địa phương vẫn hoạt động theo phương thức, lề lối cũ, chậm cải cách thủ tục hành chính, chưa kịp thời giải quyết các yêu cầu hợp lý của dân và doanh nghiệp. Chưa làm rõ được trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Sự phối hợp của các Bộ, cơ quan chức năng với chính quyền địa phương chưa tốt, thậm chí còn tránh né, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng tiêu cực, vi phạm pháp luật kéo dài, gây bất bình trong xã hội, làm xói mòn lòng tin của dân với chính quyền.
Cơ quan chức năng còn buông lỏng trong việc quản lý thị trường và giá cả một số mặt hàng quan trọng như sắt thép, thuốc chữa bệnh trong những tháng đầu năm dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã lợi dụng tình hình khó khăn về cung để găm hàng, tăng giá.
Trong lĩnh vực xã hội, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tội phạm và tệ nạn xã hội còn thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, có lúc mang tính hình thức. Kinh phí hoạt động trong lĩnh vực này còn hạn hẹp; đội ngũ cán bộ còn thiếu, năng lực còn yếu. Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đối với người dân đạt hiệu quả chưa cao.
II. KIẾN NGHỊ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm hết sức nặng nề, vừa phải tiếp tục xử lý các khó khăn trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là giá nguyên vật liệu tăng tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh, đồng thời phải xử lý những khó khăn chưa lường hết sẽ xảy ra trong các tháng tới, nhất là mùa mưa bão sắp tới gần, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động.
Để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2004 đã được Quốc hội thông qua, nhất là thực hiện nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Trung ương lần thứ 9, đòi hỏi phải có những biện pháp chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ và sự phấn đấu cao của các ngành, các cấp (để đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm là 7,5% thì trong 6 tháng còn lại phải phấn đấu đạt khoảng 8%). Cùng với việc khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 01/2004/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động của Chính phủ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức làm việc với các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,... để tìm biện pháp đẩy mạnh sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Trong các tháng tới cần tập trung giải quyết các việc chủ yếu sau:
Một là, huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng, thu hút đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đối với các dự án thuộc trái phiếu Chính phủ chủ yếu tập trung ở Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, vì vậy Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương sớm rà soát, sắp xếp lại các dự án cụ thể, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư của các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sát với tiến độ thực hiện dự án và các chủ đầu tư đăng ký lại kế hoạch sử dụng nguồn vốn này trong năm 2004. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán đối với những dự án đã triển khai thi công nhưng chưa có thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán được duyệt và phê duyệt khối lượng phát sinh của các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để Kho bạc Nhà nước có căn cứ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư cho các dự án nói trên. Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư, đảm bảo tiến độ hoàn thành, tránh hiện tượng kéo dài, hứa hẹn mà không có kết quả như một số dự án hiện nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ.
Đẩy nhanh chương trình kiên cố hoá trường, lớp học. Ban chỉ đạo Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học các địa phương phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng công trình; đồng thời chủ động trong việc huy động thêm các nguồn lực, huy động sự đóng góp công sức của cộng đồng với chính quyền các cấp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Ban chỉ đạo Trung ương tập trung chỉ đạo Ban chỉ đạo của các địa phương đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm sau hơn một năm thực hiện Chương trình, đưa ra các giải pháp cụ thể thực hiện đẩy nhanh tiến độ ở từng địa phương để hoàn thành Chương trình trong năm 2004 và năm 2005.
Để giải quyết một phần nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm ứng một phần số trái phiếu Chính phủ đã huy động, chưa sử dụng để thanh toán cho các công trình giao thông, thuỷ lợi thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra về vốn xây dựng cơ bản và sử dụng đất đai nhằm phát hiện kịp thời những sai sót trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, hạn chế lãng phí, thất thoát trong đầu tư, xử lý nghiêm những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị 17/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ODA.
Các Bộ, ngành và địa phương rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư của đơn vị mình, cắt giảm, hoãn khởi công các công trình dự án chưa đủ thủ tục về đầu tư, chưa rõ nguồn vốn cho những năm tiếp theo, chưa rõ về hiệu quả kinh tế, không phù hợp với qui hoạch,...để tập trung vốn cho các công trình, dự án có điều kiện hoàn thành trong năm 2004 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 31 tháng 7 năm 2004. Bộ Tài chính không cấp phát vốn đầu tư cho các án không đủ thủ tục, thủ tục phê duyệt không đúng thẩm quyền và gửi thông báo đến các Bộ liên quan. Tăng cường công tác giám sát và đánh giá đầu tư ở tất cả các cấp, các ngành.
Các Bộ, địa phương phải rà soát lại các thủ tục về cấp đất, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Xem xét để giảm tiếp giá cước viễn thông; ổn định giá thuê đất, giá các loại dịch vụ khác để đảm bảo cạnh tranh, thu hút đầu tư.
Hai là, sớm bình ổn giá cả trong những tháng tới, bảo đảm việc tăng giá trong tầm kiểm soát của Nhà nước, phấn đấu kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ dưới 10%, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng.
Tăng cường công tác quản lý thị trường, có các biện pháp cụ thể (hành chính, kinh tế) ngăn chặn và xử lý hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá các sản phẩm một cách không hợp lý; đồng thời, hạn chế tác động dây chuyền của việc tăng giá xăng dầu.
Kiểm soát chặt chẽ việc định giá, chi phí giá thành đối với các sản phẩm độc quyền và các ngành sản xuất cung ứng vật tư nguyên liệu quan trọng;
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giá; tổ chức hệ thống đại lý tốt, có khả năng kiểm soát đối với một số sản phẩm quan trọng, trước hết là mặt hàng sắt thép, một số loại thuốc tân dược,... Tổ chức xuất khẩu lương thực gắn với bảo đảm ổn định thị trường giá cả trong nước.
Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, sử dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ: xem xét lại tốc độ phát hành, dư nợ tín dụng, nghiên cứu điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, nâng tỷ lệ dự trữ của Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàng thương mại, sử dụng các công cụ lãi suất và công cụ thị trường mở để giảm bớt cung về tiền tệ trên thị trường. Nghiên cứu các phương án để có lãi suất huy động hợp lý, thu hút có hiệu quả lượng tiền còn nhàn rỗi trong dân cư.
Rà soát tiếp các dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo hiệu quả, khả năng hoàn trả vốn.
Điều hoà ổn định tỷ giá và cân đối ngoại tệ; bảo đảm cung ứng đủ ngoại tệ để nhập khẩu các vật tư nguyên liệu quan trọng, nhất là xăng dầu, sắt thép và một số vật tư hóa chất chủ yếu khác.
Kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng chi vượt dự toán, ứng trước, vay để chi tiêu nhưng không có nguồn trả, nhất là trong xây dựng cơ bản hiện nay.
Ba là, đẩy mạnh tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23/2004/CT-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm xăng dầu.
Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sản xuất kinh doanh rà soát toàn bộ qui trình sản xuất và quản lý, đổi mới công nghệ, tiết kiệm định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, nhất là nhiên liệu để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Các Bộ, ngành địa phương cần chấp hành nghiêm túc đúng chế độ của nhà nước về sử dụng xe ô tô cơ quan, chế độ đi công tác; cần coi tiết kiệm xăng dầu là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện để kiết kiệm chi tiêu ngân sách, là nội dung kỷ luật hành chính của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; trong từng cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước cần đặt mục tiêu giảm tiêu dùng xăng dầu năm 2004 ít nhất là 10%.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh, các mặt hàng trong nước có nhu cầu, đặc biệt là các mặt hàng mới còn cơ hội tăng nhanh sản lượng xuất khẩu và thị phần như: sản phẩm gỗ, xe đạp và phụ tùng xe đạp, dây điện và cáp điện...; các mặt hàng trong nước co nhu cầu lớn như thép, ô tô...
Đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, không chỉ dừng lại ở khảo sát thị trường, tổ chức triển lãm, thu thập thông tin, xuất bản ấn phẩm,... mà còn mở rộng ra các lĩnh vực tư vấn xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, đào tạo nhân lực, tổng hợp hỗ trợ thông tin,.... Chú trọng phát triển các thị trường chính như Châu á, Mỹ, Nhật Bản, EU,...Hoàn thiện cơ chế chính sách xuất nhập khẩu, bao gồm: xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật hàng nhập khẩu chuyên ngành để bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp với các quy định và nguyên tắc của WTO; kiểm tra, rà soát lại hệ thống thuế, phí và lệ phí để xử lý, cắt giảm ngay những chi phí dịch vụ đầu vào đang ở mức cao đồng thời huỷ bỏ những loại phí và lệ phí do các cơ quan, doanh nghiệp tự đặt ra; tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục hải quan trong xuất nhập khẩu, giảm chi phí,... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm xuất khẩu.
Để duy trì được mức tăng xuất khẩu hàng dệt may, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm thị trường và con đường thâm nhập các thị trường cho hàng dệt may. Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường đàm phán hạn ngạch để chuẩn bị cơ sở cho giai đoạn đầu năm 2005.
Năm là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch, đặc biệt trong cơ quan trực tiếp đến xuất nhập khẩu, đăng ký kinh doanh, thu thuế, vận chuyển hàng hóa,...
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương loại bỏ các thủ tục không cần thiết, đang cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp. Nâng cao hơn tính hiệu quả của bộ máy hành chính, tính trách nhiệm và minh bạch của các cơ quan công quyền và pháp quyền.
Nghiên cứu để tiếp tục bỏ visa cho khách du lịch của cho một số nước như Pháp, Hàn Quốc,... để thu hút khách du lịch.
Tăng cường triển khai các biện pháp chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, bảo đảm tính minh bạch trong quản lý ngân sách; đẩy mạnh công tác kiểm toán trong các cơ quan hành chính sự nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Nâng cao đạo đức và ý thức chấp hành kỷ luật của cán bộ công chức nhà nước. Xây dựng cơ chế để kiểm soát thu nhập, thực hiện triệt để việc kê khai tài sản và thu nhập cá nhân đối với cán bộ công chức nhà nước, đặc biệt là người có chức, có quyền. Tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra và xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất. Tập trung làm trong sạch các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Đẩy mạnh việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của nhà nước của các cá nhân, tổ chức và cơ quan.
Sáu là, ngăn chặn có hiệu quả tình hình tai nạn giao thông hiện nay.
Đi đôi với các biện pháp về tuyên truyền hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông cần phải tăng cường khâu giám sát và phương tiện cơ động để giám sát, cưỡng chế thi hành Luật Giao thông của cảnh sát giao thông trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao.
Tổ chức lực lượng tuần tra lưu động thường xuyên trên dọc tuyến đường để giám sát thực hiện việc đi lại trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao.
Rà soát và khắc phục các điểm đen, tăng cường hệ thống biển báo, tín hiệu giảm tốc trên các tuyến đường, các nút giao thông có khả năng gây tai nạn giao thông.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư