Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 2 năm 2004 và 2 tháng đầu năm 2004
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 2 VÀ 2 THÁNG ĐẦU NĂM 2004
(Tóm tắt báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 02 năm 2004)
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI 2 THÁNG ĐẦU NĂM 2004
1. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao, nhất là khu vực ngoài quốc doanh phát triển mạnh góp phần giữ được tốc độ tăng cao của toàn ngành.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 ước đạt 28.268 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ, (do tháng 2 năm 2003 trùng với Tết Nguyên đán), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 24,8% (Trung ương 26,1%; địa phương 22,1%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 33,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,8%.
Tính chung 2 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức kế hoạch, nhưng còn thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 16,5%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12,3% (Trung ương tăng 14,9%, địa phương tăng 7,2%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 22%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,3%.
Một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ là than sạch khai thác tăng 18%, thuỷ sản chế biến tăng 24,3%, sản phẩm sứ vệ sinh tăng 19%, thép cán tăng hơn 23%, máy công cụ tăng 27%, tivi lắp ráp tăng gần 57%, bột ngọt tăng gần 25%, giấy bìa các loại tăng hơn 26%, xà phòng tăng 31%, phân hoá học tăng gần 18%, xe máy lắp ráp tăng hơn 35%, xe đạp tăng hơn 25%, ắc quy tăng gần 19%, điện tăng 15,6%. Nguyên nhân sản xuất tăng khá do có thị trường tiêu thụ. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng bình quân chung của ngành gồm: dầu thô khai thác tăng 14%, quần áo dệt kim tăng gần 9%, xi măng tăng hơn 8%, gạch xây tăng gần 9%.
Tuy nhiên, một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng rất chậm, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước như bia chỉ tăng 1,3%, vải lụa thành phẩm tăng gần 3%, sữa hộp giảm 10%, thuốc trừ sâu giảm hơn 7%, máy biến thế giảm hơn 7%, động cơ diezen giảm hơn 7%. Đặc biệt, trong khi giá thuốc chữa bệnh trong nước liên tục tăng, sản lượng thuốc sản xuất trong nước vẫn tiếp tục giảm (thuốc ống giảm hơn 15%, thuốc viên giảm hơn 2%).
Hai tháng đầu năm 2004, một số địa phương đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ gồm Bình Dương tăng 33%, Vĩnh Phúc tăng hơn 25%, Khánh Hoà tăng gần 24%, Hải Phòng tăng hơn 19%, Quảng Ninh tăng xấp xỉ 19%, Đồng Nai tăng hơn 16%. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là các thành phố lớn có tỷ trọng công nghiệp cao nhưng tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành (tương ứng là 12,7% và 13,5%).
2. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì ổn định.
Trong những ngày qua, tranh thủ thời tiết nắng ấm các địa phương tập trung làm đất gieo cấy lúa đông xuân và tiếp tục gieo trồng các cây rau mầu vụ xuân. Đến ngày 15 tháng 2, cả nước đã gieo cấy được 2.381 nghìn ha lúa Đông Xuân, bằng 90,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh miền Bắc gieo cấy được 578 nghìn ha, bằng 72% so với cùng kỳ, các tỉnh miền Nam đã cơ bản gieo cấy xong lúa đông xuân, được gần 1.804 nghìn ha, bằng 98,8% so với cùng kỳ.
Các vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ chuyển trọng tâm sang chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tiếp tục gieo trồng các loại rau màu vụ xuân. Một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân sớm, đến ngày 15/2/2004 đã thu hoạch 492 ngàn ha, đạt 33,4% diện tích gieo cấy. Những tỉnh có tiến độ thu hoạch nhanh như Sóc Trăng đạt 82,5%, Kiên Giang đạt 45,7%, Long An đạt 36,7% diện tích gieo cấy. Diện tích lúa hè thu sớm đã gieo cấy đạt 69.500 ha.
Do khó khăn về nguồn nước tưới lúa đông xuân, một số tỉnh đã chủ động chuyển đổi trồng các cây khác như ngô, lạc, đậu tương,...diện tích trồng ngô hiện nay tăng hơn cùng kỳ năm trước (khoảng 50 ngàn ha).
Về dịch bệnh cúm gia cầm, Chính phủ đã cử các thành viên Chính phủ đến các địa phương chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm; đến ngày 23/2/2004 có 53 tỉnh không phát sinh ổ dịch mới, đồng thời không tiêu huỷ thêm gia cầm, trong đó có 30 tỉnh không để phát sinh ổ dịch mới trong thời gian dài, 10-17 ngày liên tiếp. Tuy dịch được khống chế ở nhiều tỉnh, nhưng một số tỉnh, thành ổ dịch vẫn phát ra ở các xã, thôn, ấp mới. Vì vậy, để có thể dập tắt được dịch trong thời gian sớm nhất, các địa phương cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm đã ban hành.
Tình hình hạn hán, cháy rừng, do khô hạn xảy ra ở miền Bắc trên diện rộng nên rừng có nguy cơ cháy rất cao. Riêng tháng 2/2004, cả nước đã xảy ra 11 vụ, diện tích cháy là 38,5 ha. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng chống cháy rừng trong mùa khô tới. Ngành kiểm lâm đã và đang hoàn thiện dần hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng để hạn chế thấp nhất khả năng cháy rừng.
3. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, thị trường nội địa có diễn biến phức tạp về giá một số mặt hàng.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 2 ước đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng; tính chung 2 tháng đạt 59,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều năm trước đây (cùng kỳ năm 2002 tăng 12,6, năm 2003 tăng 10,5%).
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, sự biến động về giá cả của mặt hàng thực phẩm đang có chiều hướng rất phức tạp. Giá các mặt hàng thực phẩm nói chung tăng mạnh, tình trạng khan hiếm hàng diễn ra phổ biến làm cho không chỉ riêng thực phẩm cao cấp như thịt, giò, chả... mà cả các loại rau, hoa quả cũng không ngừng tăng giá.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính viễn thông, Internet trong nước và quốc tế tiếp tục phát triển và hoạt động ổn định; trong tháng 2 đã phát triển mới được gần 315 nghìn máy điện thoại, nâng tổng số thuê bao lên gần 7,8 triệu máy, đạt mật độ 9,6 máy/100 dân; phát triển mới 65 nghìn thuê bao Internet, nâng tổng số lên 898 nghìn thuê bao trên cả nước với hơn 3,5 triệu người (tương ứng là 4,33% số dân) truy cập. Các doanh nghiệp trong ngành bưu chính viễn thông tổ chức triển khai thực hiện tốt các phương án bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin, khai thác vận chuyển bưu chính trong nước và quốc tế, phát hành báo chí, viễn thông và internet hoạt động thông suốt đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc ngày càng tăng của nhân dân.
Ngành vận tải đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hoá và đi lại của nhân dân. Tính chung cả 2 tháng đầu năm, khối lượng vận tải hàng hoá ước đạt 42,6 triệu tấn và 8,8 tỷ tấn.km, tăng 4% về tấn và 5% về tấn.km so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách ước đạt 153,6 triệu lượt người và 7,3 tỷ hành khách km, tăng 4,1% về lượt hành khách và 8,2% về lượt hành khách km.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 ước đạt 251,5 nghìn lượt người, giảm khoảng 30 nghìn lượt người so với tháng 1/2004 do ảnh hưởng của dịch cúm gà nên một số đoàn khách du lịch đã huỷ chuyến. Tính chung 2 tháng, số khách quốc tế ước đạt 540 nghìn lượt người, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Khách du lịch trong nước ít bị biến động của dịch cúm gà nên tiếp tục tăng, ước đạt khoảng 2,4 triệu lượt người, tăng 10% so với cùng kỳ.
4. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá nhưng vẫn chưa đạt mức kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 1 năm 2004, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 550 triệu USD. Tính chung cả 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,327 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2003 (năm 2003 tăng 48,8%), đạt xấp xỉ 15% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước xấp xỉ 1,1 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các mặt hàng xuất khẩu tăng so cùng kỳ năm 2003 là: than đá tăng 34,1%, dầu thô tăng 11%, dây điện và dây cáp điện tăng 13,8%, giầy dép tăng 17,5%, xe đạp và phụ tùng xe đạp tăng 72%; sản phẩm nhựa tăng 18,2%, hàng thủ công mỹ nghệ tăng 11,5%, hạt tiêu tăng 17,6%, lạc nhân tăng 33,3%.
Một số mặt hàng xuất khẩu giảm như hàng điện tử giảm 19%, hàng dệt may giảm 1,3%, sản phẩm gỗ giảm 40%, hàng thuỷ sản giảm gần 3%, gạo giảm 44%, cao su giảm gần 34%, hàng rau quả giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2003.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước đạt 1,83 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 650 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,637 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 27,2%), trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,29 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu và thiết bị phụ tùng phục vụ cho sản xuất như nhập khẩu xăng dầu ước đạt 1.939 ngàn tấn, tăng 29,2%, phân bón các loại 627 ngàn tấn, tăng 10,6%, thép các loại 689 ngàn tấn, tăng 8,3%.
Nhập siêu 2 tháng đầu năm 2004 ước khoảng 310 triệu USD, chiếm 9,3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ bằng 5,5%).
5. Đầu tư phát triển.
Tính chung 2 tháng đầu năm, thực hiện vốn ngân sách nhà nước đạt hơn 14,3% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2003 đạt 15,4% kế hoạch), trong đó các Bộ, ngành Trung ương đạt 19,3% kế hoạch năm; các địa phương đạt khoảng 11,6% kế hoạch năm.
Một số Bộ, ngành Trung ương thực hiện vốn đầu tư trong 2 tháng tương đối cao là Bộ Giao thông Vận tải (24,3%), Bộ Văn hoá Thông tin (15%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (13,5%), Bộ Công nghiệp (13,5%).
Một số Bộ thực hiện kế hoạch đạt thấp: Bộ Xây dựng mới đạt 7,9%, Bộ Y tế đạt 10,1%, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (11,7%) so với kế hoạch.
Về nguồn vốn ODA, 2 tháng đầu năm, đã ký kết các Hiệp định với các nhà tài trợ 56,4 triệu USD, trong đó vốn vay là 44 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 12,4 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm, đã giải ngân khoảng 159 triệu USD, đạt 8% so với kế hoạch năm; trong đó vốn vay khoảng 136 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 23 triệu USD.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trong tháng 2 có thêm 30 dự án được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký là 159,2 triệu USD; tính chung 2 tháng, cả nước có 80 dự án được cấp giấy phép đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký là 280 triệu USD, giảm 26,6% về số dự án và tăng 30,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2003.
Trong tháng 2, có 5 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 9,8 triệu USD; tính chung 2 tháng, có 17 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 274,2 triệu USD, giảm 66% về số dự án nhưng lại tăng hơn 300% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong 2 tháng, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 554,2 triệu USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2003.
Trong tháng 2 đã đưa vào thực hiện được 150 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tính chung 2 tháng đưa vào thực hiện được khoảng 320 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2003.
Hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không kể ngành dầu khí) trong 2 tháng năm 2004 phát triển khá. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của các doanh nghiệp thuộc khu vực này tăng 27,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 25,1%; nộp ngân sách đạt 81 triệu USD, tăng 3,7%. Đến nay, khu vực này đang tạo ra việc làm cho 667 nghìn lao động, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm 2004, cả nước có thêm trên 3.100 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 5.900 tỷ đồng, tăng 53,4% về số doanh nghiệp đăng ký mới và tăng 58% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2003. Riêng trong tháng 1/2004, đã có gần 314 doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn với tổng số vốn bổ sung hơn 1.000 tỷ đồng, tăng gần 11% về số doanh nghiệp và tăng 73% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Trong tháng 2/2004, Hội nghị toàn quốc về chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2003. Qua hội nghị, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều thống nhất đánh giá tình hình đầu tư xây dựng còn nổi lên một số tồn tại, yếu kém như: việc bố trí vốn đầu tư của các Bộ, ngành và địa phương còn dàn trải (chủ yếu là các dự án thuộc nhóm B, C); chưa huy động hết tiềm năng các nguồn vốn đầu tư; tình trạng nợ xây dựng cơ bản còn lớn, xu hướng ngày càng tăng, kéo dài trong nhiều năm chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm; chất lượng công tác tư vấn, giám sát đầu tư còn thấp, trình độ chuyên môn và quản lý của nhiều ban quản lý công trình, dự án còn hạn chế, đặc biệt thiếu kinh nghiệm đối với các công trình, dự án có vốn nước ngoài; việc kiểm tra, giám sát ở các cấp còn chậm, vì vậy không kiểm soát được quá trình thực hiện đầu tư, của các dự án thuộc các Bộ, ngành và các địa phương.
Hội nghị cũng đã đưa ra các giải pháp chủ yếu cần thực hiện ngay để sớm khắc phục các tồn tại yếu kém trên, đó là: phải làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân trong từng khâu quản lý; có quy định rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm và các điều kiện đối với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các tổ chức tư vấn. Mặt khác kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của các cấp các ngành cần phải được tăng cường; đồng thời phải xây dựng các chế tài cụ thể để gắn trách nhiệm của cá nhân và tổ chức với quá trình triển khai thực hiện dự án; quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm, điều kiện của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức tư vấn. Sớm nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các đơn giá, định mức, tiêu chuẩn trong xây dựng phù hợp với thực tế, tránh sự lãng phí không cần thiết. Nghiên cứu cải tiến quy trình và hình thức giải phóng mặt bằng theo quy hoạch và theo kế hoạch sử dụng đất đai, để có kế hoạch di dân, tái định cư; sửa đổi Nghị định 22/1998/NĐ-CP.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư mạnh hơn, quy định rõ hơn về trách nhiệm và quyền hạn của các cấp theo thẩm quyền. Các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình; Thanh tra Nhà nước tổ chức các đoàn thanh tra theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác giám sát đầu tư, ban hành quy chế giám sát cộng đồng đối với các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, tăng cường sự giám sát của các Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.
6. Tài chính, tiền tệ, giá cả:
Tính đến ngày 15/2, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 10,4% dự toán năm. So với cùng kỳ năm trước, mặc dù có tăng về số tuyệt đối, song tiến độ thu (tính theo tỷ lệ % dự toán) lại chậm hơn (cùng kỳ 2003, tổng thu đạt 11,3% dự toán năm). Trong tổng số thu, thu nội địa ước đạt 10,2% dự toán năm. Thu từ dầu thô đạt 11,6% dự toán năm, nhưng chỉ bằng 87% mức thu cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân mức thu dầu thô thấp hơn năm ngoái chủ yếu do giá dầu thô đầu năm 2003 tăng lên khá cao (258 USD/tấn), trong khi giá dầu thô trong thời gian qua vẫn giữ ở mức khoảng 230 USD/tấn. Thu từ xuất, nhập khẩu ước đạt 10,1% dự toán năm.
Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/2 ước đạt 9,3% dự toán năm. Tiến độ chi ngân sách nhà nước có phần chậm hơn so với cùng kỳ năm trước (10,4%). Nhìn chung, tiến độ các khoản chi đều chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá hàng hoá và dịch vụ: Điều đáng chú ý là trong tháng 2 giá hàng hoá và dịch vụ tăng khá cao ( 3%) so với tháng 1 năm 2004; hầu hết giá của các nhóm hàng đều tăng ở các mức độ khác nhau, riêng giá lương thực thực phẩm tăng mạnh, ở mức 5,1% (lương thực tăng 1,5%; thực phẩm tăng 6,8%).
Tính chung cả 2 tháng chỉ số giá tăng 4,1%, gần bằng số dự kiến lạm phát cả năm (nhóm hàng lương thực và thực phẩm tăng 6,8%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,4%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,3%; thiết bị và đồ dùng sinh hoạt tăng 1,2%, dược phẩm y tế tăng 1,2%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 0,7%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 2%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 2,7%). Đây là mức tăng giá cao nhất kể từ năm 1997 đến nay và cao hơn mức tăng giá cả năm 2003.
Chỉ số giá trong 2 tháng đầu năm tăng chủ yếu do giá của lương thực, thực phẩm tăng mạnh (lương thực tăng 3,6%; thực phẩm tăng 8,5%), ngoài ra các mặt hàng khác, nhất là nguyên nhiên vật liệu cũng tăng giá. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu do dịch cúm gà, người tiêu dùng dồn vào sử dụng thịt bò, thịt lợn, hàng thuỷ sản làm cho giá các mặt hàng này tăng mạnh; giá thép, xăng dầu, phân bón, nguyên liệu dược... của thế giới tăng kéo theo giá đầu vào của sản xuất trong nước tăng, dẫn đến giá tiêu dùng tăng.
7. Về y tế, chăm sóc sức khỏe:
Trong tháng 2/2004, có 111 trường hợp nghi viêm phổi do virus, trong đó có 17 ca tử vong; tính từ đầu vụ dịch 27/10/2003 đến 20/02 có 231 trường hợp nhiễm phổi do vius, 36 trường hợp đã tử vong; 13 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus cúm A - H5N1, có 10 trường hợp tử vong.
Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác giám sát, kịp thời xử lý gia cầm bị bệnh, không để lây sang người, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống cúm cho cộng đồng.
Do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên trong tháng 2 không xẩy ra các dịch bệnh lớn. Riêng về HIV/AIDS, trong tháng 2 đã phát hiện thêm 948 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người mắc bệnh HIV/AIDS cả nước lên 77.478 người. Số người chết do bệnh AIDS là 115 người, đưa tổng số người chết do AIDS là 6700 người.
8. Về văn hóa - thông tin:
Trong tháng 2, ngành văn hoá - thông tin đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 39/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác văn hóa thông tin ở vùng núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ngành văn hóa đã thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội, đảm bảo văn minh, lịch sự, giữ gìn cảnh quan di tích và tôn nghiêm nơi thờ tự; phát hiện và xử lý những biểu hiện tiêu cực; nhắc nhở việc đưa tin, bài, ảnh một cách trung thực và thận trọng; yêu cầu những báo vi phạm Luật Báo chí phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời kiên quyết xử lý những sai phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn.
Trong tháng 2/2004, UNESCO đã trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cho Nhã nhạc Huế và trao Bằng Di sản thiên nhiên thế giới cho Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình.
Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội trong hai tháng đầu năm 2004 giữ được tốc độ tăng trưởng khá, tuy nhiên nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng thấp hơn kế họach đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2003, cụ thể là:
|
2 tháng 2003
|
2 tháng 2004
|
(1) Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)
|
16,5
|
15,6
|
(2) Diện tích gieo cấy lúa Đông xuân (ngh. ha)
|
2631
|
2382
|
% so với cùng kỳ
|
107,8
|
90,5
|
(3) Giá trị xuất khẩu (Triệu USD)
|
3075
|
3327
|
Tốc độ tăng xuất khẩu (%)
|
48,8
|
8,2
|
(4) Giá trị nhập khẩu (Triệu USD)
|
3401
|
3637
|
Tốc độ tăng (%)
|
27,2
|
6,9
|
(5) Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ (%)
|
10,5
|
16,2
|
(6) Chỉ số giá tiêu dùng (%)
|
3,1
|
4,1
|
Trong đó: - Thực phẩm
|
5,8
|
8,5
|
- Lương thực
|
2,8
|
3,6
|
II. DỰ BÁO ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC TĂNG GIÁ MỘT SỐ MẶT HÀNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI.
Điểm nổi bật trong tháng 2 là giá cả của nhiều mặt hàng, kể cả hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh đang tăng mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
(1) Đối với sản xuất kinh doanh:
Hiện nay, giá thép trên thị trường thế giới đang tăng nhanh. Theo báo cáo của Hiệp hội thép, giá bán thép thành phẩm tăng từ 390-400 USD/tấn lên mức 430-440 USD/tấn. Nếu tính cả thuế, chi phí nhập khẩu thì gía thành tại cảng lên đến hơn 500 USD/tấn. Giá thép phế liệu cũng tăng thêm 15%, ở mức 260 USD/tấn.
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất phôi thép trong nước tối đa chỉ đáp ứng gần 24% nhu cầu sản xuất thép cán trong nước. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất thép trong nước, cần phải nhập khẩu thêm khoảng 2,3-2,4 triệu tấn phôi thép trong năm 2004. Giá phôi thép nhập khẩu hiện khoảng 445-450 USD/tấn, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2003 (khoảng 290-300 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay). Ảnh hưởng của tình hình sản xuất và nhập khẩu đã khiến giá bán lẻ thép trên thị trường trong nước tăng liên tục trong tháng qua, hiện ở mức trên 8.500-9.000đ/kg, tăng 30-40% so với cuối năm 2003.
Việc giá thép tăng nhanh và tăng cao ở mức đột biến đã tác động xấu đến thị trường xây dựng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà thầu xây dựng. Đồng thời, hiện tượng này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình lớn (trong đó sử dụng một khối lượng lớn thép xây dựng) do giá thành xây dựng tăng cao. Giá thép tăng đột biến nói trên sẽ nảy sinh tình trạng sau:
Đối với các gói thầu đang triển khai thực hiện (đã tổ chức đấu thầu và đã ký kết hợp đồng): Một số nhà thầu đang đứng trước tình huống phải lựa chọn phương án từ chối thực hiện hợp đồng vì nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng thì nhà thầu sẽ bị thua lỗ lớn. Việc từ chối thực hiện hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc nhà thầu mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng, đồng thời cũng làm giảm uy tín của nhà thầu trên thị trường. Tuy nhiên, với tình hình giá thép tiếp tục tăng quá cao và nếu nhà nước chưa có giải pháp xử lý thì nhà thầu buộc phải chấp nhận mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng để bảo toàn vốn.
Đối với gói thầu chuẩn bị tổ chức đấu thầu: Một số nhà thầu sẽ không tham dự thầu nếu các gói thầu tổ chức đấu thầu có đơn giá dự toán được lập theo đơn giá cũ và không phản ánh đúng thực trạng giá cả hiện nay (giá thép tăng cao). Một số nhà thầu khác nếu tham dự thầu thì cũng không thể trúng thầu vì giá dự thầu sẽ vượt giá gói thầu và giá dự toán được duyệt (nếu lập giá dự thầu theo đơn giá hiện tại).
Hiện nay tiến độ thi công tại một số công trình đang chững lại để xác định lại dự toán công trình, ước tính giá thành toàn bộ công trình tăng khoảng 5-10%; Đối với các hợp đồng đã ký kết trước đó, các doanh nghiệp sản xuất buộc phải chấp nhận lỗ. Để bảo đảm đúng tiến độ thi công các công trình giao thông từ nguồn vốn ngân sách và bảo đảm chất lượng công trình, một số đơn vị đã kiến nghị điều chỉnh giá dự toán thi công đối với các công trình đã trúng thầu và đang triển khai.
Việc tăng giá xăng dầu thêm từ 250 đồng đến 400 đồng/lít (tuỳ theo từng chủng loại xăng dầu) với phương châm nhà nước chịu một phần (thông qua giảm thuế nhập khẩu, tiếp tục xử lý tài chính cho hoạt động kinh doanh xăng dầu), người tiêu dùng gánh chịu một phần (tăng giá có mức độ), doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gánh chịu một phần (tiết kiệm chi phí và tạm thời giảm lợi nhuận).
Theo tính toán, với mức giá xăng dầu tăng như trên sẽ tác động đến giá thành của một số sản phẩm, cụ thể: giá thành điện tăng 0,38%; giá thành xi măng tăng từ 0,04% đến 0,16% tuỳ theo từng nhà máy; giá lúa tăng 3,9 đồng/kg; giá cà phê tăng 0,4%; giá thành đánh bắt cá xa bờ tăng 120 đồng/kg; giá thành vận tải đường bộ tăng trên 2%. Tuy nhiên, việc tăng giá trên có thể kéo theo hiệu ứng dây chuyền là tăng chi phí gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu.
Việc tăng giá cả lương thực, thực phẩm và xăng dầu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của ngành chế biến thực phẩm và thức ăn gia súc.
(2) Đối với đời sống nhân dân:
Do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, thêm vào đó là thời tiết lạnh kéo dài khiến nguồn cung thực phẩm trở nên khó khăn làm giá cả nhóm hàng này tăng mạnh trong tháng 2/2004 (tăng 6,8%) ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và gây khó khăn cho đời sống nhân dân;.
Việc tăng giá xăng, chi phí đi lại của cá nhân bằng phương tiện xe máy mỗi tháng chi thêm từ 8.000 -10.000 nghìn đồng.
Nhìn chung, hậu quả của dịch cúm gà đã xẩy ra trong thời gian qua và việc tăng giá nếu không được kiềm chế trong các tháng tới, thì khó có thể giữ chỉ số lạm phát trong năm 2004 ở mức dưới 5% như Quốc hội đề ra và sẽ làm giảm khối lượng đầu tư phát triển từ 5-10%, khó có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như dự kiến ban đầu.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư