BÁO CÁO ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THÁNG 7 VÀ 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2008
I. Tình hình ĐTNN 7 tháng đầu năm 2008:
1. Tình hình vốn thực hiện và sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp:
Trong 7 tháng đầu năm 2008, ước các doanh nghiệp ĐTNN đã góp vốn đầu tư thực hiện ước đạt 6 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của các doanh nghiệp ĐTNN trong 7 tháng đầu năm 2008 ước đạt 25,3 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, nộp ngân sách ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 44,9% so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng đầu năm 2008, khối doanh nghiệp ĐTNN thu hút thêm khoảng 16.000 lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực có vốn ĐTNN tính đến thời điểm này là 1,38 triệu lao động, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
2. Cấp mới: Trong tháng 7/2008, cả nước có 167 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 13.551 triệu USD, đưa tổng số dự án cấp mới trong 7 tháng đầu năm 2008 lên 654 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 44,49 tỷ USD, bằng 76,8% về số dự án và tăng 546% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
2.1. Về lĩnh vực đầu tư: Trong 7 tháng đầu năm 2008, vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ (22,84 tỷ USD) chiếm 51,34% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (21,45 tỷ USD) chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư (0,5%).
2.2. Về đối tác đầu tư: Trong 7 tháng đầu năm 2008 Đài Loan tiếp tục đứng đầu trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (82 dự án, vốn đầu tư 8,4 tỷ USD), chiếm 18,9% tổng vốn đăng ký. Theo thứ tự là: (2) Nhật Bản (65 dự án, vốn đầu tư 7,2 tỷ USD), chiếm 16,2% (trong đó bao gồm phần vốn góp của nhà đầu tư Nhật Bản là 2,4 tỷ USD trong dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 39,8% của tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ USD); (3) Malaysia chiếm 11,3% (28 dự án, vốn đầu tư 5,07 tỷ USD), (4) Brunei chiếm 9,8% (14 dự án, vốn đầu tư 4,3 tỷ USD), (5) Canada chiếm 9,5% (4 dự án, vốn đầu tư 4,2 tỷ USD); (6) Singapore chiếm 9%; (48 dự án, vốn đầu tư 4,02 tỷ USD), (7) Thái Lan chiếm 8,9% (16 dự án, vốn đầu tư 3,9 tỷ USD), (8) B.V.Islands chiếm 9,8% (9) Hoa Kỳ chiếm 3,06% tổng vốn đầu tư đăng ký.
2.3. Về hình thức đầu tư: Các dự án ĐTNN trong 7 tháng đầu năm 2008 thực hiện chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài (487 dự án, vốn đăng ký 27,9 tỷ USD), chiếm 62,8% về vốn đăng ký. Số dự án theo hình thức liên doanh chiếm 34,1% về vốn đăng ký. Còn lại là các dự án theo hình thức khác. (Xem biểu đính kèm)
2.4. Về cơ cấu vùng: trừ 2 dự án thăm dò, khai thác dầu khí (chiếm 21,9% tổng vốn đăng ký), trong 7 tháng đầu năm 2008 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đứng đầu trong số 43 địa phương của cả nước, chiếm 21% tổng vốn đăng ký. Tiếp theo thứ tự sau: (2) Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 17,7% tổng vốn đăng ký, (3) Hà Tĩnh chiếm 17,7%. (4) Thanh Hóa chiếm 13,9%; (5) Phú Yên chiếm 9,7%; (6) Đồng Nai chiếm 4%, (7) Kiên Giang chiếm 3,7% (8) Bắc Ninh chiếm 2,1%, (9) Hà Nội chiếm 1,6% tổng vốn đăng ký.
2.5. Quy mô dự án: đạt 68 triệu USD/dự án.
Vốn đăng ký cấp mới trong 7 tháng đầu năm 2008 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2007 do có nhiều dự án quy mô lớn được cấp GCNĐT, riêng 27 dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 triệu USD đã đạt trên 40 tỷ USD, trong đó một số dự án lớn quy mô vốn trên 3 tỷ USD là: (1) Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư 7,879 tỷ USD tại Vũng Áng, Hà Tĩnh để xây dựng cảng và nhà máy luyện kim, (2) Công ty lọc dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ USD; vốn điều lệ là 200 triệu USD do tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (góp 25,1% vốn điều lệ) liên doanh với các tập đoàn Nhật (Idemisu Kosan và Mitsui Chemical, góp 39,8% vốn điều lệ) và Kuwait Petroleum Europe B.V, Hà Lan (góp 35,1% vốn điều lệ) để xây dựng nhà máy lọc dầu công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm (khoảng 200.000 thùng/ngày) tại Thanh Hóa. (3) Công ty New City do Tập đoàn New City (Brunei) đầu tư 4,3 tỷ USD để xây dựng khu đô thị mới tại Phú Yên. (4) Dự án Hồ Tràm do Tập đoàn Asian Coast Development (Canada) Ltd. đầu tư 4,23 tỷ USD để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, các khách sạn 5 sao (9.000 phòng), khu thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế, văn phòng-căn hộ, biệt thự cao cấp, sân golf, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài...) tại Bà Rịa Vũng Tàu. (5) dự án xây dựng Nhà máy Lọc dầu Long Sơn, liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Vina SCG Chemical với Thai Plastic đầu tư 3,77 tỷ USD tại Bà Rịa-Vũng tàu. ( 6) dự án xây dựng khu đô thị đại học Berjaya Leisure (Malaysia) do Công ty Berjaya Leisure đầu tư 3,5 tỷ USD tại TP. HCM.
Chưa kể một loạt các dự án quy mô hơn 1 tỷ USD, như: (1) Công ty TNHH một thành viên Starbay Việt Nam do Tập đoàn Starbay Holding Ltd. (B.V.Island) đầu tư 100% vốn để xây dựng Tổ hợp nghỉ dưỡng, sân golf, căn hộ cho thuê tại Kiên Giang với vốn đầu tư là 1,648 tỷ USD. (2) Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam do tập đoàn Good Choice (Hoa Kỳ) đầu tư 100% vốn để xây dựng khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực... tại Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư là 1,299 tỷ USD. (3) Công ty TNHH TA Assiociates Vietnam là liên doanh giữa Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn với Công ty TA Assiociates International Pte.Ltd.(Singapore) đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng khách sạn 5 sao, cao ốc cho thuê; sản xuất vi mạch và gia công phần mềm; đào tạo nhân lực và xúc tiến thương mại-đầu tư tại Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh... và một số dự án hàng trăm triệu đô la Mỹ khác theo danh mục chi tiết đính kèm.
2) Tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất: Trong 7 tháng đầu năm 2008 có 188 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 788,6 triệu USD, bằng 68,6% về số lượt dự án tăng vốn và 55,5% tổng vốn tăng thêm so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư tăng thêm chủ yếu từ các nhà đầu tư Hàn Quốc đứng đầu, chiếm 23,6% tổng vốn đầu tư tăng thêm. Cụ thể Nhà máy đóng tàu biển Hyundai-Vinashin tăng trên 82,7 triệu USD.
Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2008, cả nước đã thu hút được 45,28 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2007.
II. Nhận xét-Kiến nghị:
2.1. Đánh giá về môi trường đầu tư nước ta hiện nay :
a) Mặt được:
- Nhiều dự án quy mô lớn khai trương, động thổ triển khai ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư như dự án Hồ Tràm (cấp phép tháng 4/2008) xây dựng khu du lịch, khách sạn cao cấp với tổng vốn cam kết 4,2 tỷ USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu; dự án sản xuất gang thép Hưng Nghiệp Formosa đầu tư 7,879 tỷ USD cấp phép và khởi công xây dựng trong tháng 7/2008, dự án xây dựng khu đô thị đại học Berjaya Leisure (Malaysia) do Công ty Berjaya Leisure đầu tư 3,5 tỷ USD tại TP HCM ...
- Kết quả thu hút vốn ĐTNN đăng ký trong 7 tháng đầu năm 2008 đạt mức 45,2 tỷ USD, tăng gấp đôi kết quả của năm 2007 (21,3 tỷ USD) thể hiện sự tin tưởng của các nhà ĐTNN đối với môi trường đầu tư nước ta hiện nay, mặc dù môi trường đầu tư - kinh doanh nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát tăng cao, giá cả biến động dẫn tới chi phí tăng đột biến ảnh hưởng lớn tới hoạt động ĐTNN. Mặt khác, đây là kết quả tổng hòa của mọi nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư từ khi có ý đồ đầu tư đến khi hình thành dự án.
- Theo Điều tra hàng năm của JETRO tiến hành trên 1.745 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại châu Á bao gồm 6 nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Việt Nam), Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan, Việt Nam được đánh giá rất cao về triển vọng đầu tư cả về trung lẫn dài hạn. Về trung hạn, có 92,6% doanh nghiệp sản xuất và 88% doanh nghiệp dịch vụ dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Về dài hạn, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2007 của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng rất khả quan, với 77,8% doanh nghiệp sản xuất có lãi. Mức bình quân chung của các doanh nghiệp sản xuất trong diện điều tra là 70,8%, như vậy, tỷ lệ có lãi tại Việt Nam cao hơn mức bình quân chung 7 điểm phần trăm. Tuy nhiên, tỷ lệ có lãi của các doanh nghiệp dịch vụ ở Việt Nam lại rất thấp, chỉ là 29,2% (thấp hơn 40 điểm phần trăm) trong khi mức bình quân chung tại Châu Á là 69,5% và tại ASEAN là 66,2%.
Theo “Các cơ hội mới cho các nhà bán lẻ” - Báo cáo thường niên năm 2008 của AT Kearney, một Công ty chuyên về tư vấn quản lý của Hoa Kỳ – báo cáo nghiên cứu về mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ tại 30 nền kinh tế mới nổi, Việt Nam đã thăng hạng 3 bậc so với năm 2007, vượt qua Ấn Độ, Nga, Trung Quốc (ba nước này đều tụt 1 hạng) và trở thành địa điểm hấp dẫn nhất cho đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ tổ chức tại Hà Nội ngày 2/6/2008, đại diện các nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản đều phát biểu mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhưng các nhà đầu tư đều nhìn nhận Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Nguyên nhân có được thành tựu trên là do :
- Chính phủ tiếp tục nỗ lực để tạo môi trường đầu tư-kinh doanh hấp dẫn hơn, cởi mở và minh bạch, thông thoáng hơn. Các Bộ, ngành và địa phương đang thực hiện các giải pháp chỉ đạo hữu hiệu của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững bằng nhiều biện pháp, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập 11 đoàn công tác các địa phương thực hiện việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng thời, triển khai đề án thúc đẩy giải ngân vốn FDI, lập đoàn kiểm tra việc đầu tư, quy hoạch sân golf, gửi Công văn 3340/BKH-ĐTNN ngày 9/5/2008 và số 145/ĐTNN-DV ngày 15/5/2008 đề nghị tất cả các đầu mối quản lý đầu tư nước ngoài tại 64 tỉnh thành rà soát tình hình giải ngân, so sánh với tiến độ cam kết, đề xuất giải pháp thúc đẩy và đề nghị hỗ trợ từ trung ương. Hiện nay, mới nhận được báo cáo rà soát từ 33/64 tỉnh thành phố trên cả nước. Bộ Xây dựng có văn bản số 09/2008/TT-BXD cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh giá nguyên vật liệu và hợp đồng từ hình thức trọn gói sang hình thức hợp đồng theo đơn giá. Ngân hàng nhà nước Việt Nam có ban hành cơ chế điều chỉnh lãi suất cơ bản mới, đồng thời, thành lập nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá toàn diện chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng cả nước nhằm đánh giá thực trạng hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng và phát hiện những nội dung cơ chế, chính sách chưa phù hợp để bổ sung, chỉnh sửa kịp thời... Ngày 26/6/2008 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký Quyết định số 1436/QĐ-NHNN về việc ban hành một số quy định liên quan đến giao dịch ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối nhằm bình ổn tỷ giá ngoại tệ trên thị trường
- Tại Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ (ngày 2/6/2008 tại Hà Nội) các nhà đầu tư đã thể hiện sự tin tưởng các khó khăn của Việt Nam hiện tại là nhất thời và sẽ nhanh chóng được Chính phủ giải quyết trong thời gian tới.
b) Mặt chưa được:
- Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với các khó khăn trong thời gian gần đây như lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, thâm hụt ngân sách gia tăng và nguy cơ về mất ổn định tiền tệ… Trong 6 tháng đầu năm 2008 chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2008 tăng 20,34% theo số liệu của Tổng cục Thống kê (cùng kỳ năm trước tăng 7%). Tuy nhập siêu đã giảm trong vài tháng trở lại đây, nhưng nhập siêu hàng hóa 6 tháng đầu năm nay ước đạt 14,8 tỷ USD, bằng 49,8% kim ngạch xuất khẩu, tăng 184,6% so với cùng kỳ.
Tình hình trên khiến Standard & Poor’s (S&P) (một trong 3 công ty chuyên đánh giá hệ số tín nhiệm lớn nhất trên thế giới cùng với Moody’s và Fitch) đã công bố đầu tháng 5/2008, chuyển đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ “ổn định” sang “tiêu cực” (nghĩa là có khả năng giảm) trong trung hạn, dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế đã bắt đầu lo lắng về khả năng “hạ nhiệt” nền kinh tế tăng trưởng quá nóng thời gian qua. Mặc dù những rủi ro trong ngắn hạn, hệ số tín nhiệm của S&P vẫn ở mức BB/B đối với đồng ngoại tệ và ở mức BB+/B đối với nội tệ và các chỉ số này khá tốt cho triển vọng tăng trưởng kinh tế một phần do làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào.
- Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ngày 18-6-2008, lần đầu tiên công bố Bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ có môi trường thuận lợi với thương mại quốc tế năm 2008, Hồng Kông và Singapore giành vị trí thứ nhất và nhì trong 118 nền kinh tế do có "môi trường thân thiện" với thương mại quốc tế. Báo cáo này được thực hiện trên cơ sở khảo sát đánh giá về các yếu tố có tác động tích cực đến với môi trường thương mại quốc tế như tiếp cận thị trường, quản lý cửa khẩu, cơ sở hạ tầng viễn thông, giao thông vận tải và môi trường kinh doanh, chính sách thuế quan và nhiều yếu tố phụ khác ở 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam ở hạng 91 do chỉ số "tiếp cận thị trường" chỉ đạt 112/118, còn chỉ số về hàng rào thuế quan đứng ở vị trí 114/118 (thấp nhất trong các nước ASEAN) tuy có một số chỉ số xếp hạng khả quan như hiệu quả trong dịch vụ bưu điện hạng 33, khả năng tiếp thu công nghệ (43), an ninh vật chất (45), chỉ số về an ninh (46), dịch vụ vận tải (48).
- Theo báo cáo điều tra doanh nghiệp thường niên mới đây của Tổ chức JETRO thì chi phí thuê văn phòng ở Hà Nội hiện đang đứng thứ 5 trong khu vực châu Á, sau 2 thành phố Mumbai và New Delhi của Ấn Độ, Hồng Kông và Singapore; chi phí vận chuyển đường biển đến và đi từ Đà Nẵng cao nhất khu vực, gấp rưỡi chi phí bình quân từ các nước Châu Á; chi phí thuê nhà ở của người nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh hiện cũng đang ở mức rất cao so với khu vực, xấp xỉ tiền thuê nhà tại Singapore và gấp đôi tại Seoul. Chi phí đầu tư cao là thách thức lớn cho thu hút và giải ngân vốn FDI thời gian tới.
- Trong bối cảnh phân cấp toàn diện và triệt để công tác quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài về các địa phương, việc cung cấp thông tin đầu tư trực tiếp nước ngoài kịp thời của các địa phương lên trung ương là một yêu cầu cấp bách, để Chính phủ có đủ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành, phân tích và dự báo các biến động, các xu thế đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, các thông tin này vừa thiếu, vừa không kịp thời khiến cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng bị động, thiếu chuẩn xác. Do vậy, công tác dự báo về hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với cơ quan quản lý nhà nước cực kỳ nan giải và khó khăn. Tại Quyết định 305/2005/QĐ-TTg ngày 24/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Tổng cục Thống kê là cơ quan chủ trì, đầu mối trong việc thu thập số liệu vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài với tần suất thu thập là 6 tháng và năm. Đây là nguồn số liệu bổ sung quan trọng và là kênh rà soát, đối chiếu số liệu hiệu quả với các thông tin quản lý Cục Đầu tư nước ngoài hiện đang thu thập. Tuy nhiên, với chức năng là cơ quan đầu mối quản lý và đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cả nước, Cục Đầu tư nước ngoài phải tổng hợp, phân tích và dự báo các chỉ tiêu cơ bản của khu vực có vốn ĐTNN như vốn thực hiện, nộp ngân sách, lao động, xuất nhập khẩu… hàng tháng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Việc thu thập thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện đang là khó khăn lớn nhất đối với các cơ quan quản lý đầu tư các cấp, kể cả Cục Đầu tư nước ngoài, trong công tác nắm tình hình hoạt động, đảm bảo thông tin phục vụ công tác quản lý và điều hành, thúc đẩy giải ngân vốn FDI.
Nguyên nhân của các bất cập :
- Nền kinh tế nước ta đã "lưu thông" với kinh tế khu vực và thế giới, do đó, các biến động của giá dầu thô, giá cả nguyên vật liệu... đều có tác động trực tiếp tới kinh tế của ta.
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực không theo kịp tốc độ phát triển, đòi hỏi các Bộ, ngành và địa phương phải có giải pháp thích hợp, nhất là trong bối cảnh nước ta đang phải đảm bảo thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước với tốc độ phát triển cao, bền vững và trước mắt đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, giám sát đầu tư, cắt giảm các dự án đầu tư công chưa cần thiết...
- Cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ công tác thông tin kinh tế còn thiếu và yếu so với nhu cầu.
2.2. Xu hướng đầu tư vào Việt Nam :
Tiếp theo đà tăng trưởng của năm 2007, trong 7 tháng đầu năm 2008 tình hình thu hút ĐTNN vẫn đạt mức cao, một số doanh nghiệp ĐTNN đã triển khai tích cực ngay trong tháng đầu tiên của năm 2008, mặc dù biến động giá cả của thị trường thế giới đã tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Vốn đăng ký cấp mới và mở rộng đạt 45,2 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Quy mô vốn đầu tư bình quân đạt 68 triệu USD/dự án- mức cao nhất từ trước tới nay.
- Xu hướng các nhà ĐTNN đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt vào các khu vui chơi giải trí, công trình bất động sản đã tăng lên. Có thể lý giải điều này là do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng cao và ổn định trong thời gian qua, các nhà ĐTNN sau khi điều tra thực tế đã nhìn thấy một hướng đầu tư hứa hẹn nên đã cam kết đưa vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng vốn đầu tư đã chuyển dịch từ 2 thành phố lớn nhất của cả nước (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) sang các địa bàn lân cận do yêu cầu về quy hoạch ngành và diện tích đất lớn mà hai thành phố không thể đáp ứng được.
- Nhiều dự án có quy mô lớn đã được các địa phương cấp phép trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, đặc biệt các dự án kinh doanh bất động sản (xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng căn hộ để bán và cho thuê, xây dựng khách sạn cao cấp, …) đã nhanh chóng triển khai thực hiện theo cam kết (làm thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng...).
3. Để hỗ trợ các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) nhanh chóng đưa vốn thực hiện triển khai dự án, trong những tháng còn lại của năm 2008 cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:
1. Về môi trường pháp lý:
- Tiếp tục hướng dẫn các cam kết về mở cửa thị trường cho các nhà ĐTNN trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ theo đúng các cam kết của WTO. Công khai các văn bản pháp quy của các Bộ, ngành có liên quan về điều kiện đầu tư hoặc hành nghề của các doanh nghiệp nói chung để giúp các doanh nghiệp thực hiện đúng với các cam kết của Nhà nước ta.
- Ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung chưa rõ ràng, cụ thể tại Nghị định số 108/2006/ NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.
- Điều chỉnh quy hoạch các ngành cho phù hợp với các thỏa thuận và cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. Đặc biệt chú trọng công tác dự báo nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch (quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm, địa bàn...). Xoá bỏ quy định về việc yêu cầu các dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch sản phẩm.
2. Về thủ tục hành chính :
- Tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế ”liên thông-một cửa” ở các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý đầu tư. Tăng cường năng lực quản lý ĐTNN của các cơ quan chức năng và cơ chế phối hợp, giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư; giải quyết kịp thời các thủ tục về đất đai, thuế, xuất nhập khẩu, hải quan, ... Đồng thời, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản về quản lý ĐTNN trên địa bàn theo hướng minh bạch, rõ ràng về đầu mối, thời gian giải quyết hồ sơ đối với nhà đầu tư, đầu mục hồ sơ cấp GCNĐT ... nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động ĐTNN, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
- Thực hiện từng bước minh bạch hóa chính sách, thủ tục đầu tư; công khia hóa các bước của quá trình cấp GCNĐT lên mạng.
3. Về quản lý nhà nước trong hoạt động ĐTNN:
- Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước, phấn đấu không để xảy ra tình trạng thiếu điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
-Tổng kết việc các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh thực hiện Chỉ thị số 15/2007/CT-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy ĐTNN vào Việt Nam theo nhiệm vụ được giao tại văn bản số 3237/CP-QHQT ngày 20/5/2008 của Văn phòng Chính phủ.
- Rà soát/kiểm tra/điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả, nhất là đối với các địa phương ven biển nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và môi trường bền vững.
- Tập trung vào việc thực hiện các hoạt động giải ngân vốn ĐTNN đã được quy định tại Quyết định số 505/QĐ-BKH ngày 25/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm giảm khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện: Phối hợp hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đăng ký của các dự án đã được cấp GCNĐT, đặc biệt chú trọng công tác thúc đẩy triển khai các dự án quy mô vốn đầu tư lớn được cấp GCNĐT trong năm 2006 và năm 2007 (tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, về giải phóng mặt bằng ...). Hỗ trợ/giám sát các dự án đã/đang cấp GCNĐT triển khai đúng tiến độ đề ra.
- Ban hành chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN và bên hợp doanh nước ngoài thay thế Thông tư số 01/LB ngày 31/3/1997 để làm căn cứ cho các cơ quan quản lý ĐTNN địa phương và doanh nghiệp thực hiện. Triển khai thực hiện Quyết định số 305/2005/QĐ-TTg ngày 24/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia của các doanh nghiệp ĐTNN.
- Phối hợp triển khai tốt việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin ĐTNN theo Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Về xúc tiến đầu tư:
- Nghiêm túc triển khai đúng nội dung, tiến độ Chương trình XTĐT quốc gia 2008 ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-BKH ngày 25/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó, Bộ Tài chính cần xác định và thông báo sớm cho các cơ quan chủ trì phần kinh phí chính thức dành cho Chương trình này.
- Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư nói riêng và quản lý đầu tư nói chung. Vận động và phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ mở các lớp đào tạo về xúc tiến và quản lý ĐTNN.
- Tiếp tục kết hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư kết hợp các chuyến thăm và làm việc tại các nước của lãnh đạo cấp cao Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhằm quảng bá môi trường đầu tư Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch.
- Khẩn trương triển khai việc thành lập các bộ phận xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm theo kế hoạch.
- Tiếp tục bảo trì, nâng cấp trang thông tin website giới thiệu về ĐTNN (ngoài tiếng Anh bổ sung thêm tiếng Hàn và tiếng Nhật).
5. Một số vấn đề khác:
- Tiếp tục xây dựng và thực hiện chương trình Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn III hiệu quả; cũng như Cơ chế hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Việt Nam) và Cơ quan Phát triển kinh tế - EDB (Singapore) phù hợp với tình hình mới.
- Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ và nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp thông qua các hoạt động của Nhóm M&D, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nửa năm/thường niên; các hoạt động của Korean-Desk giữa Tổ chức KOTRA và Cục Đầu tư nước ngoài; các hoạt động liên quan đến JAMA (Hiệp hội ô tô Nhật Bản).
- Tiếp tục kiến nghị việc bổ sung vốn đối ứng của bên Việt Nam trong dự án JICA về "Tăng cường năng lực điều hành hoạt động XTĐT của Cục ĐTNN" để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này.
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
|