Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế -- Xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2004
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 11 VÀ 11 THÁNG NĂM 2004
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp
Tính đến ngày 15/11 cả nước đã thu hoạch được 1426,8 nghìn ha lúa mùa, bằng 95,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc thu hoạch 1140,4 nghìn ha, chiếm 92% diện tích gieo cấy và bằng 95%; các địa phương phía Nam thu hoạch 286,4 nghìn ha, chiếm 33% diện tích gieo cấy và bằng 99%. Theo đánh giá sơ bộ, năng suất lúa mùa của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng tăng 4 tạ/ha; các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ tăng trên 3 tạ/ha.
Cùng với việc thu hoạch lúa mùa sớm, các địa phương phía Nam đã tranh thủ gieo cấy được 334,6 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 68,4% cùng kỳ năm 2003, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 333,1 nghìn ha, bằng 69,2%. Thời tiết khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các tỉnh phía Nam: Tính đến trung tuần tháng 11, diện tích bị hạn là 209 nghìn ha, trong đó mất trắng 114 nghìn ha, riêng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có 42,5 nghìn ha lúa bị hạn, trong đó mất trắng 13,8 nghìn ha, chủ yếu là diện tích lúa đông xuân mới xuống giống.
Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 11 tăng khá so với cùng kỳ năm trước: sản lượng gỗ khai thác bằng 101,6%; diện tích rừng trồng tập trung bằng 103,8%; diện tích rừng được chăm sóc bằng 112,9%; số cây trồng phân tán bằng 125%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh và trồng dặm bằng 123,6%.
Ước tính 11 tháng, diện tích rừng trồng tập trung bằng 100,3%; diện tích rừng được chăm sóc bằng 105,9%; số cây trồng phân tán bằng 103%; diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh và trồng dặm bằng 103,6%.
Thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 11 ước tính đạt 285 nghìn tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thuỷ sản nuôi trồng đạt 118 nghìn tấn, tăng 17,9%; thuỷ sản khai thác đạt 167 nghìn tấn, tăng 2,1%.
Tính chung 11 tháng, sản lượng thuỷ sản đạt 2821,9 nghìn tấn, tăng 6,6%, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 986,4 nghìn tấn, tăng 12,5%; sản lượng khai thác 1835,5 nghìn tấn, tăng 3,6% so với 11 tháng năm 2003.
2. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 ước đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 11,5 nghìn tỷ, tăng 11,2% (doanh nghiệp Nhà nước do trung ương quản lý tăng 12% và doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý tăng 9,2%); khu vực ngoài quốc doanh đạt 9 nghìn tỷ, tăng 25,5%; khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,6 nghìn tỷ, tăng 17,3% (dầu mỏ và khí đốt tăng 5,4%; các ngành khác tăng 21,2%). Sản xuất công nghiệp tháng 11 có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng 10 tháng, do một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn duy trì được tốc độ tăng cao như: than sạch; khí đốt thiên nhiên; thuỷ sản chế biến; đường; giấy, bìa; phân hoá học; thép cán; động cơ điện đều tăng trên 20% so với tháng 11 năm trước... đã góp phần quyết định vào tốc độ tăng chung toàn ngành công nghiệp.
Tính chung 11 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 321,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 12,3% (doanh nghiệp Nhà nước do trung ương quản lý tăng 14,4%, doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý tăng 7,8%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 22% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,1% (dầu mỏ, khí đốt tăng 20,2%, các ngành khác tăng 13,5%).
Bên cạnh đó, sự tăng giá nhập khẩu của nhiên liệu và một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp như: Giá nhập khẩu phôi thép 11 tháng 2004 đã tăng trên 41% so với cùng kỳ năm trước, làm cho sản lượng thép 11 tháng chỉ tăng 4,3%, tăng chậm do sản xuất thép của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh (-15,6%). Các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu từ thép do vậy cũng bị ảnh hưởng: Quạt điện dân dụng giảm 0,5%; máy công cụ giảm 42,9 %; động cơ diezen giảm 3%; ô tô lắp ráp giảm 0,8% (mặc dù nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này trên thị trường trong nước tương đối cao và sản xuất mặt hàng này còn chịu ảnh hưởng của điều chỉnh thuế của Nhà nước). Sản xuất xi măng và một số vật liệu xây dựng 11 tháng năm nay tăng thấp so với mức tăng của các năm trước: Xi măng chỉ tăng ở mức 7%; gạch xây tăng 11,7%... Ngoài ra, giá sợi, bông và nguyên, phụ liệu ngành may, da giầy tăng cùng với cạnh tranh gay gắt cả về qui mô và công nghệ cũng đã làm cho sản xuất hàng dệt may và da giày 11 tháng năm 2004 tăng chậm hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2003: Quần áo may sẵn chỉ tăng 21,7%; quần áo dệt kim giảm 3,2% ...
3. Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung 11 tháng năm 2004 ước đạt 38011,7 tỷ đồng, đạt 102,5% kế hoạch năm. Vốn đầu tư do trung ương quản lý thực hiện 14028,3 tỷ đồng, đạt 107,8% kế hoạch năm. Vốn đầu tư do địa phương quản lý ước thực hiện 23983,4 tỷ đồng, đạt 99,6% kế hoạch năm.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ đầu năm đến 20/11/2004 có 630 dự án mới được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 1984,3 triệu USD. Vốn đăng ký bình quân 1 dự án mới được cấp phép đạt 3,1 triệu USD. Ngành công nghiệp và xây dựng có 431 dự án với số vốn đăng ký 1199,4 triệu USD, chiếm 68,4% về số dự án và 60,5% về vốn đăng ký. Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có 86 dự án với số vốn đăng ký 347,8 triệu USD, chiếm 13,7% về số dự án và 17,5% về vốn đăng ký. Các ngành dịch vụ có 113 dự án với số vốn đăng ký 437,1 triệu USD, chiếm 17,9% về số dự án và 22% về vốn đăng ký.
Các tỉnh thành phố phía Nam có 447 dự án với số vốn đăng ký là 1282,7 triệu USD, chiếm 71% về số dự án và 64,6% về vốn đăng ký. Các tỉnh phía Bắc có 183 dự án với số vốn 701,6 triệu USD, chiếm 29% về số dự án và 35,4 % về vốn đăng ký.
Trong 11 tháng có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án mới được cấp phép, trong đó Đài Loan đứng đầu về vốn đăng ký với 132 dự án và 410,4 triệu USD, tiếp theo là Hàn Quốc 142 dự án và 318 triệu USD, Nhật Bản 52 dự án và 200,8 triệu USD, Ca-na-đa với 11 dự án và 154 triệu USD, Đảo Virgin thuộc Anh 25 dự án và 176,7 triệu USD, Xin-ga-po 43 dự án và 113,3 triệu USD, Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 32 dự án và 112,5 triệu USD, Ma-lai-xi-a 23 dự án và 77,2 triệu USD, Trung Quốc 62 dự án và 74,4 triệu USD, Hoa Kỳ 24 dự án và 63,8 triệu USD.
4. Vận tải và bưu chính viễn thông
Vận chuyển hành khách 11 tháng đầu năm 2004 đạt 875,7 triệu lượt hành khách và 42,1 tỷ lượt hành khách.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 7% về lượt hành khách và tăng 12,7% về lượt hành khách.km. Trong các ngành vận tải, vận chuyển hành khách bằng đường sắt tăng 11% và tăng 8,2%; đường bộ tăng 7,5% và tăng 8,3%; hàng không tăng 26,8% và tăng 38,7%.
Vận chuyển hàng hoá 11 tháng ước đạt 241,2 triệu tấn và 54,8 tỷ tấn.km, tăng 6,8% về tấn và 9,9% về tấn.km so với 11 tháng năm 2003, trong đó vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt tăng 5,1% và tăng 2,8%; bằng đường bộ tăng 6,8% và tăng 7,2%; bằng đường biển tăng 9,6% và tăng 11,3%; bằng đường sông tăng 5,8% và tăng 8,5%; bằng hàng không tăng 15,1% và tăng 12,3%.
Về bưu chính viễn thông, doanh thu 11 tháng ước đạt 22,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu từ viễn thông chiếm hơn 92%. Tổng số máy điện thoại của cả nước có đến cuối tháng 11 năm 2004 là 9,6 triệu chiếc, tăng 38,5% so với thời điểm cuối tháng 11 năm 2003, trong đó điện thoại cố định 5,4 triệu chiếc, điện thoại di động 4,2 triệu chiếc. Số thuê bao internet đến cuối tháng 11 năm nay là 659,9 nghìn thuê bao, tăng 71,4% so với cùng thời điểm của năm 2003.
5. Thương mại, giá cả và du lịch
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 11 tháng đầu năm 2004 ước tính đạt 339,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước đạt 52,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5%; kinh tế tập thể đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7%; kinh tế cá thể đạt 213,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 63% tổng mức) tăng 17,6%; kinh tế tư nhân đạt 61,7 nghìn tỷ đồng, tăng 32,6%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 7,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7%. Trong các ngành, thương nghiệp chiếm 81,1% tổng mức và tăng 19,8%; khách sạn, nhà hàng tăng 11,3%; dịch vụ tăng 15,9%; du lịch tăng 23,1% so với 11 tháng năm 2003.
Giá tiêu dùng: Sau khi chững lại trong tháng 10, giá tiêu dùng tháng 11/2004 tiếp tục tăng lên 0,2% so với tháng trước, chủ yếu do giá của nhóm phương tiện đi lại và bưu điện tăng 1,2%; nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 0,5%; hàng may mặc, mũ nón giày dép tăng 0,2%; thiết bị, đồ dùng gia đình và dược phẩm, y tế đều tăng 0,1%. Giá nhóm lương thực, thực phẩm không tăng so với tháng trước (tuy giá lương thực vẫn tăng thêm 0,7%, nhưng đã được bù đắp bởi giá thực phẩm giảm 0,3%). Giá nhóm giáo dục giảm 0,3%. So với tháng 12 năm 2003, giá tiêu dùng tháng 11/2004 tăng 8,8%, trong đó giá các nhóm lương thực, thực phẩm tăng 14,8% (lương thực tăng 13,1%, thực phẩm tăng 16,3%); dược phẩm, dịch vụ y tế tăng 9,0%; nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 6,9%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 5,5% là các nhóm chính đóng góp vào tăng giá tháng 11 so với tháng 12 năm 2003. Tính chung 11 tháng giá tiêu dùng tăng 7,6% so với 11 tháng năm 2003.
Giá vàng tiếp tục tăng mạnh, do tăng giá vàng trên thị trường thế giới. Giá vàng tháng 11/2004 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,5% so với tháng 12/2003; trong khi đó giá đô la Mỹ không tăng so với tháng trước và chỉ tăng 0,3% so với tháng 12/2003.
Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2004 ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước, bình quân một tháng đạt 2,15 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô đạt 18,34 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,55 tỷ USD, tăng 16,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,79 tỷ USD, tăng 37%.
Xuất khẩu dầu thô 11 tháng tăng cả về lượng xuất khẩu và về kim ngạch và cũng là mặt hàng đang có lợi thế về giá trên thị trường quốc tế: Lượng xuất khẩu dầu thô 11 tháng ước đạt 18 triệu tấn tương đương với kim ngạch 5,26 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng, nhưng tăng tới 52,3% về kim ngạch. Xuất khẩu hàng dệt may ước đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 18,6%; xuất khẩu giày dép đạt 2,35 tỷ USD, tăng 17,3%; xuất khẩu hàng điện tử, máy tính đạt gần 1 tỷ USD, tăng 55,6%; sản phẩm gỗ đạt 946 triệu USD, tăng 87%. Xuất khẩu gạo ước đạt 3,72 triệu tấn, tương đương với kim ngạch 862 triệu USD, giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 21,6% về kim ngạch so với 11 tháng 2003. Xuất khẩu cao su và điều cũng là những mặt hàng được lợi về giá trong 11 tháng năm nay.
Kim ngạch nhập khẩu 11 tháng ước đạt 28,06 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 18,22 tỷ USD, tăng 23%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 9,84 tỷ USD, tăng 23,5%. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu phục vụ sản xuất trong nước 11 tháng tăng cả về lượng nhập và kim ngạch nhập khẩu là xăng dầu, sắt thép, chất dẻo và bông. Bên cạnh đó các mặt hàng có kim ngạch tăng so với cùng kỳ nhưng lượng nhập khẩu giảm là phân bón, giấy các loại, sợi dệt và lúa mỳ. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 11 tháng ước đạt 4,6 tỷ USD, giảm 5,9% so với 11 tháng năm 2003. Nhập siêu 11 tháng đạt 4,46 tỷ USD, bằng 18,9% kim ngạch xuất khẩu.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 ước đạt 275,6 nghìn lượt người, xấp xỉ tháng 11 năm trước, trong đó khách đến du lịch, nghỉ ngơi và vì công việc đều thấp hơn số khách đến tương ứng của tháng 11 năm 2003; số khách đến từ Trung Quốc và từ Lào trong tháng 11 giảm mạnh (từ Trung quốc giảm 26,4% và từ Lào giảm 64,8%).
Tính chung 11 tháng năm 2004, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 2,64 triệu lượt người, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch 1,43 triệu lượt người, tăng 33,2%; vì công việc 471,9 nghìn lượt người, tăng 11,9%; thăm thân nhân 421 nghìn lượt người, tăng 22,1%; vì các mục đích khác 322,7 nghìn lượt người, tăng 9,1%.
6. Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, số hộ thiếu đói trong tháng (tính đến 20/11) là 24,3 nghìn hộ, chiếm 0,2% số hộ nông nghiệp cả nước; số nhân khẩu thiếu đói là 124,3 nghìn lượt người, chiếm 0,2% số nhân khẩu nông nghiệp. So với tháng trước, số hộ thiếu đói tháng 11 giảm 6,7%; so với cùng kỳ năm trước, số hộ thiếu đói giảm 40,4%. Để trợ giúp các hộ thiếu đói khắc phục khó khăn, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ cho các hộ thiếu đói khoảng 4,8 nghìn tấn lương thực và 11,6 tỷ đồng, riêng tháng 11/2004 là trên 150 tấn lương thực và khoảng 130 triệu đồng.
Tình hình dịch bệnh
Trong tháng 11/2004, có gần 9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét, trong đó 3 người đã chết và 5,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 12 người đã tử vong. Tính từ đầu năm đến 19/11/2004, trong cả nước có 104,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét, trong đó chết 19 người và 68,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó tử vong 99 người. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay cũng đã có 6,1 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan do vi rút, trong đó 7 người đã chết và 3,4 nghìn trường hợp bị bệnh thương hàn, nhưng không có trường hợp nào tử vong.
Về tình hình nhiễm HIV/AIDS, trong tháng 11/2004 đã phát hiện thêm gần 1,7 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước tính đến 19/11/2004 lên 87,7 nghìn người, trong đó có 13,9 nghìn bệnh nhân AIDS và 8 nghìn người đã chết do AIDS.
Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng 11/2004, tại Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Kon Tum, Vĩnh Long, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau đã xảy ra ngộ độc thực phẩm với gần 300 trường hợp bị ngộ độc. Số người bị ngộ độc thực phẩm từ đầu năm đến nay là gần 2,6 nghìn lượt người, trong đó 40 người đã tử vong.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 10/2004, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1,3 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 1 nghìn người và bị thương 1,1 nghìn người. So với tháng 9/2004, tai nạn giao thông tháng 10 tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương: tăng 101 vụ, tăng 42 người chết và tăng 104 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 11,4%; số người bị thương giảm 23,7%; riêng số người chết tăng 6%. Tính chung 10 tháng năm nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 14,7 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 10,1 nghìn người và làm bị thương 13,2 nghìn người. So với cùng kỳ năm trước, tuy số vụ tai nạn 10 tháng năm nay giảm 15,4%; số người bị thương giảm 25,1%, nhưng số người chết vẫn tăng 4,1% (khoảng 400 người). Bình quân 1 ngày trong 10 tháng năm nay đã xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông, làm chết 33 người và làm bị thương 43 người. Tai nạn giao thông chủ yếu là xảy ra trên đường bộ, chiếm khoảng 96% số vụ và số người chết do tai nạn giao thông trong 10 tháng qua. Nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu vẫn là do chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi sai phần đường, thiếu quan sát và phương tiện không bảo đảm an toàn.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ