Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thương mại-dịch vụ tháng 9 và 9 tháng năm 2008
BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH THƯƠNG MẠI-DỊCH VỤ THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG NĂM 2008
PHẦN I. XUẤT NHẬP KHẨU
1. Xuất khẩu:
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 9 năm 2008 đạt 5,3 tỷ USD, giảm 11,9% so với tháng 8 năm 2008; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2 tỷ USD.
9 tháng đầu năm 2008, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 48,6 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,1%.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu: dầu thô ước đạt hơn 10 triệu tấn, giảm 9,3% về lượng nhưng tăng 53,1% về kim ngạch; dệt may ước đạt khoảng 6,8 tỷ USD, tăng 20,2%; da giày 3,44 tỷ USD, tăng 18,2%; sản phẩm gỗ 2,03 tỷ USD, tăng 19,5%; linh kiện điện tử gần 1,9 tỷ USD, tăng 25,5%; thuỷ sản trên 3,3 tỷ USD, tăng 21,9%; gạo gần 3,7 triệu tấn, giảm 7,4% về lượng và tăng gần gấp đôi về kim ngạch...
Về thị trường xuất khẩu, ASEAN (tỷ trọng gần 18%), Hoa Kỳ (17,7%) và EU (16,5%) lần lượt là 3 đối tác lớn nhất và đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như Việt Nam xuất siêu vào thị trường Hoa Kỳ và EU, thì mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN rất lớn nhưng Việt Nam vẫn nhập siêu từ thị trường này.
Trong 9 tháng qua, yếu tố tăng giá trên toàn thế giới là cơ sở để tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ tính riêng sự tăng giá của các mặt hàng dầu thô, than đá, gạo, cà phê và cao su đã làm kim ngạch xuất khẩu tăng gần 6,3 tỷ USD, tương đương 18% tăng trưởng xuất khẩu; tức là nếu loại trừ yếu tố tăng giá của các mặt hàng này thì tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt khoảng 21%. Tuy nhiên, từ tháng 8, giá một số mặt hàng xuất khẩu đã có dấu hiệu giảm như giá dầu thô, gạo... Điều này có thể ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm. Mặc dù vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm vẫn có khả năng đạt được mức tăng trưởng như dự kiến (64-65 tỷ USD).
2. Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 5,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với tháng 8. Ước nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2008 đạt khoảng 64,4 tỷ USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 21,4 tỷ USD, tăng 39,5%.
Trong 9 tháng đầu năm 2008, lượng nhập khẩu tất cả các mặt hàng chủ yếu đều tăng về lượng so với cùng kỳ năm 2007 như: ô tô tăng gần 3 lần, thép các loại tăng 28%, máy móc thiết bị tăng 35,4%, máy tính và linh kiện tăng 31%, giấy các loại tăng 14%, chất dẻo nguyên liệu tăng 13,9%... Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, lượng nhập khẩu của các mặt hàng này có dấu hiệu giảm làm kim ngạch nhập khẩu cũng giảm, tình hình nhập siêu được cải thiện.
Bên cạnh yếu tố lượng, thì sự tăng giá của một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của nước ta trong thời gian gần đây cũng đóng góp một phần không nhỏ gây nên tình trạng nhập siêu. Do tăng giá của một số mặt hàng như xăng dầu (giá xăng dầu tăng 67,58%), phôi thép (+48,25%), chất dẻo (+18,6%)... đã làm kim ngạch nhập khẩu tăng thêm khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương gần 13,3% tăng trưởng nhập khẩu. Dự báo trong những tháng cuối năm, giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ giảm, gây tác động tích cực tới giá của các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, khiến giá các mặt hàng này cũng giảm theo.
Về thị trường nhập khẩu, Châu Á vẫn là đối tác lớn nhất, chiếm gần 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, riêng nhập khẩu từ ASEAN và Trung Quốc chiếm lần lượt khoảng 24,5% và 19% kim ngạch nhập khẩu; nhập siêu từ hai thị trường này 9 tháng đầu năm là khoảng 16 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 9 năm 2008, nhập siêu khoảng 15,83 tỷ USD, bằng 32,6% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) là 3,6 tỷ USD (22,74%), khu vực kinh tế trong nước là 12,23 tỷ USD (77,26%).
3. Một số giải pháp hạn chế nhập siêu các tháng cuối năm 2008:
Mặc dù tình hình nhập siêu đang có dấu hiệu tích cực và nhiều khả năng đến hết năm 2008, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu sẽ kiềm chế được ở mức 30%. Tuy nhiên, vẫn cần phải kiên trì theo đuổi các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu, tiếp tục cải thiện hơn nữa cán cân thương mại.
a. Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu:
- Ưu tiên cấp tín dụng với lãi suất hợp lý phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng cơ chế thu mua ngoại tệ có nguồn gốc từ xuất khẩu với tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.
- Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mới, đạt kim ngạch trên 100 triệu USD và có tăng độ tăng trưởng nhanh như nhóm hàng cơ khí (sản phẩm chế tạo từ gang thép, máy biến thế điện, động cơ điện), sản phẩm từ cao su, sắn các loại, thuỷ tinh và sản phẩm thuỷ tinh...
- Triển khai xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu, phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như sản xuất hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa nhằm nâng cao khả năng cung ứng nguyên liệu cho sản xuất một cách kịp thời, với chi phí thấp.
- Xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích xuất khẩu phù hợp với quy định của WTO như bảo hiểm xuất khẩu, mở rộng danh mục mặt hàng xuất khẩu hưởng chính sách tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, thực phẩm chế biến...
- Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu phải tự tính toán để thích ứng đối với các biến động của thị trường, nhanh chóng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm.
b. Giải pháp hạn chế nhập khẩu:
- Kiểm soát chặt nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu, theo đó phân chia nguồn hàng nhập khẩu theo 3 nhóm (nhóm hàng cần thiết nhập khẩu; nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu). Đối với từng nhóm sẽ có các điều kiện để tiếp cận nguồn ngoại tệ khác nhau.
+ Nhóm 1, các mặt hàng thiết yếu vẫn cần nhập khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu gồm chủ yếu nguyên nhiên vật liệu: sắt thép, phôi thép, phân bón, xăng dầu, hóa chất, bông sợi, máy móc thiết bị phụ tùng, linh kiện điện tử, tân dược.... Nhóm này chiếm khoảng 75% kim ngạch, nhưng không nên hạn chế bởi sẽ ảnh hưởng tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu.
+ Nhóm 2, các mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu: sữa, giấy, dầu mỡ động thực vật, hàng hóa khác. Các mặt hàng này chiếm khoảng 20% kim ngạch. Đối với nhóm này, biện pháp là khuyến khích dùng hàng trong nước. Ngoài ra có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với các mặt hàng này trên cơ sở tính toán nhu cầu thực tế trong nước.
+ Nhóm 3, các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu: ô tô dưới 12 chỗ, linh kiện ô tô dưới 12 chỗ, linh kiện xe máy, hàng tiêu dùng. Đối với nhóm này, ngoài biện pháp tăng thuế nhập khẩu, cần nghiên cứu biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế lưu hành (đối với phương tiện giao thông)...
- Do nhập siêu hiện nay chủ yếu nằm ở khu vực kinh tế trong nước, do vậy, cần rà soát, xem xét việc nhập khẩu phục vụ cho đầu tư và sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước có đảm bảo hiệu quả, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí.
- Đẩy nhanh việc xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu. Việc áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu bằng giấy phép có thể thực hiện trong trường hợp khẩn cấp cần hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, áp dụng biện pháp này có thể sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam, nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
- Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo xu hướng giá cả và thị trường thế giới. Định hướng nhập khẩu sát yêu cầu sản xuất cả về số lượng và thời điểm nhập khẩu. Việc lựa chọn đúng thời điểm nhập khẩu vừa làm giảm áp lực nhập khẩu vừa có thể giảm được đơn giá nhập khẩu, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho chính doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
PHẦN II. THƯƠNG MẠI NỘI ĐỊA
1. Đánh giá chung
Những tháng cuối quý III lại tiếp tục chứng kiến những biến động lớn, có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, thị trường tài chính Mỹ đã phải trải qua những ngày đen tối khi hàng loạt các tập đoàn tài chính lớn tuyên bố phá sản hoặc trong tình trạng rất xấu. Những thay đổi tiêu cực này đã có ảnh hưởng lớn đến hầu hết các thị trường tài chính lớn trên thế giới. Cho đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã phải chi 285 tỷ USD để tiếp quản Freddie Mac và Fannies Mae, rồi AIG nhằm hạn chế một cuộc khủng hoảng lớn đối với nền tài chính Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những hỗ trợ về tài chính cho đến nay vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế, và nền tài chính Mỹ nói riêng cũng như nền tài chính thế giới nói chung vẫn đang đứng trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng. Những thách thức trên thị trường tài chính Mỹ đã ít nhiều gây ra những tác động đôminô tới thị trường vàng cũng như thị trường xăng dầu thế giới, khiến 2 thị trường này đang có dấu hiệu được hâm nóng trở lại.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, bên cạnh những tác động ngoại sinh còn chịu ảnh hưởng của những nhân tố nội tại. Thiên tai, dịch bệnh tại nhiều địa phương tiếp tục có những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân. Một vấn đề nổi cộm hiện nay là hiện tượng hàng giả, hàng nhái và vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp, gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng.
1.1 Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 8 đạt 84.575 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng 8. Như vậy, luỹ kế sau 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ ước đạt 694.445 tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2007.
(Số liệu Tổng cục Thống kê)
1.2 Giá cả
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới gặp phải những biến động lớn, đặc biệt là cơn bão tăng giá ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Chính phủ đã chủ trương đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu. Với mục tiêu đó, trong những tháng vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triệt để thực hiện 8 nhóm giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 10 nhằm kiềm chế đến mức tối đa lạm phát. Thực tế những tháng trong Quý III cho thấy những nỗ lực của Chính phủ đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong lúc tình hình giá cả thế giới và trong nước đứng trước những áp lực lớn, song cho đến nay, tình hình giá cả trong nước vẫn được duy trì ổn định với tốc độ tăng giá bình quân Quý III khoảng 1%. Đây là một kết quả rất tốt nhằm đảm bảo mục tiêu bình ổn kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội do Chính phủ đề ra.
Trong những ngày cuối tháng 9, nền kinh tế thế giới chứng kiến sự biến động rất lớn từ phía thị trường tài chính Mỹ. Việc nhiều tập đoàn tài chính lớn tuyên bố đã hoặc đứng trước nguy cơ phá sản đã có tác động lớn đến mọi mặt của nền kinh tế Mỹ. Chịu tác động đôminô, xăng dầu và vàng trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên những diễn biến này chưa có tác động lớn đến chỉ số giá tháng 9.
Dự kiến chỉ số giá tháng 9 chỉ tăng khoảng 0,18% so với tháng trước, đưa chỉ số giá 9 tháng đầu năm lên mức 21,87% so với tháng 12/2007. Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2007, chỉ số giá 9 tháng đầu năm 2008 tăng 22,7%. Trong đó các nhóm hàng giảm giá lớn là dịch vụ đi lại và bưu điện (-0,48%), nhà ở và VLXD (-0,63%).
(Số liệu Tổng cục Thống kê)
2. Tình hình thị trường một số mặt hàng thiết yếu
* Xăng dầu
Tháng 9/08, giá dầu thô thế giới tăng mạnh, tăng hơn 6% với hy vọng kế hoạch của chính phủ Mỹ sẽ giúp ổn định thị trường tài chính tốt hơn. Xuất khẩu dầu từ các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu, không kể Angola và Ecuador, sẽ tăng thêm 240.000 thùng/ngày trong 4 tuần kết thúc vào 4/10. Trữ lượng dầu thô của Venezuela đã đạt 142,31 tỷ thùng, giúp Venezuela trở thành nước nhiều dầu mỏ thứ 2 thế giới, chỉ sau Arập Xêút.
Diễn biến giá xăng dầu thế giới trong 12 phiên đầu tháng 9 liên tiếp giảm và có thời điểm đã giảm xuống mức 90 USD/thùng thì đến nay giá xăng dầu đã tăng trở lại. Tính đến thời điểm 19/9/2008, tại thị trường New York, giá dầu kỳ hạn giao tháng 10 đã tăng ở mức 104,55 USD thùng. Tại thị trường London, giá dầu giao kỳ hạn tháng 10 đang ở mức 99,61 USD/thùng.
Tại trị trường trong nước, kể từ 11h ngày 16/9, giá dầu diesel đã giảm xuống 450 đồng/lít và chính thức được thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các mặt hàng xăng dầu hiện đang kinh doanh trên thị trường trong nước đã chính thức được thực hiện theo cơ chế giá thị trường quy định tại Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 6/4/07 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 9 ước thực hiện đạt 950 nghìn tấn, tương đương 86,1% so với tháng trước, lũy kế đạt 70,8% kế hoạch năn 2008; Xuất khẩu tháng 9 ước thực hiện đạt 1.080 nghìn tấn, bằng 79,5% so với lượng xuất khẩu tháng 8, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 63,4% kế hoạch xuất khẩu năm 2008.
* Sắt thép
Trong những ngày đầu tháng 9, thị trường thép và phôi thép trên thế giới tiếp tục hạ nhiệt. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do giá thép Trung Quốc giảm do lượng cầu giảm, trong khi nguồn cung sản xuất trong nước lớn. Hiện nay, trên thị trường thế giới, giá thép phế và phôi thép đều đang trong xu hướng giảm mạnh. Giá chào phôi thép Q235 Trung Quốc phổ biến ở mức 800 - 850USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, sau tháng ngâu, hiện nay lượng cầu thép trên thị trường cũng đã dần tăng lên nhằm đáp ứng tiến độ các công trình trong dịp cuối năm. Tuy nhiên theo đánh giá, thời điểm thị trường thép được nóng lên thực sự sẽ là từ cuối tháng 10 - thời kỳ cao điểm xây dựng.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép, dự kiến lượng thép sản xuất tháng 9 đạt khoảng 240.000 tấn. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, khối lượng sản xuất thép ước đạt 2,64 triệu tấn. Cùng với lượng thép sản xuất trong nước, thép nhập khẩu 9 tháng đầu năm đã góp phần đảm bảo đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng. Theo đánh giá, lượng thép nhập khẩu tháng 9 ước đạt 220.000 tấn, giảm 12% so với tháng 8. Tính chung sau 3 Quý, tổng lượng thép nhập khẩu ước tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2007, với khối lượng đạt khoảng 4,95 triệu tấn.
Do lượng cầu thép trên thị trường hạn chế, giá thép trên thị trường trong nước trong những ngày đầu tháng 9 tiếp tục ổn định. Theo báo cáo, hiện giá thép tại các địa phương duy trì ở mức 15,5 - 17 triệu tấn, trong đó giá thép tại thị trường miền Nam cao hơn thị trường miền Bắc khoảng 400 - 500.000 đồng/tấn tuỳ chủng loại. Dự báo trong những tháng cuối năm, giá thép sẽ có khả năng tăng nhẹ tuỳ theo mức tăng của nhu cầu tiêu thụ trên thị trường và diễn biến giá xăng dầu.
* Xi măng
Tháng 9, sản lượng xi măng ước đạt 3 trriệu tấn, giảm nhẹ so với tháng 8. 9 tháng đầu năm, lượng xi măng sản xuất ước đạt khoảng 30 triệu tấn, bằng 75% kế hoạch năm. Lượng clinker nhập khẩu ước đạt 2,8 triệu tấn, bằng 78% kế hoạch năm.
Do đang vào mùa mưa nên tiêu thụ xi măng đang chậm lại, tồn kho tăng. Với năng lực sản xuất hiện có của các nhà máy, dự báo sản lượng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ các tháng cuối năm với giá cả ổn định.
* Phân bón
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô có xu hướng giảm kéo giá phân bón giảm theo, hiện ở mức 730-750 USD/tấn.
Tháng 9, lượng phân urê nhập khẩu ước đạt 35 nghìn tấn, bằng tháng trước, 9 tháng lượng phân urê nhập khẩu ước đạt 634 nghìn tấn, bằng 79,3% kế hoạch năm.
Trong nước, do giá xăng dầu giảm, ngày 5/9, đạm Phú Mỹ đã giảm giá bán phân urê xuống còn 9.2000 đồng/kg, giảm 300 đồng so với tháng trước. Trên thị trường, giá bán phân urê giảm nhẹ, ở mức 8.500-9.500 đồng/kg tuỳ chủng loại và địa bàn.
Thời gian tới, dự báo giá bán phân bón tăng nhẹ do miền Bắc bắt đầu vào vụ mùa, giá dầu còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên thị trường vẫn ổn định cung
PHẦN III. DU LỊCH
Trong tháng 9, ngành Du lịch cả nước tích cực hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới (27/9), các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch tích cực tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và vị trí của du lịch. Một loạt các hoạt động Lễ hội, văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao diễn ra trong ngày như: Liên hoan văn hoá ẩm thực Nghệ An năm 2008, đăng cai tổ chức Diễn đàn Du lịch Á - Âu (ASEM), Giao lưu du lịch Quảng Đông - Việt Nam năm 2008, Lễ hội tổng kết 10 năm du lịch Hội An, Ngày hội văn hoá thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam Festival 2008 tại Nhật Bản, Lễ hội Lam Kinh năm 2008,....
Hoạt động xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, nhằm tăng phong trào bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới do Tổng cục Du lịch đề xướng, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, thông báo rộng rãi trên các website của đơn vị mình và hướng dẫn chương trình bình chọn đến du khách; gia đình; bạn bè; nhân viên đang công tác tại đơn vị của mình để tìm hiểu và bình chọn cho Vịnh Hạ Long trong thời gian sớm nhất để tạo đà, cổ vũ cho việc bình chọn Vịnh Hạ Long nhanh, nhiều nhất. Đây là cơ hội hiếm có để nước ta quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp, mến khách và giàu tiềm năng du lịch, cũng như để người dân trong nước, người Việt sống ở nước ngoài, du khách bốn phương và bạn bè trên khắp hành tinh bình chọn cho Vịnh Hạ Long.
Cũng trong tháng 9 là tháng có số ngày nghỉ lễ Quốc khách 2/9 tương đối dài, do đó lượng khách du lịch đi nghỉ dưỡng trong thời gian này cũng tăng lên đáng kể.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9 ước đạt 340 nghìn lượt khách, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách du lịch quốc tế trong 9 tháng lên khoảng 3,35 triệu lượt khách, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong 9 tháng chủ yếu từ một số thị trường như: Hồng Kông (tăng 11%), Đài Loan (tăng 6%), Malaysia (tăng 21%), Philippines (tăng 55%), Singapore (tăng 27%), Thái Lan (tăng 41%), Pháp (tăng 3%), Đức (tăng 3%), Hà Lan (tăng 7%), Thụy Điển (tăng 24%), Phần Lan (tăng 61%), Na Uy (tăng 44%), Nga (tăng 14%), Úc (tăng 4%), so với cùng kỳ năm ngoái. (Số liệu ước tính của Vụ Thương mại và Dịch vụ)
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng chủ yếu vẫn bằng đường hàng không, tuy nhiên trong 9 tháng số lượng khách du lịch đi bằng đường biển đến cảng Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh,… và bằng đường bộ từ Thái Lan đến miền Trung của Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cầu Treo cũng tăng đáng kể, chính những yếu tố này đó góp phần làm sôi động hơn ngành Du lịch của Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung.
Trong thời gian này, công suất sử dụng phòng đạt mức cao trên 70-80%, tại dịp nghỉ lễ Quốc khách 2/9 nhiều khách sạn cao cấp xếp hạng 4-5 sao tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng,.... đạt công suất 90-100%.
Số lượt khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài khá lớn, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có mức sống của dân cư cao. Công tác tổ chức đưa khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài được thực hiện tốt với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
_______________________________