Báo cáo tình hình sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tháng 9 và 9 tháng năm 2008
BÁO CÁO TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP
VÀ THỦY SẢN THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG NĂM 2008
I. Tình hình sản xuất nông lâm nghiệp về thủy sản 9 tháng năm 2008
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2008 gặp một số khó khăn: thời tiết diễn biến bất thường đầu năm với đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhất từ vài chục năm trở lại đây làm thiệt hại trên 200 nghìn ha lúa và gần 18 nghìn ha mạ; khô hạn ở miền Trung và Tây nguyên; dịch bệnh gia súc, gia cầm ảnh hưởng đến phát triển đàn; nuôi cá tra phát triển tự phát và giá mua biến động bấp bênh; giá nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng nhanh. Bên cạnh những khó khăn, sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 9 tháng đầu năm cũng có nhiều điều kiện thuận lợi: (1) Có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành và sự tích cực của các đơn vị sản xuất; (2) Cho đến nay, sản xuất chưa bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa bão; sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm, thời tiết về cơ bản rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; (3) Giá nhiều loại nông sản: lúa, cà phê, cao su,...ở mức cao có lợi và khuyến khích người sản xuất tăng cường đầu tư. Do vậy, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm tăng nhiều so cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2008 theo giá so sánh 1994 ước đạt 144.399,63 tỷ đồng, tăng 5,43% so cùng kỳ năm trước; trong đó nông nghiệp đạt 103.300,46 tỷ đồng, tăng 4,78%, lâm nghiệp đạt 4.917,65 tỷ đồng, tăng 1,5%, thuỷ sản đạt 36.181,52 tỷ đồng tăng 7,91%. Kết quả sản xuất từng ngành khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản như sau:
1. Nông nghiệp
Trồng trọt
Cây lúa: Diện tích gieo cấy lúa cả năm ước đạt 7.374,3 nghìn ha, tăng 175,2 nghìn ha (+2,4%) so năm 2007 trong đó vụ đông xuân gieo cấy 3.012,5 nghìn ha, tăng 24,2 nghìn ha (+0,8%), vụ hè thu + thu đông gieo cấy 2.357,8 nghìn ha, tăng 154,3 nghìn ha (+7%), vụ mùa gieo cấy 2.004 nghìn ha, giảm 3,3 nghìn ha (-0,2%). Nguyên nhân tăng diện tích là do thời tiết tương đối thuận lợi và giá lúa từ đầu năm tăng cao nhất từ trước đến nay nên các địa phương đều chủ động hướng dẫn người nông dân cấy hết diện tích, đặc biệt là diện tích lúa vụ thu đông/vụ ba sạ trên nền lúa hè thu chính vụ ở các tỉnh ĐBSCL tăng trên 100 nghìn ha (+42%) so với năm 2007 (các năm trước các tỉnh trong vùng không khuyến khích gieo sạ vụ này).
Năm 2008 tiếp tục là năm sản xuất lúa được mùa lớn trên diện rộng. Nếu sản xuất vụ mùa và lúa thu đông trong những tháng sắp tới không bị ảnh hưởng nhiều do mưa bão và sâu bệnh thì sản lượng lúa cả năm 2008 có thể đạt trên 38,5 triệu tấn, tăng trên 2,6 triệu tấn so với năm 2007. Kết quả từng vụ như sau:
- Vụ đông xuân: Do điều kiện thời tiết thuận lợi trong vụ nên năng suất lúa cả nước đạt 60,8 tạ/ha, tăng 3,8 tạ/ha; sản lượng đạt 18,33 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn (+7,6%) và tăng đều ở các tỉnh.
- Vụ hè thu và thu đông: Đến nay các địa phương đã thu hoạch dứt điểm lúa hè thu chính vụ và đang tiến hành chăm sóc, thu hoạch lúa vụ thu đông. Vụ hè thu năm nay các tỉnh miền Nam có mưa sớm, người dân tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa hè thu và thu đông cả nước ước đạt 47,8 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha (+3,9%); Sản lượng ước đạt 11,27 triệu tấn, tăng 1,13 triệu tấn (+11,1%); trong đó các tỉnh ĐBSCL sản lượng ước đạt 9,15 triệu tấn, tăng 86,1 vạn tấn so 2007. Hiện nay bà con nông dân các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch trên 1,6 triệu ha lúa hè thu và thu đông. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, do không tiêu thụ được nên sản lượng lúa hàng hoá trong dân còn tồn khá nhiều (Kiên Giang hiện còn 60% sản lượng lúa hè thu chưa được tiêu thụ); Người dân rất cần tiêu thụ lúa để chuẩn bị vật tư cho sản xuất vụ đông xuân 2009.
- Vụ mùa: Diện tích gieo trồng vụ mùa đạt 2.004 nghìn ha bằng 98,9% so năm trước, giảm 3,3 nghìn ha, chủ yếu giảm ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị mưa lũ lớn khi gieo cấy, không có khả năng phục hồi (giảm 5,2 nghìn ha); mưa lớn các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ (-1,9 nghìn ha) và Đông Nam bộ (-3,5 nghìn ha). Cho đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi, một số diện tích đã vào chắc, nếu điều kiện thời tiết các tháng tới thuận lợi thì năng suất lúa mùa năm nay có khả năng đạt cao hơn năm trước 1-2 tạ/ha.
Cây ngô: Diện tích ngô đạt 1.075,9 nghìn ha, tăng 4,8 nghìn ha (+0,4%); năng suất ước đạt 40,1 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha (+2%). Sản lượng đạt 4.315,9 nghìn tấn, tăng 104,7 nghìn tấn (+2,5%) so cùng kỳ.
Cây hàng năm khác:
- Cây chất bột có củ: Năm 2008 diện tích sắn ước đạt 518,6 nghìn ha tăng 23,1 nghìn ha (+4,7%); sản lượng đạt 8.753,8 nghìn tấn, tăng 561 nghìn tấn (+6,8%). Diện tích khoai lang ước đạt 161,4 nghìn ha, giảm 15,2 nghìn ha (-8,6%); sản lượng đạt 1.325,6 nghìn tấn, giảm 125,5 nghìn tấn (-8,6%).
- Diện tích cây rau đậu các loại: Diện tích rau ước đạt 714,6 nghìn ha, tăng 8,1 nghìn ha (+1,1%), sản lượng 11.374,7 nghìn tấn, tăng 290,1 nghìn tấn (+2,6%); Cây đậu các loại diện tích ước đạt 196,9 nghìn ha, giảm 8,2 nghìn ha (-4%), sản lượng 177,4 nghìn tấn, tăng 0,7 nghìn tấn (+0,4%) so cùng kỳ do năng suất tăng 4,7%.
- Cây công nghiệp hàng năm: Sản lượng lạc ước đạt 534,9 nghìn tấn, tăng 24,9 nghìn tấn (+4,9%). Tuy nhiên, sản lượng một số cây công nghiệp hàng năm quan trọng khác giảm: Sản lượng đỗ tương ước đạt 265,8 nghìn tấn, giảm 9,4 nghìn tấn (-3,4%); sản lượng mía ước đạt 16.394,3 nghìn tấn, giảm 1002,4 nghìn tấn (-5,8%).
Cây công nghiệp lâu năm:
Năm 2008 giá cà phê, chè, cao su, hồ tiêu đều ổn định và ở mức cao đã kích thích người dân mở rộng diện tích cũng như chú trọng đầu tư tăng năng suất. Diện tích gieo trồng phần lớn các cây công nghiệp lâu năm tăng: chè búp ước đạt 130,6 nghìn ha, tăng 4,1 nghìn ha (+3,2%); cây cà phê ước đạt 518,1 nghìn ha, tăng 8,8 nghìn ha (1,76%); cây cao su ước đạt 601,9 nghìn ha, tăng 45,6 nghìn ha (+8,2%) do chủ trương phát triển cây cao su ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Tây Bắc; cây hồ tiêu ước đạt 49,7 nghìn ha, tăng 1,3 nghìn ha (+2,7%); Riêng cây điều ước đạt 414,3 nghìn ha, giảm 25,6 nghìn ha (-5,8%) do người dân chặt bỏ những diện tích cho năng suất thấp (Duyên hải Nam Trung bộ giảm 6 nghìn ha). Đáng lưu ý là diện tích cho sản phẩm các cây trồng tăng khá (chè búp tăng 2,4%; cà phê tăng 1,2%; cao su tăng 4,1%, hồ tiêu tăng 3,3%, điều tăng 2,4%.
Sản lượng phần lớn các loại cây lâu năm tăng khá. Sản lượng chè búp tươi ước năm 2008 đạt 759 nghìn tấn, tăng 52,4 nghìn tấn (+7,4%) trong đó sản lượng chè xuân đạt thấp do đợt rét đậm, rét hại đầu năm ở các tỉnh miền Bắc, sản lượng chè thu đạt khá do nhiều diện tích đã cho sản phẩm ổn định. Sản lượng cà phê vụ 2008 – 2009 ước đạt 1.017,6 nghìn tấn, tăng 56,3 nghìn tấn (+5,9%) so vụ năm trước, chủ yếu thời tiết đến nay khá thuận lợi, mùa mưa đền sớm, tập trung, đều khắp, cây cà phê khi trổ hoa không bị mưa. Sản lượng cao su mủ khô ước đạt 644,2 nghìn tấn, tăng 34,5 nghìn tấn (+ 5,7%) so năm trước do những tháng cuối năm giá cao su mủ khô tăng cao, người dân tích cực chăm sóc và khai thác (một số tỉnh tăng nhiều như: Bình Dương tăng 10,5 nghìn tấn, Tây Ninh 9,7 nghìn tấn). Hồ tiêu ước đạt 100,5 nghìn tấn, tăng 11,2 nghìn tấn (+12,5%) so 2007 do tăng diện tích cho sản phẩm ở Tây Nguyên và thời tiết thuận lợi, đủ nước tưới. Riêng sản lượng điều ước đạt 300 nghìn tấn, giảm 12,4 nghìn tấn (- 4%) so cùng kỳ chủ yếu do thời tiết không thuận lợi, khi điều vừa ra hoa gặp rét đậm kéo dài, rụng hoa, không đậu quả, đồng thời xuất hiện nhiều sâu bệnh hại như bọ xít muỗi, thán thư, rệp sáp, phỏng lá.
Cây ăn quả: Tổng diện tích các loại cây ăn quả đạt 786 nghìn ha, tăng 1,9% so với năm 2007. Sản lượng nhiều cây ăn quả tăng khá so với cùng kỳ như: Bòng/bưởi tăng 12% (do các có thị trường tiêu thụ trong nước tốt); xoài tăng 8,8% so cùng kỳ; cam, quýt tăng 2,7%; vải, chôm chôm tăng 0,6%. Một số cây sản lượng giảm: Nhãn giảm 6,3%, dứa giảm 0,7%.
Chăn nuôi
Sau những đợt rét đậm và dịch bệnh lan rộng trong 6 tháng đầu năm, hiện nay chăn nuôi đang có xu hướng phát triển tích cực: Đàn trâu đạt xấp xỉ năm trước, đàn bò ước tăng 3-4%, đàn lợn ước tăng 1% và đàn gia cầm ước tăng 6-7%.
Thời tiết rét đậm rét hại đầu năm, dịch tai xanh trên diện rộng, dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra ở nhiều địa phương và giá các loại thức ăn tăng cao là những nguyên nhân làm cho chăn nuôi tăng chậm hơn rất nhiều so với các năm trước.
Về tình hình dịch bệnh hiện tại, theo thông tin Cục Thú Y, đến ngày 23/9/2008 dịch cúm gia cầm trong cả nước vẫn còn một tỉnh là Bến Tre, dịch Lở mồm long móng còn Hà Tĩnh và dịch bệnh tai xanh còn tỉnh Cà Mau vẫn chưa qua 21 ngày.
2. Lâm nghiệp
Lâm sinh
Trồng rừng tập trung tháng 9 ước đạt 16,5 nghìn ha, đưa diện tích trồng 9 tháng đầu năm đạt 150,3 nghìn ha (tăng 1,3% so cùng kỳ năm trước). Trồng cây phân tán (chỉ tính cây lâm nghiệp) tháng 9 ước đạt 26,4 triệu cây, chung 9 tháng trồng cây phân tán đạt khoảng 165,1 triệu cây, bằng 99,2% so cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm, chăm sóc rừng trồng bằng 99,3% so cùng kỳ, khoanh nuôi tái sinh ước tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Khai thác lâm sản
Khai thác gỗ trong tháng 9 ước đạt 382,4 nghìn m3, chung toàn quốc trong 9 tháng ước đạt 2.435,3 nghìn m3 (+4,3% so 9 tháng năm 2007), trong đó chủ yếu là gỗ rừng trồng. Khai thác củi 9 tháng ước đạt 20.132 nghìn ste, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Tình hình bảo vệ rừng:
Năm 2008, tổ chức quản lý Nhà nước về Kiểm lâm được kiện toàn thống nhất trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã giúp chính quyền địa phương bảo vệ rừng tốt hơn và thực hiện các dự án khuyến nông, lâm theo các Chương trình 135, 132, 134 và 304. Hiện tượng cháy rừng, phá rừng đã được hạn chế. Tính chung 9 tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại 2.417,8ha, bằng 44,3% so với cùng kỳ, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.033,6ha, bằng 24,3% so với 9 tháng đầu năm 2007.
3. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thuỷ sản 9 tháng đầu năm ước tính đạt 3.408,5 nghìn tấn tăng 10,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 2.575,4 nghìn tấn, tăng 12,5%, sản lượng tôm đạt 376,5 nghìn tấn, tăng 3,3%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 9 tháng ước tính đạt 1.828,5 nghìn tấn tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.374,1 nghìn tấn, tăng 25,2%, tôm đạt 296,7 nghìn tấn, tăng 5,3%. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng nước ngọt tiếp tục tăng nhanh do từ năm trước giá cá tra lên cao, nuôi có lãi lớn và thị trường tiêu thụ được dự báo khá lạc quan nên người nuôi mở rộng diện tích và thâm canh tăng năng suất nuôi. Vùng ĐBSCL đã mở rộng diện tích nuôi và cho thu hoạch vào 6 tháng đầu năm 2008 (An Giang có 1392 ha, tăng 20,6%; Cần Thơ 1189 ha, tăng 22,1%; Vĩnh Long 450 ha, tăng 13,2%; Bến Tre 363 ha, tăng gấp 5 lần). Do diện tích, sản lượng tăng nhiều nên từ tháng 5 người nuôi cá tra gặp rất nhiều khó khăn do không bán được cá đã đến kỳ thu hoạch, dẫn đến tình trạng tồn đọng số lượng lớn trong các hộ; các doanh nghiệp chế biến thủy sản khó khăn trong việc vay vốn và biến động bất lợi của thị trường xuất khẩu thủy sản. Gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu chế biến đã góp phần tích cực giải quyết triệt để tình trạng cá tra quá lứa, tính đến cuối tháng 9 lượng cá tra quá lứa tồn đọng đã được các doanh nghiệp chế biến thu mua hết, cá tra hiện đang được giá, dự báo sẽ thiếu nguyên liệu cá tra chế biến vào những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009.
Sản xuất tôm trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh xảy ra ở nhiều địa phương. Bệnh của tôm chủ yếu là bệnh thân đỏ đốm trắng xảy ra trên các diện tích nuôi quảng canh cải tiến và quảng canh của một số tỉnh (Kiên Giang trên 40 nghìn ha, Cà Mau 34 nghìn ha, Bạc Liêu 10,2 nghìn ha, Sóc Trăng 4,5 nghìn ha,...). Một bộ phận diện tích nuôi tôm sú chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng có thời gian nuôi ngắn, đạt năng suất, giá bán thấp hơn và hiệu qua kinh tế cao. Nuôi tôm hùm ở các tỉnh Duyên Hải Miền Trung cũng gặp phải những khó khăn nhất định do giá nguyên liệu tăng cao, thời tiết không thuận lợi và bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch sữa ở các lồng nuôi năm trước không được xử lý triệt để.
Khai thác thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng ước đạt 1.580 nghìn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 1.435,5 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm trước. Thời tiết ngư trường những tháng đầu năm thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm trước, không có mưa bão lớn; ngư dân chuyển đổi nghề sang các nghề giảm tiêu hao nhiên liệu, các chủ tàu đã kết hợp với nhau tổ chức lại hoạt động đánh bắt biển theo từng nhóm tàu chuyên bám ngoài khơi, phát triển tàu dịch vụ hậu cần để tiếp tế nguyên vật liệu ra khơi và thu gom thủy sản đánh bắt về tiêu thụ. Vì vậy, tuy giá nhiên liệu và các chi phí khác tăng cao nhưng ngư dân vẫn bám biển để đánh bắt. Chủ trương hỗ trợ tiền xăng dầu, mua mới, đóng mới, thay máy tàu cho ngư dân nhiều địa phương thực hiện chậm, nên ngư dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ nên gặp khó khăn.
II. Tình hình XNK phân bón
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã nhập trên 2,68 triệu tấn phân bón các loại, so cùng kỳ 2007 tăng 14,5%, trong đó phân Urê là 640 ngàn tấn (tăng 57%), sản xuất trong nước được 3,2 triệu tấn phân bón các loại (so cùng kỳ tăng 7.15%, trong đó phân urê 610 ngàn tấn, phân NPK 2,08 triệu tấn, phân lân 1 triệu tấn).
Về nguồn cung, lượng phân nhập khẩu và sản xuất trong nước khoảng 1.25 triệu tấn, lượng tồn kho khoảng 250 ngàn tấn, tổng nguồn khoảng 1,5 triệu tấn cùng với lượng sẽ nhập trong các tháng tới sẽ đáp ứng đủ phân bón cho vụ Đông Xuân, Hè Thu và vụ Mùa các tỉnh miền Bắc vừa qua và cho vụ Mùa ở Nam Bộ đã đến.
Về thị trường, thị trường phân bón thế giới 2008 diễn biến phức tạp, giá tăng rất cao, bình quân đến nay khoảng 390 USD/tấn so với giá bình quân 2007 tăng 130 USD/tấn, đồng thời nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới bất ổn định do ảnh hưởng của thị trường dầu mỏ biến động mạnh. Hiện giá phân bón nhập khẩu ở thị trường Nga trên 730 USD/tấn, giá nhập khẩu phân bón của Trung Quốc là 8.500đ/kg. Do giá phân bón thế giới tăng nên giá bán trong nước cũng tăng theo, hiện giá phân Urê ở Nam Bộ là 8.600đ/kg, ở miền Bắc là 8.500đ/kg, đạm Phú Mỹ bán tới nông dân là 9.500đ/kg.
Nhìn chung, thị trường phân urê trong nước năm 2008 tuy gặp khó khăn nhưng vẫn đảm bảo đủ phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp và giá bán người nông dân có thể chấp nhận được.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
____________________________