Báo cáo tình hình thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát 8 tháng đầu năm
BỘ TÀI CHÍNH
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆTNAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________
Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2008
|
BÁO CÁO
Tình hình thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô
và kiềm chế lạm phát 8 tháng đầu năm;
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2008
______
I. TÌNH HÌNH ĐIỀU HÀNH KINH TẾ VĨ MÔ 8 THÁNG ĐẦU NĂM:
1. Kết quả thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm 2008:
- Kinh tế 8 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng khá: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2007. Giá trị sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, hoạt động dịch vụ vẫn tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước tăng 30% so với cùng kỳ năm 2007.
- Tổng thu cân đối NSNN thực hiện 8 tháng ước đạt bằng 86,3% dự toán, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm 2007. Tổng chi NSNN 8 tháng đạt 73,6% dự toán, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2007; Bội chi NSNN 8 tháng: ước bằng 22,0% dự toán năm.
- Chỉ số lạm phát tháng 8 là 1,56%, 8 tháng là 21,65 %.
- Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam trong 8 tháng qua đạt 47,158 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài là 40,08 tỷ USD, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2007. Vốn thực hiện đạt 7 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài thực hiện là 5,95 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 8 tháng là 102,6 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2007. Nhập siêu 8 tháng ước tính là 16 tỷ USD, bằng 37% tổng trị giá xuất khẩu.
- Thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu phục hồi tốt, kết thúc phiên giao dịch ngày 03/9 chỉ số giá chứng khoán đạt 555,14 điểm. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 696 tỷ đồng/phiên, tăng 32% so với giao dịch bình quân tháng 7/2008.
2. Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt 8 nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng bền vững và thực thi chính sách an sinh xã hội mà Nghị quyết 10/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008 đã đề ra. Trong tháng 8 đã hai lần điều chỉnh giảm giá bán xăng và dầu hoả đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng.
II. CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ VÀ KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
1. Tiếp tục thắt chặt tiền tệ linh hoạt:
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, trong đó có chính sách về lãi suất, tỷ giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng.
2. Chính sách tài khóa:
(i) Tăng cường công tác thu ngân sách để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách được giao, kết hợp với việc rà soát nợ đọng thuế, chống thất thu; (ii) Tiếp tục rà soát lại chi ngân sách, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư chưa thực sự cấp bách và dự án đầu tư không có hiệu quả; không tăng chi ngoài dự toán, dành nguồn kinh phí cho đảm bảo an sinh xã hội; (iii) Xem xét điều chỉnh giảm mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm bình ổn thị trường, hạn chế nhập siêu.
3. Chính sách giảm nhập siêu:
(i) Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thu mua hàng xuất khẩu đặc biệt là đối với thủy sản, nông sản tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có vấn đề về cân đối vốn tín dụng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng quan trọng; (ii) Tiếp tục thực hiện kiểm soát và cơ cấu lại hàng hóa nhập khẩu, giảm nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng xa xỉ và các nhóm hàng chưa thực sự cần thiết.
4. Chính sách điều hành giá cả:
(i) Giữ ổn định giá các mặt hàng điện, than (cho 4 hộ tiêu thụ lớn), nước sạch cho sinh hoạt, cước vận chuyển xe buýt công cộng do Nhà nước đấu thầu đến hết năm 2008; không để xảy ra tình trạng thiếu các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu; (ii) Doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán theo lộ trình cụ thể sau khi đã áp dụng các biện pháp tiết giảm chi phí để quy định mức giá hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ; (iii) Tăng cường quản lý thị trường, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý giá; (iv) Công bố công khai chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ về giá cả, thị trường, cung - cầu các mặt hàng thiết yếu để người dân biết, cảnh giác với các thông tin sai lệch có thể xảy ra.
5. Chính sách quản lý thị trường chứng khoán:
(i) Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để ổn định và phát triển thị trường chứng khoán; (ii) Tiếp tục thực hiện cổ phần hoá DNNN để thu hút vốn đầu tư và tạo ra hàng hóa mới cho thị trường; (iii) Tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, thanh tra để xử lý các vi phạm trên thị trường, đặc biệt là các vi phạm về chào bán chứng khoán ra công chúng, công bố thông tin và giao dịch chứng khoán.
6. Đảm bảo an sinh xã hội:
Tiếp tục thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, thực hiện hỗ trợ kịp thời đối với đối tượng là cán bộ công chức có thu nhập thấp, đối tượng chính sách xã hội.
7. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo ra sự đồng thuận cao trong việc thực thi chính sách./.
_____________________