BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
______
Số: 6379/BC-BKH
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
__________
Hà Nội, ngày 4 tháng 9 năm 2008
|
BÁO CÁO
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2008
I. Những kết quả đạt được:
1. Sản xuất công nghiệp đã phấn đấu khắc phục nhiều khó khăn do tác động của giá đầu vào tăng, giữ được tốc độ tăng trưởng như tháng trước
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với tháng 8 năm trước (tháng 7/2008 tăng 16,1%); tính chung cả 8 tháng đạt 43,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,1%); trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 6,5% (Trung ương tăng 9,1%, địa phương giảm 1,6%), khu vực ngoài nhà nước tăng 21,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,7%. Các sản phẩm công nghiệp trong 8 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng cao là: xe tải tăng 78%; xe chở khách tăng 73,6%; máy giặt tăng 41,5%; sữa bột tăng 34%; biến thế điện tăng 28,3%; tủ lạnh, tủ đá tăng 27,1%; ti vi các loại tăng 25,9%; xà phòng giặt các loại tăng 24,1%; thủy hải sản chế biến tăng 22,8%; bình đun nước nóng tăng 22,5%; quần áo mặc cho người lớn tăng 20,6%; ...
2. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, dịch bệnh được khống chế
Diện tích lúa mùa năm 2008 là 1.387 nghìn ha, tăng 0,6% so với vụ mùa năm 2007, trong đó các tỉnh phía Bắc 1.140,7 nghìn ha; các tỉnh phía Nam 247 nghìn ha. Các tỉnh phía Nam thu hoạch được 1.284,5 nghìn ha lúa hè thu, tăng 12,9% so cùng kỳ; trong đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1.211 nghìn ha, tăng 11,4% so cùng kỳ. Trong tháng 8, các địa phương tiếp tục gieo trồng và chăm sóc cây màu vụ hè thu, nhìn chung tiến độ gieo trồng cây màu vụ hè thu tương đương cùng kỳ năm trước.
Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh vẫn tiếp tục được duy trì và kiểm soát chặt chẽ. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, tăng cường công tác kiểm tra tình hình dịch tễ, chấn chỉnh điều kiện vệ sinh tại các cơ sở giết mổ và kiểm soát nguồn gia cầm, gia súc vào các thành phố lớn.
3. Về lĩnh vực dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 8 tháng đầu năm đạt 609,2 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2007.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách đáp ứng yêu cầu sản xuất và nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong 8 tháng đầu năm 2008, khối lượng hàng hoá vận chuyển ước đạt 390,9 triệu tấn và 113,9 tỷ TKm, tăng 11,9% về tấn và 39,9% về TKm so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách vận chuyển đạt 1.254,3 triệu lượt và 57,8 tỷ HKKm, tăng 11,6% về lượt hành khách vận chuyển và 9,3% về hành khách luân chuyển.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục hoạt động ổn định. Tính chung tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng đến hết tháng 8 năm 2008 đạt 66,7 triệu máy, đạt mật độ 77,5 máy/100 dân. Trong tháng 8, phát triển mới 63 nghìn thuê bao Internet, nâng tổng số thuê bao Internet quy đổi trên toàn mạng lên 6,1 triệu thuê bao, đạt mật độ 7,02 thuê bao/100 dân. Số người sử dụng dịch vụ Internet là 20,2 triệu người, bằng 23,5% dân số.
4. Xuất khẩu tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, kim ngạch nhập khẩu và nhập siêu thấp hơn nhiều tháng trước
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 6.100 triệu USD, giảm 6,8% so với tháng 7 năm 2008; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2.200 triệu USD. Tính chung cả 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 43.321 triệu USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 15.816 triệu USD, tăng 28%.
Tính đến tháng 8/2008, có 10 nhóm hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (tăng 2 mặt hàng so với năm 2008 là than đá và cao su), cụ thể là: dầu thô đạt 7,88 tỷ USD, tăng 53,3%; than đá đạt gần 1,02 tỷ USD, tăng 52,8; dệt may đạt 6,04 tỷ USD, tăng 20%; giày dép đạt 3,158 tỷ USD, tăng 18,5%; điện tử và máy tính 1,66 tỷ USD, tăng 26%; gạo 2,23 tỷ USD, tăng 96,1%; cà phê đạt 1,54 tỷ USD, tăng 9,2%; cao su 1,04 tỷ USD, tăng 30,5%; đồ gỗ 1,82 tỷ USD, tăng 20,5%; thủy sản đạt 2,89 tỷ USD, tăng 20,8%.
Kim ngạch xuất khẩu tăng cao một phần do giá cả thị trường thế giới tiếp tục có lợi cho xuất khẩu hàng hóa nước ta. Chỉ tính riêng do tăng giá của các mặt hàng: dầu thô, than đá, gạo, cà phê và cao su đã làm kim ngạch xuất khẩu tăng gần 5,6 tỷ USD, tương đương 18% tăng trưởng xuất khẩu; nếu loại trừ yếu tố tăng giá của các mặt hàng này thì tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 21%, cao hơn cùng kỳ năm 2007.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 năm 2008 ước đạt 7.000 triệu USD, tính chung cả 8 tháng đạt 59.286 triệu USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ; trong đó, nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 19.223 triệu USD, tăng 41,3%.
Trong 8 tháng đầu năm 2008, hầu hết các mặt hàng chủ yếu đều tăng về lượng nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2007 như: ô tô tăng hơn 3 lần, máy móc thiết bị tăng 40,9%, thép các loại tăng 38,7%, máy tính và linh kiện tăng 32,5%, giấy các loại tăng 17,5%, chất dẻo nguyên liệu tăng 18,2%, phân bón các loại tăng 4,4%,... Bên cạnh đó, giá nhập khẩu của một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng cao trong thời gian gần đây (giá xăng dầu tăng 68,46%, sắt thép tăng 29,5%, chất dẻo tăng 16,7%...) cũng làm tăng kim ngạch nhập khẩu.
Nhập siêu 8 tháng ở mức 15.965 triệu USD, bằng 36,85% kim ngạch xuất khẩu và đang trong xu hướng giảm dần (6 tháng là 14,2 tỷ, bằng 46,4% kim ngạch xuất khẩu; 7 tháng là 15 tỷ USD, 40,7%; 8 tháng là 15,9 tỷ USD, 36,8%. Riêng tháng 8 nhập siêu 900 triệu USD, là tháng thứ hai liên tiếp nhập siêu được duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD mỗi tháng).
5. Về vốn đầu tư phát triển
Thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 56 nghìn tỷ đồng, đạt 57,1% kế hoạch năm, trong đó trung ương đạt 17,1 nghìn tỷ đồng, bằng 51,7%, địa phương đạt 38,9 nghìn tỷ đồng, bằng 59,8%. Một số Bộ có mức vốn thực hiện đạt cao hơn mức chung là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 68,8% kế hoạch, Bộ Công Thương đạt 65,1%, Bộ Y tế đạt 61,8%, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đạt 60,9%, Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 58,3%...
Về vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước: Tính đến hết tháng 8 năm 2008 nguồn vốn tín dụng đầu tư ước đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, bằng 63,6% kế hoạch năm, trong đó tín dụng từ nguồn trong nước chỉ đạt 9 nghìn tỷ đồng bằng 33,5% kế hoạch năm. Nguồn vốn ODA cho vay lại đạt 4 nghìn tỷ đồng, bằng 44,4% kế hoạch năm, dư nợ bình quân tín dụng hỗ trợ xuất khẩu đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, bằng 215% kế hoạch năm.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong tháng 8 ước đạt 1 tỷ USD, (trong đó phần của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện là 850 triệu USD), đưa tổng số vốn thực hiện 8 tháng đầu năm lên 7 tỷ USD (trong đó phần của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện là 5.950 triệu USD), tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2007, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước và đã đạt 70% mức dự kiến cả năm 2008.
Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới và tăng thêm (bao gồm cả phần vốn góp trong nước) trong 8 tháng đầu năm 2008 đạt 47,2 tỷ USD, tăng 349,7% so với cùng kỳ năm 2007; trong đó vốn dự án cấp mới đạt 46,3 tỷ USD, tăng 416,4% và vốn tăng thêm đạt 833 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ.
Thu hút vốn ODA: Từ đầu năm đến ngày 22/8/2008, nguồn vốn ODA được hợp thức hoá thông qua các hiệp định ký kết với các nhà tài trợ đạt tổng giá trị 1.669 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 1.490 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 179,5 triệu USD.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2008, giá trị giải ngân ODA đạt 1.307 triệu USD, bằng 69% kế hoạch giải ngân năm 2008, trong đó vốn vay đạt 1.137 triệu USD, vốn viện trợ đạt 170 triệu USD.
6. Lĩnh vực tài chính, tiền tệ, giá cả có chuyển biến tích cực
Thu chi ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết 15/8 ước đạt 78,9% dự toán năm; trong đó thu nội địa đạt 72,8% dự toán năm, thu từ dầu thô đạt 80,3% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 94% dự toán.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/8 ước đạt 66,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 58,8% dự toán năm (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 57,4% dự toán năm); chi sự nghiệp kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh đạt 66,8% dự toán năm; chi trả nợ và viện trợ đạt 66,3% dự toán năm.
Về tiền tệ tín dụng: Trong tháng 8 tình hình đã dần đi vào ổn định, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ mức lãi suất huy động và cho vay. Tổng phương tiện thanh toán đến 31 tháng 8 ước tăng 0,84% so với 31 tháng 7 và tăng 5,77% so với 31/12/2007. Nguồn vốn huy động đến 31 tháng 8 ước tăng 0,94% so với 31 tháng 7 và tăng 10,25% so với 31/12/2007; trong đó tiền gửi bằng VND tăng 5,99%, bằng ngoại tệ tăng 24,88%. Dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đến 31/8 ước tăng 0,56% so với 31 tháng 7 và tăng 17,54% so với 31/12/2007; trong đó cho vay bằng VND tăng 17,8%, cho vay bằng ngoại tệ tăng 16,4%.
Về giá cả: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng 7 năm 2008 tăng 1,56%, trong đó nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tăng cao nhất với 9,07% do tác động trực tiếp của đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 7/2008 (mặc dù giá dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,1%); tiếp đó là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,18%; dược phẩm, y tế tăng 1,23%; nhóm hàng giáo dục tăng 1,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,11%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,0%; văn hóa thể thao giải trí tăng 1,08%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,9%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,67%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp nhất với mức tăng 0,5% (lương thực giảm 1,1%, thực phẩm tăng 0,53%, ăn uống ngoài gia đình tăng 2,77%). Chỉ số giá vàng và giá đô la Mỹ cùng giảm 2,96%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng 12 năm 2007 tăng 21,65%; trong đó: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 32,68% (lương thực tăng 57,1%, thực phẩm tăng 24,11%); phương tiện đi lại và bưu điện tăng 21,28% (trong đó giá bưu chính viễn thông giảm 9,44%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 18,78%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 10,35%; đồ uống và thuốc lá tăng 10%; các mặt hàng còn lại tăng dưới 10%. Giá vàng tăng 16,44%, giá đô la Mỹ tăng 3,78%.
7. Một số hoạt động trong lĩnh vực xã hội thu được kết quả tốt
Về giáo dục đào tạo: Đến nay, hầu hết các trường đại học và cao đẳng đã hoàn thành công tác chấm thi tuyển sinh, hậu kiểm và công bố điểm thi. Nhiều trường đại học đã thông báo về ngành học, chỉ tiêu và mức điểm xét tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2.
Trong tháng 8, các trường phổ thông tập trung chuẩn bị cho khai giảng năm học mới. Kế hoạch năm học được điều chỉnh về thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết, tăng thêm 2 tuần học ở bậc phổ thông nên ngày 25/8, hầu khắp các địa phương trên cả nước đã bước vào năm học mới. Ngày khai giảng vẫn là 5/9,nhữngcôngviệc chuẩn bị cho năm học vẫn tiếp tục được hoàn tất, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra.
Năm nay là năm đầu tiên ngành Giáo dục phát động sử dụng lại sách giáo khoa cũ, lập tủ sách dùng chung. Đợt phát động trong hè vừa qua, hơn 1,1 triệu bản sách giáo khoa cũ đã được thu mua để tặng các thư viện trường học. Đồng thời, ngành Giáo dục cũng triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu về sách giáo khoa của các địa phương. Tính đến nay, 83 triệu bản sách giáo khoa đã được phát hành tới các địa phương. Riêng học sinh vùng dân tộc thiểu số được ưu tiên cung ứng sách giáo khoa theo chương trình mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh diện chính sách cũng đã có đủ sách giáo khoa cho năm học mới.
Về lao động việc làm: Trong tháng 8, giải quyết việc làm cho khoảng 14 vạn lượt lao động, đưa tổng số lao động được giải quyết việc làm 8 tháng đầu năm 2008 lên khoảng 106 vạn lượt người, đạt 62,3% kế hoạch, trong đó lao động xuất khẩu ước đạt 5,8 vạn lượt người, bằng 68,2% kế hoạch.
Về y tế - chăm sóc sức khỏe nhân dân: Công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là phòng chống dịch sau lũ lụt tại các tỉnh miền núi phía Bắc nên trong tháng 8 không xảy ra dịch bệnh lớn.
Văn hóa - thông tin: Các phương tiện thông tin đại chúng đã tập trung tuyên truyền việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; đặc biệt trong tháng 8 tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm 63 năm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9; thông tin về các chính sách, biện pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, bình ổn nền kinh tế...
Ngành Văn hóa tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa thông tin cơ sở và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tổ chức tập huấn, liên hoan văn nghệ quần chúng và xây dựng đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Công tác cứu trợ thiên tai được thực hiện kịp thời: Do ảnh hưởng của cơn bóo số 4, từ ngày 8-12/8/2008, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn, gây lũ, lụt, làm thiệt hại lớn về người và tài sản.
Chính quyền địa phương các tỉnh bị thiên tai đã phối hợp với các ngành kịp thời huy động lực lượng cứu trợ và giúp dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, vệ sinh môi trường. Để hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ, ngày 15/8/2008 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1112/QĐ-TTg trích 220 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2008 hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại.
II. Một số khó khăn tồn tại của nền kinh tế
Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được trong 8 tháng, nền kinh tế còn một số khó khăn, tồn tại sau:
1. Các ngành sản xuất kinh doanh tuy đạt được tốc độ tăng giá trị sản xuất tương đối cao nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do thiếu vốn, lãi suất vay ngân hàng cao, giá nguyên liệu sản xuất đứng ở mức cao làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong 8 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm công nghiệp có mức tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tuy tăng 30% so với cùng kỳ nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì chỉ tăng 6,4%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước, thể hiện sức mua của người dân giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.
2. Chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng chậm lại trong những tháng gần đây nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây tăng giá trong những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm tăng cao, nhất là thực phẩm do tổng đàn lợn chưa kịp khôi phục sau dịch bệnh, thiên tai và do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư trong những tháng cuối năm sẽ gây nên sức ép tăng giá. Hơn nữa, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn..., đòi hỏi phải có sự chuẩn bị tốt về nguồn hàng và các giải pháp bình ổn thị trường.
3. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt thấp, 8 tháng đầu năm mới đạt khoảng 36% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên ngoài những khó khăn đã tồn tị của những năm trước thì việc thực hiện chậm trễ việc điều chỉnh chênh lệch giá vật liệu của các dự án; năng lực về vốn của nhà thầu yếu kém, nhất là trong điều kiện hiện nay nguồn vốn khan hiếm và lãi suất vốn vay ngân hàng cao...
4. Các vấn đề bức xúc về việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách cần phải được quan tâm thực hiện tốt các chính sách và giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đã ban hành./
______________________