Báo cáo kết quả sản xuất-kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 7 và tình hình KT-XH 7 tháng năm 2008
BỘ KẾ HOẠCH
VÀ ĐẦU TƯ
Số: 5601/BC-BKH
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------------------------------
Hà Nội, ngày 1 tháng 8 năm 2008
|
BÁO CÁO
KẾT QUẢ GIAO BAN SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ VÀ ĐẦU TƯ
THÁNG 7 VÀ TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2008
Ngày 25 tháng 7 năm 2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp giao ban hàng tháng với một số Bộ, ngành, địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư.
Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin báo cáo một số nét chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2008 như sau:
1. Một số kết quả chủ yếu đạt được:
(1). Sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng thấp hơn so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, vốn thiếu... nhưng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với tháng 7 năm 2007, trong đó tăng cao nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tăng 22,1%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9%; khu vực kinh tế nhà nước tăng 6,7% (Trung ương tăng 8,7%; địa phương tăng 0,2%).
Tính chung 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 382,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2007 tăng 17%). Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 22,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,3%; khu vực kinh tế nhà nước tăng 6,7% (Trung ương tăng 9,4%, địa phương giảm 1,3%).
Một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành trong 7 tháng đầu năm là: xe tải tăng 96,2%; xe chở khách tăng 78,6%; bình ắc quy tăng 55%; máy giặt tăng 54,2%; sữa bột tăng 36,6%; ti vi các loại tăng 34,4%; lốp ô tô, máy kéo các loại tăng 28,9%; tủ lạnh, tủ đá tăng 27%; xà phòng giặt các loại tăng 25,5%; biến thế điện tăng 23,7%; quần áo may mặc thường cho người lớn tăng 21,8%; thủy hải sản chế biến tăng 20,8%; dầu thực vật tinh luyện tăng 19,1%.
Trong 7 tháng đầu năm 2008, ở nhiều địa phương có giá trị sản lượng công nghiệp lớn đều đã đạt được mức tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn cao so với cùng kỳ, điển hình là: Vĩnh Phúc tăng 30,9%; Hà Tây tăng 25,4%; Bình Dương tăng 24,4%; Hải Dương tăng 23,6%, Đồng Nai tăng 20,2%, Hải Phòng tăng 18,2%; Cần Thơ tăng 17%, Phú Thọ tăng 16,6%.
Các số địa phương có giá trị sản lượng công nghiệp lớn, nhưng có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức tăng chung của toàn ngành trong 7 tháng đầu năm là: Hà Nội tăng 14,7%; Quảng Ninh tăng 14,4%; Thanh Hóa tăng 13,8%; Đà Nẵng tăng 15,7%; thành phố Hồ Chính Minh tăng 13%; Khánh Hòa tăng 12,7%. Đặc biệt Bà Rịa –Vũng Tàu giảm 3,8%.
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong sản xuất công nghiệp là giá cả nguyên liệu nhập khẩu, giá xăng dầu mới tăng thêm trên 30%; thiếu vốn, lãi suất cho vay ngân hàng tăng cao (trên 20%/năm); và tình trạng cắt điện thường xuyên làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.
(2). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định.
Thu hoạch lúa Hè thu: Đến ngày 15/7/2008, các tỉnh phía Nam đã thu hoạch được 481,6 nghìn ha, tăng 288,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước là 124 nghìn ha) do giá lúa tăng cao nên nông dân đã tận dụng diện tích đất chưa gieo cấy và chuyển một phần diện tích đất trồng các loại cây ăn quả sang trồng lúa, trong đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 451,8 nghìn ha, tăng 364,3%. Tính đến 15/7/2008, cả nước đã gieo cấy được 988,4 nghìn ha lúa mùa, bằng 85,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh phía Bắc gieo cấy được 836,2 nghìn ha, bằng 82,7% cùng kỳ năm 2007. Tiến độ gieo cấy lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc chậm so với năm 2007 là do vụ đông xuân thu hoạch muộn hơn các năm trước; ở các tỉnh phía Bắc thời tiết tháng 7 mưa nhiều, đều trên diện rộng nên các địa phương đang khẩn trương đẩy mạnh tiến độ gieo cấy cho kịp thời vụ. Các tỉnh phía Nam đã gieo cấy 152,2 nghìn ha lúa mùa, tăng gần 9% so với cùng kỳ do nguồn nước đầu vụ được bảo đảm. Hiện nay thời tiết nắng nóng ở các tỉnh Duyên hải và Tây Nguyên đã dẫn đến tình trạng một số diện tích lúa bị thiếu nước tưới, sâu bệnh phát triển.
Về sản xuất rau, màu: Tính đến ngày 15/7/2008 các địa phương đã gieo trồng được 849,3 nghìn ha ngô, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước; 122,7 nghìn ha khoai lang, giảm 6,8%; gieo trồng rau đậu các loại đạt 536,7 nghìn ha, giảm 1,7% so với cùng kỳ.
Về thuỷ sản: Sản lượng thủy sản tháng 7/2008 ước đạt 427,5 nghìn tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm ước đạt 2.551 nghìn tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó sản lượng thủy sản khai thác là 1.255 nghìn tấn, tăng 0,1%, sản lượng nuôi trồng 1.296 nghìn tấn, tăng 25%).
Tuy nhiên, hiện nay khai thác biển của ngư dân gặp nhiều khó khăn do giá xăng, dầu tăng cao trong khi việc triển khai Quyết định 289 của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ cho ngư dân còn rất chậm. Các hộ nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn do còn khoảng 120 nghìn tấn cá tra nguyên liệu tới kỳ thu hoạch nhưng chưa bán được. Nguyên nhân do các doanh nghiệp thiếu vốn thu mua; mặt khác cá tra xuất khẩu đang bị ép giá ở thị trường ngoài nước, giá xuất khẩu rất thấp nên mặc dù Chính phủ đã có chủ trương cho các doanh nghiệp chế biến vay 1000 tỷ đồng để thu mua cá tra tồn đọng, nhưng các doanh nghiệp chế biến cũng không thể vay vốn để mua nhiều với giá cao cho nông dân vì lo sợ tín dụng lãi suất cao, lỗ vốn.
(3) Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước đạt 76 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng 6; tính chung 7 tháng đầu năm đạt 527 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2007 tăng 23,1%), trong đó thương nghiệp tăng 30,2%; khách sạn nhà hàng tăng 24,9%; du lịch tăng 47,6%; dịch vụ khác tăng 30,0%.
Các hoạt động du lịch diễn ra sôi động, trong tháng 7 nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tổ chức ở nhiều địa phương như Lễ hội Quan Lạn (Quảng Ninh), Lễ hội thương mại và du lịch Hà Tĩnh, Lễ hội kỷ niệm 5 năm Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng,..., công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh của Việt Nam thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế cũng được triển khai mạnh mẽ,... Tháng 7 cũng là tháng trọng tâm mùa hè của Việt Nam, là thời điểm học sinh, sinh viên được nghỉ hè, nhu cầu đi du lịch tăng lên đáng kể.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 ước đạt 330 nghìn lượt khách, đưa lượng khách du lịch quốc tế trong 4 tháng đầu năm lên khoảng 2,62 triệu lượt người, tăng 6,6% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,6%). Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm chủ yếu từ một số thị trường như: Phần Lan tăng 61,4%, Philipines tăng 55%, Na Uy tăng 44,9%, Thái Lan tăng 41,6%, Singapore tăng 27,5%, Thụy Điển tăng 24,9%, Malaysia tăng 21,6%... so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách tiếp tục phát triển, mặc dù có nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao. Trong 7 tháng đầu năm 2008, khối lượng hàng hoá vận chuyển ước đạt 297,8 triệu tấn và 98,5 tỷ TKm, tăng 10,1% về tấn và 38,7% về TKm so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách vận chuyển đạt 1076 triệu lượt và 48,9 tỷ HKKm, tăng 11,8% về lượt hành khách vận chuyển và 9,4% về hành khách luân chuyển.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục hoạt động ổn định. Tính chung tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng đến hết tháng 7 năm 2008 đạt 64,8 triệu, đạt mật độ 75,4 máy/100 dân.
Trong tháng 7, phát triển mới 200 nghìn thuê bao Internet, nâng tổng số thuê bao Internet quy đổi trên toàn mạng lên 6 triệu thuê bao, đạt mật độ 7 thuê bao/100 dân. Số người sử dụng dịch vụ Internet là 20 triệu, bằng 23,7% dân số.
(4). Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, nhập siêu được thu hẹp.
Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 6.250 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng 6/2008, trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 2.250 triệu USD.
Tính chung kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước đạt 36.876 triệu USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2007 (cùng kỳ năm 2007 tăng 19,6%); trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 13.603 triệu USD, tăng 28,9%.
Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt cao, bao gồm: sản phẩm đá quý và kim loại tăng 525,6%; dầu mỡ động thực vật tăng 246,1%; dầu thô tăng 52,2% (đạt 7,8 triệu tấn, giảm 12% về lượng); gạo tăng 87,6% (giảm 6,8% về lượng); hạt điều tăng 50,1%; than đá tăng 38,4% (giảm 22,7% về lượng); hạt tiêu tăng 31,6%; điện tử, máy tính tăng 29,4%; sản phẩm gỗ tăng 21,4%; dệt may tăng 20,5%...
Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng cao chủ yếu do yếu tố tăng giá. Giá các mặt hàng dầu thô, than đá, gạo, cà phê và cao su đã làm tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 4,5 tỷ USD, tương đương 16,7% tăng trưởng xuất khẩu; nếu loại trừ yếu tố tăng giá của các mặt hàng này thì tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 20%. (Bình quân 7 tháng đầu năm 2008, giá gạo tăng khoảng 92%; giá than đá tăng 77%; giá dầu thô tăng khoảng 70%; giá cà phê tăng 40%; giá cao su tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2007).
Trong 7 tháng năm 2008, xuất khẩu vào Châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất với 49% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2007; tiếp đó châu Mỹ chiếm hơn 21%; châu âu chiếm 20%. Cũng trong 7 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu vào châu Đại Dương và Châu Phi, là hai thị trường mới của Việt nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao với tốc độ tăng tương ứng là 55% và 65%.
Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 7.050 triệu USD, tăng 1,8% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm 2008, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 51.887 triệu USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16.420 triệu USD, tăng 40,5%.
Trong 7 tháng đầu năm 2008, đa số các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu đều có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2007 như: ô tô nguyên chiếc tăng 265,1%; phân bón tăng 118,9%; sắt thép các loại tăng 96,6%; bông tăng 55%; thuốc trừ sâu tăng 48,5%; giấy các loại tăng 40,6%; chất dẻo nguyên liệu tăng 38,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 36,1%;... Kim ngạch nhập khẩu tăng do tăng cả lượng nhập khẩu và giá các mặt hàng nhập khẩu; riêng về tăng giá của một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu làm kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 4,6 tỷ USD, tương đương tăng gần 14% kim ngạch nhập khẩu.
(5) Hoạt động ngân sách, tiền tệ và giá cả.
Về Ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 7 ước đạt gần 16,3 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 750 tỷ đồng so với 15 ngày đầu tháng 6/2008; luỹ kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 7 ước đạt gần 215,6 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán cả năm; trong đó thu nội địa đạt 117,3 nghìn tỷ đồng, bằng 61,9% dự toán năm, thu từ dầu thô đạt gần 46,7 nghìn tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 48,9 nghìn tỷ đồng, bằng 75,8% dự toán.
Trong tổng thu nội địa, thu từ khu vực kinh tế nhà nước đạt hơn 37,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59% dự toán năm, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán năm; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán; thu từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt hơn 6,1 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán; thu phí xăng dầu đạt gần 2,7 nghìn tỷ đồng, bằng 53,2% dự toán; thu phí, lệ phí đạt 2,7 nghìn tỷ đồng, bằng 55,4% dự toán năm.
Chi ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 7 ước đạt 18,2 nghìn tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 7, tổng chi ngân sách đạt 226,8 nghìn tỷ đồng, bằng 56,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 48,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48,7% dự toán năm (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 44,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm), chi sự nghiệp kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh, đảng, đoàn thể đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán, chi trả nợ và viện trợ đạt hơn 29,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán năm.
Về hoạt động tiền tệ: Đến cuối tháng 7 năm 2008, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,64% so với 31/12/2007. Nguồn vốn huy động ước tăng 9,42% so với 31/12/2007, trong đó nguồn vốn huy động bằng VND ước tăng 6,23%. Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế ước thực hiện đến 31/7/2008 tăng 19,04% so với 31/12/2007.
Về chỉ số giá tiêu dùng: So với tháng 6/2008, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 1,13%, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong đó có 6/10 nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao trên 1% là dược phẩm y tế tăng 2%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,67%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,53%; may mặc mũ nón giày dép tăng 1,40%, đồ dùng và dịch vụ khác tăng 1,14% và giáo dục tăng 1,02%. Một số nhóm hàng khác có mức tăng dưới 1% là: đồ uống và thuốc lá tăng 0,98%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 0,55%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 0,85%; riêng nhóm hàng bưu chính, viễn thông vẫn tiếp tục giảm 0,05%. Tuy nhiên, đáng chú ý là mặc dù nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,99% là do lương thực giảm 0,37%, nhưng thực phẩm tăng 1,33% và ăn uống ngoài gia đình tăng đến 2,08%. Chỉ số giá vàng tăng 3,2%; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,83%.
So với tháng 12/2007, chỉ số giá tiêu dùng tăng 19,78%; tăng cao nhất vẫn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 32,02% (lương thực tăng 58,85%, thực phẩm tăng 23,45%). Giá vàng tăng 19,99%, tỷ giá đô la Mỹ tăng 6,94%. Chỉ số giá tháng 7/2008 so với cùng kỳ năm 2007 tăng 27,04%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm trước tăng 21,28%.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 có dấu hiệu giảm song giá xăng dầu tăng 19.000 đồng/lít sẽ tác động đến tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng của các tháng tiếp theo.
Hoạt động của thị trường chứng khoán tiếp tục biến động, có lúc chỉ số VNINDEX xuống 370-380 điểm và nay đang tăng lên và dao động trong khoảng 440-450 điểm do có tác động tích cực từ việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
(6). Đầu tư phát triển
a. Về thu hút và thực hiện vốn đầu tư:
Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước tháng 7 ước đạt 8.593 tỷ đồng; tính chung 7 tháng ước đạt 47.680 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm.
Một số Bộ có tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư cao so với kế hoạch là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 60,5%; Bộ Công Thương đạt 54,3%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 52,0%; Bộ Y tế đạt 51,5%; trong khi đó Bộ Xây dựng mới đạt 19,8%; Bộ Giao thông vận tải đạt 39,1%.
Khối lượng vốn giải ngân đạt thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2008 mới giải ngân được 26,3% kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong đó Trung ương đạt 20%; địa phương đạt 28%. Nguyên nhân giải ngân chậm bên cạnh các nguyên nhân vẫn tồn tại từ nhiều năm trước như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu kém,... còn do các nhà thầu chậm làm thủ tục thanh toán để chờ bổ sung chênh lệch giá vật liệu trong tổng mức đầu tư.
Về vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước: Tính đến hết tháng 7 năm 2008 nguồn vốn tín dụng đầu tư ước đạt 20,2 nghìn tỷ đồng, bằng 50,4% kế hoạch năm, trong đó nguồn vốn trong nước cho vay theo kế hoạch chỉ đạt 8,3 nghìn tỷ đồng bằng 31% kế hoạch năm. Nguồn vốn ODA cho vay lại đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch năm, dư nợ bình quân hỗ trợ xuất khẩu đạt 8,5 nghìn tỷ đồng, bằng 211% kế hoạch năm.
Thu hút vốn ODA: Tổng giá trị vốn ODA ký kết tính đến ngày 20/7/2008 đạt 1.389 triệu USD (trong đó vốn vay đạt 1.277 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại đạt 112 triệu USD). Trong tháng 7 có 2 dự án được ký bao gồm: “Hỗ trợ y tế tại các tỉnh miền núi phía Bắc” trị giá 60 triệu USD sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và “Chăm sóc sức khoẻ người nghèo tại vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên” trị giá 16,35 triệu USD do EC viện trợ không hoàn lại uỷ thác qua WB.
Trong 7 tháng đầu năm, mức giải ngân nguồn vốn ODA ước đạt 1.205 triệu USD, bằng 63% kế hoạch giải ngân năm 2008 (trong đó, vốn vay đạt 1.063 triệu USD và viện trợ không hoàn lại đạt 142 triệu USD). Trong tổng mức giải ngân, phần giải ngân vốn vay của 3 nhà tài trợ lớn (WB, JBIC, ADB) đạt khoảng 850 triệu USD, chiếm 70% tổng giá trị giải ngân.
Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đầu năm ước đạt 6 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm 2007.
Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2008 đạt 45,2 tỷ USD, tăng 373% so với cùng kỳ năm 2007; trong đó vốn dự án cấp mới đạt 44.497 triệu USD (riêng trong tháng 7 đạt 13.551 triệu USD) tăng 446,4% so với cùng kỳ năm 2007 và vốn tăng thêm đạt 788 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn cấp mới tăng khá so với cùng kỳ năm trước do có nhiều dự án quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư, riêng 27 dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 triệu USD đã đạt trên 40 tỷ USD, trong đó một số dự án quy mô vốn trên 3 tỷ USD là: Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư 7,87 tỷ USD tại Vũng Áng Hà Tĩnh để xây dựng cảng và nhà máy luyện kim; Công ty lọc dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ USD do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam liên doanh với các tập đoàn Nhật Bản và Hà Lan để xây dựng nhà máy lọc dầu công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm tại Thanh Hóa; dự án xây dựng khu đô thị mới tại Phú Yên 4,3 tỷ USD của tập đoàn New City (Brunei); dự án Hồ Tràm 4,23 tỷ USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu của Tập đoàn Asian Coast Development (Canada); dự án xây dựng nhà máy lọc dầu Long Sơn 3,77 tỷ USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Vina SCG Chemical với Thái Plastic; dự án xây dựng khu đô thị đại học 3,5 tỷ USD tại TP. Hồ Chí Minh của Malaysia. Ngoài ra có nhiều dự án đăng ký có quy mô trên 1 tỷ USD.
Vốn đầu tư đăng ký mới trong 7 tháng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ (22,84 tỷ USD), chiếm 51,34% tổng vốn đăng ký mới; công nghiệp và xây dựng 21,45 tỷ USD, chiếm 48,2%; còn lại thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm 0,5%.
Về cơ cấu vùng, trừ dự án thăm dò khai thác dầu khí (chiếm 21,9% tổng vốn đăng ký), Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh đứng đầu trong số 43 tỉnh của cả nước có vốn đăng ký mới, chiếm 21% tổng vốn đăng ký; Thành phố Hồ Chí Minh 17,7%; Hà Tĩnh 17,7%; Thanh Hóa 13,9%; Phú Yên 9,7%.
b. Về kết quả thực hiện chủ trương sắp xếp, bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008 theo Quyết định số 390/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008 nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đồng thời thực hiện Công điện số 863/CĐ-TTg ngày 6/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã thành lập 11 đoàn kiểm tra một số Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế và các địa phương, hệ thống các ngân hàng thương mại.
Trên cơ sở báo cáo và kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương, tình hình thực hiện Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2008 và Công điện số 863/CĐ-TTg ngày 6 tháng 6 năm 2008 như sau:
Tổng hợp từ báo cáo của 36 Bộ, ngành, 64 tỉnh, thành phố như sau (không bao gồm các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước):
Tổng số công trình, dự án (sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước) hoãn khởi công năm 2008, ngừng triển khai thực hiện và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 1.968 dự án với tổng số vốn là 5.991 tỷ đồng, bằng 8,0% kế hoạch năm 2008, trong đó:
Số dự án hoãn khởi công và ngừng triển khai thực hiện là: 1.203 dự án, với số vốn đã bố trí kế hoạch năm 2008 là 1.881 tỷ đồng.
Số dự án giãn tiến độ thực hiện là 765 dự án với tổng số vốn là 4.111 tỷ đồng.
Các dự án hoãn khởi công, ngừng triển khai và giãn tiến độ trên đây đều là các dự án nhóm B và nhóm C, không có dự án nhóm A.
Kết quả thực hiện việc sắp xếp lại các công trình, dự án của các Bộ và các cơ quan ở Trung ương:
Qua tổng hợp từ 36 đơn vị đã gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số công trình, dự án hoãn khởi công, ngừng triển khai và giãn tiến độ mà các Bộ ngành đã thực hiện sắp xếp lại theo Quyết định số 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 84 dự án, với tổng số vốn là 330 tỷ đồng, trong đó:
- Số công trình, dự án hoãn khởi công và ngừng triển khai thực hiện là 51 dự án, với số vốn là 177 tỷ đồng.
- Số công trình, dự án giãn tiến độ là 33 dự án với tổng số vốn là 152,6 tỷ đồng.
Một số Bộ, ngành đã thực hiện việc sắp xếp lại các công trình, dự án của đơn vị mình tương đối tốt như: Bộ Quốc phòng với 17 dự án, tổng số vốn của các dự án hoãn khởi công, ngừng triển khai là 65 tỷ đồng; Bộ Công an với 8 dự án, số vốn là 41,9 tỷ đồng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với 7 dự án, số vốn là 24,4 tỷ đồng; Bộ Công Thương với 7 dự án, số vốn 22,6 tỷ đồng,...
Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành có số vốn kế hoạch năm 2008 lớn nhưng sau khi rà soát theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không giảm được công trình dự án nào, như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Y tế,...
Kết quả thực hiện việc sắp xếp, bố trí lại kế hoạch đầu tư năm 2008 của các địa phương
Tổng hợp kết quả rà soát của 64 tỉnh, thành phố như sau:
Tổng số dự án điều chỉnh 1.884 dự án, với tổng số vốn đã bố trí kế hoạch năm 2008 là 5.662 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng số vốn giao kế hoạch đầu năm của các địa phương, trong đó: số dự án hoãn khởi công và ngừng triển khai là 1.152 dự án, số vốn 1.704 tỷ đồng; số dự án giãn tiến độ 732 dự án, số vốn 3.958 tỷ đồng.
Tổng số dự án rà soát hoãn khởi công, ngừng triển khai và giãn tiến độ là: 1.884 dự án, chiếm 13,6% tổng số dự án đăng ký theo kế hoạch từ đầu năm của các địa phương (kế hoạch đầu năm 2008 là 13.862 dự án), trong đó:
Các dự án hoãn khởi công, ngừng triển khai là 1.152 dự án với tổng mức vốn là 1.704 tỷ đồng. Các dự án hoãn khởi công là do còn nhiều vướng mắc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chưa giải phóng được mặt bằng, một vài dự án chưa có đủ thủ tục đầu tư, bên cạnh đó là do giá của các yếu tố đầu vào tăng mạnh, nên các dự án phải chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần. Các dự án hoãn khởi công được các địa phương rà soát nhằm đảm bảo theo đúng quy định tại Quyết định 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các dự án giãn tiến độ đầu tư là 732 dự án với số vốn đầu tư là 3.958 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện việc sắp xếp lại các công trình, dự án của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước
Thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu các tập đoàn và tổng công ty tiến hành rà soát lại kế hoạch đầu tư năm 2008 để bảo đảm đầu tư có hiệu quả; cắt giảm các công trình đầu tư thuần túy làm trụ sở; tập trung đầu tư cho các công trình dự án phục vụ trực tiếp đến họat động sản xuất ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn và tổng công ty đã chủ động triển khai thực hiện việc sắp xếp lại kế hoạch vốn của đơn vị mình nhằm cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị tích cực triển khai thực hiện việc sắp xếp lại kế hoạch vốn đầu tư thì còn một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc và vẫn chưa coi trọng đúng mức việc thực hiện sắp xếp này.
Theo báo cáo và kết quả kiểm tra ở 55 tập đoàn và tổng công ty, tình hình thực hiện việc sắp xếp vốn đầu tư của các tập đoàn và tổng công ty như sau:
Các tập đoàn và tổng công ty đã rà soát cắt giảm, hoãn khởi công, ngừng triển khai và giãn tiến độ kế hoạch đầu tư năm 2008 là 1.445 dự án với tổng giá trị 33.591 tỷ đồng giảm 12,7 % về giá trị so với kế hoạch ban đầu.
Một số tập đoàn, tổng công ty có giá trị cắt giảm lớn, chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư của tập đoàn, tổng công ty đó, như: Tổng công ty Hóa chất Việt Nam cắt giảm 1.456 tỷ đồng, giảm 68,8% so với kế hoạch đầu năm, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ cắt giảm 6.500 tỷ đồng, giảm 65%, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn cắt giảm 2.511 tỷ đồng, giảm 65,03%, Tổng công ty Hàng hải cắt giảm 6.214 tỷ đồng, giảm 52,36%, Tổng công ty Bến Thành cắt giảm 392 tỷ đồng, giảm 56%. Riêng một số tập đoàn, tổng công ty có tỷ trọng cắt giảm không lớn, nhưng giá trị lại rất đáng kể, như: Tập đoàn Dầu khí (6.645 tỷ đồng), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (1.868 tỷ đồng),...
Các tập đoàn, tổng công ty đã dự kiến đình hoãn khởi công 214 dự án với tổng số vốn là 3.866 tỷ đồng, bằng 1,4% tổng vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty.
Các tập đoàn, tổng công ty đã dự kiến ngừng triển khai 553 dự án với tổng vốn đầu tư là 11.648 tỷ đồng, bằng 4,1% tổng vốn đầu tư phát triển của các doanh nghiệp.
Các tập đoàn, tổng công ty đã dự kiến giãn tiến độ thực hiện 378 dự án với tổng giá trị cắt giảm khoảng 15.572 tỷ đồng, bằng 5,55% tổng vốn đầu tư.
Nhìn chung các tập đoàn và tổng công ty đều có những nỗ lực, chủ động ở mức độ khác nhau trong việc triển khai thực hiện việc rà soát, bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008 theo Quyết định 390/QĐ-TTg, đặc biệt là sau khi có Công điện số 863/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, các tập đoàn, tổng công ty mới tập trung vào việc cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ các dự án đầu tư chưa cần thiết hoặc chưa đủ điều kiện đầu tư hoặc có khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư mà chưa chú ý đến việc lập kế hoạch cụ thể tập trung vốn để đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án trọng điểm, những dự án sắp hoàn thành nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư trong bối cảnh giá cả tăng nhanh, cung ngoại tệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng thấp.
(7) Một số hoạt động xã hội tiến triển tốt.
Trong tháng 7, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2008; tổng kết năm học 2007-2008 và chuẩn bị cho năm học 2008-2009; đánh giá chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Trong tháng 7/2008, Việt Nam cũng đăng cai tổ chức thành công cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế; đoàn Việt Nam đoạt 4 Huy chương Vàng và đây là kỳ thi vật lý quốc tế của đoàn Việt Nam đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Về lao động việc làm: Trong tháng 7, đã giải quyết việc làm cho khoảng 14 vạn lao động, đưa số lao động được giải quyết việc làm 7 tháng đầu năm lên 92 vạn người, bằng 57,5% kế hoạch; cũng trong tháng 7 xuất khẩu khoảng 7.000 lao động, tính chung cả 7 tháng có gần 50 nghìn người đi xuất khẩu lao động, bằng 58,8% kế hoạch.
Y tế- chăm sóc sức khỏe: Trong tháng 7, ngành Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh như sốt xuất huyết, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và phòng chống dịch cúm A(H5N1), không để dịch bệnh lây lan rộng.
Các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 như tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; xây dựng, tu bổ, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách, tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, thăm hỏi, tặng quà cho thương bệnh binh, bệnh nhân thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng...
Thể dục thể thao: Trong tháng 7, tiếp tục tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp V-leagues và Cúp bóng đá quốc gia và các giải trẻ và chuẩn bị tổ chức thi đấu hữu nghị với đội bóng đá Olympic Brazil tại Việt Nam.
Về tình hình thiếu đói: Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến 21/7/2008, cả nước có 94,5 nghìn hộ thiếu đói (chiếm 0,81% số hộ nông nghiệp) với trên 332,9 nghìn nhân khẩu (chiếm 0,65% tổng số nhân khẩu nông nghiệp); so với tháng 6/2008, số hộ thiếu đói giảm 7,6% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 26,4% do từ tháng 6 đã thu hoạch các cây trồng vụ đông xuân và công tác trợ cấp cứu đói giáp hạt kịp thời. Đến nay Nhà nước đã hỗ trợ khoảng 30,3 nghìn tấn lương thực cho đồng bào thiếu đói.
(8) Tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2007.
Trong tháng 6/2008 xảy ra 986 vụ tai nạn giao thông, làm chết 920 người và bị thương 718 người, giảm 209 vụ tai nạn (17,5%), giảm 125 người chết (11,9%) và giảm 213 người bị thương (22,9%) so với tháng 6/2007. Tính chung cả 6 tháng đầu năm, đã xảy ra 6.453 vụ tai nạn giao thông, làm 5.921 người chết và 4.278 người bị thương, giảm 1.207 vụ (15,76%), giảm 989 người chết (14,31%) và giảm 1.633 người bị thương (27,63%) so với cùng kỳ năm 2007.
Tóm lại, tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2008 đang có chuyển biến theo hướng tích cực: Chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay; xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nhập siêu có xu hướng giảm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao.
Tình hình thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu trong 7 tháng đầu năm 2008 như sau:
|
7 tháng
2007
|
7 tháng
2008
|
|
|
|
1. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (%)
|
17,0
|
16,4
|
2. Tổng kim ngạch xuất khẩu (tỷ USD)
|
26,8
|
36,9
|
Tốc độ tăng xuất khẩu (%).
|
19,6
|
37,7
|
3. Tổng kim ngạch nhập khẩu (tỷ USD)
|
33,1
|
51,9
|
Tốc độ tăng nhập khẩu (%)
|
29,8
|
56,8
|
4. Nhập siêu (tỷ USD)
|
6,3
|
15
|
Nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu (%)
|
23,5
|
40,7
|
5. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ (%)
|
23,1
|
30,0
|
6. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm (tỷ USD)
|
9,5
|
45,2
|
So với cùng kỳ (%)
|
49,7
|
473
|
6. Vốn FDI thực hiện (tỷ USD)
|
4,2
|
3,95
|
7. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 so với tháng 12 năm trước (%)
|
6,19
|
19,78
|
Trong đó: - Lương thực
|
6,13
|
58,85
|
- Thực phẩm
|
9,78
|
23,45
|
2. Một số vấn đề cần chú ý và các giải pháp
Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được trong 7 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như tác động của việc tăng giá xăng dầu và áp lực tăng giá của một số nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng thiết yếu khác; nhập siêu vẫn còn ở mức cao; thị trường tài chính, tiền tệ chưa ổn định, đời sống của một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn... Bên cạnh các khó khăn đã nêu trên, những tháng tới nước ta bước vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến bất thường, các thiệt hại về thiên tai chưa thể lường trước; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cây trồng chưa khống chế được hoàn toàn.
Để khắc phục các khó khăn đã nêu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2008, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc 8 nhóm giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 10/2008 ngày 17/4/2008 của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2008; tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2008 về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách nhà nước năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát; văn bản số 955/TTg-KTTH ngày 24/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hạn chế nhập siêu; văn bản số 970/TTg-KTTH ngày 25/6/2008 về các biện pháp kiềm chế lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2008; Công điện số 1063 ngày 8 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa và quản lý thị trường, và đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; các chính sách giảm bớt những khó khăn cho đời sống của nhân dân, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng của thiên tai và ảnh hưởng của việc tăng giá cả gây ra./.
_________________________