Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 4 năm 2004 và 4 tháng đầu năm 2004
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 4 VÀ 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2004
(Tóm tắt Báo cáo Chính phủ tại phiên họp ngày 25-26 tháng 4 năm 2004)
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH, XUẤT NHẬP KHẨU VÀ ĐẦU TƯ
1. Về tình hình sản xuất, kinh doanh
(1) Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp , giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 năm 2004 ước đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Tính chung giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 114 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,5%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12,6%, ngoài quốc doanh tăng 21,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,1%.
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có giá trị sản xuất lớn, tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu đều đạt tốc độ tăng cao so với 4 tháng đầu năm 2003 là than sạch tăng 32,4%, thủy sản chế biến tăng 19,9%, quần áo may sẵn tăng 22,6%, giấy bìa các loại tăng 29,2%, gạch lát tăng 21,3%, tivi các loại tăng 30,9%, xe máy các loại tăng 37%, xe đạp hoàn chỉnh tăng 110%, máy công cụ tăng 31,6%, ắc quy tăng 22,2%, phân hóa học tăng 15,4%...
Tuy nhiên, một số sản phẩm gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nên tăng ở mức thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: đường mật tăng 5,8%, bia tăng 2,6%, thuốc lá bao tăng 2,8%, thuốc ống các loại giảm 7%, thuốc viên các loại tăng 1%, thép cán giảm 0,3%, động cơ điêzen giảm 25%, máy biến thế giảm 25%, ô tô các loại tăng 1,5%.
Các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp trên địa bàn lớn có mức tăng cao hơn mức tăng chung là: Hải Phòng tăng 17,1%, Hà Tây tăng 18,7%, Hải Dương tăng 16,5%, Vĩnh Phúc tăng 21,9%, Thanh Hóa tăng 17%, Đà Nẵng tăng 19,1%, Khánh Hòa tăng 23,9%, Bình Dương tăng 32%, Đồng Nai tăng 18,2%, Cần Thơ tăng 24,5%. Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu là các thành phố lớn, có tỷ trọng công nghiệp cao nhưng tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành (tương ứng là 13,3%, và 0%). Nguyên nhân công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tăng chậm chủ yếu do thiếu mặt bằng sản xuất, một số doanh nghiệp phải chuyển địa điểm sang các tỉnh lân cận; ngoài ra lợi thế ban đầu của Luật Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang có xu thế chững lại, một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả đã phải giải thể hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
(2) Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng qua tại các tỉnh phía Bắc, thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đến 15/4/2004, các địa phương đã gieo cấy được 1.150,4 nghìn ha, bằng 98% cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến hết tháng 4/2004, các địa phương phía Bắc gieo cấy được khoảng 1.157 ngàn ha, giảm 23 ngàn ha so với vụ đông xuân năm trước.
Các tỉnh phía Nam đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân và gieo cấy vụ hè thu. Hiện nay, tại vùng này, thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, nếu thời gian tới không mưa thì có nguy cơ thiếu nước gieo cấy lúa hè thu.
Đến ngày 15/4/2004, cả nước gieo trồng được 721 nghìn ha màu lương thực, bằng cùng kỳ năm 2003; trong đó ngô đạt 434,7 nghìn ha, tăng 7,2%; sắn đạt 135,6 nghìn ha, bằng 95% so với cùng kỳ, khoai lang đạt 138,2 nghìn ha, giảm 10% so với cùng kỳ.
Do thời tiết ấm dần, độ ẩm không khí cao đang là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Đến nay, cả nước có 250 nghìn ha lúa bị sâu bệnh gây hại, tăng 185 nghìn ha so với tháng 3 năm 2004. Chi cục bảo vệ thực vật của các địa phương đang chỉ đạo bám sát đồng ruộng để có biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Về chăn nuôi: Theo báo cáo của các tỉnh, sau khi công bố hết dịch cúm gia cầm, các tỉnh đang tích cực khôi phục và phát triển đàn gia cầm. Các tỉnh miền núi như Phú Thọ, Yên Bái đang đẩy mạnh thực hiện chương trình bò sữa, lợn hướng nạc. Hiện nay, đàn gia súc phát triển tốt. Tình hình dịch bệnh gia súc ổn định, không có các ổ dịch lớn.
Về lâm nghiệp: Theo báo cáo của các địa phương có rừng (Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái...), công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng được củng cố và duy trì trên cơ sở diện tích được giao khoán cho các hộ. Các chi cục kiểm lâm đã có phương án triển khai thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ và phát triển rừng đến các huyện. Các tỉnh đẩy mạnh việc kiểm tra xử phạt hành chính các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Công tác phòng chống cháy rừng được triển khai đồng bộ và toàn diện, đặc biệt là địa bàn các huyện có cơ nguy cháy rừng ở cấp nguy hiểm nên đã hạn chế được số vụ cháy rừng.
(3) Về các hoạt động dịch vụ:
Theo báo cáo của Bộ Thương mại và các địa phương, các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển.
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ 4 tháng đầu năm 2004 đạt 116,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2003 và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Các hoạt động vận tải đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và nhu cầu đi lại của dân cư. Vận tải hàng hoá 4 tháng ước đạt 85,3 triệu tấn và 18 tỷ tấn-km, tăng 4,4% về tấn vận chuyển và 5,8% về tấn-km luân chuyển so với cùng kỳ. Vận tải hành khách ước đạt 312 triệu lượt người và 13,7 tỷ hành khách-km, tăng 3,1% về hành khách vận chuyển và tăng 8,9% về hành khách luân chuyển.
Trong 4 tháng, công tác tuyên truyền, quảng bá và nâng cao chất lượng phục vụ du khách nhằm đẩy mạnh hoạt động của ngành du lịch đã được triển khai tích cực, nhờ đó đã hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của dịch cúm gia cầm đối với hoạt động du lịch. Ngành du lịch đã phối hợp với một số địa phương tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, đặc biệt là tổ chức thành công lễ khai mạc "Năm Du lịch Điện Biên" nên đã thu hút được nhiều du khách. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch cúm gà nhưng trong 4 tháng lượng khách du lịch quốc tế vẫn tăng khá, đạt khoảng 980 nghìn lượt người, tăng trên 5% so với cùng kỳ năm 2003; khách du lịch nội địa đạt 4,8 triệu lượt người, tăng khoảng 9%.
Dịch vụ bưu chính, viễn thông và thông tin liên lạc tiếp tục tăng trưởng nhanh. Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet trong nước và quốc tế, mạng thông tin hàng hải và truyền báo đều tiếp tục được mở rộng và hoạt động ổn định. Số máy thuê bao điện thoại và số người sử dụng dịch vụ Internet tăng nhanh. Trong 4 tháng, đã phát triển mới 687 nghìn thuê bao điện thoại, nâng tổng số máy điện thoại thuê bao đạt trên 8 triệu máy, mật độ 9,94 máy/100 dân; đã phát triển mới 327 nghìn thuê bao Internet; tính đến cuối tháng 4/2004 cả nước đã có gần 4 triệu người sử dụng Internet, chiếm 4,84% dân số .
(4) Theo Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt 7,4 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ; trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu (không kể dầu thô) đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 26,3%.
Một số các mặt hàng xuất khẩu có mức độ tăng trưởng cao là dầu thô đạt trên 6,5 triệu tấn, tăng 11,7%; than đá đạt xấp xỉ 3,3 triệu tấn, tăng 36,7%; giày dép đạt gần 792 triệu USD, tăng 9,1%; hàng điện tử tăng 8,6%; xe đạp và phụ tùng tăng 83,7%; sản phẩm gỗ tăng 75,3%; cà phê tăng 34,8%; dệt may ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 6,1%...
Nhiều địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xuất khẩu hàng hoá, đóng góp vào tốc độ tăng xuất khẩu chung của cả nước như tỉnh Yên Bái có giá trị hàng hoá xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 3,82 triệu USD, tăng 45,48% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đạt trên 8,7 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2003, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 3,1 tỷ USD, tăng gần 12,4% so cùng kỳ.
Do giá cả thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu đã tăng mạnh nên kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu thiết yếu cho nền kinh tế và xuất khẩu trong 4 tháng đã tăng khá nhanh so với cùng kỳ như kim ngạch nhập khẩu xăng dầu tăng 7,3%, hoá chất tăng 30,2%, vải tăng 35,9%, máy vi tính và linh kiện tăng 83,2%.
Nhập siêu 4 tháng đầu năm đạt khoảng 1,3 tỷ USD, bằng 17,4% kim ngạch xuất khẩu, giảm so với cùng kỳ năm 2003 (cùng kỳ nhập siêu bằng 26% kim ngạch xuất khẩu).
2. Về tình hình đầu tư
Theo Tổng cục Thống kê, tiến độ thực hiện vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tháng 4 năm 2004 ước đạt 2.889 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 10.834 tỷ đồng (Trung ương 4.093 tỷ đồng, chiếm 37,8%; địa phương 6.741 tỷ đồng, chiếm 62,2%) và đạt 29,2% so với kế hoạch (cùng kỳ năm 2003 đạt 31,1% kế hoạch), trong đó trung ương đạt 32,4%, địa phương đạt 28%.
Một số Bộ, ngành và địa phương có tiến độ thực hiện tương đối cao (trên 25% kế hoạch năm) là Bộ Xây Dựng (30,7%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (29,4%), Bộ Giao thông Vận tải (37,9%), thành phố Hải Phòng (33,1%), Hà Nội (26,8%), tỉnh Hưng Yên (28,4%). Một số Bộ, ngành và địa phương có tiến độ thực hiện vốn đầu tư chậm hơn là Bộ Y tế (21,2%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (21,5%), Bộ Thủy sản (24,3%), thành phố Hồ Chí Minh (19,3%), tỉnh Đồng Nai (18,8%), Hà Tây (19,2%),...
Về nguồn vốn ODA : Trong 4 tháng đầu năm 2004, hoạt động ký kết Hiệp định về ODA tiến triển thuận lợi. Tính đến 15 tháng 4 năm 2004, nguồn vốn ODA được hợp thức hóa bằng các hiệp định ký kết với các nhà tài trợ đạt tổng trị giá gần 1 tỷ USD, bằng 53% tổng trị giá Hiệp định ký kết trong cả năm 2003. Trong số đó, vốn vay chiếm 967,73 triệu USD và viện trợ không hoàn lại là 31,82 triệu USD.
Giá trị ODA ký kết tập trung vào 2 nhà tài trợ chủ yếu là Nhật Bản với tổng số 753,48 triệu USD (751,93 triệu USD vốn vay và 1,55 triệu USD viện trợ), ADB với tổng số 186,45 triệu USD (185,8 triệu USD vốn vay và 0,65 triệu USD viện trợ). Hai nhà tài trợ này chiếm khoảng 94% tổng giá trị hiệp định đã ký kết trong 4 tháng đầu năm.
Mức giải ngân ODA dự kiến trong 4 tháng đầu năm 2004 đạt khoảng 555 triệu USD, bằng 29,8% kế hoạch giải ngân cả năm 2004. Trong số này, giải ngân vốn vay khoảng 480 triệu USD, bằng 28% so với kế hoạch năm và viện trợ không hoàn lại khoảng 75 triệu USD (kể cả NGOs), bằng 49% kế hoạch năm. Có thể nói mức giải ngân ODA trong 4 tháng đầu năm đã có bước tiến bộ nhất định. Riêng giải ngân nguồn vốn JBIC (Nhật Bản) đã có chuyển biến tích cực, góp phần đưa giải ngân nguồn vốn này trong năm tài chính 2003 vừa kết thúc 31/3/2004 lên 11% so với 9% của tài khóa trước (mức giải ngân bình quân vốn JBIC ở khu vực là 15%).
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân ODA, trong tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Giải ngân ODA tập trung vào sáu nhóm vấn đề: Đất đai và giải phóng mặt bằng; Bảo đảm vốn đối ứng; Đấu thầu và sử dụng tư vấn; Kiện toàn và tăng cường năng lực các ban quản lý dự án; Cải tiến thủ tục hành chính; Hài hòa thủ tục với các nhà tài trợ. Đồng thời, nhiều cuộc họp kiểm điểm về tình hình thực hiện các dự án với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu á, JBIC (Nhật Bản), một số nhà tài trợ song phương và tổ chức quốc tế cũng như với các Ban quản lý một số chương trình, dự án cụ thể đã được tổ chức với hai nội dung chính: đánh giá tình hình giải ngân, tìm ra các vướng mắc và biện pháp tháo gỡ.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Trong 4 tháng đầu năm 2004, cả nước đã có 139 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 469,6 triệu USD, bằng 61% về số dự án và bằng 94,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; đồng thời có 57 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 402,9 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ về số vốn tăng thêm. Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong trong 4 tháng đạt 872,4 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ; vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ước đạt 800 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng đầu năm 2004 cả nước có thêm 10.880 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng 38,4% về số doanh nghiệp đăng ký mới và tăng 24,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2003.
Về việc triển khai giao kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản
Đến 31/3/2004, còn 10 đơn vị chưa phân bổ kế hoạch năm 2004. Trong quá trình các Bộ, ngành thực hiện phân bổ vốn cho các đơn vị cơ sở, còn nhiều dự án nhóm B và C chưa bảo đảm thủ tục đầu tư (275 tỷ đồng của các dự án được bố trí vốn nhưng chưa có quyết định đầu tư; 27 dự án có quyết định đầu tư sau 31 tháng 10; có 325 dự án với số vốn 3. 817 tỷ đồng chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán) nhưng vẫn được bố trí vốn; có 107 dự án nhóm C đã thực hiện quá 2 năm, 86 dự án nhóm B đã thực hiện quá 4 năm.
Những tồn tại của các dự án nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2004.
Nguyên nhân của những tồn tại trên có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Về chủ quan: các bộ, ngành còn chưa tập trung phân bổ kế hoạch sớm cho các dự án; chưa tổ chức tốt công tác thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư và xây dựng cho các dự án theo đúng quy định; quyết định đầu tư quá nhiều dự án trong khi nguồn vốn có hạn nên phải bố trí vốn dàn trải, không tập trung, nhiều dự án dở dang không đưa được vào sử dụng. Về khách quan : Do tổng mức vốn được giao hạn chế nên việc bố trí vốn cho các dự án thực hiện đúng theo tiến độ rất khó khăn; trong khi các dự án đang triển khai dở dang quá nhiều, chưa được bố trí đủ vốn để hoàn thành đưa vào sử dụng thì vẫn phải khởi công mới các dự án cấp bách, điều đó càng gây áp lực lớn cho việc bố trí vốn; dự án quá nhiều trong khi lực lượng thẩm định lại mỏng và yếu nên không phê duyệt được thủ tục đầu tư và xây dựng đúng thời gian quy định; một số dự án có đặc thù, không thể quyết định đầu tư và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán đúng thời gian quy định.
Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tình hình triển khai đầu tư một số dự án lớn như sau:
Ngành điện: Thủy điện Tuyên Quang đẩy nhanh tiến độ thi công đê quai thượng và hạ lưu trước mùa mưa (tháng 5/2004) bảo đảm chống lũ; đẩy nhanh thi công đập bê tông bản mặt, đập tràn.
Thủy điện Quảng Trị đang đẩy nhanh tiến độ thi công cống dẫn dòng, móng đường ống áp lực,... bảo đảm tiến độ lấp sông vào tháng 11/2004, tiếp tục thi công hệ thống điện phục vụ thi công đường giao thông.
Thủy điện Sê San 3 đang trình duyệt hợp đồng EFC, thi công xong cầu cứng, triển khai tiếp phần đập tràn, đập bê tông.
Thủy điện A Vương, thủy điện Buôn Kướp thi công hệ thống điện phục vụ đường giao thông và các công trình phụ trợ.
Thủy điện Sơn La đang đẩy nhanh tiến độ thi công đường giao thông, các hạng mục phụ trợ, thực hiện công tác đền bù, tái định cư...
Ngành Dầu khí : đã triển khai trong tháng 4 năm 2004 gói thầu thiết kế tổng thể và lập tổng dự toán, tiếp tục rà phá bom mìn hành lang tuyến ống và các trạm.
Dự án nhà máy điện Cà Mau: Bộ Công nghiệp đã phê duyệt thiết kế và tổng dự toán và thỏa thuận thiết kế đầu nối điện với hệ thống điện quốc gia.
Dự án nhà máy đạm Cà Mau: Đang triển khai công tác san lấp, gia tải mặt bằng. Triển khai thực hiện các gói thầu tư vấn quản lý dự án và hợp đồng tư vấn cấp chứng chỉ.
Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất: Chủ đầu tư cùng các nhà thầu tư vấn và tổ hợp Technip triển khai hợp đồng. Gói thầu EPC số 5A (đê chắn sóng triển khai trong quý II năm 2004. Gói thầu EPC số 5B (cảng xuất sản phẩm) đang được chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thực hiện những phát sinh mới. Triển khai thi công gói thầu EPC số 7 (khu nhà hành chính và dịch vụ)
Ngành than : Dự án nhà máy nhiệt điện Na Dương đang triển khai đúng tiến độ, tập trung vận hành chạy thử và dự kiến tháng 6 năm 2004 phát điện.
Dự án nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn đang triển khai lắp kết cấu nhà tuốc bin, lò hơi số 1, dự kiến vận hành nhà máy vào tháng 3 năm 2005.
Ngành thép : Dự án nhà máy thép cán nguội đang thực hiện giai đoạn cuối hạng mục tẩy rửa, dự kiến đầu năm 2005 sẽ đưa vào sản xuất.
Ngành hóa chất : Dự án nhà máy phân DAP triển khai chậm do công tác đấu thầu của gói thầu số 2 EPC và gói thầu san lấp mặt bằng nên sản lượng 4 tháng đầu năm đạt thấp.
Ngành giấy : Dự án nhà máy bột giấy Thanh Hóa đang triển khai công tác thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán; nhà thầu EPC đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị khi hợp đồng được ký kết.
Dự án nhà máy giấy Bãi Bằng giai đoạn II, công suất 250 ngàn tấn bột/năm đang triển khai công tác lấy ý kiến các ban, ngành, địa phương để hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng: Dự án nhà máy xi măng Hải Phòng (mới) đang triển khai gói thầu số 15 (khoan cọc nhồi) đến nay đã thi công được 817/907 cọc, dự kiến đến 30/4/2004 sẽ hoàn thành số cọc còn lại. Nhìn chung, tiến độ thi công trong 4 tháng đầu năm đã cải thiện tốt. Đang triển khai các hạng mục: kho nguyên liệu, phụ gia, trạm đập đá vôi, các kho silô và ống khói, dây chuyền cấp clinke vào silô. Đã cung cấp được phần lớn các thiết bị vật tư cho xây dựng. Mục tiêu phấn đấu đưa công trình vào sản xuất thử tháng 12/2005.
Dự án xi măng Tam Điệp đã hoàn thành được 89,1% khối lượng, trong 4 tháng đầu năm chủ yếu tập trung thi công khu vực bãi quay xe và các gói thầu còn lại. Mục tiêu đưa nhà máy vào sản xuất thử quý IV năm 2004.
II. VỀ THU CHI NGÂN SÁCH, HOẠT ĐỘNG TIỀN TỆ, TÍN DỤNG VÀ GIÁ CẢ
1. Về thu, chi ngân sách
(1) Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 32,4% dự toán năm (cùng kỳ đạt 33,7%), trong đó thu nội địa đạt khoảng 32,9% dự toán năm; thu từ dầu thô đạt bằng 37,1% dự toán năm; thu từ xuất, nhập khẩu bằng 28,3% dự toán năm.
Như vậy tiến độ thu ngân sách trong 4 tháng đạt thấp so với cùng kỳ; nguyên nhân là do: (a) Giảm kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có nguồn thu lớn như linh kiện ô tô, xe máy; (b) Giảm thuế suất đối với một số mặt hàng, nhất là đối với xăng dầu và sắt thép, do giá thế giới tăng cao. So với cùng kỳ năm trước, chỉ có thu nội địa đạt được tiến độ tương đương nhờ sản xuất tiếp tục phát triển.
Đáng chú ý là thu từ dầu thô đạt khá do giá dầu thô bình quân 4 tháng đầu năm đứng ở mức khá cao là 239 USD/tấn, cao hơn 51 USD/tấn so với giá xây dựng dự toán.
(2) Chi ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2004 ước đạt 28,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 24,8% dự toán năm; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, quản lý hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể bằng 34% dự toán năm; chi trả nợ và viện trợ bằng 27% dự toán năm.
(3) Bội chi ngân sách nhà nước 4 tháng khoảng bằng 15,6% dự toán năm.
2. Về hoạt động tiền tệ, tín dụng và giá cả
(1) Tổng phương tiện thanh toán đến 30/4/2004 ước tăng 4,8% so với 31/12/2003, thấp hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2003 (5,6%).
Nguồn vốn huy động ước đến 30/4/2004 tăng 5,2% so với 31/12/2003, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5%); trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 4,9%, bằng ngoại tệ tăng 5,9%.
Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế ước đến 30/4/2004 tăng 7,4% so với 31/12/2003, thấp hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước (10,5%); trong đó cho vay bằng VNĐ tăng 6,8%, cho vay bằng ngoại tệ tăng 9,35%, đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
(2) Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,5% so với tháng 3, tính chung trong 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tăng 5,4%, vượt ngưỡng giới hạn Quốc hội đề ra là lạm phát không quá 5%.
III. VỀ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
1. Về giáo dục và đào tạo.
Ngành Giáo dục Đào tạo đang chuẩn bị cho các cấp phổ thông thi tốt nghiệp và tổng kết năm học 2003-2004. Để cung cấp đủ sách giáo khoa cho năm học tới, ngành giáo dục đã tổ chức in xong 40 triệu bản sách phục vụ năm học 2004-2005, đạt gần 30% kế hoạch.
Công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở được đẩy mạnh. Đến tháng 4 năm 2004, đã có 20 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn phổ cập.
Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học đang được triển khai. Đến nay đã có trên 20 nghìn phòng học đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn ở các địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình này.
Để tăng cường công tác quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị dự thảo nội dung Nghị định về phân cấp quản lý giáo dục, hoàn thiện Đề án xây dựng ký túc xá cho sinh viên để trình Thủ tướng Chính phủ và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn triển khai thực hiện việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
2.Về khoa học công nghệ
Trong tháng 4 năm 2004, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX), triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ của Việt Nam đến 2010 đã được Chính phủ phê duyệt và Kế hoạch Khoa học và Công nghệ năm 2004 để đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Triển khai thực hiện "Dự án tổng thể ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008" nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở, góp phần bảo vệ bản quyền tác giả và giảm chi phí mua sắm phần mềm, hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật có năng lực, làm chủ công nghệ và phát huy tính sáng tạo trong ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở; tạo được một số sản phẩm công nghệ thông tin đặc thù phù hợp với điều kiện và yêu cầu ứng dụng trong nước.
Đẩy mạnh công tác đổi mới quản lý khoa học công nghệ. Tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ các văn bản liên quan đến quản lý khoa học công nghệ, tìm giải pháp để đẩy nhanh xây dựng 2 khu công nghệ cao Hoà Lạc và thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, kiện toàn bộ máy để đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ.
Đề án Tin học hoá Thông tin Quản lý Hành chính Nhà nước, đề án Tin học hoá các hoạt động của cơ quan Đảng và đề án kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được triển khai tốt, đã bước đầu đáp ứng yêu cầu tin học hoá quản lý nhà nước, tạo ra các cơ sở dữ liệu cần thiết trợ giúp cho việc ra quyết định, mở rộng từng bước việc trao đổi thông tin bằng phương tiện tin học ở các Bộ, ngành và địa phương.
3. Về việc làm và xuất khẩu lao động:
Trong 4 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho khoảng 35 vạn người. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 10 nghìn doanh nghiệp mới thành lập đã tạo việc làm cho khoảng 8 vạn người; Quỹ Quốc gia Hỗ trợ việc làm giải quyết việc làm cho khoảng 4 vạn người; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút khoảng 2 vạn người trực tiếp vào làm việc, chưa kể số lao động tăng lên trong các hoạt động dịch vụ xã hội quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Xuất khẩu lao động và đi chuyên gia nước ngoài , trong tháng 4 xuất khẩu lao động ước đạt 3.500 người, chủ yếu là đi Đài Loan và Malaixia; tính chung cả 4 tháng, xuất khẩu lao động ước đạt 1,34 vạn người. Từ ngày 20 tháng 3 đến nay, có 200 lao động tại Malaixia trong ngành xây dựng cơ bản phải về nước trước thời hạn do không có việc, tuy nhiên, nước ta vẫn tiếp tục đưa lao động sang làm việc cho các ngành khác.
4. Y tế và chăm sóc sức khoẻ:
Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, vì vậy các dịch bệnh (như tả, dịch hạch...) hầu như không xảy ra. Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, trong tháng 4 có 2.367 ca mắc, 4 ca tử vong; tính chung 4 tháng có 7.089 ca mắc, tăng hơn so cùng kỳ năm 2003, trong đó có 10 ca tử vong. Các địa phương có số người mắc bệnh cao là TP.HCM, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bạc Liêu.
Tình hình ngộ độc thực phẩm : Trong tháng 4 xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại Nghệ An, Lạng Sơn, Bắc Cạn với 66 ca mắc, 7 ca tử vong do nấm độc. Tính chung cả 4 tháng, có 305 người bị ngộ độc thực phẩm, 16 người tử vong.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS : Trong tháng 4, số nhiễm HIV mới phát hiện là 1.316 người, tính từ đầu năm đến 20/04/04 số nhiễm HIV là 79.964 người.
5. Văn hóa, Thông tin, Phát thanh, Truyền hình:
Ngành văn hoá thông tin, phát thanh, truyền hình đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm tuyên truyền, cổ động cho cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp và kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin như hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp khu vực miền núi phía Bắc tại thành phố Điện Biên; tổ chức chương trình ca múa nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú, ngày hội các dân tộc Tây Bắc tại Hà Nội; tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; Tổ chức lễ hội văn hóa dân gian tại thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ văn hóa.
Tóm lại, tình hình kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả khá, trong đó nổi bật là sản xuất công nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh hơn mục tiêu kế hoạch năm, huy động vốn đầu tư có nhiều tiến bộ, thu ngân sách đạt khá... Đây là những kết quả tích cực trong bối cảnh nhiều khó khăn liên tiếp xẩy ra trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn còn rất lớn: Giá cả (đặc biệt là giá nguyên vật liệu) đang ở mức cao; tai nạn giao thông chưa giảm; trật tự an ninh và an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp... Trong bối cảnh trên, để đạt được các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2004 đã được Quốc hội thông qua, các Bộ, ngành cần có những biện pháp chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để thực hiện các giải pháp của Chính phủ, nhất là thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Trung ương 9, Nghị quyết 01/CP và Nghị quyết của các phiên họp của Chính phủ.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư