BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
____________
Số: 3945/BC-BKH
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_____________
Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2008
|
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2008 VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10/2008/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
(Tài liệu phục vụ họp báo ngày 02 tháng 6 năm 2008)
I.TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2008
1. Một số kết quả đạt được:
(1) Sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước đạt 55,5 nghìn tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2007. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 271 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 7 %; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 22,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,2%.
Trong 34 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có 12 sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch của toàn ngành1, 15 sản phẩm khác có tốc độ tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp và có 7 sản phẩm, sản lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước2.
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với sản xuất công nghiệp là giá vật tư nhập khẩu và giá đầu vào tăng cao, trong khi giá đầu ra, nhất là giá sản phẩm xuất khẩu không tăng tương xứng,...làm giảm hiệu quả hoặc thua lỗ.
Trong 5 tháng đầu năm 2008, cả nước có 7 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nâng tổng số khu công nghiệp trên cả nước lên 186 khu với tổng diện tích đất tự nhiên 45 nghìn ha.Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của các khu công nghiệp trên cả nước đạt gần 50%, riêng các khu công nghiệp đã vận hành đạt tỷ lệ lấp đầy gần 74%.
(2) Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, mặc dù có nhiều khó khăn về thiên tai và dịch bệnh.
Đến ngày 15/5/2008, các tỉnh phía Nam đã cơ bản thu hoạch xong lúa Đông xuân với 1.835,5 nghìn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thóc đạt khoảng 11,32 triệu tấn, tăng 400 nghìn tấn so với vụ Đông - Xuân năm trước. Các tỉnh phía Nam đã gieo cấy được hơn 1.179,5 nghìn ha lúa Hè thu, tăng 14,4%; tiến độ gieo trồng nhanh hơn 20% - 30% cùng kỳ năm trước.
Diện tích lúa đông xuân ở các tỉnh phía Bắc đạt gần 1.112 nghìn ha, bằng 98,8% cùng kỳ năm 2007, nhìn chung lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt; năng suất có thể đạt xấp xỉ vụ trước.
Chăn nuôi phát triển tốt, tính đến giữa tháng 4 đàn bò tăng 3% - 4% so với cùng kỳ; đàn gia cầm tăng 6% -7%; riêng đàn lợn giảm từ 2% - 3% do ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh.
Về thủy sản, sản lượng khai thác thủy sản 5 tháng đạt 882 nghìn tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2007 do giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng nhiều đến sản lượng khai thác. Nuôi trồng thủy sản 5 tháng đạt 710 nghìn tấn, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2007.
(3) Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm ước đạt 368,9 nghìn tỷ đồng, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành du lịch tăng 43,7%, dịch vụ tăng 28,3%, thương nghiệp tăng 30,1%, khách sạn nhà hàng tăng 25,6%.
Hoạt động du lịch tiếp tục diễn ra sôi động. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 ước đạt 382 nghìn lượt người, đưa lượng khách du lịch quốc tế trong 5 tháng đầu năm lên gần 2,08 triệu lượt khách, tăng 16,6% so với cùng kỳ; trong đó khách đến với mục đích du lịch đạt 1,28 triệu lượt người, tăng 15,6%.
Hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách tăng khá, trong 5 tháng đầu năm 2008, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 168,4 triệu tấn và 64,5 tỷ TKm, tăng 9,7% về tấn và 33,2% về TKm so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách vận chuyển đạt 740 triệu lượt người và 34,4 tỷ HKkm, tăng 10,4% về lượt hành khách và 10,8% về HKkm.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển. Trong tháng 5/2008 đã phát triển mới 1 triệu thuê bao điện thoại, nâng tổng số thuê bao điện thoại mới từ đầu năm lên 5,56 triệu máy. Tính đến hết tháng 5/2008, tổng số thuê bao trên toàn mạng đạt 52,5 triệu máy, đạt mật độ 61,2 máy/100 dân.
Tổng số thuê bao Internet quy đổi phát triển từ đầu năm đến hết tháng 5/2008 đạt 140 nghìn, nâng tổng số thuê bao hiện có trên toàn mạng lên 5,59 triệu máy, đạt mật độ 6,52 thuê bao/100 dân; đến cuối tháng 5, có khoảng 19,3 triệu người sử dụng dịch vụ Internet, bằng 22,7% dân số.
Mạng lưới điểm phục vụ bưu chính tiếp tục phát triển, cả nước hiện có 19,2 nghìn điểm phục vụ bưu chính với trên 8 nghìn điểm bưu điện - văn hóa xã, bán kính phục vụ bình quân khoảng 2,35km/điểm.
(4) Hoạt động xuất khẩu tiếp tục phát triển.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 5.150 triệu USD, tăng 3% so với tháng 4/2008. Một số mặt hàng có tỷ lệ tăng khá so với tháng trước là dệt may tăng 11,6%; giầy dép tăng 11,4%; túi xách, va ly, ô dù tăng 7,1%; thủy sản tăng 6%....Tính chung cả 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23.398 triệu USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2007 (cùng kỳ năm trước tăng 18,4%).
Đến hết tháng 5 đã có 7 sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 3 sản phẩm), đó là: dầu thô đạt 4.521 triệu USD, tăng 45,5%; dệt may đạt 3.255 triệu USD, tăng 19%; giầy dép đạt 1.748 triệu USD, tăng 13,4%; gạo đạt 1.166 triệu USD, tăng 94,1%; sản phẩm gỗ đạt 1.145 triệu USD, tăng 20,8%; thủy sản đạt 1.480 triệu USD, tăng 11,6%; cà phê đạt 1.008 triệu USD, bằng 90,4% cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 8.000 triệu USD, giảm 2,9% so với tháng trước do nhiều sản phẩm có mức nhập khẩu giảm so với tháng 4 là: ô tô nguyên chiếc giảm 38,2%; phân bón các loại giảm gần 24%; thép các loại giảm gần 32%; linh kiện xe máy giảm 11,3%; máy móc thiết bị phụ tùng giảm 9,2%; linh kiện ô tô giảm 6,3%....Tính chung 5 tháng đầu năm 2008 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 37.817 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2007.
Nhập siêu 5 tháng đầu năm ở mức 14.419 triệu USD, bằng 61,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
(5) Về vốn đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2008 đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, bằng 31% kế hoạch năm, trong đó trung ương đạt 28,5%, địa phương đạt 32,3%.
Mức giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ từ đầu năm đến hết tháng 4 năm 2008 đạt 8,8% kế hoạch năm 2008.
Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện trong tháng 5 ước đạt 800 triệu USD, nâng tổng số vốn thực hiện 5 tháng đạt 3.950 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2007.
Trong tháng 5, vốn của dự án cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 7.731 triệu USD, trong đó vốn đăng ký mới 7.498 triệu USD, là tháng đạt mức cao nhất từ trước đến nay do có nhiều dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tính chung cả 5 tháng, số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 15.329 triệu USD, tăng 134% so với cùng kỳ; trong đó vốn đầu tư đăng ký mới là 14.724,6 triệu USD với 324 dự án được cấp giấy phép đầu tư, tăng 160,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 14.724,6 triệu USD vốn cấp mới, có trên 2.000 triệu USD được thu hút vào các khu công nghiệp.
Vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ (12,28 tỷ USD), chiếm 83,4% tổng vốn đăng ký mới, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí, công trình bất động sản.
Về cơ cấu vùng, trừ dự án thăm dò khai thác dầu khí, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh đứng đầu có vốn đăng ký mới 5,5 tỷ USD, chiếm 37,5% tổng số vốn đăng ký; Thành phố Hồ Chí Minh 2,1 tỷ USD, chiếm 14,2%; Đồng Nai 1,77 tỷ USD chiếm 12%; Kiên Giang 1,6 tỷ USD, chiếm 11,2%.
Thu hút vốn ODA: Trong 5 tháng, mức giải ngân nguồn vốn ODA ước đạt 571 triệu USD, bằng 30% kế hoạch giải ngân năm 2008; trong đó vốn vay 484 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại 87 triệu USD.
(6) Thu chi ngân sách nhà nước, giá cả
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến giữa tháng 5 đạt khoảng 46,1% dự toán cả năm; trong đó thu nội địa bằng 44,1% dự toán, thu từ dầu thô bằng 45,4% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 53,8% dự toán.
Chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến giữa tháng 5 đạt 37% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 34,1% dự toán. Nói chung chi ngân sách Nhà nước trong kỳ đã đảm bảo thanh toán nghĩa vụ nợ của ngân sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu hoạt động của bộ máy nhà nước, tập trung xử lý các nhu cầu phát sinh, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Về giá cả: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 so với tháng trước tăng đến 3,91%; trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 7,25% (lương thực 22,19%, thực phẩm 2,28%, ăn uống ngoài gia đình 2,56%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,88%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,20%; may mặc mũ nón giày dép tăng 0,96%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,93%; văn hóa thể thao giải trí tăng 0,57%; các mặt hàng còn lại tăng dưới 0,5%. Chỉ số giá vàng giảm 3,89%; giá đô la Mỹ tăng 1,02%.
So với tháng 12 năm 2007, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 đã tăng 15,96%; trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 26,56% (lương thực tăng 52,88%, thực phẩm tăng 18,23%, ăn uống ngoài gia đình tăng 19,50%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 12,17%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 10,20% (trong đó bưu điện giảm 0,07%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 7,11%; đồ uống và thuốc là tăng 7,06%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 5,69%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,07%; văn hóa thể thao giải trí tăng 4,87%; dược phẩm y tế tăng 3,19%; giáo dục tăng 1,44%. Chỉ số giá vàng tăng 11,41%; giá đô la Mỹ tăng 0,32%.
7) Một số hoạt động trong lĩnh vực xã hội thu được kết quả tốt.
Ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp các cấp năm học 2007-2008 và đang tập trung chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2008. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ ngày 28 đến 30 tháng 5 diễn ra an toàn, khách quan, trung thực, nghiêm túc. Tất cả các tỉnh, thành đều tích cực triển khai cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", thực hiện đúng quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về giải quyết việc làm, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc mở sàn giao dịch lao động việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động với nhiều trình độ khác nhau. Trong 5 tháng đã giải quyết việc làm cho 65 vạn người, bằng 38,2% kế hoạch cả năm, trong đó, xuất khẩu lao động 36 nghìn người, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2007.
Ngành y tế tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè và tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dịch, phòng chống các loại dịch bệnh tiêu chảy cấp, cúm H5N1, sốt xuất huyết, dịch tay-chân-miệng; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương, tuyên truyền đẩy mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường và vệ sinh nơi sinh hoạt.
Các hoạt động văn hóa thông tin thể thao diễn ra sôi động, tuy nhiên, thời gian qua, một số hoạt động thể thao đã bộc lộ sự yếu kém trong tổ chức các giải thi đấu, chất lượng chuyên môn của trọng tài và tình trạng bạo lực trong thi đấu, gây bức xúc trong công chúng.
Tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương đều thấp hơn cùng kỳ năm 2007.
2. Một số vấn đề cần chú ý
Trong 5 tháng đầu năm 2008, một số mặt của nền kinh tế đạt được kết quả tích cực, nhưng các khó khăn, hạn chế đã được nêu trong các tháng trước vẫn còn gay gắt và diễn biến phức tạp, cụ thể như sau :
(1) Giá cả tiếp tục tăng ở mức cao. Chỉ số giá sau khi có dấu hiệu giảm xuống 2,99% trong tháng 3 và 2,2% trong tháng 4 năm 2008; đến tháng 5 lại tăng tới 3,91%. Giá tăng cao trong tháng 5, ngoài các nguyên nhân đã nêu trong các tháng trước còn do đột biến giá lương thực bị ảnh hưởng tâm lý thiếu lương thực toàn cầu. Giá vàng và ngoại tệ trong những ngày gần đây cũng có biến động khá lớn. Tình hình trên đây đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra.
(2) Nhập siêu của 5 tháng đã ở mức trên 14,4 tỷ USD, cao hơn mức nhập siêu của cả năm 2007 (năm 2007 nhập siêu là 14,12 tỷ USD, bằng 29,0% kim ngạch xuất khẩu) và đang trong xu hướng tiếp tục tăng (nhập siêu của 3 tháng đầu năm 2008 là 7,36 tỷ USD, bằng 56,5% kim ngạch xuất khẩu; 4 tháng: 11,1 tỷ USD, bằng 60,8%; 5 tháng: 14,4 tỷ USD, bằng 61,6%).
(3) Khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ đều chậm so với tiến độ đề ra.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư chậm chủ yếu do các dự án được ghi kế hoạch năm 2008 đang triển khai thi công, các dự án có khối lượng hoàn thành nhưng chủ đầu tư và nhà thầu đang làm thủ tục điều chỉnh giá theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng, điều chỉnh dự toán, tổng mức đầu tư, giá gói thầu, hợp đồng...;
II. VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 10/2008/NQ-CP
Thực hiện Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17/4/2008 các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao. Qua báo cáo sơ bộ, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số10/2008/NQ-CP như sau :
1. Về việc thực hiện chính sách tiền tệ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ. Tổng phương tiện thanh toán trong 5 tháng đầu năm tăng chậm hơn so với các tháng cuối năm 2007. Đến cuối tháng 5 năm 2008, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,73% so với cuối năm 2007, giảm đáng kể so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2007 là 16,5%. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Quyết định thay đổi cơ chế điều hành lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2008, tạo hành lang giữa lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu (chênh lệch 2%) có tác dụng góp phần điều tiết lãi suất thị trường liên ngân hàng ; trong đó, lãi suất cơ bản và lãi suất nghiệp vụ thị trường mở sẽ dao động trong hành lang này. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng Đồng Việt Nam, đã phản ánh thực tế hơn lãi suất thị trường, góp phần tạo nên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền, tổ chức tín dụng và người vay vốn; thu hút thêm tiền gửi vào hệ thống; đảm bảo khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và góp phần kiềm chế lạm phát.
Thực hiện các biện pháp mạnh mẽ trên đây, về lâu dài sẽ có tác dụng tích cực đến việc hạn chế, giảm dần tốc độ tăng giá. Tuy nhiên, để khắc phục yếu tố tâm lý trong nhân dân về lạm phát hiện nay, cần công bố thông tin rộng rãi và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về những kết quả của các biện pháp thắt chặt tiền tệ (đây là những thông tin được công bố công khai ở hầu khắp các nước trên thế giới).
2. Về việc kiểm soát và nâng cao hiệu quả chi tiêu công.
(1) Về sắp xếp bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008.
Thực hiện Nghị quyết 10/2008-NQ-CP, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước đang tiến hành rà soát lại các công trình, dự án, xác định danh mục dự án cần phải loại bỏ, hoặc giãn tiến độ.
Theo báo cáo sơ bộ của 28 bộ, ngành trung ương và 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 8 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đến ngày 29 tháng 5 năm 2008 đã có 995 công trình, dự án đình hoãn, ngừng triển khai thực hiện và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 với tổng số vốn là 3.983 tỷ đồng, bằng 7,8% tổng vốn đầu tư trong nước thuộc ngân sách nhà nước năm 2008, trong đó: Số dự án đình hoãn và ngừng triển khai thực hiện là: 618 dự án, với tổng số vốn kế hoạch năm 2008 là 1.450 tỷ đồng. Số dự án giãn tiến độ thực hiện là 377 dự án với tổng số vốn là 2.533 tỷ đồng.
Đối với Trái phiếu Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức vốn giảm 25% so với kế hoạch được Quốc hội thông qua.
(2) Về tiết kiệm chi thường xuyên thuộc ngân sách nhà nước các cấp, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn và quy định cụ thể về mức tiết kiệm 10% và các khoản cần phải giảm chi như tiết kiệm xăng dầu, điện nước, hội nghị tổng kết, mua xe ô tô, sửa chữa trụ sở.... hầu hết các Bộ ngành, địa phương đều triển khai nghiêm túc quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Về phát triển sản xuất kinh doanh và bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa.
Việc khắc phục hậu quả thiên tai và dịch bệnh đang được tích cực thực hiện để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các chính sách khôi phục sản xuất lúa Đông Xuân 2007-2008 và chăn nuôi trâu, bò bị thiệt hại do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại năm 2008; bảo vệ nghiêm ngặt đàn giống bằng biện pháp an toàn sinh học, nghiên cứu sử dụng vắc xin, đảm bảo cung cấp giống an toàn cho sản xuất; nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng và tai xanh ở lợn theo hướng điều chỉnh kinh phí hỗ trợ cho phù hợp hơn với thị trường và khả năng thực tế ngân sách của địa phương.
Các Bộ ngành, địa phương tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đối với việc phát triển sản xuất kinh doanh.
4. Về đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu.
Các Bộ liên quan đang rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu để giảm chi phí cho doanh nghiệp; xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu, giảm nhập siêu. Đồng thời đã điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô, linh kiện ô tô, vàng.... nhằm hạn chế nhập siêu.
Công tác xúc tiến thương mại đối với hàng xuất khẩu tiếp tục được triển khai theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2008 đã được phê duyệt.
Về xuất khẩu gạo, các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc kiểm soát xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký hợp đồng theo từng quý và dự báo thị trường trước khi ký hợp đồng, tránh bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân.
Đồng thời đã nghiên cứu điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với than và một số loại khoáng sản, nghiên cứu áp dụng thuế xuất khẩu gạo để điều tiết lượng gạo xuất khẩu, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực.
Về thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng.
Các Bộ chuyên ngành phối hợp với hiệp hội ngành hàng tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng trọng yếu như xi măng, sắt thép, phân bón, bảo đảm giảm chi phí ở các khâu sản xuất, sản xuất hết công suất để tăng nguồn cung cho thị trường. Các doanh nghiệp đang phấn đấu tiết kiệm năng lượng, vật tư và các chi phí quản lý hành chính trong sản xuất kinh doanh; tìm mọi biện pháp tăng năng suất và chất lượng để giảm giá thành, bù thiệt hại về giá cả đầu vào tăng; nâng cao việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và tăng cường tỷ lệ nội địa hóa./.
___________________________
1 Sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch của toàn ngành: xe tải tăng 109,8%; xe chở khách tăng 106,5%; máy giặt tăng 51,1%; lốp ôtô, máy kéo các loại tăng 41,5%; tivi các loại tăng 30,5%; điều hòa nhiệt độ tăng 29,9%; tủ lạnh, tủ đá tăng 29,7%; dầu thực vật tinh luyện tăng 28,6%; sữa bột tăng 26,9%; quần áo tăng 25,7%; thủy sản chế biến tăng 19,5%; thép tròn các loại tăng 17,1%
2 Sản phẩm giảm gồm dầu thô khai thác giảm 6,3%, khí đốt thiên nhiên giảm 3,1%, khí hóa lỏng giảm 18,7%, thuốc lá điếu giảm 2,4%, vải dệt từ sợi tổng hợp giảm 6,5%, hàng giầy dép bằng da giả giảm 40,8%, kính thủy tinh giảm 7,7%
|