Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội tháng 8 năm 2008
Từ ngày 1/8/2008, thành phố Hà Nội có 29 đơn vị hành chính, gồm 9 Quận, 2 Thành phố và 18 Huyện với diện tích là 3.346,3 km2, dân số khoảng 6,274 triệu người. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội trong tháng 8 như sau:
1. Sản xuất công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 8/2008 tăng 4,1% so tháng trước và tăng 12,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5,6% và 15,4% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,1% và 19,1%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 10,3% và 5,6%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 4% và 16,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,2%% và 6,5%.
Dự kiến 8 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 4,6% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 3,5%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 8%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 20,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,7%. Trong 8 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 95,4% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn có mức tăng trưởng cao nhất 14,8%, công nghiệp điện nước tỷ trọng 3,94% tăng 13,4% và ngành công nghiệp khai thác tỷ trọng 0,67% tăng 9,9%.
Nhìn chung 8 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn: giá nguyên nhiên vật liệu (xăng dầu, sắt thép…) tăng làm chi phí sản xuất cho một sản phẩm lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm; một số doanh nghiệp ngừng sản xuất để sửa chữa nhà xưởng hoặc đầu tư chuyển địa điểm sản xuất ra tỉnh ngoài; một số doanh nghiệp (Hà Tây cũ) nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm (Công ty ống sợi thuỷ tinh Vinaconex, Công ty CP bê tông và xây dựng Xuân Mai, Công ty bia nước khoáng LĐLĐ...)
2. Xây dựng cơ bản:
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương tháng 8 năm 2008 ước đạt 494,73 tỷ đồng, tăng 7,78% so tháng trước và bằng 67,3% so với cùng kỳ. Dự kiến 8 tháng đầu năm đạt 3845,3 tỷ đồng bằng 42,2 % kế hoạch năm.
Tiến độ thực hiện một số dự án lớn của Thành phố:
* Nút giao thông Kim Liên: Hiện các hạng mục của dự án vẫn đang được các đơn vị thi công thành vách, đào đất (hầm bộ hành), thi công lớp bê tông đáy,... Đến hết tháng 7 nhà thầu đã thực hiện khoảng 45% khối lượng công việc. Nguyên nhân của việc chậm tiến độ này chủ yếu do: Thứ nhất, nhà thầu thi công không tích cực, không thực hiện đúng các yêu cầu về tiến độ của tư vấn và chủ đầu tư; Thứ hai, vướng mặt bằng 10 hộ kinh doanh (bên phía đường Đào Duy Anh), UBND quận Đống Đa đã có quyết định thu hồi và phương án bồi thường hỗ trợ, đồng thời làm việc với Sở Xây dựng để có thoả thuận căn hộ tái định cư, dự kiến tổ chức bốc thăm, bàn giao nhà và mặt bằng trong tháng 9; Thứ ba, thu hồi 180m2 đất trong hàng rào công viên Thống Nhất để xây dựng nhà điều hành trạm bơm thoát nước, UBND Thành phố đã có Quyết định cấp đất, Ban Trọng điểm đang làm việc với Công ty Công viên Thống Nhất để có phương án bàn giao mặt bằng trong tháng 8 cho nhà thầu thi công. Dự kiến dự án hoàn thành trong Quý 2 năm 2009.
* Dự án Cầu Vĩnh Tuy: gồm 4 hạng mục chính là :
- Hạng mục thi công cầu dẫn và nút giao phía Vĩnh Tuy do nhà thầu Cienco 4 đảm nhiệm đến nay đã hoàn thành 25/32 nhịp cầu dẫn, nhánh CV1A hoàn thành 5/6 nhịp. Hiện nhà thầu đang tập trung làm hệ thống cống thoát nước, ống Tynel kỹ thuật của đường gom hai bên cầu và đang thi công đắp nền đường đầu cầu.
- Hạng mục thi công phần cầu chính vượt sông (gồm 6x135m+2x90m): đã hoàn thành hợp long, hiện nhà thầu đang tập trung lắp bờ bò lan can.
- Hạng mục thi công phần cầu dẫn phía Bắc: hiện các đơn vị thi công đang tập trung làm hệ thống cống thoát nước, ống Tynel kỹ thuật của đường gom hai bên cầu và đang thi công đắp nền đường đầu cầu.
- Phần đường dẫn phía Long Biên: mặt bằng qua 2 công ty X20 và X26 đã được bàn giao, hiện nhà thầu đang tiến hành dọn mặt bằng để tổ chức thi công. Bên phía đường 5 hiện đang thi công mở rộng đường 5 để phân luồng giao thông, thi công các trụ trên đường Nguyễn Văn Linh; bên phía đường sắt hiện vẫn đang chờ ý kiến của ngành đường sắt để mở đường ngang công vụ tạo điều kiện cho đơn vị thi công.
* Dự án đường 5 kéo dài: Trong thời gian vừa qua do thời tiết mưa to làm nước sông dâng cao nên công tác thi công gặp rất nhiều khó khăn. Khối lượng công việc ước đạt 1/3 so với tháng trước. Cụ thể như sau:
- Gói thầu xây lắp phần đường: Gói thầu số 7, 8 hiện nhà thầu đang triển khai thi công, lắp đặt các hạ tầng kỹ thuật và sản xuất cấu kiện đúc sẵn. Gói thầu số 10, nhà thầu đang tiến hành dọn dẹp mặt bằng, đào đất nền đường. Gói thầu số 11, nhà thầu vẫn đang triển khai thi công hầm đi bộ, đắp cát K95 và đất đồi.
- Gói thầu xây lắp phần cầu (Cầu Đông Trù): Do mặt bằng thi công các hạng mục vẫn chưa được giải phóng nên gói thầu số 12 vẫn chưa được triển khai thi công tiếp 5 trụ còn lại. Gói thầu 13 đã tiến hành xong thiết kế kỹ thuật, hiện đang làm dự toán để tiến hành đấu thầu. Gói thầu số 14 nhà thầu đã bắt đầu tiến hành thi công.
3. Thương mại dịch vụ:
3.1. Nội thương:
Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tháng 8 năm 2008 tăng 2,1% so tháng trước và tăng 33,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 2,6% và 32,7%.
Dự kiến 8 tháng năm 2008, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tăng 29,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 32,1%.
3.2. Ngoại thương:
So với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn giảm 2,7%, kim ngạch nhập khẩu giảm 1,3%. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 1,8% và nhập khẩu địa phương bằng tháng trước.
Dự kiến 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 41,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 25,4%. Mặt hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2008 tăng khá cao về giá trị là: than đá tăng 48,6%, hàng nông sản tăng 45% (thực chất là giá nông sản xuất khẩu tăng cao, lượng tăng không đáng kể), hàng điện tử tăng 26,7%, hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 21,7%, giầy dép và sản phẩm từ da tăng 20,7%, mặt hàng xăng dầu (tạm nhập tái xuất) tăng 89,7%...
Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn 8 tháng đầu năm 2008 tăng 45% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 33,5%. Nhập khẩu vật tư nguyên liệu tăng 53,1% (trong đó sắt thép tăng 67,3%, phân bón tăng 56,9%, xăng dầu tăng 77,8%...), máy móc thiết bị phụ tùng tăng 36,9%, hàng hoá khác tăng 29,5%.
3.3. Giá cả thị trường:
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so tháng trước tăng 1,92% với hầu hết các nhóm hàng đều tăng, riêng giá lương thực giảm nhẹ (giảm 0,25%) do thu hoạch vụ Hè Thu ở miền Bắc được mùa, giá gạo tiếp tục giảm so tháng trước. Mặt hàng biến động tăng lớn trong tháng là giá xăng dầu, kéo theo giá cước vận tải tăng mạnh.
So tháng trước, chỉ số giá vàng giảm 2,86%, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 5,28%. Trong tháng, giá vàng và đô la Mỹ có xu hướng giảm khá mạnh. Giữa tháng 8, giá vàng bán ra có ngày xuống tới 1.680 nghìn đồng/chỉ (vàng 9999),̀ mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay.
3.4. Vận tải:
Tháng 8/2008 so với tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển giảm 0,7%, khối lượng hàng hoá luân chuyển giảm 2,3%, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 7,3% (do giá xăng dầu tăng, cước phí vận tải tăng), khối lượng hành khách vận chuyển bằng tháng trước, khối lượng hành khách luân chuyển giảm 1% so tháng trước, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 5,4% (do cước phí tăng).
Dự kiến 8 tháng năm 2008 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 18,2%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 11,2%, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 41,2%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 18,3%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 24,7%, doanh thu vận tải hành khách tăng 29,2%.
Sau khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, nhu cầu người dân trong sử dụng phương tiện giao thông bằng xe buýt tăng nhanh, ngành GTVT Thủ đô tổ chức sắp xếp điều chỉnh phù hợp các tuyến xe buýt, nhất là tuyến Bờ Hồ - Hà Đông cho phù hợp tình hình mới. Đặc biệt, thành phố dành 30 xe buýt đưa đón cán bộ công chức đi làm hàng ngày, hỗ trợ miễn phí trong 3 tháng đầu (tháng 8, 9, 10 năm 2008), từ tháng thứ 4 mỗi cán bộ phải chi trả 80 nghìn đồng/tháng.
4. Sản xuất nông nghiệp:
4.1. Trồng trọt:
Tổng diện tích lúa mùa toàn Thành phố đã cấy là 104.093 ha, bằng 98,3% so cùng kỳ năm trước. Từ trung tuần tháng 7 đến nay thời tiết thường có mưa to, đặc biệt là đợt mưa từ 15 đến 20 tháng 7 và đợt mưa do ảnh hưởng cơn bão số 4 từ ngày 7-10/8, làm lúa bị ngập nhiều. Sơ bộ ước tính diện tích lúa bị ngập là 17.875ha (lúa 16.987ha, rau màu 888ha), trong đó diện tích lúa bị ngập nặng là 14.680ha chủ yếu tập trung ở các huyện Thanh Oai 2.979ha, Chương Mỹ 2.586ha, Thường Tín 2.463ha, Ứng Hoà 1.125ha, Quốc Oai 1.042ha, Mê Linh 855ha; cây rau màu bị ngập nặng là 319ha. Ngoài ra, do nước sông Hồng lên cao cũng làm ngập 255ha ngô ở ngoài bãi của huyện Đông Anh. Ngay sau khi mưa úng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các công ty khai thác công trình thuỷ lợi vận hành 149 trạm bơm với 600 máy bơm các loại, kịp thời tiêu úng cho lúa.
Công tác chăm sóc lúa mùa sau úng cũng được các cấp, các ngành khẩn trương triển khai, những diện tích lúa không bị ngập được chăm sóc làm cỏ, diệt ốc bươu vàng, phòng trừ sâu bệnh. Những diện tích vừa thoát úng được tiến hành làm sạch rêu, rác, dặm lại phần bị chết, làm cỏ, bón phân hợp lý đảm bảo cho lúa sinh trưởng và phát triển. Những diện tích bị ngập sâu mất trắng, phải cấy lại được hỗ trợ kinh phí, giống và đã được chỉ đạo cấy ngay khi thời vụ còn cho phép. Những huyện có diện tích lúa phải cấy lại nhiều là Thanh Oai 750ha, Ba Vì 460ha, Quốc Oai 450ha, Mê Linh 420ha...
Cùng với gieo cấy và chăm sóc cây lúa, toàn Thành phố đã gieo trồng được 19.291ha rau màu vụ Hè thu và vụ Mùa, tăng 0,5% so cùng kỳ năm trước trong đó ngô 3.049ha (tăng 18,7%), rau các loại 6.959ha (giảm 5%), đậu tương 2.674ha (tăng 12,6%), lạc 652ha (giảm 14,7%), hoa cây cảnh 5.154ha (giảm 8,4%).
Nhìn chung, sản xuất vụ Hè thu và vụ Mùa năm nay tuy có những thiệt hại do ngập úng xảy ra, nhưng thời tiết đang có nhiều thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, khả năng cho thu hoạch khá hơn cùng kỳ năm trước.
4.2. Chăn nuôi:
Hiện nay, toàn thành phố không xảy ra dịch bệnh nào trên đàn gia súc, gia cầm. Công tác tuyên truyền đối với người dân, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vẫn được duy trì thường xuyên để ngăn ngừa dịch bệnh xuất hiện và tái phát. Từ đầu tháng 8/2008 đến nay, một số huyện đã tiêm phòng đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm.
Nhìn chung chăn nuôi của toàn Thành phố phát triển ổn định, đặc biệt là các huyện của Hà Tây cũ, do năm 2008 UBND tỉnh Hà Tây đã ra 3 quyết định thực hiện chương trình chăn nuôi - thuỷ sản, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển từng vùng, đồng thời chi 29,6 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chương trình chăn nuôi nên chăn nuôi gia súc đang có xu hướng tăng đáng kể với nhiều hình thức phong phú, đàn bò đang phục hồi và phát triển sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài hồi đầu năm, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi kết hợp bò sinh sản, bò lấy sữa và đặc biệt đang tích cực đầu tư phát triển bò lấy thịt cung cấp cho thị trường Thủ đô. Chăn nuôi lợn cũng đã và đang được quan tâm, nâng cao chất lượng sản phẩm: đầu tư hợp lý, tăng cường kiểm định chất lượng, thay thế và chu chuyển đàn (đàn lợn nái và đực giống được chủ trang trại, doanh nghiệp quan tâm, đảm bảo giống tốt cung cấp cho phát triển đàn lợn thịt trong những tháng cuối năm). Đàn gia cầm, thuỷ cầm có xu hướng tăng do không có dịch bệnh và giá cả đang trong chiều thuận lợi cho người chăn nuôi. Riêng đàn gà, vịt đẻ ổn định và giảm nhẹ do giá trứng ít tăng, không khuyến khích người chăn nuôi tăng đầu con.
4.3. Thuỷ sản:
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm nay tăng so cùng kỳ năm trước, các hộ và các cơ sở chăn nuôi thuỷ sản đang tập trung chăm sóc, chống úng lụt tràn bờ cho đàn thuỷ sản hiện có. Giá sản phẩm thuỷ sản trên thị trường đang ổn định, các hộ tập trung chăm sóc, đánh tỉa, thả bù nhằm tận thu tối đa. Chăn nuôi thuỷ sản hiện nay tập trung ë các trang trại, các hộ thầu những vùng trũng, do đó mức độ thâm canh tăng lên. Theo nhận định, khả năng sản lượng thuỷ sản năm nay sẽ tăng đáng kể so cùng kỳ năm trước.
5. Tín dụng, ngân hàng:
Dự kiến đến cuối tháng 8/2008, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 388.607 tỷ đồng, tăng 1,08% so tháng trước và tăng 2,12% so cuối năm 2007, trong đó tiền gửi dân cư tăng 0,8% và 9,44%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 1,3% và giảm 3,09%. Tổng dư nợ cho vay tháng Tám năm 2008 đạt 237.651 tỷ đồng, tăng 0,86% so tháng trước và tăng 16,61% so cuối năm 2007, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,9% và 12,14%, dư nợ trung và dài hạn tăng 0,8% và 23,62%.
Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội