BỘ CÔNG THƯƠNG
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆTNAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________
Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2008
|
BÁO CÁO
Tình hình điều hành bình ổn thị trường trong nước và xuất nhập khẩu tháng 8 năm 2008
_________________
I. Tình hình thị trường giá cả
1. Thị trường thế giới
Kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng nhiều nước quyết định giữ nguyên lãi suất để kiềm chế lạm phát. Đồng đôla Mỹ hồi phục mạnh so với một số đồng tiền chủ chốt khác đã làm cho giá dầu mỏ tiếp tục giảm và kéo theo sự giảm giá của nhiều loại nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới. Trong tháng 8, tại New York đồng Euro có lúc chỉ đổi được 1,4597 USD (27/8), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9/2008 có thời điểm xuống còn 111,34 USD/thùng (15/8), giá vàng giao ngay còn 772,98 USD/ounce (15/8), cuối tháng phân urê còn 700 USD/tấn, phôi thép còn 900 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn 530-580 USD/tấn FOB, giá một số hàng hóa khác như đồng, chì, kẽm, cà phê, cao su... tiếp tục giảm. Tuy nhiên một số hàng hóa sau khi giảm giá đã bắt đầu tăng trở lại như đường, ngô...
Dự báo trong tháng 9/2008, giá nhiều loại nguyên nhiên vật liệu tiếp tục giảm nhẹ nhưng vẫn còn đứng ở mức cao do giá dầu thô còn diễn biến khó lường.
2. Thị trường trong nước
Do ảnh hưởng của bão số 4, một số tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang...) bị lũ quét gây thiệt hại lớn về người và tài sản; giao thông bị tắc nghẽn; nhiều diện tích lúa, hoa màu, gia súc. . . bị lũ cuốn trôi. Tại các tỉnh phía Nam, lũ về sớm đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Dịch bệnh trên vật nuôi đang giảm dần, tính đến ngày 26/8/2008 cả nước còn 1 tỉnh có dịch cúm gia cầm, 5 tỉnh có dịch lợn tai xanh, dịch LMLM đã được khống chế.
Thị trường hàng hoá trong nước có nhiều diễn biến tích cực, một số mặt hàng thiết yếu như thép xây dựng, phân bón, gas, lương thực, thịt và hàng điện tử, điện lạnh, xe máy. . . nguồn cung dồi dào và giá giảm dần. Trong tháng, giá xăng và dầu hỏa trong nước đã hai lần được điều chỉnh giảm (ngày 14/8 và ngày 27/8), tổng mức giảm là 2.000 đồng/lít, đã tạo niềm tin tích cực và tâm lý ổn định về điều hành thị trường, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc từng bước chuyển nền kinh tế thích ứng với cơ chế thị trường.
- Tình hình thị trường giá cả một số hàng hoá thiết yếu:
+ Lương thực: nguồn cung thóc gạo dồi dào, giá tiếp tục giảm nhẹ (200đ/kg) ở các tỉnh phía Bắc, ở các tỉnh phía Nam đầu tháng giá giảm mạnh (500-700đ/kg) tiêu thụ chậm, cuối tháng giá đã tăng trở lại do chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu các Tổng Công ty lương thực tăng cường mua gom lúa hàng hoá bằng nguồn vốn vay ưu đãi. Giá thóc gạo hiện ở mức miền Bắc: 5.500-6.200đ/kg (thóc tẻ thường), 8.000-10.500 (gạo tẻ thường); miền Nam: 4.600-5.000đ/kg (thóc Hè Thu), 8.000- 10.000đ/kg (gạo tẻ thường).
+ Thực phẩm: giá nhiều loại thực phẩm tiếp tục đứng hoặc giảm nhẹ, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam giảm 1.000-2.000 đ/kg, giá nhiều loại rau củ trái cây ổn định, riêng tại một số tỉnh bị bão lũ giá thực phẩm đã tăng mạnh (tăng 50-100% so với ngày thường) trong một số ngày.
+ Đường: giá đường nhìn chung ổn định, tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của đường nhập lậu, giá đường trắng tại nhà máy (đã có VAT) khoảng 7.700- 8.300đ/kg, giá bán lẻ trên thị trường 9.500-10.500đ/kg.
+ Muối ăn: sản xuất muối đến 15/8/2008 đạt 107.000 tấn giảm 11% so cùng kỳ 2007, giá thu mua muối ổn định so với tháng trước hiện ở mức khoảng 1.600- 1.800đ/kg.
+ Phân bón: do tác động của giá thế giới và nhu cầu trong nước đang giảm nên giá phân bón nhìn chung giảm 400-1.200đ/kg, giá một số loại hiện phổ biến ở mức: urê TQ là 9.200-9.400đ/kg; urê Phú Mỹ: 9.500đ/kg; NPK: 7.800-8.400đ/kg; Kali: 14.000-15.000đ/kg.
+ Xi măng: lượng tiêu thụ thấp do đang mùa mưa lũ, giá xi măng giảm tại một số tỉnh, hiện phổ biến ở mức xi măng PCB40: 850.000-1,1triệu đ/tấn (các tỉnh phía Bắc); 1,2-1,4 triệu đ/tấn (các tỉnh phía Nam).
+ Thép xây dựng: giá bán và lượng tiêu thụ tiếp tục giảm so với tháng trước, giá bán thép xây dựng của TCT thép (giá chưa trừ chiết khấu, chưa VAT) hiện ở mức 16,85-17,5 triệu đ/tấn (các tỉnh phía Bắc); 17,23-17,6 triệu đ/tấn (các tỉnh phía Nam), giảm từ 200 nghìn - 3 triệu đ/tấn so với tháng 7.
+ Giấy: sản xuất giấy đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước đặc biệt là nhu cầu giấy vở, sách giáo khoa cho năm học mới, do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá giấy vở, sách giáo khoa tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2007.
+ Xăng dầu: giá xăng dầu đang ở mức cao nên tiêu thụ nội địa giảm mạnh (giảm 20-50% so cùng kỳ tháng 7), hiện nay do giá xăng dầu thế giới giảm nên trong tháng 8 giá xăng dầu (xăng A92 và dầu hoả) trong nước được điều chỉnh giảm 2 lần với tổng mức giảm là 2.000đ/lít.
+ Than: giá bán than cho 4 hộ tiêu thụ lớn trong nước (điện, phân bón, giấy, xi măng) vẫn ổn định so với mức giá từ 1/1/2008 và sẽ không tăng cho đến hết năm 2008.
+ Thuốc chữa bệnh: nguồn cung thuốc đáp ứng đủ nhu cầu chữa bệnh, giá một số loại thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu được điều chỉnh tăng 5-10%.
Thị trường tài chính tiền tệ ổn định dần, lãi suất cho vay và tỷ giá USD/VND với chiều hướng tích cực như hiện nay đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Thị trường chứng khoán cũng đang hồi phục cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào điều hành kinh tế vĩ mô đang gia tăng, chỉ số VN-Index đạt mức 561,67 điểm (26/8).
Ước tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ xã hội tháng 8/2008 đạt 81.730 tỷ đồng, đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 8 tháng đầu năm 2008 đạt 609.210 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2007.
Giá cả nhiều loại hàng hoá trên thị trường có xu hướng giảm, hệ thống cửa hàng, siêu thị đang có nhiều chương trình khuyến mại giảm giá. Xu hướng tiêu dùng của các tầng lớp dân cư có nhiều thay đổi, nhu cầu tiêu dùng trong dịp khai giảng năm học mới và Rằm tháng 7 đã làm cho thị trường hàng hoá tháng 8 diễn ra khá sôi động. Nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng của sức mua dân cư có chiều hướng giảm (8 tháng đầu năm 2008 chỉ tăng 6,4% so với cùng kì).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2008 mặc dù chịu sự tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu lên mức khá cao ngày 21/7) làm cho giá cước vận chuyển tăng mạnh, nhưng do giá một số mặt hàng có tỷ trọng lớn như lương thực, thực phẩm giảm hoặc ổn định nên chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 8/2008 so với tháng 7/2008 chỉ tăng 1,56%; trong đó Vùng Tây Bắc tăng cao nhất là 2,18%, TP Hồ Chí Minh tăng 2,09%, Thừa Thiên Huế tăng 1,98%, Hà Nội tăng 1,92%, Đà Nẵng tăng 1,25%, Cần Thơ tăng thấp nhất là 1,02%. Trong cơ cấu chỉ số giá tiêu dùng cả nước, nhóm hàng có mức tăng cao nhất là phương tiện đi lại, bưu điện tăng 9,07%; riêng lương thực giảm 1,1% và bưu chính viễn thông giảm 0,1%; nhiều nhóm hàng tốc độ tăng đã chậm lại so với tháng 7 như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép; nhóm dược phẩm, y tế; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm đồ dùng và dịch vụ khác; các nhóm hàng khác có mức tăng từ 1,16 đến 2,77%. Một số thành phố có chỉ số giá tăng cao là do giá dịch vụ, giá ăn uống ngoài gia đình và một số vật liệu xây dựng tăng. Như vậy, nếu so với tháng 12/2007 thì chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2008 đã tăng 21,65% và nếu so với bình quân 8 tháng đầu năm 2007 thì chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng đầu năm 2008 đã tăng 22,14%.
Tháng 9, do có kỳ nghỉ lễ 2/9, Tết Trung Thu và khai giảng năm học mới nên nhu cầu tiêu dùng hàng hoá sẽ gia tăng (nhất là thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, đồ chơi trẻ em, học phẩm, giấy vở, quần áo may sẵn...). Thời tiết đang trong mùa mưa lũ, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn chưa được khống chế hoàn toàn; thị trường hàng hoá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù có chiều hướng giảm giá nhưng vẫn ở mức cao... sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường hàng hoá trong nước. Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế tăng giá, bảo đảm giữ vững cân đối cung cầu các hàng hoá thiết yếu, có kế hoạch dự trữ để đáp ứng nhu cầu thị trường khi có biến động.
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 sẽ tăng khoảng 1% so với tháng 8/2008 do nhìn chung trong xã hội, việc tiết giảm nhu cầu cao cấp và tiêu dùng tiết kiệm đang trở thành xu hướng tích cực của các tầng lớp nhân dân, cùng gánh vai chia sẻ khó khăn với nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
3. Công tác điều hành bình ổn thị trường
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1245/CĐ-TTg ngày 3 tháng 8 năm 2008, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Các Bộ quản lý ngành hàng đều đã có văn bản chỉ đạo và thành lập các đoàn kiểm tra công tác tiết kiệm chi phí trong ngành.
Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 4415 ngày 11/8/2008 thành lập Đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại một số đơn vị sản xuất kinh doanh các mặt hàng trọng yếu thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ: Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty phân bón và hoá chất dầu khí, Công ty Phân bón miền Nam. Các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương đều nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hạ giá thành sản phẩm trọng yếu để góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một số địa phương như Thành Phố Hồ Chí Minh đã triển khai hàng loạt các biện pháp đồng bộ trong việc kiểm soát và kiềm chế tăng giá, được các hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc và đông đảo dư luận ủng hộ, hoan nghênh.
II. Công tác điều hành xuất nhập khẩu
Tình hình xuất nhập khẩu tháng 8/2008 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng có lợi cho cán cân thương mại, mặc dù nhập siêu tháng 8 là 900 triệu USD tăng so với mức 728 triệu USD (tháng 6) và 753 triệu USD (tháng 7) nhưng đã thấp hơn nhiều so với mức nhập siêu những tháng đầu năm (tháng 4 nhập siêu là 3,2 tỷ USD, tháng 5 nhập siêu là 1,9 tỷ USD).
1. Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2008 giảm nhẹ so với tháng 7/2008 do một số mặt háng tái xuất như vàng, phôi thép không còn, ước kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2008 đạt 6,1 tỷ USD đưa kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2008 lên mức 43,321 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất là nhóm nhiên liệu khoáng sản, tăng 52,6% so cùng kỳ năm 2007.
Giá xuất khẩu tăng vẫn là yếu tố quan trọng giúp giá trị xuất khẩu tăng trong khi lượng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2008 tăng 12,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2007 thì trong đó tăng do giá khoảng 8,5 tỷ USD, chiếm 70% tổng kim ngạch tăng thêm.
Dự báo các tháng cuối năm: do những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước những tháng đầu năm như lạm phát tăng cao, tỷ giá không ổn định, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao . . . đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp và cá nhân, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang có xu hướng giảm như dầu thô, gạo, cà phê. . .Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế trong nước đang có những tín hiệu khả quan nên kim ngạch xuất khẩu 4 tháng cuối năm sẽ ổn định và đạt khoảng 21-22 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 65 tỷ USD, tăng 33,9% so với năm 2007.
2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tiếp tục giảm so với tháng trước làm giảm bớt mức thâm hụt cán cân thương mại so với các tháng đầu năm, ước kim ngạch nhập khẩu tháng 8/2008 đạt 7 tỷ USD đưa kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2008 lên mức 59,286 tỷ USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó linh kiện ôtô và ôtô nguyên chiếc vẫn là những nhóm có mức tăng cao nhất, tiếp đến là phôi thép, phân bón, xăng dầu. . . là những nhóm có mức tăng cũng khá cao.
Yếu tố tăng giá là nguyên nhân chính đem lại thuận lợi cho xuất khẩu thì cũng là nguyên nhân khiến nhập khẩu tăng cao. Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2008 tăng 20,8 tỷ USD so với năm 2007 trong đó tăng do giá cũng chiếm khoảng 70% kim ngạch nhập khẩu tăng thêm.
Dự báo các tháng cuối năm, với các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ theo hướng thắt chặt tiền tệ, giảm chi tiêu công, cắt giảm đầu tư, hạn chế nhập siêu trong giới hạn 20 tỷ USD và khoảng 30% so với kim ngạch xuất khẩu, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiềm chế lạm phát và phấn đấu giữ mức nhập khẩu năm 2008 là 85 tỷ USD để thực hiện mục tiêu trên theo chỉ đạo của Chính phủ./.
__________________________
|