Kinh tế-xã hội nước ta 10 tháng năm 2008 chịu tác động lớn từ những bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt khủng hoảng tài chính kéo theo sự suy giảm của nhiều nền kinh tế. Thiên tai, dịch bệnh trong nước liên tiếp xảy ra gây thiệt hại nhiều cho sản xuất và đời sống dân cư. Tuy nhiên, Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành thực hiện 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên kinh tế-xã hội nước ta 10 tháng năm 2008 vẫn phát triển ổn định, kết quả hoạt động sản xuất cụ thể của từng ngành và lĩnh vực như sau:
Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp tháng 10 tập trung chủ yếu vào thu hoạch lúa mùa ở phía Bắc và gieo trồng cây vụ đông trên cả nước. Tính đến 15/10/2008, các địa phương phía Bắc đã thu hoạch được 597,9 nghìn ha lúa mùa, chiếm 50,3% diện tích gieo cấy và bằng 78,3% cùng kỳ năm trước, năng suất ước tính đạt 48,8 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với vụ mùa trước (vùng đồng bằng sông Hồng thu hoạch 317,6 nghìn ha, bằng 82,1%; vùng Bắc Trung Bộ 87,2 nghìn ha, bằng 63,3%).
Cũng đến trung tuần tháng 10, cả nước đã gieo trồng được 375 nghìn ha cây vụ đông, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngô 185,9 nghìn ha, tăng 4,4%; khoai lang 39,9 nghìn ha, tăng 1,5%; đỗ tương 62,2 nghìn ha, tăng 14,5%; rau đậu 79,3 nghìn ha, tăng 28,9%...
Chăn nuôi nhìn chung ổn định nhưng tốc độ tái đàn sau dịch bệnh còn chậm do giá thức ăn và con giống vẫn ở mức cao. Nhờ tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nên dịch lợn tai xanh đã được khống chế trên phạm vi cả nước. Tính đến ngày 21/10/2008, cả nước chỉ còn Nghệ An có dịch cúm gia cầm; Thanh Hoá, Quảng Bình và Quảng Trị có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tháng này chịu ảnh hưởng liên tiếp của bão lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Theo báo cáo của các địa phương, thiên tai đã làm 8,7 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng, trong đó có 7,2 nghìn ha lúa; trên 3 nghìn ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; gần 2 nghìn ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập và hư hỏng; 4,4 nghìn con gia súc và 30 nghìn con gia cầm bị chết và cuốn trôi.
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tháng 10/2008 ước tính đạt 16,1 nghìn ha, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước; trồng cây phân tán 6,9 triệu cây, tăng 13,1%; sản lượng gỗ khai thác 325,6 nghìn m3, tăng 5,6%. Tính chung 10 tháng năm 2008, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 166,4 nghìn ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; trồng cây phân tán 172 triệu cây, bằng 99,7%; sản lượng gỗ khai thác 2760,9 nghìn m3, tăng 4,5%. Trong 10 tháng năm 2008, cả nước có 2450,6 ha rừng bị thiệt hại, bằng 44% cùng kỳ năm trước, trong đó rừng bị cháy 1047,2 ha, bằng 24,6%.
Thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản tháng 10/2008 ước tính đạt 402,3 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nuôi trồng 237 nghìn tấn, tăng 9,2%; khai thác 165,3 nghìn tấn, tăng 0,6 %. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng này tăng chậm do tiêu thụ cá tra gặp khó khăn vì giá thu mua thấp và biến động nhiều. Bên cạnh đó, dịch bệnh ở tôm có xu hướng tăng lên làm giảm diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch (Cà Mau chết 500 ha tôm sú, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi có gần 300 ha tôm bị bệnh). Khai thác thuỷ sản ổn định hơn do thời tiết thuận lợi, cùng với chính sách hỗ trợ tiền xăng dầu cho ngư dân của Chính phủ đã khuyến khích nhiều tàu thuyền ra khơi bám biển (Bình Định được hỗ trợ 31 tỷ đồng; Bạc Liêu 13 tỷ đồng, Tiền Giang 6,6 tỷ đồng, Bình Thuận 5,4 tỷ đồng).
Tính chung 10 tháng năm 2008, tổng sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 3806,8 nghìn tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nuôi trồng đạt 2060 nghìn tấn, tăng 19,1%; khai thác 1746,8 nghìn tấn, tăng 0,2%.
Công nghiệp
Sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2008 gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng mạnh của cơn bão giá dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt 8 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát nên hiện nay giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu đã có xu hướng tăng chậm lại; nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Đây là những yếu tố thuận lợi bước đầu giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10/2008 ước tính tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 3,6%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 22,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,5% (dầu mỏ và khí đốt giảm 13,7%; các ngành khác tăng 20,9%).
Tính chung 10 tháng năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,5% (Trung ương quản lý tăng 7,7%; địa phương quản lý giảm 1,7%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 21,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,8% (dầu mỏ và khí đốt giảm 8,2%; các ngành khác tăng 20,6%).
Một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn vẫn duy trì được tốc độ tăng tương đối cao là: Vĩnh Phúc tăng 28,4%; Bình Dương tăng 23,6%; Đồng Nai tăng 21,1%; Hải Phòng tăng 18%; Cần Thơ tăng 16,3%; Phú Thọ tăng 15,8%. %. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố lớn có mức tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó Thanh Hóa tăng 15,3%; Hải Dương tăng 13,7%; Quảng Ninh tăng 13,2%; Hà Nội tăng 12,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 12%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 2,1%.
Sản xuất một số sản phẩm thiết yếu nhìn chung vẫn duy trì được tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành: Xe tải tăng 64,2%; xe chở khách tăng 53,3%; quần áo người lớn tăng 33,9%; máy giặt tăng 33,8%; sữa bột tăng 28,7%; tủ lạnh, tủ đá tăng 25,6%; thủy hải sản chế biến tăng 23,6%; ti vi tăng 20,4%; biến thế điện tăng 18,8%; xà phòng giặt tăng 17,2%. Tuy nhiên, sản lượng nhiều loại sản phẩm quan trọng khác phục vụ sản xuất trong nước, phục vụ xuất khẩu hoặc phải nhập khẩu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước chỉ tăng ở mức thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước như: Đường tăng 5%; phân hoá học tăng 4,4%; sơn hoá học tăng 1,3%; vải dệt từ sợi bông tăng 0,2%; than đá giảm 1,2%; kính thuỷ tinh giảm 4,1%; vải dệt từ sợi tổng hợp giảm 5%; thép tròn giảm 7,7%; dầu thô khai thác giảm 8,1%.
Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tháng 10/2008 ước tính đạt 9,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm vốn Trung ương đạt 3,5 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương đạt 6,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện 75,6 nghìn tỷ đồng, đạt 77,1% kế hoạch năm, bao gồm vốn Trung ương 24,2 nghìn tỷ đồng, đạt 72,9%; vốn địa phương 51,4 nghìn tỷ đồng, đạt 79,2%.
Khối lượng thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước của một số Bộ, ngành như sau: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính 1931,4 tỷ đồng, đạt 115,9% kế hoạch năm; Bộ Công thương 190,8 tỷ đồng, đạt 80,5%; Bộ Y tế 727,1 tỷ đồng, đạt 78%; Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch 341,1 tỷ đồng, đạt 77,3%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 862,6 tỷ đồng, đạt 77%; Bộ Giao thông Vận tải 4402,6 tỷ đồng, đạt 70,1%; Bộ Xây dựng 100,3 tỷ đồng, đạt 28,5%. Một số địa phương có tiến độ giải ngân nhanh là: Lâm Đồng 785,4 tỷ đồng, đạt 99,6% kế hoạch năm; Quảng Trị 710,2 tỷ đồng, đạt 91,9%; Thái Nguyên 570 tỷ đồng, đạt 89,8% ; Thừa Thiên-Huế 810 tỷ đồng, đạt 89,5%; Yên Bái 520 tỷ đồng, đạt 88,8%; Lai Châu 882,3 tỷ đồng, đạt 87,9%; Bà Rịa-Vũng Tàu 1698,7 tỷ đồng, đạt 85,7%; Ninh Thuận 450,7 tỷ đồng, đạt 85,5%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong tháng 10/2008 đã có 68 dự án cấp phép mới với tổng số vốn đăng ký 2 tỷ USD, nâng tổng số dự án cấp mới từ đầu năm đến 22/10/2008 lên 953 dự án, tổng số vốn đăng ký 58,3 tỷ USD, tuy giảm 16,7% về số dự án nhưng tăng 497,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính thêm 1 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung của 247 lượt dự án được cấp phép các năm trước thì 10 tháng cả nước đã thu hút được 59,3 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 426,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện 10 tháng năm 2008 ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2007.
Công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực tập trung nhiều dự án đầu tư nước ngoài nhất 10 tháng qua với 512 dự án, vốn đăng ký 32,5 tỷ USD, chiếm 53,7% số dự án và chiếm 55,7% tổng vốn đăng ký; dịch vụ 400 dự án với 25,6 tỷ USD, chiếm 42% số dự án và chiếm 43,9% tổng vốn đăng ký; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 41 dự án với 222,4 triệu USD, chiếm 4,3% số dự án và chiếm 0,4% tổng vốn đăng ký.
Số dự án trên được cấp phép tại 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó Ninh Thuận dẫn đầu với 9,8 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu 9,3 tỷ USD, chiếm 16%; thành phố Hồ Chí Minh hơn 8 tỷ USD, chiếm 13,7%; Hà Tĩnh 7,9 tỷ USD, chiếm 13,5%; Thanh Hóa 6,2 tỷ USD, chiếm 10,6%; Phú Yên 4,3 tỷ USD, chiếm 7,5%; Hà Nội 2,9 tỷ USD, chiếm 5%.
Trong số 43 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam 10 tháng qua, có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt số vốn đăng ký trên 1 tỷ USD là: Ma-lai-xi-a dẫn đầu với 14,9 tỷ USD, chiếm 25,5% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Đài Loan 8,6 tỷ USD, chiếm 14,8%; Nhật Bản 7,3 tỷ USD, chiếm 12,5%; Bru-nây 4,4 tỷ USD, chiếm 7,5%; Ca-na-đa 4,2 tỷ USD, chiếm 7,3%; Xin-ga-po 4 tỷ USD, chiếm 6,9%; Thái Lan gần 4 tỷ USD, chiếm 6,8%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 3,2 tỷ USD, chiếm 5,4%; Síp 2,2 tỷ USD, chiếm 3,8%; Hàn Quốc 1,5 tỷ USD, chiếm 2,6%; Hoa Kỳ 1,4 tỷ USD, chiếm 2,4%.
Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/10/2008 ước tính đạt 102,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 96,5%; thu từ dầu thô đạt 98,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 121,7%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 95,2%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 87,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 89,2%; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 118%; thu phí xăng dầu đạt 77,9%; thu phí, lệ phí đạt 83,5%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/10/2008 ước tính đạt 87,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 75,7% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 71,9%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (gồm cả chi cải cách tiền lương) đạt 87,5%; chi trả nợ và viện trợ đạt 86,6%.
Thương mại, giá cả và dịch vụ
Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Thị trường thương mại, dịch vụ và du lịch tháng 10/2008 nhìn chung ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước tính đạt 87,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 782,3 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm nay tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh thương nghiệp đạt 644,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,4% tổng mức và tăng 31,2%; khách sạn, nhà hàng đạt 88,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3%, tăng 25,5%; dịch vụ đạt 38,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 5%, tăng 30,3%; du lịch đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3%, tăng 46,1%. Thành phố Hồ Chí Minh đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng lớn nhất với 185,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng số cả nước, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2007; tiếp đến là Hà Nội đạt 103,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,2%, tăng 31,7%
Giá tiêu dùng
Giá tiêu dùng tháng 10/2008 giảm 0,19% so với tháng trước, là lần giảm đầu tiên kể từ đầu năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu một mặt do 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng; mặt khác do giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới giảm đã tác động đến giá tiêu dùng trong nước.
Các nhóm hàng hoá và dịch vụ có giá giảm là: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,42% (lương thực giảm 1,91%); nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,08%; phương tiện đi lại, bưu điện giảm 0,94%. Giá các nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng nhẹ ở mức dưới 1%: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,67%; may măc, giày dép và mũ nón tăng 0,7%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,73%; dược phẩm, y tế tăng 0,58%; giáo dục tăng 0,69%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 0,38%. So với cùng kỳ năm trước, giá tiêu dùng tháng 10/2008 tăng 26,72%; so với tháng 12/2007, giá tiêu dùng tháng 10/2008 tăng 21,64%. Giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2008 so với 10 tháng năm 2007 tăng 23,15%
Giá vàng và đô la Mỹ trong nước cũng chịu tác động lớn của thị trường thế giới. Giá vàng tháng 10/2008 tăng 3,21% so với tháng trước, tăng 12,53% so với tháng 12 năm 2007 và tăng 25,15% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 2,95% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,46% so với cùng kỳ năm 2007.
Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2008 ước tính đạt 5,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, giảm 3,3% so với tháng trước do lượng và giá xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu giảm, trong đó giá dầu thô giảm 20%; giá cà phê giảm 7%; gạo giảm 21% về lượng và giảm 20% về giá.
Tính chung 10 tháng năm 2008, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 53,8 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 24,1 tỷ USD, tăng 41,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 20,2 tỷ USD, tăng 28,6%; dầu thô đạt 9,5 tỷ USD, tăng 43,2%.
Nhìn chung kim ngạch của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong 10 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD vẫn duy trì mức tăng cao: Dầu thô đạt 9,5 tỷ USD, tăng 43,2%; hàng dệt may đạt 7,6 tỷ USD, tăng 20,3%; giày dép đạt 3,8 tỷ USD, tăng 16,9%; thuỷ sản đạt 3,8 tỷ USD, tăng 23,7%; gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 83,4%; sản phẩm gỗ đạt 2,3 tỷ USD, tăng 18,6%; điện tử, máy tính đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27,3%; cà phê đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9,5%; cao su đạt 1,4 tỷ USD, tăng 28,9%; than đá đạt 1,3 tỷ USD, tăng 57,4%.
Trong các thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ 10 tháng năm nay đạt 9,8 tỷ USD, tăng 18,4% với các mặt hàng chính như: Hàng dệt may đạt 4,4 tỷ USD, giày dép 850 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 860 triệu USD, dầu thô 790 triệu USD; thị trường ASEAN đạt 9,2 tỷ USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU đạt 8,5 tỷ USD, tăng 19%; Ôx-trây-li-a đạt 3,9 tỷ USD, tăng 54%; Trung Quốc đạt 3,8 tỷ USD, tăng 48%. Đáng chú ý là Ả rập Xê út, một thị trường vùng Trung Đông tuy chỉ đạt 108 triệu USD, nhưng tăng khá cao ở mức 155%, đây là dấu hiệu tốt để thời gian tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác các thị trường tại vùng này nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2008 ước tính đạt 5,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 10 tháng ước tính đạt 70,1 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt trên 45,8 tỷ USD, tăng 44,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24,2 tỷ USD, tăng 39%.
Mặc dù giá nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng này giảm so với tháng trước (xăng dầu giảm 7,7%, sắt thép giảm 5,1%, phân bón giảm 17,1%) nhưng do ảnh hưởng của giá tăng trong 9 tháng đầu năm nên kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm nay của các nhóm hàng hoá chủ yếu vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm 2007, trong đó phân bón tăng 83,4%; xăng dầu tăng 71,1%; sắt, thép tăng 57,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 33%.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 10 tháng từ các nước ASEAN ước tính đạt 17,7 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2007; tiếp đến là Trung Quốc 13,4 tỷ USD, tăng 42%; Nhật Bản 6,8 tỷ USD, tăng 7,7%. EU 4,8 tỷ USD, tăng 14%.
Nhập siêu hàng hoá tháng 10 ước tính 700 triệu USD, cao hơn mức 237 triệu USD của tháng trước. Tính chung 10 tháng năm nay, nhập siêu 16,3 tỷ USD, tăng 66,2% so với cùng kỳ năm trước, bằng 30,3% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu.
Vận tải
Vận chuyển hành khách 10 tháng năm 2008 ước tính đạt 1577,1 triệu lượt khách và 67,5 tỷ lượt khách.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,8% về lượt khách và tăng 7,5% về lượt khách.km; bao gồm vận tải Trung ương đạt 31,1 triệu lượt khách và 18,7 tỷ lượt khách.km, tăng 15,9% về lượt khách và tăng 10,8% về lượt khách.km; vận tải địa phương đạt 154,6 triệu lượt khách và 48,7 tỷ lượt khách.km, tăng 7,6% về lượt khách và tăng 6,3% về lượt khách.km.
Vận chuyển hành khách đường bộ đạt 1420,4 triệu lượt khách và 47,1 tỷ lượt khách.km, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,5% về lượt khách và tăng 7,9% về lượt khách.km; đường sông đạt 133,5 triệu lượt khách và 2,7 tỷ lượt khách.km, tăng 1,2% và tăng 3,1%; đường sắt đạt 9,5 triệu lượt khách và 3,7 tỷ lượt khách.km, giảm 2,6% về số lượt khách và giảm 4,9% về số lượt khách.km; đường hàng không đạt 8,7 triệu lượt khách và 13,7 tỷ lượt khách.km, tăng 13,5% về lượt khách và tăng 11,2% về lượt khách.km.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển 10 tháng năm nay ước tính đạt 493,1 triệu tấn và 144,2 tỷ tấn.km, tăng 10,4% về tấn và tăng 41,2% về tấn.km so với cùng kỳ năm 2007, trong đó vận tải hàng hóa đường bộ đạt 353,2 triệu tấn và 18,6 tỷ tấn.km, tăng 11% về khối lượng vận chuyển và tăng 14,9% về khối lượng luân chuyển; vận tải đường biển đạt 42,8 triệu tấn và 117,1 tỷ tấn.km, tăng 30,2% và tăng 50,3%; đường sông đạt 89,8 triệu tấn và 4,6 tỷ tấn.km, tăng 2,1% và tăng 1,2%; đường sắt 7,2 triệu tấn và 3,6 tỷ tấn.km, giảm 2,2% và tăng 11%.
Du lịch
Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng năm 2008 ước tính đạt 3,6 triệu lượt người, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến du lịch đạt 2,2 triệu lượt người, tăng 2,7%; đến vì công việc 723,3 nghìn lượt người, tăng 34,1%; thăm thân nhân 443,4 nghìn lượt người, giảm 12%. Khách quốc tế đến qua đường hàng không đạt 2,8 triệu lượt người, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; đường bộ 678,8 nghìn lượt người, tăng 18,8%; đường biển 127,5 nghìn lượt người, giảm 32,4%.
Một số quốc gia có lượng khách đến lớn vẫn duy trì được mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Trung Quốc 538,6 nghìn lượt người, tăng 14,7%; Mỹ 357,3 nghìn lượt người, tăng 4,6%; Thái Lan 154 nghìn lượt người, tăng 14,5%; Ma-lai-xi-a 141,8 nghìn lượt người, tăng 16,5%; Xin-ga-po 126,9 nghìn lượt người, tăng 19,3%. Bên cạnh đó, một số nước tuy có lượng khách đến đông nhưng giảm so với cùng kỳ năm 2007 như: Hàn Quốc 392,2 nghìn lượt người, giảm 0,4%; Nhật Bản 333,2 nghìn lượt người, giảm 2,5%; Pháp 148,8 nghìn lượt người, giảm 2,9%; Cam-pu-chia 110,4 nghìn lượt người, giảm 12,7%. Đáng chú ý là một số nước tuy có lượng khách đến nước ta không lớn nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Phi-li-pin trên 39 nghìn lượt người, tăng 46,1%; Phần Lan 6,8 nghìn lượt người, tăng 39,7%; Na-uy 12,9 nghìn lượt người, tăng 34%; Thụy Điển 23,2 nghìn lượt người, tăng 28,4%; In-đô-xi-a 21,4 nghìn lượt người, tăng 11,4%.
Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển tháng 10 ước tính đạt 2,1 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao 10 tháng năm 2008 lên 19 triệu thuê bao, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2007. Tính đến cuối tháng 10/2008, ước tính cả nước có 70,9 triệu thuê bao điện thoại, trong đó Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông đạt 39,3 triệu thuê bao (gồm 10,2 triệu thuê bao điện thoại cố định và 29,1 triệu thuê bao điện thoại di động).
Số thuê bao internet phát triển tháng 10 năm 2008 ước tính đạt 145,7 nghìn thuê bao, 10 tháng đạt 1220,5 nghìn thuê bao, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số thuê bao internet đến cuối tháng 10/2008 lên 6,4 triệu thuê bao, trong đó Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông đạt 3,7 triệu thuê bao. Số người sử dụng internet đến cuối tháng 10/2008 ước tính 20,9 triệu người. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông 10 tháng ước tính đạt 54,9 nghìn tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2007 (riêng Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông đạt 39,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9%), trong đó doanh thu viễn thông đạt 36,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7%; doanh thu bưu chính 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 26%.
Thiếu đói
Theo báo cáo sơ bộ 20 ngày đầu tháng 10/2008, cả nước có 31,9 nghìn hộ và 147,2 nghìn nhân khẩu thiếu đói, chiếm 0,28% tổng số hộ nông nghiệp và 0,29% tổng số nhân khẩu nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. So với tháng trước, số hộ thiếu đói tăng 10,9% và số nhân khẩu thiếu đói tăng 10,2%, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của các cơn bão số 6, 7, 8 xảy ra liên tiếp vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2008. So với cùng kỳ năm 2007, số hộ thiếu đói giảm 17,9%; số nhân khẩu thiếu đói giảm 19,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ cho các hộ thiếu đói 32,2 nghìn tấn lương thực và trên 10 tỷ đồng.
Dịch bệnh
Từ 21/9/2008 đến 20/10/2008 trên địa bàn cả nước có 5,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; gần 15 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; hơn 1 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút và 13 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 500 người bị ngộ độc. Tính chung 10 tháng qua, cả nước đã có 39 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 63,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (64 người tử vong); 5,9 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút và 6,9 nghìn trường hợp ngộ độc thực phẩm (48 người tử vong).
Cũng trong thời gian trên, cả nước đã phát hiện thêm gần 3 nghìn trường hợp nhiễm HIV, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2007, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước tính đến 20/10/2008 lên 174,9 nghìn người, trong đó 69 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và gần 40,5 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng 10 năm 2008, thiên tai xảy ra đã làm 97 người chết và mất tích; 121 người bị thương; hơn 20 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập và mất trắng; gần 2 nghìn ha nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng và 1,8 nghìn ngôi nhà bị sập và cuốn trôi. Ước tính tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra là trên 1,7 nghìn tỷ đồng, trong đó ba tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Bắc Giang 783 tỷ đồng; Quảng Ninh 213 tỷ đồng; Sơn La 201 tỷ đồng. Lãnh đạo các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão và có các biện pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất, hộ đê khi cần thiết.
Chính phủ đã có phương án hỗ trợ 210 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2008 và 2,2 triệu tấn gạo cho 4 tỉnh bị thiệt hại do bão số 6 gây ra (Bắc Giang 80 tỷ đồng và 1 nghìn tấn gạo, Sơn La 50 tỷ đồng và 400 tấn gạo, Quảng Ninh và Lạng Sơn mỗi tỉnh 40 tỷ đồng và 400 tấn gạo). Đến nay, Bắc Giang, Quảng Ninh và Sơn La đã nhận được toàn bộ số tiền và gạo hỗ trợ từ Trung ương. Ngoài ra, các hộ dân tại những địa phương bị thiệt hại cũng đã nhận được hỗ trợ từ nguồn dự phòng của tỉnh và từ các nguồn khác với hơn 12 tỷ đồng, gần 4 tấn gạo và các nhu yếu phẩm khác.
Tai nạn giao thông
Thực hiện tháng an toàn giao thông, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Tình hình trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm đáng kể cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, từ 01-30/9/2008 trên địa bàn cả nước xảy ra 966 vụ tai nạn giao thông, làm chết 864 người và làm bị thương 605 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 5,7%, số người chết giảm 3,7% và số người bị thương giảm 8,3%. So với cùng kỳ năm 2007, số vụ tai nạn giao thông giảm 11,5%, số người chết giảm 10,7% và số người bị thương giảm 22,9%.
Tính chung 9 tháng năm 2008, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 9484 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8605 người và làm bị thương 6167 người. So với 9 tháng năm 2007, số vụ tai nạn giao thông giảm 14%, số người chết giảm 13,2% và số người bị thương giảm 26,5%. Tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 90%) với khoảng 3 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên 1 vạn phương tiện cơ giới đường bộ, làm chết 3 người và làm bị thương 2 người.
Bình quân một ngày trong 9 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 23 người. So với 9 tháng năm 2007, số vụ tai nạn giao thông bình quân một ngày giảm 5,6 vụ, số người chết giảm 5 người và số người bị thương giảm 8 người.
Tóm lại, kinh tế-xã hội nước ta 10 tháng năm 2008 vẫn duy trì theo hướng phát triển ổn định, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả khá, an sinh xã hội được đảm bảo và tăng cường. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả khủng hoảng kinh tế thế giới. Để đẩy mạnh sản xuất trong nước những tháng cuối năm, các cấp, các ngành cần tập trung làm tốt một số việc sau đây: Một là, kiểm soát chặt chẽ giá cả, bảo đảm cung cầu hàng hoá, dịch vụ hợp lý để tránh sự tăng giá ảo trong thời gian áp Tết. Hai là, tích cực khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá nhằm kích thích phát triển sản xuất trong nước; tập trung nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ba là, làm tốt công tác dự báo để đối phó kịp thời với những diễn biến bất lợi của thời tiết có thể xảy ra nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, bảo đảm quyền lợi và từng bước nâng cao đời sống dân cư.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ