Báo cáo về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và tỷ giá tháng 8/2008
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆTNAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________
Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2008
|
BÁO CÁO
Về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và tỷ giá tháng 8/2008
_________
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng 8/2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và tỷ giá một cách chặt chẽ, thận trọng và chủ động; sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường để ổn định lãi suất, đảm bảo khả năng thanh toán cho các tổ chức tín dụng (TCTD), kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng một cách hợp lý; thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt; củng cố, lành mạnh hóa hệ thống TCTD.
1. Tình hình thực hiện các giải pháp và kết quả như sau:
1.1. Duy trì ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu; điều chỉnh tăng từ 10,8%/năm lên 15%/năm đối với lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng để phù hợp với lãi suất tái cấp vốn và mặt bằng lãi suất thị trường; NHNN có văn bản hướng dẫn việc áp dụng lãi suất vay vốn bằng đồng Việt Nam giữa các TCTD trên thị trường liên ngân hàng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố (áp dụng từ 19/8/2008); điều chỉnh tăng tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 1,2%/năm lên 3,6%/năm và yêu cầu các TCTD tính toán cụ thể cân đối vốn kinh doanh để xem xét giảm lãi suất cho vay phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền, TCTD và khách hàng vay.
Lãi suất thị trường dần đi vào ổn đinh: lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm từ 1-2%/năm; lãi suất huy động vốn VND giảm từ 0,1%-0,9%/năm, USD giảm từ 0,1-0,5%/năm; lãi suất cho vay VND giảm khoảng 0,5%/năm, lãi suất cho vay USD giảm khoảng 0,3-0,6%/năm, lãi suất cho vay VND tối đa hiện nay ở mức 20-20,5% năm đối với cho vay ngắn hạn, 20,5-21%/năm đối với cho vay trung, dài hạn; lãi suất cho vay thu mua lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp nhất trong khung lãi suất cho vay của từng ngân hàng (riêng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho vay thu mua lương thực với mức lãi suất 18,5%/năm với kỳ hạn 3 tháng).
1.2. Điều hành thận trọng, linh hoạt tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng, kết hợp với duy trì biên độ tỷ giá ±2%. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các bàn thu đổi ngoại tệ nhằm chống tình trạng đầu cơ và lũng đoạn thị trường tiền tệ. Tỷ giá trên thị trường tương đối ổn định trong tháng 8, các NHTM niêm yết dưới mức trần cho phép. Tính đến ngày 27/8/2008, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 3,97% (đồng Việt Nam giảm giá) so với đầu năm.
1.3. Tiếp tục kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng chủ yếu thông qua điều tiết vốn khả dụng bằng VND của các TCTD bằng công cụ chính sách tiền tệ; đồng thời, hỗ trợ vốn thanh toán cho các NHTM thông qua nghiệp vụ thị trường mở và cho vay tái cấp vốn đối với các NHTM, đặc biệt là các NHTM cổ phần nhỏ nhằm đảm bảo duy trì và phát triển hệ thống ngân hàng an toàn, bền vững.
1.4. Tiếp tục chỉ đạo các NHTM nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về tiền lệ và hoạt động ngân hàng, nhất là các quy định liên quan đến lãi suất, tỷ giá, tín dụng và ngoại hối; yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có sai phạm thuộc thầm quyền quản lý.
1.5. Tiếp tục triển khai thanh tra về chất lượng tín dụng nhằm mục đích chấn chỉnh hoạt động của các NHTM, đảm bảo ổn định tiền tệ tín dụng; phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp với các sở ban, ngành và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn.
1.6. Chỉ đạo các NHTM đảm bảo đủ vốn cho sản xuất nông nghiệp, cho thu mua gạo với lãi suất thích hợp nhằm tiêu thụ hết lúa gạo vụ hè thu năm 2008 cho nông dân ở đồng bằng sông Cửu long, đối với các hộ nông dân đã thu mua hết lúa gạo nhưng chưa tiêu thụ được, có nhu cầu vốn sản xuất tiếp, các ngân hàng xem xét cho gia hạn nợ cũ và tiếp tục cho vay mới theo quy định hiện hành; đồng thời, tiếp tục tập trung vốn cho vay đối với các dự án sản xuất có hiệu quả, lĩnh vực xuất khấu, nhập khẩu hàng hoá thiết yếu, đặc biệt chỉ đạo các NHTM chủ động cân đối nguồn vốn tạo điều kiện và ưu tiên hạn mức tín dụng và cho vay mở L/C và nhu cầu vay vốn khác của các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng, dầu một cách bình thường.
l.7. Chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các QTDND thực hiện nghiêm túc quy định về ấn định lãi suất kinh doanh, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và tập trung cho vay thành viên là chủ yếu; việc thành lập mới QTDND chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hiện hành và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có đủ khả năng quản lý, giám sát.
1.8. Nắm bắt và xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp và người dân liên quan đến hoạt động ngân hàng thông qua đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước; ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm các quy định về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
1.9. Trước một số tin đồn và thông tin không chính xác liên quan đến tiền tệ, hoạt động ngân hàng như: Chính phủ nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu từ nước ngoài tại các NHTMCP Việt Nam, sáp nhập một số NHTMCP yếu...gây xáo trộn thị trường tiền tệ và ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời công bố công khai chủ trương của Chính phủ và NHNN về các vấn đề trên để định hướng dư luận, ổn định tâm lý nhà đầu tư.
2. Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và tỷ giá trong những tháng cuối năm 2008.
Trong những tháng cuối năm 2008, kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc vào việc thực thi có hiệu quả và đồng bộ các nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong điều kiện và bối cảnh đó, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá theo hướng sau:
2.1. Tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt trong điều hành để vừa góp phần kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn suy giảm kinh tế;
2.2. Theo dõi và dự báo sát diễn biến cung cầu ngoại tệ để can thiệp thị trường ngoại hối thích hợp; điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt theo cung-cầu của thị trường để khuyến khích xuất khuẩu, hạn chế nhập siêu; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm hoạt động mua, bán ngoại tệ trái pháp luật trên thị trường; chống tình trạng đầu cơ và lũng đoạn thị trường ngoại tệ;
2.3. Tiếp tục chỉ đạo các NHTM điều chỉnh cơ cấu tín dụng, tập trung đáp ứng tốt các nhu cầu vốn cho các dự án có hiệu quả và tập trung cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn; chấp hành đúng các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn, rà soát chỉnh sửa và thực hiện các quy trình kiểm soát nội bộ để phòng ngừa rủi ro;
2.4. Làm việc với các NHTM để đưa ra lộ trình tăng vốn điều lệ theo quy định của Nghị định 141/CP ngày 22/11/2006 về danh mục mức vốn pháp định của các TCTD, nhằm nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh của các TCTD.
2.5. Rà soát, sửa đổi cơ chế cấp phép, thành lập và hoạt động của các NHTM, tăng cường thanh tra, giám sát và quản lý hoạt động của NHTM nhằm mục đích chấn chỉnh hoạt động của các NHTM đảm bảo ổn định tiền tệ, trọng tâm là thanh tra chất lượng tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; củng cố và lành mạnh hoá hệ thống các TCTD;
2.6. Phối hợp với các bộ ngành và cơ quan báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình kinh tế-xã hội ở trong và ngoài nước để ổn định tâm lý các nhà đầu tư và công chúng; đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc triển khai các biện pháp về điều hành chính sách tiền tệ./.
_____________________